Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 10/12/2015)
Ngày 9-12, kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố khóa 14 dành nhiều thời gian cho nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Với sự hỗ trợ trình chiếu, minh họa bằng các video clip đã có 4 lãnh đạo sở, ngành trả lời trực tiếp các câu chất vấn tại hội trường, được đánh giá là rõ trách nhiệm và cam kết thời gian giải quyết với nhiều vấn đề được cử tri và nhân dân thành phố quan tâm…
Ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là người đầu tiên đăng đàn trả lời về dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường 401 (từ ngã ba Quán Ngọc đến huyện Kiến Thụy), trong đó có gói thầu thi công cầu Gù (quận Đồ Sơn) kéo dài, ảnh hưởng đến việc đi lại và nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương. Ông Tuấn thừa nhận kiến nghị của cử tri là xác đáng. Theo ông Tuấn, dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo nâng cấp đường 401 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 691/2006/QĐ-UBND ngày 31-3-2006 và phê duyệt điều chỉnh lần 2 tại Quyết định số 34/QĐUBND ngày 10-1-2011 với tổng mức đầu tư hơn 58 tỷ đồng, nguồn vốn trung ương và ngân sách thành phố; trong đó việc triển khai thi công gói thầu cầu Sông Họng và cầu Gù được thực hiện từ tháng 12-2011 nhưng đến nay vẫn dở dang.
“Nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do quá trình triển khai dự án gặp vướng mắc trong bồi thường GPMB và nguồn vốn bố trí cho dự án phải điều chỉnh cơ cấu. Hiện các sở, ngành đã hoàn chỉnh thủ tục trình UBND thành phố phê duyệt về cơ cấu nguồn vốn và sẽ hoàn thành thi công hạng mục này trong năm 2016…”, ông Tuấn cam kết.
Liên quan đến trách nhiệm của thực trạng một số tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng và tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng vào giờ cao điểm, ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải xác nhận: Hiện nhiều tuyến đường bị xuống cấp nặng như: đường Ngô Quyền (đoạn từ Cty Sắt tráng men nhôm đến ngã 3 Lê Thánh Tông), đường Ngô Gia Tự (Hải An), đường 208 đoạn qua địa bàn xã Lê Lợi (An Dương), đường Đa Phúc (Dương Kinh), đường 356 (đoạn Cái Viềng - Mốc Trắng) thuộc huyện Cát Hải. Riêng về tuyến đường 208 đoạn qua địa bàn xã Lê Lợi, huyện An Dương, sẽ hoàn thành trước dịp tết Bính Thân.
Đối với dự án cải tạo sửa chữa cầu Niệm, ông Tùng cho biết thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng do Sở GTVT làm chủ đầu tư, đến nay đã hoàn thành 55% khối lượng công việc. “Vướng mắc về chậm tiến độ của dự án là việc triển khai các thủ tục xây dựng cơ bản để cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài để kiểm tra sức chịu tải của mố cầu sử dụng lại. Chủ đầu tư và nhà thầu sẽ cố gắng phấn đấu hoàn thành dự án vào tháng 8-2016”, ông Tùng cho biết. Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Đình Bích yêu cầu ngành giao thông vận tải thành phố cần sớm tham mưu cho UBND thành phố có một đề án tổng thể, trong đó ngoài giải pháp về đầu tư cần có các giải pháp cụ thể từ quản lý đến việc xử lý, phân luồng giao thông để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông.
Trước thực trạng trên địa bàn thành phố có nhiều khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ và gây mất an toàn cho người dân, ông Đỗ Trọng Đạt, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Có trên 150 nhà chung cư cũ quy mô từ 2-5 tầng với trên 10.000 hộ dân được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Để xử lý và khắc phục, thành phố đã ban hành Quyết định 1412/QĐ-UBND ngày 23-8-2010, phê duyệt đề án khắc phục chung cư cũ bị xuống cấp và quyết định về phê duyệt kế hoạch triển khai với kinh phí cần khoảng 5.400 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2012-2025. Tuy nhiên, do khó khăn nên chỉ tập trung ưu tiên xử lý các chung cư nguy hiểm nhất.
Chưa thỏa mãn câu trả lời, đại biểu Phạm Từ Thứ, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND thành phố bày tỏ bức xúc: “Đề án phê duyệt đến nay đã 5 năm mà chưa thực hiện được chứng tỏ chưa sát thực tế”. Phó chủ tịch HĐND thành phố lưu ý, đây là trách nhiệm thường xuyên của ngành Xây dựng thành phố, do đó ngay sau kỳ họp, sở cần khẩn trương cần rà soát cụ thể và xây dựng các giải pháp trước mắt và lâu dài, nhất là có phương án trong việc huy động nguồn vốn thực hiện cải tạo, xây dựng nhà ở xã hội, đáp ứng nguyện vọng và yêu cầu của cử tri thành phố.
Cũng liên quan đến trách nhiệm quản lý về kết quả thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, ông Đạt thông tin, tổng số người được hỗ trợ của thành phố là 4.876 hộ với tổng nguồn vốn thực hiện là hơn 139 tỷ đồng. Thành phố đã bố trí 20% vốn đối ứng, đến nay đã thực hiện phân bổ xong hỗ trợ đợt 1 cho 14 quận huyện với tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng và hiện đang tổng hợp danh sách để lập đề án giai đoạn 2 trình Bộ Xây dựng.
Tiếp phiên chất vấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Bách Phái giải trình về vấn đề số lượng người nghiện vào các trung tâm GDLĐ&XH giảm nhiều trong khi “thừa” số lượng cán bộ nhân viên. Theo Giám đốc Sở LĐTB&XH, nguyên nhân là cả 2 trung tâm cai nghiện (Trung tâm GDLĐ số 2 và Trung tâm Gia Minh) đều được xây dựng với công suất thiết kế để cai nghiện cho khoảng 1.200 người, trước đây số người cai nghiện tại các trung tâm này đều đạt xấp xỉ công suất thiết kế nên bộ máy phải bố trí đảm bảo quy mô hoạt động.
Hiện số người cai nghiện tại các trung tâm giảm nhiều do vướng mắc về thủ tục lập hồ sơ đi cai nghiện bắt buộc (còn trên 3.000 người nghiện ngoài xã hội chưa được áp dụng các biện pháp cai nghiện). Trong khi đó theo yêu cầu về đa dạng hóa các hình thức cai nghiện của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 thì số lượng đối tượng cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện đưa vào các trung tâm chưa đảm bảo tỷ lệ quy định nên chưa thể giảm biên chế ngay được.
Tại phiên họp cuối chiều 9-12, HĐND thành phố đã thực hiện miễn nhiệm chức vụ Phó chủ tịch UBND thành phố khóa XIV, nhiệm kỳ 2011-2016 đối với đồng chí Đỗ Trung Thoại; cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố đối với ông Vũ Công Nhĩ, đồng thời tiến hành bầu bổ sung và thông qua Nghị quyết xác nhận về bầu cử chức vụ Phó chủ tịch UBND thành phố. Theo đó, với 63/64 phiếu bầu, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Ủy viên Thành ủy, Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng, được bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND thành phố khóa XIV, nhiệm kỳ 2011-2016. (Đỗ Hiếu - An ninh Hải Phòng 10/12/2015; Báo Hải Phòng 10/12/2015)
HĐND TP Hải Phòng vừa bầu ông Nguyễn Văn Tùng - Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Cuối giờ chiều 9/12, tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP Hải Phòng khóa XIV đã tiến hành công tác giới thiệu và bầu nhân sự giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Tùng - Ủy viên BCH Đảng bộ TP Hải Phòng khóa XV, Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng được giới thiệu và bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhiệm kỳ 2011 - 2016, với số phiếu 63/64, đạt tỷ lệ 98,63%.
Ông Nguyễn Văn Tùng, SN 1964, từng giữ các chức vụ: Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và hiện đang giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng.
Đồng thời, HĐND TP Hải Phòng cũng biểu quyết thông qua việc miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đối với ông Đỗ Trung Thoại do không cơ cấu trong cấp ủy khóa XV để nhận nhiệm vụ mới; miễn nhiệm tư cách đại biểu HĐND đối với ông Vũ Công Nhĩ - Cục trưởng Cục thuế Hải Phòng để chuyển công tác khác.
Hiện, ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng vẫn đang kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND TP Hải Phòng do trong kỳ họp này chưa sắp xếp được nhân sự để HĐND Thành phố bầu Chủ tịch UBND Thành phố. (Báo điện tử VTC News; Thân Hoàng - Báo Tuổi trẻ; MH - Báo Xây dựng; Minh Lý - Báo Gia đình & Xã hội 10/12/2015)
3. Đảng ủy Quân sự thành phố: Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát
Sáng 9-12, Đảng ủy Quân sự thành phố tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện quy chế phối hợp hoạt động công tác kiểm tra, giám sát giữa Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự thành phố với Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các quận, huyện ủy thuộc Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2010-2015.
Nhiệm kỳ 2010-2015, UBKT Đảng ủy quân sự thành phố và UBKT các quận, huyện ủy thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm quy chế phối hợp. UBKT Đảng ủy Quân sự thành phố và UBKT các quận, huyện ủy chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra 6 Đảng ủy - UBKT Đảng ủy Quân sự quận, huyện; UBKT Đảng ủy Quân sự các quận, huyện kiểm tra 53 lượt chi bộ và 341 đảng viên về việc lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thi hành kỷ luật trong Đảng và kiểm tra tài chính của Đảng.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBKT Đảng ủy Quân sự thành phố và lãnh đạo UBKT quận, huyện ủy ký kết quy chế phối hợp hoạt động kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2015-2020. Theo đó, phối hợp tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: phấn đấu 100% số tổ chức đảng, cấp ủy viên, cán bộ chỉ huy cơ quan quân sự quận, huyện được kiểm tra, giám sát; kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương 35-40% số tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy...(Báo Hải Phòng 10/12/2015)
Ông Hoàng Duy Đỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, thực hiện lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ đồng tổ chức đối thoại trực tuyến qua chuyên trang đối thoại trực tuyến của Cổng thông tin điện tử thành phố cùng Bảo hiểm xã hội thành phố.
Phiên đối thoại sẽ có chủ đề: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, hướng tới Bảo hiểm y tế toàn dân. Tại buổi đối thoại, đồng chí Nguyễn Ngọc Toan, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hải Phòng sẽ chủ trì cùng lãnh đạo các phòng nghiệp vụ và Bảo hiểm xã hội các quận huyện trả lời mọi câu hỏi, vướng mắc của các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân thành phố về các vấn đề liên quan đến: lộ trình tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân; thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian diễn ra đối thoại từ 8h đến 10h ngày 15-12-2015. Chương trình sẽ tiếp nhận mọi câu hỏi của các tổ chức, cá nhân tại địa chỉ:
Email: congthongtindientu@haiphong.gov.vn; các số điện thoại 0318.608368 và 0313.3836552 (trong giờ hành chính).
Đây là lần thứ 3 Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử thành phố. (TC - An ninh Hải Phòng 10/12/2015)
Ngày 09/12/2015, TAND huyện An Dương, Tp Hải Phòng mở phiên tòa lưu động đưa đối tượng Trương Công Thịnh (sinh năm 1953, trú tại thôn Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện, huyện An Dương, Tp Hải Phòng) ra xét xử về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Theo cáo trạng, vào hồi 7h30 ngày 27/8/2015, Công an huyện An Dương đã phối hợp với lực lượng đặc nhiệm phòng chống tội phạm về ma túy số 1 thuộc Cảnh sát Biển Việt Nam tiến hành kiểm tra tại nhà riêng và bắt quả tang Thịnh đang bán ma túy cho đối tượng khác.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện thêm 17 gói giấy nhỏ bên trong có chứa chất bột màu trắng và 100.000 đồng Thịnh đang cất trong túi áo. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Thịnh, Công an còn thu giữ thêm một chai nhựa bên trong chứa chất lỏng màu hồng nghi là ma túy.
Tại bản Kết luận giám định của cơ quan Công an đã xác định: chất bột màu trắng trong 18 gói giấy nhỏ thu giữ được có thành phần heroin với hàm lượng 69%, chất lỏng màu hồng trong chai nhựa có thành phần Methadone, nồng độ 1,5mg/ml. Tổng lượng heroin thu giữ được là 0,7038 gam và 0,429 gam Methadone.
Tại cơ quan công an, Thịnh khai trước đó đã thực hiện hành vi bán trái phép chất ma túy cho đối tượng tên Huy. Bản thân Thịnh cũng là người có tiền án về ma túy, bị TAND huyện An Dương xử phạt 30 tháng tù vào năm 2012.
Tại phiên tòa, Thịnh đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nêu trên. Căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX có đủ cơ sở khẳng định đối tượng Trương Công Thịnh đã phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” vi phạm Điểm b, Khoản 2 Điều 194 BLHS, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Thịnh 8 năm 6 tháng tù giam, phạt tiền 5 triệu đồng.
* Cùng ngày, TAND huyện An Dương cũng mở phiên tòa xết xử lưu động đối tượng Nguyễn Văn Thắng (tức Minh), sinh năm 1983, ĐKHKTT tại Thôn Kim Sơn, Lê Thiện, An Dương, Tp Hải Phòng về hành vi “Trộm cắp tài sản”. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo 12 tháng tù giam. (Thành Đạt - Báo Công lý 10/12/2015)
Ngày 9-12, Trạm kiểm soát liên hợp Km 15 - Bến tàu Dân Tiến, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đã bàn giao đối tượng Ngô Văn Phương cùng tang vật là 1,2kg ma túy cho Công an thành phố Móng Cái để điều tra làm rõ.
Trước đó, vào 13h15 ngày 8-12, tổ kiểm tra thuộc Đội kiểm tra hàng hóa Trạm kiểm soát liên hợp Km 15-Bến tàu Dân Tiến đã kiểm tra xe ô tô khách 16 chỗ BKS: 14B-012.82 chạy tuyến Móng Cái-Hải Phòng.
Quá trình kiểm tra đã phát hiện đối tượng Ngô Văn Phương, sinh 1976, ở số 36C2, phường Lam Sơn, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, có hành vi vận chuyển một bọc hàng được cuốn chặt bên ngoài bằng băng dính trong suốt, bên trong có chứa các hạt tinh thể màu trắng, xác định là ma túy đá có tổng trọng lượng là 1,2kg.
Qua đấu tranh khai thác, Ngô Văn Phương khai nhận vận chuyển thuê cho một người đàn ông không quen biết ở khu vực chợ 3, phường Trần Phú, thành phố Móng Cái về Hải Hà để lấy tiền.
Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, mở rộng. (TTX - An ninh Hải Phòng 10/12/2015)
12h30’ ngày 3-12, anh Phạm Duy Thành, sinh 1984, là cán bộ Văn phòng Huyện ủy An Dương, đang trên đường đến cơ quan, khi đi qua cửa hàng gỗ mỹ nghệ Hà Thủy, thuộc thôn Cách Hạ, xã Nam Sơn, An Dương thì phát hiện một đối tượng đang bê hai pho tượng gỗ trưng bày phía trước cửa hàng lên chiếc xe máy do một đối tượng khác điều khiển đang đứng chờ gần đó có dấu hiệu đáng ngờ.
Nghi đây là những kẻ đang trộm cắp tài sản tại cửa hàng, anh Thành vội truy hô. Cùng lúc đó, hai đồng chí cán bộ Công an huyện An Dương là trung úy Phí Anh Sơn, cán bộ Đội Công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT và thiếu úy Phạm Đăng Hướng, Đội CSĐT TP về kinh tế và chức vụ vừa đi đến, nghe anh Thành truy hô đã kịp thời phối hợp bắt giữ đối tượng là Vũ Trọng Quyền, sinh 1984, ở 760 Thiên Lôi, phường Kênh Dương, quận Lê Chân.
Tại trụ sở cơ quan Công an huyện An Dương, đối tượng Quyền khai nhận: Do bản thân nghiện ma túy nên hắn đã nảy ra kế thuê xe ôm chở đi lang thang tìm cơ hội trộm cắp. Theo đó, trưa 3-12, Quyền đi bộ ra khu vực hồ Ông Báo, quận Lê Chân, gặp Đặng Quốc Bình, sinh 1973, ở 37B/246B Đà Nẵng, phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền, làm nghề xe ôm đang đứng đợi khách tại đây. Quyền nói với anh Bình chở sang nhà người quen ở huyện An Dương để lấy đồ. Anh Bình đồng ý và điều khiển chiếc xe máy BKS: 88S7-5769 chở Quyền đi vòng vo trên địa bàn huyện An Dương theo sự chỉ dẫn của Quyền. Khi xe đi qua cửa hàng gỗ mỹ nghệ Hà Thủy, thôn Cách Hạ, Quyền phát hiện thấy trước cửa hàng có trưng bày một số pho tượng bằng gỗ, không có người trông coi, liền bảo anh Bình dừng xe, đỗ bên đường chờ để y xuống “lấy đồ”. Sau đó, Quyền đi bộ ngược lại cửa hàng, bê hai pho tượng trên (qua giám định, hai pho tượng trị giá 7,7 triệu đồng), định lên xe của anh Bình tẩu thoát nhưng bị phát hiện bắt giữ.
Tinh thần cảnh giác, phối hợp bắt kẻ gian của anh Phạm Duy Thành và hai cán bộ chiến sĩ Công an huyện An Dương được nhân dân địa phương khen ngợi. (KĐ - An ninh Hải Phòng 10/12/2015)
Quá trình đô thị hóa nhanh, đường ngang dân sinh trái phép phát sinh nhiều trong khi việc trang bị hệ thống tín hiệu, cảnh báo của ngành đường sắt còn hạn chế, dẫn tới không bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường sắt trên địa bàn thành phố.
Khoảng 21 giờ ngày 6-11 vừa qua, khi đèo nhau bằng xe đạp điện băng qua đường sắt ở vị trí Km 84 + 300, là đường ngang thuộc thôn Phí Xá, xã Lê Thiện, huyện An Dương, hai nữ sinh Nguyễn Thị M. và Nguyễn Phương T. bị tàu hỏa tông thiệt mạng. Cũng tại điểm đường ngang này, ngày 18-9, xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng. Tài khách LP7 đâm vào xe mô tô BKS 34R1-21513 làm anh Nguyễn Văn B. và Nguyễn Văn T. (cùng trú tại Tống Xá, Thái Thịnh, Kinh Môn, Hải Dương) tử vong. Ngày 19-10-2015, tại điểm đường ngang ở Km 84 + 500 thuộc xã Lê Thiện, huyện An Dương, em Ngô Văn K. (xã Lê Thiện, huyện An Dương), sinh năm 2002 cũng bị tàu hỏa đâm chết khi đi xe đạp băng qua đường ngang.
Ông Lê Văn Đạm, thôn Phí Xá, xã Lê Thiện, bán nước mía ngay khu vực đường ngang nói trên cho biết, ông chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm giữa tàu hỏa với các phương tiện giao thông khi người dân băng qua đường sắt để ra vào thôn. Ở đường ngang này có biển báo giao thông và gờ giảm tốc, nhưng do gờ giảm tốc cách xa đường sắt lại bị mòn nên hầu như không còn tác dụng. Buổi tối, đoạn giao cắt không có đèn chiếu sáng nên rất khó cho người dân quan sát tàu hỏa. Người dân địa phương nắm rõ lịch tàu chạy nên có thói quen quan sát trước khi sang đường nhưng với những người từ nơi khác đến, không biết điều đó, nên dễ xảy ra tai nạn.
Chị Bùi Thị Phùng, giáo viên Trường THCS Lê Thiện bày tỏ lo ngại, đoạn đường ngang vào thôn Phí Xá tập trung một số trường học các cấp. Hằng ngày, lượng người dân, học sinh đi qua đây rất nhiều. Đường ngang hẹp, mật độ phương tiện đông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Song, nhiều năm nay, đường ngang không có rào chắn, không bố trí người gác, không có hệ thống chuông báo tự động. Với các em học sinh, mặc dù được tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên, nhưng do các em hiếu động nên ý thức chấp hành chưa cao. Trước đây, vụ tai nạn giao thông đường sắt cướp đi tính mạng một em học sinh lớp 8 của trường.
Theo Thượng tá Trần Thanh Hải, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an thành phố), tình hình tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn thành phố thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp. Từ tháng 11-2014 đến nay xảy ra 5 vụ TNGT, làm chết 5 người, bị thương 1 người. Tai nạn giao thông đường sắt tăng ở cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương. Nguyên nhân chính của các vụ TNGT đường sắt được xác định là do người điều khiển phương tiện chủ quan, không chú ý quan sát khi qua nơi giao nhau giữa đường bộ và đường sắt. Thời điểm xảy ra tai nạn thường vào buổi tối hoặc vào thời điểm vắng người. Vị trí xảy ra tai nạn đều ở các đường ngang chưa có rào chắn hoặc chưa có chuông báo tự động, trong khi tàu khách chạy qua với tốc độ cao (khoảng 60-70km/giờ). Một số trường hợp tùy tiện quay đầu xe ô tô ở đường ngang, không chấp hành biển báo hiệu khi qua đường sắt; dừng, đỗ, lùi xe, cố vượt khi chắn đóng, đèn tín hiệu hoạt động…
Nhiều kiểu vi phạm
Hải Phòng có tuyến đường sắt dài hơn 25 km đi qua 13 xã, phường thuộc huyện An Dương và các quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều đoạn đường sắt đi qua các khu dân cư đông đúc, nhà ở xây dựng san sát hai bên, làm giảm tầm quan sát của lái tàu. Nhiều đoạn hành lang ATGT đường sắt bị lấn chiếm nghiêm trọng. Dọc tuyến đường sắt dành cho tàu chở hàng từ ga về các cảng qua các tuyến đường khu vực nội thành như Trần Khánh Dư, Lê Thánh Tông… hàng quán kinh doanh san sát. Có khi hàng hóa, bàn ghế được kê sát đường ray. Mỗi khi tàu hỏa chạy qua, người dân mới thu dọn. Cung đường Ga Hải Phòng từ Km 99 + 350 đến Km 103 + 100, nhiều nhà dân sinh sống hai bên đường ray đua mái tôn, mái hiên của tầng 2 ra khoảng 70 – 80cm vi phạm hành lang 3m ATGT đường sắt. Còn trên tuyến đường sắt chạy song song với quốc lộ 5, người dân vô tư dựng lều sinh sống, bán và thu mua xăng dầu, sắt vụn; làm bãi rửa xe, bãi làm lốp và sửa xe ô tô…
Cùng với đó, tình trạng các đường ngang dân sinh trái phép “mọc lên như nấm” cũng gia tăng nguy cơ mất ATGT đường sắt. Ở các khu dân cư hoặc nơi có ruộng đồng, người dân “vô tư” mở đường ngang băng qua đường sắt. Theo quan sát của phóng viên, dọc quốc lộ 5, nơi có tuyến đường sắt chạy song song qua địa bàn 5 xã Lê Thiện, Đại Bản, An Hưng, Tân Tiến, Nam Sơn (huyện An Dương), nhiều hộ dân kê thêm tấn đan bê tông, tấm gỗ ở giữa đường ray tàu hỏa, tạo lối đi tắt ra quốc lộ. Nhiều đường ngang do người dân tạo ra để đi ra đồng ruộng, nhưng cũng đủ để xe công nông và các xe thô sơ khác vận chuyển nông sản qua. (Minh Ngọc - Báo Hải Phòng 10/12/2015)
Chiều 9-12, ông Lê Xuân Tú, Phó Giám đốc Ban quản lý khai thác đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cho biết kể từ khi tuyến cao tốc này đưa vào vận hành, đã có ít nhất 5 vụ người dân ném đá vào những lái xe đang lưu thông trên cao tốc. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Hải Dương xảy ra 3 vụ, địa bàn TP Hải Phòng xảy ra 2 vụ.
"Đây là hành vi rất nguy hiểm, vừa gây thiệt hại tài sản vừa có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của người tham gia giao thông" - ông Tú nói.
Cụ thể, vào cuối tháng 10-2015, anh Trần Xuân Dưỡng (TP Hải Phòng) điều khiển xe ô tô Toyota Fortuner trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (vận tốc thiết kế tối đa 120 km/giờ). Khi anh Dưỡng đi qua cầu vượt km89 (phường Hòa Nghĩa, TP Hải Phòng) bỗng bị một hòn đá khá to ném trúng kính. Do bất ngờ và đang lưu thông với tốc độ cao, chiếc xe của anh Dưỡng loạng choạng khiến những người ngồi trong xe giật mình, hoảng sợ. Khi dừng xe kiểm tra, anh Dưỡng phát hiện kính phía trước ô tô bị nứt vỡ. Sau đó anh phải thay kính trước của xe ô tô mất hơn 10 triệu đồng.
Tiếp đó, vào khoảng 21 giờ 30 ngày 27-10, anh Bùi Văn Hà điều khiển xe ô tô trên tuyến cao tốc này (địa phận tỉnh Hải Dương) đã bị một một số người đứng trên cầu vượt ném đá làm vỡ kính bên lái. Khi về đến trạm thu phí cuối tuyến, anh Hà đã phản ánh sự việc với nhân viên quản lý cao tốc.
Vụ việc mới đây nhất là vào tối 17-11, một chiếc xe tải 2,5 tấn lưu thông trên cao tốc thuộc địa bàn xã Gia Khánh (Hải Dương) cũng bất ngờ bị ném đá lên kính trước và thùng xe khi đi ngang một cầu vượt ở Hải Phòng.
“Sau khi nhận được phản ánh của lái xe về hiện tượng ném đá, chúng tôi phối hợp với công an địa phương ở hai tỉnh Hải Phòng, Hải Dương phát hiện, bắt giữ được một số người ném đá. Tuy nhiên, phần lớn những người ném đá đang là học sinh, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên chỉ nhắc nhở gia đình, nhà trường giáo dục các em” - ông Tú cho biết.
Cụ thể, ngày 2-11, đội tuần đường đã phát hiện 2 thiếu niên ném đá và giao công an xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương xử lý. Cả 2 đang là học sinh lớp 8 tại địa phương, cho rằng đây chỉ là trò vui, không biết là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo ông Tú, ngoài hiện tượng ném đá trên cao tốc, hiện nay hiện tượngrải vàng mã của các xe phục vụ tang lễ trên cao tốc đoạn từ tỉnh lộ 353 đến Quốc lộ 10 cũng gây nguy hiểm cho các xe. Trung bình mỗi ngày có 10-12 đoàn xe phục vụ tang lễ đi trên cao tốc. “Với tốc độ lưu thông tối đa là 120 km/giờ, giấy tiền vàng bay vào kính làm khuất tầm nhìn người lái xe. Điều này rất nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện đang lưu thông”- ông Tú nói.
Ban quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã đặt tấm biển lớn với dòng chữ “cấm rải vàng mã trên đường cao tốc” để cảnh báo người dân. (Nguyễn Thế - Báo Tuổi trẻ; Định Nguyễn- Soha News 10/12/2015; vietq.vn 10/12/2015; Báo điện tử Người đưa tin 10/12/2015)
UBND huyện Cát Hải vừa tổ chức hội nghị tổng kết chủ đề năm 2015 của thành phố: “Phục hồi kinh tế - Đổi mới mô hình tăng trưởng “ và của huyện: “Quy hoạch - Du lịch - Xây dựng nông thôn mới”.
UBND huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức công bố Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Về chủ đề du lịch, huyện đã chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để quảng bá du lịch, chỉ đạo xây dựng kế hoạch đảm bảo các điều kiện cho mùa du lịch hè năm 2015 trên địa bàn huyện; thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Đặc biệt, năm 2015, huyện Cát Hải phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam và Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tổ chức thành công Hội thảo xúc tiến liên kết, phát triển du lịch Cát Bà Xanh.
Thực hiện quảng bá tuyên truyền trên 14 báo, đài trung ương và thành phố; căng treo hơn 150 pano tuyên truyền về quần đảo Cát Bà - khu dự trữ sinh quyển thế giới, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đặc biệt; tổ chức cấp đăng ký niêm yết giá và bán theo giá niêm yết cho 177/178 khách sạn, nhà nghỉ và 60/61 nhà hàng, duy trì tốc độ phát triển tương đối ổn đinh; các chỉ tiêu cơ bản đều tăng so với cùng kỳ 2014. Tổng số khách đến Cát Bà năm 2015 ước đạt 1.568.000 lượt, tăng 3,6% so với năm 2014. Tổng doanh thu từ du lịch - dịch vụ ước đạt 769 tỉ đồng, đạt 96,1% kế hoạch năm, tăng 14,6% so với năm 2014.
Về chủ đề xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy đã rà soát quy hoạch, điều chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện kinh tế các địa phương. Năm 2015, huyện Cát Hải có 6 xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 12-2015, bình quân các xã đạt 18.83/19 tiêu chí, trong đó các xã Trân Châu, Xuân Đám, Phù Long, Việt Hải, Hiền Hào đạt 19/19 tiêu chí, xã Gia Luận đạt 18/19 tiêu chí…(PĐT - An ninh Hải Phòng 10/12/2015)
Theo số liệu thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố 11 tháng năm 2015 đạt 72.692,3 tỷ đồng, tăng 12,61% so với cùng kỳ năm 2014.
Tính riêng tháng 11, doanh thu bán lẻ và dịch vụ trên địa bàn thành phố đạt 7.580,9 tỷ đồng, tăng 14,85% so với năm trước. Cụ thể doanh thu bán lẻ đạt 5.746,7 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 1.136,9 tỷ đồng; doanh thu du lịch lữ hành 9,3 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ khác đạt 687,85 tỷ đồng. Một số ngành hàng có doanh thu tăng như đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng trên 4,1%; hàng may mặc tăng 5,34%, lương thực tăng 6,94%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 7,33%; xăng dầu tăng 10%...
Đánh giá cho thấy, doanh thu thương mại tăng cao chủ yếu ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước, như như Cty cổ phần dược phẩm Hải Phòng tăng 7,96%; Công ty TNHH thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Trọng Tiến tăng 11,88%; Cty CP thương mại quốc tế và siêu thị Big C Hải Phòng - doanh nghiệp chiếm gần 98% kết quả tăng 6,95%... so với cùng kỳ năm trước. (LMT - An ninh Hải Phòng 10/12/2015)
Mới đây, nhân hội nghị xúc tiến đầu tư do UBND thành phố phối hợp với Công ty cổ phần Khu công nghiệp Đình Vũ tổ chức tại thủ đô Hà Nội, đại diện các nhà xuất nhập khẩu quốc tế phàn nàn, cùng với phí giao thông tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ở mức rất cao thì phí quốc lộ 5 tăng chóng mặt, dẫn đến làm tăng chi phí vận tải, ảnh hưởng tới sức hấp dẫn của hệ thống cảng biển Hải Phòng.
Giá cước vận tải sẽ tăng 10-15%
Theo quy định của Bộ Tài chính mức thu phí sử dụng đường bộ tại hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 sẽ tăng mạnh, từ 30.000 - 200.000 đồng/vé/lượt, tùy theo các nhóm xe (chia thành 5 nhóm xe). Theo đó, mức thu phí đường bộ quốc lộ 5 tại 2 trạm sẽ được điều chỉnh theo 2 giai đoạn: Từ 1-12-2015 đến hết ngày 31-3-2016, mức phí một lượt cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 30.000 đồng, mức cao nhất với xe trên 18 tấn là 160.000 đồng; từ sau 31-3-2016, mức tăng phí lên tương ứng 45.000 đồng và 200.000 đồng.
Từ đầu năm 2016, dự án nâng cấp quốc lộ 5 theo hình thức BOT sẽ được chuyển giao cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi). Nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tuyến đường này bằng nguồn kinh phí thu được từ các trạm thu phí. Tổng số tiền thu phí hằng năm sau khi trừ các khoản thuế theo quy định sẽ được dùng để hoàn vốn cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Sốc với thông tin này, nhiều doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng cho biết, với mức thu phí như trên thì chắc chắn phải tăng cước vận tải. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Anh Tuấn, cho biết bộ phận kinh doanh của công ty đang phải đau đầu tính toán giá cước mới bởi giá vừa tăng đợt đầu năm mà bây giờ tăng tiếp thì sẽ bị khách hàng phản đối. Vì mỗi xe container hiện nay đi đăng kiểm phải đóng phí bảo trì đường bộ khoảng 1,8 triệu đồng/tháng, cộng với mức thu qua hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 thì mỗi xe container sẽ tăng lên 400.000 đồng/lượt, doanh nghiệp chỉ còn cách phải tăng giá cước. Theo các nhà xe, với mức thu phí mới, mỗi ôtô chở khách qua hai trạm thu phí quốc lộ 5 phải chi thêm khoảng 1,2 triệu đồng/tháng để bù đắp cho chi phí này, giá vé sẽ tăng khoảng 10-15%”…
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - nhà đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, việc tăng phí trên trạm quốc lộ 5 là theo lộ trình phương án tài chính dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được Thủ tướng chấp thuận. Theo đó, nguồn thu hoàn vốn chủ yếu của dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là từ khoản thu phí đường cao tốc và thu phí quốc lộ 5.
Giảm sức hấp dẫn của hệ thống cảng biển Hải Phòng
Với lợi thế về địa lý, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguồn nhân lực hàng hải chất lượng cao, Hải Phòng là sự lựa chọn hàng đầu đối với các hãng tàu biển nước ngoài mở tuyến hàng hải khai thác tại thị trường vận tải Việt Nam. Tính đến thời điểm này, đã có trên 29 hãng tàu biển nước ngoài mở văn phòng đại diện và tham gia vào chuỗi dịch vụ cung ứng hàng hóa tại khu vực cảng biển Hải Phòng.
Theo số liệu được Ngân hàng Thế giới đưa ra tại hội thảo “Chi phí vận tải ở Việt Nam” do Bộ Giao thông vận tải tổ chức tại Hà Nội vào tháng 2-2014, chi phí logistics ở Việt Nam nằm ở khoảng 20,9 - 25% GDP, cao hơn 10% so với bình quân của các nước đang phát triển trong khu vực. Nếu tính trên giá trị, Việt Nam hiện chi cho logistics nhiều hơn khoảng 10-15 tỷ USD/năm so với những nước có cùng trình độ phát triển. Điều này có nghĩa là, toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam phải “cõng” thêm chi phí từ 10 đến 15 tỷ USD/năm, khiến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam bị giảm đáng kể.
Ngân hàng Thế giới nêu ra một số nguyên nhân khiến dịch vụ logistics ở Việt Nam có chi phí lớn, đó là nhiều chi phí “không tên”; ngành vận tải đường bộ còn thiếu sự liên kết, chưa cung cấp được những dịch vụ đủ tiêu chuẩn cho chủ sở hữu hàng hóa; chưa khai thác hết tiềm năng của các cảng nước sâu…
Theo báo cáo Nghiên cứu toàn diện về phát triển hệ thống giao thông vận tải Việt Nam (Visstran2) năm 2010 của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica), tỷ trọng chi phí logistics của các doanh nghiệp trung bình là 20%, được tổ hợp từ các chi phí: vận tải, lưu kho, xử lý lô hàng, thông tin và xử lý đơn hàng, chi phí mờ (chi phí phát sinh do tắc nghẽn giao thông, do ô nhiễm môi trường…). Trong số các chi phí trên, chi phí vận tải chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 56%, tương đương 11,2% giá trị thành phẩm.
Theo một lãnh đạo Vidifi, mức thu hiện nay trên tuyến quốc lộ 5 chưa thay đổi qua 10 năm nên việc điều chỉnh phí là phù hợp với lộ trình. Đây là giải pháp nhằm tăng thêm nguồn thu, bảo đảm phương án tài chính cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ tại Việt Nam hiện cao hơn khoảng 20% so với Thái Lan, Lào, Campuchia. Ngoài chi phí đầu vào cao (giá xe tải tại Việt Nam hiện cao hơn khu vực từ 55% đến 60%), công tác tổ chức lại chưa khoa học nên hệ số sử dụng trọng tải xe tối đa chỉ đạt 60% với vận tải hàng hóa. Tức là, 80% xe tải tại các doanh nghiệp chỉ chở hàng 1 chiều, góp phần đẩy chi phí vận tải tăng cao.
Chi phí logistics ở Việt Nam cao, chất lượng dịch vụ vận tải chưa đáp ứng yêu cầu nên càng khó nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua hệ thống cảng biển Hải Phòng. (Trần Phương - An ninh Hải Phòng 10/12/2015)
Theo công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiên Lãng, thực hiện Nghị quyết số 12 của HĐND thành phố (khóa 13) về cải tạo, nâng cấp trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện Tiên Lãng tổ chức thực hiện theo kế hoạch bố trí vốn của thành phố. Đến nay, tổng số trạm bơm điện được cải tạo, nâng cấp trong 5 năm qua (2010-2015) là 38 trạm với công suất từ 700 m3 - 1.200 m3/giờ. (Báo Hải Phòng 10/12/2015)
Tại trụ sở Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố, Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm chất độc da cam Cộng hòa Pháp do bà Tạ Thị Thịnh Trưởng văn phòng đại diện tại Hà Nội vừa trao số tiền hơn 54 triệu đồng cho 15 con, cháu nạn nhân nhiễm chất độc da cam ở 6 quận, huyện trên địa bàn thành phố đợt 2 năm 2015. Trong đó, có 13 cháu được nhận hỗ trợ thường xuyên 1 năm hai đợt; mỗi đợt trung bình từ 1,5 - 3 triệu đồng/người.
Được biết, Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm chất độc da cam Cộng hòa Pháp và Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố phối hợp hỗ trợ thường xuyên con, cháu nạn nhân nhiễm chất độc da cam từ năm 2009 đến nay với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng. Đây là số tiền do các tổ chức, tập thể, cá nhân người Pháp giúp đỡ, hỗ trợ, trợ dưỡng thường xuyên con, cháu nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại thành phố như: hỗ trợ học bổng, khám chữa bệnh, vay vốn phát triển kinh tế gia đình. (MH - An ninh Hải Phòng 10/12/2015)
Tổng số hộ được hỗ trợ là 4.876 hộ. Trong đó 2.099 hộ được hỗ trợ xây dựng mới (40 triệu đồng/hộ); 2.777 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà (20 triệu đồng/hộ). Tổng nguồn vớn thực hiện là 139,5 tỷ đồng. Hiện UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện tổng hợp báo cáo số hộ thực hiện tiếp đợt 2 của đề án. (Báo Hải Phòng 10/12/2015)
UBND huyện Thủy Nguyên vừa triển khai thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị (gói thầu F) dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư Gia Minh, phục vụ giải phóng mặt bằng hợp phần quản lý chất thải rắn thuộc Dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng (giai đoạn 1). Đây là gói thầu sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Đơn vị trúng thầu là liên doanh Cty CP tập đoàn Việt Úc và Cty TNHH Trung Hạnh. Giá trị hợp đồng hơn 171,8 tỷ đồng. (Báo Hải Phòng 10/12/2015)
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ra quyết định thu hồi và cảnh báo trên toàn quốc sau khi cơ quan chức năng tỉnh Trà Vinh phát hiện thuốc Amoxicilin giả trên thị trường. Thuốc Amoxicilin là loại kháng sinh được sử dụng rộng rãi để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.
Lô thuốc Amoxicilin giả là loại viên nén 500mg, được Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Trà Vinh lấy mẫu tại đại lý thuốc Mỹ Anh ở ấp Vĩnh Hưng, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, để xét nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, mẫu thuốc này không cho phản ứng định tính của hoạt chất Amoxycilin.
Vì vậy, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã yêu cầu Sở Y tế Trà Vinh phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra đại lý thuốc vừa nêu cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan để truy tìm nguồn gốc, xuất xứ lô thuốc giả và xử lý theo quy định pháp luật. Yêu cầu đại lý thuốc Mỹ Anh phải thu hồi khẩn cấp toàn bộ số lượng thuốc đã xuất bán và báo cáo chi tiết số lượng nhập, xuất, còn tồn kho đối với thuốc viên nang Amoxicilin 500mg giả.
Thực hiện công văn của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Sở Y tế Hải Phòng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh thuốc không được buôn bán, sử dụng thuốc viên nang Amoxicilin 500mg có số đăng ký lưu hành YD-4682-08; số lô 0090409; NSX 12-2014, HD 12-2017. Đơn vị sản xuất là Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Vidipha. (PV - An ninh Hải Phòng 10/12/2015)
UBND quận Kiến An vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác quận sự - quốc phòng (QS-QP) địa phương năm 2015, triển khai nhiệm vụ công tác QS-QP địa phương năm 2016.
Năm 2015, mặc dù còn một số khó khăn, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, mà trực tiếp là Đảng ủy, thủ trưởng Bộ CHQS thành phố và sự giúp đỡ của các cơ quan Bộ CHQS thành phố, LLVT quận Kiến An đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ QS-QP, giữ vững thành tích đã đạt được, tiêu biểu là: duy trì nghiêm công tác huấn luyện SSCĐ, bảo đảm an toàn tuyệt đối các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, quân đội, địa phương.
Trong đó, hoàn thành nội dung chương trình huấn luyện cho các đối tượng theo đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn tuyệt đối; làm tốt công tác tuyên truyền phục vụ Đại hội Đảng bộ Quân khu 3, thành phố và quận, được cấp trên khen thưởng; thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và giáo dục quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; hoàn thành tốt nhiệm vụ giao quân và các chỉ tiêu động viên quân đội. LLVT quận được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tiếp tục được Quân khu 3 tặng cờ thi đua xuất sắc…
Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác QS-QP địa phương năm 2016, LLVT quận quận Kiến An xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, hoàn thành nội dung, chương trình huấn luyện cho các đối tượng; xây dựng và phát triển lực lượng dân quân tự vệ; hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng và một số nhiệm vụ trọng tâm khác…
Nhân dịp này, Ban CHQS quận vinh dự được nhận cờ thi đua xuất sắc của Bộ tư lệnh Quân khu 3; 16 tập thể, 58 cá nhân được các cấp biểu dương, khen thưởng. (Tống Trọng - An ninh Hải Phòng 10/12/2015)
Tháng cao điểm “Vì người nghèo” thành phố do Ban vận động “Ngày vì người nghèo” được phát động từ ngày 17-10 đến 18-11-2015 trong toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp cùng các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, đóng góp xây dựng quỹ năm 2015.
Đến nay, Ban vận động “Ngày vì người nghèo” thành phố đã tiếp nhận được 43 tập thể, cá nhân đóng góp, ủng hộ với tổng kinh phí trị giá 1.337.586.081 đồng. Năm 2014, quỹ “Vì người nghèo” thành phố đã làm tốt công tác thăm, tặng quà và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả như thăm, tặng quà trong dịp lễ tết, hỗ trợ kinh phí xây nhà Đại đoàn kết, trợ cấp giống vốn cho hộ nghèo, người tàn tật, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất; hỗ trợ kinh phí cho nhân dân tỉnh Quảng Ninh và huyện Cát Hải khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vào đầu tháng 7 gây ra.
Nhìn chung, cuộc vận động trên địa bàn thành phố tiếp tục nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các tổ chức doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân thành phố tham gia ủng hộ giúp đỡ người nghèo. Quỹ đã mang lại hiệu quả thiết thực về giúp đỡ hộ nghèo cải thiện điều kiện nhà ở, phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm để người nghèo tự tin để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để tiếp tục đóng góp trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân thành phố. Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN - Ban vận động “Ngày vì người nghèo” thành phố kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ xây dựng quỹ hoạt động có hiệu quả. Mọi sự ủng hộ xin chuyển về: Ủy ban MTTQVN thành phố Hải Phòng - Tài khoản số 3761; mã ĐVQHNC: 1003001; mã CTMT, DA và HTCT: 91046 tại Kho bạc nhà nước thành phố Hải Phòng hoặc Ủy ban MTTQVN thành phố, số 51 Điện Biên Phủ - Hồng Bàng, Hải Phòng. (TC - An ninh Hải Phòng 10/12/2015)
Theo phòng Kinh tế hạ tầng huyện An Lão, hiện trên địa bàn huyện có 2 làng nghề: mây tre đan thôn Tiên Cầm, xã An Thái và làng nghề cây cảnh thông Mông Thượng, xã Chiến Thắng được thành phố công nhận là làng nghề cấp thôn. Hai làng nghề này thu hút khoảng 2000 lao động, mỗi tháng thu nhập 1,8 - 2 tỷ đồng. (Báo Hải Phòng 10/12/2015)
Sáng 8-12, Hội chữ thập đỏ thành phố phối hợp với Công ty cổ phần DAP - VINACHEM tổ chức trao phân bón tặng 60 hộ nghèo của 2 xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng và xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo với tổng giá trị gần 20 triệu đồng.
Là một trong những doanh nghiệp sản xuất phân bón hàng đầu của Việt Nam với nhiều giải thưởng uy tín, nhiều năm qua, Công ty cổ phần DAP luôn đồng hành cùng Hội chữ thập đỏ thành phố trong nhiều chương trình thiện nguyện xã hội: tặng quà tết cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm Thiện Giao, tặng phân bón cho nông dân nghèo ở 2 huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng…
Tại buổi lễ, đại diện công ty hướng dẫn các hộ nông nghiệp cách sử dụng phân bón hiệu quả, qua đó giúp người dân ứng dựng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; cung cấp kiến thức sử dụng phân bón sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường, giúp nâng cao chất lượng nông sản, góp phần xây dựng nông thôn mới. Sau buổi trao tặng, các cán bộ Hội chữ thập đỏ 2 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo phối hợp với Phòng nông nghiệp địa phương tiếp tục hỗ trợ, tư vấn giúp các hộ nhận phân bón thực hiện đúng quy trình mà công ty hướng dẫn. (MH - An ninh Hải Phòng 10/12/2015)
Hội chữ thập đỏ huyện Cát Hải vừa tổ chức khánh thành và bàn giao nhà nhân ái có diện tích 40 m2 được xây dựng với số tiền 68 triệu đồng tặng bà Phạm Thị Nguyệt tại thôn Đình, Xã Hoàng Châu. Bà Nguyệt thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nuôi 2 cháu nhỏ mồ côi mẹ, không đủ điều kiện kinh tế xây dựng nhà để ở. (Báo Hải Phòng 10/12/2015)
Bãi rác tạm ở khu 6 thị trấn Tiên Lãng được hình thành từ năm 2011. Do không được xử lý đúng quy định nên tồn ứ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân thị trấn Tiên Lãng và một số xã lân cận.
Ồng Phạm Văn Ty, Phó chủ tịch UBND thị trấn Tiên Lãng cho biết: bãi rác này được UBND huyện Tiên Lãng cho phép Công ty CP Thương mại Du lịch Thành Vinh (Công ty Thành Vinh) sử dụng làm nơi tập kết, chôn lấp rác thải sinh hoạt cho toàn bộ nhân dân thị trấn Tiên Lãng, trên diện tích gần 2 ha. Tuy nhiên, trong quá trinh hoạt động từ năm 2011 đến nay, ngoài việc tổ chức thu gom rác ở thị trấn Tiên Lãng, Công ty Thành Vinh còn mở rộng phạm vi thu gom rác trên địa bàn các xã Quang Phục, Bạch Đằng, Đoàn Lập, Tiên Minh, tập kết về bãi tạm chân cầu Khuể đổ là chủ yếu, chôn lấp là phụ. Vì vậy, sau 5 năm qua, bãi rác quá tải.
Hơn nữa, do bãi rác chưa có tường bao, rào chắn, nên rác đổ không được kiểm soát chặt chẽ, tràn sang diện tích đất của đơn vị khác; phát tán mùi hôi ra môi trường chung quanh, nhất là những khi có gió to, không chỉ người thị trấn Tiên Lãng, mà nười dân xã Quyết Tiến, Tiên Tiến, Quang Phục cũng hứng chịu mùi hôi từ bãi rác phát tán ra. Đáng chú ý, thời gian qua, việc chôn lấp, xử lý rác chưa được Công ty Thành Vinh thực hiện đúng quy trình xử lý rác, chủ yếu tập kết rác, chưa xử lý chôn lấp triệt để. Thêm vào đó, các cơ quan chuyên môn của huyện và chính quyền địa phương còn thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát việc xử lý rác của doanh nghiệp. Thực tế, công ty chưa thực hiện đúng đê án được UBND huyện Tiên Lãng phê duyệt, đổ rác không đúng quy định, để một số đơn vị khác đổ trộm rác công nghiệp trái phép, gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến bức xúc trong nhân dân địa phương.
Tại nhiều kì tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố, nhiều người dân huyện Tiên Lãng phản ánh bãi rác hiện quá tải, gây ô nhiêm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân địa phương, nhất là đối với nhân dân khu 6, thị trấn Tiên Lãng ở gần bãi rác. Bà Mại Thị Mầy, người dân thị trấn Tiên Lãng cho biết: hằng ngày chúng tôi phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc từ bãi rác. Tình trạng này kéo dài nhiêu năm chưa được giải quyết triệt để, không chỉ ảnh hưởng sức khỏe người dân, mà còn gây mất mỹ quan nơi cửa ngõ dẫn vào huyện Tiên Lãng. Với những bất cập trên, người dân thị trấn Tiên Lãng mong muốn chính quyền, cơ quan chức năng huyện Tiên Lãng sớm có phương án di chuyển bãi rác tạm này sang địa điểm khác phù hợp hơn.
Tại cuộc kiểm tra thực trạng bãi rác tạm chân cầu Khuể, Chủ tịch UBND huyện Trần Đình Vịnh yêu cầu Công ty Thành Vinh và Công ty CP xây dựng tổng hợp Tiên Lãng quản lý đúng phần diện tích đất được giao, sử dụng đúng mục đích. Đồng thời, giao cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát lại các thủ tục pháp lý về diện tích đất đang sử dụng của 2 đơn vị. Theo đó, xác định, phân định rõ ranh giới đất giữa 2 đơn yị bằng hệ thống cọc bê tông và lưới B40 hoặc xây tường bao; xác định rõ đường vào bãi rác chỉ có 1 cổng, nghiêm cấm việc mở cổng phụ, để ngăn chặn nạn đổ rác trộm vào ban đêm; yêu cầu Công ty Thành Vinh thực hiện đúng Đề án thực hiện xã hội hóa công tác thu gom và vận chuyển rác thải rắn, vệ sinh mối trường tại thị trấn Tiên Lãng đã được phê duyệt; giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện báo cáo xin ý kiến các sở, ngành thành phố về việc quy hoạch xây dựng lò đốt rác để xử lý tốt vấn đề rác thải, sớm tìm địa điểm phù hợp thay thế bãi chôn lấp rác hiện tại ở chân cầu Khuể. (Tiến Anh - Báo Hải Phòng 10/12/2015)
Chuẩn bị cho mùa giải 2016, CLB Hải Phòng đã chốt toàn bộ danh sách các cầu thủ, BHL với nhiều sự bổ sung đáng chú ý về lực lượng. Theo chủ tịch Trần Mạnh Hùng cho biết: Hiện tại, CLB Hải Phòng đã chốt danh sách các cầu thủ, BHL để bước vào luyện tập, thi đấu giao hữu chuẩn bị cho mùa giải 2016. Hải Phòng được bổ sung nhiều gương mặt mới ở cả BHL và cầu thủ với mục tiêu chuẩn bị thật tốt trước khi bước vào thi đấu tại V. League 2016.
Kết thúc mùa giải 2015, Hải Phòng chia tay Đức Dương, Đồng Đức Thắng, Nguyễn Anh Tuấn, Lê Sỹ Mạnh, Thanh Thắng, Đinh Tiến Thành cùng hai cầu thủ hết hạn mượn từ SLNA là Đậu Thanh Phong và Văn Đức. Chuẩn bị cho mùa giải mới, đội bóng đất Cảng đã bổ sung nhiều cầu thủ chất lượng đặc biệt là ở hàng công với sự có mặt của Lê Văn Thắng, Nguyễn Hồng Việt, Nguyễn Cảnh Dương, Lê Văn Sáu, Lê Xuân Anh, Lê Xuân Hùng cùng sự trở về của Thanh Tùng và Quang Huy sau khi hết hạn cho mượn từ Cần Thơ.
Đặc biệt ở giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải mới, CLB Hải Phòng có nhiều sự bổ sung ở vị trí trợ lý cho HLV Trương Việt Hoàng. Trợ lý Phạm Quang Thành đã trên 60 tuổi được cho nghỉ và thay thế bằng hai cựu cầu thủ của Hải Phòng ở mùa giải trước là Ngô Anh Tuấn và Lê Sỹ Mạnh. Như vậy, BHL của Hải Phòng có đủ vị trí từ hàng công đến phòng ngự với HLV TM Đức Cảnh, trợ lý Ngô Anh Tuấn xuất thân là trung vệ, HLV trưởng Trương Việt Hoàng là cựu tiền vệ của Thể Công và trợ lý Lê Sỹ Mạnh là cựu tiền đạo của Hải Phòng và ĐTVN.
Đây chính là BHL trẻ nhất tại V. League khi HLV Trương Việt Hoàng sinh năm 1975, trợ lý Nguyễn Đức Cảnh sinh năm 1965 và hai tân trợ lý thuộc thế hệ 8X với Ngô Anh Tuấn sinh năm 1981 và Lê Sỹ Mạnh sinh năm 1984. Trong đó, Ngô Anh Tuấn là cầu thủ trưởng thành từ bóng đá Hải Phòng được bổ sung vào BHL đã tạo được niềm tin về tương lai cho các cầu thủ nếu thực sự họ muốn cống hiến cho bóng đá Hải Phòng.
Ban lãnh đạo CLB Hải Phòng đặt kỳ vọng vào sức bật của BHL rất trẻ của mình giúp đội bóng đất Cảng chuẩn bị thật tốt cho mùa giải 2016. Với sức trẻ và những cập nhật phương pháp huấn luyện tiên tiến cũng như khoảng cách về tuổi đời giữa cầu thủ và BHL không quá lớn sẽ giúp đội bóng đất Cảng có luồng sinh khí mới tạo động lực, sự đoàn kết để thi đấu thành công ở mùa giải 2016.
Hiện tại 28 cầu thủ và BHL CLB Hải Phòng đang tích cực luyện tập, thi đấu giao hữu để chuẩn bị tốt nhất cho các trận đấu ở V. League 2016 và Cup Quốc gia. (Phan Anh - An ninh Hải Phòng 10/12/2015)
Tuyển bắn súng Hải Phòng thiếu… cả súng và đạn. Tình trạng thiếu súng đạn đang khiến những người trong ban huấn luyện của bộ môn bắn súng ở Hải Phòng đau đầu.
“Cứ hình dung đi tập bơi mà hồ không có nước sẽ khổ thế nào, thì bắn súng thiếu súng, đạn khổ thế nấy”, ông Phạm Cao Sơn, quyền Trưởng bộ môn bắn súng, Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hải Phòng, thở dài.
Bắn đạn tưởng tượng
Theo ông Sơn, mỗi viên đạn bắn tập của VĐV giá 1.000 đồng. Theo tiêu chuẩn, mỗi ngày VĐV phải được 100 viên đạn để tập. Trong khi đó, bây giờ VĐV phải dùng dè sẻn, mỗi ngày chỉ dám bắn khoảng 20 viên. Còn lại, cả thầy và trò đành dùng đạn cũ, hỏng để bắn, hoặc áp dụng cảnh “bắn chay”, đó là “tưởng tượng” có đạn trong súng rồi… bắn.
“Hải Phòng một năm được hơn 200 triệu đồng tiền đạn cho HLV, VĐV, bây giờ thiếu đạn nên chúng tôi phải dùng hạn chế. Giá mà được bắn thỏa thích, một năm chúng tôi phải bắn gần 1 tỉ đồng tiền đạn. Nhưng thôi, nhà nghèo nên ăn dè hà tiện vậy”, ông Phạm Cao Sơn giãi bày.
“Giả sử nếu biết trước tháng 9 hay 10 sang năm có đạn chẳng hạn, chúng tôi sẽ biết cách phân bổ số đạn dự trữ đang có để các VĐV tập luyện. Còn bây giờ chưa hay là bao giờ có đạn, nên không dám bắn… mạnh. Việc bắn chay, bắn tưởng tượng thế này về lâu dài ảnh hưởng đến tâm lý, trình độ của VĐV, việc tập chay nếu kéo dài trong một thời gian dài cũng ảnh hưởng đến chính chất lượng của khẩu súng”, người đứng đầu bộ môn bắn súng thành phố cảng cho hay.
Một thành viên đội tuyển quốc gia cho biết giải pháp tạm thời những khi thiếu đạn là: Đạn sẽ nhường cho các VĐV trọng điểm, các VĐV sắp có giải thi đấu, các VĐV còn lại “chịu khó” nhìn và tập với súng không có đạn.
1 khẩu súng dùng chung cho nhiều VĐV
Trong khi đó, hiện tại ở Hải Phòng số lượng súng cho các VĐV tập luyện và thi đấu cũng bị thiếu. “Thời tôi là VĐV ở Hải Phòng, một mình tôi được tập luyện với 6 khẩu súng, còn bây giờ 1 khẩu súng mấy VĐV cùng chung nhau tập. Những khẩu súng từ thời tôi thi đấu vẫn mang ra để làm dụng cụ cho VĐV tập luyện. Đúng ra, bây giờ bộ môn bắn súng Hải Phòng cần phải có đủ 60 khẩu súng đạt tiêu chuẩn tập luyện, thi đấu. Nhưng, hiện tại chúng tôi chỉ có 12 khẩu đủ tiêu chuẩn thôi, còn lại chỉ để cầm, ngắm, chứ bắn đạn thì nó cũng… không vào bia”, ông Sơn thở dài.
Theo ông Phạm Cao Sơn, việc nhập khẩu súng, đạn cho thể thao đang gặp khó. Việc thiếu đạn xảy ra từ năm 2014, đến nay gần hết năm 2015, tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện. Công ty cổ phần thể dục thể thao VN, đơn vị độc quyền ở VN nhập khẩu và phân phối súng đạn cho các đội tuyển và CLB thể thao, gần 2 năm qua chưa nhập được thêm súng đạn vào VN.
“Lãnh đạo TP.Hải Phòng cho chúng tôi tiền mua súng và đạn mới, nhưng công ty chưa thể nhập súng đạn mới về nên cả thầy và trò đành cố gắng duy trì cảnh… bắn tiết kiệm này”, ông Phạm Cao Sơn cho biết.
Không chỉ ở Hải Phòng, bộ môn bắn súng Hải Dương và nhiều tỉnh thành khác cũng đang lâm vào cảnh trên. Đến giờ tập, xách súng ra ngắm, tưởng tượng đang bắn, lau dọn súng, ra về. “Chúng tôi đành tập “chay”, mà cứ kéo dài tình trạng này, chất lượng, trình độ VĐV không thể đảm bảo được”, ông Nguyễn Ngọc Vinh, HLV trưởng bộ môn bắn súng Hải Dương, lên tiếng. (Báo Thanh niên 10/12/2015)