THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19
Hải Phòng không tiếp nhận người về từ các tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16
Từ 0 giờ ngày 5/8, Hải Phòng tạm dừng tiếp nhận người dân từ các tỉnh, TP đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, bao gồm cả người Hải Phòng trở về.
Ngày 3/8, UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng tạm dừng tiếp nhận công dân (bao gồm cả người Hải Phòng) từ các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo UBND TP. Hải Phòng, việc này nhằm thực hiện chỉ đạo Thủ tướng trước đó. Trong đó có yêu cầu các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 thì “ai ở đâu ở đấy”, không để người dân tự di chuyển khỏi nơi cư trú sau ngày 31/7 đến khi hết giãn cách xã hội...
Tuy nhiên, trong những ngày qua tại các chốt cửa ngõ vào TP. Hải Phòng vẫn còn nhiều người dân từ các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đã không chấp hành, vẫn đi khỏi các địa phương đó để về Hải Phòng. Từ đó làm cho nguy cơ lây lan dịch bệnh vào TP.
Cũng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng việc tạm dừng tiếp nhận người dân trở về bắt đầu từ 0 giờ ngày 5/8. Chỉ những người được chính quyền các tỉnh/thành nơi giãn cách xã hội và UBND TP. Hải Phòng cho phép mới được vào TP.
Liên quan tới hoạt động kiểm soát tại các cửa ngõ, ngày 3/8, UBND TP. Hải Phòng đã quyết định thành lập chốt phụ kiểm soát dịch bệnh COVID-19 liên ngành (thuộc Chốt số 1 tại cửa ngõ quốc lộ 5) đặt tại trạm thu phí cũ trên quốc lộ 5 (xã Nam Sơn, huyện An Dương) nhằm kiểm tra y tế chặt chẽ người và phương tiện vận tải vào TP.
Hải Phòng thống nhất trích nguồn kinh phí ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 của TP để hỗ trợ người dân Hải Phòng đang ở TP HCM gặp khó khăn, mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/hộ. MTTQ TP. Hải Phòng phối hợp với Hội đồng hương Hải Phòng tại TP HCM và cơ quan liên quan thực hiện chuyển kinh phí hỗ trợ tới các hộ dân.
MTTQ TP phối hợp với Hội đồng hương Hải Phòng tại các địa phương khác đang giãn cách theo Chỉ thị 16, rà soát người gặp khó khăn, đề xuất hỗ trợ, báo cáo UBND TP giải quyết.
TP giao cho các cơ quan truyền thông của Hải Phòng và UBND các quận huyện thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân biết, thực hiện.
Đồng thời, tuyên truyền đến các gia đình có người thân đang sinh sống tại địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 không di chuyển về Hải Phòng cho đến khi hết giãn cách xã hội.
Trước đó, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu người đến từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong đó có TP HCM và Hà Nội phải thực hiện cách ly tập trung. (Plo.vn 03/8, Đỗ Hoàng; Nld.com.vn 03/8; Vtc.vn 03/8; Tuoitre.vn 03/8; Thanhnien.vn 03/8; Laodong.vn 03/8; VOV.vn 03/8; Tuoitrethudo.com.vn 03/8; Nongnghiep.vn 03/8; Phunuphapluat.vn 03/8; TTXVN/Baotintuc.vn 03/8; Dantri.com.vn 03/8; Kênh VTV1 – Bản tin Chào buổi sáng 04/8; Đại đoàn kết 04/8, tr14; Pháp Luật Việt Nam 04/8, tr15)
Còn tình trạng lái xe cố tình vi phạm quy định phòng, chống dịch
Thông tin tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các địa phương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, chốt kiểm dịch tại các địa phương đã ưu tiên cho phương tiện có giấy nhận diện “luồng xanh” lưu thông nhanh chóng.
Tuy nhiên, quá trình kiểm tra của lực lượng chức năng vẫn phát hiện nhiều trường hợp lái xe vi phạm quy định không có giấy xét nghiệm y tế hoặc giấy xét nghiệm hết hạn, thậm chí dùng xe hàng chở người qua luồng xanh…
Bày tỏ sự lo ngại tại buổi họp trực tuyến, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết, qua kiểm soát đã có lái xe đi không đúng lộ trình cho phép, người điều khiển phương tiện không đúng với danh sách lái xe đã được đăng ký. Một số lái xe lợi dụng giấy thông hành được cấp lại tổ chức chở người trái phép như các trường hợp phát hiện tại các địa phương.
Cụ thể, lãnh đạo UBND TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) cho hay, ngày 2/8, Công an phường Nghĩa Trung đã phát hiện 2 tài xế điều khiển xe tải “luồng xanh” chở 10 thanh niên trên thùng xe từ Bình Dương về Đắk Nông, không khai báo y tế. Được biết, nhóm thanh niên trên từ Đắk Lắk đi làm thuê ở thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Do tình hình dịch bệnh nên nhóm này không có việc làm và tìm đường về quê tránh dịch.
Hiện 2 tài xế và nhóm 10 người trên đã được đưa đi cách ly tại khu cách ly tập trung của TP Gia Nghĩa. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thành phố đề nghị xử lý hai tài xế và chủ phương tiện xe tải BKS: 48C-045.83 theo quy định; nếu trường hợp làm lây lan dịch bệnh sẽ củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Tương tự, ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng cho biết, vi phạm của một số lái xe hiện nay đang làm tăng áp lực công tác kiểm soát, phát hiện, xử lý, xét nghiệm tại các chốt kiểm soát dịch bệnh kéo theo nguy cơ ách tắc giao thông. Nếu không tăng cường kiểm soát, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ hoạt động vận tải sẽ tăng cao.
“Hiện Thành ủy Hải Phòng đã chỉ đạo yêu cầu doanh nghiệp quản lý tập trung đội ngũ lái xe, không để lái xe di chuyển, tiếp xúc rộng. Nếu doanh nghiệp không bố trí được bãi tập kết hàng hóa, UBND các quận, huyện phải nghiên cứu sắp xếp. Chi phí sẽ do doanh nghiệp vận tải chi trả”, ông Tùng thông tin.
Trước ý kiến của các địa phương, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, tới đây, các cơ quan chức năng cần có quy định giao trách nhiệm cụ thể, trực tiếp đối với các doanh nghiệp vận tải.
“Đơn cử, trường hợp lái xe gây tai nạn tại chốt kiểm soát trên địa bàn Bình Thuận có giấy xét nghiệm COVID-19 hết hiệu lực, Sở GTVT TP Hà Nội phải kiểm tra, xử lý nghiêm doanh nghiệp để lái xe hoạt động không đáp ứng quy định đối với hoạt động vận tải trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp”, ông Huyện nói.
Thông tin thêm về tình hình giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ ngày 31/7 đến 2/8/2021, giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đến TP Hồ Chí Minh cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông.
Riêng tại chốt kiểm soát tại Km1770+300 trên tuyến QL1 qua Bình Thuận vào khoảng 23h00 ngày 31/7 xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng, xe tải BKS 29H-201.80 lưu thông theo hướng Đồng Nai - Bình Thuận tông vào xe môtô 3 bánh BKS 61L-7639 lưu thông cùng chiều đang dừng lại để khai báo y tế.
Ngoài ra, tại chốt đường ĐT 741 (địa phận tỉnh Bình Phước) vào tối 1/8 do lưu lượng xe máy qua chốt quá đông gây ùn ứ cục bộ, UBND tỉnh Bình Phước phải ra văn bản khẩn xử lý lần cuối đối với các phương tiện về quê và quá cảnh qua địa bàn tỉnh.
Đối với công tác cấp thẻ nhận diện “luồng xanh”, hiện, Sở GTVT 63 tỉnh, thành đã cấp thẻ cho hơn 220.700 phương tiện. Số lượng đăng ký là rất lớn, song, số lượng hồ sơ sai lệch, thiếu thông tin cũng chiếm tỷ lệ cao khiến việc duyệt hồ sơ phát sinh nhiều thời gian.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, hiện với sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền, giao thông cả nước đã cơ bản đảm bảo thông suốt.“Tuy nhiên, các Sở GTVT các địa phương cần căn cứ hướng dẫn của Bộ GTVT, chủ động xây dựng các kịch bản và phương án tổ chức giao thông khác nhau, không cứng nhắc, dập khuôn, xây dựng phương án phải phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương.
Phải có phương pháp tuyên truyền, thông tin kịp thời để doanh nghiệp và người điều khiển phương tiện nắm bắt, chấp hành. Đặc biệt, tại các khu vực giáp ranh giữa khu vực/tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 và khu vực/địa phương áp dụng nguyên tắc chống dịch thấp hơn, lãnh đạo các Sở GTVT phải phối hợp, trao đổi với nhau để thống nhất phương án, nguyên tắc kiểm soát”, Thứ trưởng Thọ nói.
Ông cũng cho rằng, hiện nay, việc lưu thông hàng hóa (đối với hàng hóa không bị cấm vận chuyển) đã không còn bị hạn chế, việc tổ chức “luồng xanh” chủ yếu tập trung trong phạm vi nội tỉnh. Vì vậy, các Sở GTVT phải tham mưu và triển khai giải pháp giữ được những “vùng xanh” trong khu vực có dịch.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu khu vực có lưu lượng mật độ đông như Hải Phòng và các tỉnh lân cận cần lưu ý vấn đề phân luồng giao thông từ xa, nghiên cứu, tổ chức nhiều điểm kiểm tra tại một chốt, bố trí bãi tập kết hàng hóa, quản lý lái xe tập trung để nâng cao hiệu quả kiểm soát dịch. (Cand.com.vn 04/8, Đặng Nhật; Công an nhân dân 04/8, tr4)
Hải Phòng: Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch
Đó là thông điệp của ông Lê Khắc Nam- Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng gửi đến người dân đẩy mạnh các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19.
Trong bối cảnh dịch diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều người dân đang di chuyển bằng nhiều phương tiện từ các tỉnh phía Nam về TP. Hải Phòng. Để tránh lọt người đi từ vùng dịch vào địa bàn không thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, TP. Hải Phòng đã yêu cầu các chốt kiểm soát chặt chẽ tất cả những người trên các xe container, xe chở hàng.
Theo bà Trần Thị Quỳnh Trang, Bí thư Huyện ủy An Dương cho biết, BCĐ phòng chống dịch COVID-19 đã cung cấp đường dây nóng và thưởng 1 triệu đồng (từ nguồn xã hội hóa) cho người dân nếu cung cấp thông tin những vụ vi phạm quy định chống dịch COVID -19.
Lãnh đạo huyện này cho biết, việc phát động quần chúng nhân dân trong phòng chống dịch COVID-19 là vô cùng quan trọng. Ví dụ: Từ việc cung cấp thông tin của người dân, chính quyền đang làm quy trình để xử phạt Trung tâm tiếng Anh tại số nhà 52A/12 đường An Dương 1, thôn An Dương, xã An Đồng do bà Phạm Thị Thanh (trú tại xã An Đồng) làm chủ vì vi phạm phòng chống dịch COVID 19.
"Mặc dù thành phố đã có thành tích trước mắt trong phòng, chống dịch và sẵn sàng cho các kịch bản tiếp theo trong phòng chống dịch. Tuy nhiên, nếu mỗi người dân không tự ý thức trong phòng chống dịch hay cảnh giác với tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp hiện nay thì không một lực lượng nào đủ mạnh có thể chống được dịch, lúc đó hệ lụy rất nặng nề", ông Lê Khắc Nam- Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh.
Qua kiểm tra tại chợ đầu mối rau, củ, quả phường Sở Dầu, ông Thọ yêu cầu Ban Quản lý chợ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền tiểu thương và lái, phụ xe tuân thủ thực hiện các biện pháp “5K” của Bộ Y tế; siết chặt quy trình giao nhận hàng hóa; giám sát chặt chẽ, quán triệt các biện pháp phòng chống dịch đối với các lái xe khi giao hàng hóa; cử lực lượng thường trực để theo dõi việc thực hiện biện pháp phòng chống dịch của các lái xe. Nắm rõ lịch trình của các phương tiện ra, vào chợ. Ghi chép cụ thể các thông tin về lái, phụ xe ra vào chợ để phục vụ công tác truy vết khi cơ quan chức năng yêu cầu. Thực hiện vệ sinh phun khử khuẩn hàng ngày.
Kiểm tra tuyến đường tại khu công nghiệp Tràng Duệ vẫn có tình trạng bày bán hàng quán, người dân tụ tập đông người, không bảo đảm quy định về phòng, chống dịch, PCT Thường trực UBND thành phố đề nghị lãnh đạo UBND huyện An Dương giao đồn công an KCN Tràng Duệ phối hợp chính quyền địa phương xử phạt vi phạm hành chính một số hàng quán vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, phải tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, không để tập trung đông người, phương tiện gây mất an toàn giao thông.
Giám sát chặt chẽ hoạt động của các phương tiện vận tải, đảm bảo đội ngũ lái xe phải đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.
Qua kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn các xã: Nam Sơn, An Đồng, Hồng Thái,cho thấy, một số địa điểm hàng quán, chợ vẫn có tình trạng người dân tập trung đông, không đeo khẩu trang, bày bán hàng quán vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Ông Quân đã yêu cầu chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt thật nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm quy định phòng, chống dịch, nhất là tại các khu chợ, khu dân cư. (Diendandoanhnghiep.vn 03/8, Minh Huệ)
Hải Phòng thu hồi giấy phép kinh doanh quán karaoke Trâm Anh ở quận Đồ Sơn
Ngày 2/8, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 450/QĐ-SVHTT về việc thu hồi Giấy phép kinh doanh karaoke của cơ sở kinh doanh karaoke Trâm Anh, có địa chỉ kinh doanh tại Tổ dân phố Trung Nghĩa, phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng.
Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng quyết định thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke số 36/GP-SVHTT của Sở Văn hóa và Thể thao cấp cho bà Phạm Thị Thương – Chủ cơ sở kinh doanh karaoke Trâm Anh, với lý do tổ chức hoạt động kinh doanh karaoke trong mùa dịch, không thực hiện việc tạm dừng kinh doanh theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 16 – Nghị định 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định thu hồi, bà Phạm Thị Thương phải nộp lại Giấy phép kinh doanh karaoke đã được cấp về Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hải Phòng. (Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn 03/8, TQ)
Hải Phòng: Bất chấp lệnh cấm, phòng tập GYM vẫn mở cửa hoạt động
Mặc dù dịch Covid -19 đang có những diễn biến phức tạp và bất chấp lệnh cấm, một phòng tập GYM ở An Dương vẫn mở cửa đón khách.
Trước đó, vào khoảng 17h40 phút, ngày 1/8, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân thông qua số điện thoại đường dây nóng phản ánh thông tin, tố giác các vi phạm quy định về phòng, chống dịch, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 xã Lê Thiện, huyện An Dương đã tiến hành đi kiểm tra.
Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện phòng tập GYM có địa tại thôn Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện do ông Phạm Văn Thắm và bà Nguyễn Mai Trang có hộ khẩu thường trú tại xã Lê Thiện làm chủ cơ sở vẫn đang hoạt động, vi phạm các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Trong phòng tập vẫn đang hoạt động và có 8 người đang tập. Ngay sau đó, các lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính; yêu cầu chủ cơ sở dừng hoạt động kinh doanh. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh trên.
Theo đó, cơ sở kinh doanh trên đã vi phạm quy định về việc “Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng” quy định tại Điểm c, Khoản 3 Điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức xử phạt, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. (Tamnhin.trithuccuocsong.vn 03/8, Thiên Di)
HẢI QUAN
Hải Phòng: Lối nào cho việc vừa phát triển Logistics vừa chống dịch?
Cảng Hải Phòng là cửa ngõ phía Bắc lưu thông huyết mạch vận chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế. Có chức năng tiếp nhận và khai thác các chuyến tàu XNK hàng hóa, góp phần quan trọng vào việc mũi nhọn phát triển kinh tế Hải Phòng nói riêng và khu vực phía Bắc Việt Nam nói chung. Vừa qua, Doanh nghiephoinhap.vn nhận được những đề xuất từ Hiệp hội, các doanh nghiệp Cảng biển, DN việc mong mỏi được tiêm vắc xin như một liều thần dược cho giải pháp thực hiện mục tiêu kép.
Cảng Hải Phòng là cửa ngõ phía Bắc lưu thông huyết mạch vận chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế. Với chức năng tiếp nhận và khai thác các chuyến tàu XNK hàng hóa, Cảng đã góp phần quan trọng vào mũi nhọn phát triển kinh tế Hải Phòng nói riêng và khu vực phía Bắc Việt Nam nói chung. Vừa qua, Doanh nghiephoinhap.vnp nhận được những đề xuất từ Hiệp hội, các doanh nghiệp Cảng biển, DN... mong mỏi được tiêm vắc xin như một liều “ thần dược” cho giải pháp thực hiện mục tiêu kép.
Để thực hiện mục tiêu kép người lao động trong các ngành vận tải, đặc biệt là các tài xế, nhân viên vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại cảng biển, ... đóng vai trò hết sức quan trọng tương tự như các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Họ có nhiệm vụ bảo đảm sự liên tục, thông suốt, cung cấp hàng hóa thiết yếu, vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch cũng như trong việc cung ứng nguyên vật liệu hàng hóa cho chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước, từ đó có vai trò then chốt trong việc duy trì hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu và phát triển kinh tế. Theo cá nhân tôi, để đảm bảo phát triển kinh tế mà bản thân họ phải hy sinh thầm lặng ( cứ tiếp xúc, cứ lấy dịch xét nghiệm PCR, và cứ chở những chuyến hàng đi khắp muôn nơi...). Đó là quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội DN quận Hải An, ông Trần Tiến Dũng bày tỏ với mong muốn hơn 10.000 lái xe container tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan được tiêm vắc xin phòng dịch.
Sau khi nhận được nhiều phản ánh kiến nghị của các Hiệp hội, ngành hàng, các DN, tại Văn bản số 4580/BCT-CN ngày 30/7/2021 nhằm góp phần bảo đảm việc lưu chuyển hàng hóa trong bối cảnh nhiều địa phương đã và đang thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ sung đối tượng lao động trong các ngành vận tải và logistics – đặc biệt là lái xe, phụ xe, vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu… là đối tượng ưu tiên (nếu các địa phương chưa đưa các đối tượng này là đối tượng ưu tiên) tiêm vắc xin như lực lượng tuyến đầu chống dịch nhằm bảo đảm dòng lưu thông hàng hóa được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất. Đồng thời chỉ đạo cơ quan y tế địa phương, quán triệt và thực hiện nghiêm việc ưu tiên tiêm vắc xin cho các đối tượng trên.
Công ty CP đầu tư và phát triển Cảng Đình Vũ là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Cảng biển, hàng ngày luôn có những chuyến tàu chuyển container đến từ các Cảng khu vực châu Á, trên tàu có các thuyền viên nước ngoài nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh SARS- CoV2 rất lớn. Ngoài việc phòng chống dịch nghiêm ngặt thì việc cán bộ công nhân trực tiếp lao động sản xuất được tiêm vắc xin là nhu cầu bức thiết quan trọng. Đó là trao đổi nhanh của Phó Tổng Giám đốc Cty CP Cảng Đình Vũ với PV.
Với mong muốn phát triển sản xuất, ông Cao Hồng Phong- Tổng GĐ Cảng Nam Hải Đình Vũ thuộc Tập đoàn Gemadept đã trăn trở tìm tòi đề xuất để hàng nghìn người lao động DN mình được tiêm vắcxin, với hy vọng họ yên tâm sản xuất an toàn, góp phần như lực lượng tuyến đầu phát triển kinh tế.
Trao đổi nhanh với PV, ông Lê Khắc Nam- Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng bày tỏ: Chủ trương của thành phố là đã chuẩn bị tiền mua vắc xin, mong muốn tất cả người dân đều được tiêm vắc xin phòng dịch sớm nhất. Nhưng do nguồn vắc xin không nhiều lại phải phân bổ chủ yếu cho vùng có dịch nên thành phố cũng tiếp nhận đề xuất ghi nhận những khó khăn vất vả của người lao động tại DN Cảng biển và DN vận tải. Thành phố sẽ xem xét ưu tiên ngay khi có thể”
Sự gián đoạn, trong chuỗi giá trị toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Khi đó, các nhà mua hàng và sản xuất lớn trên thế giới sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ các quốc gia khác thay cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình lâu dài.
Hải Phòng vừa có 1 ca bệnh là lái xe container, một số thủy thủ tàu B. Highway dương tính Covid 19 khi cập cảng Tân Vũ tuần qua, khiến đội ngũ lao động trong chuỗi Logistics luôn mong mỏi được tiêm vắc xin phòng dịch. Thiết nghĩ, Chính Phủ, các Bộ ngành, lãnh đạo thành phố xem xét bố trí tiêm phòng cho lực lượng chuỗi Logistics để lưu thông phát triển kinh tế giữa đại dịch căng thẳng phức tạp.
Chung nỗi niềm với DN trên, Lãnh đạo Cty VIP Green Port Hải Phòng chia sẻ với PV về việc thực hiện nghiêm ngặt việc chống dịch bằng máy móc thiết bị hiện đại. Ngoài kịch bản dự phòng phải giãn cách theo chỉ thị thì lãnh đạo Cảng VIP cũng xác định việc tiêm phòng vắc xin như “gốc rễ" giữ cho cửa ngõ Cảng Hải Phòng được lưu thông an toàn. (Doanhnghiephoinhap.vn 03/8, Nguyễn Lương)
KINH TẾ
Hải Phòng đấu giá đất ở tại 5 xã
71 lô đất nhà ở tại các xã trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đang được Công ty Đấu giá hợp danh Asia thông báo bán đấu giá.
71 lô đất có vị trí tại các xã Thanh Lương, Cao Minh, An Hòa, Cổ Am, Hòa Bình, Việt Tiến, với tổng diện tích 11.367,38m2. Diện tích mỗi lô đất từ 135 - 275 m2, với giá từ 2,5 - 10,8 triệu đồng/m2 tùy theo từng lô.
UBND huyện Vĩnh Bảo đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất đấu giá. Khách hàng tham gia đấu giá sẽ phải kiểm tra hiện trạng mặt bằng các khu đất đấu giá trước khi nộp hồ sơ tham gia đấu giá. Sau khi tổ chức đấu giá, các hộ gia đình, cá nhân trúng đấu giá có trách nhiệm hoàn thiện việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo việc đấu nối với cơ sở hạ tầng có sẵn trong khu dân cư và xây dựng nhà ở theo đồ án quy hoạch được duyệt.
Cuộc đấu giá được tổ chức theo hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, phương thức đấu giá lên, thời gian từ ngày 23 - 25/8/2021. (Baodauthau.vn 03/8, Thu Giang)
Giá giấy tăng giúp Giấy Hoàng Hà Hải Phòng (HHP) nhân đôi lãi ròng quý II, đạt 10 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Giấy Hoàng Hà Hải Phòng (HOSE: HHP) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu thuần đạt189 tỷ đồng, tăng 101% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 10 tỷ đồng, tăng 85%.
Giải trừ cho đà tăng trưởng về lợi nhuận trong kỳ của doanh nghiệp, HHP cho biết do giá giấy tăng và sản lượng kinh doanh thương mại của công ty tăng đáng kể. Đồng thời, toàn doanh nghiệp đã nỗ lực tiết giảm các chi phí gián tiếp như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp.
Theo đó, tỷ trọng các chi phí này/doanh thu lần lượt giảm 1,15%, 0,11%, 0,26% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, HHP ghi nhận 354 tỷ đồng doanh thu, tăng 105% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt 17 tỷ đồng, tăng 73%. Qua đó hoàn thành 57% kế hoạch doanh thu và 65% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2021.
Tính đến ngày 30/6/2021, Tổng tài sản HHP có 514 tỷ đồng, tăng 14 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 3 tỷ về mức 7 tỷ đồng, song tiền gửi có kỳ hạn tăng mạnh từ 1 tỷ lên 7,2 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn giảm 9% về 177 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp có 59 tỷ đồng hàng tồn kho, chủ yếu là khoản nguyên liệu, vật liệu.
Nợ phải trả HHP có hơn 260 tỷ đồng, giảm 9 tỷ đồng sau 6 tháng. Chiếm phần lớn là khoản vay nợ, thuê tài chính ngắn hạn với 166 tỷ đồng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/8, cổ phiếu HHP giao dịch ở ngưỡng 10.450 đồng/cp. (Etime.danviet.vn 03/8, Quang Dân)
PHÁP LUẬT – AN NINH QUỐC PHÒNG
Vụ “người Việt bị hành hung, đẩy xuống sông tại Nhật”: Gia đình có đơn trình báo
Theo giới chức, gia đình T.T.A có đơn trình báo liên quan clip được cho là ghi lại cảnh T.A bị hành hung và đẩy xuống sông tại Nhật.
Chiều 3/8, trả lời PV VTC News, ông Trịnh Văn Hải - Chủ tịch UBND phường Hưng Đạo (quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng) cho biết, gia đình anh T.T.A (SN 1999) có đơn trình báo chính quyền địa phương liên quan clip được cho là ghi lại cảnh T.A bị hành hung, sau đó đẩy xuống sông và thiệt mạng tại Nhật Bản.
Ông Hải cho biết thêm, theo đơn trình báo, gia đình nhận được thông tin từ bạn bè cùng chỗ ở của T.A tại Nhật kèm theo video vụ việc.
Theo báo Thế giới và Việt Nam, tối 2/8, trên mạng xã hội Oska Baito phát tán video do một người Việt Nam quay về một vụ một thanh niên đánh đập và đạp một thanh niên khác xuống sông ở khu trung tâm thương mại Namba của Osaka.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trưa 3/8 cho biết, ngay sau khi có thông tin trên mạng xã hội việc một thanh niên được cho là người Việt Nam bị sát hại ở khu vực trung tâm thương mại Namba của Osaka, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cảnh sát Osaka và cộng đồng người Việt Nam tại khu vực để tìm hiểu thông tin vụ việc.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản tiếp tục theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Nhật Bản để làm sáng tỏ vụ việc và sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết. Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng làm việc với các cơ quan chức năng trong nước để xác minh nhân thân và sẵn sàng hỗ trợ gia đình nạn nhân xử lý các vấn đề hậu sự.
Tổng Lãnh sự quán cũng liên lạc với anh Bùi Đức Bảo, người được cho là quay và post video lên trang mạng Oska Baito. Anh Bảo khẳng định không phải là người quay video, chỉ post lại video để câu view. (Vtc.vn 03/8, Nguyễn Huệ)
XÃ HỘI
Hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ dân Hải Phòng gặp khó ở TP Hồ Chí Minh
Ngày 3/8, UBND TP. Hải Phòng có thông báo sẽ hỗ trợ người dân Hải Phòng ở TP Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn với mức 2 triệu đồng/hộ.
Kinh phí hỗ trợ được lấy từ nguồn kinh phí ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Ủy ban MTTQ TP. Hải Phòng sẽ phối hợp cùng Hội đồng hương Hải Phòng tại TP Hồ Chí Minh để chuyển kinh phí hỗ trợ đến với các hộ dân Hải Phòng đang gặp khó khăn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, UBND TP. Hải Phòng cũng giao Ủy ban MTTQ TP. Hải Phòng tiếp tục cùng các Hội đồng hương Hải Phòng tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT – TTg của Thủ tướng Chính phủ để rà soát người Hải Phòng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch, bệnh Covid-19 tại các địa phương này, đề xuất UBND TP. Hải Phòng thực hiện biện pháp hỗ trợ. (Daidoanket.vn 03/8, Nam Khánh; Danviet.vn 03/8; Nguoiduatin.vn 03/8; Laodong.vn 03/8; Vietnamnet.vn 03/8; Zingnews.vn 04/8; Nhandan.vn 04/8; Nhandan.vn 03/8; Kinhtedothi.vn 03/8)
Hải Phòng: Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch 181/KH-UBND thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP. Hải Phòng.
Kế hoạch hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện phát triển bền vững bảo đảm quốc phòng an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 phải giảm được thiệt hại do thiên tai gây ra, thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra thấp hơn giai đoạn 2011-2020. Lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; phương tiện trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiên tiến, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.
Cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai được nâng cấp theo hướng đồng bộ, liên thông; 100% khu vực trọng điểm xung yếu phòng chống thiên tai được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều đảm bảo an toàn trước thiên tai theo mức thiết kế, không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.
Theo đó, UBND TP. Hải Phòng đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Tổ chức triển khai các quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai theo quy định; nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai và phương án ứng phó; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp, công nghệ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai và tăng cường hợp tác với các nhà tài trợ, cơ quan nghiên cứu khoa học để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm.
UBND TP. Hải Phòng yêu cầu, các sở, ngành, địa phương và đơn vị phối hợp trong quá trình triển khai Kế hoạch, nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để việc thực hiện chiến lược và kế hoạch đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Phòng chống thiên tai phải thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, đồng thời phát huy nguồn lực và trách nhiệm cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp… (Baoxaydung.com.vn 04/8, Đăng Hùng)
Hải Phòng xây dựng nông thôn mới: Về thăm xã lập kỷ lục 947 hộ dân hiến đất
Là 1 trong 8 xã được UBND TP. Hải Phòng lựa chọn triển khai nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2020, xã Gia Đức (huyện Thủy Nguyên) được đánh giá là địa phương “vất vả” nhất khi có nhiệm vụ xây dựng số km đường lớn nhất, vận động số lượng hộ dân nhiều nhất hiến đất xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Gia Đức là xã kinh tế mới thành lập năm 1984, được tách từ thị trấn Minh Đức và di dân thành lập làng văn hóa Bạch Đằng. Địa phương này cũng xa trung tâm huyện Thủy Nguyên (cách 16km - PV) nên điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn.
Để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM), xã có tổng số 30 tuyến đường cần cải tạo, nâng cấp để đạt chuẩn với tổng chiều dài 12,116 km, giá trị 130,197 tỷ đồng.
Ở giai đoạn một, trong năm 2020, sáu tuyến đường tổng chiều dài 2,56 km, kinh phí xây dựng 26,583 tỷ đồng đã hoàn thiện và được đưa vào sử dụng. Ở giai đoạn hai, 24 tuyến đường còn lại dài 9,99 km với tổng kinh phí đầu tư 103,614 tỷ đồng đang gấp rút được thi công.
Cái khó với chính quyền địa phương là để triển khai xây dựng các tuyến đường, số hộ dân cần vận động hiến đất lên tới 947 hộ với tổng diện tích 58.235,8m2 đất. Trong đó, đất công do xã quản lý 29.834m2, đất ở 21.390m2, đất nông nghiệp 7.020m2.
Trong 947 hộ dân hiến đất, 713 hộ có tài sản, vật kiến trúc trên đất nằm trong chỉ giới xây dựng các công trình giao thông. Thời điểm tháng 3-4/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc họp dân để triển khai, phổ biến, vận động không thể tổ chức hội nghị đông người. UBND xã phải phát phiếu xin ý kiến đến từng hộ gia đình. Kết quả, cơ bản nhân dân hưởng ứng đồng thuận cao.
Đến nay Gia Đức đã phê duyệt phương án hỗ trợ cho 713/713 hộ; đã chi trả tiền hỗ trợ cho 350/713 hộ. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động với các hộ chưa nhận tiền hỗ trợ, phấn đấu hết ngày 15/8/2021 chi trả xong.
Cũng giống như các địa phương khác, việc vận động người dân hiến đất đã khó, việc thuyết phục dân nhận kinh phí hỗ trợ vật kiến trúc (theo Quyết định 324/2015/QĐ-UBND ngày 5/2/2015 của UBND Hải Phòng) với đơn giá thấp so với thị trường còn khó hơn gấp nhiều lần. Thủy Nguyên đang được đề xuất trở thành TP trực thuộc TP. Hải Phòng, hàng loạt dự án được đầu tư, giá đất đều tăng vùn vụt.
“Tại Gia Đức, có gia đình hiến đến trên 100m2 đất để mở rộng đường. Khi giá đất Thủy Nguyên đang tăng chóng mặt như thời gian qua thì việc thuyết phục để cho dân hiểu và đồng thuận là cả quá trình. Trong khi đó, một số trường hợp sau khi hiến đất mở đường thì diện tích còn lại không đủ để ổn định đời sống theo quy định. Do đó, chúng tôi cũng đang đề nghị UBND huyện, UBND TP xem xét bố trí tái định cư”, Chủ tịch xã Bùi Khắc Hưng chia sẻ.
Thấy quê hương thay đổi từng ngày, ông Đỗ Văn Muôn (thôn 5) cho biết: “Trước đây, những con đường liên thôn, trục thôn và ngõ xóm ở xã nhỏ, hẹp. Nắng thì bụi, mưa ngập úng, vất vả vô cùng. Các tuyến đường đã có hình hài mới với rãnh thoát nước, điện chiếu sáng, mặt đường mở rộng thảm asphalt, ai cũng phấn khởi”.
Tính đến nay, tiến độ xây dựng đường liên thôn, đường trục thôn tại xã bình quân đạt 40%. Do khối lượng công việc rất lớn, huyện xã gần như làm việc không có ngày nghỉ. Việc giao ban tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các công trình được Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Viển trực tiếp chủ trì vào các thứ Bảy hoặc Chủ nhật hàng tuần. Dự kiến thời gian bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thực hiện xong trước 30/9/2021.
Chủ tịch xã Bùi Khắc Hưng cho biết, đến hết tháng 6/2021, Gia Đức đạt 14/17 tiêu chí xây dựng NTMKM. Ngoài tiêu chí về giao thông, còn phải phấn đấu 2 tiêu chí thu nhập, y tế.
Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2020 đạt 57 triệu đồng/năm, ước tính thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 58,2 triệu đồng/năm (tiêu chí là 68 triệu/năm). Để nâng cao thu nhập người dân, địa phương đã đang phối hợp các DN, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ khác trên địa bàn huyện và TP nhằm giới thiệu việc làm cho người lao động. Xã cũng phối hợp Ngân hàng CSXH huyện cho vay vốn thông qua các tổ chức đoàn thể để các hội viên, đoàn viên phát triển sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường...
Tỷ lệ người dân xã tham gia BHYT mới đạt 90,1% (qui định đạt > 95%). Ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hình thức BHYT, xã cũng tuyên truyền các DN, tổ chức ủng hộ và hỗ trợ mua BHYT cho các hộ cận nghèo. Phấn đấu đến hết quý III/2021, tối thiểu có 95% người dân Gia Đức có BHYT.
Ở tiêu chí y tế, để xây dựng NTMKM, dân số thường trú trên địa bàn phải được quản lý, theo dõi sức khỏe đạt từ 90% trở lên. Với chỉ tiêu này, đến nay, hầu hết các xã của Hải Phòng chưa triển khai thực hiện và chưa có hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý.
Ông Nguyễn Văn Viển, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, ngoài Gia Minh và Gia Đức, huyện đang tiếp tục triển khai xây dựng NTMKM ở 5 xã khác Liên Khê, Kênh Giang, Lưu Kiếm, Hòa Bình, Thủy Đường. (Baophapluat.vn 04/8, Phương Thanh; Pháp Luật Việt Nam 04/8, tr8+9)
GIÁO DỤC
Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập các đoàn kiểm tra về thi tốt nghiệp đợt 2
Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2 của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo với tổng số 21 người.
Ngày 3/8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã ký ban hành quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2 của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo với tổng số 21 người, bao gồm lãnh đạo Bộ, đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, một số vụ, cục thuộc Bộ.
Trong đó, đoàn số 1 kiểm tra tại Bắc Giang, Hải Phòng, An Giang, Tiền Giang, do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm Trưởng đoàn.
Đoàn số 2 kiểm tra tại các tỉnh Hưng Yên, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm Trưởng đoàn.
Đoàn số 3 kiểm tra tại các tỉnh Cao Bằng, Vĩnh Long, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn làm Trưởng đoàn.
Các đoàn có nhiệm vụ kiểm tra công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2 theo kế hoạch của Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo ở tất cả các khâu kỳ thi. Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên trong đoàn do Trưởng đoàn phân công.
Trưởng đoàn kiểm tra quyết định hình thức tổ chức kiểm tra phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bảo đảm quy định về phòng, chống dịch.
Cùng ngày, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã ký quyết định thành lập 14 đoàn kiểm tra công tác coi thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại 14 địa phương trên, với 268 người. Thời gian kiểm tra từ ngày 5 đến 8/8.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng giao Trưởng Đoàn kiểm tra xây dựng Kế hoạch tiến hành kiểm tra, phân công cán bộ kiểm tra theo hướng dẫn và tổ chức kiểm tra Chánh Thanh tra Bộ chỉ đạo, theo dõi, giám sát hoạt động đoàn kiểm tra, giúp Lãnh đạo Bộ xử lý hoặc trình Lãnh đạo Bộ xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của Đoàn kiểm tra; quyết định điều động cán bộ, viên chức trong danh sách dự phòng khi cần thiết, được sử dụng dấu của cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phối hợp với các đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác coi thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo quy định. (Nhandan.vn 04/8)
15 tỉnh, thành phố sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2
Theo tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này, có 15 tỉnh, thành phố sẽ tổ chức thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đợt 2, với hơn 10.000 thí sinh dự thi.
Kỳ thi sẽ diễn ra từ ngày 5-7/8 tới. Công tác chuẩn bị thi vẫn đang được thực hiện nghiêm túc, tích cực, dù ở nhiều địa phương, quy mô tổ chức thi giảm do số lượng thí sinh xin xét đặc cách tốt nghiệp khá lớn.
15 tỉnh, thành phố sẽ tổ chức thi gồm: Bắc Giang, Hải Phòng, An Giang, Tiền Giang, Hưng Yên, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cao Bằng, Hậu Giang, Vĩnh Long, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Đắk Lắk.
Trước đó, kết thúc kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đợt 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, có hơn 26.000 thí sinh của 42 tỉnh, thành phố sẽ dự thi đợt 2. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tưởng Chính phủ nên không thể tổ chức kỳ thi.
Để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã ký quyết định về việc bổ sung đối tượng được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021. Theo đó, đối tượng được bổ sung là thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021 và có nguyện vọng được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông, đang ở nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ hoặc nơi bị phong tỏa hoặc thuộc đối tượng phải cách ly y tế theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Hiện nay, nhiều địa phương quyết định không tổ chức kỳ thi và chuyển sang xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Kiên Giang, Khánh Hoà… Một số tỉnh dù đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng vẫn kết hợp vừa xét đặc cách, vừa tổ chức thi cho các thí sính có nguyện vọng như: An Giang có 1.770 thí sinh dự thi đợt 2, Phú Yên có 408 thí sinh thi đợt 2…
Một số địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đợt 2 ít đã chọn giải pháp đưa thí sinh tới dự thi tại Hội đồng thi khác. Hiện có 7 tỉnh gửi thí sinh tới dự thi tại Hội đồng thi Bắc Giang, với tổng số 56 thí sinh, gồm: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Nghệ An. Để công tác phối hợp thuận lợi, mỗi tỉnh sẽ cử 1 cán bộ làm Trưởng đoàn phụ trách đưa thí sinh tham gia dự thi để làm đầu mối liên hệ công tác. Đồng thời, các thí sinh và thành viên đoàn phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính còn hiệu lực. (TTXVN/Baotintuc.vn 03/8, Việt Hà; Vietnamnet.vn 03/8; Kênh VTV1 – Bản tin Chào buổi sáng 04/8; Văn hóa 04/8, tr2)
1 Điểm thi tại Hải Phòng sẵn sàng đón thí sinh thi đợt 2 từ 3 tỉnh, thành
265 thí sinh đến từ các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, sẽ tham gia thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2 tại Điểm thi Trường THPT Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng.
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hải Phòng, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2 được sẵn sàng. Ngoài các thí sinh của Hải Phòng, tại điểm thi THPT Vĩnh Bảo sẽ có 7 thí sinh người Hải Dương và 3 thí sinh người Quảng Ninh.
Các thí sinh ngoại tỉnh trước khi đến Hải Phòng tham dự Kỳ thi sẽ phải xét nghiệm âm tính với Covid-19. Các em và gia đình được bố trí điểm ăn nghỉ gần khu vực thi để thuận tiện việc đi lại.
Ngày 2/8, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã tập huấn trực tuyến công tác coi thi cho cán bộ, giáo viên và các lực lượng tham gia phục vụ Kỳ thi. Ngày 4/8, cán bộ, giáo viên tham gia coi thi và các thí sinh sẽ được xét nghiệm Covid-19.
Điểm thi tại Trường THPT Vĩnh Bảo đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện phòng dịch, sẵn sàng cho Kỳ thi.
Bà Nguyễn Thị Thúy- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho hay, đợt 2 tỉnh có 3 thí sinh tham dự Kỳ thi. Tỉnh hỗ trợ các em việc xét nghiệm Covid-19, cử đoàn công tác đưa, đón các em. Đảm bảo thời gian đi lại và ổn định chỗ ăn nghỉ cho thí sinh, các em đến Hải Phòng từ ngày 1/8. Đoàn đưa đón các em sẽ ở lại luôn Hải Phòng đến khi thi xong mới cùng học sinh quay lại tỉnh. (Giaoducthoidai.vn 03/8, Nguyễn Thảo Nguyên)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2: Đổi khẩu trang, xét nghiệm COVID cho thí sinh
Các tỉnh thành đủ điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 đang ráo riết chuẩn bị, sẵn sàng tổ chức kỳ thi cho thí sinh của địa phương và của nơi khác gửi đến. Nhiều địa phương tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho thí sinh.
Chiều 3/8, trả lời phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hưng Yên, cho biết, kỳ thi đợt 2 có 1.917 thí sinh. Sở GD&ĐT điều động lực lượng làm thi khoảng 400 cán bộ, giáo viên tổ chức thi. Các điểm thi chuẩn bị sẵn khẩu trang để thí sinh đến cổng đổi khẩu trang để vừa phòng chống dịch vừa phòng ngừa gian lận.
Theo ông Phê, dù thời điểm này rà soát không có thí sinh thuộc diện F0, F1, F2, nhưng các huyện vẫn chuẩn bị phòng thi, điểm thi dự phòng để nếu phát sinh trường hợp thí sinh có F mà các em có nguyện vọng dự thi vẫn được thi.
Tại Bắc Giang, kỳ thi đợt 2 có lượng thí sinh dự thi khá lớn với 3.123 em. Trong đó, có 53 thí sinh thuộc 7 địa phương gửi đến dự thi gồm: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Nghệ An. Với lần thi này, Bắc Giang tổ chức 8 điểm thi. Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết, thí sinh các địa phương được bố trí thi riêng tại một khu vực độc lập là điểm thi Trường THPT Ngô Sĩ Liên; riêng thí sinh Thái Nguyên được bố trí ở điểm thi khác.
Bắc Giang yêu cầu các đoàn thí sinh đến từ địa phương khác giảm thiểu số người đi theo, hạn chế dừng đỗ phương tiện, tiếp xúc với người khác trong quá trình di chuyển. Thí sinh và thành viên đoàn phải có kết quả xét nghiệm không mắc COVID-19 mới được đến dự thi.
Tại Hải Phòng, kỳ thi đợt 2 có 265 thí sinh, gồm thí sinh của Quảng Ninh (3 em) và Hải Dương (7 em). Ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng, cho biết, kỳ thi đợt 2 được thắt chặt biện pháp phòng dịch, trong đó toàn bộ thí sinh, cán bộ, giáo viên, công an, y tế tham gia tổ chức thi đều được xét nghiệm COVID-19 trước kỳ thi. Riêng thí sinh địa phương khác được xét nghiệm 3 lần, gồm trước, trong và sau kỳ thi.
Lần 1, thí sinh được xét nghiệm có kết quả âm tính tại địa phương của mình mới di chuyển đến Hải Phòng. Từ 31/7, thí sinh đã di chuyển đến Hải Phòng để ổn định tình hình, chuẩn bị tâm lý. Khi đến nơi, địa phương bố trí ăn, ở cho thí sinh và người nhà tại khách sạn ở huyện Vĩnh Bảo. Ngày 4/8, các em tiếp tục được xét nghiệm COVID-19 lần 2 cùng với tất cả thí sinh địa phương để lọc lại một lần nữa trước khi vào kỳ thi.
Sau khi kết thúc thi, thí sinh, người nhà được xét nghiệm 1 lần nữa, có kết quả âm tính mới di chuyển về địa phương. “Việc này nhằm thắt chặt các biện pháp phòng dịch, tránh các trường hợp để lọt thí sinh liên quan COVID-19 vào phòng thi”, ông Trà nói.
So với số liệu ban đầu mà Bộ GD&ĐT cung cấp (hơn 26.000 thí sinh chờ thi đợt 2 đến từ 42 địa phương), đã có hơn 20.000 em xin đặc cách tốt nghiệp THPT vì dịch COVID-19. Phú Yên có 1.332 thí sinh chưa thi đợt 1, nhưng 924 em có nguyện vọng đặc cách xét công nhận tốt nghiệp.
Tại Bình Định đến thời điểm này, chỉ có 3-4 thí sinh làm đơn xin xét đặc cách tốt nghiệp; 393 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác phục vụ đều được xét nghiệm nhanh COVID-19 trong ngày 4/8. An Giang có lượng thí sinh chưa dự thi đợt 2 lớn nhất toàn quốc với gần 5.000 em. Đến nay, hơn 3.000 em xin xét đặc cách tốt nghiệp. Với số thí sinh còn lại, An Giang sẽ tổ chức kỳ thi đợt 2 để các em lấy điểm vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, cao đẳng.
Khánh Hòa có hơn 700 thí sinh dự kiến thi đợt 2, nhưng do tỉnh thực hiện giãn cách tại một số huyện, thành phố, thị xã nên chỉ còn 15 em đủ điều kiện dự thi đợt 2. Sở GD&ĐT Khánh Hòa đã quyết định thành lập đoàn đưa 15 thí sinh này đến Hội đồng thi tỉnh Lâm Đồng để dự thi. Sở bố trí 1 bác sĩ chuyên khoa 1 đi theo đoàn để đảm bảo sức khỏe, an toàn trong công tác phòng chống dịch cho học sinh và cử 2 cán bộ quản lý đi cùng để quản lý thí sinh.
Toàn bộ kinh phí ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại của các em sẽ do Sở chi trả. Tất cả thí sinh và thành viên trong đoàn đi đều được test nhanh COVID-19 trong ngày 4/8. Gia Lai gửi 17 thí sinh dự thi tốt nghiệp tại Bình Định và các em được test COVID-19 trước khi đến dự thi.
Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, cho biết, như đợt 1, tại các điểm thi đợt 2, thí sinh được hướng dẫn đi từ cổng trường vào đến phòng thi theo một chu trình vòng tròn, tránh va chạm ngược xuôi và đảm bảo giãn cách. Mỗi điểm thi bố trí 2 phòng thi dự phòng, biệt lập, có lối đi riêng để dự trù trường hợp thí sinh thuộc diện F phát sinh.
Tại Phú Yên, các điểm thi sẽ bố trí tối đa 12 thí sinh mỗi phòng. Với phòng thi cho thí sinh F1, bố trí 6 em, với phòng thi cho thí sinh F2, bố trí 10 em. Thí sinh thuộc diện F1 và F2 sẽ được bố trí xe đưa, đón từ nhà đến điểm thi và sử dụng lối đi riêng tại điểm thi. Mỗi điểm thi được trang bị một số bộ test nhanh để xử lý trong tình huống có thí sinh hoặc người làm nhiệm vụ coi thi có các triệu chứng mắc COVID-19.
Tính đến chiều 3/8, cả nước có 13 tỉnh, thành phố vẫn tổ chức đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, gồm Bắc Giang, Hải Phòng, An Giang, Hưng Yên, Lâm Đồng, Đồng Nai, Cao Bằng, Hậu Giang, Vĩnh Long, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk. Trong khi đó, thêm một số địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Kiên Giang… thông báo về việc dừng tổ chức kỳ thi đợt 2.
Sở GD&ĐT Đồng Tháp thông tin tới phụ huynh, thí sinh rằng, do tình hình dịch diễn biến phức tạp, địa phương không tổ chức kỳ thi đợt 2 mà xét công nhận đặc cách cho tất cả thí sinh đủ điều kiện. Các trường thông báo, hướng dẫn học sinh làm thủ tục đề nghị đặc cách xét công nhận tốt nghiệp.
Học sinh cũng được yêu cầu thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin liên quan việc điều chỉnh thời gian, phương thức xét tuyển đại học năm 2021, nhất là đối với đối tượng được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT để biết và đăng ký tham dự xét tuyển.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Quản lý thi - Sở GD&ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết, có 104 thí sinh chưa thể thi đợt 1 nên các em sẽ được xét đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT. (Tienphong.vn 04/8, Hà Linh – Nghiêm Huê; Tiền phong 04/8, tr13)
BÁO ĐỊA PHƯƠNG
Đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam tại huyện Kiến Thụy
Sáng 3/8, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam tại huyện Kiến Thụy nhân dịp kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam tại Việt Nam (10//-1961 – 10/8/2021).
Đến thăm, tặng quà Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Kiến Thụy, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật của hội sau 13 năm thành lập, góp phần đưa Kiến Thụy trở thành điểm sáng của thành phố trong thực hiện rà soát, bảo đảm các chế độ chính sách của người nhiễm chất độc da cam. Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng chí đề nghị hội tiếp tục phát huy tốt kết quả đạt được, khẳng định rõ vai trò trong tuyên truyền, vận động, tham mưu chính quyền địa phương làm tốt công tác chăm lo, hỗ trợ các gia đình chính sách, nhất là người nhiễm chất độc da cam.
Thăm, tặng quà cháu Nguyễn Thị Ánh (sinh năm 1992), nạn nhân chất độc da cam, tỷ lệ tổn thương cơ thể hơn 81% (ở thôn 2, xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy), đồng chí Lê Khắc Nam ân cần hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ những khó khăn và động viên cháu cùng gia đình vượt qua nỗi đau bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời đề nghị địa phương quan tâm thực hiện chế độ hỗ trợ gia đình sửa chữa nhà ở, tiếp tục giúp đỡ, chăm lo thường xuyên tới người nhiễm chất độc da cam trên địa bàn. (Baohaiphong.com.vn 03/8, Vân Nga)
Kiểm soát chặt chẽ hơn các chợ đầu mối, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Rạng sáng 3/8, đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND thành phố kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại chợ đầu mối hoa quả quận Hồng Bàng. Cùng kiểm tra có đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan.
Qua thực tế kiểm tra, đồng chí Nguyễn Đức Thọ ghi nhận quận Hồng Bàng tổ chức bài bản công tác kiểm tra, kiểm soát y tế như khai báo y tế, thực hiện giãn cách, kiểm tra xác suất người buôn bán tại chợ đầu mối hoa quả. Đồng chí nhắc nhở, chợ hoa quả đầu mối quận Hồng Bàng là chợ lớn, tập trung nhiều người buôn bán và phương tiện của người dân không chỉ ở Hải Phòng mà còn ở nhiều địa phương khác.
Vì vậy, quận Hồng Bàng cần tăng cường kiểm tra chặt chẽ các phương tiện đến từ vùng dịch, hoặc đi qua vùng dịch; tổ chức tuyên truyền để người dân và tiểu thương tại chợ nêu cao tinh thần phòng, chống dịch, không để dịch bệnh xâm nhập vào thành phố. Đồng chí yêu cầu quận Hồng Bàng tập trung cao, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát đột xuất các chợ trên địa bàn, nhất là khu vực cầu Bính và Tam Bạc. Nếu phát hiện vi phạm về phòng dịch, cần xử lý nghiêm theo quy định. (Baohaiphong.com.vn 03/8, Mai Lâm)./.