THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
Ngày 5/7, Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị lần thứ 8, thảo luận tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và cho ý kiến về một số nội dung theo quy chế làm việc.
6 tháng đầu năm nay, Hải Phòng có mức tăng trưởng khá: Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 11,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 11,84%; thu ngân sách nhà nước ước đạt 53.969 tỷ đồng, tăng 18,53%. Thành phố đã khởi công một số công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực giao thông, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm. an ninh, quốc phòng, được giữ vững.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm các ngành dịch vụ, du lịch; một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu chưa bám sát tiến độ kế hoạch đề ra. Giải ngân đầu tư công thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nêu thực tế: “Giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hải Phòng đang chậm. So với lại vốn của Trung ương giao đạt 47% nhưng so với vốn mà Hội đồng nhân dân thành phố giao chỉ đạt 30%. Thứ nhất là khu vực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu các huyện triển khai mới được 5,63 %, vốn phân bổ rất thấp. Thứ hai là vốn phân cấp cho các địa phương thì một số địa phương còn chậm. Đề nghị các địa phương quan tâm giải phóng mặt bằng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công”.
6 tháng cuối năm, Hải Phòng tập trung bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra năm 2022 trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp; xây dựng công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn các quận.
Ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh: “Chúng ta phải tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án động lực về du lịch ở Cát Bà, ở Đồ Sơn, hay là dự án thuộc nhóm logistics như nhà ga T2, nhà ga hàng hóa sân bay Cát Bi, nó phù hợp định hướng phát triển mà Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra. Chúng ta cũng phấn đấu làm xong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của Hải Phòng cho Hội đồng thẩm định Quốc gia vào cuối năm nay và đeo bám để cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung mà chúng ta đã chờ đợi rất lâu.
Tại Hội nghị cũng cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hải Phòng về “Một số giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng bộ thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. (Vov.vn 06/7, Thanh Nga)
Ngày 6/7, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng triệu tập Hội nghị Thành ủy lần thứ 8 nghe báo cáo, cho ý kiến về một số nội dung theo Quy chế làm việc.
Hội nghị đã công bố quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy về thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố trực thuộc Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng.
Theo đó, ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng làm Trưởng ban; ông Đặng Bá Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy làm Phó Trưởng ban Thường trực; các ông: Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đình Chuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Đào Trọng Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; Vũ Thanh Chương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TP. Hải Phòng làm Phó Trưởng ban.
Hội nghị cũng đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Đảng trong Doanh nghiệp Việt Nam” của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho các ông: Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đặng Bá Cường, Trưởng ban Nội chính Thành ủy; Lê Ngọc Trữ, Bí thư Quận ủy Hồng Bàng; Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng. Tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho các Đảng bộ cấp trên cơ sở “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” tiêu biểu năm 2021, gồm các Đảng bộ: Quận Hồng Bàng; huyện An Lão; Khối các cơ quan thành phố; Quân sự thành phố và Cục Thuế thành phố.
Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng đã trình bày Đề án và dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố “Một số giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng bộ thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
Cũng tại Hội nghị, Thành ủy Hải Phòng xem xét kỷ luật đối với một cán bộ. Đây là điều không mong muốn nhưng là cần thiết để với nguyên tắc là có thưởng, phạt nghiêm minh, đồng thời để đưa ra một thông điệp có tác dụng răn đe và cảnh tỉnh làm cho hoạt động của hệ thống chính trị mạnh hơn, hiệu quả hơn.
Kiểm điểm thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, thành phố có chuyển biến tích cực, đồng bộ hơn, không chỉ lĩnh vực kinh tế mà còn các lĩnh vực khác của đời sống xã hội trong 6 tháng qua. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Hải Phòng bứt lên vị trí thứ nhì. Chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp của thành phố vươn lên vị trí thứ nhất.
Nhưng xét về góc độ con số thực thì 6 tháng đầu năm thành phố đang thụt lùi, tổng sản phẩm quốc nội GDP từ vị trí thứ 5 trong bảng tổng sắp tụt xuống vị trí thứ 7, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP thấp hơn so với kế hoạch và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Nguy cơ sụt giảm nguồn thu năm 2022 của Hải Phòng khoảng 11 nghìn tỷ đồng (trong đó 5.500 tỷ thuộc về thay đổi chính sách liên quan đến nghĩa vụ tài chính mà trước đây Hải Phòng thu, giờ Trung ương thu; còn lại là sự chuyển dịch của Nhà máy ô tô Vinfast chuyển từ sản xuất xe chạy xăng sang xe chạy điện...).
Đối với công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch có sự chuyển biến rất lớn. Việc giải quyết một số vụ việc lên quan đến các công trình xây dựng chuyển biến tích cực, đặc biệt là 8 dự án lớn đang triển khai theo chỉ đạo của Trung ương. Thành phố đang tích cực triển khai xây dựng dự án xử lý rác thải mới tiến tới thay thế khu xử lý rác cũ.
Trong công tác quản lý đất đai, xây dựng có nhiều sai sót. Việc xử lý ngao cát vẫn chưa dứt điểm. Tiến độ giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố chậm. Ba tháng đầu năm 2022 tiến độ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước. Hải Phòng là một trong bốn địa phương của cả nước có tỷ lệ tiêm vaccine mũi 4 thấp nhất...
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang chỉ đạo, khắc phục những tồn tại trên, 6 tháng cuối năm Hải Phòng tập trung công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, vận động nhân dân tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả; trước hết là tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định, quy chế làm việc của cấp ủy các cấp, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.
Về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, thành phố tập trung cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra năm 2022 trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; chủ động theo dõi, bám sát tình hình, kịp thời có giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến của dịch; tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống dịch; đẩy mạnh khôi phục, kích cầu phát triển du lịch.
Thành phố tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả nhằm thực hiện thắng lợi chủ đề năm 2022 của thành phố; hoàn thành Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bám sát, tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng đó, TP. Hải Phòng đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp; xây dựng công viên, vườn hoa, xây xanh trên địa bàn các quận. Đồng thời, tăng cường rà soát, quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn các quận, huyện; bảo đảm nhu cầu tái định cư phục vụ triển khai các dự án hạ tầng, phát triển đô thị tại các địa phương đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về công tác chuyển đổi số nhằm thống nhất về nhận thức, thay đổi tư duy trong hoạt động chuyển đổi số đối với cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thành các nhiệm vụ đã đặt ra về thực hiện chuyển đổi số tại Hải Phòng năm 2022. (TTXVN/Baotintuc.vn 06/7, Đoàn Minh Huệ; Nld.com.vn 06/7; Kienthuc.net.vn 06/7; Baodautu.vn 06/7; Cand.com.vn 06/7; Nhandan.vn 06/7; Baodautu.vn 06/7; Thanhtra.com.vn 06/7; Nhandaoonline.vn 06/7; Pháp Luật Việt Nam 07/7, tr10; Kinhtedothi.vn 07/7; Baoxaydung.com.vn 07/7)
Cử tri thành viên Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP. Hải Phòng đề nghị thành phố cần tiếp tục quan tâm đến phát triển du lịch; môi trường, rác thải và hệ thống thủy lợi tại khu vực nông thôn…
Thường trực HĐND TP. Hải Phòng vừa có buổi tiếp xúc cử tri là là thành viên Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố để lấy ý kiến tham gia vào nội dung Kỳ họp thứ 6, HĐND TP. Hải Phòng khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri thành viên Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố được thông báo dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, Kỳ họp dự kiến được tiến hành trong 2,5 ngày (18-20/7/2022).
Cử tri là thành viên Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng báo cáo cũng như các Đề án trình tại Kỳ họp HĐND sắp tới và thể hiện sự đồng tình với báo cáo kết quả kinh tế - xã hội thành phố đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022.
Cử tri đề nghị thành phố cần tiếp tục quan tâm đến phát triển du lịch thành phố; môi trường, rác thải và hệ thống thủy lợi tại khu vực nông thôn; nâng cao các tiêu chí phù hợp với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; quản lý về chất thải rắn; xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp phù hợp với bảo về môi trường; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố...
Đồng thời, các cử tri cũng đóng góp trực tiếp một số ý kiến vào các báo cáo, đề án trình tại Kỳ họp HĐND sắp tới.
Phó Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng Bùi Đức Quang ghi nhận những ý kiến thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của cử tri là thành viên Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP. Hải Phòng đối với sự phát triển của thành phố. Đồng thời tiếp thu đầy đủ các ý kiến và chỉ đạo các đơn vị liên quan tổng hợp để sớm hoàn thiện, trình tại Kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố khóa XVI. (Kienthuc.net.vn 06/7, Thiên Di)
Để nâng cao chất lượng phục vụ, từ ngày 6/7, toa số 1 - Toa chất lượng cao được Haraco đưa vào phục vụ hành khách trên các đoàn tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (Haraco) vừa thông tin, để nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu của hành khách trong suốt hành trình, từ ngày 6/7, toa số 1 - Toa chất lượng cao được đưa vào phục vụ hành khách trên các đoàn tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng.
Theo đó, hành khách đi tàu trên toa chất lượng cao sẽ được: Truy cập Wifi miễn phí trong suốt hành trình; mỗi vé tàu sẽ có 1 chai nước suối và 1 khăn ướt. Đặc biệt, trên toa xe chất lượng cao, Haraco không bán ghế phụ kể cả dịp cao điểm, đông khách.
Để mua vé toa tàu chất lượng cao, hành khách liên hệ đặt vé tại các nhà ga, đại lý bán vé tàu hỏa trên toàn quốc. Ngoài ra, hành khách có thể mua vé online qua tổng đài: 1900.01.09; trang bán vé điện tử của ngành đường sắt: dsvn.vn, vetauonline. Hoặc mua vé qua các App: Viettel Pay, VnPay, Momo, Vimo, Internet Banking.
Liên quan đến tình hình khách tác tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, thời gian qua, lượng hành khách đi và đến TP. Hải Phòng bằng tàu hỏa tăng mạnh. Cụ thể, trong quý II/2022 đã có khoảng 100.000 lượt khách đến và gần 100.000 lượt khách đi. Riêng các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật là khoảng 70.000 lượt khách mỗi chiều đi - về.
Ông Đặng Tiến Mạnh, Trưởng ga Hải Phòng cho biết, trước đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến sản lượng, doanh thu giảm nghiêm trọng, phải dừng chạy nhiều đoàn tàu khách. Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu đi lại, du lịch của hành khách tăng cao, đặc biệt, tour ẩm thực đường phố Hải Phòng bằng phương tiện tàu hỏa được các bạn trẻ quan tâm và yêu thích nên từ đầu tháng 4/2022 lượng khách di chuyển bằng tàu hỏa tăng 70 - 80% so với trước đó.
Một trong những yếu tố giúp lượt khách di chuyển bằng tàu hỏa tăng đáng kể là việc ga Hải Phòng kết hợp với Sở Du lịch Hải Phòng phát hành bản đồ foodtour và hướng dẫn miễn phí cho hành khách xuống tàu vào cuối tuần.
Cụ thể, trong quý II/2022, hành khách xuống ga Hải Phòng là 94.866 lượt khách (khách đi vào dịp cuối tuần chiếm 67%). Khách đi tàu lên từ Hải Phòng là 91.759 lượt khách (khách đi vào dịp cuối tuần chiếm 58%). Nếu trước kia khi chưa có chương trình foodtour, lượng khách tập trung từ 200 - 300 khách/tàu/1 chuyến.
Hiện tại, vào 3 ngày cuối tuần lượng khách đi - đến Hải Phòng tăng đột biến lên đến 2.000 lượt khách/1 ngày và 900 khách/1 tàu/ 1 chuyến. Đây là con số cao kỷ lục trong những năm trở lại đây.
Qua đây có thể thấy, người dân đã hứng thú trở lại với việc di chuyển bằng tàu hỏa, mức độ quan tâm của khách du lịch tới ẩm thực Hải Phòng. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho ngành đường sắt và ngành du lịch Hải Phòng… (TTXVN/Bnews.vn/VietnamPlus.vn 06/7, Quang Toàn)
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại TP. Hải Phòng tính đến cuối tháng 6/2022 đạt gần 1,1 tỷ USD, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm 2021, bằng gần 44% kế hoạch năm. Dự báo khả năng thực hiện chỉ tiêu thu hút FDI quý III/2022 tại Hải Phòng đạt 0,85 tỷ USD, quý IV/2022 đạt 0,85 - 1 tỷ USD.
Theo Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, để đạt được con số này, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 sẽ tập trung cao cho phòng chống, kiểm soát linh hoạt, hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi sản xuất kinh doanh, đầu tư.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chủ động xúc tiến và thu hút đầu tư có chọn lọc theo định hướng phát triển ba trụ cột trong phát triển kinh tế đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP. Hải Phòng là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, xúc tiến đầu tư trực tuyến.
Bên cạnh đó, thu hút các dự án lớn, công nghệ cao có vai trò dẫn dắt, đóng góp lớn cho thành phố; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch thu hút đầu tư FDI năm 2022 (2,5 tỷ USD).
Cùng với đó, sau khi Quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn 2050 được phê duyệt, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chủ trì lập nhiệm vụ và đồ án trình phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải sau khi Thủ Tướng Chính phủ quyết định chủ trương điều chỉnh; thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố, Thành ủy Hải Phòng phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 các Khu công nghiệp: Tràng Duệ 3, Xuân Cầu, Tiên Thanh, Giang Biên.
Ngoài ra, phối hợp với các nhà tài trợ thành phố lập các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu đô thị, khu logistics, khu công nghiệp để phục vụ việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thúc đẩy quyết liệt các dự án xây dựng ký túc xá, nhà ở cho công nhân.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp; kết nối doanh nghiệp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trọng điểm.
Đồng thời, tăng cường quản lý các nguồn thu, ngân sách, đặc biệt rà soát các doanh nghiệp hết hạn ưu đãi, các doanh nghiệp ghi ưu đãi chưa phù hợp, thu thuế các nhà thầu xây dựng đảm bảo thu đúng, thu đủ, không để thất thu ngân sách.
Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, rút gọn, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; duy trì hiệu quả các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại để tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời, tập trung thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn nhà đầu tư tìm hiểu về chính sách ưu đãi đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế.
Hoạt động quảng bá, xúc tiến được chú trọng với hình thức phong phú, đa dạng và hiệu quả. Cổng thông tin điện tử được đẩy mạnh khai thác, tạo kênh hỗ trợ và kết nối thuận lợi cho doanh nghiệp...
Trong thời gian này, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã tiếp xúc và làm việc với hơn 20 nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc đến tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư tại thành phố; đồng thời, làm việc với Hiệp hội các khu công nghiệp Hàn Quốc (KICOX) về tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại TP. Hải Phòng.
Ban Quản lý phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Pháp năm 2022, chủ đề "Hải Phòng - Điểm đến thành công", thu hút hơn 50 nhà đầu tư, doanh nghiệp Pháp tham dự...
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng đã chủ trì cùng các cơ quan liên quan chuẩn bị thành lập các khu công nghiệp mới, trong giai đoạn 2021 - 2025, TP. Hải Phòng xây dựng thêm 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích trên 6.200 ha; hoàn tất các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội tại khu đất diện tích 22,48 ha tại phường Đông Hải 2, quận Hải An... (TTXVN/Bnews.vn/VietnamPlus.vn 06/7, Đoàn Minh Huệ)
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt 64,4% dự toán, 61,2% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là con số khá tích cực thể hiện sự hiệu quả của các giải pháp đã và đang được ngành Hải quan triển khai quyết liệt.
Ngay từ đầu năm 2022, toàn ngành Hải quan đã triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022 để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu. Nhờ đó, đến hết tháng 6/2022, số thu của ngành Hải quan đã đạt 226.588 tỷ đồng, bằng 64,4% dự toán, 61,2% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều đơn vị hải quan địa phương đạt kết quả “khủng”.
Đơn cử như Hải quan Quảng Ngãi, số thu nửa đầu năm 2022 của đơn vị đạt rất cao, trên 6.300 tỷ đồng, tức là hơn 83% chỉ tiêu pháp lệnh cả năm; bằng 78,7% chỉ tiêu phấn đấu. Theo Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ngãi Vũ Văn Hải, đơn vị đã nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình nghiệp vụ hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19.
Tương tự ở Cục Hải quan An Giang, số đã thu nộp ngân sách trong 5 tháng đã đạt 89% chỉ tiêu được giao và đạt 85% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021. Theo Cục trưởng Cục Hải quan An Giang Trần Quốc Hoàn, đơn vị tập trung hướng dẫn, giải đáp kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình làm thủ tục hải quan, nhất là với các mặt hàng đặc thù như phân bón xuất khẩu qua Campuchia; thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gạch ngói,…
Tuy không “vượt trội” như hai đơn vị nói trên, song số thu của Cục Hải quan Hải Phòng cũng có nhiều khởi sắc. Hết tháng 6, Cục Hải quan Hải Phòng thu ngân sách được 38.420 tỷ đồng, tăng 17,19% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 60,38% dự toán và 57,3% chỉ tiêu phấn đấu. Để đạt kết quả này, Cục Hải quan Hải Phòng thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu hàng tháng của các chi cục trực thuộc, xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả hoạt động. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Cục Hải quan Hải Phòng đã tổ chức các hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp để cùng bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 06/7, Hồng Vân)
Bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An mang đến cho khán giả góc nhìn tuyệt đẹp về vịnh Lan Hạ - một trong những điểm đến được du khách yêu thích nhất tại thị trấn Cát Bà.
Vịnh Lan Hạ là vịnh biển nằm ở phía Đông của đảo Cát Bà, cách trung tâm TP. Hải Phòng khoảng 30km. Vịnh Lan Hạ cũng là cầu nối liền kề giữa đảo Cát Bà và vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Vịnh biển này cũng sở hữu cảnh đẹp non nước hữu tình, cực thu hút khách du lịch khi đến với Cát Bà.
“Vẫn những gam màu xanh kỳ ảo của trời, biển, núi giao thoa cùng nhau tạo nên một sự cuốn hút mê hoặc chưa từng có” - Nhiếp ảnh gia chia sẻ và trầm trồ tán thưởng vịnh Lan Hạ với cái tên “mảnh vỡ Thiên Đàng lạc giữa nhân gian”.
Để tiện khám phá, quay chụp, nhiếp ảnh gia đã đi tàu riêng theo lộ trình: Bến Bèo - qua làng chài cổ Cái Bèo - đi qua Hòn Ba Cát Bằng - đến Hòn Rùa - Hòn Tai Kéo - Hòn Bống Lá - bơi kayak ở Ba Trái Đảo rồi quay về đón hoàng hôn làng chài Cái Bèo.
Ngoài ra, anh còn khám phá Áng Thảm - Hồ nước xanh độc đáo gần đảo trái tim và Hòn Mây có hình dáng như chiếc nón hết sức độc đáo.
Theo anh, Cát Bà mùa này thời tiết thất thường, có ngày nắng đẹp trời xanh, có ngày sáng mù mịt mưa giăng nhưng trưa lại nắng rực rỡ và hoàng hôn thì ánh hồng bừng sáng.
Nhiếp ảnh gia chia sẻ: “Tôi có cơ hội chèo kayak ở nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi nào đẹp như ở Lan Hạ. Khi chiều xuống, nắng phản chiếu mặt nước rồi chạy loang loáng trên các vách đá, chèo kayak xuyên qua các vòm hang, ngửa đầu là núi đá vôi cao ngất kỳ vỹ... Cảm giác chỉ là một đốm nhỏ bé xíu điểm xuyến cho đất trời nhưng vẫn tồn tại duy nhất, phấn khích vô cùng”.
“Thời khắc nhìn ngắm thiên nhiên cùng con người giao thoa một chữ “Đồng” khi bao đa đoan hồng trần tan biến, người lữ khách cứ ngơ ngẩn bồng bềnh mãi không thôi” - nhiếp ảnh gia cảm thán. (Dulich.laodong.vn 06/7, Trang Ngọc)
Ngày 6/7, Bộ Chỉ huy Quân sự TP. Hải Phòng phối hợp với Cơ quan Điều tra hình sự khu vực 1 (Quân khu 3) tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2022 cho 130 đồng chí cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong lực lượng vũ trang thành phố.
Theo đó, Hội nghị tập trung nghiên cứu các chuyên đề như: Một số nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Một số nội dung cơ bản của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020; Một số nội dung cơ bản Nghị định số 81 ngày 11/11/2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Thông qua Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật; xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố; hướng tới hạn chế thấp nhất các vụ việc vi phạm kỷ luật thông thường, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng, góp phần xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn. (Quân đội nhân dân 07/7, tr3, Văn Minh)
Chiều ngày 6/7, hơn 22.000 thí sinh Hải Phòng tới các Điểm thi để làm thủ tục dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022.
Khi tới điểm thi, các thí sinh sẽ vào đúng phòng thi (ghi trong Giấy báo dự thi) để làm thủ tục dự thi; xem kỹ danh sách dự thi và rà soát, kiểm tra các thông tin cá nhân.
Nếu thấy có bất cứ những sai sót nào về họ, tên đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên thì báo ngay cho cán bộ coi thi hoặc những người làm nhiệm vụ tại điểm thi để xem xét, kịp thời xử lý.
Với những trường hợp thí sinh bị mất thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ cần thiết khác, các em cần phải báo cáo ngay cho Trưởng điểm thi để kịp thời xử lý.
Ghi nhận tại Điểm thi Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (quận Hải An, Hải Phòng), điểm thi này có 774 thí sinh dự thi với 33 phòng thi chính thức và 1 phòng thi dự phòng.
Từ sớm, nhiều phụ huynh đã đưa con đến điểm thi để kiểm tra số báo danh, làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến Quy chế thi, Lịch thi.
Theo quy định mới của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, thí sinh phải để đồ cách phòng thi 25m nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thi cử bằng công nghệ cao.
Theo đó, điểm thi Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn bố trí khu vực gửi đồ ngay gần khu vực cổng trường. Khi thí sinh tới điểm thi sẽ được lực lượng thanh niên tình nguyện hướng dẫn gửi đồ đúng nơi quy định.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, trong chiều 6/7, có 22.491 thí sinh hoàn tất thủ tục đăng ký dự thi. Toàn thành phố có 115 thí sinh vắng thi và có 2 thí sinh thuộc diện F0.
Hội đồng thi số 3 – Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng có 49 điểm thi, trong đó có 40 điểm thi đặt tại trường Trung học phổ thông công lập; 8 điểm đặt tại Trường Trung học phổ thông ngoài công lập; 1 điểm đặt tại trường Trung học cơ sở.
Toàn thành phố có 22.573 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, trong đó có 21 học sinh được miễn tất cả các môn thi (18 học sinh khuyết tật nặng và 3 học sinh tham gia đội tuyển Olympic quốc gia); 2.096 học sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ.
Ngành giáo dục thành phố điều động 3.024 cán bộ, công chức, viên chức tham gia kỳ thi; huy động 343 cán bộ, công chức, viên chức chấm thi.
Trong hai ngày 7/7 và 8/7. Ngày 7/7, buổi sáng thí sinh sẽ bước vào môn thi đầu tiên là môn Ngữ văn, thời gian làm bài là 120 phút; buổi chiều thí sinh dự thi môn Toán, thời gian làm bài 90 phút.
Ngày 8/7, buổi sáng thí sinh làm bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), thời gian làm bài mỗi môn thi là 50 phút; buổi chiều thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài là 60 phút. (Giaoduc.net.vn 06/7, Lã Tiến – Phạm Linh; Nguoiduatin.vn 07/7)
Ngày 6/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng công bố điểm chuẩn (lần 1) vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2022-2023.
Theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền có điểm chuẩn đầu vào nguyện vọng 1 cao nhất thành phố với 40,8 điểm.
Tiếp đó là các trường Trung học phổ thông: Thái Phiên (40,3 điểm), Lê Quý Đôn (40,1 điểm), Trần Nguyên Hãn (39,7 điểm), Kiến An (38,3 điểm)…
Điểm chuẩn vào trường Trung học phổ thông Toàn Thắng thấp nhất thành phố với điểm đầu vào là 9,3.
Qua thống kê, có 15 trường có điểm trúng tuyển từ 30 đến hơn 40 điểm, 23 trường có điểm trúng tuyển từ 10 đến dưới 30 điểm và 1 trường có điểm trúng tuyển dưới 10 điểm.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, điểm chuẩn tuyển sinh vào các trường năm nay không có chênh lệch nhiều so với năm học trước.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng còn công bố điểm chuẩn vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú năm học 2022-2023. (Giaoduc.net.vn 06/7, Lã Tiến)
Ngày 6/7, Văn phòng UBND TP. Hải Phòng ban hành công văn số 1629/VP-VX về việc phòng ngừa, ngăn chặn sử dụng thiết bị công nghệ cao phục vụ gian lận thi cử.
Theo đó, xét đề nghị của Công an thành phố tại Công văn số 687/CAHP-ANM ngày 4/7/2022 về việc phòng ngừa, ngăn chặn sử dụng thiết bị công nghệ cao phục vụ gian lận thi cử, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Ban Chỉ đạo thi TP. Hải Phòng giao Công an thành phố phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng thực hiện công tác tuyên truyền cảnh báo về tính chất vi phạm và hậu quả của hành vi mua bán, sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận trong thi cử.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các điểm thi thực hiện nghiêm việc bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25m để bảo quản vật dụng cá nhân và các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi theo quy định. Trong đó, chú ý phổ biến kỹ năng phát hiện hành vi sử dụng các thiết bị công nghệ cao ngụy trang vào mục đích gian lận trong kỳ thi.
Trước đó, ngày 2/7, trinh sát Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. Hải Phòng phối hợp cùng các lực lượng chức năng kiểm tra giữ đối tượng P.Đ.Q (sinh năm 2002, đăng ký thường trú tại phường Thành Tô, quận Hải An, TP. Hải Phòng) đang thực hiện hành vi mua bán thiết bị công nghệ cao phục vụ gian lận thi cử, thu giữ 15 bộ thiết bị tai nghe siêu nhỏ.
Một bộ thiết bị gồm có: 1 điện thoại Nokia kích thước 4cm x 10cm, điện thoại kết nối với 1 đoạn dây đồng khoảng 60cm có gắn 1 micro nhỏ và 4 tai nghe siêu nhỏ dạng hạt từ kích thước khoảng 2mm. Khi sử dụng, người dùng cho hạt tai nghe siêu nhỏ vào lỗ tai, điện thoại lắp sim và micro được giấu trong quần áo để liên lạc với ngoài phòng thi.
Điều tra mở rộng, cơ quan Công an đã triệu tập, đấu tranh với đối tượng Lê Xuân Tùng (32 tuổi, trú tại khu 14, xã Tiên Phú, huyện Phú Ninh, tỉnh Phú Thọ) là người bán số thiết bị trên cho P.Đ.Q và thu giữ 14 bộ thiết bị tai nghe siêu nhỏ, 3 camera ngụy trang cùng hàng trăm linh kiện điện tử để lắp ráp thành các thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang phục vụ gian lận trong thi cử.
Hiện, cơ quan Công an đang đấu tranh làm rõ hành vi của các đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật. (Giaoducthoidai.vn 06/7, Mai Dung; Laodong.vn 06/7)
Nhằm phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng nghề nghiệp năm 2022 trên địa bàn TP. Hải Phòng, Điện lực Hải Phòng đã sẵn sàng phương án bảo đảm điện an toàn, liên tục.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc về việc đảm bảo điện phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng nghề nghiệp năm 2022 và Chỉ thị số 08/CT-UBND của UBND TP về việc tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023; TP. Hải Phòng, Điện lực Hải Phòng đã tính toán kết dây lưới để bố trí hợp lý nhất, không thực hiện cắt điện có kế hoạch trên các đường dây và TBA có ảnh hưởng đến việc cấp điện cho các địa điểm phục vụ công tác tuyển sinh và các địa điểm thi, trừ trường hợp cắt điện xử lý sự cố.
Cụ thể, từ ngày 6 - 9/7 ưu tiên cấp điện cho 49 địa điểm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trên địa bàn TP. Hải Phòng.
Điện lực Hải Phòng yêu cầu các Điện lực trực thuộc căn cứ vào các điểm thi chủ động liên hệ với Phòng Giáo dục các quận, huyện để thống nhất và thực hiện phương án cấp điện cho các địa điểm thi và Hội đồng thi.
Chủ động kiểm tra đường dây và TBA cấp điện cho các địa điểm thi, đặc biệt kiểm tra tình hình mang tải của MBA phân phối, đường dây hạ thế, aptomat tổng, nhánh…
Cấp điện trực tiếp cho điểm thi và hội đồng thi trước khi diễn ra kỳ thi, không để xảy ra hiện tượng quá tải, phát hiện khiếm khuyết phải đề xuất phương án xử lý khắc phục ngay.
Trong thời gian diễn ra kỳ thi, các đơn vị phải tăng cường chế độ trực vận hành, xử lý sự cố, chuẩn bị vật tư thiết bị dự phòng, phối hợp chặt chẽ với trực điện tại các trường thi để xử lý nhanh các sự cố xảy ra.
Được biết, trong chiều 6/7, tại Hải Phòng có 22.491 thí sinh hoàn tất thủ tục đăng ký dự thi. Toàn thành phố có 115 thí sinh vắng thi và có 2 thí sinh thuộc diện F0.
Toàn thành phố có 22.573 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, trong đó có 21 học sinh được miễn tất cả các môn thi (18 học sinh khuyết tật nặng và 3 học sinh tham gia đội tuyển Olympic quốc gia); 2.096 học sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ.
Ngành giáo dục TP. Hải Phòng điều động 3.024 cán bộ, công chức, viên chức tham gia kỳ thi; huy động 343 cán bộ, công chức, viên chức chấm thi.
Trong hai ngày 7/7 và 8/7. Ngày 7/7, buổi sáng thí sinh sẽ bước vào môn thi đầu tiên là môn Ngữ văn, thời gian làm bài là 120 phút; buổi chiều thí sinh dự thi môn Toán, thời gian làm bài 90 phút.
Ngày 8/7, buổi sáng thí sinh làm bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), thời gian làm bài mỗi môn thi là 50 phút; buổi chiều thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài là 60 phút.
Theo quy định mới của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, thí sinh phải để đồ cách phòng thi 25m nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thi cử bằng công nghệ cao. (Kinhtedothi.vn 06/7, Vĩnh Quân - Hải Yến)
Chuyện về những “chiến binh áo trắng” của TP. Hải Phòng ra trận chống dịch Covid-19
Bất cứ một cuộc chiến nào cũng đều cần đến những chiến binh dũng cảm. Tất nhiên, để yên tâm khi ra trận, họ rất cần những người ở nhà thấu hiểu sự hi sinh, quan tâm, chia sẻ sâu sắc và cả sự động viên cụ thể. Cuộc chiến chống Covid-19 tại các tỉnh, thành trong cả nước có sự chi viện của đội ngũ “chiến binh áo trắng” từ Hải Phòng cũng không phải ngoại lệ.
Câu chuyện chính quyền TP. Hải Phòng hỗ trợ mỗi bác sỹ, nhân viên y tế tham gia đoàn chi viện cho tỉnh bạn phòng chống dịch Covid-19 suốt hơn 2 năm qua không phải là chuyện mới. Nhưng, chuyện hỗ trợ ngay trong ngày lên đường chi viện thì thực sự đáng ghi nhận.
Chuyện của cách đây 2 năm (7/2020), khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trở lại với Đà Nẵng cũng là lúc Hải Phòng thành lập đoàn chi viện đầu tiên trong chiến dịch này. Là địa phương có lịch sử gắn kết, yêu thương, kết nghĩa với Đà Nẵng, nên đáp lời kêu gọi của thành phố bạn, Hải Phòng đã huy động lực lượng y tế lên đường vào tâm dịch giúp đỡ Đà Nẵng thân yêu.
Thực hiện mệnh lệnh từ trái tim, chưa đầy 24 giờ, 33 bác sỹ và điều dưỡng đến từ 2 bệnh viện lớn: Bệnh viện Việt Tiệp và Bệnh viện Đa khoa Kiến An đã tự nguyện đăng ký và có mặt chia tay, tham gia vào Đà Nẵng chống dịch. Ở Bệnh viện Việt Tiệp, để động viên kịp thời cho những “chiến binh” yên tâm lên đường chi viện cho Đà Nẵng, Bệnh viện đã hỗ trợ mỗi người 10 triệu đồng, Công đoàn và Hội Điều dưỡng Bệnh viện hỗ trợ 5 triệu đồng/nhân viên y tế.
Thời điểm đó, thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn vô cùng căng thẳng bởi dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Mọi hoạt động không cần thiết ở thành phố này buộc tạm dừng, chính quyền thành phố Đà Nẵng thắt chặt các biện pháp cách ly nghiêm ngặt chưa từng có. Nguồn nhân lực y tế Đà Nẵng gặp khó khăn vì khá nhiều bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế đã bị nhiễm dịch trong khi vaccine cho phòng Covid-19 lại chưa có. Tất cả đều trong tình trạng cách ly toàn bộ hoặc cách ly một phần.
Trong bối cảnh đó, dù người ở nhà hay người đi chi viện, ai nấy đều xác định "cuộc chiến" chưa có ngày về và ai cũng tự nhủ cùng cố gắng, thậm chí "hy sinh" chuyện đại sự cá nhân, dồn tâm sức cho cuộc chiến. Bởi như ở Bệnh viện Việt Tiệp, họ biết chắc chắn rằng, ở nhà có sự quan tâm của Bệnh viện, của những đồng nghiệp đến gia đình những “chiến binh” khi tăng cường ra trận.
Ngày chia tay đoàn do thành phố tổ chức, ai cũng bùi ngùi động viên nhau giữ sức khỏe và hoàn thành nhiệm vụ. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Y tế đã khẩn trương chuyển khoản vào tài khoản mỗi cá nhân trong đoàn chi viện khoản hỗ trợ chống dịch nhằm động viên các chiến binh an tâm lên đường làm nhiệm vụ những ngày xa nhà. Chỉ trong vòng 2 tháng (9/2020 và 10/2020), UBND TP. Hải Phòng đã hoàn tất khoản hỗ trợ cho tất cả các thành viên trong đoàn chi viện với số tiền hàng tỷ đồng.
Rồi tới Bắc Giang bùng phát dịch, nguồn nhân lực y tế thiếu trầm trọng, bằng tinh thần chia sẻ, Sở Y tế Hải Phòng tiếp tục kêu gọi đội ngũ y, bác sỹ tham gia tiếp sức. Lần này, chi viện cho Bắc Giang có bác sỹ đến từ Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Việt Tiệp, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Kiến An và 10 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên xét nghiệm. Với tinh thần hỗ trợ và động viên đội ngũ y, bác sỹ tham gia chống dịch giúp tỉnh bạn, ngay giữa tháng 6/2021, khi các "chiến binh" đang làm nhiệm vụ tại Bắc Giang, TP. Hải Phòng đã hỗ trợ với tổng kinh phí 2,2 tỷ đồng.
Tháng 7/2021, đại dịch Covid-19 do biến chủng Delta bùng phát, lan rộng trên địa bàn TP.HCM khiến địa phương này chuyển sang cấp độ 3, rồi cấp độ 4 của dịch. Thời điểm này, Việt Nam tiếp nhận được 8,7 triệu liều vaccine và ưu tiên cho TP.HCM, các tỉnh lân cận có dịch và lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch nhằm phát triển kinh tế. Ở giai đoạn này, tất cả bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị trên địa bàn TP.HCM đều bị quá tải, mặc dù thành phố đã liên tục thành lập thêm 10 bệnh viện dã chiến với quy mô 24.027 giường và chuyển công năng thêm 5 bệnh viện lên 14 bệnh viện chuyển đổi (4.238 giường).
Trước sự "khủng hoảng" về nhân lực y tế của TP.HCM, cùng với các tỉnh thành phố khác, Hải Phòng một lần nữa huy động nhân sự tham gia chi viện cho TP.HCM với con số lớn nhất từ trước tới nay: 114 người (14 bác sỹ, 100 điều dưỡng) ở tất cả các bệnh viện lớn của thành phố, bệnh viện tuyến quận, huyện, bệnh viện tư nhân.
Giai đoạn này, ngay tại Hải Phòng cũng đang trong tình trạng căng thẳng và áp dụng một số biện pháp ngăn chặn lây lan dịch từ ngoài vào thành phố đang có nguy cơ lây lan. Tuy nhiên, với vị trí là thành phố lớn, đầu tàu kinh tế, cửa ngõ thông thương hàng xuất nhập khẩu, Hải Phòng vẫn dành một lực lượng tinh nhuệ với 120 nhân lực, chia làm 2 đợt vào chi viện cho TP.HCM (đợt 1 là 70 người lên đường ngày 4/9/2021 và đợt 2 là 50 người lên đường ngày 15/9/2021). Đáng chú ý, các “chiến binh” khi vào trận là vào thẳng các trung tâm điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Để tiếp sức cho các "chiến binh áo trắng" nơi "đầu sóng, ngọn gió", chính quyền TP. Hải Phòng đã hỗ trợ khẩn trương cho mỗi thành viên trong đoàn qua tài khoản với tổng mức kinh phí 3 đợt vào TP.HCM khoảng 20 tỷ đồng.
Tiếp đến tháng 9/2021, Hải Phòng cử thêm 200 cán bộ, nhân viên y tế và cả sinh viên Cao đẳng, Đại học Y tham gia chống dịch giúp Hà Nội. Tháng 12/2021, ngành y tế Hải Phòng tiếp tục kêu gọi tăng cường 30 bác sỹ, 20 điều dưỡng vào chi viện cho Tây Ninh. Việc hỗ trợ cho đội ngũ y tế chi viện chống dịch ở 2 địa phương này cũng khẩn trương không kém những lần đầu và cũng với tính chất công việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Nhớ lại khoảng thời gian xung phong vào Đà Nẵng chi viện chống dịch Covid-19, bác sỹ Trịnh Thị Hòa - Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Kiến An không khỏi xúc động: "Khi đăng ký tham gia chi viện cho Đà Nẵng vào thời điểm cam go đó, mình và đồng nghiệp đều xác định cố gắng làm cho tốt và nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh còn sớm trở về nhà. Lúc đó, dịch dã căng thẳng lắm và không ai dám nói chắc một điều gì. Hầu như ai cũng không khỏi lo lắng. Lúc chuẩn bị lên máy bay, nhận tin báo thành phố chuyển khoản hỗ trợ chống dịch…, mình và đồng nghiệp đều không khỏi ngỡ ngàng, xúc động”.
Theo ông Phan Huy Thục - Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, ngoài việc thành phố hỗ trợ nhanh và kịp thời cho đoàn chi viện, mỗi bệnh viện tùy theo khả năng của mình đều thể hiện sự quan tâm đến tinh thần, vật chất, hậu phương của những “chiến binh”. (Vnbusiness.vn 06/7, Vũ Trang)
Để bảo đảm an ninh nguồn nước cũng như phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình, rất cần một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và các địa phương.
Nhận định lưu vực sông Hồng-Thái Bình đang đối mặt với nhiều thách thức lớn do phân bố nguồn nước không đều giữa mùa khô và mùa mưa; ô nhiễm dẫn đến chất lượng nước không bảo đảm, nhiều ý kiến đề xuất Nhà nước cần quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh đồng thời tăng cường công tác phối hợp quản lý, bảo vệ giữa các ngành, địa phương.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết lưu vực sông Hồng-Thái Bình là lưu vực sông liên quốc gia, chảy qua 3 nước (bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Lào), với tổng diện tích tự nhiên vào khoảng 169.000 km2.
Trong số đó, phần lưu vực nằm ở Việt Nam có phạm vi diện tích lớn nhất được xem là “rốn nước,” với hơn 50%. Đây cũng là lưu vực sông lớn nhất nước, chảy qua 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 30 triệu người dân đang sinh sống.
Vai trò quan trọng như vậy, nhưng theo ông Thành, hệ thống sông Hồng-Thái Bình đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, như: Phân bố nguồn nước không đều giữa mùa khô và mùa mưa; ô nhiễm nguồn nước; ảnh hưởng của các hồ chứa dẫn đến xói lở bờ bãi; gia tăng xâm nhập mặn vùng cửa sông; sự cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành, đặc biệt là giữa phát điện và sản xuất nông nghiệp…
Dẫn chứng từ địa phương, bà Cao Lan Anh, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cho biết thành phố này nằm ở hạ lưu của lưu vực sông Hồng-Thái Bình nên nguồn nước khá phong phú. Tuy nhiên, là thành phố cửa sông cửa biển nên địa phương này đã và đang phải “hứng chịu” toàn bộ lượng chất thải từ thượng nguồn của hai hệ thống sông trên dồn về.
Bên cạnh đó, Hải Phòng còn phải hứng nguồn nước từ sông Rế vốn chịu tác động rất lớn từ nguồn là địa bàn tỉnh Hải Dương (nơi có Bệnh viện Đa Khoa huyện Kim Thành và các bãi rác dân sinh; trại chăn nuôi; các cánh đồng canh tác của người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm nguồn nước).
Ông Lưu Văn Bản-Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cũng cho biết tỉnh này nằm ở khu vực hạ lưu của nhiều dòng sông lớn. Do vậy, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng quy hoạch hệ thống thu gom xử lý nước thải khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn để đảm bảo an toàn nguồn nước.
Tuy vậy, thách thức lớn hiện nay của tỉnh này là tình trạng ô nhiễm môi trường nước nhiều nơi đang ở mức báo động, đặc biệt là ở hệ thống Bắc Hưng Hải - “điểm đen” về ô nhiễm kéo dài trong suốt nhiều năm nay, đã và đang khiến cho hàng nghìn hộ dân sống gần lưu kênh này thường xuyên bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, Luật Tài nguyên nước đang còn “lỗ hổng” lớn về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh; chưa quy định cụ thể về trách nhiệm, bảo vệ nguồn nước liên tỉnh...
Trước thực trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng tài nguyên nước cần phải được quản lý tổng hợp theo lưu vực sông, thống nhất về số lượng, chất lượng, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch của các ngành có khai thác, sử dụng nước.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt đã và đang là vấn đề lớn. Do vậy, Nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách đồng bộ để giải quyết các thách thức.
Đặc biệt, để bảo đảm an ninh nguồn nước cũng như phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng- Thái Bình, rất cần “cái bắt tay” trách nhiệm bằng cơ chế phối hợp giữa các tỉnh để cùng chia sẻ lợi ích, cùng quản lý, sử dụng hiệu quả hơn.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản cũng nhấn mạnh để giải quyết các thách thức về nguồn nước hiện nay rất cần có đề án, chương trình tổng thể cho toàn bộ lưu vực sông. Theo đó, Hải Dương sẽ tiếp thu Quy hoạch lưu vực sông Hồng-Thái Bình để đưa vào quy hoạch chung của tỉnh.
Trong khi đó, theo tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch, điều tra tài nguyên nước Quốc gia, để có thể đảm bảo các mục tiêu quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng-Thái Bình đến năm 2030, một số chỉ tiêu cơ bản cần đạt được bao gồm: 60% vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát tự động, trực tuyến và 40% còn lại được giám sát định kỳ.
Cùng với đó, 100% nguồn nước liên tỉnh phải được công bố khả năng tiếp nhận nước thải; 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành; 100% hồ, ao có chức năng điều hòa, đa đa dạng sinh học cao được công bố; 70% nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và có cắm mốc.
Ngoài ra, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng-Thái Bình đến năm 2030 sẽ đưa ra phân đoạn sông, phân vùng chức năng nguồn nước, mục đích sử dụng nước và mục tiêu chất lượng nước; trong đó chỉ rõ lượng nước có thể khai thác, sử dụng, dòng chảy tối thiểu trên sông và ngưỡng giới hạn khai thác...
“Đây là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đầu tiên được lập cho hệ thống lưu vực sông Hồng-Thái Bình, cụ thể hóa các quan điểm trong Quy hoạch Tài nguyên nước và dựa trên các quy hoạch có khai thác, sử dụng nước,” ông Hà chia sẻ và kỳ vọng thông qua quy hoạch có thể cải tạo, phục hồi nguồn nước, tối ưu sử dụng nước và vận hành liên hồ chứa, nâng cao giá trị sử dụng nước.
Với tầm quan trọng trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ hoàn thiện Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến 2050; dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 3 năm 2022. (TTXVN/VietnamPlus.vn 06/7, Hùng Võ; Baoxaydung.com.vn 06/7)
UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành Quyết định số 2137/QĐ-UBND ban hành tiêu chí Thôn an toàn về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) trên địa bàn TP. Hải Phòng.
Theo đó, 10 tiêu chí Thôn an toàn về PCCC bao gồm: Phải có nội quy, quy định về PCCC, “Tại các ngõ, xóm dân cư phải niêm yết nội quy an toàn PCCC và số điện thoại báo cháy 114 để nhân dân biết và thực hiện”; tại các ngõ, đường liên thôn, liên xã không được đóng cọc bê tông, không tập kết hàng hóa, vật liệu làm ảnh hưởng đến xe chữa cháy hoạt động khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, việc làm cổng chào phải đảm bảo chiều rộng tối thiểu 3,5m, cao 5m để cho xe chữa cháy, xe cứu nạn cứu hộ hoạt động; có phương án chữa cháy và thoát nạn theo quy định được Chủ tịch UBND xã phê duyệt; trưởng thôn lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC theo quy định; có quyết định của UBND xã về việc thành lập Đội dân phòng đảm bảo về số lượng thành viên theo quy định; cán bộ, đội viên đội dân phòng phải được bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, cứu nạn cứu hộ (CNCH) và được tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn đáp ứng yêu cầu chữa cháy, CNCH tại chỗ khi có cháy, nổ xảy ra.
Đội dân phòng được trang bị dụng cụ, phương tiện PCCC và CNCH theo Danh mục trang thiết bị phương tiện quy định tại Phụ lục I của Thông tư số 150/2020/TT-BCA. Ngày 31/12/2020 của Bộ Công an. Hàng tuần, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC cho nhân dân trên hệ thống loa truyền thanh (nếu có) hoặc hàng năm tổ chức tuyên truyền trực tiếp về công tác PCCC cho nhân dân. Phải có nguồn nước phục vụ chữa cháy (trụ nước chữa cháy thành phố hoặc ao, hồ... để xe chữa cháy hút được nước).
Đối với các hộ gia đình tại Thôn an toàn PCCC: Nơi đun nấu, thờ cúng, nơi có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện phải đảm bảo an toàn PCCC; tài sản, vật tư, chất cháy phải được bố trí, bảo quản và sử dụng đúng quy định an toàn về PCCC; có phương tiện chữa cháy phù hợp với đặc điểm hoạt động và điều kiện của từng hộ gia đình (bình chữa cháy hoặc chum, vại, bể nước có xô, thùng múc hoặc vòi nước có ống dẫn đủ đến các điểm cháy của nhà); phải có lối thoát nạn dự phòng, nếu làm lồng sắt chống trộm phải có cửa mở thuận tiện để thoát nạn nhanh chóng, kịp thời.
Trên các tầng nhà cần có lối ra ngoài ban công; chủ hộ gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên gia đình cảnh giác, phòng ngừa tai nạn cháy nổ; tìm hiểu các quy định về PCCC để thực hiện đảm bảo an toàn. Khi xảy ra sự cố cháy nổ trên địa bàn, mọi người có trách nhiệm cứu người, cứu tài sản, tích cực tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu quả. (Baoxaydung.com.vn 07/7, Hải Nguyên)
Sau hai năm chuẩn bị, chương trình Xếp xe kỉ lục hình bản đồ Việt Nam sẽ chính thức diễn ra vào ngày 9/7/2022 tại Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng – Đồ Sơn, TP. Hải Phòng với tổng số 1700 chiếc xe hơi trên quy mô diện tích 16ha.
Theo thông báo từ Ban tổ chức, chương trình được thực hiện bởi OTV Media – đơn vị chủ quản cộng đồng Otofun, công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ Vinfast cùng với sự hỗ trợ của Ban quản lí Khu Du lịch quốc tế Đồi Rồng và sự ủng hộ của UBND quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng. Chương trình dự kiến sẽ xác lập kỉ lục “Xếp hình bằng Ô tô nhiều nhất” với 1.700 xe và “Đoàn diễu hành bằng ô tô nhiều nhất” với 500 xe diễu hành dọc bãi biển Đồ Sơn, được Công nhận bởi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và mang tầm cỡ thế giới.
Địa điểm được lựa chọn để tổ chức chương trình Xếp xe kỉ lục hình bản đồ Việt Nam là Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng (Dragon Ocean) – Đồ Sơn, Hải Phòng. Đây là khu du lịch mới được đưa vào hoạt động tại Đồ Sơn với tổng diện tích 480ha, là địa điểm thích hợp để tổ chức các hoạt động có quy mô lớn.
Để chuẩn bị cho chương trình, hơn 700.000 khối cát đã được bơm cấp tốc trong vòng một tháng để lấp đầy hồ sâu 3.5m, tạo một mặt bằng bằng phẳng, rộng rãi, lên đến 16ha, phục vụ cho việc đi lại, xếp hình của hàng nghìn chiếc xe.
Theo đại diện Ban tổ chức, sau khi xếp xong hình bản đồ Việt Nam, một chiếc dù bay có động cơ sẽ kéo quốc kỳ trên bầu trời để bắt đầu một màn chào cờ đầy cảm xúc của tất cả thành viên tham dự bên cạnh hình bản đồ được xếp bằng 1.700 chiếc xe.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Phó Tổng giám đốc đơn vị Kinh doanh và Truyền thông dự án, đại diện đơn vị đăng cai tổ chức chương trình cho biết: Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng đã chính thức mở cửa đón khách du lịch từ 30/4 vừa qua và đã đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch tới tham quan bãi biển Dragon Beach, trải nghiệm làn nước biển trong xanh cùng bãi cát trắng mịn trải dài gần 2km. Đồng thời, đây cũng là nơi được lựa chọn để tổ chức rất nhiều sự kiện lớn, với quy mô gần 5000 người tham dự.
Bên cạnh chương trình xếp hình bản đồ kỷ lục còn có chuỗi các hoạt động khác thu hút du khách như: biểu diễn ánh sáng nghệ thuật tương tác công nghệ 3D Mapping trên biển lần đầu tiên tại Việt Nam; màn trình diễn Drift đỉnh cao đến từ các tay đua chuyên nghiệp; giải đua xe Gymkhana Otofun Championship với tổng giải thưởng 70 triệu đồng; lái thử nhiều loại xe máy, ô tô điện Vinfast có quy mô lớn nhất từ trước đến nay; chương trình Gala dinner với quy mô 1.500 người tham gia.
Ngay sau khi mở đăng kí, chương trình đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều thành viên trên cả nước. Sự kiện này chính là cơ hội để quảng bá du lịch Hải Phòng trong giai đoạn hậu đại dịch. (Vneconomy.vn 06/7, Nguyễn Hiền)
Cách trung tâm huyện Tiên Lãng (TP. Hải Phòng) 3km về phía Đông Nam, Đoàn Lập là xã chiếm số đông nhân khẩu theo đạo Thiên Chúa giáo với 2 phủ xứ và 4 nhà thờ. Riêng thôn Tiên Đôi Ngoại (xóm Giáo) là xóm giáo điển hình luôn thực hiện tốt quy ước thi đua “Vùng giáo xứ bình yên” được nhiều nơi học tập.
Giáo xứ Tiên Đôi thuộc thôn Tiên Đôi Ngoại (xóm Giáo) có tổng số 120 hộ với 540 khẩu, 95% nhân khẩu theo Đạo Thiên Chúa Giáo. Nhà thờ Tiên Đôi được xây dựng từ năm 1903 có diện tích 600 m2, tổng diện tích khuôn viên nhà thờ rộng 3.219 m2.
Bà con giáo dân chủ yếu là làm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, nguồn thu nhập chính vẫn chỉ từ việc trồng cây lúa và cây thuốc lào.
Trong thôn Tiên Đôi ngoại có nhà thờ chính xứ, có Linh mục quản xứ, có 116 hộ với 489 khẩu theo đạo Thiên Chúa Giáo. Bà con nhân dân trong thôn biết tôn trọng niềm tin riêng của nhau, luôn phát huy tinh thần đoàn kết lương giáo "sống tốt đời đẹp đạo, kính chúa yêu nước".
Năm 2019, giáo xứ Tiên Đôi được lựa chọn làm điểm để xây dựng mô hình "Vùng giáo bình yên". Mục tiêu đặt ra là 100% hộ gia đình không tham gia hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt tà đạo, mê tín dị đoan; các giáo xứ, giáo họ thực hiện tốt công tác tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải và đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh - trật tự, thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người công dân, giáo dân đoàn kết lương giáo, sống "tốt đời đẹp đạo", gia đình hòa thuận, tiến bộ và phấn đấu đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa…
Trò chuyện cùng phóng viên, linh mục Gioalcim Nguyễn Văn Thăng – quản xứ nhà thờ Tiên Đôi cho biết, xóm giáo Tiên Đôi từ trước đến nay là nơi có truyền thống đoàn kết. Đại đa số giáo dân trong thôn chăm chỉ làm ăn, nuôi dạy con cái tốt. Đặc biệt, các cặp vợ chồng ý thức tốt về vấn đề định chế bền vững trong hôn nhân. Luật công giáo đã quy định rõ, những ai vi phạm sẽ không được tham gia lĩnh hội trọn vẹn những ơn chúa ban phát.
"Với sự quan tâm của các cấp, các ngành trên địa bàn tình hình an ninh trật tự tại Vùng giáo thôn Tiên Đôi Ngoại xóm Giáo, xã Đoàn Lập luôn được bảo đảm hoạt động. Mối quan hệ giữa Đảng uỷ, UBND với bà con giáo dân và nhân dân gắn bó với nhau hơn. Quần chúng nhân dân trong thôn đã có tinh thần tự đấu tranh tố giác tội phạm, tự bảo vệ tài sản của gia đình và tập thể" – linh mục nói.
Trao đổi cùng Dân Việt, ông Nguyễn Văn Độ - Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Lập (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) cho biết, xã Đoàn Lập có tổng số 2.300 hộ, với 8.468 nhân khẩu. Trong đó tổng số hộ theo đạo thiên chúa giáo 450 hộ, tổng nhân khẩu theo đạo thiên chúa 2.000 nhân khẩu.
Địa bàn hành chính xã có 12 thôn dân cư ăn ở, sinh sống không tập trung. Thôn Tiên Đôi Ngoại (xóm Giáo) trong những năm qua được đánh giá là thôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế - văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng. Chi bộ Đảng nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh, hệ thống chính trị ở thôn hoạt động tích cực, được đánh giá là một thôn có hệ thống chính trị vững mạnh.
Mô hình "Vùng giáo xứ bình yên" ra đời đã tích cực hỗ trợ giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự trên toàn xã. Lực lượng công an xã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức khác, không để các phần tử xấu đối tượng tiêu cực bất mãn gây chia rẽ nội bộ giữa quần chúng với Đảng, không để kẻ địch xâm nhập, phá hoại, kích động biểu tình, gây rối làm mất an ninh trật tự.
UBND xã cũng chỉ đạo các chi bộ, các thôn, các lực lượng chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung nắm chắc diễn biến tình hình liên quan đến an ninh trật tự, những vấn đề bức xúc liên quan đến phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.
Đặc biệt, tập trung chú trọng làm tốt công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường trục xã, các thôn tổ chức phát quang cây trên đường liên thôn, đường trục thôn đảm bảo sự thông thoáng quan sát khi tham gia giao thông. Chỉ đạo khơi thông dòng chảy đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp củng cố, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng. (Danviet.vn 06/7, Thu Thủy)
Những chiến thắng thuyết phục cộng với lối chơi đẹp mắt và đặc biệt là ngôi nhất bảng, CLB Hải Phòng dưới bàn tay của HLV Chu Đình Nghiêm đang làm say đắm người xem.
Trước khi HLV Chu Đình Nghiêm về dẫn dắt, Hải Phòng “nổi tiếng” vì thường xuyên phải đua tranh vé trụ hạng. Sân Lạch Tray rơi vào cảnh nguội lạnh trên khán đài cũng là vì thế. Tuy nhiên, kể từ V.League 2022, Hải Phòng lột xác toàn diện từ con người cho đến lối chơi. HLV Chu Đình Nghiêm đã biến Hải Phòng trở thành đội bóng có lối đá đẹp mắt, đậm chất cống hiến. Lối chơi ban bật nhỏ mà ông Nghiêm áp dụng ở Hải Phòng gây mê hoặc người xem và đặc biệt nó mang lại hiệu quả thấy rõ. Cho đến lúc này, sau 5 vòng đấu tại V.League 2022, Hải Phòng là đội có số bàn thắng nhiều nhất với 9 lần chọc thủng lưới đối phương.
Ông Nghiêm đã có sự chuẩn bị khá kỹ trước khi bước vào mùa giải năm nay khi đề bạt với lãnh đội cần lấy những cầu thủ phù hợp với lối đá ban bật nhỏ, trong đó Hải Huy, Việt Hưng, Quang Nho hay Ngọc Quang đóng vai trò chủ đạo. Ông Nghiêm đã xây dựng Hải Huy thành thủ lĩnh trong lối chơi của Hải Phòng, giống như trước đây ông biến Hùng Dũng thành “trạm trung chuyển bóng” ở Hà Nội FC. Hải Huy có rất nhiều điểm tương đồng với Hùng Dũng, anh công thủ toàn diện và sở hữu những đường chuyền “chết chóc”. Ông Nghiêm đã biến CLB Hải Phòng trở thành “cỗ máy tấn công” đa dạng và điều tất yếu là họ giành được 3 chiến thắng/5 trận kể từ đầu mùa, đồng thời độc chiếm ngôi đầu bảng với 11 điểm.
Bên cạnh tài huấn luyện của HLV Chu Đình Nghiêm, Hải Phòng chơi thăng hoa nhờ sự đóng góp rất lớn của các ngoại binh. Về cơ bản, tiền vệ Moses và tiền đạo Rimario đã có thời gian dài chơi cho Hà Nội FC nên họ rất hiểu cách vận hành chiến thuật của lối đá phối hợp nhỏ mà HLV Chu Đình Nghiêm đang áp dụng ở CLB Hải Phòng. Moses đã quán xuyến, chia sẻ vai trò cầm trịch lối chơi với Hải Huy, còn phía trên Rimario chơi quá hay khi anh đã ghi được 4 bàn thắng, dẫn đầu danh sách Vua phá lưới V.League 2022.
Có Rimario trên hàng công, Hải Phòng thực sự rất đáng sợ bởi tay săn bàn này dứt điểm rất đa dạng. Đặc biệt, việc Rimario di chuyển thông minh, tạo khoảng trống cho các vệ tinh xung quanh như Việt Hưng hay Ngọc Quang băng lên dứt điểm cũng là vũ khí lợi hại của Hải Phòng. Bên cạnh đó, Hải Phòng giữ lại Mpander thực sự là nước cờ hay. Cầu thủ này có sở trường đá tiền đạo, nhưng khi HLV Chu Đình Nghiêm về dẫn dắt Hải Phòng thì anh được đưa xuống đá trung vệ. Ở vị trí mới, Mpander chơi rất ấn tượng và đặc biệt ở những thời điểm đội nhà cần bàn thắng, anh sẽ được đưa lên đá tiền đạo. Có được dàn ngoại binh chất lượng cộng với lối chơi đẹp mắt, hiệu quả, Hải Phòng cứ thế băng băng tiến lên và hiện họ đang giữ ngôi đầu bảng V.League.
Dù Hải Phòng dẫn đầu BXH, nhưng HLV Chu Đình Nghiêm vẫn cho rằng chiều sâu lực lượng của đội bóng này chưa đảm bảo. “Ngoài đội hình chính chơi tốt thì những cầu thủ dự bị có khoảng cách xa so với các trụ cột, nên khi có chấn thương, thẻ phạt sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro với Hải Phòng”, HLV Chu Đình Nghiêm bày tỏ. (Bongdaplus.vn 06/7, Ngọc Anh)
Sáng 6/7, HĐND quận Hồng Bàng khóa 19 tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 6, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2022; bổ khuyết nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022.
Kỳ họp thứ 6 HĐND quận khóa 19 xem xét thảo luận cho ý kiến 34 nội dung. Trong đó, trọng tâm là xem xét đánh giá kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2022; bổ khuyết nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước quận năm 2021; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công quận năm 2023 với 21 công trình.
Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND quận cùng xem xét, thảo luận các báo cáo của Thường trực HĐND quận, các Ban của HĐND quận, báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Chi cục thi hành án dân sự quận và thông báo xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, quyết định chương trình giám sát năm 2023.
Trong 6 tháng qua, quận Hồng Bàng có 6/13 chỉ tiêu hoàn thành 100% mức kế hoạch năm. Công tác thu ngân sách, quản lý đất đai được quan tâm thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt, quận hoàn thành việc giải phóng mặt bằng Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, vui chơi giải trí Chợ Sắt. Quận tập trung cao cho công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính, xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh.
Từ nay đến cuối năm, quận Hồng Bàng tập trung làm tốt các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh; bảo đảm kế hoạch thu ngân sách; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo danh mục đầu tư công, hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2022; chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023. (Baohaiphong.com.vn 06/7, Thu Thủy)
Chiều 6/7, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo thông báo công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm, đề ra nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Đồng chí Cao Xuân Liên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các ý kiến của các thành viên của các Hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thống nhất đánh giá, công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” trong 6 tháng đầu năm, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, dịch bệnh được đẩy lùi, trật tự, an toàn xã hội ổn định. Tuy nhiên, nhiều cử tri băn khoăn trước tình hình giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, nhất là xăng dầu, dịch bệnh còn tiềm ẩn phức tạp ảnh hưởng đến đời sống người dân...
Các ý kiến tại hội nghị đề nghị 6 tháng cuối năm, hệ thống MTTQ các cấp thành phố tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: tổ chức tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp theo kế hoạch và tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; phối hợp UBND thành phố tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng tâm như huy động nhiều nguồn lực thực hiện nhiệm vụ xóa nghèo; triển khai tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội phối hợp giám sát năm 2022 người đứng đầu; vận động nhân dân không lơ là chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19...
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Cao Xuân Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tiếp thu các ý kiến đóng góp, xây dựng của đại biểu và giao cơ quan chuyên môn tổng hợp, bổ sung trước khi trình tại kỳ họp thứ 6, HĐND khóa 16.
Theo dự thảo thông báo, 6 tháng đầu năm 2022, hệ thống MTTQ các cấp thành phố tiếp tục chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Cụ thể, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chủ trì giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, giám sát công tác giảm nghèo tại 6 quận, huyện; triển khai kế hoạch giám sát người đứng đầu tại 5 địa phương, đơn vị. MTTQ cấp huyện, cấp xã tổ chức 245 cuộc giám sát, tập trung giám sát cán bộ đảng viên và công tác cán bộ; đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công... Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn tiến hành 351 cuộc giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở, các dự án xây dựng hạ tầng... Qua đó, kiến nghị 70 vụ, việc, trong đó 54 vụ, việc được cơ quan có thẩm quyền xử lý giải quyết, nhằm bảo đảm chặt chẽ hơn, lợi ích cộng đồng, quyền lợi của người dân. (Baohaiphong.com.vn 06/7, Mai Lê)
Sáng 6-7, Bộ Chỉ huy Quân sự TP. Hải Phòng phối hợp với Cơ quan Điều tra hình sự khu vực 1 (Quân khu 3) tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2022 cho 130 đồng chí cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong lực lượng vũ trang thành phố.
Theo đó, Hội nghị tập trung nghiên cứu các chuyên đề như: Một số nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Một số nội dung cơ bản của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020; Một số nội dung cơ bản Nghị định số 81 ngày 11/11/2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Thông qua Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật; xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố; hướng tới hạn chế thấp nhất các vụ việc vi phạm kỷ luật thông thường, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng, góp phần xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn. (Anhp.vn 06/7, Vũ Duyên)
Chiều 5/7, Quận ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hồng Bàng (Hải Phòng) tổ chức Lễ khởi công dự án Đầu tư xây dựng trường THPT Hồng Bàng nhân kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập quận Hồng Bàng (5/7/1961 - 5/7/2022). (Baoxaydung.com.vn 07/7, Vĩnh Bảo)./.