Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 08/03/2016)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 08/03/2016)

                THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1.             Thường trực HĐND thành phố tiếp xúc cử tri hội viên Câu lạc bộ Bạch Đằng

Chiều 7-3, Thường trực HĐND thành phố tổ chức tiếp xúc cử tri là hội viên Câu lạc bộ Bạch Đằng về nội dung kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố khóa 14. Đồng chí Nguyễn Đình Bích, Phó chủ tịch HĐND thành phố chủ trì buổi tiếp xúc.

Cử tri câu lạc bộ Bạch Đằng hoan nghênh Thường trực HĐND thành phố chuẩn bị chu đáo về nội dung và các vấn đề đưa ra tại kỳ họp, thể hiện quyết tâm của Thường trực HĐND thành phố và các đại biểu trong việc nâng cao chất lượng kỳ họp. Góp ý vào “Quy chế Quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung thành phố Hải Phòng”, cử tri cho rằng đây là quy chế  quan trọng nhằm xây dựng không gian đô thị chung nên cần có sự quản lý thống nhất. Cử tri đề nghị quy định cụ thể hơn chiều cao của các công trình xây dựng tại các tuyến đường, khu vực cụ thể, tránh trường hợp vi phạm rồi phải xử lý, vừa tốn kém lại giảm hiệu quả quản lý. Bên cạnh đó quy định rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong việc để xảy ra vi phạm trong quy hoạch đô thị, làm rõ mức độ của các vi phạm và công khai việc xử lý trước dư luận.

Đối với Đề án “Nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, cử tri đề nghị thành phố rà soát các quy hoạch, xây dựng vùng rau chuyên canh an toàn, cung cấp cho toàn thành phố, khắc phục tình trạng rau xanh mất an toàn vệ sinh như hiện nay; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn, bảo đảm nguồn thực phẩm được quản lý, kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn chất lượng trong quá trình chăn nuôi, đặc biệt là không sử dụng chất cấm. Đối với thực phẩm, rau xanh, lương thực, đều phải tính đến liên kết “4 nhà”, bảo đảm người trực tiếp sản xuất có lãi. Đối với Đề án Về nhiệm vụ, giải pháp thu hồi diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất, cử tri cho rằng, không nên dành tới 2 năm 2016-2017 để khảo sát việc sử dụng đất lãng phí, không sử dụng. Bởi hầu như các quận huyện đều nắm rõ việc này. Chỉ nên khảo sát trong năm 2016, năm 2017 cần xử lý kiên quyết và có biện pháp thu hồi. Đây là vấn đề khó, rất phức tạp, liên quan nhiều cơ quan, đơn vị, ban, ngành, địa phương, nên cần sự phối hợp chặt chẽ.

Thay mặt Thường trực HĐND, đồng chí Nguyễn Đình Bích tiếp thu các ý kiến của cử tri câu lạc bộ Bạch Đằng, trên cơ sở đó bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn bản trình kỳ họp HĐND thành phố. (Báo Hải Phòng 08/03/2016)

2.              Đại biểu HĐND thành phố tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ 14

* Chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố khóa 14, đại biểu HĐND thành phố, đồng chí Đinh Duy Sinh - Bí thư Quận ủy vừa tiếp xúc đại diện cử tri quận Đồ Sơn.

 Đại diện cử tri quận đồng tình cao với những nội dung quan trọng tại kỳ họp lần thứ 14, HĐND thành phố đưa ra xem xét và quyết định. Đây là những vấn đề tạo điều kiện thúc đẩy thành phố phát triển trong những năm tới. Đồng thời, cử tri kiến nghị thành phố tiếp tục quan tâm, chăm lo hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà ở đối với các gia đình chính sách, người có công theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2.420 của UBND thành phố Hải Phòng ở địa phương.

* Đoàn đại biểu HĐND thành phố gồm các đồng chí: Đoàn Văn Chương - Giám đốc Đài PTTH, Vũ Văn Kiền - Giám đốc Sở Tư pháp, Cao Thị Phượng - Phó trưởng Ban Kinh tế, ngân sách thành phố đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Hồng Bàng.

Tại hội nghị, các cử tri quận Hồng Bàng đã kiến nghị với thành phố một số vấn chính liên quan đến: công tác quản lý, chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, công tác cán bộ, nhất là đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm, các ý kiến cử tri phát biểu tại hội nghị đều mong muốn thành phố thúc đẩy các hoạt động, triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm để Hải Phòng sớm trở thành thành phố Cảng xanh - văn minh - hiện đại...

* Tại trụ sở UBND xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên, đồng chí Phạm Văn Phương, Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng dẫn đầu đoàn đại biểu HĐND TP tiếp xúc cử tri các xã Ngũ Lão, An Lư, Trung Hà, Thủy Triều, Tam Hưng, Phả Lễ, Lập Lễ, Phục Lễ và thị trấn Minh Đức.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri nhất trí cao với các báo cáo tóm tắt dự thảo các đề án của UBND TP, đồng thời tham gia ý kiến: về nông nghiệp, thành phố cần quan tâm cung cấp vật tư cho nông dân như cây con, phân đạm, thuốc trừ sâu.. để phục vụ sản xuất chăn nuôi an toàn, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và người dân thành phố; tuyến đường cho công nhân đi lại làm việc tại khu vực Công ty VSIP đã xuống cấp nghiêm trọng, cần xây sửa lại; nhanh chóng giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện liên quan đất đai trên địa bàn xã Lập Lễ kéo dài hơn chục năm nay; về vấn đề bảo vệ nguồn nước sạch trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, cử tri kiến nghị kè các con sông để bảo đảm vệ sinh nguồn nước, người dân không thể lấn chiếm; bên cạnh đó cử tri kiến nghị thành phố quan tâm giải quyết nguồn kinh phí để ngư dân các xã có thể thực hiện Nghị quyết 67 về đóng tàu vươn khơi… (An ninh Hải Phòng 08/03/2016)

3.              Hồng Bàng: Sắp xếp lại tổ chức cơ sở Đảng phù hợp với thực tế

Hồng Bàng: Sắp xếp lại tổ chức cơ sở Đảng phù hợp với thực tế. Quận ủy Hồng Bàng vừa hoàn tất thủ tục, bàn giao 6 chi bộ cơ sở về Đảng bộ các phường, qua đó, nâng tổng số chi bộ cơ sở được chuyển giao về Đảng bộ các phường từ năm 2014 đến nay là 17 chi bộ.

Việc sắp xếp chi bộ Đảng cơ sở ở quận Hồng Bàng phù hợp với thực tế địa phương, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng ở quận Hồng Bàng.

Xuất phát từ thực tế cơ sở

Phó bí thư Thường trực Quận ủy Hồng Bàng Trần Quang Tuấn cho biết: Từ năm 2013, Quận ủy Hồng Bàng chủ trương điều chuyển, sắp xếp các chi bộ có dưới 5 đảng viên về đảng bộ phường, giảm đầu mối tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Quận ủy. Chủ trương này của Quận ủy Hồng Bàng càng có thêm cơ sở thực hiện, khi Thành ủy có Kết luận 12 (năm 2014) về việc sắp xếp lại tổ chức cơ sở đảng.

Qua hơn hai năm thực hiện chủ trương trên, những hạn chế trong hoạt động tổ chức đảng cơ sở bước đầu được khắc phục. Thực tế cho thấy, trên địa bàn quận Hồng Bàng có một số doanh nghiệp nhà nước sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, lực lượng lao động có biến động, nhiều người là đảng viên, sau khi nghỉ chế độ chuyển sinh hoạt Đảng về nơi cư trú. Do đó, nhiều đảng bộ không bảo đảm quy mô theo quy định.

Theo kết quả khảo sát của Quận ủy Hồng Bàng, thời điểm tháng 11-2013, Quận ủy Hồng Bàng có 107 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc; trong đó 41 đảng bộ cơ sở và 66 chi bộ cơ sở. Số chi bộ cơ sở có ít đảng viên chiếm tỷ lệ tương đối lớn; 12 chi bộ dưới 5 đảng viên, 15 chi bộ có từ 6 đến 8 đảng viên. Trên rà soát cho thấy, loại hình tổ chức đảng ở một số đơn vị chưa phù hợp, nhất là đối với các cơ sở đảng doanh nghiệp ngoài nhà nước trực thuộc cấp ủy cấp trên cơ sở. Việc Quận ủy phụ trách nhiều đầu mối cơ sở đảng gây khó khăn cho sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng và cấp ủy phụ trách.

Tháng 11-2015, Thường trực Quận ủy làm việc tại 8 chi bộ cơ sở dự kiến sắp xếp, điều chuyển. Qua đó, Quận ủy quyết định điều chuyển 6 chi bộ cơ sở về trực thuộc Đảng ủy các phường sở tại. Việc sắp xếp các tổ chức đảng ở cơ sở bước đầu đáp ứng yêu cầu hoạt động của cả đảng bộ tiếp nhận và chi bộ cơ sở được điều chuyển.

Nâng cao chất lượng tổ chức đảng ở cơ sở

Theo Phó bí thư Chi bộ Công ty CP Du lịch và dịch vụ Hải Phòng Vũ Đức Pháo, từ khi chuyển tổ chức đảng của công ty về hoạt động tại Đảng bộ phường Hoàng Văn Thụ, tình hình tư tưởng đảng viên của chi bộ ổn định hơn, các đảng viên bám sát các chủ trương của địa phương và quận, thành phố hơn. Mọi hoạt động của chi bộ thuận lợi hơn với sự quan tâm của cấp ủy cơ sở. Thực tế khi cổ phần hóa, số đảng viên của công ty còn 7 người, đảng bộ công ty rút gọn thành chi bộ. Sự thay đổi quy mô ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của cấp ủy; đặc biệt sự phối hợp, trao đổi thông tin của cấp ủy công ty với địa phương sở tại hiệu quả thấp. Do đó, việc các tổ chức đảng được sắp xếp theo đơn vị hành chính phường là điều kiện thuận lợi để chi bộ gần người dân hơn, chịu sự giám sát của nhân dân và tham gia hiệu quả các phong trào, các hoạt động của địa phương…

Bí thư Chi bộ Công ty CP Lâm sản Hải Phòng Vũ Văn Thạnh chia sẻ: Việc điều chuyển chi bộ công ty về trực thuộc Đảng bộ phường Sở Dầu tạođiều kiện cho tổ chức đảng công ty trong chỉ đạo, lãnh đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời, tạo thuận lợi cho chi bộ theo dõi, trao đổi thông tin hoạt động của chi bộ với cấp ủy địa phương. Theo Bí thư Đảng bộ phường Minh Khai Trần Thị Lan: Từ năm 2014 đến nay, Đảng bộ phường tiếp nhận 3 chi bộ trực thuộc, các hoạt động của chi bộ từng bước đi vào nền nếp, các đảng viên nêu cao ý thức trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của công ty và tích cực tham gia công tác xây dựng đảng ở địa phương. Bên cạnh đó, việc điều chuyển góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Theo Bí thư Đảng bộ phường Phan Bội Châu Trần Công Dĩnh: Việc điều chuyển Chi bộ Công ty CP Xây dựng và thương mại Hồng Bàng về trực thuộc Đảng bộ phường tạo sự phong phú, đa dạng các loại hình chi bộ của đảng bộ; góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, KT-XH của địa phương.

Thời gian tới, Quận uỷ Hồng Bàng tiếp tục thực hiện sắp xếp lại các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Quận uỷ theo hướng giảm đầu mối, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng uỷ các phường đối với các chi bộ trực thuộc, nhất là với các tổ chức đảng ngoài tổ dân phố. Để các chi bộ chuyển đổi hoạt động tốt hơn, Đảng uỷ các phường cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác xây dựng đảng, gắn bó chặt chẽ với các chi bộ mới chuyển về, giúp các cấp uỷ duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tạo điều kiện cho các chi bộ phát huy tốt vai trò. (Báo Hải Phòng 08/03/2016)

4.              Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)

Sáng 7-3, tại Hải Phòng, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)”.

Hội thảo nhằm thu thập ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trước khi dự luật này được Quốc hội bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII tới đây.

Tham dự hội thảo có PGS.TS. Đinh Xuân Thảo, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng và đại diện Đại sứ quán Anh chủ trì hội thảo. Tại hội thảo, nội dung chính được các đại biểu tập trung thảo luận là các quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, được quy định tại điều 25, Hiến pháp năm 2013.

Theo PGS.TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, việc xem xét quy định trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trong báo chí cần phải được thực hiện thật kỹ lưỡng, đảm bảo tinh thần về quyền tự do báo chí thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ dự thảo Luật. Đồng thời, không tạo kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng, gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, tổn hại uy tín, danh dự của các cá nhân, tổ chức, cơ quan và quyền lợi hợp pháp của công dân.

Quy định về các loại hình báo chí phù hợp với xu hướng phát triển của truyền thông hiện đại, quản lý báo chí, nhà báo, các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp…. thu hút sự quan tâm của đại biểu.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Đại sứ quán Anh tại Việt Nam khẳng định Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ giúp cân bằng giữa việc điều tiết báo chí và hỗ trợ sự phát triển của báo chí Việt Nam.

Những ý kiến tại hội thảo sẽ góp phần hoàn thiện Luật Báo chí ở Việt Nam tiến gần tới tiêu chuẩn quốc tế, giúp hỗ trợ sự phát triển của báo chí như một công cụ đảm bảo tính minh bạch và tính giải trình của chính quyền. Một số ý kiến tại hội thảo cũng có sự đối chiếu nội dung của dự thảo Luật Báo chí sửa đổi với một số chuyên ngành khác nhằm đảm bảo sự phù hợp và thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tham dự hội thảo có các đại biểu là đại diện của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và chịu tác động trực tiếp của Luật Báo chí (sửa đổi). Hội thảo diễn ra trong 2 ngày, 7 - 8-3. (Đăng Hùng - Báo điện tử Công an nhân dân 08/03/2016)

5.              Luật Báo chí cũng cần thay đổi khi công nghệ truyền thông thay đổi

Trong 2 ngày 7 và 8/3, tại Hải Phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Hội thảo là diễn đàn để các vị đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ những vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), đồng thời đề xuất những ý kiến, khuyến nghị, đóng góp vào dự thảo.

Phát biểu tại hội thảo, phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Xuân Thảo, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp nhấn mạnh tự do báo chí là quyền cơ bản của con người trong một xã hội phát triển và đã được ghi nhận tại nhiều văn kiện quốc tế quan trọng như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 hay Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966.

Quyền tự do báo chí hay rộng hơn là quyền tự do ngôn luận đã được bàn thảo rất nhiều trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi Việt Nam thông qua Hiến pháp 2013 và hiện nay đang sửa đổi Luật Báo chí.

Báo chí đóng góp lớn lao, quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước.

Và trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, truyền thông ngày nay, vai trò của báo chí càng được củng cố và trở nên nổi bật.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp quan trọng như là cầu nối giữa người dân và chính quyền, đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế… báo chí Việt Nam cũng vẫn còn những hiện tượng cần được điều chỉnh như đưa thông tin gây sốc, nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Do vậy, việc xem xét quy định trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí cần được thực hiện thật kỹ lưỡng để vừa đảm bảo tinh thần về quyền tự do báo chí được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ dự thảo luật, nhưng đồng thời không tạo kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng, gây tổn hại uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức, cơ quan, phương hại đến an ninh, quốc phòng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Trong hội thảo, các đại biểu tập trung góp ý vào 6 nội dung gồm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí cần được hiểu như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay; các loại hình thông tin truyền thông nào cần được quy định để đảm bảo sự phù hợp với xu thế phát triển; quy định về quản lý nhà nước với công tác báo chí như thế nào để đảm bảo sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan báo chí; quy định như thế nào về nhà báo, về việc cấp thẻ nhà báo và về cộng tác viên để đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; các quy định về bảo vệ báo chí tác nghiệp và đảm bảo an toàn cho nhà báo; các quy định về các quyền liên quan đến nhà báo và báo chí như quyền tiếp cận thông tin, quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm báo chí.

Ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam đã nêu ra những xu hướng phát triển của báo chí hiện đại để những nhà lập pháp tính đến, từ đó đưa ra những khung pháp lý hiệu quả và minh bạch để có thể quản lý và theo dõi những loại hình đang và có thể phổ biến trong tương lai gần.

Theo ông Lê Quốc Minh, trong hiện tại và tương lai đã và sẽ ra đời những loại hình truyền thông và báo chí mới, những cách làm báo mới như mobile và ứng dụng, truyền thông xã hội, video 360 độ...

Công nghệ truyền thông đang thay đổi, cách tiếp cận thông tin của độc giả đang thay đổi, vì thế báo chí và truyền thông cũng đang thay đổi mạnh mẽ. Luật và các quy định pháp lý, vì thế cũng cần phải tính trước những thay đổi đó.

Hội thảo còn đề cập đến nhiều nội dung góp ý hoàn thiện các quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên diễn đàn báo chí của công dân; quy định về nhà báo, cấp thẻ nhà báo và cộng tác viên để đảm bảo quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí; quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm báo chí./. (Minh Thu - Thông tấn xã Việt Nam 08/03/2016)

                AN NINH - PHÁP LUẬT

6.              Đẩy mạnh công tác an ninh, an toàn trên cảng Hải Phòng

Đẩy mạnh công tác an ninh, an toàn trên cảng Hải Phòng. Cảng Hải Phòng là đầu mối giao thông trọng điểm, cửa khẩu cảng biển quốc tế lớn nhất miền Bắc. Năm 2015, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng khoảng 32 triệu tấn. Năm 2016, Cảng Hải Phòng phấn đấu sản lượng trên 35 triệu tấn.

Tuyến cảng Hải Phòng dài trên 40km, gồm 32 cảng lớn, nhỏ; 62 cầu cảng; 38 cổng cảng; 3 khu vực neo đậu với 16 điểm neo. Cảng Hải Phòng nằm sâu trong nội địa, địa bàn rộng, kéo dài, tiếp giáp nhiều địa bàn dân cư, địa hình sông nước phức tạp, là địa bàn trọng điểm về ANTT.

Nhận thức tầm quan trọng của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong công tác bảo vệ ANTT, đảm bảo an toàn để phát triển kinh doanh, Cảng Hải Phòng thực hiện hướng dẫn của Công an TP Hải Phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Thực hiện mục tiêu “3 giảm, 2 không” về ANTT (giảm tội phạm, giảm tệ nạn xã hội, giảm TNGT; không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, đốt pháo và thả đèn trời, không vi phạm môi trường).

Cảng Hải Phòng xây dựng nhiều mô hình về ANTT như: mô hình “Tổ đội tự quản” với 250 tổ sản xuất, hàng chục kho, bãi nhà xưởng, phương tiện thuỷ, thiết bị xếp dỡ, quản lý nhiều tài sản có giá trị lớn. Mô hình này phát huy hiệu quả quản lý con người, quản lý tài sản hàng hoá và duy trì trật tự trên địa bàn cảng.

Năm 2015, Cảng Hải Phòng kiện toàn lại tổ an ninh công nhân phù với mô hình sản xuất. Cảng thành lập 49 tổ an ninh công nhân, thành lập lại 7 đội PCCC cơ sở. Năm 2015, Cảng Hải Phòng phối hợp với các đơn vị bảo vệ 1.678 lượt tàu cập Cảng. Kiểm soát 671.198 lượt xe ôtô, 25.216 toa tàu hỏa vận chuyển hàng hoá, đảm bảo an toàn cho 169 đoàn, gồm 1.850 người Việt Nam, 103 đoàn, gồm 473 người nước ngoài ra vào Cảng.

Qua tuần tra kiểm soát tại địa bàn Cảng, bắt giữ và xử lý 21 vụ, gồm 22 lượt người, chuyển cơ quan chức năng xử lý 12 vụ, 13 đối tượng vi phạm. Năm 2015, Biên phòng cửa khẩu cảng kiểm tra, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn 4.582 lượt chuyến tàu nước ngoài đến cảng, 76.554 lượt thuyền viên, 1.212 lượt khách du lịch đa quốc tịch; thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển 9.038 lượt chuyến tàu nhập, xuất cảnh và chuyển cảng đến, đi; kiểm tra giám sát 29.739 lượt thuyền viên đi bờ.

Nhờ đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, đơn vị xử lý và phối hợp xử lý 36 vụ, 95 đối tượng liên quan đến xuất nhập cảnh, vi phạm quản lý vùng biển quốc gia và các loại tội phạm khác.

Theo Trung tá Phạm Minh Tuấn, Trưởng Đồn Công an Khu công nghiệp Đình Vũ, Công an quận Hải An, Công an TP Hải Phòng, đơn vị được giao nhiệm vụ đảm bảo ANTT, TTATGT tại địa bàn gồm 5 cảng dịch vụ và 5 bãi xe.

Hàng ngày, có hàng trăm, hàng nghìn phương tiện lưu thông 24/24h. Ban ngày, đơn vị phối hợp với Đồn Biên phòng 34, Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Đình Vũ, lực lượng bảo vệ cảng trao đổi thông tin, phục vụ công tác đảm bảo ANTT. Ban đêm, lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát, phòng chống trộm cắp tài sản tại khu vực cảng. Đồng thời, đơn vị thực hiện công tác nghiệp vụ, làm tốt công tác quản lý hành chính, nắm chắc tình hình tại địa bàn.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Quân, Trưởng Phòng Cảnh sát Đường thủy, Công an TP Hải Phòng, tình hình trật tự xã hội trên tuyến đường thủy Hải Phòng luôn được đảm bảo. Trên tuyến địa bàn không xảy ra các vụ trọng án, các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động băng nhóm, tội phạm có yếu tố nước ngoài…

Tình hình giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa Hải Phòng có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức người tham gia giao thông được nâng cao, điều kiện an toàn hoạt động của các phương tiện hiện nay được các chủ phương tiện đầu tư ngày càng tốt hơn. (Báo điện tử Công an nhân dân 08/03/2016)

7.              Triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm ma tuý đất Cảng

Sáng 7-3, tại Công an TP Hải Phòng, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, tặng Bằng khen cho Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý vì đã có thành tích triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý tổng hợp; tặng Bằng khen cho Công an quận Dương Kinh vì đã có thành tích triệt phá đường dây vận chuyển trái phép thuốc lá số lượng lớn.

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP Hải Phòng, thừa ủy quyền lãnh đạo Bộ Công an, trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an cho 3 cán bộ, nhân viên, thuộc Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan TP Hải Phòng, về thành tích phòng chống tội phạm ma tuý. Đồng thời trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân tham gia hai chuyên án nói trên.

Hồi 17h30 ngày 4-3, lực lượng trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý phối hợp với Phòng 3 Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an; Cụm đặc nhiệm phòng, chống ma túy số 1 - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan Hải Phòng và Công an quận Hồng Bàng phá một đường dây tội phạm ma tuý.

Tại khu vực đê Quai Chảo, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, lực lượng phá án đã bắt quả tang Phạm Đức Dũng và 3 đối tượng khác gồm: Phạm Văn Công, 24 tuổi, trú tại thôn Quang Khải, xã Kim Anh, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương; Trần Bích Ngọc, 22 tuổi, trú tại số 11/117 Hoàng Quý , phường Hồ Nam, quận Lê Chân, TP Hải Phòng và Mo Jing Lei (36 tuổi, quốc tịch Trung Quốc), về hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ gồm 3,460kg ma túy tổng hợp; một túi xách chứa nhiều tiền Việt Nam và nhân dân tệ (đã niêm phong, chưa kiểm đếm), 1 xe ôtô, 6 điện thoại di động và nhiều tang vật liên quan đến hoạt động phạm tội khác.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý tổng hợp từ Trung Quốc, qua cửa khẩu Móng Cái - TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, về Hải Phòng và các tỉnh, thành phố ở Việt Nam tiêu thụ. Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng đã tạm giữ hình sự các đối tượng và tiếp tục điều tra mở rộng án.

Hồi 0h45 ngày 29-2, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, thuộc địa bàn tổ dân phố Tân Hợp, phường Tân Thành, quận Dương Kinh, Công an quận kiểm tra xe tải BKS: 15C-027.91 từ hướng Đồ Sơn về trung tâm thành phố. Chiếc xe nói trên không chấp hành mệnh lệnh của lực lượng chức năng, mà lao thẳng vào đội hình tổ công tác rồi tăng ga bỏ chạy. Bị lực lượng công an truy đuổi, đối tượng cho xe chèn đổ 2 chiếc xe chuyên dùng của lực lượng Cảnh sát giao thôn, khiến một đồng chí bị thương. Chiếc xe tải chạy tiếp khoảng 600m, đối tượng lợi dụng trời tối, bỏ xe lại và tẩu thoát theo đường hẻm.

Công an quận kiểm tra, thu được trên xe 231 thùng gồm 115.500 bao thuốc lá nhãn hiệu BLEND NO.555 GOL và BEND NO.555 MANDARIN, là mặt hàng cấm nhập và mua bán, vận chuyển. Đây là vụ vận chuyển trái phép thuốc lá lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện, bắt giữ trên địa bàn TP Hải Phòng.

Ngay trong ngày, cơ quan CSĐT Công an quận Dương Kinh đã bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Văn Sự, trú tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương và tiếp tục điều tra mở rộng án, truy bắt đối tượng còn lại. (Quốc Phòng - Báo điện tử Công an nhân dân 08/03/2016)

8.              Hải Phòng bắt 4 'hung thần' biển đỏ quá tải 'vượt mặt' 4 tỉnh

Trạm CSGT Quang Trung (Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng) vừa phối hợp với các đơn vị chức năng chặn bắt 4 xe biển đỏ chở quá tải trọng sau khi qua mặt lực lượng chức năng 4 tỉnh.

Theo đó, vào khoảng 22h30p tối ngày 4/3, 4 xe đầu kéo rơ móc mang BKS: CC-11-13, CC-11-26, CC-10-50 và TM-29-57 chạy hướng Thái Bình – Hải Phòng ngang qua trạm cân tải trọng trên quốc lộ 10.

Nhận được tin báo và thấy đoàn xe này có dấu hiệu khả nghi chở quá tải trọng, lực lượng CSGT Quán Trữ (Công an TP Hải Phòng) đã phối hợp với các đơn vị chức năng chặn bắt, yêu cầu đưa đoàn xe vào trạm cân để cân trọng tải.

Kết quả xe CC-11-13 quá tải 37,6%; xe CC-10-50 quá tải 42,2%; xe TM-29-57 vi phạm 47,3% và xe CC-11-26 quá tải nặng nhất, lên tới 51,5%.

Được biết, các xe này nhận hợp đồng thuê chở mặt hàng bột đá từ khu vực huyện Diễn Châu (Nghệ An) với cảng Đình Vũ (Hải Phòng) để xuất khẩu. Trên chặng đường 300km, đoàn xe biển đỏ chở quá tải trọng chạy với tốc độ cao, “qua mặt” lực lượng chức năng 4 tỉnh (Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình), trong đó có 2 trạm cân trên quốc lộ 1, 1 trên quốc lộ 10, cùng nhiều chốt CSGT đang làm nhiệm vụ.

Hiện, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm xử lý lái xe về các lỗi vi phạm, đồng thời gửi báo cáo lên cấp trên đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật. (Nguyễn Dịu - Báo điện tử Người đưa tin 08/03/2016)

9.              Từ "con bạc" thành trùm buôn ma túy xuyên quốc gia

Những lần lang thang ở các sới bạc, Phạm Đức Dũng (SN 1981), trú ở đường đê Quai Chảo, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, quen biết một số đối tượng buôn bán ma túy. Từ đây, gã nảy sinh ý định muốn kiếm được nhiều tiền hơn, bất chấp pháp luật...

Như ANTĐ thông tin, chiều 4-3, CATP Hải Phòng phối hợp với các lực lượng chức năng đã bắt quả tang 4 đối tượng, trong đó có 1 người Trung Quốc, về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Quá trình điều tra mở rộng vụ án, CQĐT đã thu giữ tổng cộng khoảng 4 kg ma túy tổng hợp các loại, 1 xe ô tô, 6 điện thoại di động cùng lượng lớn tiền mặt, ngoại tệ.

Trước đó, khoảng đầu tháng 2-2016, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát phòng chống ma túy CATP Hải Phòng phát hiện một nhóm đối tượng chuyên tàng trữ, vận chuyển, mua bán ma túy tổng hợp từ Trung Quốc qua cửa khẩu phía Bắc về Hải Phòng, sau đó chuyển tiếp đi các tỉnh, thành phía Nam tiêu thụ. Đi sâu trinh sát, nắm tình hình, lực lượng Công an xác định đối tượng cầm đầu đường dây này là Phạm Đức Dũng (SN 1981). Dũng không có nghề nghiệp, nhưng “nghiện” cờ bạc và thường xuyên sử dụng ma túy. Trong những lần sát phạt, Dũng quen với một số đối tượng người Trung Quốc và nhanh chóng học được “nghề” buôn ma túy.

Để tạo vỏ bọc trong những chuyến đánh “hàng”, Dũng cặp kè với Trần Bích Ngọc (SN 1993), trú ở phường Hồ Nam, quận Lê Chân. Cùng với đó, Dũng thuê Phạm Văn Công (SN 1992), trú ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, làm nghề lái xe tự do, đảm nhận việc đưa đón. Mỗi chuyến “hàng”, Dũng thỏa thuận trả cho Công 3,5 triệu đồng.

Ngày đầu tiên của tháng 3-2016, Công lái xe ô tô từ Hải Dương đi Hải Phòng đón Dũng, Ngọc. Trong vai những người đi lễ đầu năm, các đối tượng di chuyển lên Lạng Sơn. Đến khu vực biên giới, chúng đón 1 người nước ngoài được xác định là Mo Jing Lei (quốc tịch Trung Quốc - SN 1980) rồi quay về Hải Phòng. Tuy nhiên, toàn bộ di biến động này đã bị lực lượng chức năng theo sát.

17h30 ngày 4-3, chiếc xe ô tô chở nhóm đối tượng trên về đến khu vực đường đê Quai Chảo. Lúc này, các lực lượng CATP Hải Phòng phối hợp cùng tổ công tác Cục CSĐT tội phạm ma túy, Bộ Công an; Cụm đặc nhiệm phòng, chống ma túy số 1 - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; đội kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan Hải Phòng… đã áp sát, khống chế các đối tượng cùng tang vật giấu trong cốp xe ô tô gồm 4 túi nilon chứa gần 1 kg ma túy “đá”, 5 túi nilon chứa hơn 2,5 kg ketamine, 1 túi nilon chứa gần 3,8 gam ma túy tổng hợp và nhiều tang vật liên quan. Bước đầu, Dũng khai nhận đang cùng đồng bọn vận chuyển số ma túy trên đi tiêu thụ. Vụ án đang được điều tra mở rộng. (Minh Minh - Báo An ninh thủ đô 08/03/2016)

                GIAO THÔNG

10.           Dương Kinh: Ô tô con va chạm với xe container, 1 người bị thương

Dương Kinh: Ô tô con va chạm với xe container, 1 người bị thương. Vụ tai nạn xảy ra sáng nay ngày 8-3-2016 tại đường Mạc Đăng Doanh, quận Dương Kinh, Hải Phòng.

Chiếc ô tô 4 chỗ mang biển kiểm soát 15A – 05722 va chạm với xe đầu kéo container. Cú va chạm mạnh khiến phía sau của chiếc ô tô 4 chỗ bị biến dạng, xe container bị vỡ một phần đầu xe.

Một người ngồi trong ô tô 4 chỗ bị thương phải đưa đi cấp cứu.

Cơ quan công an phải có mặt để phân luồng giao thông tránh ùn tắc do đoạn đường này có lưu lượng xe qua lại rất đông. Đồng thời điều tra nguyên nhân xảy ra vụ việc. (HaiPhongaz.com 08/03/2016)

11.           Sẽ tạm dừng các phương tiện giao thông qua Cầu Rào 1 từ ngày 11/3

Thông tin từ Sở Giao thông vận tải TP Hải Phòng, từ 11-3 đến hết 13-3-2016, TP Hải Phòng thực hiện thí điểm tạm dừng các phương tiện xe cơ giới và xe thô sơ qua Cầu Rào 1.

Thành phố đang khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị và nhà thầu thi công sớm hoàn thành Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến Quốc lộ 5, qua địa bàn thành phố Hải Phòng trên các tuyến đường TP lưu thông theo hướng trục Thiên Lôi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh, đường Hồ Sen – Cầu Rào 2 để ra đường Phạm Văn Đồng và ngược lại, do tổ chức thi công hầm chui qua Cầu Rào 1 thuộc hợp phần A của Dự án Phát triển giao thông đô thị trên địa bàn Hải Phòng đang triển khai.

Việc tạm dừng lưu thông thí điểm các phương tiện qua lại Cầu Rào 1 và tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông sẽ được Sở Giao thông vận tải Hải Phòng có thông báo chính thức sau khi được sự đồng ý của UBND TP Hải Phòng.

Trong thời gian tạm dừng lưu thông phương tiện qua Cầu Rào 1, Sở Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tiến hành rà soát điều tra, khảo sát lưu lượng phương tiện lưu thông từ các khu vực thành phố đi lên đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo các nút giao thông tại: Đình Vũ, đường Phạm Văn Đồng, quốc lộ 10 và ngược lại

Lập phương án tổ chức phân luồng giao thông, tổ chức vận tải hợp lý, bảo đảm không gây ùn tắc, tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, cũng như phục vụ nhu cầu đi lại cho nhân dân, đáp ứng nguyện vọng của các doanh nghiệp vận tải; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn TP. (Hà Tiên - Báo Công lý; Báo Trí thức & Công Luận 08/03/2016)

                GIÁO DUC - ĐÀO TẠO

12.           Tuyển sinh vào lớp 10 THPT Từ năm học 2017-2018 chỉ thi tuyển, không xét tuyển

UBND thành phố vừa có công văn gửi Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) về phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT và tuyển sinh lớp chuyên tiếng Nhật, năm học 2016-2017; đồng thời, chỉ đạo phương thức  tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2017-2018.

Công văn nêu rõ, UBND thành phố đồng ý với đề nghị của Sở GD-ĐT về phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2016-2017 và tuyển sinh lớp chuyên tiếng Nhật, Trường THPT chuyên Trần Phú, năm học 2016-2017. Theo đó, việc tuyển sinh vào lớp 10, THPT công lập, năm học 2016-2017 tiếp tục thực hiện như năm học 2015-2016, đó là kết hợp thi tuyển với xét tuyển kết quả học tập, rèn luyện 4 năm học THCS. Riêng các trường THPT Cát Bà, Cát Hải, chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường THPT ngoài công lập, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập (không có bài thi nào điểm 0) hoặc xét tuyển dựa trên kết quả học lực và hạnh kiểm 4 năm học THCS.

Đối với việc mở lớp chuyên tiếng Nhật, UBND thành phố yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo trường THPT chuyên Trần phú xây dựng kế hoạch cụ thể, bảo đảm chất lượng đội ngũ giáo viên, thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT và các quy định liên quan.

UBND thành phố giao nhiệm vụ cho Sở GD-ĐT xây dựng phương án tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học 2017-2018, chỉ thực hiện phương thức thi tuyển, không xét tuyển kết quả học tập, rèn luyện 4 năm học THCS như những năm trước đây. (Báo Hải Phòng 08/03/2016)

                XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

13.           Tăng cường cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn

Sau 5 năm thực hiện Nghị định (NĐ) 41 ngày 12-4-2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngành ngân hàng Hải Phòng tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này tiếp cận các nguồn vốn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hiện, để có thêm nhiều hộ nông dân, tổ chức tiếp cận nguồn vốn vay, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thành phố tích cực triển khai Nghị định mới về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tín dụng “tam nông” tăng mạnh

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Hải Phòng Lê Văn Cường cho biết, 5 năm qua, NHNN chi nhánh chỉ đạo các chi nhánh TCTD thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển mạng lưới chi nhánh, quan tâm thường xuyên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhằm mở rộng các kênh phân phối rộng khắp trên địa bàn các quận, huyện và các xã. Đến 31-12-2015, trên các địa bàn huyện, có 1 chi nhánh ngân hàng thương mại, 14 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT loại 3, 35 phòng giao dịch (tăng thêm 16 phòng giao dịch so với thời điểm năm 2011), 160 điểm giao dịch tại các xã của chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội và 24 quỹ tín dụng nhân dân. Song song với đó, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thành phố bám sát thị trường khu vực nông thôn, ưu tiên vốn cho vay để đầu tư nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế trang trại, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, các TCTD tăng cường mở rộng cho vay thông qua các tổ chức chính trị -xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…(đến nay có 2930 tổ chức hội nhận ủy thác cung ứng vốn cho nông dân)  tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình, góp phần làm cho đồng vốn vay được sử dụng hiệu quả, thiết thực hơn.

 Nhờ vậy, trong 5 năm (2010-2015), doanh số cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của các TCTD trên địa bàn thành phố đạt 41.624 tỷ đồng, doanh số cho vay bình quân đạt 8324,8 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2015, doanh số cho vay lĩnh vực này đạt 10.759 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2014, tăng gấp 1,68 lần so với năm 2011. Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn hằng năm luôn duy trì ổn định và tăng trưởng cả về số hộ, số tiền. Tăng trưởng qua các năm là 15%. Tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 7,6% vào năm 2010 được nâng lên 13,6% vào năm 2015. Đến cuối tháng 12-2015,  dư nợ cho vay lĩnh vực  này của các TCTD trên địa  bàn thành phố đạt  9380 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2014, gấp 2,2 lần so với năm 2010.

Tiếp tục khơi thông dòng vốn

Theo đánh giá của Giám đốc Lê Văn Cường, so với các chính sách trước, NĐ 41 của Chính phủ thực sự đi vào cuộc sống với nhiều nội dung trợ giúp, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Như, đối tượng cho vay được mở rộng và nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm bằng tài sản đối với khách hàng hơn trước; tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn. Nhất là quy định về trần lãi suất cho vay đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn giúp người vay tiết giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tạo điều kiện cho sự phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Những hiệu quả từ việc triển khai NĐ 41 mang lại đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn là không thể phủ nhận. Song, qua thực tế triển khai bộc lộ một số bất cập. Để hạn chế những bất cập này, ngày 9-6-2015, Chính phủ ban hành NĐ 55 thay thế NĐ 41. Nghị định này cơ bản khắc phục được hầu hết những vướng mắc, hạn chế của NĐ 41 và có nhiều điểm mới, phù hợp với xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, thúc đẩy sản xuất phát triển, bứt phá kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy, hiện  nay, các TCTD trên địa bàn tích cực cho vay theo NĐ 55.

Tuy nhiên, để dòng vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thực sự được khơi thông, phát huy hiệu quả, UBND thành phố cần có văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp, tổ chức chính trị -xã hội phối hợp chặt chẽ cùng ngành ngân hàng triển khai nghị định mới này; các ban, ngành chức năng liên quan tiếp tục đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ, cá nhân và đất cho thuê chủ trang trại; chỉ đạo đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản trên đất, tạo điều kiện cho các TCTD trong việc nhận và thực hiện đăng ký tài sản bảo đảm. Cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, chủ yếu là thị trường nông sản, hàng đặc sản khác. Thị trường tiêu thụ vững chắc mới kích thích các gia đình yên tâm đầu tư vốn khai thác các tiềm năng, thu hút lao động, tăng sản phẩm cho xã hội, tăng thu nhập cho gia đình và cũng là điều kiện để mở rộng đầu tư ngân hàng. (Minh Châm - Báo Hải Phòng 08/03/2016)

                KINH TẾ

14.           Đầu tư công trung hạn 2016 - 2020: Nhu cầu lớn, nguồn vốn hạn hẹp

Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016- 2020 đang được các ngành thành phố khẩn trương chuẩn bị, xin ý kiến Trung ương để trình HĐND thành phố vào kỳ họp tới. Sau khi được phê duyệt, đây là “chốt cứng” để thực hiện trong suốt 5 năm, mọi sự thay đổi, điều chỉnh sẽ rất khó khăn nên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là những bất cập nảy sinh giữa nhu cầu và khả năng cân đối các nguồn vốn.

Tính toán, rà soát để cân đối

Giám đốc Sở Kế hoạch-đầu tư Dương Ngọc Tuấn cho biết, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư công của thành phố gồm vốn ngân sách trung ương, vốn của thành phố (tính cả các nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương và các khoản vay đầu tư cơ sở hạ tầng) giai đoạn 2016- 2020 là 40.690 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương là 10.264 tỷ đồng (vốn trong nước 6827 tỷ đồng; vốn nước ngoài 3436 tỷ đồng). Nguồn vốn của thành phố là 30.441 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố khóa 14, UBND thành phố báo cáo nhu cầu vốn ngân sách trung ương là 36.561 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn ngân sách thành phố, nhu cầu vốn đầu tư trung hạn 5 năm của các dự án do UBND thành phố quyết định đầu tư là 38.211 tỷ đồng. Như vậy, nhu cầu rất lớn, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách.

Nhìn thấy rõ thực trạng này, đặc biệt là yêu cầu khắt khe của Luật Đầu tư công, thực hiện QĐ số 40 ngày 14- 9- 2015 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 916 ngày 5- 2- 2016 của Bộ KHĐT, UBND thành phố xác định lại nhu cầu của các dự án đủ điều kiện bố trí vốn trung ương giai đoạn 2016- 2020 là 9443 tỷ đồng. Mặt khác, qua rà soát lại các dự án đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, UBND thành phố xác định lại nhu cầu vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố trong 5 năm tới là 15.886 tỷ đồng. Theo đó, có sự rút gọn, giảm bớt để nhu cầu đầu tư gần hơn với khả năng cân đối nguồn vốn trung ương, thành phố.

Tuy nhiên, hiện nay ngân sách trung ương không có khả năng hỗ trợ tất cả dự án đã được phê duyệt, một số dự án phải chuyển sang sử dụng vốn ngân sách thành phố, nên áp lực đối với ngân sách thành phố trong những năm tới không nhỏ. Đó là chưa kể còn 58 dự án do UBND thành phố quyết định đầu tư nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, chưa đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016- 2020 với nhu cầu nguồn vốn gần 6000 tỷ đồng. Rõ ràng, dù rất cố gắng nhưng còn nhiều bất cập giữa khả năng cân đối vốn và nhu cầu đầu tư.

Cân nhắc kỹ hiệu quả và sự cần thiết

Với khả năng tổng nguồn vốn đầu tư công không mấy dồi dào, các dự án được phê duyệt cũng phải đáp ứng yêu cầu khá chặt chẽ của Luật Đầu tư công, có thể nói đã hết thời các địa phương, đơn vị xây dựng danh mục dài dằng dặc các dự án cần đầu tư. Thay vào đó phải chọn lựa, cân nhắc kỹ lưỡng về hiệu quả và sự cần thiết. Giám đốc Sở KHĐT Dương Ngọc Tuấn cho biết, phương án phân bổ các nguồn vốn phải căn cứ vào khả năng cân đối nguồn vốn và các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên. Theo đó, nguồn vốn ngân sách trung ương phân bổ theo đúng danh mục và mức vốn cho từng dự án, chương trình theo kế hoạch của trung ương giao. Các nguồn vốn của thành phố có khoảng 30.441 tỷ đồng, dự phòng 10%, chỉ còn hơn 27.397 tỷ đồng phân bổ. Nguồn vốn này cũng được bố trí theo thứ tự ưu tiên như ghi thu- ghi chi tiền sử dụng đất (6250 tỷ đồng); thanh toán các khoản đến hạn phải trả (1519 tỷ đồng); bố trí vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn ODA (3108 tỷ đồng); bố trí vốn cho các dự án, công trình của thành phố 16.520 tỷ đồng, bao gồm 40% (6608 tỷ đồng) phân cấp cho cấp huyện, quận; 60% (9912 tỷ đồng) bố trí cho các chương trình của thành phố và các dự án do các sở, ban, ngành, đơn vị của thành phố làm chủ đầu tư.

Như vậy, cần có sự thay đổi về tư duy trong xây dựng danh mục và thực hiện dự án. Đây là vấn đề cần quan tâm vì theo Giám đốc Sở KHĐT Dương Ngọc Tuấn, vẫn có địa phương xây dựng danh mục hàng trăm dự án rồi “kính chuyển” lên thành phố xét duyệt. Như thế sẽ rất khó để bố trí dự án. Hơn nữa, từ năm 2016, thành phố đẩy mạnh phân cấp thực hiện nguồn vốn đầu tư công, theo đó lãnh đạo các ngành, các địa phương sẽ có thêm quyền hạn nhưng đồng thời gắn với trách nhiệm nặng nề về các quyết định đầu tư và hiệu quả đầu tư các dự án. Với cách làm này, hiệu quả đầu tư công được nâng lên, các nguồn vốn được phát huy và từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, “tiền trảm hậu tấu” gây nợ đọng xây dựng cơ bản như những năm trước. (Hồng Thanh - Báo Hải Phòng 08/03/2016)

15.           Đa dạng hóa hình thức huy động vốn đầu tư

Năm 2016, nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương của thành phố có khoảng 622 tỷ đồng, là nguồn thu từ xổ số và thu lệ phí hàng tạm nhập tái xuất. Nhưng từ năm 2017  trở đi, nguồn thu từ xổ số sẽ đưa vào cân đối ngân sách thành phố và nguồn thu từ phí sử dụng lề đường, bến bãi, mặt nước sẽ không được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật phí và lệ phí. Như vậy, với sự thay đổi này, mỗi năm nguồn vốn đầu tư công của thành phố “hẫng” đi ít nhất hơn 600 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư công tăng hằng năm theo cấp số nhân. Rất nhiều việc phải làm, phải đầu tư. Cũng không còn ở giai đoạn trông chờ vào nguồn ngân sách trung ương được nữa bởi thời điểm này, có một số dự án lớn thuộc nguồn vốn trung ương đang đầu tư dở dang phải chuyển sang cân đối bằng nguồn vốn ngân sách thành phố như: Khu huấn luyện đua thuyền; đường 356 đoạn 2A từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ và cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm; đầu tư xây dựng cầu Khuể; Trung tâm sơ sinh thuộc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng… Dự báo, nguồn vốn ngân sách trung ương  giao trong những năm tới rất thấp so với nhu cầu của thành phố.

Chính vì thế, việc đa dạng các hình thức huy động vốn đầu tư công được coi là giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016- 2020 của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển đột phá. Theo đó, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách theo tinh thần Kết luận 72 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần sớm được ban hành. Để có được quyết định, không chỉ phụ thuộc vào các Bộ, ngành trung ương mà ngay thành phố phải có những căn cứ xác đáng, đề xuất phù hợp với thực tế và khả năng phát triển, đổi mới mạnh mẽ cả về nhận thức, tư duy, hành động mới bảo đảm tính thuyết phục cao. Biện pháp khả thi nhất vẫn là tăng thu để tăng chi. Theo đó, thành phố phấn đấu tăng thu ngân sách nội địa bình quân 15%/ năm để tạo nguồn chi cho đầu tư phát triển. Điều này cần sự nỗ lực, tích cực của tất cả các cấp, ngành, địa phương kèm theo cơ chế chính sách hợp lý để tăng nguồn thu ngân sách một cách bền vững, thu hiện tại nhưng phải  nghĩ tới tương lai để liên tục bồi dưỡng, phát triển và mở rộng các nguồn thu một cách vững chắc, lâu bền. Mục tiêu của thành phố là tích cực tăng thu để hằng năm tăng dần tỷ lệ chi cân đối ngân sách cho đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 40% tổng chi ngân sách thành phố. Cùng với đó là các biện pháp đa dạng hóa các phương thức huy động vốn mà hữu hiệu nhất vẫn là các hình thức BOT, BTO, PPP; tăng cường xúc tiến các dự án ODA cho các dự án như Bệnh viện Đa khoa Hải Phòng, dự án đầu tư nâng cấp Nhà máy nước An Dương, dự án cầu Nguyễn Trãi, Vũ Yên; huy động nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp, người dân…

Tìm vốn đã khó, sử dụng vốn hiệu quả càng khó hơn. Do đó, mỗi công trình, dự án đều phải gắn với trách nhiệm cụ thể để những đồng vốn đầu tư mà thành phố phải rất nỗ lực mới có đến đúng địa chỉ, quản lý sử dụng hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đột phá của Hải Phòng trong 5 năm tới. (Thanh Hiệp - Báo Hải Phòng 08/03/2016)

                XÃ HỘI

16.          Nghề lơ xe: Cả tháng không được bữa cơm nhà

Nghề lơ xe: Cả tháng không được bữa cơm nhà. Chị Đào Thị Thu Hà (lơ xe tuyến Hà Nội – Hải Phòng) đã hy sinh rất nhiều khi quyết tâm gắn bó với nghề lơ xe tuyến Hà Nội – Hải Phòng.

Trước đây chị Hà buôn quần áo tại một chợ nhỏ ở Hải Phòng, công việc cũng tạm ổn nhưng đến thời điểm thấy nghề buôn bán quần áo không còn thuận lợi, vốn tồn đọng nhiều, chị quyết định đổi nghề, chuyển sang làm lơ xe chỉ vì có người quen xin việc cho ngay sau khi đóng quầy quần áo.

Chị Hà cho biết, chị mới bắt đầu công việc được vài tháng nhưng gần như đã bị cuốn hút theo guồng bởi đặc thù của nghề. Nhớ lại những ngày đầu bỡ ngỡ vào nghề, chị phải chuyện trò, học hỏi anh chị em nhiều lắm, phải học thuộc cung đường, phải nhớ những vị trí đón, trả khách để kịp thời dừng đỗ, đặc biệt phải nhanh nhẹn trong việc trả hàng dọc đường để đảm bảo thời gian không bị… lố quá nhiều.

Mới làm một thời gian ngắn nhưng chị cũng đã gặp nhiều tình huống dở khóc, dở cười trong những chuyến xe, đặc biệt hay gặp trong những chuyến tối muộn, chạy ngược Hải Phòng – Hà Nội. Chị kể, chị gặp khá nhiều người ngà ngà bia rượu vì vừa ăn cơm tối hoặc vừa xong một bữa nhậu. Những hành khách này thường hay nói nhiều, hỏi lung tung gây ầm ĩ, khó chịu cho người bên cạnh. Những lúc ấy phải mềm mỏng, giải thích nhẹ nhàng cho họ hiểu để họ giữ im lặng và không gây hấn hay thù hằn gì với mình.

Cũng đã nhiều lần chị phải bỏ tiền túi bù cho công ty để đủ số tiền định mức của mỗi chuyến xe. Chị chia sẻ, nhiều người họ lỡ quên ví, lục tất cả các túi cũng vẫn không đủ tiền, họ đã xin mình trước, không thể không đồng ý cũng không thể bắt bẻ, to tiếng hoặc đuổi người ta xuống xe, dù sau đó lại phải bỏ tiền túi ra bù cho đủ.

Một ngày chị chạy 4 lượt đi lại Hà Nội – Hải Phòng. 6h sáng từ Hà Nội bắt đầu về Hải Phòng, đến khoảng 9h hơn lại quay lên Hà Nội, sau đó đầu giờ chiều lại về, tối muộn, vào khoảng 21h lại quay lên, ăn ngủ ở Hà Nội để sáng mai về sớm.

Theo những chuyến xe nên mỗi tháng chị chỉ ngủ ở nhà được 2-3 tối. Chị bảo: “Chỉ trừ khi nào gia đình có công việc xin nghỉ thì mới thoải mái ở nhà cơm nước, quanh quẩn bên chồng con, còn nếu theo đúng guồng quay của những chuyến xe thì cả một tháng cũng không có bữa nào được ăn cơm ở nhà dù ngày nào cũng quay đi quay lại Hải Phòng 2-3 lượt”.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Cả tháng chị không được ăn bữa cơm nào với gia đình sao?”. Chị cười trả lời dù ánh mắt thoáng chút buồn: “Không được bữa nào đâu. Thời gian về thăm nhà còn phải tranh thủ cơ mà. Con trai bé nhà tôi thi thoảng canh giờ mẹ về đến Hải Phòng lại gọi điện hỏi mẹ có về nhà không. Mỗi lần nghe giọng nói buồn thiu của con khi biết mẹ không về được, lòng tôi nặng trĩu. Thế nên nhiều khi tôi phải dặn con nếu về được mẹ sẽ về, con không cần gọi nhé”.

Lời chị nhắc nhở con trai mình có lẽ là bất đắc dĩ bởi chị biết chị còn nhớ con hơn cả các con nhớ chị, chị muốn gần con hơn cả việc chúng muốn mẹ ở nhà. Nhưng vì miếng cơm, manh áo của gia đình, vì tương lai của các con mà các chị vui vẻ xác định trót chọn nghề thì phải tuân thủ mọi nguyên tắc mà nghề đã quy định… (Báo Pháp luật Việt Nam 08/03/2016)

17.           Sân chơi khoa học dành cho những nhà sáng chế tương lai

Diễn ra trong 4 ngày từ ngày 5 đến 8-3, cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (ViSEF) khu vực phía Bắc thu hút sự tham gia của hơn 1000 cán bộ, giáo viên, học sinh THPT, THCS đại diện cho 31 tỉnh thành khu vực phía Bắc (từ Thừa Thiên - Huế trở ra).

Được tổ chức từ năm học 2011-2012, đến nay, cuộc thi đã trở thành sân chơi lí tưởng, kích thích sự sáng tạo, ham học hỏi cho những bạn trẻ yêu khoa học, đam mê nghiên cứu và sáng chế. Năm nay, cuộc thi có 35 đơn vị tham dự với 234 dự án trong 20 lĩnh vực, gồm: Khoa học động vật, khoa học xã hội và hành vi, hóa sinh, y sinh và khoa học sức khỏe, sinh học tế bào và phân tử, hóa học, sinh học trên máy tính và sinh tin, khoa học trái đất và môi trường, hệ thống nhúng, năng lượng hóa học, năng lượng vật lý, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật môi trường, khoa học vật liệu, toán học, vi sinh vật lý và thiên văn, khoa học thực vật, robot và máy thông minh, phần mềm hệ thống.

Đến với cuộc thi KHKT 2016, Hải Phòng có 18 dự án được lựa chọn dự thi, trong đó có 15 dự án của 4 trường THPT: Trần Phú, Thái Phiên, Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn và 3 dự án của 2 trường THCS: Trần Phú, Tô Hiệu.

Sáng 7-3, tại Cung văn hóa Thanh niên, các gian hàng trưng bày mô hình sáng chế của các đội dự thi được mở cửa tham quan, thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh và học sinh. Đa số các dự án tham gia dự thi đều có tính thực tiễn cao, có thể dễ dàng áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Nhiều dự án bước đầu được đánh giá cao về mặt ý tưởng cũng như sáng tạo, như: máy bắt côn trùng thông minh, giá trồng cây tự động, tàu vớt rác, bục thông minh, máy bơm nước đa năng, nguồn sáng bản em (máy phát điện dựa vào lực chảy của dòng nước)…

Bên cạnh những ý tưởng về khoa học công nghệ, còn rất nhiều đề tài nghiên cứu xã hội, liên quan trực tiếp tới tâm lí lứa tuổi học trò hay những ý tưởng để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi vùng miền: Sách thông minh -  giải pháp phát triển văn hóa đọc cho học sinh, Nâng cao hiểu biết về di sản văn hóa địa phương, Trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật cung đình Huế, Di sản ca trù…

Để khuyến khích học sinh yêu, say mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành quy chế mới: Tất cả học sinh THPT giành từ giải ba trở lên tại kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc gia bắt đầu từ cuộc thi năm nay sẽ được tính như học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa và được tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng.

Dự kiến cuộc thi sẽ kết thúc và trao giải vào sáng ngày 8-3. (Minh Hương - An ninh Hải Phòng 08/03/2016)

18.           Khám bệnh miễn phí 90 trường hợp gia đình chính sách

Sáng 6-3, tại Trường THPT Thái Phiên, Quận đoàn Ngô Quyền, Đoàn khối các cơ quan thành phố, Phòng khám nha khoa Gia Bảo, Hội ngành nghề y dược tư nhân và Hội Đông y quận tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, tặng quà các đối tượng thuộc diện chính sách, cựu thanh niên xung phong, cựu quân nhân, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận.

Tại chương trình, đội ngũ y, bác sĩ khám tổng thể, tư vấn bệnh tật và cấp phát thuốc miễn phí cho 90 người dân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn các phường Lạc Viên, Cầu Tre, Vạn Mỹ. Đồng thời, trao quà tặng các gia đình với số tiền 15 triệu đồng.

Đây là một trong những hoạt động thiết thực của đoàn thanh niên quận Ngô Quyền, Đoàn khối các cơ quan thành phố chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3). (Minh Châm - Báo Hải Phòng 08/03/2016)

19.           Người từng cứu cầu Bính hiến kế cứu hộ cầu An Thái

Người từng cứu cầu Bính (Hải Phòng) đã có mặt tại hiện trường cầu An Thái (Hải Dương) đề xuất phương án cứu hộ.

Từ tối 6/2, ngay sau khi nhận được thông tin vụ tàu Thành Luân 28 đâm nát dầm biên cầu An Thái (Hải Dương), ông Lê Văn Hiển, Giám đốc Công ty trục vớt Ngọc Ánh (Hải Phòng) đã có mặt tại hiện trường.

Ông Hiển được biết đến là người đã cứu hộ thành công cầu Bính (Công trình trọng điểm Quốc gia bắc qua sông Cấm Hải Phòng) sau khi bị 3 chiếc tàu trọng tải lớn va vào. Vụ việc xảy ra vào khoảng 22h ngày 17/7/2010, trong cơn bão số 1, lúc đó, 3 chiếc tàu biển trọng tải lớn đang neo đậu ở các đà đóng mới, sửa chữa tại Tổng Công ty công nghiệp tàu thuỷ Bạch Đằng (Hải Phòng) bỗng dưng bị “xổng đà” trôi và va đập mạnh vào cầu Bính. 2 chiếc tàu sau khi nước rút đã tự thoát ra được nhưng còn chiếc tàu Vinashin Orient do bị mắc kẹt sâu trong gầm, nếu cố kéo ra sẽ gây hư hại thêm cho cầu, trước tình thế đó, ông Lê Văn Hiển xuất hiện nhận trách nhiệm cứu hộ. Ông và các công nhân sau đó đã cứu hộ thành công, đưa con tàu mắc kẹt ra khỏi cầu Bính an toàn.

Ngày 7/3, trao đổi với PV Báo Giao thông tại hiện trường vụ tàu Thành Luân 28 đâm vào cầu An Thái, ông Lê Văn Hiển cho biết: "Từ tối hôm qua (6/3) tôi đã có mặt, kiểm tra vết đâm va và thiệt hại của cầu, tôi đã đề xuất với Sở GTVT nhận nhiệm vụ cứu hộ cầu An Thái với 2 phương án".

Theo đó, phương án 1 là điều 2 pông tông mỗi chiếc trọng tải 1.000 tấn đặt phía thượng lưu sông Kinh Thầy, cẩu pông tông hướng về phía cầu. Mỗi pông tông này sẽ neo 4 sợi cáp vào tàu Thành Luân 28 để cố định tầu. Cùng với đó, điều 2 cẩu bánh lốp trọng tải mỗi cẩu 100 tấn đặt tại 2 đầu cầu, rồi đục 8 lỗ dọc thanh dầm biên bị tàu đâm. Bước tiếp theo dùng máy cắt cắt toàn bộ thanh dầm này (khoảng 30m). Khi thanh dầm này đã bị cắt, cẩu sẽ nhấc cả thanh dầm này lên đồng thời pông tông kéo tàu Thành Luân ra ngoài.

Phương án thứ 2  là cắt từng phần của thanh dầm biên cầu đồng thời cắt cabin tàu. Tuy nhiên, phương án này phải chấp nhận để sắt thép, xi măng rơi xuống sông sau đó sẽ tiến hành thanh thải.

Cả 2 phương án này có thời gian hoàn thành dự kiến trong vòng 1 tuần sẽ hoàn thành việc cứu hộcầu An Thái.  (Việt Hòa - Báo Giao thông 08/03/2016)

20.           Các cấp Hội Phụ nữ thành phố: Nhân rộng mô hình thi đua "3 tốt"

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của hội viên, năm 2014, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thành phố xây dựng mô hình “Tiết kiệm, tương trợ, nuôi dạy con tốt” (mô hình “3 tốt”). Đây là phong trào mang tính đặc trưng của phụ nữ Hải Phòng nhằm phát huy nội lực, tương trợ, gắn kết sinh hoạt và nâng cao chất lượng hoạt động hội tại chi, tổ. Sau 2 năm nhân rộng phong trào, các cấp Hội Phụ nữ thành phố xây dựng được 379 mô hình “3 tốt” tại các cơ sở hội.

Tham dự buổi sinh hoạt phụ nữ của chị em Tổ phụ nữ số 5, Chi hội Phan Đình Phùng, phường Hạ Lý (quận Hồng Bàng), nhiều người ấn tượng không khí thảo luận nhóm sôi nổi, mọi người mạnh dạn trao đổi, bàn bạc, đưa ra quan điểm, giải pháp thực hiện các tiêu chí của mô hình “3 tốt”. Với tiêu chí “tiết kiệm”, các chị cho rằng không chỉ tiết kiệm tiền mà cần xuất phát từ thói quen sinh hoạt. Do đó 25/25 thành viên trong tổ thống nhất quan điểm cùng nhau thi đua tiết kiệm gas, điện, khí đốt. Các chị trao đổi cách thực hành tiết kiệm: từ việc tiết kiệm điện, nước, chất đốt, đến việc chi tiêu hợp lý trong mỗi gia đình. Hằng tháng tự theo dõi bằng những số liệu cụ thể, coi đó là một trong những tiêu chí thi đua giữa các thành viên trong tổ.

Tham gia mô hình có chị Ngô Thị Kim, phụ nữ khuyết tật, thuộc diện hộ nghèo và chị Nguyễn Thị Thúy làm nghề buôn bán vặt, có con bị suy dinh dưỡng. Chị Nguyễn Thị Hoà, Chi hội trưởng Chị hội phụ nữ Phan Đình Phùng cho biết: “Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tương trợ lẫn nhau, các chị em trong tổ tự nguyện đóng góp tiền mua chiếc xe lăn tặng chị Kim, đề nghị các cấp có thẩm quyền làm chế độ trợ cấp người khuyết tật hằng tháng, phân công chị em ở gần qua lại giúp đỡ việc nhà, động viên chị thêm tự tin trong cuộc sống. Hay như trường hợp của chị Thúy, các thành viên trong tổ thống nhất cho chị vay 5 triệu đồng để có vốn kinh doanh, ổn định cuộc sống, có điều kiện chăm sóc con cái. Đồng thời phân công những chị em có kinh nghiệm thường xuyên trao đổi, hướng dẫn chị Thúy cách chăm sóc con trẻ”.

Nhận thấy mô hình phụ nữ “3 tốt” phù hợp và cần thiết, tạo chuyển biến lớn về nhận thức và hành động trong mỗi gia đình cán bộ, hội viên, phụ nữ, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, từ năm 2014 đến nay, Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố chỉ đạo Hội phụ nữ các quận, huyện đẩy mạnh thực hiện và nhân rộng mô hình thi đua “3 tốt”. Đến nay, toàn thành phố có 379 mô hình phụ nữ “3 tốt”. Tiêu biểu như mô hình của các chi hội phụ nữ Tổ dân phố 27 (phường Máy Chai), Tổ dân phố 11, phường Lạc Viên (quận Ngô Quyền), Hội Phụ nữ xã Hiền Hào (huyện Cát Hải)…

Trong quá trình triển khai, mô hình được Hội LHPN thành phố chỉ đạo thống nhất, rộng khắp gắn với địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị trong toàn thành phố, với một số mục tiêu cụ thể, gồm: 80% trở lên thành viên tham gia mô hình thực hành tiết kiệm ít nhất 10 nghìn đồng/người/tháng; 80% trở lên thành viên được tương trợ về vốn, kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con và phát triển kinh tế. Đồng thời, phấn đấu không còn thành viên mô hình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và gia đình thành viên không có trẻ em từ 0-6 tuổi suy dinh dưỡng, trẻ em trong độ tuổi bỏ học, trẻ em dưới 16 tuổi vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội. Hội LHPN các quận, huyện, đơn vị trong tháng 3 lựa chọn ít nhất một điểm để thực hiện mô hình “3 tốt”. Các cấp hội chủ động tham mưu, đề xuất với cấp uỷ Đảng, chính quyền, phối hợp các ngành, đoàn thể cụ thể hoá nội dung, biện pháp, cách làm phù hợp đặc điểm, tình hình của địa phương; có trách nhiệm hướng dẫn cơ sở đánh giá thực trạng và nhu cầu xây dựng mô hình.

Chị Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết, nhờ phương pháp chỉ đạo sát thực tế, hướng dẫn cụ thể, đến nay, phong trào xây dựng mô hình “3 tốt” của các cấp Hội Phụ nữ thành phố phát huy tốt vai trò nòng cốt của phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động hội ở cơ sở, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Mặt khác, việc triển khai mô hình phát huy năng lực và vai trò của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tuyên truyền, vận động chị em tham gia mô hình dân vận khéo, góp phần xây dựng đảng, chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh. (Việt Hoàng - Báo Hải Phòng 08/03/2016)

21.           Biểu dương, khen thưởng ban chuyên án phá đường dây vận chuyển ma túy và thuốc lá số lượng lớn

Sáng 7-3, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo 799 thành phố khen thưởng đột xuất tập thể Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý và Công an quận Dương Kinh mỗi đơn vị 20 triệu đồng. Bộ Công an tặng bằng khen 3 cá nhân thuộc Cục Hải quan Hải Phòng có thành tích xuất sắc trong đấu tranh với tội phạm.

Biểu dương thành tích phá án của các đơn vị, đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Khắc Nam nhấn mạnh, với vị trí địa lý thuận lợi cùng hạ tầng giao thông đa dạng, Hải Phòng luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng hoạt động của các đối tượng tội phạm. Do đó, các lực lượng mà nòng cốt là Công an thành phố cần tăng cường công tác nắm tình hình, khai thác thông tin từ cơ sở, không để bị động trong mọi tình huống, kịp thời xây dựng phương án đấu tranh với các đối tượng tội phạm, góp phần tích cực vào công tác giữ gìn ANTT trên địa bàn thành phố.

Trước đó, ngày 29-2, Công an quận Dương Kinh xác lập chuyên án,  đấu tranh thành công với nhóm đối tượng vận chuyển trái phép hơn 115 nghìn bao thuốc lá 555 các loại bằng xe ô tô từ quận Đồ Sơn vào trung tâm thành phố, với tổng giá trị hơn 3,5 tỷ đồng. Ngày 4-3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý phối hợp các lực lượng bắt gọn 4 đối tượng vận chuyện hơn 3,4 kg ma tuý tổng hợp tại khu vực đê Quai Chảo, phường Sở Dầu (quận Hồng Bàng). (Báo Hải Phòng 08/03/2016)

22.           Dương Kinh: Kiểm kê, thu hồi 16,7 ha đất cho dự án sân bay quốc tế Cát Bi

Dương Kinh: Kiểm kê, thu hồi 16,7ha đất cho dự án sân bay quốc tế Cát Bi. Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, di chuyển một số đơn vị thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân phục vụ dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi trên địa bàn quận Dương Kinh.

Đến ngày 4-3, Trung tâm phát triển Quỹ đất quận phối hợp với UBND phường Hưng Đạo tiến hành kiểm kê 225/280 hộ dân phải thu hồi đất, tương đương với 421/522 thửa ruộng, với tổng diện tích là 16,7 ha, đạt 76% kế hoạch.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai kiểm kê, thu hồi đất phát sinh một số vấn đề như: còn nhiều ngôi mộ chưa cải táng, mộ vô chủ trong diện tích thu hồi; việc thu hồi phá vỡ hệ thống mương máng tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác khác.

Để việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đáp ứng yêu cầu, quận Dương Kinh đề nghị thành phố thu hồi diện tích đất không còn khả năng sản xuất nông nghiệp ngoài chỉ giới thu hồi của dự án. Bố trí kinh phí đầu tư hệ thống mương máng tưới, tiêu bảo đảm các diện tích liền kề chưa được thu hồi duy trì hoạt động sản xuất.

Theo yêu cầu của thành phố, đến ngày 25-3 hoàn thành giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư. (Báo Hải Phòng 08/03/2016)

23.           Trường ĐH Hải Phòng: Phát huy hiệu quả các mô hình tự quản, liên kết bảo vệ trật tự

Sáng 2-3, Trường ĐH Hải Phòng tổ chức hội nghị tổng kết phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016. Tới dự có đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó giám đốc CATP.

Năm 2015, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường ĐH Hải Phòng luôn xác định công tác bảo vệ chính trị nội bộ là nhiệm vụ then chốt. Nhà trường tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên, cán bộ viên chức và học sinh, sinh viên nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những âm mưu “Diễn biến hòa bình”. Phòng bảo vệ, CLB Tuổi trẻ sinh viên cùng với Đội tự quản ký túc xá nhà trường xây dựng kế hoạch phối hợp tuần tra bảo vệ an ninh trật tự trong nhà trường.

Năm 2015, lực lượng bảo vệ của nhà trường đã ngăn chặn và bắt giữ nhiều đối tượng có hành vi trộm cắp, trong đó bắt quả tang 5 đối tượng trộm cắp vặt và giao cho công an phường sở tại xử lý. Bên cạnh đó, nhà trường đã kết hợp với chính quyền địa phương xây dựng mô hình liên kết “Đơn vị an toàn, cụm địa bàn an toàn”; phối hợp với CATP, công an các quận, phường tổ chức có hiệu quả các mô hình tự quản nhằm thực hiện tốt các mục tiêu “3 giảm, 2 không”, “5 không” trong trường học.

Đặc biệt, mô hình liên kết “Trường - phường” tiếp tục được khẳng định là một trong những biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội; tạo được thế trận liên hoàn trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, tích cực góp phần vào thắng lợi của phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2015.

Phát huy những thành tích đạt được, trong năm 2016, Trường ĐH Hải Phòng tiếp tục thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, trong đó sẽ tiếp tục mở rộng và tăng cường hoạt động có hiệu quả các mô hình liên kết, tự quản; phát huy vai trò hoạt động của các đoàn thể, CLB sinh viên…; tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các nội quy, quy định và phương án phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Nhân dịp này, nhà trường đã khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ và ký giao ước thi đua năm 2016. (VA - An ninh Hải Phòng 08/03/2016)

24.           Kỷ niệm 106 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8-3-1910 – 8-3-2016) Tôn vinh phụ nữ đất Cảng

Năm 2016, lần thứ 8 thành phố Hải Phòng tổ chức trao Giải thưởng Lê Chân tặng những phụ nữ có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, học tập, công tác, có nhiều đóng góp cho cộng đồng và xã hội.

Giải thưởng danh giá dành tặng phụ nữ đất Cảng

Năm 2005, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố (LHPN) mạnh dạn đề xuất thành lập Giải thưởng Lê Chân trình Hội đồng thi đua khen thưởng và UBND thành phố với tâm huyết tạo lập riêng giải thưởng để tôn vinh những phụ nữ  xuất sắc thành phố Cảng, có nhiều đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Tháng 8-2006, UBND thành phố ban hành Giải thưởng Lê Chân, là một trong hệ thống các giải thưởng của thành phố.

Giải thưởng Lê Chân, mang tên người nữ tướng tài năng, biểu tượng cho khí phách, trí tuệ của người dân đất Cảng nói chung, phụ nữ đất Cảng nói riêng. Nói đến nữ tướng Lê Chân là nói vùng đất và con người Hải Phòng, việc đặt tên giải thưởng mang tên người nữ anh hùng cho thấy niềm tự hào và kỳ vọng lớn lao của phụ nữ thành phố tiếp bước thế hệ anh hùng liệt nữ, tiếp tục có những đóng góp, cống hiến xứng đáng cho quê hương, đất nước. Giải thưởng được trao hằng năm vào dịp 8-3 nhân kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ và khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Bắt đầu từ năm 2006, đến nay tròn 10 năm giải thưởng (Từ năm 2006 đến 2013 mỗi năm Giải thưởng Lê Chân trao 1 lần. Từ năm 2014, 2 năm trao giải 1 lần), đã có hơn 70 phụ nữ xuất sắc của thành phố trên mọi lĩnh vực công tác: Đảng, chính quyền, đoàn thể, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... được ghi nhận, tôn vinh. Đây là những cá nhân tiêu biểu đi đầu trong phong trào thi đua, có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, học tập, công tác, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của thành phố và sự tiến bộ của phụ nữ.

Phát huy tinh thần con cháu Lê Chân

8-3 năm nay, lần thứ 8 Giải thưởng Lê Chân được long trọng tổ chức và trao tặng 10 phụ nữ xuất sắc tại Nhà hát thành phố. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của mỗi cá nhân được vinh danh mà là sự ghi nhận của thành phố đối với giới nữ với những đóng góp trong sự phát triển thành phố Cảng. Mỗi chị em là một bông hoa đẹp trong vườn hoa rực rỡ, được bình chọn qua nhiều cấp, từ nhiều ngành, không ngừng nỗ lực trong học tập, công tác, lao động sản xuất.

Đại diện các tầng lớp phụ nữ thành phố nhận Giải thưởng Lê Chân năm nay là những gương mặt ở các lĩnh vực: Hội viên phụ nữ trực tiếp lao động sản xuất làm kinh tế giỏi; cán bộ lãnh đạo quản lý; cán bộ Hội phụ nữ; lĩnh vực giáo dục; khối doanh nghiệp. Đó là chị Đỗ Thanh Lê, Bí thư Quận ủy Lê Chân, nguyên Chủ tịch Hội LHPN thành phố, người từng lăn lộn với phong trào phụ nữ, cùng tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội LHPN thành phố chỉ đạo đổi mới phong trào phụ nữ theo hướng thiết thực, hướng về cơ sở. Với vai trò là Bí thư Quận ủy Lê Chân, chị chú trọng công tác cán bộ nữ, thường xuyên rà soát, phát hiện, bồi dưỡng cán bộ nữ có triển vọng. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ quận Lê Chân nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 41,9%, cao nhất thành phố. Đó là chị Nguyễn Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Phòng Kinh tế Báo Hải Phòng, cây bút xuất sắc trong báo giới đoạt nhiều giải thưởng trong cuộc thi báo chí thành phố và quốc gia. Là phóng viên được phân công tuyên truyền nhiều lĩnh vực như các sự kiện trọng đại của thành phố và đất nước như các kỳ họp Quốc hội, Đại hội Đảng bộ thành phố, Đại hội Đảng toàn quốc, kinh tế, công nghiệp, thuế, hải quan... chị luôn bám sát cơ sở, phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng của người dân, những vấn đề bức thiết đặt ra từ thực tiễn, giúp cơ quan chức năng trong công tác chỉ đạo, điều hành. Và còn nhiều chị tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực khác như chị Đỗ Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Phú với 6 công trình khoa học được công bố từ năm 2002 đến 2009; 5 sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành; 1 sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố. Chị Trần Thị Uyên, Chánh Thanh tra thành phố với việc tham mưu cấp ủy Đảng và chính quyền thành phố về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, góp phần ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế -xã hội của thành phố...

Tự hào Giải thưởng Lê Chân, phụ nữ thành phố càng thêm cố gắng, góp sức góp công nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, xứng đáng là con cháu nữ tướng Lê Chân. (Phương Nam - Báo Hải Phòng 08/03/2016)

25.           Khen thưởng Phòng PC47 và CAQ Dương Kinh

Nhằm khen thưởng kịp thời thành tích xuất sắc của lực lượng CATP, sáng 7-3, thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo 799 thành phố đã đến động viên, trao thưởng các lực lượng CATP cùng các lực lượng phòng chống ma túy trên địa bàn thành phố. Cùng dự có thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Giám đốc CATP; đại tá Nguyễn Văn Coỏng, Phó giám đốc CATP.

Như báo ANHP đã đưa tin: Thực hiện Kế hoạch của Giám đốc CATP về phòng, chống ma túy năm 2016 và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng ANND, với chức năng nhiệm vụ được giao, Phòng CSĐT TP về ma túy - CATP đã xây dựng Kế hoạch số 12/KH-PC47 ngày 1-3-2016, chỉ đạo tổ chức, phân công lực lượng, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy.

Theo đó, vào 17h30’ ngày 4-3-2016, tại khu vực đường đê Quai Chảo, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, Phòng CSĐT TP về ma túy - CATP kết hợp với Phòng 3, Cục C47; Cụm đặc nhiệm phòng, chống ma túy số 1 - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Đội kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan Hải Phòng và CAQ Hồng Bàng bắt quả tang Phạm Đức Dũng, sinh 1981, ở số 72 đường đê Quai Chảo, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng cùng Phạm Văn Công, sinh 1992, ở thôn Quang Khải, xã Kim Anh, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương; Trần Bích Ngọc, sinh 1994, ở số 11/117 Hoàng Quý, phường Hồ Nam, quận Lê Chân và Mo Jing Lei (quốc tịch Trung Quốc), sinh 1980, địa chỉ Quang Xi, Ling Shan, Wuli - Qing Yun No 95 có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Lực lượng chức năng đã thu giữ tại chỗ: 3,460kg ma túy tổng hợp, một túi xách chứa nhiều tiền Việt Nam đồng và Nhân dân tệ (đã niêm phong), 1 xe ôtô, 6 điện thoại di động và nhiều tang vật liên quan đến hoạt động phạm tội khác. Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở Phạm Đức Dũng, thu giữ 2 viên thuốc lắc, 2 điện thoại di động. Từ tài liệu chứng cứ thu thập được, qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận đã cấu kết lập thành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn từ Trung Quốc về Hải Phòng.

Trước đó, thực hiện Kế hoạch số 61/KH-CAHP-PV11 của Giám đốc CATP về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn,  1h45’ ngày 29-2-2016, tại đường 353 qua tổ dân phố Tân Hợp, phường Tân Thành, quận Dương Kinh, CAQ Dương Kinh phá thành công Chuyên án 216TL, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các đối tượng có hành vi vận chuyển thuốc lá nhập lậu.

Trong quá trình lực lượng công an tiến hành truy đuổi, đối tượng đã liều lĩnh phóng ô tô lạng lách, chèn ép làm 2 chiến sỹ bị thương nhằm tẩu thoát nhưng lực lượng công an vẫn kiên quyết truy đuổi và bắt giữ đối tượng. Để vận chuyển số thuốc lá trên, các đối tượng đã dùng thủ đoạn dán BKS giả đè lên BKS thật, đồng thời dùng giấy nilon che toàn bộ phần đèn chiếu hậu. CAQ Dương Kinh đã thu giữ 231 thùng thuốc lá 555, mỗi thùng chứa 50 cây thuốc lá, tổng cộng là 115.500 bao.

Phát biểu chỉ đạo, thay mặt cho lãnh đạo thành phố, Phó chủ tịch thường trực UBND TP biểu dương và đánh giá cao thành tích, chiến công xuất sắc của các lực lượng CATP. Thời gian qua, CATP đã cố gắng chủ động cùng với các lực lượng trên địa bàn thành phố phối hợp chặt chẽ, tạo thế trận toàn dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, qua đó đã giữ vững, đảm bảo tốt mọi mặt của ANTT trước, trong và sau Tết Nguyên đán, góp phần mang đến không khí an vui cho nhân dân.

Đồng chí Lê Khắc Nam cũng nhấn mạnh: Trước tình hình diễn biến phức tạp, lực lượng CATP cần phải làm tốt công tác nghiệp vụ; nắm chắc địa bàn, dựa vào dân để chủ động ngăn ngừa, không để phát sinh tội phạm…

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen 3 cá nhân. Chủ tịch UBND thành phố tặng bằng khen và trao thưởng 20 triệu đồng cho Ban chuyên án 216TL. Chủ tịch UBND thành phố tặng bằng khen và trao thưởng 20 triệu đồng cho các lực lượng phá thành công đường dây vận chuyển ma túy lớn từ Trung Quốc về Hải Phòng. Giám đốc CATP trao thưởng 10 triệu đồng cho mỗi đơn vị tham gia phá thành công đường dây vận chuyển ma túy lớn từ Trung Quốc về Hải Phòng và Ban chuyên án 216TL. (MP - An ninh Hải Phòng 08/03/2016)

26.           Khen thưởng vụ triệt phá đường dây ma túy tổng hợp về Hải Phòng

Ngày 7-3, UBND TP Hải Phòng đã khen thưởng các đơn vị lập thành tích xuất sắc trong việc phá các vụ án kinh tế, ma túy trên địa bàn thời gian gần đây.

Các đơn vị được khen thưởng gồm: Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an quận Dương Kinh, Công an quận Hồng Bàng và Cụm Đặc nhiệm phòng chống ma túy số 1 Cảnh sát biển Việt Nam, Đội kiểm soát Hải quan Cục Hải quan Hải Phòng và Công an quận Hồng Bàng.

Trước đó vào hồi 29-2-2016, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, thuộc địa bàn tổ dân phố Tân Hợp, phường Tân Thành, quận Dương Kinh, Công an quận kiểm tra xe tải BKS: 15C-027.91 từ hướng Đồ Sơn về trung tâm thành phố.

Chiếc xe nói trên không chấp hành mệnh lệnh của lực lượng chức năng, mà lao thẳng vào đội hình tổ công tác của Ban chuyên án, rồi tăng ga bỏ chạy. Bị lực lượng công an truy đuổi, đối tượng cho xe chèn đổ 2 chiếc xe chuyên dùng của lực lượng Cảnh sát giao thông, khiến một đồng chí bị thương.

Công an quận kiểm tra, thu được trên xe 231 thùng gồm 115.500 bao thuốc lá nhãn hiệu BLEND NO.555 GOL và BEND NO.555 MANDARIN. Cơ quan CSĐT Công an quận Dương Kinh đã bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Văn Sự, trú tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương và tiếp tục điều tra mở rộng án, truy bắt đối tượng còn lại.

Ngày 4-3-2016, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp với đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Cụm Đặc nhiệm phòng chống ma túy số 1 Cảnh sát biển Việt Nam, Đội kiểm soát Hải quan Cục Hải quan Hải Phòng và Công an quận Hồng Bàng bắt giữ 4 đối tượng trong đó có 1 đối tượng người Trung Quốc đang vận chuyển ma túy tổng hợp, thu giữ 3,4 kg ma túy tổng hợp.

Đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã nhiệt liệt biểu dương thành tích của các đơn vị tham gia phá án và tặng bằng khen của UBND TP cho các tập thể và cá nhân.

Cũng nhân dịp này Thiếu tướng Đỗ Văn Ca giám đốc Công an TP đã thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Công an trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an cho 3 cán bộ phòng chống ma túy Cục Hải quan Hải Phòng đã có thành tích xuất sắc tham gia công tác phòng chống ma túy năm 2015. (Quốc Phòng - Văn Thịnh - Báo điện tử Công an nhân dân 08/03/2016)

27.           Ý tưởng khoa học bất ngờ của các nhà khoa học nhí

Trong số 234 dự án triển lãm tại Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2015 – 2016 đang diễn ra tại Hải Phòng, có nhiều dự án rất thú vị của các học sinh THCS.

Tuy mới chỉ học lớp 8, lớp 9 nhưng ý tưởng của các em không hề thua kém các anh chị lớp trên. Đề tài của các em bắt nguồn từ những điều mà các em nhìn thấy, chứng kiến trong cuộc sống.

Dự án bắt nguồn từ cây thuốc quý của người Si La

Đến từ Trường THCS Kan Hồ (Mường Tè- Lai Châu), hai em Lò Thị Khiêm và Hù Cổ Ngọc mang đến cuộc thi Dự án Nghiên cứu nhóm cây thuốc dân gian chữa bệnh tiêu chảy, kiết lị của dân tộc Si La.

Lò Thị Khiêm cho biết: Ở trên Mường Tè quê em, điều kiện đường giao thông đi lại khó khăn, người dân ở xa trung tâm y tế, học sinh bọn em đa số ở trong khu nội trú không đủ thuốc để sử dụng. Hơn nữa khi sử dụng nhiều thuốc tây có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.

Người dân Si La chúng em lại có những cây thuốc quý có thể chế biến thành thuốc, chữa bệnh rất hiệu quả mà lại tốt cho sức khỏe. Em muốn góp phần mình để ghi lại và phục hồi các bài thuốc dân gian của dân tộc chúng em, tìm giải pháp để phát triển các bài thuốc và bảo tồn các cây thuốc quý.

Qua nghiên cứu các kinh nghiệm chữa bệnh của người dân xã Kan Hồ, chúng em đã tìm ra tỉ lệ cây thuốc ở dạng phơi khô, giúp phổ biến thuốc đến nhiều địa phương khác. Trước đây phương pháp dân gian chỉ chữa bệnh ở dạng cây tươi. Em mong rằng sản phẩm của mình sẽ được đón nhận và có ích cho mọi người- Hù Cổ Ngọc chia sẻ.

Học sinh cấp 2 và dự án trồng rau trong không gian hẹp

Tại triển lãm, các thầy cô và đại biểu còn trầm trồ thán phục trước những khóm rau xanh tốt trên những khay chứa đất có diện tích chưa đầy 1 mét vuông với hệ thống tưới tiêu rất 'hiện đại'.

Đó là Dự án trồng rau trong không gian hẹp của 2 học sinh Đỗ Thành Sơn và Nguyễn Thị Ánh Dương đến từ Trường THCS Hồng Thái (Ninh Giang- Hải Dương).

Hệ thống trồng rau sạch của các em học sinh này chỉ là những 'thiết bị' tận dụng vành xe đạp cũ, thép vuông, khay trồng, dây xích, bơm bình thuốc sâu, ống nước, mùn cưa... Hệ thống trồng rau này đã có những thành phẩm rất tốt như giá đỗ, tía tô, rau diếp..., có thể chăm sóc tự động khi cung cấp nước sạch vào khay chứa.

Sơn và Dương cho biết mong muốn của các em là sẽ mở rộng cách thức trồng rau, để ai cũng có thể dễ dàng trồng được những cây rau yêu thích ngay tại ngôi nhà của mình.

Máy bơm không sử dụng nhiên liệu

Còn hai học sinh Vũ Xuân Hoàng và Vũ Thế Lực đến từ trường THCS Quang Tiến (Tân Yên, Bắc Giang) mang đến dự án Hệ thống bơm tưới không sử dụng nhiên liệu. Máy bơm có cấu tạo đơn giản, gọn nhẹ, giá thành rẻ, hoạt động nhờ sức chảy của dòng nước, có thể hoạt động liên tục suốt ngày đêm, tự bơm nước phục vụ trồng trọt không cần sự quản lý của con người.

Các vật liệu để tạo nên hệ thống này  chỉ là những cánh quạt nước, giá đỡ, vòi dẫn nước, phao, ống nhựa... có thể dễ dàng mua ở chợ. Qua thử nghiệm tại suối Cầu Đen, xã Quang Tiến (Huyện Tân Yên, Bắc Giang), hệ thống máy bơm này đã có công suất đáng kể, hoàn toàn có thể sứng dụng để bơm nước tại các kênh mương nhỏ, góp phần tiết kiệm công sức lao động của bà con nông dân.

Nhà thông minh nhờ năng lượng mặt trời

Đến từ một vùng đất xa xôi, hai học sinh Hà Phương Thảo và Lương Việt Hoàng-Trường PTDTNT THCS hyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) giới thiệu đến cuộc thi đề tài: Nhà thông minh- smarthouse. Nhờ năng lượng mặt trời, các em đã sáng tạo một mô hình nhà thông minh có thể điều khiển được qua điện thoại di động, nhận tín hiệu khi có người ra vào.

Ở một vùng đất xa xôi có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn nhưng các em học sinh này đã có những ý tưởng rất hiện đại, theo các em tiết lộ là những kiến thức đó được tìm hiểu thông tin qua internet và thực hiện dưới sự giúp đỡ của các thầy cô giáo trong trường.

Rào chắn đường sắt tự động

Đến từ trường THCS Sơn Kim (Hương Sơn- Hà Tĩnh), hai học sinh Nguyễn Phùng Quốc Tuấn và Trịnh Huy Bằng có dự án Mô hình rào chắn đường sắt tự động với mong muốn là sẽ góp phần giảm bớt những vụ tai nạn đường sát đã xảy ra ở quê mình.

Quốc Tuấn cho biết: Ở quê em có nhiều đoạn đường sắt cắt ngang tuyến đường chính mà không hề có hàng rào chắn barie, thay vào đó là chỉ vài ba biển báo khá sơ sài. Mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu đi qua, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra.

Trước thực trạng đó, các em có ý tưởng tạo ra mô hình rào chắn đường sắt tự động với những nguyên lý đơn giản mà em đã được học trong sách giáo khoa Vật lý và sách giáo khoa Công nghệ. (Lan Anh - Báo Giáo dục & Thời đại 08/03/2016)

28.           Bộ đội Biên phòng Hải Phòng: Phát huy truyền thống "Trung dũng - Quyết thắng"

Bộ đội biên phòng Tp. Hải Phòng đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xa hội và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, cửa khẩu cảng của TP Hải Phòng, góp phần củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Bên cạnh đó, lực lượng BĐBP đã tập trung đấu tranh phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm về xâm phạm chủ quyền biên giới biển; xuất, nhập cảnh trái phép, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới....Đồng thời, lực lượng biên phòng đã tích cực tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phòng chống thiên tai...phục vụ đắc lục cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của TP.

Phát huy truyền thống "Trung dũng - Quyết thắng", BĐBP TP Hải Phòng được Đảng, Nhà nước tặng thường Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Hải đội 2 và Đồn biên phòng Cát Bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới...

Để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang này, BĐBP TP đã thực hiện chủ đề: "Đoàn kết, đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, người chiến sĩ biên phòng mẫu mực, sáng tạo, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, cửa khẩu cảng TP". (Sỹ Nghiêm - Báo Pháp luật Việt Nam 08/03/2016)

29.           Trồng táo ngon, năng suất cao trên đất mặn

Những năm gần đây, cây táo đã mang lại thu nhập ổn định cho bà con phường Bàng La (quận Đồ Sơn, Hải Phòng) mà còn đem đến một sản phẩm du lịch mới cho đất Cảng.

Ở trên vùng đất ven biển, bao thế hệ người Bàng La suốt đời rát mặt trên đồng muối. Nhưng những năm gần đây, đầu ra quá khó khăn khiến nghề truyền thống này gần như đã chết. Người ta chuyển sang nuôi trồng và buôn bán thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi… đủ thứ cây, con. Loay hoay mãi mà vẫn nghèo. Ít năm gần đây, cây táo trở thành cây trồng chủ lực đã giúp kinh tế Bàng La có bước chuyển mình đi lên đáng kể.

Cây táo sinh trưởng tốt và cho quả chất lượng hảo hạng trên vùng đất chua mặn Bàng La khiến chính người dân địa phương cũng ngạc nhiên. Táo Bàng La “ngọt như đường cát, mát như đường phèn”. Sản vật này ngon có tiếng bởi vị giòn, ngọt thanh, thơm, mọng nước mà hiếm loại táo ở nơi khác có được. Không những thế, táo ở đây còn an toàn, không có thuốc kích thích. Đặc biệt, cây lại sai quả, mỗi cây cho tới 100kg quả/vụ.

Táo Bàng La còn được gọi là táo “muối” vì được trồng trên nền những ruộng muối trước đây, và hầu hết đều do diêm dân chăm sóc.

Vào mùa thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 1 âm lịch, làng trên xóm dưới nhộn nhịp cảnh thu hái, phân loại, bán mua, vận chuyển táo. Táo Bàng La từ hơn chục năm trở lại đây đã trở thành một thứ sản vật ngọt lành mà ít nhà nào ở Hải Phòng lại không thưởng thức hoặc thiếu trên mâm ngũ quả ngày Tết.

Theo ông Cao Văn Bé - Chủ tịch UBND phường Bàng La, đến nay trên địa bàn phường có trên 70ha táo với khoảng 700 hộ dân trồng, sản lượng hàng năm trên một nghìn tấn. Mỗi hộ trồng táo thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Lãnh đạo xã cho biết, cây táo được ông Nguyễn Quang Phát – nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bàng La đưa về trồng tại xóm Đồng Tiến, xã Bàng La (nay là tổ dân phố Đồng Tiến, phường Bàng La) vào khoảng năm 1985.

Những giống táo đầu tiên được trồng ở Bàng La là táo ngọt quả tròn, táo Gia Lộc, táo Thiện Phiến, táo Triều Tiên… được cung cấp từ Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương.

Lúc đầu, ông Phát chỉ trồng thử nghiệm một số cây. Thấy cây táo sống tốt lại cho quả ngon, ông nhân giống cho bà con trong làng trồng. Từ năm 1990, cây táo được trồng đại trà ở Bàng La.

Bà con cũng đầu tư thử nghiệm trồng nhiều loại giống táo mới có năng suất cao như: Táo Xuân 21, táo Má Đào… Khoảng 10 năm gần đây, người dân Bàng La đã tìm được giống táo lai cho chất lượng và năng suất cao.

Bà Đỗ Thị Thái, chủ hộ trồng táo ở khu Đồng Tiến cho biết, bà trồng hơn 1 mẫu táo với trên 200 gốc, mỗi vụ thu hoạch được hơn 10 tấn quả. Chi phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, điện nước khoảng 5-6 triệu đồng/sào. Với giá bán 30 - 40 nghìn đồng/kg, bà thu lãi 30 - 40 triệu đồng/sào, hơn nhiều so với làm muối hay trồng lúa.

Theo những người trồng táo, sau khi thu hoạch xong, từ tháng giêng đến tháng 2 âm lịch thì cắt tỉa cành. Khoảng tháng 3, tháng 4, tiến hành đào rãnh xung quanh, cách gốc khoảng 1 – 1,5m, bón phân chuồng, phân hữu cơ ủ mục, vôi bột, phân lân, sau đó lấp đất để làm nguồn thức ăn cho cây.

Khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6, cây ra hoa, lúc này cần sử dụng thuốc vi sinh chống sâu bệnh và rụng quả non. Trong khoảng thời gian cây chưa khép tán từ tháng 2 đến tháng 6, bà con còn tận dụng trồng xen rau màu trong vườn táo. Thời gian dưỡng quả từ tháng 7 đến tháng 10, bón thêm đạm, lân, kali… Định kỳ 5 - 7 ngày phải tưới đẫm cho táo ít nhất một lần. Từ cuối tháng 10 đến tháng 11, cây bắt đầu cho thu hoạch.

Xây dựng vùng sản xuất tập trung

Thương hiệu táo Bàng La ngày càng được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, đầu ra khá ổn định. Tiểu thương đặt mua cả vườn từ đầu mùa hoặc đặt mua trước từng ngày. Vào mùa thu hoạch, vùng táo Bàng La còn thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, thưởng thức và mua sản phẩm sạch.

Tuy nhiên, nông dân Bàng La vẫn chưa yên tâm “hái” tiền trên những vườn táo trĩu quả. Một trong những khó khăn hiện nay là việc tiêu thoát nước mùa mưa. Táo là giống không chịu được úng, trong khi hạ tầng thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ cho vùng trồng táo.

Hơn nữa, “cái chúng tôi sợ nhất là bão gió. Bàng La là xã ven biển, hứng chịu nhiều ảnh hưởng của giông bão. Năm nào bão muộn, khi táo đã ra hoa, thì sẽ mất mùa táo. Mà những năm gần đây hay có bão muộn, tháng 11 vẫn có bão. Gần đây nhất là năm 2012, bão khiến mất trắng mùa táo, cả làng không được một quả nào, chúng tôi chỉ biết than trời”, một chủ vườn táo ở tổ dân phố Điện Biên, phường Bàng La chia sẻ.

Để phát triển bền vững nghề trồng táo, địa phương đang có định hướng mở rộng diện tích trồng, trong đó, chuyển đổi một số diện tích nuôi trồng thủy sản sang trồng táo. Phường Bàng La đang hướng tới xây dựng vùng sản xuất tập trung chuyên trồng táo với diện tích 100ha. Trước mắt sẽ tập trung xây dựng hạ tầng vùng táo, tiêu thoát nước nội đồng. Đồng thời sẽ đưa các giống táo mới có chất lượng, năng suất cao về trồng tại địa phương và chú trọng tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc táo cho bà con. (Hân Minh - Báo Nông nghiệp Việt Nam 08/03/2016)

30.           Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia tại Hải Phòng: Lãnh đạo thành phố thăm, động viên các học sinh dự thi

Sáng 7-3, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố đến thăm các gian trưng bày dự án Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, năm học 2015-2016, tổ chức tại thành phố Hải Phòng. Cùng đi có lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo.

Thăm các gian trưng bày dự án của học sinh 35 tỉnh, thành phố và trường học trong khuôn viên Nhà văn hóa thanh niên thành phố, đồng chí Lê Khắc Nam đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần sáng tạo, ham học hỏi, say mê nghiên cứu khoa học của học sinh các địa phương, trong đó có học sinh thành phố Hải Phòng. Đồng chí động viên các học sinh bình tĩnh, tự tin trong việc thuyết trình các dự án để giành kết quả cao nhất.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, năm học 2015-2016, khu vực phía Bắc tổ chức tại thành phố Hải Phòng từ ngày 5 đến 8-3. Tham gia cuộc thi gồm Sở Giáo dục-Đào tạo  31 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế trở ra và 4 trường trực thuộc với 234 dự án thuộc, 20 lĩnh vực. Trong đó, Hải Phòng có 18 dự án với 36 học sinh tham gia cuộc thi. Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi được tổ chức sáng 8-3 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt-Tiệp. (Báo Hải Phòng 08/03/2016)

31.           Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Ban nữ công quần chúng

Các giải pháp từ thực tế cơ sở được trưởng ban nữ công, lãnh đạo công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Viên chức thành phố chia sẻ tại tọa đàm chuyên đề “Nâng cao chất lượng hoạt động Ban nữ công quần chúng, đổi mới phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CBCCVCLĐ giai đoạn 2016-2020”.

Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 106 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và 1976 năm khởi  nghĩa Hai Bà Trưng của các cấp công đoàn thành phố. Tọa đàm do Công đoàn Viên chức thành phố tổ chức tại Trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề (số 31 Điện Biên Phủ, quận Hồng Bàng).

Tại tọa đàm, trưởng ban nữ công cơ sở cùng trao đổi, thảo luận kinh nghiệm triển khai các hoạt động nữ công tại đơn vị mình phụ trách. Theo đó, nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ban nữ công quần chúng được chia sẻ gắn với triển khai các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Mỗi cán bộ nữ công và công đoàn cơ sở được tặng một cuốn sổ tay nữ công giúp trang bị thêm kỹ năng hoạt động nữ công tại cơ sở.

Nhân dịp này, Công đoàn Viên chức thành phố khen thưởng, tặng quà 100 trưởng ban nữ công, lãnh đạo công đoàn cơ sở có nhiều đóng góp trong hoạt động ban nữ công quần chúng.

Công đoàn Viên chức thành phố hiện có 51 công đoàn cơ sở trực thuộc với tổng số 6.480 CBCCVCLĐ. Đoàn viên công đoàn là nữ chiếm tỷ lệ 45% (2.833 người) trong số 6.309 đoàn viên. Tuy nhiên, mới chỉ có 42 đơn vị công đoàn cơ sở thành lập Ban nữ công theo quy định. Còn 9 đơn vị có số đoàn viên nữ dưới 10 người chưa đủ điều kiện thành lập ban. (Thùy Linh - Báo Hải Phòng 08/03/2016)

                THỂ THAO

32.           Hải Phòng tiếp tục bay cao

Không phải Becamex Bình Dương hay Thanh Hóa, Hải Phòng mới là đội bóng đang dẫn đầu V-League. Sau 3 trận thắng với 8 bàn thắng và không để lọt lưới bàn nào, tất cả các đội bóng khác đều phải “ngả mũ” trước phong độ của đội bóng đến từ thành phố hoa phượng đỏ.

Đội bóng của huấn luyện viên Trương Việt Hoàng đang dựa trên điểm tựa lớn là sự chắc chắn của hàng thủ cùng với đó là khả năng tận dụng thời cơ ở tuyến trên.

Chưa thể khẳng định trước điều gì khi mùa giải chỉ mới bắt đầu nhưng họ đã có thể hài lòng với khởi đầu tốt nhất của mình trong lịch sử V-League. (Vietnamplus.vn 08/03/2016)

33.           Giải Vô địch vật tự do thành phố Cúp Báo Hải Phòng lần thứ 24 năm 2016: Đội tuyển huyện Kiến Thụy chú trọng chất lượng vận động viên

Những ngày cận kề khai mạc Giải Vô địch vật tự do thành phố Cúp Báo Hải Phòng, không khí tập luyện của đội tuyển vật Kiến Thụy diễn ra sôi động, khẩn trương. Từng tốp, từng cặp vận động viên say sưa luyện tập các kỹ thuật, chiến thuật, rèn luyện nâng cao thể lực.

Có thể khẳng định, môn vật là thế mạnh nổi trội, đem về nhiều thành tích cao nên được huyện Kiến Thụy chú trọng, quan tâm đầu tư. Điều này cũng dễ hiểu bởi Kiến Thụy vốn nổi tiếng với nhiều vùng đất vật truyền thống như Hữu Bằng, Thuận Thiên, Ngũ Đoan, Tân Trào, Kiến Quốc, Ngũ Phúc…, nơi sản sinh ra những đô vật đạt thành tích cao. Truyền thống võ vật ở Kiến Thụy được trao truyền, nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ, với nhiều miếng đánh đặc trưng. Phong trào vật được duy trì, phát triển qua 2 giải vật truyền thống lớn ở làng Hòa Liễu (xã Thuận Thiên) và làng Văn Hòa (Hữu Bằng) để các đô trong vùng thi đấu giao lưu, cọ xát…

Chính vì vậy, với giải vật truyền thống tranh Cúp Báo Hải Phòng, các đô vật huyện Kiến Thụy luôn thi đấu hết mình, thường xuyên đứng ở top 3 đơn vị có thành tích cao. Huấn luyện viên Bùi Văn Gia, từng là vận động viên giành nhiều giải cao trong các kỳ đấu trước, người có kinh nghiệm 15 năm làm huấn luyện viên của bộ môn này cho biết: Năm nay, đội tuyển vật Kiến Thụy gồm 15 vận động viên, trong đó, 90% số vận động viên là học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn, hơn 1/3 số VĐV từng tham gia giải vật những năm trước. Ngay khi nhận được điều lệ của giải, các vận động viên được tập trung tập luyện, sẵn sàng tham gia thi đấu. Trong đó, Trung tâm TDTT tập trung cho các vận động viên trẻ có khả năng thi đấu tốt rèn luyện nâng cao thể lực, tinh thần, tâm lý, sự dẻo dai. Đồng thời, chú trọng luật thi đấu, kỹ thuật đánh đứng với các miếng bốc một và bốc đôi, kỹ thuật bò “đòn cuộn” và cài vai gáy. Khác với các năm trước, năm nay, ban huấn luyện đội tuyển “khoanh vùng”, chú trọng chất lượng vận động viên. Theo đó, đội tuyển duy trì tốt đội nữ thiếu niên đủ cả 5 hạng cân, nam thiếu niên tham gia 3 hạng cân, nữ trẻ có 1 hạng cân, nam trẻ là 4 hạng cân và vô địch nam là 2 hạng cân. Đội tuyển tập luyện vào các buổi chiều thứ 5, 7 và chủ nhật hằng tuần, từ 17 đến 19 giờ, tại hai địa điểm là trung tâm văn hóa và phòng tập của Trung tâm TDTT. Theo ông Đỗ Đức Úy, Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Kiến Thụy. Các trường học bố trí giúp các em học tập hợp lý tạo điều kiện cho các em tập luyện. Nhà trường ưu tiên các vận động viên nghỉ sớm, giảm bớt học thêm để dồn sức luyện tập và cho các em học bù sau giờ tập luyện…

Với sự chuẩn bị chủ động và bài bản, các vận động viên đội tuyển huyện Kiến Thụy đang nỗ lực đạt thành tích cao nhất trong khả năng ở những hạng cân tham gia thi đấu. (Thanh Vân - Báo Hải Phòng 08/03/2016)

QR Code
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố