THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19
Trong 4 ngày Tết, TP. Hải Phòng ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới giảm so với trước Tết nguyên đán.
Theo CDC Hải Phòng, số ca mắc ghi nhận trong ngày tiếp tục có xu hướng giảm so với các ngày trước Tết.
Trong ngày 04/02/2022, số ca nhiễm mới 290 ca, giảm 1/2 số ca mắc trong 1 ngày so với thời điểm trước Tết. Số ca được công bố khỏi trong ngày báo cáo cũng đạt con số cao với 839 ca, hồi phục xuất viện 33.187 ca.
Toàn ngành y tế TP. Hải Phòng hiện đang điều trị 9.323 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó 187 ca diện nguy kịch, chuyển nặng. Cũng trong ngày hôm nay, địa bàn không ghi nhận số ca tử vong nào.
Cũng theo CDC Hải Phòng, trong số 290 F0 ghi nhận hôm nay tại 14/15 quận. huyện có 273 ca được phát hiện qua tự đi làm xét nghiệm, 15 trường hợp F1, 1 ca bệnh nghi ngờ, còn lại là trường hợp xét nghiệm sàng lọc. (Suckhoedoisong.vn 04/02, Minh Lý; Qdnd.vn 05/02; Tienphong.vn 06/02)
Ngày 6/2 (mùng 6 Tết) trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.112 ca mắc mới, trong đó 7 ca nhập cảnh và 14.105 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.945 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố, có 8.595 ca cộng đồng.
Cụ thể: Hà Nội (2.797), Đà Nẵng (927), Quảng Nam (853), Nghệ An (675), Nam Định (593), Hải Dương (566), Vĩnh Phúc (550), Hải Phòng (523), Hòa Bình (523), Phú Thọ (491), Bắc Ninh (460), Bắc Giang (446), Bình Định (425), Thái Bình (419), Thái Nguyên (355), Thanh Hóa (300), Lâm Đồng (228), Hưng Yên (195), Bình Phước (193), Quảng Bình (185), Ninh Bình (183), Hà Nam (169), Thừa Thiên Huế (148), Hà Tĩnh (147), Quảng Ngãi (143), Sơn La (132), Điện Biên (128), Lào Cai (110), Tuyên Quang (95), Quảng Ninh (94), Bà Rịa - Vũng Tàu (92), Quảng Trị (92), Hà Giang (92), Cà Mau (85), Yên Bái (73), Bến Tre (63), Khánh Hòa (59), Gia Lai (56), Cao Bằng (55), Đắk Nông (49), Kiên Giang (45), TP. Hồ Chí Minh (43), Bắc Kạn (40), Bạc Liêu (39), Vĩnh Long (30), Tây Ninh (27), Bình Thuận (27), Đồng Nai (14), Tiền Giang (14), Đồng Tháp (13), Hậu Giang (11), Trà Vinh (11), Cần Thơ (9), Long An (7), Bình Dương (3), Ninh Thuận (3).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Phú Yên (-69), Gia Lai (-65), Sóc Trăng (-38).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (+350), Bắc Giang (+249), Hải Phòng (+161).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 11.257 ca/ngày.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 192 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại TP. Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Hưng Yên (6), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.341.971 ca nhiễm, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 23.729 ca nhiễm). (Tienphong.vn 06/02)
Năm 2022 là năm đầu tiên Hải Phòng triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng. Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc trò chuyện đầu xuân với Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng về khát vọng đi lên của thành phố Cảng.
Thưa ông, được biết cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng là điều Đảng bộ, chính quyền nhân dân TP mong mỏi từ lâu. Ông có thể nói rõ hơn ý nghĩa của Nghị quyết 35 này đối với Hải Phòng?
- Thời gian qua, Hải Phòng đã đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao…
Chính vì vậy, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 35 nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tạo căn cứ pháp lý để chủ trương, chính sách đúng đắn thực sự đi vào cuộc sống.
Các chính sách đặc thù đều tập trung vào việc tạo thêm cho TP. Hải Phòng có điều kiện phát huy tính tự lực, tự cường, tạo ra nhiều nguồn lực nhằm thực hiện thành công, hiệu quả Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị; đưa TP phát triển đột phá lên tầm cao mới, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và Trung ương…
Cụ thể như các cơ chế, chính sách về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TW, nâng hạn mức dư nợ vay, phí và lệ phí sẽ khuyến khích TP phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước, đóng góp cho ngân sách chung của Trung ương. Đặc biệt, chính sách về quản lý đất đai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho TP. Hải Phòng chủ động, linh hoạt và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai. Từ đó, giúp nâng cao sức cạnh tranh cho TP trong việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội. Hay như chính sách về thu nhập cho cán bộ, viên chức sẽ giúp Hải Phòng có cơ chế tốt nhất để thu hút, giữ chân nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao…
Nhìn rộng ra, các cơ chế, chính sách nói trên không chỉ giúp Hải Phòng phát triển mà hơn hết, còn vì sự phát triển chung, là động lực phát triển của cả vùng Bắc Bộ. Đây là một niềm vinh dự lớn lao, thử thách nhưng vô cùng ý nghĩa với người dân TP Cảng…
Nghị quyết 35 của Quốc hội đã tạo điều kiện cho Hải Phòng khi triển khai các dự án lớn, đặc biệt là các dự án liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, tránh được tình trạng thiếu cơ sở pháp lý khi triển khai các dự án này. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Đây chính là cơ sở pháp lý thuận lợi cho Hải Phòng triển khai các dự án lớn, phát triển theo hướng bền vững.
Năm 2022, Hải Phòng sẽ triển khai mạnh mẽ hơn nữa nhiều chương trình, kế hoạch, định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ TP. Hải Phòng. Đặc biệt, TP đang nhanh chóng, quyết tâm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 của Quốc hội.
Tại kỳ họp HĐND TP vừa qua, Hải Phòng đã thông qua việc phát hành 2.700 tỉ đồng trái phiếu chính quyền địa phương để bổ sung nguồn lực cho phát triển trong năm 2022. Đồng thời, Hải Phòng tiếp tục phát huy mạnh mẽ sự chủ động trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, đất đai đã được Trung ương phân cấp, phân quyền để thu hút các nguồn lực đầu tư, thực hiện các dự án lớn, tăng sức hấp dẫn cho địa phương.
Theo kế hoạch, năm 2022, TP. Hải Phòng tiếp tục dành hàng chục nghìn tỉ đồng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, giữ vững vị trí xếp hạng PCI trong top 10 của cả nước…
Đầu năm 2022, sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn tiếp tục đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng thực hiện các dự án lớn tại Hải Phòng như: Công ty CP Cảng Hải Phòng đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng xây dựng bến số 3, số 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Công ty CP Tập đoàn Tập đoàn Hateco đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng xây dựng bến số 5, số 6; Công ty CP đầu tư Xuân Cầu - Lạch Huyện đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng thực hiện dự án Khu phi thuế quan - Logistics và Công nghiệp Lạch Huyện…
Năm 2022, sẽ là năm ghi dấu ấn đầu tiên cho Hải Phòng triển khai Nghị quyết 35 của Quốc hội cùng với tiếp tục triển khai Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. Vì vậy, Hải Phòng sẽ phát huy tinh thần tự lực, tự cường, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID – 19 để khôi phục, phát triển kinh tế. Hải Phòng sẽ có bước đi, lộ trình thích hợp, bài bản, có tầm nhìn xa với tư duy đổi mới để nhận diện và phát huy tiềm năng khác biệt cùng với những cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh riêng của Hải Phòng. Hy vọng trong thời gian tới đây, Hải Phòng sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước…
Xin trân trọng cảm ơn ông! (VOV.vn 02/02, Đông Bắc)
TP. Hải Phòng vừa triển khai các giải pháp về hạ tầng kỹ thuật và công nghệ để xây dựng đô thị thông minh, thành phố thông minh. Trong đó, người dân, doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng những tiện ích hiện đại, chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định vai trò, vị thế của Hải Phòng là trở thành thành phố đi đầu cả nước trong CNH, HĐH. Theo đó, từ nay đến năm 2045, kinh tế biển, công nghiệp trình độ cao và du lịch trở thành 3 trụ cột chiến lược của TP. Hải Phòng. Hải Phòng phải trở thành đô thị thông minh, hiện đại, một thành phố đáng sống, gắn với sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Khu vực đô thị trung tâm đang được chỉnh trang, nâng cấp theo hướng văn minh, hiện đại, hình thành nhiều khu đô thị mới phù hợp với bản sắc kiến trúc đô thị Hải Phòng. Các công trình phúc lợi công cộng được quan tâm đầu tư như mở rộng, xây dựng mới một số bệnh viện, trường học; cải tạo, mở rộng sông Tam Bạc; hoàn thiện chỉnh trang toàn bộ dải trung tâm thành phố và một số công viên cây xanh… Trong không gian đô thị được mở rộng, phát triển theo đúng quy hoạch với mục tiêu phát triển về 3 hướng đột phá.
Đại hội Đảng bộ TP. Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra nhiều mục tiêu, định hướng. Hải Phòng sẽ xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị mang đặc trưng, bản sắc riêng của thành phố cảng biển. Thành phố sẽ bố trí nguồn lực chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm, nhất là các khu đô thị dọc theo hai bờ các dòng sông chảy qua nội đô, tạo thành cảnh quan, công trình công cộng phúc lợi xã hội… Hải Phòng sẽ huy động nguồn lực đầu tư phát triển khu đô thị mới, xây dựng những quy hoạch lớn, quan trọng. Thành phố triển khai đồng bộ, thường xuyên các giải pháp quản lý đô thị, bảo đảm kiến trúc cảnh quan, vệ sinh môi trường, tạo diện mạo mới cho đô thị, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố. Các cơ quan, ban, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng theo quy hoạch và công tác quản lý đất đai; khẩn trương hoàn thành tiêu chí đô thị loại I; từng bước xây dựng, phát triển Hải Phòng theo hướng trở thành thành phố đạt tiêu chí quốc tế và đô thị thông minh…
Sở TT&TT Hải Phòng vừa phối hợp với Viện Khoa học và công nghệ - thuộc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức Hội thảo về nhiệm vụ, giải pháp xây dựng TP. Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, bền vững. Tại Hội thảo, ông Vũ Đại Thắng - Phó giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng nhấn mạnh, Hội thảo nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số TP. Hải Phòng đến năm 2025, định hướng năm 2030. Hội thảo sẽ đánh giá thực trạng và đề xuất định hướng nhiệm vụ, giải pháp xây dựng TP. Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, bền vững, làm cơ sở trình HĐND Thành phố xem xét, ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Theo TS Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ - VINASA, quan điểm chủ đạo xây dựng thành phố thông minh, lấy người dân làm trung tâm là đối tượng phục vụ đồng thời là chủ thể; kiến trúc chung thành phố thông minh; chiến lược xây dựng thành phố thông minh; hạ tầng thông tin; cộng đồng thông minh… Những thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay và một trong những chìa khóa để giải quyết thách thức này là xây dựng thành phố thông minh với nền tảng là chuyển đổi số. Để triển khai thực hiện Đề án “TP. Hải Phòng thông minh” cần triển khai 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển; tổ chức bộ máy; đầu tư hạ tầng thông tin và triển khai các ứng dụng thông minh.
Ngày 25/11, Sở TT&TT Hải Phòng phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Hải Phòng ra mắt Mô hình thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh TP. Hải Phòng (IOC Hải Phòng). Sau gần 3 tháng triển khai, tích hợp các hệ thống giám sát gồm: Hệ thống tổng hợp báo cáo kinh tế - xã hội; dịch vụ công trực tuyến; giám sát thông tin trên mạng; hệ thống camera an ninh tại quận Lê Chân; hệ thống thử nghiệm camera xử lý vi phạm giao thông; giám sát tàu thuyền ra vào cảng; hệ thống phần mềm bản đồ dịch tễ Covid -19, tổng đài Covid - 19; thông tin cơ sở dữ liệu ngành y tế, giáo dục…
Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh TP. Hải Phòng đã ra mắt phiên bản thử nghiệm, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số của thành phố, là nền tảng vững chắc đưa Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh và bền vững.
Ông Lương Hải Âu - Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng cho biết, IOC Hải Phòng được kỳ vọng hỗ trợ tích cực cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố, cùng các cấp, ngành, cũng như cung cấp dịch vụ đa dạng, phục vụ đời sống của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Nhiệm vụ của IOC Hải Phòng là thu thập số liệu từ hệ thống giám sát thành phần để thực hiện các tính năng khai thác nghiệp vụ tại trung tâm, gồm: Tổng hợp thông tin, trực quan hóa số liệu trên màn hình giám sát; báo cáo, thống kê dữ liệu tổng hợp; kết xuất dữ liệu theo yêu cầu từ các đơn vị chuyên ngành; quản lý nguồn lực, tài nguyên…
Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh IOC Hải Phòng tích hợp các hệ thống giám sát gồm: Hệ thống tổng hợp báo cáo kinh tế - xã hội; dịch vụ công trực tuyến; giám sát thông tin trên mạng; hệ thống camera an ninh; hệ thống camera xử lý vi phạm giao thông; giám sát tàu thuyền ra vào cảng; hệ thống phần mềm bản đồ dịch tễ Covid-19, tổng đài Covid-19; thông tin cơ sở dữ liệu ngành y tế, giáo dục… Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh IOC Hải Phòng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực các hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo TP. Hải Phòng, cùng các cấp, các ngành, cung cấp dịch vụ đa dạng phục vụ đời sống của người dân.
Ông Lê Khắc Nam - Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh: Việc xây dựng và vận hành Mô hình thử nghiệm Trung tâm Giám sát điều hành thông minh có ý nghĩa, vai trò quan trọng, tạo bước khởi động thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành công chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới. Để Mô hình thử nghiệm Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh mang lại hiệu quả cao, Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Viettel Hải Phòng, tiếp tục nghiên cứu bổ sung các hệ thống thông tin, dữ liệu, dịch vụ số, hoàn thiện các chức năng điều hành thông minh để IOC Hải Phòng hoạt động ngày càng có hiệu lực, hiệu quả. Các sở, ngành, các địa phương phối hợp với Sở TT&TT để triển khai kết nối, tích hợp các hệ thống thông tin. (Baoxaydung.com.vn 31/01, Hải Nguyên)
Năm 2022, Hải Phòng sẽ tập trung tạo lập nền tảng về chuyển đổi số, đưa chuyển đổi số thực sự trở thành động lực để thực hiện các khát vọng phát triển.
TP. Hải Phòng chọn chủ đề năm 2022 là: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị- Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.
Theo ông Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng, chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, là khi nhờ có tiến bộ vượt bậc của công nghệ số mà con người có một không gian mới để sống, làm việc, vui chơi, sáng tạo ra các giá trị mới. Do đó, chuyển đổi số tạo ra một cơ hội chưa từng có cho sự biến đổi đột phá, cơ hội cho sự thay đổi thứ hạng của quốc gia.
Vì là không gian mới, cơ hội đột phá mới nên chuyển đổi số là cuộc cách mạng của nhận thức, của tư duy đổi mới hơn là một cuộc cách mạng về khoa học công nghệ. Cuộc dịch chuyển sang không gian số này đang diễn ra ở quy mô toàn cầu với tốc độ rất nhanh trên ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Tiếp cận từ sớm với xu thế này, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia.
Ở cấp độ địa phương, Hải Phòng cũng là một trong những thành phố đầu tiên ban hành Kế hoạch chuyển đổi số thành phố (Kế hoạch 227 ngày 21/9/2020) sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia (Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020).
Tiếp theo đó, Hải Phòng cũng là thành phố thứ ba trực thuộc Trung ương ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 26/10/2021).
“TP. Hải Phòng xác định, chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức, tác động làm thay đổi căn bản hoạt động chỉ đạo, điều hành quản lý và thực thi của cấp uỷ, chính quyền các cấp, của doanh nghiệp và người dân thành phố.
Để chuyển đổi số thành công thì cần có cuộc cách mạng về thể chế của thành phố. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận không gian số mới, những mô hình mới, dịch vụ mới, sản phẩm mới, công nghệ mới.
Chính vì vậy, chuyển đổi số cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.
Năm 2022 sẽ là thời điểm tạo lập nền tảng và giai đoạn 2022 - 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương”, ông Hoàng Minh Cường nhấn mạnh.
Cụ thể hóa Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đặt ra các mục tiêu lớn cho tầm nhìn 10 năm:
Phấn đấu để Thành phố thuộc tốp đầu các địa phương về chỉ số chuyển đổi số, chính quyền số được triển khai rộng khắp, kinh tế số chiếm 35% GRDP thành phố; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 16%; tạo ra các giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số, tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030 Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Ba trụ cột kinh tế TP. Hải Phòng gồm công nghiệp công nghệ cao - cảng biển, logistics - du lịch, thương mại được xác định trong Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng được xác định là các lĩnh vực mà thành phố sẽ tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ.
Cảng biển, vận tải biển là loại hình vận tải có chi phí thấp nhất, quy mô lớn nhất hiện nay với nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng, đóng góp lớn vào tăng trưởng của Thành phố.
Nếu như trước đây, Hải Phòng đã và đang triển khai các giải pháp hiện đại hoá, điện tử hoá, tự động giúp giảm thời gian làm thủ tục thông quan, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, chi phí chung cho xã hội, giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực xung quanh cảng…
Thì trong thời gian tới, thành phố phải chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ số để thông minh hoá hoạt động quản trị cảng, xây dựng hệ sinh thái số cảng biển, tạo lập môi trường cảng thật sự xanh sạch, thân thiện môi trường, phát triển bền vững.
Trong giai đoạn cuộc sống thực đang bị gián đoạn bởi dịch bệnh thì Logistics đang là cầu nối giữa dòng chảy vật chất và dòng chảy dữ liệu, là liên hệ thiết yếu để không gian số tồn tại song song với không gian thực.
Chuyển đổi số trong logistics giúp tận dụng được lợi thế của không gian số một cách thiết thực hơn. Đây là cơ hội phát triển tiềm năng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistic thành phố.
Hạ tầng logistics thành phố được định hướng chuyển dịch thành huyết mạch của thương mại điện tử, thành phần quan trọng của kinh tế số. Việc ứng dụng công nghệ số cũng giúp logistics trở nên thông minh hơn, hiệu suất cao hơn nhiều lần.
Các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật, 5G, dữ liệu lớn, blockchain… giúp liên kết một cách thông minh 5 loại hình vận chuyển, kết hợp thông minh cảng biển và các trung tâm logstic, các khu cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, liên thông thông minh giữa các lực lượng như cảng vụ, hải quan, thuế, giao thông… để nâng cao hơn nữa lợi thế cạnh tranh của Thành phố cảng.
Chuyển đổi số trong du lịch là sự chuyển dịch từ mô hình kinh doanh, tiếp thị truyền thống sang tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu.
Giá trị, hình ảnh của điểm đến được thiết kế tổng thể, liền mạch giữa không gian thực và không gian số, với các chương trình marketing điểm đến độc đáo với sự góp sức của công nghệ số (như AR/VR). Qua đó nâng cao giá trị thương hiệu du lịch của thành phố.
Thông qua dữ liệu lớn, các sản phẩm du lịch mới cũng được phát triển, tạo đột biến, bùng nổ nhu cầu khi trải nghiệm của khách hàng được cá thể hoá, khép kín từ khi khách hàng tìm kiếm thông tin, tham gia các tour ảo, lập kế hoạch cho đến trải nghiệm thực tế và giữ liên hệ sau khi kết thúc chuyến đi.
Thông tin đánh giá và xếp hạng được minh bạch giúp tạo lập thương hiệu điểm đến an toàn, chất lượng. Đặc biệt, chuyển đổi số trong du lịch cho ra đời nhiều mô hình kinh doanh mới, điển hình là mô hình du lịch cá nhân hoá, liên kết đa mục đích (như kết hợp du lịch – công tác, kết hợp du lịch – y tế…) hay đa điểm đến, đa loại hình một cách thông minh thông qua ứng dụng công nghệ.
Trong công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số được nghiên cứu áp dụng theo hướng chú trọng phát triển các trụ cột: xây dựng chiến lược và cơ cấu tổ chức thông minh, xây dựng nhà máy thông minh, vận hành thông minh, tạo ra các sản phẩm thông minh công nghệ cao, xây dựng dịch vụ về dữ liệu và phát triển kỹ năng số cho người lao động. (Giaoduc.net.vn 07/02, Lã Tiến)
Hải Phòng đặt mục tiêu bứt phá mạnh mẽ, trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và thế thới, trở thành động lực tăng trưởng của cả nước.
Những năm vừa qua, TP. Hải Phòng liên tục tăng trưởng trong top đầu cả nước. Năm 2021, bất chấp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thành phố vẫn giữ tăng trưởng 2 con số, cao nhất nước. Không dừng ở tốc độ phát triển như hiện nay, Hải Phòng đặt mục tiêu bứt phá mạnh mẽ, trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và thế thới, trở thành động lực tăng trưởng của cả nước.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 12,38%, dẫn đầu cả nước; thu ngân sách đạt 94.000 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 5,1 tỷ USD, gấp 3,4 lần so với năm 2020 và đứng vị trí số 1 cả nước – Có thể nói, năm 2021 vừa qua tiếp tục là một năm thành công của TP. Hải Phòng, bất chấp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Có những thời điểm trong năm, khi vaccine ngừa COVID-19 chưa được tiêm rộng rãi, trung bình mỗi ngày có tới 12.500 lượt xe container, xe tải ra vào, TP. Hải Phòng đã phải “căng mình” chống dịch. Với nguyên tắc phòng chống dịch bệnh cao hơn và nhanh hơn một cấp độ so với khuyến cáo của Bộ Y tế, Hải Phòng đã chủ động từ sớm trong xét nghiệm COVID-19, tận dụng các nguồn vaccine để tiêm cho người dân. Trong bối cảnh đó, nhiều công trình, dự án trọng điểm của Hải Phòng vẫn được khởi công và về đích, như: dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; dự án Cầu Rào; cầu Quang Thanh, cầu Dinh nối Hải Phòng với Hải Dương...
Theo Bí thư thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang, chống dịch tốt chính là chìa khóa để Hải Phòng đạt được tăng trưởng cao trong năm 2021: "Trong lúc khó khăn nhất, Hải Phòng vẫn giữ được môi trường đầu tư, giữ được công nhân đi làm. Ngoài 3 trụ cột mà Đại hội 16 đảng bộ TP đã đặt ra là Công nghiệp công nghệ cao – Cảng biển, logistics – du lịch, thương mại, chúng tôi tiếp tục quan tâm đến phát triển cơ sở hạ tầng trong sự phát triển đồng bộ về đô thị để có 1 đô thị thực sự tốt, đồng bộ để chuyên gia và người lao động về đây sinh sống".
Hải Phòng trở thành “bến đỗ” của nhiều tập đoàn lớn trong nước và trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2021 đã có 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới đầu tư vào Hải Phòng, với tổng vốn FDI hơn 327 triệu USD; 52 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn, trong đó dự án của LG Display Hải Phòng với 2 lần điều chỉnh và tăng 2,15 tỷ USD vốn đầu tư. Nhiều dự án lớn đã được trao giấy chứng nhận đầu tư, sẽ khởi công trong năm 2022, như: Các bến số 5, 6 Cảng nước sâu Lạch Huyện; Dự án Khu phi thuế quan - logistics và công nghiệp Lạch Huyện có tổng vốn 11.100 tỷ đồng...
Năm 2022, Hải Phòng đặt mục tiêu (GRDP) tăng 13% trở lên so với năm 2021, thu hút 2,5 - 3 tỷ USD vốn FDI vào các KCN, khu kinh tế trên địa bàn thành phố. Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, mục tiêu 3 tỷ USD đầu tư FDI đã và đang được triển khai bằng những việc làm, những nhiệm vụ cụ thể.
Ông Lê Trung Kiên nhấn mạnh: "Để có được 3 tỷ USD vốn FDI thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta cần phát huy kết quả và cần nhìn nhận hơn nữa khát khao dám nghĩ dám làm cho thành phố. Chúng ta cần phải áp dụng khoa học công nghệ thông tin, số hóa. Ví dụ, về chuyển đổi giấy chứng nhận đầu tư, chỉ cần giấy doanh nghiệp đề xuất, không cần yêu cầu doanh nghiệp phải làm cả bộ hồ sơ nữa, vì tất cả đã lưu trong máy rồi. Thu hút đầu tư làm sao phải ít đất, ít lao động nhưng phải công nghệ cao, lợi nhuận cao, không ô nhiễm, không trốn thuế chuyển giá."
Nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 35 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng. Hải Phòng phải phát triển không chỉ riêng cho mình, mà hơn hết còn vì sự phát triển chung của cả nước.
Trong cuộc làm việc với TP. Hải Phòng mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm mà TP. Hải Phòng cần thực hiện để có sự phát triển hơn nữa và xứng tầm với sự quan tâm của Trung ương.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Hải Phòng phải phát huy tính tự lực, tự cường hơn nữa để chúng ta phát triển nhanh, bền vững; dựa vào khoa học công nghệ, dựa vào đổi mới sáng tạo, dựa vào chuyển đổi số để phát triển toàn diện về an ninh quốc phòng, kinh tế, trong đó có công nghiệp, phải là công nghiệp hiện đại, công nghiệp xanh; dịch vụ phải tiên tiến, thông minh, tiện lợi; du lịch phải sinh thái, chất lượng cao; nông nghiệp thì phải nông nghiệp xanh, bền vững. Thứ nhất là phát triển toàn diện, dựa trên khoa học công nghệ; Thứ hai, phải phát triển hài hòa. Phát triển hài hòa là phát triển văn hóa phải tương xứng với phát triển chính trị, phát triển kinh tế, phát triển xã hội, các mặt an ninh quốc phòng khác.
Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, với truyền thống “Trung dũng – Quyết thắng” như lời Bác Hồ khen tặng, Hải Phòng phải tiếp tục phát triển toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa, trở thành động lực tăng trưởng của khu vực và cả nước. (VOV.vn 04/02, Thanh Nga)
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hải Phòng không chỉ đóng vai trò là cực tăng trưởng của khu vực mà còn thực hiện sứ mệnh là động lực phát triển của cả nước.
Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW (NQ45) về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Không có nhiều địa phương trên cả nước được Bộ Chính trị ban hành riêng Nghị quyết để phát triển kinh tế - xã hội, điều này cho thấy vai trò và tầm quan trọng của Hải Phòng đối với khu vực phía Bắc và cả nước.
Ngày 05/08/2003 Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 32/NQ-TW về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết này, Bộ Chính trị đánh giá: “Trong 15 năm qua, nhất là từ khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 72, Hải Phòng đã nỗ lực phấn đấu, phát triển mạnh mẽ hơn, nhanh và bền vững hơn. Trong đó kinh tế Hải Phòng tăng trưởng khá cao, bình quân gấp 1,68 lần mức tăng chung cả nước. Năm 2017, quy mô kinh tế gấp 4,27 lần so với năm 2003; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 3.964 USD, gấp 1,54 lần bình quân cả nước; tăng 5,43 lần so với năm 2003… thời điểm Nghị quyết 32-NQ/TW được ban hành.
Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế của Hải Phòng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa; mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; chú trọng phát triển tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, liên kết vùng và phát triển kinh tế đối ngoại. Ngành công nghiệp phát triển đột phá với nhiều khu công nghiệp, củng cố vị trí là trung tâm công nghiệp lớn. Hải Phòng khẳng định là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc”.
Tổng Bí thư - Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Hải Phòng là một trong những thành phố có vị trí hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại. Thực tế cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết 32 đã tạo cú hích quan trọng cho sự phát triển của thành phố, những chỉ tiêu cụ thể đều cơ bản đạt được, tuy mức độ cao, thấp khác nhau. Hải Phòng cần tiếp tục phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường trong kháng chiến, thành phố hoa phượng đỏ đi đầu trong đổi mới, phải nắm bắt được nhu cầu mới, khả năng tiềm lực mới để phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa…"
Thế nhưng, “ngọc còn có vết”! Bộ Chính trị cũng chỉ ra rằng kinh tế Hải Phòng phát triển chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế. Hải Phòng chưa phát huy rõ nét vai trò là một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh; liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội còn mờ nhạt,…
Chính từ “được” và “chưa được” ấy của Hải Phòng trong hành trình 15 năm thực hiện Nghị quyết 32, Bộ Chính trị đã xác định vai trò, nhiệm vụ mới cho Hải Phòng bằng Nghị quyết 45. Đó là “Xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế. Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước”. Một lần nữa cho thấy Bộ Chính trị đã nhấn mạnh những thành tựu của Hải Phòng trong 15 năm thực hiện NQ32, để từ nền tảng vị thế đã được khẳng định, thực sự bước lên vai trò “động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước”.
Mới chỉ 3 năm từ khi có Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, kinh tế - xã hội Hải Phòng đã có bước phát triển vượt bậc. Trong 3 năm ấy, tròn 2 năm dịch COVID-19 xảy ra. Thế nhưng, khó khăn ấy Hải Phòng đã chứng minh được tầm vóc của mình khi liên tục nằm trong top đầu cả nước về mức độ tăng trưởng kinh tế. Ngay năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết - năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hải Phòng đạt kỷ lục với 16,5% (gấp 2,4 lần bình quân chung cả nước). Trong đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 90 nghìn tỷ đồng. Năm 2020, khi cả nước chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hải Phòng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng ngoạn mục, đứng thứ 2 cả nước khi đạt 11,22%.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, “năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, tác động mạnh hơn đến đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, nhờ các giải pháp quyết liệt, kịp thời nên tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP (giá so sánh năm 2010) ước tăng 12,38%. Đây là mức tăng trưởng cao đứng đầu cả nước (gấp hơn 5 lần bình quân chung cả nước, dự báo khoảng 1,5- 1,9%). Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,5%; kim ngạch xuất khẩu 25,11 tỷ USD, tăng 23,19%; sản lượng hàng qua cảng 150,16 triệu tấn, tăng 7,36%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 173.975 tỷ đồng, tăng 1,32%. Đặc biệt, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI đạt trên 3,1 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với năm 2020”.
Năm 2021 cũng là năm mang đầy dấu ấn với Hải Phòng khi ngày 13/11/2021, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng. Đó là Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Hải Phòng về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.
Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng có ý nghĩa to lớn tạo động lực, nguồn nhân lực để Hải Phòng phát triển đột phá, xứng đáng là trọng điểm trong tứ giác phát triển của khu vực phía Bắc, vì Hải Phòng và vì cả nước. Điều này được thể hiện trong Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị: “Nghiên cứu thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho thành phố Hải Phòng, đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố lớn khác trong cả nước; thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương, người đứng đầu trong một số lĩnh vực như quản lý quy hoạch, đất đai, quản lý đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách,…”. Đây sẽ là một bước ngoặt để Hải Phòng tăng tốc phát triển khi Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Trong phát biểu đánh giá 15 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Hải Phòng, Tổng Bí thư – Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị là Nghị quyết chuyên đề mới có tính kết nối đột phá tiếp theo Nghị quyết 32, tạo đường băng để Hải Phòng cất cánh vào tương lai tươi sáng hơn. (Diendandoanhnghiep.vn 29/01, Trung Thành – Hải Ngân)
Dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2021, song TP. Hải Phòng vẫn đạt được những thành tựu đột phá. Đây là đòn bẩy để Hải Phòng trở thành động lực tăng trưởng của cả nước.
Nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần 2022, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng về những nội dung liên quan.
- Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của COVID-19 nhưng Hải Phòng vẫn ghi được nhiều dấu ấn quan trọng. Thưa ông, nhờ đâu TP. Hải Phòng đạt được thành tựu này?
Trong năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tác động mạnh hơn đến đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, nhờ đưa ra các giải pháp quyết liệt, kịp thời nên mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP (giá so sánh năm 2010) ước tăng 12,38%, là mức tăng trưởng cao đứng đầu cả nước, gấp hơn 5 lần bình quân chung cả nước (dự báo khoảng 1,5-1,9%). Sản lượng hàng qua cảng 150,16 triệu tấn, tăng 7,36%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 173.975 tỷ đồng, tăng 1,32%. Đặc biệt, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI đạt trên 3,1 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với năm 2020.
- Thành tựu lớn của TP. Hải Phòng trong năm 2021 có là áp lực cho năm 2022 không, thưa ông?
Áp lực là có. Trên cơ sở kết quả đã đạt được trong năm 2021, Hải Phòng xác định mục tiêu năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 13% trở lên so với năm 2021; thực hiện chủ đề năm về “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.
Nhằm tiếp tục phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội trong năm 2022 theo mục tiêu đề ra, Hải Phòng sẽ tập trung thực hiện một số giải như: Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch COVID-19; chủ động từ sớm, từ xa trong việc xây dựng các kế hoạch, kịch bản để ứng phó kịp thời, linh hoạt, sáng tạo trong mọi tình huống; Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng; xây dựng Đề án thành lập khu thương mại tự do tại TP. Hải Phòng.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại... Đặc biệt, Hải Phòng sẽ đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số TP. Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Trong sự tàn phá của dịch COVID-19, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Vậy sang năm 2022, Hải Phòng sẽ tập trung giải pháp gì cho doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục vượt qua khó khăn, thưa ông?
Với tinh thần luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch nhằm biến “nguy” thành “cơ”, thành phố luôn coi công tác hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Trong đó, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản phục hồi và phát triển kinh tế; tăng cường kết nối nhu cầu đầu tư, hợp tác giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, giữa doanh nghiệp địa phương khác và thành phố.
TP. Hải Phòng sẽ thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố như: hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tham gia thương mại điện tử; hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ kích thích phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
(Diendandoanhnghiep.vn 01/02, Minh Huệ - Hải Ngân)
Các cơ chế, chính sách đề xuất trên quan điểm Hải Phòng phát triển không chỉ riêng cho mình, mà hơn hết còn vì sự phát triển chung; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khi đánh giá về cơ hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng.
Trong quan điểm về phát triển TP. Hải Phòng tại Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị ngày 24/01/2019 nêu rõ: “Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi cao, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh cao, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước”
Cũnh chính vì vậy, mà trong những năm qua, Hải Phòng luôn đạt mức tăng trưởng cao trong cả nước. Đặc biệt, trong năm 2021, Hải Phòng hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả vừa phát triển kinh tế ở mức cao.
Cụ thể, GRDP tăng 12,38% so với năm 2020, là địa phương dẫn đầu cả nước, gấp hơn 6 lần bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 90.400 tỷ đồng, tăng trên 7% so với năm 2020, vượt trên 17% so với dự toán Trung ương giao và vượt dự toán HĐND thành phố giao. Riêng thu nội đạt 35.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2020. Đáng chú ý, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 54.000 tỷ đồng, tăng trên 13% so với năm 2020, vượt trên 9% dự toán Trung ương giao với số vượt thu tuyệt đối khoảng 5.000 tỷ đồng.
Hải Phòng cũng luôn khẳng định vị thế là địa phương phát triển năng động, đầy sức hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2021, thành phố thu hút trên 3,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), tăng trên 91% so với năm 2020, vượt kế hoạch năm (2,5-3 tỷ USD).
Những con số biết nói trên đã minh chứng Hải Phòng là một trong những hình mẫu về phát triển với sự tăng trưởng rất cao. Đây là một động lực rất quan trọng và là tiền đề để Hải Phòng tiếp tục thực hiện mục tiêu trở thành một trong những địa phương “đi sớm nhất” từ nay đến năm 2030 về công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Điều này càng được khẳng định khi trong năm 2021, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, TP. Hải Phòng là 1 trong 4 tỉnh, thành phố được Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển.
Với những cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã thông qua cho thấy Đảng và Nhà nước đã đặt niềm tin vào Hải Phòng, với một kỳ vọng không chỉ là cực tăng trưởng mà Hải Phòng sẽ đảm trách vai trò là động lực của khu vực phía Bắc và cả nước.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tùng cho biết, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm là nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo căn cứ pháp lý để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội mới, là nền tảng, là động lực quan trọng cho sự phát triển của TP. Hải Phòng trong thời gian tới. Các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ mang đến cho Hải Phòng cơ hội phát triển mới.
Cụ thể, các cơ chế, chính sách về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nâng hạn mức dư nợ vay, phí và lệ phí sẽ khuyến khích Hải Phòng phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước đóng góp cho ngân sách chung của Trung ương.
Về chính sách về quản lý đất đai, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Hải Phòng chủ động, linh hoạt và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai. Từ đó, tạo môi trường thông thoáng, nâng cao sức cạnh tranh cho Hải Phòng trong việc thu hút đầu tư các dự án động lực trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội.
Về chính sách về quản lý quy hoạch sẽ góp phần tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho Hải Phòng, rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh và góp phần thúc đẩy sớm thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.
Còn đối với chính sách về thu nhập cho cán bộ, viên chức, đây sẽ là cơ chế tốt thu hút, giữ chân nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao - lực lượng đảm bảo sự phát triển của Hải Phòng trong tương lai.
“Các cơ chế, chính sách đề xuất trên quan điểm Hải Phòng phát triển không chỉ riêng cho mình, mà hơn hết còn vì sự phát triển chung; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước”, ông Tùng nhấn mạnh.
Trước đó, tại buổi làm việc với TP. Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Từ Nghị quyết 32 đến Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã có sự thay đổi rất lớn. Nếu Nghị quyết 32 coi Hải Phòng là một cực tăng trưởng các tỉnh phía Bắc trong tam giác phát triển; Nghị quyết 45 đặt Hải Phòng trong một “tầm vóc” khác, không chỉ là một cực tăng trưởng mà còn là động lực phát triển cho khu vực và cả nước. Hải Phòng trở thành một thành phố hiện đại, đi đầu, hoàn thành sớm công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có vị thế không chỉ trong nước và cả khu vực và quốc tế. Như vậy, cần có chính sách, cơ chế đặc thù để đáp ứng được yêu cầu phát triển, hiện thực hoá quyết tâm chính trị đó.
Được biết, ngay khi Nghị quyết được thông qua, TP. Hải Phòng đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản cụ thể hóa và trình tự, thủ tục thực hiện các cơ chế, chính sách, làm cơ sở để tổ chức thực hiện, phát huy tối đa lợi thế, cơ hội mà các cơ chế, chính sách mang lại cho thành phố trong thời gian nhanh nhất, hiệu quả cao nhất…
Năm 2022, Hải Phòng phấn đấu GRDP tăng 13% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 7.300 USD; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 19% - 20%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 105.645 tỷ đồng, trong đó thu xuất nhập khẩu đạt 60.000 tỷ đồng, thu nội địa 41.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 200.000 tỷ đồng; sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 168 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD; thu hút 4,5 triệu lượt khách du lịch; thu hút 2,5-3 tỷ USD vốn FDI; giải quyết việc làm cho khoảng 56.700 lượt người; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025) giảm 0,5%; 100% số huyện được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 14 xã triển khai từ năm 2021 và tiếp tục xây dựng 35 xã trên địa bàn các huyện… (Diendandoanhnghiep.vn 01/02, Hải Ngân)
Bất chấp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, năm 2021, Hải Phòng vẫn giữ tăng trưởng 2 con số (12,38%), đứng đầu cả nước.
Những năm vừa qua, TP. Hải Phòng liên tục tăng trưởng trong top đầu cả nước. Năm 2021, bất chấp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố vẫn giữ tăng trưởng 2 con số, đứng đầu toàn quốc.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hải Phòng năm 2021 đạt 12,38%, thu ngân sách đạt 94.000 tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 5,1 tỷ USD, gấp 3,4 lần so với năm 2020 và đứng vị trí số 1 cả nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều công trình, dự án trọng điểm của Hải Phòng vẫn được khởi công và về đích, như: dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; dự án Cầu Rào; cầu Quang Thanh, cầu Dinh nối Hải Phòng với Hải Dương...
Hải Phòng trở thành "bến đỗ" của nhiều tập đoàn lớn trong nước và trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2021 đã có 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới đầu tư vào Hải Phòng, với tổng vốn FDI hơn 327 triệu USD; 52 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn, trong đó dự án của LG Display Hải Phòng với 2 lần điều chỉnh và tăng 2,15 tỷ USD vốn đầu tư.
Năm 2022, Hải Phòng đặt mục tiêu (GRDP) tăng 13% trở lên so với năm 202, GRDP bình quân đầu người đạt 7.300 USD, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 19%-20%. Mục tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 105 nghìn tỷ đồng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 168 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD, thu hút 2,5-3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Cùng với đó, Hải Phòng cũng phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống mức 3,68%; 86% lao động qua đào tạo; 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025) giảm 0,5%; 100% hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn…
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, thành phố ưu tiên vốn đầu tư công cho các công trình, dự án trọng điểm được xác định trong Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.
Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng cơ chế ưu tiên bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện có số thu ngân sách vượt dự toán được giao. Chú trọng nguồn vốn đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), coi đây là nguồn lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách bền vững cho thành phố. Hải Phòng đặt kỳ vọng giai đoạn 2021-2025 thu hút vốn FDI từ 12,5 - 15 tỉ USD.
Nhiều dự án lớn đã được trao giấy chứng nhận đầu tư, sẽ khởi công trong năm 2022, như: Các bến số 5, 6 Cảng nước sâu Lạch Huyện; Dự án Khu phi thuế quan - logistics và công nghiệp Lạch Huyện có tổng vốn 11.100 tỷ đồng...
Nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 35 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng.
Hải Phòng phải phát triển không chỉ riêng cho mình, mà hơn hết còn vì sự phát triển chung của cả nước. Trong cuộc làm việc với TP. Hải Phòng mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm mà TP. Hải Phòng cần thực hiện để có sự phát triển hơn nữa và xứng tầm với sự quan tâm của Trung ương.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Hải Phòng phải phát huy tính tự lực, tự cường hơn nữa để chúng ta phát triển nhanh, bền vững; dựa vào khoa học công nghệ, dựa vào đổi mới sáng tạo, dựa vào chuyển đổi số để phát triển toàn diện về an ninh quốc phòng, kinh tế, trong đó có công nghiệp, phải là công nghiệp hiện đại, công nghiệp xanh; dịch vụ phải tiên tiến, thông minh, tiện lợi; du lịch phải sinh thái, chất lượng cao; nông nghiệp thì phải nông nghiệp xanh, bền vững."
Một trong những vấn đề được các đại biểu rất quan tâm trong chuyến công tác và buổi làm việc của Thủ tướng với Hải Phòng là phát triển hạ tầng cảng biển, logistics.
Theo đó, việc phát triển hạ tầng giao thông vận tải nói chung và đường biển nói riêng là yêu cầu cấp bách để giải phóng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững. (Cafef.vn 06/02, Hoàng Tùng)
Cuối tháng 1/2022, ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã ký ban hành Chỉ thị về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển thành phố năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo chỉ thị này, sau 3 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; 1 năm thực hiện Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của thành phố, Nghị quyết 36-NQ/TW, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các Sở, ngành, địa phương đã nỗ lực, chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao, bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình quốc tế , khu vực và các vấn đề kinh tế - xã hội trong nước có nhiều biến động khó lường, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung cũng như hoạt động của các ngành kinh tế biển TP. Hải Phòng nói riêng. Bên cạnh đó, tồn tại một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến quá trình triển khai Nghị quyết 36 – NQ/TW, Kế hoạch tổng thể còn chậm, điển hình như: Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển còn thiếu và chưa đồng bộ; cơ chế điều phối liên ngành về phát triển bền vững kinh tế biển chưa được vận hành hiệu quả và thông suốt; nguồn lực về con người, tài chính, khoa học – công nghệ để hiện thực hóa các chủ trương, giải pháp, khâu đột phá còn hạn chế; đặc biệt, chưa có hệ thống chỉ tiêu thống kê các ngành kinh tế biển làm cơ sở cho công tác quản lý, điều hành của thành phố và các Sở, ngành…
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các sở, ngành, các địa phương có biển trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, cần lựa chọn, xác định các Dự án, Đề án cũng như những nhiệm vụ ưu tiên để tập trung đầu tư, tạo động lực thực sự cho phát triển bền vững kinh tế biển. Đẩy mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa hợp tác công - tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội vào phát triển kinh tế biển nói chung và kết cấu hạ tầng biển và ven biển nói riêng; Tháo gỡ những các chính sách, quy định đang hạn chế nguồn lực cho phát triển…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện nhanh việc chuyển đổi số các ngành kinh tế biển. Các địa phương có biển vừa phát huy nội lực “tự lực, tự cường”, vừa tận dụng “ngoại lực” cho phát triển, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, khuyến khích hình thành, phát triển các công ty đầu tư trong các ngành kinh tế biển, đặc biệt là 6 ngành kinh tế biển được xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, đây là những ngành kinh tế trọng điểm, có tiềm năng lợi thế và còn dư địa lớn làm động lực cho phát triển kinh tế xã hội thành phố…
Chỉ thị cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của TP. Hải Phòng phải tăng cường vai trò chỉ đạo thống nhất liên ngành các nội dung liên quan, khắc phục hạn chế điều phối đa ngành trong phát triển bền vững kinh tế biển.
Chỉ thị giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện lồng ghép nội dung quy hoạch không gian biển vào Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050…
Các Sở, ngành chức năng thành phố chú trọng các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nghiên cứu các công nghệ, giải pháp, kỹ thuật khai thác hợp lý gắn với bảo vệ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển của thành phố; đề xuất quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu đô thị ven biển, khu đô thị sinh thái ven biển gắn với hình thành các trung tâm kinh tế biển; Đồng thời, bố trí đủ nguồn ngân sách, nhân lực để thực hiện các Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của thành phố. (Laodong.vn 04/02, Mai Chi)
Thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI tại Hải Phòng năm 2021 vẫn đạt trên 3,1 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với năm 2020, dù chịu tác động không nhỏ bởi dịch COVID-19.
Bất chấp đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hải Phòng trở thành một trong những "điểm sáng" thu hút FDI của cả nước. Không chỉ chủ động “đi trước một bước” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Hải Phòng còn cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các KCN, CCN để “dọn tổ đón đại bàng”.
Cuối tháng 8/2021, Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã "rót" thêm 1,4 tỷ USD vào công ty "con" của mình là dự án LG Display tại TP. Hải Phòng. Với việc “rót” thêm vốn này đã nâng tổng số vốn đầu tư của LG tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD và trở thành dự án có vốn đầu tư FDI lớn nhất tại địa phương này. Trước đó, vào đầu năm 2021, công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng cũng được đầu tư thêm 750 triệu USD. Trong quá khứ, LG Display chính thức đầu tư tại Hải Phòng vào năm 2016, khi đó họ thành lập công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng với số vốn đầu tư ban đầu 1,5 tỷ USD để sản xuất màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động, màn hình OLED ti-vi, màn hình LCD... Liên tục sau đó, công ty đã bốn lần điều chỉnh tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất của dự án.
Cũng trong năm 2021, nhiều dự án FDI được đầu tư mới hoặc điều chỉnh tăng vốn tại Hải Phòng, như: Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (KCN Vsip) đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD; Công ty Ohsung Vina (KCN Tràng Duệ) tăng 19 triệu USD, Công ty Shanghai Moons Electronics (KCN Vsip) đầu tư 18 triệu USD; Công ty TNHH điện tử Tongwei (KCN An Dương) tăng 31 triệu USD,... Các dự án này đang ngày càng chuyển từ đầu tư chiều rộng sang chiều sâu, với vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường...
Việc quyết định tăng vốn đầu tư của hàng loạt các dự án FDI chính là minh chứng thuyết phục, khẳng định về một Hải Phòng phát triển, bứt phá, một điểm đầu tư tốt, đặc biệt trong thời điểm diễn biến của dịch COVID-19 đang phức tạp.
Dù là điểm sáng về thu hút FDI, song khi đặt Hải Phòng trong mối tương quan với các địa phương lân cận, ông Trần Lưu Quang – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng đã thẳng thắn chỉ ra rằng: Quảng Ninh với thế mạnh trong cải cách thủ tục hành chính; Thái Bình với KKT ven biển 3.000 ha và đang có lợi thế của người đi sau, khắc phục được điểm yếu của KCN, KKT Hải Phòng hay Hải Dương vốn có truyền thống thu hút FDI... Vì vậy, ngoài việc chủ động tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, TP. Hải Phòng cần khắc phục ngay những hạn chế, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính... để phục vụ các nhà đầu tư.
Thẳng thắn thừa nhận điểm yếu của mình, TP. Hải Phòng đã nhanh chóng khắc phục, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Ông Park Jae Hong - Phó tổng giám đốc công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng cho rằng: Mặc dù Việt Nam có nhiều KCN ở các tỉnh, thành phố, nhưng chúng tôi lựa chọn Hải Phòng là nơi đầu tư vì TP. Hải Phòng đã rất quan tâm, hỗ trợ, theo sát doanh nghiệp. Hải Phòng đã cố gắng hỗ trợ, đẩy nhanh các thủ tục hành chính, giúp chúng tôi được tăng vốn đầu tư một cách nhanh nhất. Việc tăng vốn đầu tư mới thời gian qua, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp luôn mong muốn cùng phát triển đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của TP. Hải Phòng nói riêng và tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam nói chung. Chúng tôi hy vọng, ngoài LG Display, trong thời gian tới, các doanh nghiệp nước ngoài trên thế giới sẽ lựa chọn TP. Hải Phòng là điểm đến an toàn.
Trên thực tế, diện tích đất tại đa số các KCN hiện còn có thể thu hút đầu tư là rất ít, phân bổ nhỏ lẻ trong các KCN (187,9 ha) và mặt biển chưa san lấp (trên 700 ha). Quy mô diện tích còn lại là tương đối khó khăn để có thể đạt được hiệu quả thu hút đầu tư. Trong khi, TP. Hải Phòng đặt mục tiêu trong 5 năm 2021-2025 phấn đấu thu hút 12,5-15 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, để chuẩn bị cho mục tiêu lớn này, trước mắt, TP. Hải Phòng sẽ đẩy nhanh tiến độ GPMB, xây dựng các KCN, tập trung cho các KCN Tràng Duệ giai đoạn 3; KCN VSIP; KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng,… để có thể sẵn sàng có nguồn đất sạch với kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, góp phần đắc lực “đi trước một bước” đón đầu các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Ông Ruben Baeckelandt – Đại diện KCN Deep C cho biết, đến cuối năm 2021, tổ hợp KCN Deep C đã thu hút được 115 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 4 tỷ USD; tỷ lệ lấp đầy của KCN Deep C 1 đạt 95%, KCN Deep C 2A đạt 19%, KCN Deep C 2B đạt 76%. KCN Deep C 3 đang trong quá trình bồi thường, GPMB và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bắt đầu bố trí mặt bằng cho nhà đầu tư thứ cấp từ quý I/2022 ngay sau khi được phê duyệt quy hoạch chi tiết điều chỉnh. Dự kiến, năm 2022 sẽ cho thuê được 78,53ha, trong đó 71% các nhà đầu tư nước ngoài đã đồng ý ký kết thoả thuận, tương đương 56,05ha.
Thực tế, sau khủng hoảng của dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, làn sóng đầu tư FDI được các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Trong đó, TP. Hải Phòng được coi là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của các nhà đầu tư: kiểm soát tốt dịch COVID-19, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi… Không thể phủ nhận điều đó, khi trong năm 2021, với sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài, Hải Phòng đã lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu trong danh sách thu hút nhiều vốn ngoại, góp phần quan trọng vào sự phục hồi chung của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong một năm đầy biến động. Và chỉ tính riêng trong tháng 1/2022, tại Hải Phòng đã có 5 dự án cấp mới và điều chỉnh với tổng vốn đầu tư cấp mới; tăng thêm khoảng 229 triệu USD (gồm 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài - 140 triệu USD và 2 dự án đầu tư trong nước - 2.048 tỷ đồng)
Đặc biệt, đến nay, TP. Hải Phòng đã thành lập và đi vào hoạt động 12 KCN, với tỉ lệ lấp đầy trung bình của các KCN là 62,5%. Trong vòng 5 năm tới, Hải Phòng có thể có thêm 15 KCN mới với tổng diện tích hơn 6.000ha. Đây là bước tiến rất lớn, thể hiện quyết tâm của TP. Hải Phòng trên chặng đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Theo ông Trần Lưu Quang, thời gian tới, công tác thu hút vốn FDI của Hải Phòng sẽ gặp nhiều thách thức bởi các tỉnh, thành phố khác cũng có nhiều tương đồng về vị thế và môi trường đầu tư, kinh doanh. Do đó, để tiếp tục duy trì kết quả về thu hút dòng vốn FDI, ông Quang yêu cầu phải tiếp tục triển khai các giải pháp để thu hút nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển các KCN. Theo tính toán, trong giai đoạn 2021-2026, TP. Hải Phòng sẽ cần 190.000 - 200.000 lao động đến từ các địa phương khác. Hải Phòng sẽ đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, phát triển y tế, trường học để đáp ứng nhu cầu của người lao động đến và gắn bó với thành phố… (Diendandoanhnghiep.vn 30/01, Trung Thành – Hải Ngân)
Những ngày cuối của năm Tân Sửu sắp đi qua, xuân Nhâm Dần đã ở rất gần. Bối cảnh “đặc biệt” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng không thể ngăn những niềm vui trên gương mặt mỗi người dân thành phố Cảng. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cận kề, cũng là lúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng cùng nhìn lại một năm đầy khó khăn, thách thức song bằng ý chí, nghị lực và tinh thần “Trung dũng - Quyết thắng”, thành phố tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu ấn tượng để hiện thực hóa khát vọng vươn tới những tầm cao.
Đất trời đã chuyển mình, không khí Tết đến gần với chút dịu dàng của những chồi non còn đang e ấp, những tia nắng mới nhẹ nhàng ấm áp len qua từng kẽ tay. Xuân mới đang về với mọi miền, mọi nhà. Ấy cũng là lúc từ khắp các địa phương trên địa bàn TP. Hải Phòng ngập tràn trong rực rỡ cờ hoa và niềm tin mạnh mẽ vào tương lai. Nhìn lại năm 2021 đã qua, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song những quyết sách mang tính đột phá của Đảng bộ, chính quyền cùng sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân là động lực để thành phố hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra; tạo tiền đề, động lực hướng đến các tầm cao mới.
Trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, thành phố đã tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; thực hiện tốt "mục tiêu kép” vừa bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nhiều chính sách, quyết sách tạo được tiếng vang và sự đồng thuận rất tốt trong nhân dân. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết, Thành ủy Hải Phòng đã xây dựng và tạo lập được sự đoàn kết, thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo thành phố và sự đoàn kết trong toàn Đảng bộ; lãnh đạo trực tiếp và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; thực hiện tốt phương châm “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra - dân giám sát” và gắn với “dân thụ hưởng”, được nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Cùng với nỗ lực của cả nước, thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ, có 13/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành và vượt mức kế hoạch năm, trong đó có nhiều chỉ tiêu thuộc tốp đầu trong cả nước. 6/19 chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch đề ra, nhưng ở mức tăng cao so với năm 2020 và so với các địa phương khác. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 12,38%; chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng trên 19% so với năm 2020; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 90.400 tỷ đồng, vượt trên 17% dự toán Trung ương giao; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 3,1 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với năm 2020, vượt kế hoạch năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 25 tỷ USD, tăng trên 23% so với năm 2020, vượt trên 12% so kế hoạch năm...
Xuân này, người dân Hải Phòng thêm vui vì thành phố đã tích cực triển khai nghiên cứu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển thành phố với tầm nhìn chiến lược, dài hạn như: Hoàn thành xây dựng Đề án, dự thảo và được Quốc hội thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho phát triển của thành phố; tích cực triển khai lập Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xác định thực hiện chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cả nhiệm kỳ…
Một mùa xuân mới lại về trên khắp dải đất hình chữ S. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đang đến gần, thành phố Cảng anh hùng càng rạo rực với quyết tâm và khát vọng vươn xa. Gần 40 năm đồng hành với tiến trình đổi mới của đất nước, truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng” luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phát huy. Câu chuyện cuối năm ở đất Cảng càng tràn ngập niềm tin dù năm 2022 được dự báo là tiếp tục sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến của đại dịch Covid-19 còn hết sức phức tạp, khó lường.
Với chủ đề xuyên suốt: "Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”, trong năm 2022, thành phố xác định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển ba trụ cột chủ yếu (công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại). Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì hoạt động và phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số...
Trong chuyến thăm và làm việc tại thành phố mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gợi mở nhiều định hướng phát triển thành phố. Trong đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng cần phát huy tính tự lực, tự cường hơn nữa để phát triển nhanh và bền vững, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong đó, phải phát triển công nghiệp xanh, dịch vụ tiên tiến, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, bền vững. Phát triển hài hòa giữa kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, xã hội. Có kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng thành phố thông minh; nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng... “Phải xây dựng Hải Phòng thành trung tâm liên kết vùng; đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Vì đầu tư cho Hải Phòng là rất lớn; vị trí, điều kiện của Hải Phòng rất thuận lợi”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Về các giải pháp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, Hải Phòng tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26.11.2019 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW; Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13.11.2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố; cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thời gian tới, thành phố phải tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19; khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cần nghiên cứu xây dựng quy hoạch một cách bài bản, có tầm nhìn xa, có tư duy đổi mới và sát với tiềm năng, lợi thế, so sánh khác biệt, cơ hội cạnh tranh của thành phố; phù hợp với quy hoạch quốc gia và phát huy tối đa hiệu quả của đất, rừng, nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Phát triển dịch vụ logistics hiện đại, thông minh, hiệu quả, đẳng cấp quốc tế, đặc biệt logistics hàng không, hàng hải. Nghiên cứu phát triển năng lượng sạch, năng lượng xanh, năng lượng gió ngoài khơi...
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, Hải Phòng phải giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất trong toàn thành phố và với các bộ, ngành, tỉnh, thành phố bạn; đẩy mạnh xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh chống tiêu cực, tham nhũng; tiếp tục góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia trên biển; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân... xứng tầm với truyền thống lịch sử văn hóa, tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của nhân dân.
Xuân này, mỗi người dân Hải Phòng thấy vui hơn, tự hào hơn. Dù khó khăn trong năm qua còn tác động ít nhiều đến cuộc sống, song không vì thế không khí đón chào xuân Nhâm Dần bớt đi âm hưởng rộn ràng, náo nức. Niềm tin vào sự khởi đầu năm mới với thắng lợi mới cùng hòa ca trong sắc xuân sang đầy rực rỡ. Đường lớn đang mở, thành phố Cảng đang vững bước tiến tới những tầm cao… (Daibieunhandan.vn 31/01, Tuấn Nguyên)
Hải Phòng và “3 mũi tiến công” sau đại dịch
Hải Phòng tập trung đổi mới cơ cấu nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: Công nghiệp công nghệ cao, Cảng biển - Logistics, Du lịch - Thương mại.
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đang chuẩn bị kế hoạch, giải pháp mạnh mẽ để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.
- Hải Phòng vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 thế nào, thưa ông?
Trong năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, tác động mạnh hơn đến đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng.
Thành phố đẩy nhanh truy vết và xét nghiệm đối với các trường hợp liên quan đến ca dương tính COVID-19; quản lý chặt chẽ số người nghi nhiễm; thiết lập vùng cách ly y tế những địa điểm liên quan đến ca dương tính COVID-19 ngoài cộng đồng; xét nghiệm diện rộng các đối tượng có nguy cơ cao; tích cực triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 với tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.
- Hải Phòng đưa giải pháp gì để tiếp tục duy trì đà phát triển trong năm 2022 và những năm tiếp theo?
Bước vào giai đoạn bình thường mới, Hải Phòng xác định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe Nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Thành phố tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: Công nghiệp công nghệ cao, Cảng biển - Logistics, Du lịch - Thương mại; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp nhằm sớm đưa vào hoạt động trong năm 2022, tạo thêm năng lực sản xuất và sản phẩm mới cho nền kinh tế.
Thành phố sẽ tiếp tục tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, quỹ đất để thu hút ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, các dự án công nghiệp quy mô lớn có công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách; khởi công dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4, 5, 6 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Hải Phòng sẽ mở rộng phạm vi, thu hút nguồn lực, đầu tư phát triển mạnh các loại hình, sản phẩm du lịch, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển 3 sản phẩm du lịch cốt lõi: du lịch biển đảo, du lịch thể thao và du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Thành phố tập trung chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng; phấn đấu khởi công Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa và Nhà ga hành khách số 2 Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi trong quý I/2022.
Hải Phòng cũng sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ dùng chung; xây dựng và phát triển Chính quyền số.
Đặc biệt, trong năm 2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng. Trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, nhằm đưa Hải Phòng phát triển bứt phá, trở thành động lực tăng trưởng của cả nước.
- Là thành phố với hàng loạt khu công nghiệp lớn, hàng chục vạn công nhân, nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc, những quyết sách vừa đảm bảo cho các doanh nghiệp yên tâm duy trì và phát triển sản xuất sau đại dịch, vừa tiếp tục thu hút đầu tư, phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Hải Phòng?
Thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hải Phòng. Năm 2021, mặc dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng dòng vốn đầu tư vào Hải Phòng không bị gián đoạn.
Nhiều dự án lớn được cấp phép, đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp đều đang duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Số nộp ngân sách của khối doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng. Trong 11 tháng năm 2021, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp xấp xỉ 4.500 tỷ đồng, tăng gần 30%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh nộp xấp xỉ 8.500 tỷ đồng, tăng gần 65% so với cùng kỳ năm 2020.
Rút kinh nghiệm từ các địa phương khác, Hải Phòng luôn đặt các doanh nghiệp và địa phương liên quan trong trạng thái nỗ lực cao nhất, quyết tâm giữ vùng xanh an toàn trước dịch bệnh để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Công tác phòng chống dịch được thành phố triển khai quyết liệt, hiệu quả. Chống dịch đa tầng, đa lớp; luôn chủ động “nâng cao một bước, đi trước một bước”; kịp thời chỉ đạo, thực hiện các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, phản ứng nhanh khi có tình huống phức tạp phát sinh.
Cùng với nỗ lực phòng chống dịch COVID-19, Hải Phòng tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng được tập trung đầu tư. Các công trình hạ tầng giao thông mới, quan trọng được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả kinh tế xã hội.
Thành phố sẽ quyết liệt triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ kích thích phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, như tăng cường kết nối nhu cầu đầu tư, hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, với doanh nghiệp địa phương khác.
Hải Phòng cũng sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, thương mại điện tử; hỗ trợ, tư vấn pháp luật, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
- Dự báo bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội của Hải Phòng năm 2022 thế nào, thưa ông?
Năm 2022, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch COVID-19 có thể còn kéo dài, xuất hiện các biến thể mới. Thế giới và nước ta phải chấp nhận sống chung lâu dài với dịch bệnh.
Đối với Hải Phòng, sự ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Hải Phòng sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột nêu trên; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì hoạt động và phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Hải Phòng cũng sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân...
Trên cơ sở đó, Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 13% trở lên so với năm 2021, là mức tăng trưởng cao so với cả nước và các địa phương khác; thu hút FDI từ 2,5 - 3,0 tỷ USD. Chủ đề năm của Thành phố là: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.
- Bên cạnh cảng biển, khu công nghiệp, du lịch đã và đang là lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Hải Phòng sẽ đưa ra những giải pháp để ngành Du lịch hồi sinh sau đại dịch?
Du lịch - Thương mại là một trong ba trụ cột chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tuy nhiên, năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ước tính du lịch Hải Phòng chỉ đón và phục vụ được 3,67 triệu lượt khách, đạt 44,5% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế là 40,73 nghìn lượt, chủ yếu là chuyên gia, doanh nhân làm việc tại Hải Phòng.
Để khôi phục kinh tế du lịch hậu COVID-19, trong thời gian tới, Thành phố sẽ triển khai một số chính sách hỗ trợ phục hồi ngành du lịch như: Tuyên truyền du lịch Hải Phòng với thông điệp “Hải Phòng - Điểm đến an toàn, tin cậy”; phát triển du lịch linh hoạt, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch và tiêu chí an toàn du lịch là hàng đầu; khai thác các sản phẩm du lịch ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Chúng tôi tổ chức các hoạt động, chuỗi sự kiện tạo hiệu ứng tích cực, thu hút khách du lịch đến với Hải Phòng như: Lễ hội Hoa Phượng đỏ, Lễ kỷ niệm Ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà, Liên hoan Du lịch Đồ Sơn… và các hội chợ, chương trình, sự kiện nhằm kích cầu du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp sớm khôi phục thị trường.
Thành phố chỉ đạo giảm giá vé tham quan các danh lam thắng cảnh trên địa bàn; phát động chương trình kích cầu du lịch về giá và dịch vụ; liên kết với các hãng hàng không và các địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa… để trao đổi khách và xây dựng các tour du lịch trọn gói có mức giá hấp dẫn khách du lịch; Tiếp tục triển khai các gói kích cầu du lịch và kịp thời nắm bắt xu hướng thay đổi nhu cầu của khách du lịch về địa điểm gần, an toàn; Tập trung khai thác các loại hình du lịch có khả năng duy trì tốt như: Du lịch thể thao golf, nghỉ dưỡng, trải nghiệm...
Hải Phòng tiếp tục phối hợp với tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện, thống nhất các quy định liên quan đến tiêu chí quản lý đối với vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà; xây dựng tài liệu Du lịch Hải Phòng gắn với Di sản Hạ Long - Cát Bà và các sản phẩm du lịch có lợi thế của Thành phố để quảng bá điểm đến, gắn với khai thác thị trường tiềm năng, lưu ý các yếu tố thay đổi của thị hiếu, điều kiện phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới.
Thành phố giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đề xuất Chính phủ một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như miễn phí dịch vụ neo đậu tại cảng bến và miễn giảm các phí, lệ phí cảng bến đến hết năm 2022.
Với những kế hoạch, giải pháp mạnh mẽ cùng sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và các doanh nghiệp, Thành phố Cảng trung dũng quyết thắng sẽ cùng cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới, vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.
Trân trọng cảm ơn ông! (VTC.vn 31/01, Minh Khang)
Trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng liên tục gặt hái thành công. Đặc biệt, trong hai năm dịch bệnh phức tạp vừa qua, Hải Phòng vẫn tiếp tục là địa phương đi đầu trong thực hiện “mục tiêu kép” và trở thành động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước.
Năm 2021, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội.
Kinh tế thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng, cao hơn mức bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) so sánh năm 2020 ước tăng 12,38%, tuy không đạt kế hoạch đề ra (13,5%) nhưng đứng đầu và gấp hơn 5 lần bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách đạt trên 90.400 tỷ đồng, tăng trên 7% so với năm 2020, vượt hơn 17% so với dự toán Trung ương giao và vượt dự toán HĐND thành phố giao.
Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 18%, gấp hơn 4 lần bình quân chung cả nước. Thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI đạt trên 3,1 tỷ USD; Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 25 tỷ USD; Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 150 triệu tấn; Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,34%; Tỷ trọng năng suất các yếu tố tổng hợp vào GRDP đạt kế hoạch năm là 41%.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng: “Với sự tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đến nay thành phố có trên 1.500 ca dương tính COVID-19, thuộc nhóm các địa phương có ít ca dương tính nhất. Hải Phòng tích cực triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 và hoàn thành tiêm 2 mũi cho người trên 18 tuổi, trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.
Cùng với đó, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị và triển khai các dự án: Hoàn thành việc lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Triển khai xây dựng đề án thành lập thành phố Thủy Nguyên trực thuộc TP. Hải Phòng; Tập trung thi công hoàn thiện chung cư HH1-HH2 Đồng Quốc Bình; Xây dựng 8 công viên cây xanh trên địa bàn các phường; Hoàn thành cải tạo vỉa hè 6 tuyến đường trung tâm thành phố trước Tết Nguyên đán 2022; Chuẩn bị khởi công dự án cải tạo sông Tam Bạc từ cầu Lạc Long đến cầu Hoàng Văn Thụ…
Có thể thấy, bước vào năm đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã đạt được những thành tựu nổi bật, toàn diện, có tính đột phá trên mọi lĩnh vực, đưa Hải Phòng bước vào thời kỳ phát triển mới.
Trong 2 năm qua, chủ trương của Đảng bộ thành phố về đổi mới công tác đầu tư, khơi thông và huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển đã có tính đột phá quan trọng. Theo đó, vốn đầu tư từ nguồn lực xã hội chiếm khoảng 90%, vốn đầu tư từ ngân sách là 10%.
Từ nguồn vốn huy động để đầu tư phát triển, TP. Hải Phòng đã phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là kết cấu hạ tầng giao thông. Đến thời điểm này, Hải Phòng là địa phương có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, hiện đại, liên hoàn theo hướng văn minh, hiện đại; Hình thành nhiều khu đô thị mới phù hợp với bản sắc kiến trúc đô thị Hải Phòng như: Khu đô thị Vinhomes Imperia (Tập đoàn Vingroup), các khu đô thị của Tập đoàn Hoàng Huy, khu đô thị ven sông Lạch Tray của Tập đoàn Agape, Trung tâm thương mại AeonMall và một số khách sạn 5 sao.
Đáng chú ý, không gian đô thị được mở rộng theo đúng quy hoạch phát triển về 3 hướng. Nổi bật là phía Bắc sông Cấm đã hoàn thành cầu Hoàng Văn Thụ, hạ tầng giao thông kết nối Khu công nghiệp VSIP, đảo Vũ Yên; Hướng phát triển về phía Cát Hải - Cát Bà đã hoàn thành Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast, hệ thống cáp treo vượt biển Cát Hải - Cát Bà, một số dự án nghỉ dưỡng cao cấp, 2 bến khởi động cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Hướng phát triển về phía Đồ Sơn, ven sông Lạch Tray đã hình thành một số khu đô thị sinh thái, trung tâm thương mại, bệnh viện quốc tế, khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí, bãi biển nhân tạo Đồ Sơn.
Cùng với không gian đô thị, TP. Hải Phòng triển khai đồng bộ kết cấu hạ tầng với những bước phát triển đột phá mới. Trong đó, sau khi đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi vào vận hành, thành phố tiếp tục khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đường trục World Bank, Quốc lộ 10 mở rộng… Từ đó diện mạo đô thị trung tâm thành phố phát triển theo đúng định hướng Nghị quyết Đại hội XVI đã đề ra.
Trong bức tranh tổng thể kinh tế xã hội của TP. Hải Phòng có ba trụ cột kinh tế có bước phát triển vượt bậc và đóng góp quan trọng nhất cho sự phát triển. Trong đó, ngành công nghiệp đã được điều chỉnh cơ cấu, phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng cao và hơn 4 lần tốc độ tăng chung của cả nước. Cảng biển quốc tế Hải Phòng đã đi vào vận hành hai bến khởi động, đủ khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 200 nghìn tấn.
Lĩnh vực du lịch thu hút một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sungroup, Geleximco đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng các khu du lịch tầm cỡ quốc tế. Kinh tế dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,42%/năm, dịch vụ logistics, dịch vụ hàng không, lượng khách du lịch đều đạt mức tăng trưởng cao.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, với tổng vốn huy động đạt 40.396 tỷ đồng. Thành phố cơ bản hoàn thành xây dựng các công trình hạ tầng tại 7 xã thí điểm Nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2020. Các huyện Kiến Thụy, An Dương, Tiên Lãng, Thủy Nguyên đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; Hai huyện Vĩnh Bảo, An Lão đang hoàn thiện hồ sơ.
Thành công từ chương trình xây dựng Nông thôn mới đã tạo sự chuyển biến căn bản về hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, điều kiện sống, lao động sản xuất. Đời sống của người dân khu vực nông thôn được nâng cao đáng kể.
Thực hiện Nghị quyết lần thứ XVI của Đảng bộ TP. Hải Phòng, công tác giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao đều được quan tâm đầu tư, có bước phát triển mới. Công tác an sinh xã hội được quan tâm đặc biệt, thành phố đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự trị an xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân toàn thành phố được cải thiện và nâng cao đáng kể. Nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Ðảng, tự hào về sự phát triển của thành phố.
Công tác xây dựng Đảng được quan tâm thường xuyên, luôn được xác định có tầm quan trọng hàng đầu; Các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế được thực hiện với quyết tâm cao, đạt kết quả tích cực.
Trên cơ sở dự báo tình hình, UBND thành phố đề xuất chủ đề năm 2022 là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu và thực hiện chuyển đổi số”. UBND thành phố cũng đề ra 19 chỉ tiêu chủ yếu và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Nói về thành tích đạt được trong những năm qua của Đảng bộ TP. Hải Phòng, theo đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ: Trước hết, Hải Phòng nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời là thành quả từ sự nỗ lực phấn đấu, đổi mới, sáng tạo của Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn thành phố. Đây cũng là kết tinh của quá trình lao động bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ của Ðảng bộ thành phố.
Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong nhiệm kỳ vừa qua đối với Ðảng bộ TP. Hải Phòng là luôn chú trọng tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; Thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định của Ðảng; Bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Ðảng, duy trì sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực nổi trội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thật sự tiền phong gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết vì sự nghiệp chung. Ðây chính là yếu tố có ý nghĩa quyết định làm nên những thành công toàn diện của thành phố trong nhiệm kỳ vừa qua.
Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hải Phòng đứng trước những thuận lợi, cơ hội mới, tạo điều kiện cho thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với các lợi thế so sánh và đà phát triển đã có cùng với sức mạnh nội sinh của tinh thần đoàn kết, truyền thống đổi mới, sáng tạo, Hải Phòng hoàn toàn có thể phát triển bứt phá vươn lên. Mục tiêu xác định đến năm 2025, Hải Phòng hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; Trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước, trung tâm du lịch quốc tế…
Với truyền thống "Trung dũng - Quyết thắng", phẩm chất “Đoàn kết - Nghĩa tình - Năng động - Sáng tạo” cùng khí thế “bừng sáng của miền cửa biển”, bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân TP. Hải Phòng sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới, sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng vươn lên; Hướng tới là một trong những thành phố hiện đại hàng đầu của khu vực Ðông Nam Á năm 2030 và Châu Á vào năm 2045 như Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị đã đề ra. (Tuoitrethudo.com.vn 31/01, Quang Chiến)
Ngày 30/01/2022, ngay trước thềm năm mới Xuân Nhâm Dần 2022, Cảng container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) đón chuyến tàu đầu tiên WAN HAI 315 thuộc tuyến dịch vụ AA9 của hãng tàu Wan Hai.
Đây là tuyến dịch vụ đươc hãng tàu khai thác với 8 tàu sức chở từ 2.500 – 2.800 Teu kết nối trực tiếp Hải Phòng với Bờ Đông Hoa Kỳ, hải trình: Cảng container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) – Shekou – Kaohsiung – Qingdao - Balboa –– Charleston – New York – Singapore – TCHICT.
Wan Hai Lines là hãng tàu hàng đầu ở Châu Á, đứng thứ 10 trên thế giới, hiện khai thác 147 tàu container với tổng sức chở 419,559 Teu. Việc hãng tàu Wan Hai mở thêm tuyến dịch vụ AA9 kết nối Hải Phòng với Bờ Đông Hoa Kỳ sẽ giúp gia tăng tần suất các chuyến tàu mẹ cập TC-HICT hàng tuần. Từ đó, mang đến nhiều lựa chọn cho các nhà xuất nhập khẩu tại khu vực phía Bắc nước ta để kết nối hàng hóa tối ưu đến thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại hai bờ Hoa Kỳ.
Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cán bộ công nhân viên, người lao động Cảng container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng luôn nỗ lực không ngừng để mang đến chất lượng dịch vụ hàng đầu và khai thác an toàn cao nhất cho các khách hàng nhằm đảm bảo tính liên tục trong dòng chảy thương mại toàn cầu.
Với việc đón thêm tuyến dịch vụ mới trước thềm năm mới Xuân Nhâm Dần 2022, TC-HICT tin tưởng sẽ phát triển mạnh mẽ và đón thêm nhiều tuyến dịch vụ xuyên đại dương trong năm 2022, xứng đáng là cảng nước sâu hiện đại nhất lớn nhất khu vực Miền Bắc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của khu vực Miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung. (VOV.vn 30/01, Thanh Nga ; Nongnghiep.vn 01/02)
Ngay trong ngày mồng 1 Tết đầu xuân năm mới, cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng đã đón tàu Caiyunhe đến nhập và xuất những lô hàng đầu tiên.
Tàu Caiyunhe dài 183m, quốc tịch Panama, đã đến cảng container Nam Đình Vũ, Hải Phòng nhập và xuất những lô hàng đầu tiên, với những mặt hàng như: hàng tiêu dùng, may mặc, nguyên liệu hay thực phẩm. Với tải trọng 35.000 tấn, khoảng hơn 1.000 container sẽ được trung chuyển qua Hong Kong (Trung Quốc) trước khi đến các thị trường Mỹ, Canada.
Mặc dù hôm nay là mùng 1 Tết, nhưng để phục vụ tàu xuất nhập khẩu hàng, cảng vẫn bố trí hơn 40 người, bao gồm cả giao nhận và xếp dỡ, đồng thời chia ca để hoạt động 24/24.
"Làm việc trong những ngày Tết, hệ số lương cho tất cả anh em là 300%. Sau khi tàu rời cảng, công ty sẽ tổ chức tiệc khai xuân cho các anh em làm việc xa nhà trong những ngày Tết", anh Nguyễn Thành Phong, Quản lý dịch vụ cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng, cho biết.
Thông thường vào dịp Tết Nguyên đán, tàu vào hệ thống cảng Hải Phòng thường nghỉ 1 - 2 tuần do hàng hóa giảm đến 50%.
Tuy nhiên năm nay, chi phí vận tải biển cũng như giá thuê tàu tăng gấp nhiều lần nên các hãng tàu phải khai thác tối đa để không bị thua lỗ. Kéo theo đó, các cảng tàu cũng phải lên kịch bản tăng mạnh công suất để đáp ứng nhu cầu của các hãng tàu.
"Tập đoàn chúng tôi đã quyết định đầu tư thêm hệ thống cầu giàn QC, thêm 3 QC ngay trong nửa đầu năm 2022 để tăng năng suất xếp dỡ và đầu tư vào công nghệ thông tin để tăng tốc độ giao nhận hàng hóa cũng như dịch vụ khách hàng", anh Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng, chia sẻ.
Dự kiến, ngay tháng đầu tiên của năm 2022, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển này sẽ tăng ít nhất từ 10 - 15%.
Cảng Nam Đình Vũ cũng lên kế hoạch mở rộng bến bãi và trong năm nay sẽ xây dựng giai đoạn hai để tăng công suất gấp đôi hiện tại lên 1,2 triệu Teu, từ đó đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay. (Kênh VTV1 – Thời sự 19h15 ngày 01/02 + Chào buổi sáng lúc 5h34 ngày 02/02)
Từ những vùng bãi bồi hoang sơ nơi cửa biển khi xưa, nay Hải Phòng đã mọc lên những khu công nghiệp với hàng loạt nhà máy có vốn đầu tư hàng trăm triệu USD.
Từ khi nhận biết những thăng trầm cuộc sống xung quanh, ông Đặng Tuấn – Chủ tịch UBND phường Tràng Cát (Hải An, Hải Phòng) đã chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên.
“Nơi ấy là vùng quê ven biển thuộc quận Hải An”, đứng trên đường dẫn lên cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, ông Tuấn khẽ nói rồi hướng mắt nhìn những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, xa xa ẩn hiện cùng tầng tầng lớp lớp nhà máy, xí nghiệp triệu đô đang hoạt động hết công suất.
Trước đây, vùng ven biển quận Hải An nói riêng, vùng đất ven biển TP. Hải Phòng nói chung mênh mông là sông nước hoang sơ, cây lau, sậy, sú, vẹt mọc khắp nơi. Người dân chủ yếu sống bằng nghề sông nước, hàng ngày khai thác, đánh bắt hải sản tự nhiên, mức thu nhập chưa cao.
Những năm gần đây, bức tranh hoang sơ ấy đã được điểm tô bằng nhiều công trình, dự án “lấp đầy” vùng sông nước mênh mông. Có thể kể tới là dải đất nối liền xuyên đảo Đình Vũ, một cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á nối với đảo Cát Bà.
Không những thế, hàng loạt chính sách, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và TP. Hải Phòng đã đưa nơi đây phát triển thành khu công nghiệp hiện đại với sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, các bến cảng hoạt động tấp nập ngày đêm, đem lại nguồn doanh thu lớn cho ngân sách thành phố trong các năm qua, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nổi bật trong số đó là hoạt động logistic tại các bến cảng, Khu vực Đình Vũ.
“Sự thay đổi ấy là quá lớn. Nhiều người con xa quê khi trở về đều không hình dung được sự đổi thay kỳ diệu đó. Tôi mong, thành phố tiếp tục phát huy các tiềm năng, lợi thế để ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, đẩy mạnh hơn sự phát triển của các vùng đất ven biển, trong đó có vùng đất ven biển của quận Hải An, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư”, ông Tuấn cười bảo.
Để mục sở thị sự thay da đổi thịt thần kỳ ấy, chúng tôi tìm tới Khu công nghiệp (KCN) Nam Đình Vũ (Nam Đình Vũ IP) nằm ở vị trí trung tâm Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Với tổng diện tích 1.329ha, đây là Khu kinh tế tổng hợp – Trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của TP. Hải Phòng, vùng duyên hải Bắc Bộ và của cả nước.
“Với sự đồng hành của TP. Hải Phòng, tầm nhìn cũng như sự quyết tâm cao của doanh nghiệp, Khu công nghiệp Nam Đình Vũ hiện đã hoàn thiện giai đoạn 1 diện tích 370ha, tỷ lệ lấp 90%; giai đoạn 2 có diện tích 960ha đang thu hút đầu tư.
Khu công nghiệp đã hình thành nên chuỗi dịch vụ tương đối hoàn chỉnh với các dịch vụ cung ứng cảng biển, logistic, hậu cần và sản xuất, xử lý chất thải... giúp tiết giảm chi phí sản xuất, thời gian vận chuyển… tạo điều kiện cho nhà đầu tư được kết nối, hỗ trợ tối đa và tìm thấy cơ hội kinh doanh mới”, ông Nguyễn Thành Phương – Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ – chủ đầu tư cho hay.
Khu công nghiệp Nam Đình Vũ thành lập năm 2009, được quy hoạch 4 phân khu chức năng bổ trợ lẫn nhau bao gồm: khu công nghiệp, khu cảng biển và hậu cần cảng, khu phi thuế quan, khu cảng dầu khí và hàng lỏng; cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ - hiện đại; cảng biển Nam Đình Vũ ngay trong nội khu công nghiệp.
Khác với các KCN trong TP. Hải Phòng, 100% diện tích của KCN Nam Đình Vũ là khu vực ngập nước, phần lớn bãi bồi hoang hóa, ngập mặn. Năm 2009, Tập đoàn Sao Đỏ đầu tư xây dựng khu phi thuế quan, cảng biển và công nghiệp Nam Đình Vũ. Đây là dự án lấn biển với nhiều rủi ro và không hấp dẫn các doanh nghiệp tư nhân lúc đó.
Tuy nhiên, tư duy lãnh đạo công ty thời điểm này luôn nhất quán, Hải Phòng là thành phố cảng biển - công nghiệp nên phải tiến ra biển, từ đó xây dựng được khu cảng biển, khu công nghiệp thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với chi phí đáp ứng giá thành sản xuất và chi phí cho các nhà đầu tư rẻ nhất. Đồng thời, việc xây dựng và phát triển khu công nghiệp lấn biển sẽ không ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đến cuộc sống của người dân, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục vạn lao động.
Để có mặt bằng sạch, Tập đoàn Sao Đỏ dự toán đầu tư hơn 9.000 nghìn tỷ đồng để triển khai dự án trong điều kiện, cơ sở hạ tầng của TP. Hải Phòng chưa được hoàn thiện: chưa có cầu Đình Vũ - Cát Hải xuyên biển, chưa có đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Sân bay Cát Bi chưa được nâng cấp...
Minh chứng cho tầm nhìn chiến lược ấy chính là bước tiến dài trên con đường phát triển, hình thành nên một khu công nghiệp Nam Đình Vũ lấn biển có vị trí đắc địa như hiện nay, trở thành điểm sáng đầu tư của TP. Hải Phòng.
“Tổng số dự án đã thu hút: 35 dự án, Tổng vốn đầu tư thu hút 770 triệu USD. Riêng năm 2021 thu hút được một số dự án tiêu biểu như: SLP Park Hải Phòng - Dự án cho thuê nhà xưởng, kho bãi, dịch vụ logistics với tổng mức đầu tư của 2 dự án là 30 triệu USD; BW Industrial – Nhà xưởng xây sẵn; Tập đoàn An Phát Holdings – Dự án xây dựng nhà máy sản xuất chất dẻo sinh học với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng… ”, lãnh đạo Tập đoàn Sao Đỏ nhấn mạnh.
Không chỉ Nam Đình Vũ, KCN DEEP C (Hải An, Hải Phòng) cũng là một dự án lấn biển, biến vùng đầm lầy hoang vắng trở thành một tổ hợp các KCN phát triển năng động như ngày nay.
DEEP C được thành lập năm 1997, là đơn vị tiên phong đi đầu trong đầu tư xây dựng các KCN lấn biển với dự án phát triển KCN nghiệp Đình Vũ (nay được gọi là KCN DEEP C Hải Phòng I). Đây là dự án hợp tác liên doanh giữa cổ đông là UBND TP. Hải Phòng và các cổ đông Bỉ.
Bước đi táo bạo của DEEP C vào thời điểm đó đã mở đường cho sự phát triển của mô hình KCN lấn biển sau này. Hiện nay tổ hợp KCN DEEP C tại Hải Phòng đã mở rộng ra thành 3 KCN: DEEP C Hải Phòng I, II, III với tổng diện tích hơn 1.700 ha. Trong đó, KCN DEEP C Hải Phòng I có tỉ lệ lấp đầy 95%.
Đến nay, DEEP C thu hút được hơn 140 dự án đầu tư thứ cấp trong các ngành công nghiệp và dịch vụ logistics với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 4 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động địa phương.
Khu công nghiệp DEEP C nằm tại vị trí chiến lược để phát triển sản xuất công nghiệp: gần cảng nước sâu Lạch Huyện, cửa ngõ giao thương của Hải Phòng, kết nối với mạng lưới đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái giúp đẩy mạnh kết nối vùng và tam giác kinh tế Hà Nôi, Hải Phòng, Quảng Ninh, đồng thời giảm đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa đến biên giới Trung Quốc. Điều này đặc biệt hấp dẫn với những nhà đầu tư mong muốn mở rộng sản xuất ở Hải Phòng, đồng thời duy trì cơ sở sản xuất tại Trung Quốc.
Trải qua quá trình phát triển tại Hải Phòng, DEEP C có những đóng góp quan trọng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố. Đặc biệt, nhờ sự chuyển dịch trọng tâm sang các dự án công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao như sản xuất thiết bị linh kiện điện tử và sản xuất ô tô, DEEP C thu hút được những nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực này như Pegatron và Pyeong Hwa Automotive, nhờ đó kéo theo các dự án vệ tinh nằm trong chuỗi cung ứng của các ông lớn này đến Hải Phòng.
“Mục tiêu của khu công nghiệp DEEP C không chỉ dừng lại ở thu hút đầu tư, mà còn xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ những giá trị phát triển bền vững chung thông qua kế hoạch xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Trong giai đoạn tới, DEEP C sẽ tiếp tục tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, phát triển các cơ hội cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp, và các giải pháp tái chế như xây dựng đường từ nhựa tái chế… nhằm đem lại lợi ích về môi trường, kinh tế, xã hội cho cả DEEP C và cộng đồng”, ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Marketing của DEEP C chia sẻ.
Thông tin với PV VTC News, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, tính đến hết năm 2021, Hải Phòng có 1.626,6 ha bãi bồi ven biển để lấn biển, bao gồm khu vực quận Hải An và huyện đảo Cát Hải. Trong đó đã lấn biển được 1.383,7 ha, còn lại 938 ha sẽ tiếp tục lấn biển trong những năm tới.
Tính đến hết năm 2021, các khu công nghiệp Nam Đình Vũ 1, Khu công nghiệp Deep C 2A, 2B, Nhà máy tổ hợp Vinfast, Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Khu Công nghiệp Xuân Cầu đã thu hút được 49 Dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đầu tư lên đến 25.414,9 triệu USD.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), chính sách lấp biển, xây dựng các khu công nghiệp nêu trên của TP. Hải Phòng là chính sách tốt, đem lại hiêu quả. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, chính sách này tạo ra bộ mặt mới cho vùng bãi bồi của thành phố Cảng.
"Rõ ràng, đây cũng là một trong những điều kiện để TP. Hải Phòng trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong năm 2021", PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Cụ thể, năm 2021, TP. Hải Phòng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,13 tỷ USD, tăng 91,44% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. (VTC.vn 30/01, Minh Khang – Nguyễn Huệ)
Chuyển đổi số được các doanh nghiệp tại Hải Phòng nhắc đến và coi đó như giải pháp để thích nghi với tình hình sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. (Diendandoanhnghiep.vn 06/02, Hải Ngân – Lê Linh)
Như nhiều doanh nghiệp trên cả nước, năm 2021, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Song, bằng sự đoàn kết thống nhất và nỗ lực cao của cán bộ, công nhân viên (CBCNV), sự hỗ trợ có hiệu quả của cổ đông, đặc biệt là Tổng công ty Phát điện 2, công ty đã vượt khó hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu điện trên hệ thống giảm mạnh, nhất là trong giai đoạn cách ly xã hội tại tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Trước khó khăn, công ty xác định chiến lược chào giá và phương thức vận hành hợp lý. Nhờ đó, sản lượng điện phát của công ty đạt tới 7,32 tỷ kWh, tương đương 102,2% so với kế hoạch, công suất trung bình năm khoảng 260,6 MW.
Nhờ sản lượng điện tăng so với kế hoạch, doanh thu toàn công ty cũng tăng so với kế hoạch là 129 tỷ đồng (tương đương 1,4%); chi phí giảm so với kế hoạch 131 tỷ đồng (tương đương 1,5%). Do doanh thu tăng và chi phí giảm nên lợi nhuận của công ty vượt kế hoạch 260 tỷ đồng. Kết quả này có được là do sự cố gắng của tập thể CBCNV, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo công ty. Công ty cũng chủ động tích cực theo dõi diễn biến của thị trường và có chiến lược chào giá từng thời điểm trên thị trường hợp lý, từ đó mang lại lợi nhuận cao.
Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) điện, công ty còn thực hiện tốt kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng thiết bị theo kế hoạch tháng, năm. Năm qua, công ty không để xảy ra các sự cố liên quan đến các thiết bị chính của nhà máy. Các thiết bị chính vận hành ổn định, đáp ứng công suất huy động của hệ thống.
Nhận thức được tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi số với SXKD, ngay sau khi thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số và Ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động SXKD, Ban lãnh đạo công ty đã thực hiện tuyên truyền về công cuộc chuyển đổi số thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Thi trực tuyến trên phần mềm Elearning, website, hội thảo... nhằm nâng cao nhận thức và triển khai các giải pháp liên quan đến công nghệ số, dữ liệu số; góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của CBCNV, nâng cao hiệu quả SXKD.
Bên cạnh đó, công ty đã được Tổng công ty Phát điện 2 tin tưởng giao nhiệm vụ là một trong những đơn vị đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Với những nhiệm vụ được giao, công ty tập trung thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực như: Sản xuất, đầu tư xây dựng, quản trị nội bộ và ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cụ thể, đối với lĩnh vực sản xuất, công ty bám sát danh mục công việc được giao, trong đó trọng tâm là các phần việc liên quan đến hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật (PMIS); sửa chữa bảo dưỡng tin cậy RCM (Reliability Centered Maintenance), số hóa hệ thống đo chất lượng than online…
Riêng với lĩnh vực đầu tư xây dựng, công ty triển khai đẩy mạnh đấu thầu theo hình thức đấu thầu qua mạng đáp ứng yêu cầu theo Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ứng dụng công nghệ mới trong công tác khảo sát thiết kế, lưu trữ các hồ sơ dự án công trình dưới dạng điện tử, hoàn thiện công tác đánh giá chất lượng nhà thầu…
Ở lĩnh vực quản trị nội bộ, công ty tiếp tục ứng dụng triển khai thống nhất văn phòng số Digital Office đây là hệ thống quản lý tập trung có thể tra cứu, tìm kiếm văn bản liên quan đến công việc, thực hiện ký số và phát hành/lưu trữ văn bản điện tử… Công ty còn triển khai một số đề tài ứng dụng vào công tác vận hành và bảo dưỡng tối ưu. Từ đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả của chuyển đổi số vào hoạt động SXKD của doanh nghiệp. (Congthuong.vn 03/02, Kim Tuyến - Thu Hường)
Năm 2022, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng đề ra mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất thông qua các chương trình tối ưu hoá sản xuất, mở rộng quy mô thị trường trong nước và xuất khẩu, ổn định việc làm, thu nhập của người lao động...
Theo đó, Vicem Hải Phòng đặt chỉ tiêu cụ thể là sản lượng sản xuất clinker đạt hơn 1,35 triệu tấn và tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 3,2 triệu tấn; nộp ngân sách Nhà nước 80,583 tỷ đồng.
Để đặt các mục tiêu đề ra, năm 2022, Vicem Hải Phòng xác định nhóm giải pháp chủ yếu để phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm thu nhập người lao động. Theo đó, Vicem Hạ Long sẽ nâng cao năng suất hệ thống nghiền xi măng; tăng cường sử dụng các phụ phẩm công nghiệp nặng (tro, xỉ, thạch cao nhân tạo,..) theo định hướng Vicem xanh đưa tổng lượng nguyên nhiên vật liệu thay thế là các phụ phẩm của các ngành công nghiệp phi tái tạo khoảng 12%.
Cùng đó, Vicem Hải Phòng tập trung hoàn thành, đưa vào khai thác mỏ đá vôi Ngà Voi; triển khai tiếp các công việc liên quan đến cổ phần hóa theo chỉ đạo của Tổng công ty Vicem và tiến độ yêu cầu; tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19; bảo đảm việc làm, thu nhập người lao động cao hơn năm 2021...
Thời gian qua, ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nên nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm khoảng 5%. Tuy nhiên, năm 2021, Vicem Hải Phòng vẫn đạt mức tăng trưởng cao với tổng sản phẩm tiêu thụ ước đạt 2,952 triệu tấn, tăng 6% so với kế hoạch đề ra; trong đó, xi măng tiêu thụ nội địa đạt 2,567 triệu tấn.
Vicem Hải Phòng đã trở thành đơn vị có mức tăng trưởng xi măng nội địa cao nhất trong số các thành viên của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) với sản lượng clinker sản xuất cao nhất từ trước đến nay là 1,29 triệu tấn. (TTXVN/Bnews.vn 02/02, Thu Hằng)
Gần 3.000ha lúa đã được nông dân tại các huyện ngoại thành Hải Phòng gieo cấy trong ngày khai xuân Tết Nhâm Dần.
Sáng 5/5 (mồng 5 Tết), bà Vũ Thị Lan Hương, Chi cục Phó Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng thông tin cho biết, trong ngày khai xuân đầu năm Nhâm Dần 2022, toàn TP. Hải Phòng đã gieo cấy xong diện tích xuân sớm khoảng 2.502ha, bằng 88,57 % kế hoạch diện tích gieo cấy đặt ra.
Trong đó, mạ xuân sớm 46,3ha, bằng1,64 % kế hoạch diện tích gieo cấy và mạ xuân muộn là 2.455,7 ha, bằng 86,93 % kế hoạch mà ngành nông nghiệp TP. Hải Phòng đặt ra.
“Năm nay thời tiết thuận lợi, việc lấy nước được thực hiện tốt nên ngay từ ngày mùng 4 Tết, nông dân ngoại thành tranh thủ thời tiết nắng ấm xuống đồng gieo cấy lúa xuân. Theo báo cáo tổng hợp của các huyện, đến thời điểm này, các huyện đã chuẩn bị sẵn sàng diện tích mạ để gieo cấy lúa xuân”, bà Hương thông tin.
Cũng theo bà Hương, những diện tích mà gieo cơ bản được che phủ nilon, chưa có hiện tượng mạ bị chết do gặp rét.
Còn diện tích lúa đã cấy 2.795ha, bằng 9,8% diện tích gieo cấy, chủ yếu là trà xuân sớm cấy trước Tết và rải rác trà xuân muộn được cấy sau Tết.
Riêng vụ xuân năm nay, các huyện chỉ đạo giảm cơ cấu trà xuân sớm xuống còn 3%, chủ yếu là diện tích gieo cấy trên chân ruộng sâu, trũng, có thời gian gieo cấy từ 180-185 ngày.
Diện tích trà xuân muộn tại các huyện cơ cấu 97% diện tích gieo cấy, sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng 125-145 ngày, sử dụng các giống lúa cho năng suất, chất lượng gạo ngon, thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh tốt.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng, vụ xuân này, toàn thành phố gieo cấy 28.250 ha lúa, các địa phương quy vùng sản xuất lúa cho chất lượng gạo ngon chiếm 40-50% tổng diện tích gieo cấy.
Hiện tại, nhiều địa phương tích cực sử dụng mạ khay, cấy máy nên tiến độ gieo cấy được đẩy nhanh hơn, trong đó, một số diện tích sâu trũng, ruộng có diện tích nhỏ, lẻ, mong mún, nông dân tranh thủ cấy đổi công cho nhau hoặc huy động người thân trong gia đình được nghỉ Tết để cấy lúa xuân.
“Tất cả mọi thứ đến thời điểm này là rất thuận lợi, vụ xuân năm nay, chúng tôi sẽ cấy hơn 100ha, trong ngày khai xuân chúng tôi đã cấy được 4 mẫu, dự kiến sẽ cấy hết phần diện tích còn lại trong tháng giêng”, bà Nguyễn Thị Dung, thôn Xuân Chiếng, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy chia sẻ. (Nongnghiep.vn 05/02, Đinh Mười)
Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Hải Phòng tổ chức triển khai lấy mẫu khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hoá
Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Hải Phòng tổ chức triển khai lấy mẫu khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường TP. Hải Phòng năm 2021 đối với 3 nhóm hàng: nhóm đồ gia dụng được chế tạo từ nhựa như hộp nhựa, túi nhựa đựng thực phẩm, đồ chơi trẻ em được chế tạo từ nhựa; nhóm hàng hóa được chế tạo từ thép không gỉ; nhóm hàng hóa xăng, dầu nhờn động cơ đốt trong.
Theo đó, 30 mẫu hàng hóa được mua thuộc 03 nhóm hàng nêu trên được Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng gửi đi kiểm nghiệm tại 02 tổ chức thử nghiệm đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng là Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hải Phòng và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1.
Kết quả cho thấy, có 28/30 mẫu đạt yêu cầu quản lý về chất lượng theo quy định tại các chỉ tiêu khảo sát; 02/30 mẫu hàng hóa là ấm (bình) siêu tốc (thuộc nhóm hàng hóa được chế tạo từ thép không gỉ) chưa đạt về quy định ghi nhãn và hướng dẫn sử dụng.
Đây là hoạt động nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch số 48/KH-SKHCN ngày 14/12/2021 của Sở Khoa học và Công nghệ về việc khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường năm 2021 trên địa bàn TP. Hải Phòng nhằm góp phần bảo về quyền lợi người tiêu dùng, nhất là trong dịp cao điểm trước Tết Nguyên đán năm 2022. (Thuonghieucongluan.com.vn 06/02, Quỳnh Nga)
Trong thời gian qua, TP. Hải Phòng đã triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội (NƠXH). Qua đó, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân, đảm bảo an sinh xã hội, mang lại những tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngày 27/10/2020, UBND TP. Hải Phòng ban hành Quyết định số 3286/QĐ-UBND về Phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở TP. Hải Phòng đến năm 2020 và gia đoạn 2021 - 2025. Theo đó, TP. Hải Phòng hiện có 19 dự án nhà ở đang triển khai bao gồm: 13 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp có quy mô 129,8 ha; 6 dự án nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp có quy mô khoảng 38,9 ha; 3 dự án nhà ở cho sinh viên hoàn thành (ký túc xá sinh viên Trường Đại học Hàng Hải quy mô 0,8 ha; ký túc xá sinh viên Trường Đại học Hải Phòng quy mô 3,8 ha; khu nhà ở sinh viên tập trung tại phường Kênh Dương, quận Lê Chân quy mô khoảng 2,4 ha)...
Một trong những dự án NƠXH nổi bật nhất Hải Phòng là Dự án Pruksa Town của Chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) và Tập đoàn Pruksa International, Thai Land thực hiện. Dự án là khu đô thị nhà ở chất lượng cao tại xã An Đồng, huyện An Dương, cách trung tâm TP. Hải Phòng khoảng 3 km, khởi công tháng 3/2015. Dự án cung cấp các dịch vụ và tiện ích cho người dân. Giải quyết nhu cầu về nhà ở cho những người có mức thu nhập thấp, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Tại dự án Pruksa Town có đầy đủ các dịch vụ như: Trường mầm non, trường học, siêu thị, khu vui chơi giải trí cùng các công trình tiện ích khác, phù hợp cho nhiều gia đình. Giai đoạn 1 của dự án đã bàn giao cho cư dân vào sinh sống. Giai đoạn 2 của dự án là New Pruksa Town cơ bản các nhà chung cư đã hoàn thiện thi công xây dựng. Các hạng mục còn lại đang được hoàn tất và tiến hành vệ sinh công nghiệp chuẩn bị cho các cơ quan kiểm tra, nghiệm thu trước khi bàn giao cho cư dân vào sinh sống.
Bên cạnh đó, Hải Phòng còn phải kể đến một số dự án NƠXH khác đang hoặc sắp được triển khai như: Khu nhà ở xã hội Him Lam do Công ty CP Him Lam Hải Phòng đầu tư tại phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng; Dự án Khu NƠXH Quang Vinh tại số 39 đường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền…
Đặc biệt, Tập đoàn APEC vừa có văn bản gửi Thành uỷ TP. Hải Phòng, UBND TP. Hải Phòng đề xuất thực hiện dự án “nhà ở xã hội 5 sao” cung cấp khoảng 13.000 - 15.000 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho 40.000 - 60.000 người, với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng.
Các dự án phát triển NƠXH này đã giúp Hải Phòng tạo thêm quỹ nhà ở đô thị, cơ sở hạ tầng đô thị mới khang trang, hiện đại, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, giải quyết một phần nhu cầu nhà ở, nâng cấp điều kiện sinh sống của một bộ phận dân cư.
Được biết, về định hướng phát triển NƠXH, TP. Hải Phòng sẽ nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ các chủ đầu tư dự án NƠXH. Bố trí quỹ đất để kêu gọi đầu tư các dự án NƠXH đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội gần các khu công nghiệp, khu vực các quận vùng ven có nhu cầu lớn về NƠXH cho người có thu nhập thấp.
Ngày 17/11/2021, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng tiếp xúc cử tri tại quận Hải An. Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với kiến nghị của cử tri về tăng cường các thiết chế cho công nhân và người lao động. Trong gói hỗ trợ, kích thích kinh tế tới đây, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cũng đã tính đến chính sách hỗ trợ chương trình cải tạo chung cư cũ và xây dựng NƠXH, các thiết chế cho người lao động, có thể có chương trình hỗ trợ lãi suất, ngân hàng cho vay tái cấp vốn để phát triển NƠXH cũng như nhà cho người thu nhập thấp.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, một trong những bài học phải “nằm lòng” là gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa. Bởi nếu công nghiệp hóa đi nhanh hơn đô thị hóa thì sẽ có tình trạng không có thiết chế văn hóa, không có thiết chế NƠXH cho người lao động. Nhưng nếu đô thị hóa nhanh hơn công nghiệp hóa thì sẽ xuất hiện tình trạng biệt thự, nhà ở, khu chung cư bỏ không… Hải Phòng còn là trung tâm lao động, công nghiệp của khu vực. Chủ tịch Quốc hội gợi ý, Hải Phòng có thể có đề án riêng về NƠXH, nhà ở cho công nhân để đề xuất với Trung ương, Chính phủ trong gói hỗ trợ tới đây.
Trong chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2020 - 2030, dự kiến TP. Hải Phòng sẽ quy hoạch khoảng 20% diện tích đất trong các khu công nghiệp xây dựng NƠXH phục vụ công nhân. Thời gian tới, sự gia tăng về tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp sẽ gia tăng số lượng công nhân làm việc, nhu cầu về nhà ở của công nhân tăng cao. Giai đoạn năm 2020, có 26.400 công nhân có nhu cầu về nhà ở. Giai đoạn 2021 - 2025, có 40.000 công nhân có nhu cầu về nhà ở. Giai đoạn 2026 - 2030, có 40.000 công nhân có nhu cầu về nhà ở. Việc phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp, góp phần ổn định nguồn lao động, quá trình sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Việc khuyến khích sự phát triển các khu nhà ở giá thấp tại các khu công nghiệp đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân và sự phát triển công nghiệp của TP. Hải Phòng. Ngoài ra, việc hỗ trợ khuyến khích các hộ cá nhân xây dựng, nâng cấp, cải tạo nhà trọ tư nhân cũng rất cần thiết. Nhà nước cần tạo điều kiện giúp người dân nâng cấp điều kiện hạ tầng khu trọ, có chính sách khuyến khích cải tạo điều kiện phòng trọ, đảm bảo diện tích và chất lượng chỗ ở; chính sách ưu đãi về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, các địa phương quản lý an ninh xã hội, môi trường; vệ sinh khu trọ, điều kiện phòng cháy chữa cháy; có cơ chế đảm bảo bán trực tiếp điện nước sinh hoạt cho công nhân giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho công nhân các khu công nghiệp. (Baoxaydung.com.vn 01/02, Đăng Hùng)
Dự kiến, chung cư Vạn Mỹ Hải Phòng sẽ được khởi công cuối năm 2022 và đưa vào sử dụng trong năm 2025.
Khu chung cư Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) bao gồm 10 dãy nhà tập thể từ A1 đến A9 và A 17, với khoảng hơn 1.300 hộ dân đang sinh sống do Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng quản lý. Các dãy nhà tập thể này được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo vệ sinh và an toàn cho người dân.
Ngày 1/8/2021, HĐND TP. Hải Phòng có Nghị quyết 27/NQ- HĐND về chủ trương đầu tư dự án khu chung cư Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền). Theo đó, Hải Phòng sẽ đầu tư xây dựng 2 toà VM1, VM2 cao 36 tầng, tổng số 1.848 căn hộ với tổng mức đầu tư là 2.718 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Dự kiến, chung cư Vạn Mỹ sẽ được khởi công cuối năm 2022 và đưa vào sử dụng trong năm 2025. Như vậy, nếu tính cả chung cư Vạn Mỹ thì thành phố xây dựng được 4.500 căn hộ mới, đáp ứng được 56% số hộ dân đang sinh sống tại chung cư cũ, xuống cấp.
Tại Kỳ họp thứ 4 khoá XVI HĐND TP. Hải Phòng, ông Nguyễn Hoàng Long - Giám đốc Sở KHĐT cho biết, căn cứ khả năng cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025 sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư xât dựng khu chung cư Vạn Mỹ.
Khi đề xuất chủ trương xây dựng chung cư Vạn Mỹ, TP. Hải Phòng dự kiến sẽ xây dựng 3 toà nhà cao 36 tầng nhưng khi xem xét về giao thông, cảnh quan và mong muốn người dân có môi trường sống tốt hơn, có nhiều diện tích cho các tiện ích công cộng, như: công viên vui chơi giải trí, thể dục thể thao, bãi đỗ xe, Bí thư Thành uỷ gợi ý nghiên cứu nên xây dựng 2 toà nhà.
Điều này khẳng định rằng, lãnh đạo thành phố rất quan tâm tới môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân tại các khu chung cư. Đồng thời, thành phố đang tình toán xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân sinh sống tại các khu chung cư mới xây dựng, trình HĐND thành phố quyết định. Dự kiến mức hỗ trợ lên tới 70% giá thuê nhà. Đây là chủ trương, chính sách rất nhân văn của thành phố - ông Long nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng Phạm Văn Lập yêu cầu Sở KHĐT và các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể, sắp xếp thứ tự ưu tiên, phấn đấu đến 2/9/2022 khởi công xây dựng chung cư Vạn Mỹ.
Đối với các chung cư cũ còn lại trong Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của TP. Hải Phòng sẽ được tổ chức thực hiện hoàn thành toàn bộ vào năm 2025.
Mới đây, UBND TP. Hải Phòng đã có dự thảo quy định việc bồi thường, hỗ trợ, di dời, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho người tái định cư khi Hải Phòng thực hiện cải tại, xây dựng lại chung cư cũ.
Theo đó, người sử dụng nhà tạm cư có thể được mua lại quyền sở hữu nhà thuộc quỹ nhà tạm cư, tái định cư của Hải Phòng. Đây là điểm mới trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Hải Phòng.
Theo đề xuất mới từ UBND TP. Hải Phòng, các chủ sử dụng, sở hữu nhà chung cư cũ khi di dời để thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được bồi thường, hỗ trợ di dời, bố trí chỗ ở tạm thời, tái định cư khi nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng.
Việc bố trí chỗ ở tạm thời cho chủ sử dụng, sở hữu nhà chung cư cũ được thực hiện dưới hai hình thức, được bố trí chỗ ở tạm thời tại quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước hoặc nhận hỗ trợ bằng tiền để tạm cư trong thời gian xây dựng, cải tạo nhà chung cư cũ.
Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân sở hữu, sử dụng nhà chung cư cũ nếu có hoạt động kinh doanh tại căn hộ cũ khi bố trí lại về nhà chung cư mới có thể được xem xét mua hoặc thuê phần diện tích sàn kinh doanh dịch vụ, thương mại tại toà nhà mới cải tạo, xây dựng lại; được hỗ trợ bằng tiền trong thời gian tạm nghỉ kinh doanh.
Trường hợp nhà chung cư cũ thuộc diện phải phá dỡ nhưng theo quy hoạch được duyệt không thực hiện xây dựng lại nhà chung cư mới, diện tích này dùng xây dựng công trình khác, chủ sở sở hữu căn hộ chung cư cũ được lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền hoặc tái định cư tại địa điểm khác; trường hợp tái định cư tại địa điểm khác thì chủ sở hữu căn hộ chung cư cũ có thể được bố trí tại dự án nhà ở tái định cư hoặc dự án nhà ở thương mại trên cùng địa bàn cấp xã, phường.
Nếu trên địa bàn cấp xã không có nhà ở thì bố trí trên địa bàn cấp huyện; trường hợp trên địa bàn cấp huyện không có nhà ở này thì được bố trí tại các dự án khác trên địa bàn các quận, huyện lân cận.
Trong trường hợp người đang thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước tại chung cư cũ, được bố trí chỗ ở tạm thời mà sau khi xây dựng chung cư mới không có nguyện vọng quay lại tái thuê, có thể được xem xét ký hợp đồng thuê nhà ở chính thức với đơn vị quản lý vận hành tại căn hộ đã bố trí ở tạm thời.
Trường hợp nhà chung cư để bố trí ở tạm thời thuộc diện nhà ở được bán và chủ sở hữu đang ở nhà tạm thời có nhu cầu mua thì thực hiện bán nhà ở này cho các chủ sở hữu thay cho việc tái định cư. Giá bán nhà ở và việc thanh toán tiền chênh lệch (nếu có) được xác định như đối với trường hợp được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nêu trong phương án bồi thường.
Trên địa bàn TP. Hải Phòng hiện có 205 chung cư cũ (8.074 căn hộ), với tổng diện tích khoảng 286.000m2 sàn, phân tán tại 6 quận. Trong số đó có 27 chung cư (1.040 căn hộ) cần cải tạo, sửa chữa, nâng cấp; 178 chung cư xuống cấp nghiêm trọng phải phá dỡ (di chuyển 7.034 hộ dân) để xây lại 18 tòa nhà chung cư mới (tổng số 7.482 căn hộ).
Trong số đó có 150 chung cư cũ đã xuống cấp, nguy hiểm (trong đó có 64 chung cư cấp độ D, 79 chung cư cấp độ C và 7 chung cư cấp độ B). Trước thực trạng trên, TP. Hải Phòng giao Sở Xây dựng triển khai xây mới 8 khu nhà chung cư với quy mô 36 tầng (trước đây dự kiến cao 23 tầng). (Diendandoanhnghiep.vn 03/02, Lan Vũ)
Cách trung tâm TP. Hải Phòng khoảng 20 km về hướng đông nam, Đồ Sơn được biết đến là một trung tâm du lịch, nghỉ mát, danh thắng thiên nhiên kỳ vĩ và vùng văn hoá cổ truyền đặc sắc của Hải Phòng.
Trong suốt 2 năm qua, dịch COVID-19 bùng phát khiến hoạt động du lịch của Đồ Sơn gặp không ít khó khăn. Nhưng có lẽ, đó cũng là thời điểm để Đồ Sơn “nghỉ dưỡng” và nhìn nhận lại công tác quản lý nhà nước về du lịch của mình. Đồ Sơn bừng tỉnh với công tác tuyền truyền du lịch mang một màu sắc hoàn toàn mới. Để tránh tình trạng kinh doanh chụp giật, chèo kéo khách, Đồ Sơn đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu du lịch, giải phóng vỉa hè phục vụ du khách, đảm bảo mỹ quan đô thị. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát, bổ sung, thay thế, chỉnh trang vườn hoa, cây cảnh, điện chiếu sáng trong khu du lịch.
Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện bố trí không gian du lịch, thu hút du khách về với Đồ Sơn, UBND quận Đồ Sơn đang chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức thí điểm tuyến phố đi bộ vào các ngày cuối tuần, ngày lễ tại khu II, khu du lịch Đồ Sơn, đoạn đường ngã ba con Hươu đến nhà nghỉ Ngô Quyền, thuộc tuyến đường Vạn Hương, khu II. Bên cạnh đó, quận Đồ Sơn đã bố trí các điểm kinh doanh tại khu du lịch quốc tế Hòn Dáu để phục vụ nhu cầu của du khách đến với Đồ Sơn.
Ông Phạm Hoàng Tuấn – Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, trước tác động của dịch COVID-19, để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi đến với Đồ Sơn, địa phương đã hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đặc biệt là các cơ sở lưu trú du lịch đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 trong tình hình mới và cập nhật lên hệ thống an toàn COVID-19; hướng dẫn khai báo y tế điện tử; tạo mã QR của các cơ sở lưu trú du lịch tại khu vực dễ quan sát để khách du lịch có thể kiểm tra mức độ an toàn trước khi sử dụng dịch vụ tại cơ sở. Trong năm 2021, 84 cơ sở lưu trú du lịch đăng ký điểm kiểm dịch, tạo mã QR Code phòng chống COVID-19. Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức hướng dẫn, kiểm tra cơ sở vật chất tối thiểu của các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch…
Nhằm phát triển kinh tế, mở rộng không gian đô thị du lịch, quận Đồ Sơn đang tích cực triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường bộ ven biển (km1+100) đến ngã ba Vạn Bún (đường Lý Thái Tổ), với chiều dài 6,2km. Dự án khi được hoàn thành, đó sẽ là trục hành lang kinh tế - kỹ thuật đô thị theo hướng Tây Bắc – Đông Nam; gắn khu du lịch Đồ Sơn với trung tâm TP. Hải Phòng và các tuyến giao thông lớn như: đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; các đường tỉnh: 361, 353, 355...; cùng các khu đô thị trung tâm, khu đô thị mới của quận Dương Kinh...
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Thiềng - Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty CP quốc tế Hòn Dáu cho biết, vào tháng 4/2021, một số hộ kinh doanh ở vỉa hè khu II đã chuyển vào trong resort. Để hình thành khu chợ đêm tại đây, phía quận Đồ Sơn đã đề xuất khu du lịch Hòn Dáu miễn phí trong 3 năm đối với các hộ kinh doanh này. Về phía công ty CP quốc tế Hòn Dáu, chúng tôi đã thống nhất các gian hàng khi vào trong khu du lịch Hòn Dáu hoạt động kinh doanh sẽ có diện tích từ 40-60m2 và không thu tiền trong 3 năm đối với các hộ kinh doanh này. Hy vọng cùng với tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực đêm trong khu du lịch Hòn Dáu và các địa điểm du lịch tâm linh sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp cho khách du lịch khi đến với Đồ Sơn.
Những năm gần đây, cùng với Cát Bà, Đồ Sơn trở thành mũi nhọn của ngành “công nghiệp không khói” Hải Phòng. Nhiều dự án lớn được đầu tư đã đánh thức tiềm năng trù phú của miền đất này. Những con đường mới mở đưa du khách xuyên rừng, bám núi, lúc thấy biển dập dìu bên cạnh, khi biển lại ào ạt hiện ra phía trước, tạo thêm nhiều khoái cảm khiến du lịch Đồ Sơn càng thêm uyển chuyển.
Cùng với đó là những khu sinh thái, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mọc lên ngày càng nhiều với hy vọng mang đến một làn gió mới cho du lịch Đồ Sơn, trong đó không thể không nhắc đến dự án khu du lịch quốc tế Đồi Rồng. Dự án này có quy mô 480 ha với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 25.000 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Sân golf, trung tâm hội nghị, hội thảo; nhà ở nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ du lịch; khách sạn 5 sao; resort; khu phố thương mại; biển nhân tạo; bể bơi nước ngọt, bể bơi nước mặn; công viên nước; khu vui chơi giải trí...
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư và du lịch Vạn Hương cho biết, khu du lịch quốc tế Đồi Rồng được biết đến là một quần thể khu nghỉ dưỡng biển có hạ tầng đồng bộ, với các tiện ích đẳng cấp, tiêu chuẩn quốc tế. Hiện chủ đầu tư đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục để đưa vào phục vụ cho không chỉ người dân Hải Phòng nói riêng mà còn người dân cả nước cũng như du khách trong khu vực Châu Á.
“Hy vọng với một bãi biển nhân tạo, có nước biển siêu trong, sạch sẽ cùng các phân khu: công viên chủ đề, khu phố văn hóa và thương mại; khu khám phá, trải nghiệm; khu thiên nhiên rừng ngập mặn; khu nghỉ dưỡng, tổ hợp khách sạn 5 sao quốc tế và sân gofl sẽ làm thay đổi tư duy cũ của các du khách đã nghĩ về Đồ Sơn trước đây với một diện mạo hoàn toàn mới”, bà Trang nhấn mạnh.
Sự xuất hiện của các dự án lớn ở vùng đất nơi cửa biển như củng cố thêm niềm kiêu hãnh trong tương lai không xa, để du lịch Đồ Sơn kết nối mạnh mẽ hơn với các khu du lịch biển khác như Cát Bà, Hạ Long, tạo ra một quần thể đáng đến nhất, mà tiếng tăm không riêng chỉ ở Việt Nam.
Về phần mình, quận Đồ Sơn đã quyết liệt vào cuộc, chủ động cùng các doanh nghiệp chung tay khai thác tiềm năng du lịch, tạo thương hiệu để du lịch Đồ Sơn luôn ấn tượng, đẹp trong lòng du khách. (Diendandoanhnghiep.vn 30/01, Hải Ngân – Lê Linh)
Tuyến đường ven biển và xuyên đảo nối bến phà Cái Viềng với trung tâm thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải là cung đường tuyệt đẹp mà du khách có thể thoải mái khám phá trong dịp Tết này.
Đảo Cát Bà là địa điểm du lịch nổi tiếng ở TP. Hải Phòng. Nếu như trước kia đường ra Cát Bà khá khó khăn, khách đi đường bộ phải qua hai lần phà, mất rất nhiều thời gian thì đến nay, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện đã rút ngắn khoảng cách đến Cát Bà.
Ngoài biển xanh, cát trắng và vịnh Lan Hạ đẹp như tranh thì cung đường xuyên đảo Cát Bà cũng là nơi tuyệt vời. Tuyến đường xuyên đảo Cát Bà là tuyến đường tuyệt đẹp từ phà Cái Viềng về trung tâm thị trấn Cát Bà. Cung đường uốn lượn giữa núi đá và biển trời mênh mông, sau mỗi khúc cua lại mở ra một không gian xanh rộng lớn. Hai bên đường đang được trồng hoa và những lầu ngắm cảnh, tạo cảnh quan tuyệt đẹp khiến du khách say mê trên đường đến những danh lam thắng cảnh của đảo ngọc Cát Bà. (Diendandoanhnghiep.vn 06/02, Hải Ngân – Hồng Phong)
Tràng Kênh - Bạch Đằng - địa danh lịch sử đã đi vào tiềm thức của người dân TP. Hải Phòng như một ký ức không thể nào quên về chiến công vĩ đại chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Vùng đất Tràng Kênh – Bạch Đằng, thuộc địa bàn thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) với dãy núi U Bò, Hoàng Tôn, Phượng Hoàng… như một Hạ Long trên cạn với nhiều núi non hùng vĩ. Trên vùng đất ấy, khu di tích đền Tràng Kênh chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, đang trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, nhất là trong những ngày đầu Xuân. (Diendandoanhnghiep.vn 03/02, Hải Ngân – Nguyễn Hồng Phong)
Chánh Văn phòng, người phát ngôn UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Ngọc Tú cho biết, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 vừa qua, tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố giữ vững sự ổn định, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu theo quy định.
Theo đó, toàn TP đã triển khai bảo đảm tuyệt đối an toàn các kế hoạch, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân trong không khí vui tươi, phấn khởi. Lực lượng Công an thành phố thường xuyên tuần tra, kiểm soát các tuyến đường, địa bàn trọng điểm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không xảy ra ùn tắc giao thông.
Trên địa bàn TP không xảy ra vụ việc tai nạn giao thông, không có vụ cháy nổ, tuy nhiên, trên địa bàn TP có 14 trường hợp sử dụng pháo trái phép, vận động nhân dân giao nộp gần 20 kg pháo và 10 quả pháo nổ cùng 04m pháo băng…
Công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP được các lực lượng ứng trực đảm bảo để kiểm soát được dịch Covid -19 hiệu quả. Tổng đài 1022 liên tục thông suốt, tiếp nhận các phản ánh của cá nhân, tổ chức về công tác phòng chống dịch được duy trì ổn định. Các Bệnh viện, phòng khám trên địa bàn TP thực hiện đầy đủ, đúng các quy chế, đảm bảo an toàn khám, chữa bệnh cho người dân trong trong những ngày nghỉ Tết.
Bên cạnh đó, thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần không có nhiều biến động, giá cả hàng hóa sát Tết được đảm bảo, ổn định các mặt hàng thiết yếu cho người dân yên tâm sắm Tết… người dân TP Cảng đã đón chào mùa Xuân mới đầm ấm, vui tươi an toàn trong dịp năm mới Nhâm dần 2022. (Baophapluat.vn 05/02, Đông Bắc; Nhandan.vn 04/02)
Mỗi độ Tết đến, Xuân về, người dân vùng cửa biển Hải Phòng thường đi lễ chùa đầu năm. Đây là một phong tục, một nét văn hóa đẹp được lưu giữ từ nhiều đời nay.
Đến những điểm tâm linh lễ bái, mỗi người tìm thấy giây phút thư thái, an nhiên sau một năm đầy bộn bề, toan lo của cuộc sống, của dịch bệnh... Đặc biệt trong trạng thái bình thường mới, mọi người đều mong cầu bình an cho bản thân, gia đình và người thân.
Hướng về phía biển để cảm nhận sự mặn mòi, may đủ. Với suy nghĩ này, nhiều người dân chọn các chùa gần biển để đi lễ. Ngoài ra, đây nhiều người đến chùa để vãn cảnh, để "check-in" trong những ngày đầu xuân Nhâm Dần.
Tháp Tường Long tọa lạc tại phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng được xem là một trong những điểm đến có từ lâu đời nhất. Công trình kiến trúc Phật giáo này được xây dựng từ đời vua Lý Thánh Tông. Trải qua nhiều năm tồn tại, tòa tháp và các công trình phụ vẫn giữ được đậm nét dấu ấn của lịch sử. Bốn góc tháp đều nghiêng vào tâm 190 độ.
Theo sách "Đại Việt sử lược", năm Mậu Tuất 1058, vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân ghé lại nơi đây xây tháp. Sau đó, Ngài nằm mộng thấy rồng vàng nên đã ban cho ngọn tháp cái tên Tường Long, nghĩa là "Thấy rồng vàng hiện lên" để ghi nhớ điềm lành. Lại có người cho rằng, cửa biển Đồ Sơn là một trong những cái nôi tiếp nhận linh khí trời đất nên tháp thờ Phật được dựng ở đây. Trước kia, nơi đây có thể còn là một đài quan sát nằm trong hệ thống "truyền đăng". Mỗi khi có biến, các trạm quan sát ven biển liền đốt cỏ khô cho khói bay lên trời, truyền tín hiệu báo động về kinh thành...
Chị Nguyễn Thị Hồng (phố Văn Cao, TP. Hải Phòng) chia sẻ, hiếm có ngọn tháp nào có được vị thế như tháp Tường Long. Tháp bao quanh bởi cây rừng xanh mát, dưới chân tháp là gần biển. Mọi người đến tháp Tường Long để ngắm phong cảnh hữu tình và để tận hưởng một không gian thanh tịnh, gần gũi, hòa mình giữa thiên nhiên.
Cách tháp Tường Long không xa là đền Bà Đế, nằm ở chân núi Độc, thuộc phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng. Tương truyền vào năm 1718, ở phía Đông Nam vùng Ngọc Ðồ Sơn, có đôi vợ chồng họ Ðào đã hai mươi năm không có con. Hai vợ chồng tu thân, tích đức, cầu xin trời Phật cho một mụn con. Trời Phật động lòng, đã báo mộng và cho người vợ được mang thai. Tròn ngày, tròn tháng, đứa bé ra đời và được đặt tên là Ðào Thị Hương.
Từ khi sinh ra, người đứa trẻ đã toả hương thơm ngát, phát ánh hào quang và đi đến đâu cũng có làn mây che đến đó. Càng lớn lên, Ðào Thị Hương càng xinh đẹp, lộng lẫy. Bà rất khéo tay, siêng năng mọi việc và đã trở thành vợ chúa Trịnh Giang (bà Đế). Nhưng sau này, bà Đế phải chịu nỗi oan khuất, bất hạnh. Sau khi mất, đền thờ Bà Đế được xây dựng ở phần núi ngay sát biển Đồ Sơn. Ðền thờ Bà Đế - vợ chúa Trịnh Giang đã được vua Tự Ðức về thăm và ban sắc phong "Ðông Nhạc Ðế Bà - Trịnh chúa phu nhân".
Khách đến đền thờ Bà Đế ngày càng đông. Mọi người đến đây không chỉ để tận hưởng hương vị mặn nồng của biển, để xin tài, xin lộc đầu xuân mà còn để chia sẻ và đồng cảm với thân phận một người con gái xinh đẹp, thuỷ chung mà phải chịu những niềm đau...
Tiếp tục hành trình, mọi người hành hương về khu Di tích Bạch Đằng Giang, Tràng Kênh, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Đây là địa danh nổi tiếng với ba trận thủy chiến chống quân xâm lược trong lịch sử nước ta. Những trận chiến đó gắn liền với tên tuổi các bậc hào kiệt như: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền. Để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc lập nên những chiến thắng vang dội trên dòng sông lịch sử, người dân đã xây dựng khu Di tích Bạch Đằng Giang, một quần thể kiến trúc quy mô bề thế, khang trang trên khu đất đắc địa của dãy núi Tràng Kênh.
Khu Di tích Bạch Đằng Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào ngày 2/1/2021. Theo tài liệu, khu Di tích Bạch Đằng Giang thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng dân tộc đã có công lớn trong các trận chiến trên sông Bạch Đằng; khẳng định tiềm năng và trí tuệ của con người Việt Nam; những giá trị nổi bật của các trận thắng trên sông Bạch Đằng đối với lịch sử Việt Nam và thế giới.
Khu di tích góp phần khơi dậy và nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc của dân tộc ta trong thời kỳ đổi mới; tuyên truyền những giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa dân tộc. Hiện nay, khu Di tích quốc gia Bạch Đằng Giang đang được từng bước nghiên cứu, bổ sung giá trị, hướng tới trình đề nghị UNESCO công nhận quần thể Di tích Chiến thắng trên sông Bạch Đằng là Di sản văn hóa thế giới.
Anh Nguyễn Văn Chuyên, 57 tuổi, ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cho biết, các thành viên trong gia đình đến với khu di tích Bạch Đằng Giang để du xuân, thưởng ngoạn vẻ đẹp non nước hữu tình, để tìm cảm giác an yên, tạm xa rời cuộc sống bận rộn thường ngày. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để học hỏi, để biết thêm nhiều về tầm vóc của ba trận thủy chiến lẫy lừng trong lịch sử Việt Nam.
Trong những ngày đầu Xuân Nhâm Dần, khu di tích Bạch Đằng Giang đã đón hàng vạn du khách trong và ngoài nước về thăm quan. Do tình hình dịch COVID-19 tại Hải Phòng vẫn diễn biến phức tạp, mọi người tham quan đều có ý thức giữ khoảng cách an toàn và thực hiện đầy đủ thông điệp 5K.
Tại Hải Phòng, còn nhiều địa danh khác nữa mà du khách có thể đến thăm, vãn cảnh, hoà cùng với không gian thanh tịnh khi mỗi độ Tết đến, xuân về. Đến những nơi tâm linh, mọi người hướng tâm hồn vào nơi cửa Phật, thẩm giáo lý nhà Phật để sống tốt đời, đẹp đạo, để thấy được giá trị của cội nguồn và trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam. (TTXVN/Baotintuc.vn/VietnamPlus.vn 05/02, Đoàn Minh Huệ; Baoxaydung.com.vn 05/02; Tinnhanhchungkhoan.vn 05/02; Kinhtenongthon.vn 06/02)
Ngày 1/2 - ngày đầu tiên của năm mới Nhâm Dần 2022, phố phường trung tâm đông vui, tấp nập. Trong tiết trời lạnh giá, nhiều người xuống phố du xuân cùng gia đình, người thân, đi lễ chùa cầu bình an, tài lộc. (Laodong.vn 01/02, Mai Dung)
Vào những ngày đầu xuân, nhiều bạn trẻ thích thú với việc chụp ảnh để lưu giữ khoảnh khắc cùng bạn bè, gia đình sau những ngày Tết Nguyên đán bên nhau.
Mười bức tranh tường có tổng chiều dài khoảng 30 mét tại ngõ 398 đường Trần Thành Ngọ (quận Kiến An, TP. Hải Phòng) được những người dân sống trong ngõ hoàn thiện từ trước Tết. Dù vậy, tới nay ngõ nhỏ này vẫn thu hút nhiều bạn trẻ tới chụp ảnh. Những bức tường bong tróc, đơn sơ bỗng được "khoác lên mình một chiếc áo mới" mang đậm chất Hải Phòng.
"Thời điểm đó, cửa hàng phải đóng cửa vì dịch. Thấy những bức tường rêu cũ, xấu xí, không hợp cảnh quan nên tôi nảy ý tưởng vẽ các bức tranh đủ màu sắc đón Tết, mong tạo niềm vui, hứng khởi cho người dân trong xóm", anh Trần Hoàn (32 tuổi, tác giả những bức bích họa) nói và cho biết ý định trang trí tường được 100% hộ dân trong xóm đồng ý. Sau đó, anh Hoàn cùng những người bạn đã dành thời gian để tô vẽ nên con ngõ sinh động như bây giờ.
Ngõ nhỏ, nhiều người qua lại, nhóm anh thường tranh thủ giờ nghỉ trưa, lúc vắng người để vẽ. Toàn bộ các bức tranh được lên ý tưởng, sau phác hoạ trên giấy trước khi thực hiện.
Ngay sau khi hoàn thành, con ngõ nhỏ vắng vẻ trở thành điểm hẹn yêu thích của khá đông các bạn trẻ đến chụp ảnh, check-in.
Con ngõ dài hơn 30m ở đường Trần Thành Ngọ (quận Kiến An, Hải Phòng) xuống cấp từ lâu nhưng với tài năng của anh Trần Hoàn - chủ cơ sở xăm hình nghệ thuật - cùng nhóm bạn đã phác hoạ lên các bức tường những bức tranh mang đậm phong cách "nghệ thuật đường phố", tạo không gian sống động, mới mẻ, tươi vui cho con ngõ, biến nơi đây thành điểm check-in của giới trẻ.
Trong số các bức tranh, nổi bật là bức tranh ngũ hổ "Bình An" chào xuân Nhâm Dần 2022. Bức tranh nền đỏ, 5 chú hổ với màu sắc và sắc thái biểu cảm khác nhau, ở giữa là chú bé cầm lì xì đỏ, rồng xanh uốn lượn.
Theo ekip thực hiện bức tranh - thông điệp của bức tranh này là cầu mong bình an, may mắn, hạnh phúc đến mọi người trong năm mới Nhâm Dần, nhất là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay.
Bạn Lương Minh Ánh (19 tuổi, phố Lê Lai, Ngô Quyền, Hải Phòng) cho biết: Lần đầu tiên em thấy ở Hải Phòng có ngõ phố "bích hoạ" rực rỡ như vậy nên sau kì thi cuối kì, em cùng các bạn rủ nhau đến đây "check-in". Các bức tranh rất đa dạng chủ đề, hình thức đẹp - lạ nên sau buổi chiều, em và các bạn có được 1001 kiểu ảnh "sống ảo". (Tuoitrethudo.com.vn 06/02, Phạm Mạnh)
Mỗi độ Tết về, những tuyến phố như Lê Hồng Phong, chợ Con, Thế Lữ, Hồ Sen, Võ Nguyên Giáp... luôn là trung tâm cung cấp hoa, cây cảnh tới người tiêu dùng TP. Hải Phòng.
Các loại hoa và cây cảnh như đào, mai, quất và nhiều loại, cây loại hỏi, cây cảnh từ nhiều vùng miền trong cả nước được đưa về đây cung ứng cho nhân dân ngay từ đầu tháng 12 âm lịch. Hàng năm là vậy, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngành cung cấp hoa, cây cảnh đìu hiu chưa từng có.
Chị Lê Thị Hương, một thương nhân đến từ xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP. Hải Phòng chia sẻ, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là những tháng cuối năm, số ca nhiễm bệnh ngày càng tăng khiến thị trường càng thêm khó khăn. Gia đình chị có hơn 200 gốc đào, hàng năm đều đưa ra đường Lê Hồng Phong bán từ đầu tháng 12 âm lịch, nhưng năm nay chị đưa đào ra muộn hơn. Đến nay lượng tiêu thụ cũng rất ít.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, Hải Phòng cho biết, trên địa bàn phường có gần 2km đường Lê Hồng Phong. Đây là tuyến đường sầm uất nhất của thị trường hoa, cây cảnh Tết hàng năm. Nhưng năm nay thị trường này có nhiều sụt giảm. Các ô hàng, vị trí cho thương nhân thuê bán hoa, cây cảnh Tết cũng không được lấp đầy, còn trống 40%-50% vị trí. Ngày cuối cùng của năm cũng đã đến nhưng lượng hoa, cây cảnh vẫn còn khá nhiều.
Chị Hà Lan Anh, một người dân mua hoa chơi Tết cho biết, năm nay dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Hải Phòng gần nửa tháng qua có số ca nhiễm rất cao từ 500-700 ca/ngày. Do đó tâm lý chung của người dân là năm nay sẽ hạn chế đi chúc Tết. Cũng từ tâm lý đó, nên gia đình chị chỉ sắm sửa cây hoa vừa phải để có không khí Xuân chứ không đầu tư trang trí như mọi năm.
Năm nay, TP. Hải Phòng tổ chức 18 điểm Chợ hoa Xuân, trong đó: 8 điểm được tổ chức tại quận Lê Chân (từ ngày 18 đến 30/1); 1 điểm quận Ngô Quyền (từ ngày 22 đến 31/1); quận Hải An 2 điểm (từ ngày 12 đến 31/1); quận Kiến An 2 điểm (từ ngày 24 đến 31/1); quận Đồ Sơn 1 điểm; huyện Cát Hải 2 điểm (từ ngày 22 đến 31/1); Kiến Thuỵ được tổ chức 2 điểm chợ hoa Xuân từ ngày 26 đến 31/1. Tuy nhiên, đến những ngày cuối năm, các điểm ki ốt bán hàng cho thương nhân thuê chỉ lấp được được khoảng 50%. Lượng hoa, cây cảnh tồn còn khá nhiều. (TTXVN/Baotintuc.vn 31/01, Hoàng Ngọc)
Khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, di tích lịch sử cấp quốc gia, một trong những khu di tích thực hiện mô hình “3 không” (không thu phí, không hàng quán, không rác thải) tại TP. Hải Phòng.
Dịp Xuân mới Nhâm Dần, Khu di tích thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc.
Quần thể Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh có diện tích hơn 3 ha, được xây dựng tại chính nơi tìm thấy di hài của đồng chí và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân, tại xã An Đồng, huyện An Dương, TP. Hải Phòng.
Khu di tích gồm các hạng mục: Nhà lưu niệm (đền chính), gồm nhà tiền bái, hậu cung, nơi đặt ban thờ và tượng thờ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh; nhà Tả vu, nhà Hữu vu để trưng bày các hiện vật về thân thế sự nghiệp của đồng chí, về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn; 2 nhà bia và các công trình phụ trợ khác.
Đây là điểm đến mỗi dịp Xuân về của người dân Hải Phòng và du khách gần xa. Đặc biệt, từ khi khánh thành (ngày 30/1/2019) đến nay, Ban Quản lý khu di tích đã duy trì mô hình “3 không” (không phí dịch vụ, không bán hàng rong, không rác thải) tại khu nhà tưởng niệm, được người dân và du khách rất ủng hộ. Du khách đến đây còn được phát nước uống miễn phí, được chuyên viên Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng giới thiệu cặn kẽ về khu di tích, cũng như sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.
Chị Đào Minh Trang ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Cảnh quan khu di tích rất sạch, trong lành, thoáng đãng. Không khí rất trong lành, tĩnh mịch. Đến đây rất là thích. Điểm du xuân rất lý tưởng”.
“Đầu năm vào đây tưởng niệm cụ Nguyễn Đức Cảnh, mình thấy không khí trang nghiêm, thanh tịnh, đầu óc thoải mái. Đây là khu di tích mà nhiều nơi phải học hỏi theo, giảm bớt dịch vụ kèm theo để du khách đến yên tâm và tạo sự thoải mái. Đây là nơi mà đáng để mọi người phải quay lại, không chỉ một lần và nhiều lần”, anh Nguyễn Mạnh Hoàng ở xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng cảm nhận.
Dịp đầu Xuân, nhiều gia đình đưa con em đến đây, giúp các em hiểu hơn về tấm gương sáng ngời của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người chiến sĩ Cộng sản kiên trung bất khuất, nhà lý luận xuất sắc của Đảng và giai cấp công nhân Việt Nam, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Hải Phòng.
“Cháu thấy cảnh ở đây rất thoáng đãng, sạch sẽ. Đến đây, cháu được tìm hiểu thêm về công lao của cụ, để chúng cháu là những người trẻ có thêm động lực để góp công xây dựng đất nước. Chúng cháu có thêm một nơi để đến vào dịp Xuân, Tết, được tưởng nhớ công lao của cụ”, em Đào Thanh Mai ở đường ngang 203 Cái Tắt, An Đồng, An Dương, Hải Phòng nói.
Khuôn viên rộng, sạch sẽ, thoáng đáng, vì thế, người dân và du khách đến với Khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh dễ dàng thực hiện giãn cách trong những ngày dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
“Trung tâm y tế huyện phun khử khuẩn. Chúng tôi có thông báo, dán 5K, để sẵn khẩu trang để bà con có thiếu thì phát cho họ. Người dân rất ủng hộ, kể cả các đoàn du lịch đến đây rất thích, nhiều cơ quan, đơn vị còn tổ chức kết nạp Đảng tại đây”, ông Vũ Ngọc Sơn, chuyên viên Văn phòng Liên đoàn lao động TP. Hải Phòng, Phó Ban quản lý Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cho biết.
Cùng với di tích Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, TP. Hải Phòng còn có duy trì mô hình “3 không” tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên). Đây là những điểm sáng trong công tác tổ chức và quản lý di tích lịch sử văn hóa, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử, điểm điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của thành phố Cảng. (VOV.vn 04/02, Thanh Nga)
Từ nhiều năm nay, làng Nghiện ở Hải Phòng vẫn luôn thử trách trí tò mò của nhiều người nhưng thực tế nơi đây không có ai là "con nghiện".
Tôi chần chừ đứng trước cánh cổng in đậm 5 chữ “Làng văn hoá làng Nghiện” rồi ái ngại hỏi đồng nghiệp đi bên cạnh: “Làng này chắc nhiều người nghiện ma tuý lắm nên mới đặt tên là Nghiện?”.
Khi đồng nghiệp chưa kịp trả lời, một người dân đi bộ ngang chúng tôi cười bảo: “Tên thế thôi nhưng làng này là làng văn hoá đấy”.
Mang theo rất nhiều câu hỏi cũng như những băn khoăn về ngôi làng có cái tên "độc nhất vô nhị", chúng tôi tìm tới nhà bà Nguyễn Thị Thời (64 tuổi), Bí thư Chi bộ thôn Nghiện.
Như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, bà Thời cho hay, không chỉ chúng tôi mà rất nhiều người lần đầu bước chân tới đây cũng như những ai chưa biết gốc tích của làng đều chung thắc mắc.
Nữ cán bộ thôn tự hào khoe hiện tại làng Nghiện có 86 hộ dân sinh sống với 278 nhân khẩu thì có tới hơn 90% là gia đình văn hoá. Công tác an ninh, trật tự ở làng Nghiện luôn được giữ vững, đường làng, ngõ xóm xanh – sạch – đẹp.
“Khoảng 10 năm trước, khi tôi ra trung tâm TP. Hải Phòng nhận biểu dương Gia đình văn hoá, lúc MC đọc danh sách gia đình tôi ở làng Nghiện, xã Tiên Tiến (nay là xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng), nhiều người trong hội trường bật cười. Tôi vừa ngại nhưng cũng cười theo”, bà Thời kể lại kỷ niệm vui với ngôi làng có cái tên dễ gây hiểu lầm khi nhắc tới.
Lúc bà Thời sinh ra, làng đã mang tên “Nghiện”. Thế nhưng, đi gõ cửa 86 hộ dân chẳng thể tìm được một người nào nghiện hút. Ở đó, chỉ có sự hối hả của những chuyến xe chở đào, bưởi ngày Tết cho khách; cảnh tấp nập trên cánh đồng rau đang vào vụ; sự vội vã của những người nuôi tôm, cá nước lợ để kịp cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán…
Bà Thời nhẩm tính, làng có khoảng 20 hộ trồng đào, hoa Tết với tổng diện tích hàng chục nghìn m2. Đặc biệt, nghề buôn rươi xuất khẩu mang lại thu nhập cả tỷ đồng mỗi mùa đã giúp nhiều hộ đổi đời, bức tranh kinh tế của cả làng vì thế cũng khởi sắc. Bước qua cổng làng Nghiện là con đường bê tông trải dài, hai bên nhà cao, cửa rộng. Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình, người dân trong làng còn đóng góp xây dựng nhiều công trình như cổng làng, đình làng...
Nói về cái tên đặc biệt của làng, bà Thời chia sẻ, các làng ở xã Quyết Tiến tên chỉ duy nhất 1 chữ như làng Ắn, làng Giáo, làng Rỗ, làng Vòng, làng Nghiện… Tương truyền, làng Nghiện vốn tên là Nghiên, làng Ắn là Ấn, ghép lại là Nghiên Ấn. Khi các cụ viết tên làng, vô tình làm rơi mực dưới chữ Nghiên. Từ đó làng mang tên làng Nghiện với rất nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười.
Tuy nhiên, đó chỉ là những câu chuyện truyền miệng, tên làng vẫn là sự tò mò với nhiều người.
“Những người lớn tuổi như chúng tôi vốn quanh quẩn sau luỹ tre làng và đã quen với tên “Nghiện” nên chẳng bao giờ mảy may suy nghĩ. Tuy nhiên, nhiều thanh niên đi làm việc ở những vùng quê khác, vì ngại nhắc tên làng Nghiện mà thường giới thiệu mình ở đội 3”, bà Thời tâm sự.
Cũng có người kiến nghị đổi tên làng nhưng đó chỉ là câu chuyện vui vì từ lâu hai chữ “làng Nghiện” đã ăn sâu vào máu thịt, đi cùng năm tháng tuổi trẻ của rất nhiều người và trở thành niềm tự hào của họ, trong đó có bà Thời.
Khi chúng tôi tìm tới nhà bà Nguyễn Thị Bốn (64 tuổi), Trưởng thôn Nghiện, bà đang tất bật với những gói quà Tết trao cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thấy chúng tôi hỏi về tên làng Nghiện, bà Bốn nhấn mạnh, người dân trong làng rất đoàn kết, mọi người bảo nhau làm ăn, phát triển kinh tế. Hơn hết, làng mang tên một tệ nạn xã hội nhưng người dân trong làng đều nói không với tệ nạn, ma tuý.
Và những người như bà Bốn, bà Thời luôn mong các thế hệ sau sẽ giữ được cái hồn cũng như nét đẹp văn hóa của làng Nghiện. (VTC.vn 02/02, Nguyễn Huệ)
Là vùng đất do phù sa hình thành nên có lẽ vì vậy mà các tín ngưỡng dân gian tại huyện Tiên Lãng (TP. Hải Phòng) gắn liền với nền văn minh lúa nước. Trong đó phải kể đến lễ hội cầu đảo và lễ rước “Ngũ linh từ”, một trong những lễ hội tiêu biểu cho tục cầu nước trong tín ngưỡng thờ thủy thần của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc bộ.
Ông Trần Văn Rãm, nguyên Phó Phòng Văn hoá huyện Tiên Lãng cho biết: Tiên Lãng có 5 ngôi đền thiêng (Ngũ linh từ) thờ các vị anh hùng hào kiệt qua các thời kỳ đã cùng nhân dân địa phương làm nên truyền thống lịch sử hào hùng ngàn năm dựng nước và giữ nước, gồm: đền Để Xuyên (thôn Để Xuyên, xã Đại Thắng); đền Hà Đới (thôn Hà Đới, xã Tiên Thanh); đền Canh Sơn thôn Vân Đôi, đền Bì - thôn Tử Đôi (xã Đoàn Lập) và đền Gắm (thôn Cẩm Khê , xã Toàn Thắng).
Trong đó, đền Để Xuyên và Đền Bì được xem là linh thiêng nhất trong “Ngũ linh từ” của huyện. Bởi vậy, người dân huyện Tiên Lãng có câu: “Thứ nhất đền Bì, thứ nhì đền Gắm”. Đền Gắm tọa lạc trên bán đảo cửa sông Văn Úc, được xây dựng từ thời vua Lý Cao Tông để tưởng nhớ công lao to lớn của danh tướng Ngô Lý Tín.
Vào năm 1953, khi giặc mở trận càn lớn đánh vào Tiên Lãng nhằm mở rộng và củng cố “vành đai an toàn” của khu cố thủ Hải Phòng, đền Gắm đã trở thành chiến lũy xung yếu, đánh bại âm mưu của địch, tạo đà cho chiến tranh du kích ở đồng bằng phát triển.
Cùng với Đền Gắm, Đền Bì là trung tâm của lễ hội cầu đảo (cầu mưa) của nhân dân địa phương. Theo lịch sử Đảng bộ xã Đoàn Lập, Đền Bì thờ thần Bạt Hải Long Vương có công giúp vua Lê Đại Hành đánh Tống. Vào thời tiền Lê, Bạt Hải Long Vương dựng đồn binh giả ở trang Tử Đôi chống giặc. Sau này, đồn được sử dụng làm nơi thờ phụng ngài, chính là đền Bì hiện nay.
Tương truyền, mỗi khi gặp hạn hán, đền Bì cùng các đền trong “Ngũ linh từ” rước thánh về đình Cựu Đôi (tại Trung tâm huyện Tiên Lãng hiện nay) tế lễ. Nếu vẫn không mưa rước kiệu về tổ chức bơi thuyền cầu đảo tại đầm Bì. Vì vậy, dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “Lũ lụt thì tháo cống Đôi/Nhược bằng hạn hán thì bơi đầm Bì”.
Lễ hội rước Ngũ Linh Từ và tổ chức bơi thuyền cầu đảo của huyện Tiên Lãng gắn liền với ước vọng của người dân địa phương, cầu mong cho sự phồn thực no đủ, cho vạn vật không ngừng sinh sôi nảy nở.
Trước đây lễ hội rước “Ngũ linh từ” và lễ hội cầu đảo thường được nhân dân nơi đây tổ chức mỗi khi trời hạn hán nhưng từ những năm 1946 trở lại đây, lễ hội không được duy trì do các ngôi đền đều bị chiến tranh tàn phá. Đến năm 2013, UBND huyện Tiên Lãng đã quyết định phục dựng lại lễ hội này.
Gắn bó với đền Bì gần 30 năm, ông Trần Công Dương (trú tại thôn Tử Đôi, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng) chia sẻ: “Hội bơi thuyền cầu đảo được mở ra ở đầm Bì vào những năm hạn hán kéo dài. Đầm Bì là đầm cửa trước ở cửa đền Canh Sơn và Đền Bì (thuộc xã Đoàn Lập), mặt đầm khá rộng.
Đây là con đầm tiêu nước cho cả một vùng rộng lớn của nhiều xã. Hội diễn ra ngay tại sân đền Bì, được tổ chức quy mô giữa các thôn làng trong hàng tổng. Mỗi làng trong tổng cử một đội thuyền, thuyền của từng làng được phân biệt bởi màu cờ.
Tham gia lễ hội bơi thuyền gồm có 6 thuyền lớn, đại diện cho 6 thôn. Mỗi thuyền tham gia thi đấu lại dùng màu sắc cờ riêng cắm trên thuyền để ban tổ chức dễ phân biệt, bình điểm. Cự ly đường đua được quy định xuất phát từ đền Bì đến cầu Đầm.
Khi có trống lệnh của ban tổ chức đồng loạt 6 thuyền cùng xuất phát lao về đích, đội thuyền nào tới cầu Đầm (gần chợ Đầm) trước là thắng cuộc. Thời gian cầu đảo trước đây ở đền Bì có khi kéo dài cả tháng, nó chỉ kết thúc khi có trận mưa rào lớn.
Lễ hội bơi thuyền cầu mưa ở đền Bì là một trong những hình thức lễ hội cổ xưa còn sót lại, khi con người còn lệ thuộc vào thiên nhiên. Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, người nông dân đã có điều kiện chủ động phòng chống có hiệu quả những sự cố bất thường của thiên nhiên như: bão, lụt, hạn hán...
Lễ hội đền Bì vẫn được tổ chức theo lệ cũ, nhưng mang nội dung văn hoá lành mạnh, góp phần xây dựng nông thôn mới, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; đồng thời làm phong phú cho lễ hội của thành phố Cảng. (Baophapluat.vn 02/02, Nguyên An)
Đi tắt, đón đầu trong thành tựu khoa học công nghệ vào quản lý giảng dạy, ngành giáo dục Hải Phòng đang có những “bước đi của người khổng lồ” nhằm đưa toàn ngành đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Năm 2020, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong đó Giáo dục là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trước tiên, bởi giáo dục là một lĩnh vực có tác động xã hội liên quan trực tiếp và hàng ngày tới người dân. Giáo dục được chuyển đổi số thành công sẽ giúp thay đổi nhận thức con người một cách nhanh nhất, mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho nhiều hoạt động trong đời sống – xã hội, đồng thời, tạo động lực chuyển đổi số cho các ngành nghề khác.
Trong chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, ngành Giáo dục Hải Phòng đề ra 6 nhóm giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đến năm 2025: 100% số đơn vị, cơ sở giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, quản trị đồng bộ với hệ thống dữ liệu của ngành; 100% số đơn vị, cơ sở giáo dục được kết nối đường truyền băng thông rộng đủ để triển khai hiệu quả các ứng dụng trực tuyến trên môi trường internet; hoàn thành việc xây dựng cổng thư viện số và hệ thống dạy-học trực tuyến cho các trường phổ thông trên địa bàn thành phố… Tập trung chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục, hoàn thiện hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và “một cửa” điện tử, thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4. Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số ngành GD-ĐT thành phố, bảo đảm kết nối các hệ thống đô thị thông minh của thành phố.
Hiện toàn ngành đa hoàn tất số hóa và gắn mã định danh dữ liệu cho 40 cơ sở giáo dục đào tạo, 1.724 giáo viên và 24.214 học sinh. 100% các cơ sở giáo dục sử dụng sổ điểm điện tử và các phần mềm hỗ trợ quản lý giáo dục; 100% giáo viên, học sinh Tiểu học, THCS được cấp tài khoản Microsoft Teams để học trực tuyến; Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng tạo lập 14 Hội đồng môn học trên môi trường mạng để 100% giáo viên THCS của quận trao đổi, thảo luận, sinh hoạt chuyên môn. Huy động tham gia và đóng góp chia sẻ học liệu vào kho học liệu số dùng chung cho toàn ngành, với khoảng 450 bài giảng điện tử e-learning chất lượng, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm lên đến trên 1000 câu hỏi, cùng với khoảng 200 video bài giảng, 100 thí nghiệm ảo…
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp bà Nguyễn Vân Anh – Trưởng phòng Giáo dục quận Hồng Bàng cho biết: Trong năm học 2021-2022, đại dịch COVID đã ảnh hưởng đến các mặt của đời sống kinh tế xã hội, nhưng với những chính sách khuyến khích và thúc đẩy của chỉnh phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, sự quan tâm lãnh đạo địa phương ngành giáo dục Hồng Bàng đã coi đây là cơ hội để thay đổi, phát triển theo hướng thông minh, hiện đại
Theo bà Vân Anh hiện nay 100% các nhà trường trên địa bàn đều có phòng họp trực tuyến và triển khai họp hội đồng, sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn trực tuyến; 100% các trường Tiểu học, THCS đã có trang thông tin điện tử riêng để đăng tải các hoạt động giáo dục của nhà trường, là kênh thông tin để quảng bá, chia sẻ những chính sách trong giáo dục cũng như những kết quả thành tích của nhà trường.
Theo ông Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng: Hiện ngành GD-ĐT TP. Hải Phòng có nền tảng hạ tầng khá tốt để thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, để thực hiện thành công chuyển đổi số, quan trọng nhất cần thay đổi về nhận thức, tư duy trong phương pháp quản lý, giảng dạy, nhất là vai trò của lãnh đạo ngành. Do đó, ngành cần bám sát Kế hoạch của Bộ GD-ĐT về thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành GD-ĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; chọn điểm nhấn, trọng tâm, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ngành, tích hợp với kho dữ liệu chung của thành phố phục vụ công tác quản lý và khai thác, chia sẻ dữ liệu ngành. Ngành đẩy mạnh phổ cập năng lực số; chọn một số nền tảng ứng dụng mới trọng điểm để triển khai; phát triển chính quyền số trong ngành GD-ĐT, tiếp tục triển khai đề án “Trường học thông minh”, Đề án xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại; xây dựng nền tảng số nâng cao hiệu quả dạy, học trực tuyến… Qua đó, phấn đấu để Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước chuyển đổi số lĩnh vực GD-ĐT…
Thời gian qua, chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố tập trung vào 2 nội dung chủ đạo gồm: Chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy và học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống COVID-19, ngành Giáo dục thành phố phối hợp Microsoft Việt Nam cấp hơn 400.000 tài khoản MS Teams cho giáo viên và học sinh, đồng loạt triển khai dạy học trực tuyến ở tất cả cấp học…
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục-đào tạo (GD- ĐT) TP. Hải Phòng: Khi lần đầu tiên dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, nhiều hoạt động bị gián đoạn, thậm chí là ngưng trệ. Tuy nhiên, ngành Giáo dục đã nhanh chóng chuyển đổi sang hình thức dạy học trực tuyến, từ xa. Toàn ngành quyết tâm thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, nhưng không dừng việc học”.
Trên tinh thần đó, đội ngũ giáo viên đã nhanh chóng làm quen với dạy học online – một hình thức chưa từng có trong tiền lệ. Vừa làm, vừa học hỏi và rút kinh nghiệm, đến nay, dạy học trực tuyến không còn xa lạ với giáo viên. Thậm chí, phương thức dạy học mới trở thành kỹ năng không thể thiếu của mỗi thầy, cô giáo. Điều đó cho thấy, bước tiến vượt bậc của đội ngũ nhà giáo – những người vốn quen với bục giảng, phấn trắng, bảng đen.
Từ thay đổi phương thức dạy học, nhiều cơ sở giáo dục, địa phương và ngành Giáo dục đã xây dựng được kho dữ liệu bài giảng phong phú, nhằm phục vụ công tác dạy - học; sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Có thể nói, giáo dục và đào tạo trở thành một trong những ngành tiên phong trong đổi mới, chủ động thích ứng với đại dịch COVID-19, mà ở đó đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận và là chìa khóa đưa giáo dục bước vào thời đại 4.0 và đưa toàn ngành đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số. (Diendandoanhnghiep.vn 29/01, Minh Huệ - Hải Ngân)
Dưới thời tân Chủ tịch Văn Trần Hoàn, CLB bóng đá Hải Phòng đã "thay máu" trong quá trình chuẩn bị V.League 2022 với quyết tâm chơi thứ bóng đá đẹp mắt mang lại niềm vui cho người hâm mộ đất Cảng.
Có một thời, mỗi buổi chiều cuối tuần, sân Lạch Tray là tâm điểm chú ý của người hâm mộ cả nước. Người hâm mộ xếp hàng dài chờ vào sân, diễu hành cổ vũ vô cùng sôi động. Các "đại gia" V.League như HAGL, B.Bình Dương, SHB.Đà Nẵng, Hà Nội FC… đều phải đối mặt với những áp lực cực lớn được các cổ động viên (CĐV) cuồng nhiệt tạo ra trên các khán đài. Dưới sân, cầu thủ Hải Phòng thi đấu nhiệt huyết, máu lửa vì màu cờ sắc áo.
"Từ năm 2019 đến nay, CLB Hải Phòng thường xuyên chật vật trong cuộc đua trụ hạng và sân Lạch Tray cũng thưa thớt dần. Tình yêu bóng đá của người hâm mộ đội bóng quê hương không bao giờ mất đi mà nó cứ như "ngọn lửa" âm ỉ, chờ có dịp bùng cháy.
Trước đây, CĐV Hải Phòng không có thiện cảm với HLV Chu Đình Nghiêm khi anh dẫn dắt CLB Hà Nội. Tuy nhiên, khi anh Nghiêm tới Hải Phòng, được trực tiếp chứng kiến cách anh tuyển quân, quản quân đúng là rất… "nghiêm" luôn, chúng tôi cảm thấy rất tin tưởng.
Lúc này, lực lượng của Hải Phòng đã ổn, quá trình chuẩn bị cho mùa giải mới cũng tốt đẹp mà minh chứng rõ nhất là chiếc cúp vô địch giải giao hữu Hoa Lư. Các CĐV chúng tôi tin rằng khả năng lọt vào tốp 5 V.League 2022 hoàn toàn nằm trong khả năng của thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm", CĐV nhiệt thành Trần Đức Thịnh (Thịnh "loa") chia sẻ cùng Dân Việt.
CĐV Thịnh "loa" cho hay, sau khi hoàn tất mặt cỏ, cơ sở hạ tầng, phòng họp báo… lúc này, sân Lạch Tray đang trong quá trình thay ghế, sơn sửa… và sẽ hoàn tất trước thời điểm ngày 25/2 khi V.League khai mạc:
"Sân Lạch Tray đã có một diện mạo mới sẵn sàng chào đón người hâm mộ cả nước tới sân thưởng thức các trận đấu. Các CĐV chúng tôi cũng đang vô cùng háo hức chờ ngày trái bóng V.League lăn. Hy vọng trong năm mới, dịch bệnh Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt, mọi thứ sẽ bình thường trở lại và CLB Hải Phòng sẽ tìm lại được chính mình, lối đá tấn công đẹp mắt, rực lửa dưới thời HLV Vương Tiến Dũng cách đây hơn chục năm và hiệu quả, chắc chắn như thời HLV Trương Việt Hoàng giành HCB V.League 2016", CĐV nổi tiếng với chiếc loa đặt trên chiếc xe Jeep huyền thoại đi diễu hành quanh thành phố mỗi khi có trận đấu của Hải Phòng thể hiện niềm tin.
Về phần mình, đội trưởng Nguyễn Hải Huy – người mới chia tay Than Quảng Ninh để chuyển tới khoác áo CLB Hải Phòng ở V.League 2022 cho biết: "Sau một thời gian tập luyện dưới sự dẫn dắt của HLV Chu Đình Nghiêm, toàn đội đã dần được tìm được tiếng nói chung. Lãnh đạo không giao chỉ tiêu cụ thể cho đội bóng nhưng cá nhân mỗi cầu thủ chúng tôi đều tự ý thức sẽ nỗ lực hết mình khi tập luyện, ra sân thi đấu đáp ứng lại niềm tin yêu của các CĐV. Chúng tôi sẽ cố gắng trong từng trận, đạt được điểm số tốt nhất để trụ hạng càng sớm càng tốt, sau đó sẽ hướng tới những mục tiêu cao hơn".
Trong mùa giải mới, người đá cặp với Hải Huy ở vòng tròn trung tâm CLB Hải Phòng nhiều khả năng sẽ là những cái tên mới chuyển tới từ HAGL và có "mác U23" như Triệu Việt Hưng, Dụng Quang Nho hoặc Châu Ngọc Quang. Tiền vệ ngoại người Uganda Moses – học trò cũ của HLV Chu Đình Nghiêm tại CLB Hà Nội sẽ đảm nhận vai trò "mỏ neo" trong sơ đồ 4-1-4-1 thiên về sự chắc chắn.
Hai cầu thủ tấn công bên cánh của CLB Hải Phòng là ngoại binh Mpande và Lê Trung Hiếu. Bộ tứ hậu vệ là Anh Hùng – Bùi Tiến Dụng – Vũ Ngọc Thịnh - Hữu Phúc. Vị trí thủ môn sẽ thuộc về tuyển thủ U23 và ĐT Việt Nam Nguyễn Văn Toản.
Cùng với bộ khung "cứng" kể trên, lực lượng dự bị của CLB Hải Phòng cũng khá dồi dào với những cái tên đã có kinh nghiệm chinh chiến V.League là Marin Lò, Trịnh Hoa Hùng, Duy Khánh, Trọng Hiếu, Phú Nguyên, Thành Đồng…
"Sau khi chia tay CLB Hà Nội, nhiều CLB đã mời tôi về làm việc. Nhưng do muốn thử thách bản thân nên đã quyết định chọn Hải Phòng.
Lãnh đạo đội bóng muốn có lộ trình, phải xây dựng đội bóng có lối chơi, bản sắc riêng và đặc mục tiêu cụ thể cho từng năm. Tôi muốn các cầu thủ khi về chơi cho Hải Phòng phải thi đấu máu lửa, vì màu cờ sắc áo.
Tình yêu người Hải Phòng dành cho câu lạc bộ quá lớn và kèm theo đó luôn có sự đòi hỏi rất cao. Tôi mong các CĐV hãy kiên nhẫn với đội bóng nếu có sự chệch choạc nào đó trong giai đoạn đầu. Chúng tôi sẽ cố gắng thể hiện tốt nhất trên sân để lôi cuốn CĐV đến với đội bóng", HLV Chu Đình Nghiêm – người từng giành 3 danh hiệu vô địch V.League, 3 Siêu Cúp và 2 chức vô địch Cúp Quốc gia, lọt vào tốp 4 AFC Cup 2019 cùng CLB Hà Nội bộc bạch.
Theo kế hoạch, sau trận giao hữu thua chủ nhà Hà Nội FC 1-2 chiều 25/1 trên sân Hàng Đẫy, CLB Hải Phòng sẽ nghỉ Tết và tập trung trở lại vào ngày mùng 4 Tết tức ngày 4/2 dương lịch để hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng trước khi bước vào V.League 2022.
Trận ra quân mùa giải mới, Hải Phòng sẽ làm khách của HL. Hà Tĩnh ngày 25/2. Tới vòng 2 diễn ra chiều 2/3, Hải Phòng sẽ tiếp Nam Định trong cuộc đọ sức được kỳ vọng sẽ rất "nóng" từ trên khán đài xuống dưới sân. (Danviet.vn 04/02, Lê Minh)
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dâng hương tại Khu di tích Bạch Đằng Giang
Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, tối 31/1 (tức 29 tháng Chạp năm Tân Sửu), vào thời khắc giao thừa, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ chủ trì lễ dâng hương, tưởng nhớ các Anh hùng dân tộc tại quần thể Khu di tích Bạch Đằng Giang thuộc địa bàn huyện Thủy Nguyên.
Cùng tham gia lễ dâng hương có các đồng chí: Phạm Văn Lập, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lê Anh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành thành phố.
Tại quần thể Khu di tích Bạch Đằng Giang, trong không gian linh thiêng, Phó thủ tướng Lê Văn Thành và các đồng chí lãnh đạo thành phố thành kính dâng hương tưởng nhớ, tri ân các vị anh hùng dân tộc, những người có công lập nên chiến công hiển hách trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử; đồng thời cầu quốc thái - dân an, TP. Hải Phòng ngày càng phát triển và thịnh vượng trong năm mới Nhâm Dần 2022. (Baohaiphong.com.vn 01/01, Hải Hậu)
Tối 31/1 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Tân Sửu), ngay trước thời điểm đón giao thừa, đồng chí Lê Anh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố đi thăm, động viên, chúc Tết lực lượng Công an làm nhiệm vụ đêm giao thừa tại Trung tâm Thông tin chỉ huy - Công an thành phố, Công an huyện An Dương và Công an huyện An Lão.
Tiếp đón đoàn tại Trung tâm Thông tin chỉ huy có đồng chí Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố cùng lãnh đạo các phòng nghiệp vụ Công an thành phố.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân ghi nhận, biểu dương những kết quả nổi bật, đóng góp tích cực, hiệu quả cao của lực lượng Công an thành phố trong công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là vai trò nòng cốt và trọng yếu trong phòng, chống dịch COVID-19, tạo nền tảng vững chắc đối với sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố. Đồng chí Lê Anh Quân chúc cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng Công an thành phố và gia đình sức khỏe, đón năm mới vui tươi, hạnh phúc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đến thăm, chúc Tết và động viên cán bộ, chiến sĩ Công an huyện An Dương và Công an huyện An Lão, đồng chí ghi nhận, biểu dương cán bộ, chiến sĩ Công an hai huyện giữ vững an ninh trật tự tại các cửa ngõ ra vào thành phố, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch tại các chốt, khu cách ly, điều trị COVID-19, góp phần để thành phố thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”. Nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc, thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân chúc toàn thể cán bộ, chiến sĩ, lực lượng làm nhiệm vụ đêm giao thừa cùng gia đình năm mới hạnh phúc, bình an, tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được lãnh đạo và nhân dân thành phố tin tưởng giao phó. (Baohaiphong.com.vn 01/01, Hải Hậu)
Trong không khí tưng bừng đón chào Xuân mới Nhâm Dần 2022 và kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng 3/2 (tức mồng 3 Tết Nguyên Đán Nhâm Dần), đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đến thăm và chúc tết tập thể cán bộ công nhân lao động Cảng Hải Phòng. Cùng dự có đồng chí Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị và các đồng chí lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Công ty, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân Cảng Hải Phòng và bày tỏ vui mừng khi Cảng Hải Phòng nói riêng và Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam nói chung đạt được những thành công vượt bậc trong năm 2021 vừa qua. Đồng chí lưu ý, trong những năm tới sẽ còn nhiều khó khăn khi Cảng Hải Phòng triển khai dự án xây dựng hai bến tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, từng bước thực hiện Đề án di dời Cảng Hoàng Diệu. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội thuận lợi để Cảng sắp xếp lại, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, tiếp cận các công nghệ mới hiện đại.
Đồng chí yêu cầu Cảng Hải Phòng cần tiếp tục đầu tư phát triển cảng tại khu vực Lạch Huyện, nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng hàng rời, hàng tổng hợp tại khu vực Nam Đồ Sơn; phát triển chuỗi logistics, cảng thủy nội địa và đẩy mạnh liên doanh, liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Về đề án di dời Cảng Hoàng Diệu, đồng chí nhắc nhở Cảng cần quan tâm chăm lo người lao động, giữ vững ổn định việc làm, thu nhập; đổi mới các giải pháp quản trị, tổ chức sắp xếp nguồn lực hợp lý, đẩy mạnh chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực… (Baohaiphong.com.vn 03/01, Mai Lâm)
Năm 2021, cùng chiến sĩ, đồng bào cả nước, Công an TP Cảng luôn xung phong đi đầu trong các phong trào thi đua đặc biệt: “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Chính phủ phát động và “Lực lượng Công an nhân dân – Lá chắn thép phòng, chống dịch Covid-19 – Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội” do Bộ Công an phát động.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Công an Hải Phòng đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác, được Bộ Công an tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc… (Anhp.vn 05/02, Thế Khoa)
UBND TP. Hải Phòng vừa công bố thể lệ cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo và phương án kiến trúc Tượng đài Chiến thắng Cát Bi” nhằm lựa chọn mẫu phác thảo và phương án kiến trúc để xây dựng Tượng đài này (đặt tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi). (Thanh niên 07/02, trang Nhịp sống phía Bắc, Lê Tân)./.