THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19
Nghệ An, Hải Phòng khẩn trương rà soát, xác định người liên quan đến ca bệnh số 2899
Liên quan đến ca bệnh số 2899 (ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), tỉnh Hải Phòng và Nghệ An đã khẩn trương rà soát, xác định những người có tiếp xúc với ca bệnh này.
Thông tin từ Sở Y tế Hải Phòng, liên quan đến ca bệnh số 2899 (ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), đến sáng 30/4, Hải Phòng đã xác định được 4 người đi trên cùng chuyến bay VJ3613 nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng. Sở Y tế Hải Phòng đã cho lấy mẫu và làm xét nghiệm ngay, đồng thời đưa đi cách ly tập trung 14 ngày. Các trường hợp tiếp xúc gần với 4 người này yêu cầu giám sát y tế chặt chẽ cách ly tại nhà.
Sở Y tế đề nghị những người đang lưu trú tại Hải Phòng, có mặt trong chuyến bay VJ3613 và chuyến bay VJ133 khởi hành từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/4 hay trên xe khách biển số 43B-048.78 từ Đà Nẵng ra Hà Nội, xuất phát hồi 20 giờ 30 ngày 21/4; những người có tiếp xúc gần với 11 ca bệnh đã công bố, tiếp xúc gần với các trường hợp F1 của các ca bệnh cần liên hệ với trạm y tế nơi cư trú để khai báo y tế hoặc liên hệ qua các số điện thoại đường dây nóng: 0978.789.499, 0902.210.218, 0912.498.366 để được hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch.
Trước đó, Thành ủy Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy về công tác phòng, chống dịch COVID-19, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là trong các ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng và chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Công an thành phố chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện những trường hợp nhập cảnh, nhất là nhập cảnh trái phép từ vùng có dịch để đưa đi cách ly tập trung và xử lý theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý dân cư, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp người đến từ vùng có dịch cư trú trên địa bàn.
Bộ đội Biên phòng Hải Phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới trên biển, cảng biển, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép.
Ngày 29/4, Sở Du lịch Hải Phòng đã ban hành văn bản số 321/SDL-QLCSLT&DVDL gửi các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố đề nghị khẩn trương, nghiêm túc đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 trong tình hình mới theo các bước: Truy cập địa chỉ https://safe.tourism.com.vn để đăng ký tài khoản theo hướng dẫn trên website. Tiếp đó, đăng nhập hệ thống và thực hiện tự đánh giá an toàn COVID-19 trong tình hình mới của cơ sở theo "Bảng đánh giá an toàn COVID-19 tại cơ sở lưu trú du lịch" có trong hệ thống. Sở Du lịch Hải Phòng đề nghị các cơ sở lưu trú du lịch hoàn thành việc đánh giá an toàn COVID-19 trước ngày 10/5/2021 để kết nối với hệ thống an toàn COVID-19 quốc gia
Các cơ sở lưu trú du lịch chỉ được tổ chức đón và phục vụ khách khi đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. (VTC.vn 30/4, Văn Nhật, Minh Huệ; Laodong.vn 30/4; Dantri.com.vn 30/4; Vov.vn 30/4; Baoquocte.vn 30/4; Giadinh.net.vn 30/4; TTXVN/VietnamPlus.vn/Thethaovanhoa.vn 30/4; Vneconomy.vn 30/4; Congluan.vn 30/4; Truyền hình Nhân dân – Chương trình Thời sự 22h ngày 29/4)
Bốn người Hải Phòng đi cùng chuyến bay với BN Hà Nam có kết quả âm tính lần 1
Bốn trường hợp người ở Hải Phòng đi cùng chuyến bay với BN 2899 từ Nhật Bản về Đà Nẵng ngày 7/4 đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2. Đó là thông tin mới nhất từ Sở Y tế Hải Phòng tính đến 15 giờ chiều 30/4.
Trước đó, ngày 29/4, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam đã ghi nhận thêm trường hợp BN 2899, 28 tuổi, có địa chỉ tại tỉnh Hà Nam, trở về từ Nhật Bản ngày 7/4 trên chuyến bay VJ3613 nhập cảnh sân bay Đà Nẵng.
Sau khi hết thời gian cách ly tập trung và có kết quả xét nghiệm ba lần âm tính, bệnh nhân về Hà Nam cách ly tại nơi lưu trú. Ngày 24/4, bệnh nhân khởi phát với các triệu chứng ho, sốt, đau họng và được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2.
Cùng đi trên chuyến bay trên, các cơ quan chức năng xác định có bốn người có địa chỉ tại TP. Hải Phòng (thuộc các quận Dương Kinh, Hải An, Kiến An và huyện Kiến Thuỵ).
Sở Y tế Hải Phòng đã yêu cầu Trung tâm Y tế các địa phương trên khẩn trương tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp đi cùng chuyến bay với BN 2899, đồng thời đưa các trường hợp này đi cách ly y tế tập trung. Kết quả xét nghiệm lần 1 cho thấy cả bốn trường hợp đều âm tính với virus SARS-CoV-2.
Đồng thời, các địa phương đã lập danh sách những người tiếp xúc với các trường hợp nói trên để cách ly, theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong vòng 14 ngày và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức chuyển đi cách ly tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Trung tâm Y tế dự phòng để xét nghiệm. (Nhandan.com.vn 30/4; Nld.com.vn 30/4; Kinhtedothi.vn 30/4)
Hải Phòng xác định 1 người làm việc tại karaoke Sunny, tiếp xúc với chuyên gia mắc COVID-19
Chiều 2/5, Hải Phòng đã xác định có 1 người tiếp xúc gần và người này làm việc cùng với 5 người F1 đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 tại Vĩnh Phúc, 1 người tại Hà Nội.
Ngày 2/5, Sở Y tế Hải Phòng thông tin nhanh về trường hợp F1 tại Hải Phòng liên quan nhóm chuyên gia Trung Quốc.
Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng, liên quan đến trường hợp F1, tiếp xúc gần với nhóm chuyên gia Công ty T.B.A, có người khi trở về Trung Quốc có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 29/4.
Sau khi có thông tin về lịch trình di chuyển tiếp xúc của nhóm chuyên gia người Trung Quốc, Sở Y tế Hải Phòng đã phối hợp các địa phương khẩn trương điều tra truy vết, đến chiều 2/5 xác định có 1 người tiếp xúc gần và người này làm việc cùng với 5 người F1 đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 tại Vĩnh Phúc, 1 người tại Hà Nội.
Trường hợp F1 là H.T.P., sinh năm 2000; Địa chỉ: thôn 1, Mỹ Đồng, Thủy Nguyên, Hải Phòng; Nghề nghiệp: Nhân viên phục vụ quán karaoke Sunny.
Hiện tại, sức khỏe F1 bình thường, đã được cách ly y tế, tiến hành phun khử khuẩn nơi ở. Sở Y tế đã cho lấy mẫu làm xét nghiệm ngay, hiện đang chờ kết quả.
Ngày 23/4: Trong khoảng thời gian từ 21h-22h phục vụ tại quán karaoke Sunny (địa chỉ: Khu đô thị Đồng Sơn, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Từ ngày 23/4-28/4: Ở và làm việc tại quán.
Ngày 29/4: Đi taxi ra bến xe Gia Lâm, bắt xe khách về bến xe Thượng Lý, Hải Phòng; (không nhớ hãng xe); sau đó đi xe ôm về nhà tại thôn 1, xã Mỹ Đồng.
Ngày 1/5: Đi đám cưới bạn tại thôn 7, xã Đông Sơn, Thủy Nguyên và đi đưa dâu về nhà trai tại xã Liên Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Tối cùng ngày về nhà tại thôn 1, xã Mỹ Đồng, sau đó không đi đâu. (Giaoducthoidai.vn 02/5, Phạm Hiền; Zingnews.vn 02/5; Plo.vn 02/5; Tienphong.vn 02/5; Vov.vn 02/5; Suckhoedoisong.vn 02/5; Nhandan.com.vn 02/5;Thanhnien.vn 02/5; Phapluatxahoi.vn 02/5; Nongnghiep.vn 03/5; Thuongtruong.com.vn 03/5; Congly.vn 03/5; Congluan.vn 03/5; Thuonghieucongluan.com.vn 03/5)
Hải Phòng đóng cửa karaoke, vũ trường, game từ 0h ngày 1/5
UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành văn bản hỏa tốc số 2803/UBND-VX ngày 30/4/2021 về một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Cụ thể, UBND TP. Hải Phòng quyết định dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu: Vũ trường, karaoke, xông hơi, mát xa, quán Bar, Pub, game, internet từ 0h ngày 1/5.
Người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. UBND TP yêu cầu Công an thành phố, UBND các quận, huyện tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Sở Y tế, UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở cách ly tập trung của thành phố và các cơ sở cách ly tập trung cho chuyên gia nước ngoài đảm bảo công tác phòng chống dịch theo quy định, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly tập trung và lây nhiễm ra cộng đồng.
Tăng cường quản lý, giám sát các trường hợp hết thời hạn cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung của thành phố và tại các thành phố khác trở về địa phương; yêu cầu tiếp tục cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú đủ 14 ngày. Nếu có các biểu hiện ho, sốt, đau họng, tức ngực, khó thở... phải kịp thời báo ngay cho ngành Y tế để có biện pháp xử lý phù hợp.
Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với ngành Y tế chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi, các bến xe, nhà ga, bến tàu thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch (đặc biệt là đeo khẩu trang, giãn cách 1 mét, sát khuẩn tay...); kiên quyết không phục vụ các hành khách không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. UBND thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân nghiêm túc triển khai thực hiện... (Laodong.vn 01/5, Mai Dung; Baochinhphu.vn 01/5; Zingnews.vn 01/5; VTC.vn 01/5; Giaoducthoidai.vn 01/5; Suckhoedoisong.vn 01/5; Plo.vn 30/4; Kinhtedothi.vn 30/4; TTXVN/Baotintuc.vn 30/4; VTC.vn 30/4; Tuoitre.vn 01/5; Vnexress.net 01/5; Cand.com.vn 01/5; Baotainguyenmoitruong.vn 01/5; VTV.vn 01/5; Baodautu.vn 01/5; Nongnghiep.vn 01/5; Dantri.com.vn 01/5; Moitruong.net.vn 01/5; Thuongtruong.com.vn 01/5; Thuonghieucongluan.com.vn 01/5; Phunuphapluat.vn 01/5; Baove.congly.vn 01/5; Tuoitrethudo.com.vn 01/5; Baoxaydung.com.vn 01/5; Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự 8h +Bản tin Chào buổi sáng ngày 01/5; Nhân dân 01/5, tr5)
Các địa phương tăng cường kiểm soát phòng dịch Covid-19
Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hiện các cấp, các ngành tại các địa phương đã chủ động tăng cường các phương án và biện pháp ứng phó, thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19.
Chiều 2/5, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP. Hải Phòng thông báo cho biết nguy cơ xuất hiện ca dương tính trong cộng đồng trên địa bàn thành phố Cảng ở mức cao. Theo đó, các Tổ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các thôn, tổ dân phố phối hợp với cảnh sát khu vực triển khai rà soát từng hộ gia đình, không để người nhập cảnh trái phép trở về địa phương.
UBND TP. Hải Phòng yêu cầu Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và UBND các quận, huyện tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ly tập trung tại các địa phương; thực hiện nghiêm ngặt các quy định về cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi cư trú sau thời gian cách ly y tế tập trung (14 ngày) đối với các chuyên gia người nước ngoài và thân nhân đến Hải Phòng.
Sở Y tế Hải Phòng tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế thực hiện Bộ tiêu chí “Bệnh viện an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp", Bộ tiêu chí “Phòng khám an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp”, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan, bùng phát tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin đợt 2 theo kế hoạch; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; lập kế hoạch và triển khai thực hiện xét nghiệm diện rộng, đặc biệt đối với các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại thành phố.
Đồng thời, UBND TP. Hải Phòng giao Sở Nội vụ chủ trì, cùng với Sở Y tế và UBND các quận huyện lập phương án tổ chức Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. UBND các quận, huyện sẵn sàng triển khai thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”: dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ; chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở cách ly y tế tập trung tại các địa phương....
TP. Hải Phòng cũng giao cho người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu không dừng hoạt động theo chỉ đạo...; tăng cường công tác phòng, chống dịch tại sân bay, nhà ga, bến xe, bến tàu.... Mặt khác, Sở Công thương Hải Phòng cần chuẩn bị phương án đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; bảo đảm bình ổn giá trong trường hợp dịch bệnh xảy ra. (Nhandan.com.vn 02/5, Ngô Quang Dung; VTC.vn 02/5; Nongnghiep.vn 02/5; Nhandan.com.vn 03/5; Thuonghieuvaphapluat.vn 03/5; Truyền hình Nhân dân – Chương trình Thời sự 22h ngày 02/5; Công an nhân dân 03/5, tr4)
Thêm nhiều điểm ở Hà Nam mà người dân phải cách ly khi về Hải Phòng
Sở Y tế TP. Hải Phòng hướng dẫn tạm thời biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đến 12h ngày 2/5, bổ sung thêm một số địa điểm người dân phải cách ly tập trung khi vào Hải Phòng.
Cụ thể, TP. Hải Phòng áp dụng cách ly tập trung người đến từ xã Đạo Lý, thôn Đồn Yên (xã Chân Lý), thôn Nội Đọ (xã Bắc Lý), huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; Hẻm 77 đường Phạm Đăng Giảng (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh); thôn Hoàng Xá (xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên); ngõ 83 đường Dục Nội, Khu Trung; Lỗ Giao (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Các thôn, xóm khác của các xã Chân Lý, Bắc Lý (Lý Nhân, Hà Nam); phường Bình Hưng Hòa (Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh); xã Tiên Tiến (huyện Phù Cừ, Hưng Yên); xã Việt Hùng (Đông Anh, Hà Nội) phải cách ly tại nhà khi vào Hải Phòng.
Ngoài những xã, phường nêu trên, người dân đến từ các quận/huyện: Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), Bình Tân (TP.Hồ Chí Minh); Phù Cừ (Hưng Yên); Đông Anh (Hà Nội) phải khai báo, giám sát y tế khi vào Hải Phòng. (Laodong.vn 02/5, Mai Dung; Tienphong.vn 02/5; Phapluatplus.vn 02/5; Phapluatxahoi.vn 02/5; Phapluat.tuoitrethudo.com.vn 02/5; Kênh VTV1- Bản tin Thời sự 8h +Bản tin Chào buổi sáng ngày 02/5; Laodong.vn 01/5, Mai Dung; Vov.vn 01/5; Giaoducthoidai.vn 01/5; Suckhoedoisong.vn 01/5; Tuoitre.vn 01/5; Baophapluat.vn 01/5)
Nhiều người không đeo khẩu trang, Hải Phòng ra quân xử phạt
Ngày 1/5, ngày đầu thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hải Phòng về việc bắt buộc mọi người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, lực lượng chức năng ra quân, xử phạt vi phạm hành chính nhiều trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Chiều 30/4, UBND TP. Hải Phòng có công văn hoả tốc về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, UBND TP. yêu cầu bắt buộc mọi người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; giao Công an thành phố, UBND các quận, huyện tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Ghi nhận của PV Lao Động, sáng 1/5, nhiều người dân vẫn chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo này.
Anh Lê Minh (quận Hải An, Hải Phòng) cho biết - "Mặc dù có chỉ đạo về việc bắt buộc đeo khẩu trang nhưng trong sáng nay, nhiều người dân vẫn chưa chấp hành quy định này. Rất mong lực lượng chức năng xử phạt nghiêm, tăng mức phạt như nhiều tỉnh, thành phố lân cận để người dân có ý thức hơn".
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, trong sáng 1/5, lực lượng chức năng tăng cường xử lý, nhắc nhở các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch COVID-19.
Đội Công an quận Hồng Bàng phối hợp UBND - Công an phường Hoàng Văn Thụ và Phan Bội Châu xử lý các trường hợp tham gia giao thông vi phạm chống dịch COVID -19. Chỉ trong sáng 1/5, UBND phường Hoàng Văn Thụ xử lý 17 trường hợp không đeo khẩu trang trong đó 12 trường hợp viết cam kết , 5 trường hợp phạt tổng số tiền 5 triệu đồng; UBND phường Phan Bội Châu xử lý 12 trường hợp trong đó 10 trường hợp viết cam kết, 2 trường hợp phạt tiền tổng số tiền 2 triệu đồng. (Laodong.vn 01/5, Mai Dung; TTXVN/Bnews.vn 30/4, An Đăng; Nhandan.com.vn 01/5; Nhân dân 02/5, tr4)
Thủ tướng phê bình, nhắc nhở 8 địa phương trong phòng chống dịch Covid-19
Thủ tướng Chính phủ phê bình, nhắc nhở, yêu cầu các tỉnh, TP: Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh nghiêm tình trạng không tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 570/CĐ-TTg ngày 2-5-2021 về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các Bí thư, Chủ tịch UNBD, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đề nghị các cấp có thẩm quyền khẩn trương rà soát, xem xét khen thưởng kịp thời theo quy định đối với các địa phương: Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lâm Đồng… đã kịp thời, phản ứng nhanh, chủ động có các biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Đồng thời, để kịp thời chấn chỉnh những bất cập và tăng cường công tác phòng chống dịch, Thủ tướng phê bình, nhắc nhở, yêu cầu một số địa phương thực hiện tốt một số nội dung.
Trong đó, các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh nghiêm tình trạng không tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia, nhất là việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc nơi công cộng;
Các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai các khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm điều kiện vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch và năng lực xét nghiệm tại địa phương;
Các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Hà Nam, Yên Bái bám sát quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, căn cứ hậu quả xảy ra để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xử lý theo quy định, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự, theo tinh thần khách quan, công bằng, nghiêm minh.
Thủ tướng giao Bộ Y tế kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này; tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát việc bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc và điều kiện phòng chống dịch ở các địa phương.
Đồng thời, cũng tại công điện này, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các quy định, quy chế về phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định hiện hành về phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh. Tổ công tác liên ngành gồm 5 Bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải tập trung thống nhất xử lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh của người Việt Nam ở nước ngoài, của các chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao nước ngoài.
Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao các lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch và sẽ có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời, phù hợp. (Nld.com.vn 03/5, D.Ngọc; VTC.vn 03/5; Taichinhdoanhnghiep.net.vn 03/5; Vietnamnet.vn 03/5; Tienphong.vn 03/5; Zingnews.vn 03/5; Plo.vn 03/5; TTXVN/Baotintuc.vn 02/5; Vneconomy.vn 02/5; Tuoitre.vn 02/5; Truyền hình Nhân dân – Chương trình Thời sự 45 phút chiều + Bản tin 22h ngày 02/5 + Chương trình Thời sự 11h30 ngày 03/5; Kênh VTV1 – Bản tin Chào buổi sáng + Bản tin Thời sự 9h +12h + Bản tin Chuyển động 24h trưa ngày 03/5 + Bản tin Thời sự 19h + Bản tin Việt Nam hôm nay ngày 03/5; Kênh ANTV – Bản tin 113 ngày 03/5; Nhandan.com.vn 04/5; Nhân dân 04/5, tr1+3; Thanh niên 03/5, tr4; Công an nhân dân 04/5, tr1)
Hải Phòng xét nghiệm diện rộng chuyên gia nhập cảnh vào thành phố
Sáng 2/5, Ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP. Hải Phòng - chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Sau khi nghe các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan phát biểu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Lê Khắc Nam đề nghị Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ đội Biên phòng thành phố kiên quyết không để cho người nhập cảnh trái phép vào thành phố. Trường hợp chuyên gia và người thân nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc, thực hiện nghiêm công tác cách ly tại các khách sạn, không để tình trạng lây nhiễm trong khu cách ly, lây nhiễm cho nhân viên khách sạn, không để các trường hợp thực hiện cách ly đi ra ngoài khu cách ly.
Ngành Y tế tập trung kiểm tra an toàn của các bệnh viện, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin và tiến độ mua trang thiết bị, máy móc phòng chống dịch. Đồng thời, tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét phê duyệt việc mua vắc xin tiêm cho toàn dân; tiến hành xét nghiệm diện rộng cho nhân viên y tế và các chuyên gia nhập cảnh vào làm việc tại Hải Phòng.
Các quận, huyện thực hiện phương châm 4 tại chỗ, chủ động tổ chức khu cách ly tại quận/huyện mình. Chuẩn bị khởi động lại tổ tự quản, phối hợp với lực lượng Công an khu vực, rà soát các trường hợp nhập cảnh trái phép, không để bất cứ người nhập cảnh trái phép nào lưu trú trên địa bàn. Các địa phương, đơn vị tăng cường hơn nữa việc xử lý các trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng; các quán karaoke, quán bar, vũ trường, quán internet… hoạt động trái phép.
Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, các đơn vị quản lý các bến tàu, bến xe thông báo các đơn vị vận tải bố trí lịch bay, tàu xe phù hợp để hạn chế số lượng người tập trung cùng lúc tại sân bay, bến tàu, bến xe. (Laodong.vn 02/5; Zingnews.vn 02/5; Antt.nguoiduatin.vn 02/5; Truyền hình Nhân dân – Chương trình Thời sự 45 phút chiều 02/5; Nhân dân 03/5, tr7)
Hải Phòng: Nữ nhân viên quán bar Sunny âm tính lần 1 với SARS-CoV-2
Ngày 3/5, Sở Y tế Hải Phòng thông tin, nữ nhân viên quán bar Sunny là H.T.P (21 tuổi) trú tại xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên cho kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Hiện người này đang được cách ly để theo dõi. Theo điều tra dịch tễ P. là nhân viên phục vụ tại quán bar Sunny, khu đô thị Đồng Sơn, TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Người này làm việc cùng với 6 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Ngày 23/4, trong khoảng thời gian từ 21 - 22 giờ, chị H.T.P. phục vụ tại quán bar Sunny. Từ ngày 23/4 - 28/4, nữ nhân viên này ở và làm việc tại quán.
Ngày 29/4, người phụ nữ này đi taxi ra bến xe Gia Lâm, bắt xe khách về bến Thượng Lý, Hải Phòng (không nhớ hãng xe); sau đó đi xe ôm về nhà ở xã Mỹ Đồng.
Ngày 1/5, P. đi đám cưới bạn ở thôn 7, xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên và đi đưa dâu về nhà trai ở xã Liên Hòa, huyện Kim Thành, Hải Dương.
Tối cùng ngày, chị về nhà ở xã Mỹ Đồng, sau đó không đi đâu. Ngay sau khi xác định P. là F1, Sở Y tế Hải Phòng đã đưa P. đi cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm, phun khử khuẩn nơi ở...
Hiện, sức khỏe P. bình thường và đang được cách ly. Ngành y tế đang phối hợp các địa phương khẩn trương điều tra truy vết xác định các trường hợp có tiếp xúc gần với trường hợp này, để hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch phù hợp. (Kinhtedothi.vn 03/5, Vĩnh Quân; Nhandan.com.vn 03/5; Zingnews.vn 03/5; Plo.vn 03/5; Tienphong.vn 03/5; Vov.vn 03/5; VTC.vn 03/5; Tuoitre.vn 03/5; Laodong.vn 03/5; VTV.vn 03/5; Congluan.vn 03/5)
Phong tỏa nơi ở của nữ nhân viên quán bar ở Vĩnh Phúc về Hải Phòng
Ông Nguyễn Huy Hoàng – Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng) cho biết, địa phương đã phong tỏa nơi ở của chị H.T.P (SN 2000, trú tại xã Mỹ Đồng) trở về từ quán bar Sunny ở Vĩnh Phúc.
Cũng theo ông Nguyễn Huy Hoàng, ngành y tế thành phố đã đưa cô gái này cách ly y tế tập trung tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp để lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi sức khỏe.
Theo lãnh đạo huyện Thủy Nguyên, kết quả xét nghiệm lần 1 xác định chị H.T.P âm tính SARS-CoV-2. Cơ quan chức năng đã xác định 6 trường hợp là đồng nghiệp của H.T.P, cùng làm tại bar Sunny dương tính SARS-CoV-2. Do đó, địa phương không chủ quan, lơ là và áp dụng nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Cụ thể, phong tỏa và phun khử khuẩn nơi ở của chị H.T.P tại xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên. Qua truy vết, rà soát xác định 5 trường hợp F2, tiếp xúc với cô gái này tại quê nhà. Cả 5 trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm và yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định.
Trước đó chiều 2/5, sau khi tiếp nhận thông tin về lịch trình di chuyển, tiếp xúc của nhóm chuyên gia Trung Quốc, Sở Y tế Hải Phòng đã khẩn cấp điều tra, truy vết.
Qua đó, xác định chị H.T.P (SN 2000, ở xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) tiếp xúc gần với nhiều F0 tại Vĩnh Phúc.
Theo dịch tễ ban đầu, tối 23/4, chị H.T.P làm việc tại quán karaoke Sunny. Từ ngày 23/4-28/4, ở và làm việc tại quán karaoke này.
Ngày 29/4, đi taxi ra bến xe Gia Lâm, bắt xe khách về bến xe Thượng Lý (TP. Hải Phòng), rồi đi xe ôm về nhà.
Ngày 1/5, chị H.T.P đi đám cưới bạn tại thôn 7, xã Đông Sơn (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) và đi đưa dâu về nhà trai tại xã Liên Hòa (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương). Tối cùng ngày, chị P về nhà không đi đâu.
Tính đến tối 2/5, cơ quan chức năng đã xác định 6 nhân viên làm tại bar Sunny ở TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc có kết quả dương tính SARS-CoV-2 lần 1. Chị H.T.P và 6 đồng nghiệp đều liên quan tới nhóm chuyên gia Trung Quốc. (Tienphong.vn 03/5, Nguyễn Hoàn; Baotainguyenmoitruong.vn 03/5)
Thêm 1 địa phương tiến hành xử phạt trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng
Công an xã An Đồng (An Dương, Hải Phòng) cho biết đã phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý 8 trường hợp không đeo khẩu trang, trong đó lập biên bản xử phạt hành chính đối với 6 trường hợp, mỗi trường hợp 1 triệu đồng.
Chiều 2/5, xã An Đồng (huyện An Dương) ra quân xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; kiểm tra việc chấp hành dừng hoạt động đối với các dịch vụ không thiết yếu như karaoke, mát xa, xông hơi, game, internet...
Qua tuần tra, kiểm soát, Đoàn công tác đã phát hiện, xử lý 8 trường hợp không đeo khẩu trang, xử phạt hành chính 6 trường hợp, mỗi trường hợp 1 triệu đồng, tổng số 6 triệu đồng, nhắc nhở 2 trường hợp; kiểm tra 4 quán karaoke, 2 quán mát xa, 6 quán game, internet... về việc chấp hành dừng hoạt động.
Qua kiểm tra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã thực hiện nghiêm túc việc dừng hoạt động theo chỉ đạo của thành phố và huyện. (Suckhoedoisong.vn 03/5, K.Chi)
Hải Phòng: Người lao động các khu công nghiệp phải khai báo y tế khi trở lại làm việc
Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng ban hành công văn hỏa tốc số 1848/BQL-LĐ ngày 3/5/2021 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, theo chỉ đạo của Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, từ ngày 3/5, tất cả người lao động (gồm lao động ở các doanh nghiệp và lao động ở công trường) khi quay trở lại làm việc bắt buộc khai báo y tế trên trang https://tokhaiyte.vn của Bộ Y tế. Riêng đối với lao động ngoại tỉnh và người lao động có ra khỏi địa bàn thành phố, khi quay trở lại doanh nghiệp phải khai báo trực tiếp với chính quyền địa phương nơi cư trú, tạm trú và doanh nghiệp.
Các trường hợp đi từ địa phương, vùng dịch trở về thực hiện cách ly tập trung hoặc cách ly tại nơi cư trú. Người trở về từ tỉnh có dịch và các tỉnh khác thực hiện khai báo y tế, khi đi làm phải tự theo dõi sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng dịch, khuyến khích xét nghiệm dịch vụ SARS-CoV-2. Người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức trong các khu công nghiệp, khu kinh tế chịu trách nhiệm về việc khai báo, phòng chống dịch của người lao động.
Các doanh nghiệp tăng cường biện pháp phòng chống dịch, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, không để dịch bệnh lây lan tại doanh nghiệp và công trường; quản lý, giám sát chuyên gia và người lao động hết thời gian cách ly tập trung trở về doanh nghiệp, yêu cầu những trường hợp này cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú đủ 14 ngày tiếp theo. Nếu có các biểu hiện sốt, ho, đau họng, tức ngực, khó thở... phải kịp thời báo ngay cho ngành Y tế để có biện pháp xử lý phù hợp.
Cùng với đó, đề xuất danh sách xét nghiệm diện rộng với chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại doanh nghiệp để Ban Quản lý tổng hợp gửi Sở Y tế triển khai xét nghiệm... (Laodong.vn 03/5, Mai Dung)
Doanh nghiệp kiểm tra chặt chẽ người lao động trở lại làm việc
Từ sáng 3/5, hơn 1.000 công nhân công ty TNHH Synztec (Khu công nghiệp Nomura) trở lại làm việc. Theo bà Đoàn Lệ Thương - Chủ tịch Công đoàn Cty Synztec - trước khi NLĐ trở lại làm việc, công ty yêu cầu người lao động (NLĐ) khai báo y tế. Những công nhân có lịch trình liên quan đến các địa phương ghi nhận ca mắc COVID-19 đều được yêu cầu nghỉ để theo dõi y tế tại nhà.
“Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền từ trước kỳ nghỉ lễ nên phần lớn NLĐ không tham quan, du lịch, hạn chế thăm người thân trong kỳ nghỉ lễ. Số lượng NLĐ phải nghỉ vì có đi qua địa phương ghi nhận ca mắc COVID-19 là không nhiều” - chị Thương cho hay.
Còn tại Cty TNHH 4P Electronics (khu công nghiệp (KCN) Tràng Duệ), để bảo đảm yếu tố an toàn lao động sản xuất trong ngày đầu trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ, công ty yêu cầu toàn bộ NLĐ ra khỏi thành phố khai báo y tế tại nơi cư trú và thông báo cho công ty trước khi trở lại làm việc. Các trường hợp liên quan đến ca mắc COVID-19 hoặc có di chuyển qua địa phương có dịch đều được đề nghị tạm thời nghỉ tại nhà, không trở lại làm việc. Tuy nhiên, trong ngày 3/5, công ty chỉ có 1 trường hợp là F3 được yêu cầu nghỉ ở nhà theo dõi, chờ kết quả của những người liên quan.
Ngoài việc rà soát NLĐ trở lại làm việc sau kỳ nghỉ, các biện pháp phòng, chống dịch vẫn được công ty đẩy lên mức độ cao nhất. Cụ thể như việc khử khuẩn toàn bộ nhà xưởng trước khi đón NLĐ trở lại làm việc, yêu cầu NLĐ đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc, di chuyển; sát khuẩn tay, kiểm tra thân nhiệt trước khi vào nhà máy. Công ty có bộ phận thường xuyên nhắc nhở NLĐ giữ khoảng cách an toàn, thực hiện nghiêm quy định phòng dịch tại nơi làm việc...
Bên cạnh đó, để bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19, trong ngày 3/5, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng ban hành công văn hỏa tốc số 1848/BQL-LĐ. Theo đó, từ ngày 3/5, tất cả NLĐ (gồm lao động ở các doanh nghiệp và lao động ở công trường) khi quay trở lại làm việc bắt buộc khai báo y tế. Riêng đối với lao động ngoại tỉnh và NLĐ có ra khỏi địa bàn thành phố, khi quay trở lại doanh nghiệp phải khai báo trực tiếp với chính quyền địa phương nơi cư trú, tạm trú và doanh nghiệp.
Các trường hợp đi từ địa phương, vùng dịch trở về thực hiện cách ly tập trung hoặc cách ly tại nơi cư trú. Người trở về từ tỉnh có dịch và các tỉnh khác thực hiện khai báo y tế, khi đi làm phải tự theo dõi sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng dịch, khuyến khích xét nghiệm dịch vụ SARS-CoV-2. Người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức trong các KCN, khu kinh tế chịu trách nhiệm về việc khai báo, phòng chống dịch của NLĐ.
Cũng theo ông Phạm Minh Đức - Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng - các doanh nghiệp tăng cường biện pháp phòng chống dịch, quản lý, giám sát chuyên gia và NLĐ hết thời gian cách ly tập trung trở về doanh nghiệp, yêu cầu những trường hợp này cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú đủ 14 ngày tiếp theo. Cùng với đó, đề xuất danh sách xét nghiệm diện rộng với chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại doanh nghiệp để Ban Quản lý tổng hợp gửi Sở Y tế triển khai xét nghiệm... (Laodong.vn 04/5)
Hồng Bàng (Hải Phòng): Tuyên truyền, hướng dẫn, xử lý vi phạm về phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Ngày 30/4, UBND thành phố Hải Phòng có Công văn số 2803/UBND-VX chỉ đạo về việc bắt buộc mọi người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Theo đó, UBND thành phố Hải Phòng giao Công an thành phố Hải Phòng và UBND các quận, huyện trên địa bàn tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hải Phòng, UBND quận Hồng Bàng giao Công an quận chủ trì hướng dẫn Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự, Công an quận, UBND các phường phối hợp với Công an 9 phường triển khai tại địa bàn phường. Theo kế hoạch, các lực lượng liên ngành tổ chức nhắc nhở người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, phạt những trường hợp không chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Sau khi tập trung lực lượng tại nhà hát lớn, các đơn vị tổ chức tuyên truyền trên các tuyến phố Quang Trung, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú... Các trường hợp nhắc nhở, xử phạt được thống kê, báo cáo về UBND quận Hồng Bàng theo quy định.
Đồng thời, thực hiện chỉ đạo Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, Công an quận Hồng Bàng tổ chức tuần tra vũ trang, chốt điểm, kiểm tra lưu trú, kiểm tra hành chính, vây ráp các điểm, tụ điểm phức tạp đảm bảo an ninh trật tự. Qua đó, đảm bảo tuyệt đối an toàn về an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố Hải Phòng nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021) và ngày Quốc tế lao động (1/5/2021), kỷ niệm các ngày Lễ lớn trong tháng 5/2021 và kỷ niệm 66 năm ngày giải phóng Hải Phòng; bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Sáng 1/5/2021, Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự, Công an quận Hồng Bàng phối hợp UBND và Công an các phường: Hoàng Văn Thụ và Phan Bội Châu xử lý các trường hợp tham gia giao thông vi phạm chống dịch Covid -19. Theo đó, UBND phường Hoàng Văn Thụ đã xử lý 17 trường hợp không đeo khẩu trang, trong đó 12 trường hợp viết cam kết, 5 trường hợp xử phạt 5 triệu đồng; UBND phường Phan Bội Châu xử lý 12 trường hợp trong đó 10 trường hợp viết cam kết, 2 trường hợp phạt tiền tổng số tiền 2 triệu đồng. Chiều 1/5, Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự, Công an quận Hồng Bàng kết hợp với UBND và Công an 3 phường Hoàng Văn Thụ, Minh Khai, Phan Bội Châu kiểm tra 44 trường hợp, xử phạt 13 trường hợp với số tiền 13 triệu đồng, nhắc nhở 31 trường hợp. Theo thống kê, trong ngày 1/5, các lực lượng chức năng quận Hồng Bàng đã thực hiện kiểm tra 73 trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh Covid 19, xử phạt 20 trường hợp với số tiền 20 triệu đồng, nhắc nhở 53 trường hợp.
Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh Covid 19, các lực lượng chức năng quận Hồng Bàng thực hiện tuyên truyền để người dân thực hiện các quy định của thành phố. Đồng thời, nhắc nhở, hướng dẫn những người nước ngoài lưu trú, lưu thông trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid – 19 của các cơ quan chức năng như: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không tập trung đông người nơi công cộng, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, khai báo y tế. Đồng thời, triển khai phát khẩu trang, xịt nước sát khuẩn cho người dân, du khách nước ngoài… (Baoxaydung.com.vn 02/5, Hải Nguyên – Đăng Hùng)
Mặt trận Tổ quốc TP. Hải Phòng hỗ trợ hơn 12 tỷ đồng phòng chống dịch
Ngày 29/4, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hải Phòng Đỗ Tràng Thành đã trao kinh phí hỗ trợ công tác phòng chống Covid-19 cho Sở Y tế Hải Phòng số tiền hơn 12,2 tỷ đồng.
Đây là đợt thứ 2 Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hải Phòng chuyển kinh phí hỗ trợ đến lực lượng phòng chống dịch Covid-19 của thành phố. Trải qua 3 đợt dịch Covid-19, nhờ làm tốt công tác kiểm soát, Hải Phòng đã ngăn chặn được nguy cơ dịch bệnh lan rộng.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng như tại các nước tiếp giáp Việt Nam diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng. Đặc biệt trong thời điểm chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP. Hải Phòng các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nhiệm vụ ngăn chặn dịch bệnh càng cần được quan tâm hơn nữa.
Số tiền hơn 12,2 tỷ đồng được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hải Phòng trao tặng Sở Y tế với mong muốn góp phần chung tay ngăn chặn, đẩy lùi, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Sở Y tế TP. Hải Phòng cho biết ngành Y tế sẽ sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ, đảm bảo đúng theo quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trên địa bàn. (Daidoanket.vn 30/4, Nam Khánh)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
Hải Phòng: Hướng dẫn hoạt động tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử
Các ứng viên không lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ngày 29/4, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hải Phòng phối hợp với UBND TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị thông báo tình hình kinh tế - xã hội và trao đổi về công tác tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hải Phòng phổ biến yêu cầu việc tổ chức vận động bầu cử đối với các ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND TP. Hải Phòng nhiệm kỳ 2021-2026 phải đảm bảo công khai, dân chủ, bình đẳng và xây dựng. Các cuộc vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri tạo không khí trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa người ứng cử và cử tri. Các ứng viên không lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo đó, cuộc vận động bầu cử có 3 hình thức chính: Thông qua gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức; Trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng; Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác.
Đối với nội dụng vận động bầu cử cũng có 3 nội dụng chính. Người ứng cử trình bày ý kiến của mình về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; Trình bày dự kiến chương trình hành động nếu được bầu; Người ứng cử và cử tri trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm, người ứng cử trả lời các câu hỏi của cử tri.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hải Phòng cũng thông báo các hoạt động tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (ngày 28/4/2021) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24h (trước 7h ngày 22/5/2021). (Daidoanket.vn 30/4, Nam Khánh; Truyền hình Nhân dân – Chương trình Thời sự 45 phút chiều 29/402/5)
Quận Hải An, Hải Phòng: Hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp
Sáng 28/4, quận Hải An, thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tại hội nghị, lãnh đạo Phòng Nội vụ - UBND quận đã hướng dẫn nghiệp vụ triển khai công tác bầu cử cho các thành viên tổ chức phụ trách bầu cử; trình tự các công việc phải triển khai. Trong đó, tập trung vào các nội dung trọng tâm: những công việc cần thực hiện trước ngày bầu cử; công tác tuyên truyền; phân công nhiệm vụ cho thành viên tổ bầu cử; trang trí tại địa điểm bỏ phiếu; rà soát các phương tiện vật chất - kỹ thuật phục vụ bầu cử; quản lý phiếu bầu cử; quy trình cách thức tổng hợp, báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; hướng dẫn, chuyển giao tài liệu về kỹ năng, nghiệp vụ công tác kiểm phiếu, lập biên bản kết quả bầu cử và báo cáo kết quả bầu cử đến các thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử; chế độ thông tin báo cáo và thảo luận, trao đổi, giải đáp các thắc mắc về công tác bầu cử.
Đồng thời, phố biến yêu cầu việc tổ chức vận động bầu cử đối với các ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND TP. Hải Phòng nhiệm kỳ 2021-2026 phải đảm bảo công khai, dân chủ, bình đẳng và xây dựng. Các cuộc vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri tạo không khí trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa người ứng cử và cử tri. Các ứng viên không lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
Tham dự hội nghị, các đại biểu đã nghiêm túc tiếp thu các nội dung được hướng dẫn để triển khai công tác bầu cử đảm bảo đúng quy trình, đúng quy định pháp luật; góp phần để cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, bình đẳng, an toàn, tiết kiệm, đúng pháp luật và thực sự là Ngày hội của toàn dân. (Phapluatxahoi.vn 30/4, Ngọc Dũng)
200 nữ ứng cử viên đại biểu HĐND được tập huấn kỹ năng bầu cử
Chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang cận kề, những ngày qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Ngô Quyền (TP. Hải Phòng) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng vận động bầu cử cho hơn 200 nữ ứng cử viên đại biểu HĐND cấp phường, quận.
Chiều 28/4, tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Ngô Quyền, bà Đào Ánh Hồng, Trưởng Ban Tổ chức, Hội LHPN TP. Hải Phòng đang tập huấn kỹ năng cho 60 nữ ứng cử viên, trong đó có 25 ứng cử viên ứng cử đại biểu HĐND cấp quận và 35 ứng cử viên ứng cử HĐND cấp phường.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Chủ tịch Hội LHPN quận Ngô Quyền cho biết, đây là lớp tập huấn thứ 3 trong mấy ngày gần đây, và ngày mai là lớp tập huấn cuối cùng cho những nữ ứng cử viên còn lại, trung bình mỗi lớp có 60 người. Việc tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng vận động bầu cử, cụ thể là kỹ năng xây dựng chương trình hành động và kỹ năng trình bày chương trình hành động trước cử tri cho các nữ ứng cử viên.
Sau Hội nghị Hiệp thương lần 3, nữ ứng cử đại biểu HĐND cấp quận Ngô Quyền nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 25/55 đại biểu (đạt tỷ lệ 45,4%), nữ ứng cử đại biểu HĐND cấp phường là 220/423 đại biểu (đạt tỷ lệ 52%).
"Nhìn chung, trình độ của các nữ ứng cử viên nhiệm kỳ này cao hơn nhiệm kỳ trước, trên 40% nữ ứng cử viên đại biểu HĐND cấp quận có trình độ thạc sỹ và cao cấp lý luận chính trị, trên 50% nữ ứng cử viên đại biểu HĐND cấp phường có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị", bà Phạm Thị Ngọc Hà hồ hởi nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những nữ ứng cử viên dày dặn, vẫn còn một số nữ ứng cử viên trẻ lần đầu tham gia ứng cử có tâm lý nhút nhát, chưa tự tin. "Vì lẽ đó, lớp tập huấn được tổ chức để trang bị cho họ những kỹ năng mềm, đặc biệt kỹ năng tiếp xúc với cử tri tại nơi tham gia ứng cử", bà Phạm Thị Ngọc Hà cho hay.
Dẫu đây không phải là lần đầu tham gia ứng cử, nhưng trong thời điểm cận kề ngày bầu cử này, bà Nguyễn Thị Nguyên, Chủ tịch Hội LHPN phường Vạn Mỹ, ứng cử viên đại biểu HĐND phường Vạn Mỹ cũng không khỏi lo lắng. Chỉ còn hơn 2 tuần nữa thôi là địa phương tổ chức vận động bầu cử, ứng cử viên Nguyễn Thị Nguyên vẫn chưa xây dựng xong chương trình hành động.
Được biết, nơi ứng vử viên Nguyễn Thị Nguyên tham gia ứng cử có những khu tập thể đang xuống cấp, và theo chủ trương của thành phố tới đây – vào khoảng tháng 9/2021 sẽ khởi công xây dựng những tòa nhà cao tầng. Bởi vậy, trong thời điểm này, vấn đề cử tri nơi đây quan tâm là giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà chung cư, đặc biệt đối với những hội viên, phụ nữ đang sinh sống ở khu tập thể đang xuống cấp.
Thực trạng là vậy nhưng khi lên ý tưởng xây dựng chương trình hành động của mình, ứng cử viên Nguyễn Thị Nguyên lại thường sa vào những chương trình có khuynh hướng vĩ mô và không rõ ràng. "Thế nhưng sau khi tham dự lớp tập huấn này, tôi được trau đồi thêm những kiến thức, kỹ năng xây dựng chương trình hành động. Giờ đây, tôi cảm thấy rất tự tin khi xây dựng chương trình hành động của mình, cũng như kỹ năng khi tiếp xúc với cử tri", ứng cử viên Nguyễn Thị Nguyên cho hay.
Bởi vậy, không chỉ riêng ứng cử viên Nguyễn Thị Nguyên mà những nữ ứng cử viên khác khi được hỏi, đều mong muốn trong thời gian tới sẽ thường xuyên có những lớp tập huấn như thế này. "Để không chỉ riêng nữ ứng viên từ Hội LHPN, mà còn nữ ứng cử viên từ nhiều ngành khác nữa được tiếp cận những nội dung trên. Và cuối cùng hướng tới mục đích, nâng cao tỷ lệ nữ tham gia vào HĐND các cấp ngày càng đạt tỷ lệ cao", ứng cử viên Nguyễn Thị Nguyên bày tỏ.
Được biết, trong thời gian vừa qua, cùng với Hội LHPN các quận/huyện, Hội LHPN TP. Hải Phòng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kỹ năng vận động bầu cử cho các nữ ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp. Song song với đó, các lớp tập huấn về tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho cán bộ, hội viên phụ nữ cũng thường xuyên được tổ chức. (Phunuvietnam.vn 30/4, Trường Hùng)
Cát Hải đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và Huân chương Lao động hạng Ba
Ngày 1/5, UBND huyện Cát Hải, Hải Phòng long trọng tổ chức lễ công bố huyện đạt chuẩn nông thôn mới và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng được hợp nhất từ huyện Cát Hải cũ và huyện Cát Bà vào năm 1977, nằm ở phía Đông Nam TP. Hải Phòng, cách trung tâm thành phố 60km.
Năm 2004, quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt về danh lam thắng cảnh vào năm 2013. Khu vực đảo Cát Hải nằm trong quy hoạch khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đang từng bước triển khai di dời về khu tái định cư mới.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Cát Hải triển khai trên địa bàn 6 xã thuộc khu vực đảo Cát Bà. Trong quá trình triển khai huyện gặp nhiều khó khăn: Cơ sở hạ tầng còn thiếu, nhất là hệ thống giao thông và việc kết nối giao thông với đất liền, địa hình chủ yếu là đồi núi, thung, áng…
Được sự đồng lòng của người dân, sau 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Cát Hải đã có nhiều phát triển vượt bậc… Với mục tiêu xây dựng nông thôn của huyện có đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao và bền vững; nông thôn phát triển theo quy hoạch, có hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài; môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp, an toàn; các bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương được bảo tồn và phát huy; chất lượng hệ thống chính trị cơ sở được nâng cao.
Đến năm 2015, 100% các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019, huyện Cát Hải hoàn thành kết quả xây dựng 9 tiêu chí huyện nông thôn mới…Qua đánh giá mức độ hài lòng của người dân đạt 98,3%.
Có thể khẳng định, nông thôn mới thực sự là luồng gió mới không chỉ làm thay đổi diện mạo của nông thôn mà còn tạo ra môi trường mới theo hướng tích cực, đời sống Nhân dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần, qua đó tiếp tục củng cố niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương.
Đến nay diện mạo nông thôn ở Cát Hải đã thật sự thay đổi, đường làng ngõ xóm khang trang, xen giữa các thung, áng, vườn, đồi cây trái là những khách sạn, nhà nghỉ, homestay, dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường. Cát Hải đã tận dụng được tiềm năng du lịch, thủy sản, đến năm 2019, tốc độ phát triển kinh tế của huyện đạt 16%. Khách du lịch đến Cát Bà đạt 2,8 triệu lượt. Sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng đạt gần 9 nghìn tấn. Sản lượng sản xuất nông nghiệp cũng tăng cao hàng năm, thu ngân sách năm 2019 đạt 680 tỷỉ đồng bằng 5,8 lần chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tiếp tục được củng cố theo hướng tinh gọn, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, năng lực đáp ứng nhu cầu công việc được giao.
Những thành tựu bước đầu đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới là minh chứng sống động nhất, cụ thể nhất của chủ trương đúng, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng Nhân dân, để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cát Hải có thêm niềm tin, nghị lực và ý chí để quyết tâm xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hiện huyện Cát Hải đang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Tiếp tục phát huy đời sống văn hóa mang bản sắc của người dân miền biển, thân thiện, nghĩa tình, nhân văn để xây dựng văn hóa cộng đồng đoàn kết, hợp tác, phát triển. Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, môi trường, triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Xuân Đám, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đồng bộ tại 6 xã trên đảo Cát Bà gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, trong giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời gắn phong trào xây dựng nông thôn mới với xây dựng thị trấn Cát Bà trở thành đô thị văn minh; xây dựng đảo Cát Bà trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế; quyết tâm xây dựng Cát Hải sớm trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ - công nghiệp hiện đại - văn minh, là trọng điểm phát triển kinh tế biển của thành phố Hải Phòng. (Kinhtedothi.vn 01/5, Vĩnh Quân; Nongnghiep.vn 01/5)
Ông Trần Lưu Quang được điều động, bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng
Ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa được điều động, bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Sáng 4/5, tại Hải Phòng, Bộ Chính trị công bố quyết định điều động, bổ nhiệm ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Ông Trần Lưu Quang được điều động, bổ nhiệm thay ông Lê Văn Thành vừa đến nhận nhiệm vụ Phó Thủ tướng Chính phủ.
Thay mặt Bộ Chính trị, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương đã trao Quyết định, tặng hoa chúc mừng tân Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang và mong muốn ông Trần Lưu Quang trên cương vị mới sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, cùng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP. Hải Phòng xây dựng thành phố ngày càng phát triển theo đúng tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang cảm ơn sự tin tưởng của Bộ Chính trị và hứa sẽ tiếp tục cùng quân và dân TP. Hải Phòng phát huy những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng thời gian qua, xây dựng TP. Hải Phòng ngày càng văn minh, hiện đại, đúng theo kỳ vọng của Bộ Chính trị.
Ông Trần Lưu Quang, sinh ngày 30/8/1967 tại phường Trảng Bảng, thị xã Trảng Bảng, tỉnh Tây Ninh; trình độ chuyên môn Thạc sĩ Quản lý công, Kỹ sư cơ khí.
Trước khi được điều động về nhận nhiệm vụ mới tại TP. Hải Phòng, ông Quang kinh qua các vị trí, chức vụ tại tỉnh Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh.
Từ tháng 6/1994 đến tháng 8/1998, ông là chuyên viên Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Tây Ninh. Sau đó, ông được chuyển sang làm chuyên viên Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tây Ninh từ tháng 9/1998 đến hết tháng 7/2001 được bổ nhiệm, giữ chức Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Tây Ninh đến tháng 11/2003.
Từ tháng 12/2003 đến tháng 7/2006, ông làm Phó ban Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài Tây Ninh; giữ cương vị Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Tây Ninh đến tháng 8/2008.
Từ tháng 8/2008 đến năm 2011, ông kinh qua vị trí Chủ tịch UBND huyện cho đến Bí thư huyện ủy Trảng Bàng và trở thành Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh.
Từ ngày 31/7/2015, Bộ Chính trị phân công ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, nhiệm kỳ 2010-2015.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ 10, nhiệm kì 2015 – 2020, ông tái đắc cử chức danh Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa 14 tỉnh Tây Ninh.
Ngày 27/2/2019, Bộ Chính trị quyết định điều động, bổ nhiệm ông giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP Hồ Chí Minh. (Baogiaothong.vn 04/5; Vnexress.net 04/5; Thanhnien.vn 04/5; Baotainguyenmoitruong.vn 04/5)
HẢI QUAN
Hiện thực hóa trung tâm Logistics quốc tế: Điều chỉnh quy hoạch để đồng bộ hóa
Cần điều chỉnh quy hoạch với một lộ trình tổng thể về phát triển và đồng bộ hóa logistics trên địa bàn TP. Hải Phòng.
Hội nghị liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng với hơn 500 đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp và các bộ ngành địa phương “nóng” suốt hơn 4 giờ đồng hồ với hàng loạt những đề xuất tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là những giải pháp đặc thù cho ngành logistics Hải Phòng.
Hải Phòng là giao điểm của 2 hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, và hiện nay ven biển Bắc bộ là 1 trong 3 cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ trọng điểm trong kế hoạch phát triển 2 vành đai 1 vành đai giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hạ tầng logistics đã ngày càng hoàn thiện, hạ tầng cảng biển, giao thông được đầu tư mạnh mẽ có bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại, đồng bộ. Cảng kiểu mẫu quốc tế Hải Phòng hoàn thành xây dựng giai đoạn khởi động, đưa vào khai thác tuyến số 1, số 2, hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản đáp ứng kết nối các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển. Hệ thống cảng biển được đầu tư xây mới phù hợp xu hướng phát triển từng bước trở thành trung tâm dịch vụ logistic của khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, sau Nghị Quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ, phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc gia và quốc tế. Vì vậy cần điều chỉnh quy hoạch ngành logistics của Hải Phòng. Bởi trước kia quy hoạch mới chỉ dừng ở mức quốc gia chưa nhắc đến câu chuyện quốc tế.
Đặc biệt, cần nghiên cứu hướng hạ tầng kết nối với hệ thống cảng biển. Hệ thống cơ sở hạ tầng của chúng ta cần phát triển mạnh để có thể xử lý được lượng hàng lớn khi di chuyển từ các khu vực Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn. Cụ thể tìm kho bãi liên kết giữ các nhà cung cấp, các khu công nghiệp một cách linh hoạt, làm sao tiết kiệm nhất cho phần dịch vụ xếp dỡ. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, hải quan, cũng như khu vực xuất nhập khẩu. Bởi chi phí liên quan đến phát sinh giao dịch hàng hóa mất thời gian đấy cũng là tăng cho giá dịch vụ. (Enternews.vn 30/4, Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng)
Chính sách thúc đẩy hình thành trung tâm logistics Hải Phòng
Việc hình thành và phát triển của từng dự án Trung tâm logistics trên địa bàn thành phố còn ít nhiều mang tính “tự phát”, thiếu đồng bộ và không có quy hoạch rõ ràng.
Logistics là lĩnh vực hoạt động có vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thiếu trong quá trình sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội bao gồm từ sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa, đồng thời có vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển cảng biển, kinh tế biển trên cơ sở hài hòa, bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia.
Với sự phát triển của kinh tế xã hội Việt Nam trong những năm qua, hoạt động logicstics đã tăng trưởng khá nhanh cả về số lượng, quy mô và chất lượng. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng trên 2.500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, như dịch vụ giao nhận vận tải, lưu kho, phân phối, bốc xếp, khai thuê hải quan, tập trung 80% tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Hải Phòng là thành phố cảng, đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng trong nước và quốc tế, với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân trên 10%/năm, tốc độ tăng trưởng lượng hàng qua cảng xấp xỉ 15%/ năm. Trên địa bàn Hải Phòng hiện có khoảng gần 1 000 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics, tuy nhiên trong đó chỉ có khoảng trên 100 doanh nghiệp có quy mô vừa và hoạt động tích cực trong lĩnh vực logistics.
Hầu hết các doanh nghiệp chủ yếu đóng vai trò cung ứng một số dịch vụ đơn giản cho các công ty logistics nước ngoài như làm thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hóa (chủ yếu bằng đường bộ), cho thuê kho bãi... tăng nhanh cả về số lượng, cơ cấu, chất lượng phục vụ đáp ứng bước đầu nhu cầu của ngành và toàn xã hội, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, các địa phương phía Bắc và Hải Phòng, góp phần quan trọng trong việc thu gom cũng như giải tỏa hàng hóa tại các cảng biển, thúc đẩy việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế của các địa phương phía Bắc; giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa tiêu thụ ở Việt Nam cũng như hàng hóa xuất khẩu; tạo việc làm và tăng thu ngân sách, nâng cao thu nhập, mức sống của người lao động, riêng tại Hải Phòng tỷ trọng đóng góp vào GDP của thành phố từ 15÷20%.
Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp logistics Hải Phòng chủ yếu tập trung tại công tác vận chuyển, đưa rút hàng khỏi cảng (đường bộ đảm nhận vai trò chủ đạo với thị phần vận tải khoảng 70%; đường biển 24%; đường thủy nội địa 4,5%; đường sắt 1,5%). Chi phí dịch vụ logistics cao do tổ chức vận tải chưa hợp lý (chủ yếu bằng đường bộ), tổ chức giao nhận, các thủ tục hành chính còn rườm rà, chất lượng dịch vụ kho bãi thấp.
Việc hình thành và phát triển của từng dự án Trung tâm logistics trên địa bàn thành phố còn ít nhiều mang tính “tự phát”, thiếu đồng bộ và không có quy hoạch rõ ràng. Từng trung tâm được đầu tư chủ yếu nhằm phục vụ lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics mà chưa phối hợp trong định hướng chung, chính sách chung phục vụ cho lợi ích và chính sách kinh tế- xã hội của thành phố hoặc một vùng hay một địa phương.
Bởi vậy, chi phí dịch vụ logistics ở nước ta cũng như Hải Phòng còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung...
Hệ thống hạ tầng logistics chưa có các khu dịch vụ logistics quy mô lớn hỗ trợ khai thác hệ thống cảng biển. Các khu kho hàng, bến bãi dịch vụ vệ tinh chưa được quy hoạch, phát triển tự phát, nhỏ lẻ bám theo các cảng, gây tình trạng lộn xộn, manh mún, chưa gắn kết với các cảng cạn tại khu vực hậu phương, các trung tâm sản xuất tiêu thụ hàng hóa chủ yếu.
Chất lượng nguồn nhân lực logistics chưa cao, tỉ lệ nhân viên qua đào tạo (chủ yếu là tự đào tạo và tự học hỏi kinh nghiệm) mới đạt khoảng 70%, trang thiết bị, phương tiện vận tải, kho bãi chỉ tại mức 30%÷40% còn lại phải thuê ngoài để phục vụ khách hàng.
Để đáp ứng yêu cầu hình thành “Trung tâm trung tâm dịch vụ logistics quốc gia” cũng như “Hình thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại”, chúng tôi mạnh dạn đề nghị một số chính sách như sau:
Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển logistics, các dự án trung tâm logistics tập trung, có quy mô lớn, tại các khu công nghiệp có diện tích cần thiết, phù hợp cho khu dịch vụ logistics. Cần quan tâm đến tính đồng bộ giữa qui hoạch của cảng và hệ thống giao thông, hệ thống cấp điện, nước, hệ thống dịch vụ hậu cần, dịch vụ kho bãi, dịch vụ logistics, đặc biệt cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp mạnh có năng lực hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics cảng để đầu tư phát triển loại hình dịch vụ logistics tại Hải Phòng.
Thứ hai, Nghiên cứu và ban hành các cơ chế cho thuê đất, hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng cho Trung tâm logistics tập trung như cho các dự án lớn của Sungoup, Vinfast
Thứ ba, Hỗ trợ các doanh nghiệp logistics lớn trong nước và quốc tế góp vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm logistics tại Lạch Huyện, Đình Vũ với cam kết dành cho các doanh nghiệp logistics nhiều cơ chế ưu đãi đặc biệt trong quá trình khai thác sử dụng dịch vụ.
Thứ tư, Cho phép nhập khẩu các phương tiện vận tải, bốc dỡ, bảo quản, lưu kho hàng hóa chuyên dùng miễn, giảm thuế nhập khẩu để các doanh nghiệp có thể đầu tư bổ sung, nâng cấp, hiện đại hóa trang thiết bị, tăng cường năng lực dịch vụ logistics cảng và khả năng cạnh tranh trên thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cảng hoặc áp dụng các hình thức thuê mua...
Quy hoạch phát triển cảng Hải Phòng một cách hợp lý, không phát triển thêm các cảng dọc bờ sông Cấm. Từng bước hợp nhất các cảng nhỏ thành doanh nghiệp có quy mô đảm bảo đủ lớn về cả chiều dài cầu tàu và diện tích sử dụng để cảng đủ điều kiện đầu tư phát triển trung tâm logistics tập trung, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đổi mới quản lý nhà nước đối với dịch vụ logistics ở cảng Hải Phòng phải hướng tới hình thành mô hình dịch vụ logistics điện tử (E-logistics). Xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ thông tin phục vụ cho cộng đồng dịch vụ logistics ở cảng Hải Phòng. Cần sớm tiêu chuẩn hoá dịch vụ logistics cảng biển, trung tâm logistics tập trung. (Enternews.vn 30/4, PGS.TS Đan Đức Hiệp - Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng)
Phát triển logistics Hải Phòng: Xác định tiêu chí và ngành hàng trung tâm logistics
Với những “điểm nghẽn” về hạ tầng và thể chế, Hải Phòng cần có giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics trên địa bàn Thành phố.
Hải Phòng cần thiết có sự đầu tư, quy hoạch trung tâm logistics một cách bài bản nhằm khắc phục những hạn chế hiện có và thu hút nguồn hàng đến với Hải Phòng.
Theo kết quả khảo sát của VLI (04/2021) về Đề xuất thể chế, chính sách phát triển trung tâm logistics tại Hải Phòng, thì có đến 92,59% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng tính kết nối vận tải đa phương thức thuận tiện của trung tâm logistics là nhân tố quan trọng hàng đầu, vị trí của trung tâm logistics gần nguồn hàng là ưu tiên thứ hai với 62,96% phiếu bình chọn, lực lượng lao động chuyên môn dồi dào và giá thuê đất rẻ lần lượt chiếm tỷ lệ là 44,44% và 40,74%.
Tiêu chí về quỹ đất sẵn có chiếm tỷ lệ bình chọn thấp hơn với 37,04%. Có thể thấy, tính kết nối vận tải đa phương thức và nguồn hàng của trung tâm logistics là hai tiêu chí được các doanh nghiệp rất quan tâm. Từ đó đặt ra vấn đề rằng, với tiềm năng phát triển của Hải Phòng trong tương lai thì trung tâm logistics phù hợp với những ngành hàng chủ yếu nào?
Về ngành hàng trong trung tâm Logistics, Hải Phòng có nhiều lợi thế về mặt địa lý khi có thể kết nối nhiều nguồn hàng khác nhau. Trong đó, nguồn hàng từ các tỉnh Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và hàng hóa quá cảnh từ Lào đổ về Hải Phòng đang gặp phải tình trạng quá tải, ùn ứ hàng hóa tại đây dẫn đến tốn thời gian chờ đợi cộng với chi phí hạ tầng, chi phí xếp dỡ ngày càng tăng nên các tỉnh thành này có xu hướng khuyến phát triển cảng biển địa phương, tránh phụ thuộc vào Hải Phòng.
Trước thực trạng đó, trung tâm logistics tại Hải Phòng nên được quy hoạch phục vụ cho hàng container xuất nhập khẩu. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng có đến 96,03% doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng tình với ý kiến trên.
Căn cứ trên nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa tại Hải Phòng và ý kiến khảo sát của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hoạt động trên địa bàn Thành phố. VLI đề xuất mô hình trung tâm logistics gồm các khu vực và các loại hình dịch vụ.
Khu vực văn phòng giao dịch của các công ty: gồm các văn phòng giao dịch của các đơn vị vận tải đường bộ, đường thủy, đường biển, …hoặc của các chủ hàng lớn nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục hàng hóa.
Khu vực các dịch vụ hỗ trợ: các đơn vị về tài chính, bảo hiểm, … Khu thương mại tự do: đây là điểm đột phá trong mô hình trung tâm logistics tại Hải Phòng, các doanh nghiệp đa quốc gia trong khối phi mậu dịch có thể giao thương tại đây.
Các dịch vụ trong trung tâm logistics: Như hình 4 thể hiện rõ dịch vụ được doanh nghiệp quan tâm như Dịch vụ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu với tỷ trọng 92.59%; dịch vụ đóng gói hàng hóa, dán tem và xử lý… chiếm tỷ tọng 70.37%...
Việc xây dựng trung tâm logistics đòi hỏi cần có mô hình đầu tư, quản lý đồng bộ mới đạt được hiệu quả. Trên thế giới có nhiều mô hình trung tâm logistics lớn như trung tâm Logistics Bremen, Rotterdam, Los Angeles, Antwerp, Hong Kong, …và tại Việt Nam cũng có một bài học từ trung tâm Logistics Tiên Sơn. Từ bài học kinh nghiệm từ các mô hình trên và qua khảo sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn TP. Hải Phòng, VLI nhận thấy mô hình với Nhà nước quy hoạch chính sách; Doanh nghiệp đầu tư, vận hành và quản lý rất phù hợp với thực trạng trên địa bàn Thành phố.
Từ kết quả nghiên cứu khảo sát, VLI nhận thấy nhu cầu cấp thiết xây dựng trung tâm Logistics mà ở đó đáp ứng được những nhu cầu cần thiết của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong hoạt động logistics tại Hải Phòng. Để làm được điều đó, một số để xuất về chính sách phát triển trung tâm Logistics sau đây phần nào sẽ gợi mở những hướng đi mới cho Hải Phòng.
Cụ thể, thứ nhất, rà soát các quy hoạch, căn cứ tính pháp lý (quỹ đất) để xác định vị trí trung tâm logistics. Thứ hai, căn cứ vào nguồn hàng để xác định quy mô và chức năng của trung tâm logistics.
Thứ ba, xây dựng mô hình đầu tư, quản lý trung tâm logistics có hiệu quả. Thứ tư, xây dựng chiến lược thực hiện (phân kỳ giai đoạn), nguồn vốn dự toán chi tiết.
Thứ năm, nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường của trung tâm logistic. Thứ sáu, ban hành chính sách khuyến khích hoạt động vận tải đa phương thức trên địa bàn Thành Phố.
Tóm lại, với thực trạng trong hoạt động logistics trên địa bàn TP. Hải Phòng, ngành logistics tại đây có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, những “điểm nghẽn” cũng là những khó khăn rất thực tế của doanh nghiệp đã đặt ra cho Hải Phòng cần có những chính sách và chiến lược cụ thể để đón đầu xu hướng nhằm đưa Hải Phòng trở thành trung tâm logistics của quốc gia mang tầm quốc tế như Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 đã đề cập. (Enternews.vn 01/5, PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI); Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh)
KINH TẾ
Muốn thành công, Hải Phòng phải tháo bỏ “nút nghẽn”
Với sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao, tận dụng tối đa thời cơ và sự ủng hộ của nhân dân, Hải Phòng đã thành công trong thực hiện “nhiệm vụ kép”: kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng; kinh tế - xã hội duy trì tốc độ phát triển, tạo những dấu ấn nổi bật.
Song song với phòng chống dịch có hiệu quả, Hải Phòng cũng nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong quý I, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 13,22%, gấp 2,95 lần bình quân cả nước (4,48%); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,72 tỷ USD, tăng 25,15%; sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 33,93 triệu tấn, tăng 16,66%; thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 22,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2%; trong đó, thu nội địa đạt gần 8,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7%; thu hút 920,7 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, gấp 4,25 lần so với cùng kỳ 2020.
Ngay sau Đại hội XVI Đảng bộ TP, Thành ủy và các cấp ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; đặc biệt là các công trình, dự án, đề án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của TP.
Hải Phòng cũng tạo được dấu ấn riêng khi có những quyết sách táo bạo: Xây dựng mỗi phường 1 công viên xanh; xây dựng hơn một trăm cây cầu trong giai đoạn 2021-2025; dự kiến chi hơn 6.000 tỷ đồng từ ngân sách để xây mới, hoặc cải tạo 187 chung cũ, xuống cấp; dành 2.500 tỷ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; hạ ngầm toàn bộ hệ thống đường dây điện, đường cáp viễn thông; lập dự án cải tạo, chỉnh trang hè đường dự kiến khoảng 300 tuyến đường, với kinh phí đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng.
Nguyên Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, Hải Phòng còn tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục dứt điểm trong thời gian tới như: Giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện một số dự án trọng điểm còn chưa đạt tiến độ như mong muốn; cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương ở một số đơn vị chưa nghiêm; tai nạn giao thông có xu hướng tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ… Ông Thành đã nhiều lần khẳng định, Hải Phòng muốn thành công thì phải tháo bỏ những “nút nghẽn” để phát triển bứt phá.
Trong thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục triển khai quyết liệt việc thực hiện chủ đề năm “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, trong đó xây dựng 21 công viên trong năm 2021 và 46 công viên trong năm 2022.
Cùng với việc hoàn thiện các thủ tục giải ngân vốn đầu tư công, Hải Phòng cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình cầu, đường đang thi công như: Tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường Đông Khê 2; cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; cải tạo, nâng cấp đường 359 từ cầu Bính đến xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên; cầu Dinh, cầu Quang Thanh, cầu Rào 1... đồng thời khởi công xây dựng các công trình: Tuyến đường Vành đai 2 đoạn Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện; cầu Bến Rừng; cầu Nguyễn Trãi; cầu Vũ Yên; cầu Lại Xuân; cầu Nghìn 2; cầu Rào 3; nút giao Tôn Đức Thắng - Máng Nước - QL5...
Để thực hiện thành công Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng đặt mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và huy động tối đa các nguồn lực xã hội vào 3 trụ cột kinh tế: công nghiệp, công nghệ cao; cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. (Baophapluat.vn 01/5, Phương Thanh)
Diện mạo thành phố Thủy Nguyên thuộc TP. Hải Phòng sẽ như thế nào?
Những năm gần đây, thành phố Hải Phòng nổi lên là địa phương được đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng, cầu đường, hạ tầng giao thông, cảng biển với hàng trăm nghìn tỉ đồng được giải ngân. Cùng với đó, việc Hải Phòng lập đề án xây dựng thành phố Thủy Nguyên (trực thuộc TP. Hải Phòng) rất được dư luận, người dân quan tâm, hưởng ứng.
Theo đó, tại cuộc họp ngày 24/11/2020, Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên như đề xuất của Ban cán sự đảng UBND TP. Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng giao Ban cán sự UBND TP chỉ đạo việc xây dựng Đề án đúng theo quy định, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố theo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đến ngày 30/12/2021, UBND TP. Hải Phòng đã có tờ trình về việc báo cáo thống nhất chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên, gửi Bộ Nội vụ với các chỉ tiêu, hiện trạng của huyện Thủy Nguyên. Tờ trình cũng đã đánh giá tiêu chuẩn để thành lập thành phố tại huyện này, đồng thời nêu rõ những kiến nghị, đề xuất khi thành lập thành phố tại đây. TP. Hải Phòng mong muốn được Bộ Nội vụ thống nhất chủ trương và hướng dẫn về trình tự, thủ tục đến địa phương tiến hành các bước xây dựng Đề án theo quy định.
Ngày 8/1/2021, Bộ Nội vụ đã có công văn 108/BNV-CQĐP gửi UBND TP. Hải Phòng, trong đó, Bộ Nội vụ thống nhất với UBND TP. Hải Phòng về chủ trương xây dựng Đề án thành phố thuộc TP. Hải Phòng trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của huyện Thủy Nguyên. Bộ Nội vụ đề nghị UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị liên quan đánh giá các điều kiện, tiêu chuẩn về việc thành lập thành phố theo quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương cùng các điều luật liên quan để xây dựng hồ sơ, đề án đảm bảo theo đúng tiến độ.
Theo đại diện Sở Nội vụ TP. Hải Phòng, toàn thành phố Hải Phòng có diện tích tự nhiên 1.562km2, tổng dân số là 2,028 triệu người, trong đó số dân thành thị chiếm khoảng hơn 45%. Huyện Thủy Nguyên nằm phía bắc của TP. Hải Phòng, có dân số và diện tích lớn nhất so với các quận, huyện của thành phố, với 35 xã (có 6 xã miền núi), 2 thị trấn, diện tích tự nhiên gần 262km2, dân số xấp xỉ 334.000 người, là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, AN-QP, giao thông, cửa ngõ ra biển vịnh Bắc Bộ.
Trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của huyện Thủy Nguyên luôn vượt mục tiêu, duy trì ở mức cao, tỉ trọng giá trị sản xuất các ngành chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỉ trọng công nghiêp - xây dựng - dịch vụ, thu hút đầu tư trên địa bàn tăng, nhiều dự án được xây dựng mới, các doanh nghiệp cũng phát triển cả về số lượng lẫn quy mô, kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư hiện đại, đồng bộ.
“Cùng với đó, công tác quy hoạch phát triển đô thị cũng được huyện tập trung thực hiện. Tổng diện tích quy hoạch đô thị công nghiệp là 13.585ha, chiếm 52% tổng diện tích tự nhiên của huyện, trong đó quy hoạch phát triển đô thị là 7.817ha. Huyện cũng đang triển khai xây dựng Khu đô thị Bắc Sông Cấm với diện tích 3.478ha, khu đô thị Minh Đức, Núi Đèo và phần đô thị mở rộng Lưu Kiếm, Quảng Thanh…” - đại diện sở Nội vụ Hải Phòng cho biết.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, hiện huyện Thủy Nguyên là đơn vị hành chính nông thôn. Mô hình quản lý chính quyền nông thôn hiện không còn phù hợp và không đáp ứng được theo yêu cầu trong tình hình mới. Do đó, việc thành lập chính quyền đô thị tại đây sẽ tạo điều kiện phát huy tốt hơn các tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên hoàn toàn phù hợp với các đơn vị hiện hành, xứng đáng với vị thế chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và phù hợp xu thế phát triển, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đà cho địa phương phát triển. “Việc thành lập thành phố tại huyện Thủy Nguyên là yêu cầu khách quan và cấp thiết” - ông Tùng nói.
Theo Sở Nội vụ Hải Phòng, trong 5 tiêu chuẩn để thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, huyện Thủy Nguyên cơ bản đạt được tiêu chuẩn về dân số, diện tích, số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội. Huyện có 18/37 (48,7%) xã đạt tiêu chuẩn phường thuộc thành phố. Hiện UBND TP. Hải Phòng đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu trong năm 2021 hoàn thành các tiêu chí theo quy định. Theo dự kiến, TP.Thủy Nguyên sẽ có 18 phường và 27 xã. Trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hải Phòng lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định mục tiêu thành lập thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên, trở thành trung tâm hành chính - chính trị của TP. Hải Phòng, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch, giáo dục... của TP. Hải Phòng cũng như khu vực duyên hải Bắc Bộ. (Laodong.vn 01/5, Hoàng Hoan)
Mô hình nuôi cá rô phi trong môi trường nước lợ
Các nhà khoa học của Viện Tài nguyên môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã xây dựng thành công quy trình nuôi cá rô phi bằng công nghệ biofloc trong môi trường nước lợ và chuyển giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, Chi cục Thủy sản Hải Phòng, Trung tâm khuyến nông Hải Phòng để áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân nuôi trồng thủy sản.
Các nhà khoa học đã xây dựng kỹ thuật tạo thành và duy trì biofloc trong môi trường nước lợ, xây dựng mô hình nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm bằng biofloc trong môi trường nước lợ với quy mô sản xuất. Quy trình kỹ thuật nuôi cá rô phi bằng công nghệ biofloc đã được đăng ký sở hữu trí tuệ. (Nhandan.com.vn 01/5)
Giống bầu lạ, quả tròn khổng lồ mỗi trái nặng 15kg ăn cả tuần không hết
Giống bầu lạ quả tròn khổng lồ ở huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) được lưu truyền qua nhiều thế hệ và vẫn giữ được vị đậm, ngon của thứ quả độc đáo.
Mặc dù quá trình đô thị hóa phát triển nhanh, đất bị thu hẹp nhưng gia đình ông Trần Hiệu Quả và ông Đoàn Quang Chiêm (xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải) cho đến nay vẫn còn giữ giống và trồng loại bầu độc đáo này.
Chỉ cho chúng tôi những quả bầu được đỡ bởi thanh gỗ, ông Đoàn Quang Chiêm lý giải, khi quả bầu nặng khoảng 2kg, nếu không làm giá đỡ, quả lớn nhanh, cuống sẽ không giữ được quả trên giàn. Đến khi bầu phát triển cả chục kg, người trồng bầu mới cắt xuống.
Giàn bầu trước cửa nhà ông Chiêm, thời điểm sai quả có thể ra được 100 quả, quả nào cũng to. Ông Chiêm làm giàn kiên cố để trồng qua các mùa.
Theo ông Chiêm, trước đây, người dân Cát Hải trồng bầu để làm gáo múc nước phục vụ sản xuất nước muối, nước mắm thủ công. Nhiều năm trở lại đây, khi nghề làm muối thủ công ở Cát Hải mai một, bầu được dùng để chế biến món ăn hằng ngày.
Quả bầu to, tròn, cùi dày, vị đậm đà, có thể xào tỏi, nhúng lẩu nhưng ngon nhất là nấu canh với tôm tươi. Đặc biệt, nhiều người dân Cát Hải khi nấu canh bầu này thì cho thêm vào một ít rau dền cơm, canh sẽ rất ngon ngọt.
Thời kỳ cao điểm, gia đình ông có thể bán được 20.000 đồng/kg, cũng có thời kỳ dao động từ 10-15.000 đồng/kg. Thu nhập mỗi vụ không phải con số "khủng" nhưng cũng đủ khiến ông vui khi giữ được của giống bầu do cha ông để lại.
Ông Trần Hiệu Quả cho biết, để có được những giàn bầu sai trĩu quả, quả nào quả nấy to bằng miệng nón, những người nông dân ở Cát Hải nói chung, xã Nghĩa Lộ nói riêng phải dành không ít công sức từ ươm hạt, trồng cây, chăm sóc cây, làm giàn.
Mặc dù nhiều người tìm tới mua giống để mang đi các nơi khác trồng nhưng theo ông Quả, bầu quả tròn trồng ở Cát Hải mới cho ra những quả nặng trên 10kg, thậm chí lên tới 15kg. Lý giải điều này, ông Quả cười bảo: "Là do hợp đất, hợp khí hậu".
Những người trồng bầu cho biết, quả bầu được chọn làm giống là quả bầu gốc, khoảng tháng 6, tháng 7 Âm lịch, họ sẽ lấy hạt giống sau đó ra bầu, chuẩn bị cây cho vụ sau. (Danviet.vn 02/5, Hải Nguyên; Vietnamnet.vn 03/5)
PHÁP LUẬT – AN NINH QUỐC PHÒNG
Hải Phòng: Cháy lớn ở xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em
Khoảng 10h ngày 29/4, một vụ cháy lớn xảy ra tại cơ sở sản xuất đồ chơi trẻ em có địa chỉ tại thôn Phạm Dùng, xã An Hồng, An Dương (Hải Phòng).
Thông tin ban đầu, khoảng 10h ngọn lửa bắt đầu bùng lên từ trong nhà xưởng công ty chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em có địa chỉ tại thôn Phạm Dùng, xã An Hồng (An Dương, Hải Phòng). Sau đó ngọn lửa bốc cháy dữ dội, cột khói cao hàng trăm mét, trong lúc cháy có kèm tiếng nổ. Phát hiện có cháy, hơn 30 công nhân trong xưởng hô hoán, tháo chạy ra ngoài.
Đội cảnh sát chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Khu vực 4 (Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an TP. Hải Phòng) đã huy động cán bộ, chiến sĩ và 2 xe cứu hỏa có mặt tại hiện trường khống chế ngọn lửa.
Theo một số công nhân có mặt tại hiện trường, nguyên nhân vụ cháy có thể do chập điện. Do đám cháy được phát hiện kịp thời nên không có thiệt hại về người. (Laodong.vn 29/4, Đặng Luân)
Công an phường Quán Toan được lựa chọn để xây dựng điển hình, kiểu mẫu
Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Công an TP. Hải Phòng đã chọn Công an phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) để xây dựng điển hình, kiểu mẫu về xây dựng lực lượng (XDLL), an ninh trật tự (ANTT) và văn minh đô thị.
Phường Quán Toan nằm ở vị trí cửa ngõ phía Tây Bắc của TP. Hải Phòng, có nhiều đầu mối giao thông với tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh. Địa bàn phường có tuyến đường sông Cấm chảy qua với 5 cảng hàng hóa, 90 doanh nghiệp hoạt động, tập trung đông dân cư và đang trong giai đoạn phát triển đô thị hóa nhanh. Công an phường Quán Toan thành lập từ năm 1994 đến nay đã có nhiều năm đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, “Đơn vị văn hóa, gương mẫu chấp hành Điều lệnh CAND”
Thời gian qua, Công an phường Quán Toan đã làm tốt công tác tham mưu cho Công an quận, Đảng ủy, UBND phường Quán Toan chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về ANTT tại địa phương.
Qua thực tiễn, Công an phường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo đảm giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Trong đó tập trung triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, như triệt xóa nhiều ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về ma túy, bắt giữ nhiều đối tượng nguy hiểm, phát động mạnh mẽ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)”, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Trong giai đoạn 2020-2025, Công an phường Quán Toan quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dụng Công an phường “Chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” với khẩu hiệu hành động “Đơn vị kỷ cương, lãnh đạo gương mẫu, CBCS vừa hồng, vừa chuyên”; tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác bảo đảm ANTT; đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”; nâng cao hiệu quả các mặt công tác chuyên môn, quản lý nhà nước về ANTT; tăng cường các mặt công tác XDLL, chấp hành nghiêm Điều lệnh CAND; bảo đảm cơ sở vật chất hậu cần phục vụ tốt các yêu cầu công tác, chiến đấu trong tình hình mới.
Hiện tại, trụ sở Công an phường Quán Toan có diện tích trên 900m², nhà làm việc 3 tầng, thiết kế có các phòng chức năng, phòng họp, phòng nghỉ, phòng trục, phòng tiếp dân, bếp ăn, kho vật chứng, sân tập thể thao... Đơn vị được trang cấp vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, đồ dùng để phục vụ công tác, chiến đấu...
Tại buổi làm việc vừa qua với TP. Hải Phòng, đồng chí Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao kết quả, thành tích trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, XDLL của Công an TP. Hải Phòng nói chung và Công an phường Quán Toan nói riêng.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về XDLL, ANTT và văn minh đô thị, cũng như việc bố trí Công an chính quy về xã là chủ trương đúng đắn của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, góp phần làm tốt hơn công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở. Việc xây dựng thí điểm được thực hiện một cách thận trọng, chặt chẽ để đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng.
Theo đó, đồng chí Thứ trưởng đề nghị các Cục nghiệp vụ Bộ Công an tiếp thu kiến nghị, phối hợp chặt chẽ với Công an TP. Hải Phòng để triển khai thực hiện hiệu quả; yêu cầu lãnh đạo Công an TP. Hải Phòng xây dựng kế hoạch, đề án xây dựng Công an phường Quán Toan điển hình, kiểu mẫu về ANTT và văn minh đô thị với các tiêu chí sát với chủ trương của Bộ Công an và phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. (Cand.com.vn 04/5, V. Huy; Công an nhân dân 04/5, tr4)
XÃ HỘI
Hải Phòng dừng tổ chức Lễ hội Hoa phượng đỏ 2021 để phòng dịch Covid-19
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hải Phòng quyết định dừng tổ chức Lễ hội Hoa phượng đỏ 2021, Liên hoan du lịch Đồ Sơn và Khai mạc du lịch Cát Bà.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đang bùng phát trở lại ở nhiều nước, đặc biệt tại các nước châu Á có đường biên giới với Việt Nam.
Trong nước, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, song nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, bùng phát trở lại rất lớn, nhất là nguồn nhập cảnh, nhập cảnh trái phép.
Trước tình hình trên, Thành ủy Hải Phòng quyết định không tổ chức Lễ hội Hoa phượng Đỏ 2021, Liên hoan du lịch “Đồ Sơn – Sắc màu của biển 2021” và Khai mạc du lịch Cát Bà 2021.
Thành ủy giao Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo rà soát việc tổ chức các sự kiện, lễ hội, hoạt động tập trung đông người, nhất là trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 01/5 và kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng.
Căn cứ tình hình dịch bệnh quyết định không tổ chức các hoạt động chưa thực sự cần thiết và trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Bên cạnh đó, Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhất là trong các ngày nghỉ lễ 30/4, 01/5, kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng và chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo, vận động người dân hạn chế đến nơi tập trung đông người có nguy cơ lây lan dịch bệnh; tự giác khai báo và phát hiện những trường hợp trở về từ vùng dịch, không khai báo y tế.
Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe, bến tàu, các điểm công cộng tập trung đông người; các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp.
Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, xử phạt những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Hội đồng bầu cử Quốc gia, có các phương án, kịch bản phòng, chống dịch bệnh trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngoài ra, Thành ủy yêu cầu Công an thành phố chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện những trường hợp nhập cảnh, nhất là nhập cảnh trái phép từ vùng có dịch để đưa đi cách ly tập trung và xử lý theo quy định. (Giaoduc.net.vn 01/5, Lã Tiến – Phạm Linh)
Hải Phòng tăng cường phòng, chống dịch tại các điểm du lịch dịp nghỉ lễ
UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành công văn số 2745/UBND-VX về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.
Đây được cho là các biện pháp cần thiết trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện tại và dự báo lượng người sẽ tập trung đông tại các trọng điểm du lịch của thành phố Cảng như Đồ Sơn, Cát Bà. Tuy TP. Hải Phòng đã ngừng tổ chức liên hoan du lịch "Đồ Sơn-sắc màu của biển" và khai mạc du lịch Cát Bà, nhưng theo Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, khách du lịch vẫn sẽ đến hai địa điểm này. Trong đó, các phòng khách sạn tại Cát Bà đều đã được đặt kín trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5...
Theo đó, UBND TP. Hải Phòng giao Sở Du lịch, UBND các quận, huyện chỉ đạo các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để kết nối với hệ thống an toàn Covid-19 quốc gia.
Giao Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Y tế và UBND các quận, huyện thực hiện: yêu cầu các ban quản lý di tích, bảo tàng, ban tổ chức lễ hội, người đứng đầu các thiết chế văn hóa, thể thao, đơn vị kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án bảo đảm an ninh, an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho người tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, người xem đến rạp chiếu phim, khách tham quan bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh; người tham gia lễ hội, khách du lịch. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở này chỉ tổ chức đón khách khi bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Mặt khác, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19; yêu cầu người dân thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, các khu, điểm du lịch; bảo tàng, hệ thống rạp chiếu phim, di tích, danh lam thắng cảnh; nơi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao; địa điểm tổ chức lễ hội....
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định và phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại các địa phương. (Nhandan.com.vn 29/4, Ngô Quang Dũng; Vietnamtourism.gov.vn 02/5)
Hải Phòng nỗ lực vì hạnh phúc người dân
Sự chuyển mình mạnh mẽ trong kết cấu hạ tầng, không gian đô thị cùng hàng loạt cơ chế chính sách an sinh xã hội được quan tâm đúng mức đang giúp cuộc sống người dân TP. Hải Phòng đổi thay từng ngày.
Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân chính là một trong những đích đến được lãnh đạo Hải Phòng quán triệt nhằm sớm đưa thành phố cảng trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, bền vững.
Những ngày giữa tháng 4/2021, tại một góc phố thuộc phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh - nhóm người đàn ông lớn tuổi đang luận bàn về việc Hải Phòng chuẩn bị những hoạt động kỷ niệm 66 năm ngày giải phóng thành phố.
Trong cuộc trò chuyện, mọi người đều hào hứng khi nói đến những đổi thay trông thấy từng ngày tại thành phố cảng không chỉ về các con số tăng trưởng kinh tế với số thu ngân sách cả trăm ngàn tỉ đồng, mà những lợi ích sát sườn của người dân đang được thụ hưởng từ hàng loạt chính sách an sinh xã hội.
"Năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 như vậy, tôi nghĩ thế nào quà tặng dịp Tết Tân Sửu cũng sẽ bị cắt giảm, vậy mà thành phố vẫn tặng quà cùng tiền mặt còn tăng cao hơn năm trước, từ 4 triệu đồng lên mức 4,5 triệu đồng" - ông Trần Văn Chọn, 67 tuổi - một cựu chiến binh nói về việc chăm lo người có công của Hải Phòng những năm gần đây.
Nói thêm về vấn đề chính sách an sinh xã hội, ông Chọn cho rằng chưa phải thành công nếu kinh tế tăng trưởng phát triển mà đời sống của người dân thực tế không đi lên, không thay đổi tích cực hơn.
"Giờ tôi không quan tâm nhiều đến việc thành phố đạt mức tăng trưởng bao nhiêu phần trăm, điều tôi quan tâm chính là tiền trợ cấp hằng tháng, quà tặng dịp lễ và cuối năm của thành phố dành cho tôi "tăng trưởng" như thế nào, môi trường và các điều kiện sống được cải thiện ra sao" - ông Chọn nêu.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Chíu (69 tuổi, trú tại phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh) đánh giá, những năm gần đây, Hải Phòng thật sự có nhiều chính sách phục vụ lợi ích "sát sườn", đáp ứng mong mỏi của đa số người dân trên địa bàn.
"Công tác an sinh xã hội của Hải Phòng mấy năm gần đây đổi thay ra sao, báo chí đã nêu nhiều, từ chuyện miễn học phí, thưởng cho học sinh giỏi, vận động viên xuất sắc, chăm lo người có công cho đến người có hoàn cảnh khó khăn và cả việc xây dựng chung cư cũ...
Những việc này Hải Phòng làm rất tốt, chỉ mong thành phố luôn có sự quan tâm như vậy đến người dân" - ông Chíu bày tỏ.
Chỉ tay vào con đường nhựa đen bóng rộng hơn 6m, ông Nguyễn Văn Lựa (47 tuổi, trú tại Phúc Lộc, Hưng Đạo, Dương Kinh) cho biết đổi thay chẳng ở đâu xa, mấy năm trước con đường này chỉ là đường đất trải đá rộng chưa đầy 3m, hai xe tránh nhau còn khó, giờ được thảm nhựa đen bóng, đi lại thông thoáng giúp giá trị đất ở của người dân cũng tăng lên.
Ông Nguyễn Văn Tùng - chủ tịch UBND TP. Hải Phòng - nhấn mạnh tập thể lãnh đạo thành phố xác định rõ chủ trương "đầu tư cho an sinh xã hội phải đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế", cho nên những năm gần đây luôn dành nguồn lực để hiện thực hóa nhiệm vụ nói trên.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, Hải Phòng đã chi 1.438 tỉ đồng tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, hộ nghèo vào các dịp lễ, tết (mức quà tặng năm 2020 đạt 4 triệu đồng cho mỗi gia đình người có công, tăng gấp 5,6 lần năm 2015). Tỉ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm, từ 3,86% năm 2015 xuống còn 0,22% năm 2020.
Theo ông Tùng, trong giai đoạn 2020 - 2025, Hải Phòng dự kiến sẽ thực hiện hỗ trợ cho 3.889 hộ nghèo, hộ cận nghèo cải tạo, sửa chữa, xây mới nhà ở. Cụ thể, thành phố chi hơn 110 tỉ đồng từ ngân sách thành phố và xi măng, gạch với trị giá khoảng 89 tỉ đồng để thực hiện công tác trên.
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, việc chỉnh trang hiện đại hóa đô thị trung tâm và mở rộng không gian đô thị là yêu cầu được đặt ra đối với Hải Phòng để xứng tầm đô thị loại I và tiến tới đô thị loại đặc biệt cấp quốc gia, trực tiếp giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân trên địa bàn.
Từng sống trong cảnh chật chội, xập xệ tại khu tập thể Ðồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền - bà Đàm Thị Thu Hương (58 tuổi) đến giờ vẫn còn có cảm giác như trong mơ khi được dọn về căn hộ mới khang trang tại tầng 15, khu nhà cao tầng mới xây HH3 - HH4 mà không phải bỏ thêm tiền.
Những người dân trong khu vực của bà còn hạnh phúc hơn khi biết rằng trên nền những dãy nhà tập thể cũ sẽ là diện tích dành cho vườn hoa, công viên cây xanh, công trình giao thông...
Chị Trần Thị Huệ (quê huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) - giáo viên một trường THPT tại huyện An Dương - cho biết bản thân chị thật sự ấn tượng với những đổi thay mạnh mẽ trên nhiều phương diện của Hải Phòng những năm gần đây. "Tôi đến Hải Phòng từ năm 2013 và giờ có thể cảm nhận được cuộc sống nơi đây đang đổi thay từng ngày" - chị Huệ chia sẻ.
Anh Phạm Minh Tiệp (32 tuổi, chủ một doanh nghiệp hoạt động tại Hải Phòng) thẳng thắn đánh giá, nếu so Hải Phòng với Hà Nội hay TP.HCM thì thua xa về sự "tấp nập" cũng như không gian đô thị với các tòa cao ốc, nhưng không gian đô thị Hải Phòng lại có nét thanh bình rất riêng.
"Tôi rất ấn tượng khi khu vực sông Tam Bạc đoạn từ chợ Sắt đến cầu Lạc Long một thời nước lúc nào cũng ngầu đục, ngập trong mùi xú uế bởi rác thải chất đống, giờ đã chuyển mình thành một con sông sạch đẹp với bờ kè hai bên, thiên nga bơi lội thư thái dưới nước, còn ở hai bên bờ là tuyến phố đi bộ đẹp bậc nhất Hải Phòng" - anh Tiệp tự hào.
Nói về những đổi thay này, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết sau khi nhìn nhận thẳng thắn về những điểm còn hạn chế trong xây dựng không gian đô thị như: đất cây xanh đô thị, tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị, hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch… còn thấp, thành phố quyết định tập trung đầu tư, cải tạo cảnh quan đô thị, cải thiện không gian sống cho người dân.
Hiện nay nhiệm vụ chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị chính là mục tiêu trọng tâm được xác định chủ đề năm 2021 của Hải Phòng. Trong 5 năm gần đây, thành phố đã tập trung chỉ đạo tăng quỹ đất công viên cây xanh khu vực nội đô.
Thành phố đẩy mạnh di dời nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, các khu lấn chiếm, xuống cấp, chung cư cũ đến khu vực mới để dành quỹ đất xây dựng công viên cây xanh, vườn hoa như: công viên Tam Bạc, An Biên; các vườn hoa: Tố Hữu, Kim Ðồng và trong khuôn viên chung cư HH3-HH4 Ðồng Quốc Bình, Cung Văn hóa Thanh niên, Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Tiệp, Cung Văn hóa Thiếu nhi...
Cùng với đó, nhiều dự án đô thị mới theo hướng sinh thái được triển khai, góp phần tăng mảng xanh cho đô thị trung tâm thành phố.
Ông Phùng Văn Thanh - giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng - cho biết tính đến cuối năm 2020, tại 7 quận của thành phố mới chỉ có hơn 1.200ha đất cây xanh công viên được thực hiện theo quy hoạch, đạt tỉ lệ 5,5 m²/người, thấp so với tiêu chí đô thị loại I và đô thị loại đặc biệt. Theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phân khu các quận, tổng diện tích đất cây xanh đô thị là 5.128,8ha.
Trong đề án chỉnh trang đô thị giai đoạn 2021 - 2025 được Sở Xây dựng đề xuất triển khai, sẽ xây dựng thí điểm 7 công viên có quy mô khoảng 1 ha/công viên tại 7 quận và 10 công viên tại các thị trấn trong năm 2021. Đến năm 2025 sẽ bổ sung khoảng 1.673 ha đất công viên cây xanh trên địa bàn thành phố.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng, khó khăn nhất vẫn là mặt bằng xây dựng công viên, cây xanh. Sở đã đề xuất giải pháp trước mắt là đẩy nhanh việc cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, di dời cảng, nhà máy, kho tàng, bến bãi, cơ sở sản xuất ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch, mặt bằng các chung cư cũ, ưu tiên đất cho giao thông, cây xanh và công trình phúc lợi công cộng.
Bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất công viên, cây xanh, mặt nước hiện có và quyết không điều chỉnh, sử dụng quỹ đất quy hoạch cây xanh vào mục đích khác. Ðồng thời, tại các khu đô thị mới, các khu vực cải tạo chung cư cũ sẽ khuyến khích xây dựng nhà cao tầng, nhằm tăng diện tích đất công viên cây xanh và đất xây dựng giao thông…
Với những quyết sách đúng đắn, Hải Phòng đang có những bước tiến dài trong lộ trình trở thành thành phố văn minh, hiện đại, hướng tới cải thiện căn bản đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân thành phố cảng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. (Tuoitre.vn 29/4, Chiến Thắng)
Hải Phòng: Động thổ 21 công trình nông thôn mới kiểu mẫu
Sáng 28/4, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Lễ khánh thành 5 công trình, đồng thời động thổ 21 công trình nông thôn mới kiểu mẫu khác tại xã Tân Liên.
Theo UBND huyện Vĩnh Bảo, sau khi xã Tân Liên được TP. Hải Phòng chọn thực hiện thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu năm 2020 và đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo quy định, huyện Vĩnh Bảo đã quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật của 26 danh mục công trình.
Các công trình sau đó được chia thành 3 nhóm, nhóm 1 là công trình đường trục chính từ trung tâm xã đến đường huyện và đường liên xã với 4 công trình (3 đường và 1 cầu); nhóm 2 là đường trục chính từ trung tâm xã đến trung tâm các thôn và đường liên thôn với 6 công trình (4 đường và 2 cầu), còn nhóm 3 là đường trục 7 thôn trên địa bàn.
Đến nay, 5 công trình giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng và tiến độ được duyệt. Trong số 21 công trình còn lại sẽ triển khai thực hiện trong năm 2021, có 20 công trình giao thông và 1 công trình cải tạo, nâng cấp bãi rác tạm.
Qúa trình triển khai các hạng mục xây dựng NTM kiểu mẫu tại xã Tân Liên, chính quyền đã nhận được sự chung tay góp sức của toàn thể nhân dân, có 753 hộ dân thuộc diện hiến đất với tổng diện tích 23.582m², đồng thời có sự vào cuộc quyết liệt, nhiệt tình, trách nhiệm của các cấp, các ngành và sự chủ động, khoa học của các nhà thầu.
Tuy nhiên bên cạnh đó, quá trình thực hiện các hạng mục công trình NTM kiểu mẫu vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, để chuẩn bị thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu trong giai đoạn tiếp theo, địa phương cần ban hành quy chế quản lý, sử dụng các công trình đã hoàn thành, tiếp tục tuyên truyền người dân việc thực hiện giữ gìn cảnh quan, môi trường tại các công trình đã hoàn thành.
Mặt khác, cần tập trung cao cho công tác tuyên truyền, xác định công tác giải phóng mặt bằng phải được ưu tiên lên hàng đầu. Còn các ngành, các cấp, huyện và xã duy trì chế độ giao ban, thường xuyên báo cáo để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh.
Tham dự buổi lễ, ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đề nghị huyện Vĩnh Bảo và xã Tân Liên tiếp tục kế thừa những thành công, kinh nghiệm từ trước, tập trung cao tuyên truyền chủ trương của thành phố, vận động sự ủng hộ, đồng lòng của người dân để thực hiện tốt 21 công trình tiếp theo.
Mặt khác, địa phương cần tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng sớm bàn giao cho đơn vị thi công; rà soát lại phương án bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Với các nhà thầu cần chuẩn bị máy móc, phương tiện, nhân lực thực hiện thi công đảm bảo khoa học, an toàn, hiệu quả, ít ảnh hưởng tới đời sống người dân trên địa bàn.
“Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các sở, ngành thành phố với huyện và xã để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện và chuẩn bị các điều kiện xây dựng NTM kiểu mẫu tại xã Hòa Bình và Tam Đa theo phê duyệt của thành phố”, ông Thọ chỉ đạo. (Nhandan.com.vn 29/4, Đinh Mười)
Du khách đổ về bãi biển Đồ Sơn, nhiều người không đeo khẩu trang
Trong ngày đầu của kỳ nghỉ lễ, rất đông khách thập phương đổ về Khu du lịch Đồ Sơn (Hải Phòng) nghỉ mát. Tuy nhiên, còn nhiều người dân, du khách vẫn chủ quan, lơ là thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Bờ biển Đồ Sơn tập trung đông người chiều 30/4. Mặc dù vậy, theo một chủ hàng dịch vụ ăn uống ở khu 2 Đồ Sơn, năm nay lượng khách ngày 30.4 giảm hơn so với mọi năm. Một trong những lý do là ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trước đó, UBND quận Đồ Sơn có văn bản chỉ đạo dừng tổ chức nhiều hoạt động du lịch lớn như giải bóng chuyền bãi biển nữ Hải Phòng mở rộng; Chương trình nghệ thuật Liên hoan du lịch “Đồ Sơn - Sắc màu của biển 2021”; Lễ hội trưng bày xe cổ; Chương trình trình diễn âm nhạc điện tử EDM…
Ghi nhận của PV Lao Động, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng nhiều du khách đến tham quan, nghỉ mát tại đây không đeo khẩu trang.
Nhiều du khách có mang khẩu trang nhưng đeo không đúng cách, không bảo đảm yếu tố phòng dịch. Chị Phạm Thị Thúy (Quế Võ, Bắc Ninh) cho biết: "Trước diễn biến của dịch COVID-19, gia đình tôi cũng có tâm lý khá lo lắng khi du lịch, nghỉ mát tại Đồ Sơn nên có nhắc nhở mọi người trong gia đình đeo khẩu trang. Tuy nhiên trong lúc vui chơi, chụp ảnh không thể tránh khỏi những lúc bỏ khẩu trang".
Những tuyến đường dọc bãi biển Đồ Sơn đông đúc vào cuối chiều ngày 30.4. Nhiều người không đeo khẩu trang khi lưu thông trên đường. Cũng theo ghi nhận của PV, dọc tuyến đường khu 2 Đồ Sơn thiếu bảng biển tuyên truyền về dịch COVID-19. Phần lớn du khách không đeo khẩu trang nhưng cũng không có lực lượng chức năng nhắc nhở. (Laodong.vn 01/5, Mai Dung)
Nhiều địa phương lượng du khách giảm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong nước những ngày cận dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, tâm lý lo ngại khiến nhiều du khách hủy tour, một số địa phương báo cáo nhanh cho thấy lượng du khách giảm hơn so với dự kiến, có nơi giảm tới 40%.
Tình hình đón khách du lịch tại hai điểm du lịch Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng) trong dịp nghỉ lễ vừa qua kém khả quan hơn, giảm so với số lượng dự kiến trước dịp nghỉ lễ.
Phòng Văn hóa, Thể thao, Thông tin Du lịch huyện Cát Hải cho biết, bốn ngày qua, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên lượng khách du lịch đến Cát Bà giảm đáng kể so với dự kiến, đạt 52.800 lượt khách. Nhiều công ty lữ hành và các đoàn khách báo hủy phòng, hoãn không đi vào dịp này.
Dù số lượng khách giảm so với đăng ký, nhưng trong hai ngày 30/4 và 1/5/2021 nhiều du khách đến Cát Bà cùng thời điểm nên vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc tại bến phà Gót-Cái Viềng (bến phà nối cầu Tân Vũ đến Cát Bà).
Thông tin từ Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn, trong bốn ngày nghỉ lễ, lượng khách du lịch đến Đồ Sơn đạt 110.000 người. Số lượng khách hủy tour là khoảng 40% so với đăng ký ban đầu.
Để bảo đảm phòng chống dịch Covid-19, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại Cát Bà, Đồ Sơn, người dân địa phương và khách du lịch cơ bản thực hiện tốt chấp hành tốt khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trước dịp nghỉ lễ, thông tin tại cuộc họp thường kỳ của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Nguyễn Thị Thương Huyền cho biết, lượng khách du lịch đăng ký đến Cát Bà đạt gần 100% công suất phòng. Mặc dù nhiều sự kiện lớn đầu mùa du lịch tại trung tâm thành phố, quận Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà không thể diễn ra như kế hoạch do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song các đơn vị đều tuân thủ nghiêm túc với phương châm, an toàn là trên hết. (Nhandan.com.vn 03/5, T.Linh; Kinhtedothi.vn 03/5)
Về Bến Nghiêng, nghe chuyện “đoàn tàu không số”
Từ bãi tắm khu 2, Đồ Sơn (Hải Phòng), vượt dốc lên núi Vạn Hoa, hướng sang bên phải thấy mấy cọc bê tông nhô lên mặt biển, đó là dấu tích của cầu cảng mang mật danh K15, “cây số 0” của Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Bến K15 nằm ở phía Tây Nam, dưới chân núi Vạn Hoa, là ngọn núi thứ 9 trong dãy núi Chín Rồng. Được bao bọc ba phía là núi và khu rừng thông dày đặc xanh mướt nên nơi đây lặng sóng, là điểm neo đậu tàu thuyền lý tưởng. K15 là mật danh trong chiến tranh, ngày thường người dân Hải Phòng gọi nó với một cái tên giản dị: Bến Nghiêng.
Năm 1950, thực dân Pháp cho xây dựng bến tàu quân sự tại đây để tập kết, vận chuyển các phương tiện chiến tranh như súng đạn, xe tăng, xe lội nước từ tàu há mồm ngoài biển vào tập kết, chính vì vậy chúng đã xây bến tàu thoải từ bờ xuống mép nước để thuận tiện cho việc vận chuyển và người dân quen gọi đó là Bến Nghiêng.
Trong ký ức của cụ Hoàng Văn Đáo (86 tuổi) một ngư dân kỳ cựu ở Đồ Sơn, địa danh Bến Nghiêng cũng chính là hình ảnh những tên lính cuối cùng của thực dân Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ đeo ba lô thất thểu, xiêu vẹo, nghiêng ngả lên tàu về nước. Trên đường đi, chúng sợ hãi thất thần, gặp ai cũng nghiêng mình cúi chào trước khi xuống bến.
Ngày 23/10/1961, trước tình hình đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QĐ, thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân) để vận chuyển vũ khí trang bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Cũng từ đấy, những huyền thoại về đoàn tàu không số tiếp nối nhau, đánh dấu sự ra đời của tuyến vận tải chiến lược đường mòn xuyên biển Đông.
Sau thời gian tích cực chuẩn bị, vào lúc 22 giờ đêm ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí bí mật xuất phát tại Đồ Sơn lên đường. Tàu khởi hành gồm 13 thủy thủ, đều là các chiến sĩ miền Nam tập kết do chiến sĩ Lê Văn Một làm thuyền trưởng, chiến sĩ Bông Văn Dĩa làm chính trị viên. Ngày 16/10/1962, tàu Phương Đông 1 vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) thành công. Tiếp theo đó, lần lượt là các tàu Phương Đông 2, 3, 4…
Chỉ tay về phía những trụ cầu còn sót lại trên Bến Nghiêng, thượng tá Lưu Đình Lừng, một người con Hải Phòng, người từng tham gia vận chuyển 10 chuyến tàu không số bùi ngùi kể lại: “Ở khu vực này, trên quyết định thành lập đơn vị với mật danh K15 ngang cấp một tiểu đoàn. K. trưởng đồng thời chính trị viên là đại úy Đỗ Tiếu. Không hiểu sao bến K15 lại được Chính phủ cắm đúng 15 cái cọc rất trùng hợp”.
Nhớ lại những ngày đầu hoạt động của “Bến tàu không số”, thượng tá Lưu Đình Lừng kể lại: “Trong chiến tranh, công tác bí mật là yếu tố sống còn, những con tàu của chúng tôi mang sứ mệnh vận chuyển chứ không phải chiến đấu nên yếu tố khôn khéo, tuyệt mật được đặt lên hàng đầu. Có một lần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm nhưng bị các đồng chí ở bốt gác chặn lại, nhất quyết không cho tiếp cận vì các đồng chí ấy chưa biết mặt Đại tướng. Đại tướng không hề giận mà còn rất hoan nghênh tinh thần cảnh giác, bí mật của anh em chiến sĩ”.
“Từ trước tới nay có thắng lợi hay không cũng do công tác giữ bí mật. Ra ngoài đường nếu gặp người nhà, bạn bè là không được đi vào cổng bến mà phải đi sang lối khác, sau khi người ta đi qua rồi mới được vào... Khi đi vào bến trong kia (mặt trận phía Nam) cũng thế thôi, không được nói anh này ở tàu này, anh kia ở tàu kia, cán bộ chiến sĩ tàu nào biết ở tàu đấy”.
“Ngay như bản thân tôi, tôi ở đây, nhà ở khu này, gia đình có biết đâu, muốn về nhà phải đi xe đơn vị đưa lên Hải Phòng. Sau đó ở Nhà hát lớn đi bộ xuống dưới Quần Ngựa, từ đó đi xe ô tô về nhà. 9h00 tối quay trở ra đơn vị nói dối là xe đơn vị đón con, con xin phép về. Bố mẹ cũng không biết nhưng thực chất là đi bộ từ trong đấy ra đây 6km. Ra đây, trước khi vào, quần áo bộ đội cởi ra, mặc quần đùi áo lót đi vào, công tác giữ bí mật quan trọng vô cùng”- thượng tá Lừng kể.
Thượng tá Lưu Đình Lừng năm nay tuổi đã gần 80. Mấy năm trước ông bị tai biến nên sức khỏe có phần giảm sút nhưng những ký ức về đoàn tàu không số vẫn in đậm trong tâm trí ông. Nhớ nhất là ngày 5/11/1965, sau khi ông trở về Đồ Sơn trên chuyến tàu 642 vào Vũng Rô, tàu 642 được Nhà nước thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và được Bác Hồ tặng cho mỗi thủy thủ một bao thuốc lá.
Tiếp tục những hồi ức về Đoàn tàu không số, trò chuyện với thượng úy Hoàng Gia Hiếu, người từng tham gia vận chuyển nhiều chuyến vũ khí trên con tàu huyền thoại mang số hiệu 641, được 2 lần tuyên dương danh hiệu anh hùng. Hiện nay con tàu đó đang nằm ở bảo tàng của Hải quân, là di tích lịch sử quốc gia.
Thượng úy Hoàng Gia Hiếu nhập ngũ tháng 2/1964, đến tháng 4/1964 được điều động về đoàn tàu vận tải chi viện chiến trường miền Nam bằng con đường biển. Tháng 8/1964, tân binh Hoàng Gia Hiếu đi chuyến đầu tiên trên tàu số 641 (hay còn gọi là C41, nay đổi tên thành HQ671) của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh vào Cà Mau. Sau đó ông đi thêm nhiều chuyến nữa, trong đó có 3 chuyến đưa vũ khí thành công vào Vũng Rô (Phú Yên).
Câu chuyện mà ông nhớ nhất là quyết định cho nổ chiếc tàu 641 sau nhiều năm gắn bó và hình ảnh đồng đội hy sinh thân mình để bảo đảm bí mật tuyến đường biển huyết mạch.
“Khoảng 11 giờ đêm ngày 27/11/1966, tàu của chúng tôi vào đến bến. Chạy tới chạy lui, từ cửa Mỹ Á đến Phổ An (Quảng Ngãi), vẫn không có người ra đón. Thời gian chẳng còn nhiều, chúng tôi quyết định thả hàng, đồng thời cử người vào bờ bắt liên lạc. Bốn giờ sáng, thả được hai phần ba lượng hàng thì phát hiện hai khu trục của địch tới ém, chắn lối ra”.
Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc, Chi ủy hội ý khẩn và đưa ra phương án cho nổ tàu nhằm giữ bí mật vị trí thả hàng và không để tàu rơi vào tay giặc.
“Sau khi anh em thuỷ thủ đã lên bờ, thuyền trường Thạnh và máy trưởng Phan Nhạn huỷ tài liệu, định giờ ngòi nổ ba mươi phút, rồi bơi vào bờ… Chờ mãi, chờ mãi chưa thấy tàu nổ. Từ trên bờ, thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ trưởng Trần Nhợ, hai anh lo tàu không nổ, sẽ rơi vào tay địch, nên đã bơi ra điểm hỏa. Một lúc sau, nơi tàu 641, một khối lửa bùng lên, anh Lộc và anh Nhợ hy sinh”. (Tienphong.vn 02/5, Hoàng Dương)
Về Đồ Sơn xem đàn ông bắt quéo “mang bầu”
Về Đồ Sơn, nếu thấy một ngư dân ôm khư khư cái bụng bự từ biển bước lên thì chắc chắn bên trong là loại sản vật quý giá tìm được từ biển khơi mà dù dành cả ngày ngụp lặn dưới biển vất vả đến đâu, ngư dân vẫn vui mừng nhờ trúng “lộc biển”.
Những ngày này, tại nhiều khu vực bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng) đang nhộn nhịp khung cảnh hàng trăm ngư dân từ già đến trẻ đua nhau câu còng, đánh hầu và... bắt quéo.
Ở Đồ Sơn, quéo (tên gọi địa phương của loài vẹm xanh) thường sinh sống ở những vùng bãi đá gần mép nước. Quéo là loài nhuyễn thể chỉ sinh sống tự nhiên, tập trung nhiều nhất là ở những bãi đá ngập nước quanh năm.
Để đánh bắt những loài nhuyễn thể sinh sống ở những cồn đá này, ngư dân phải chờ những ngày nước ròng, đây là những ngày trong tháng mà theo lịch thủy triều là những thời điểm nước cạn sâu, trơ những bãi đá. Khi ấy, những thợ lặn mới có thể ra xa bờ đánh bắt được. Lẽ đơn giản, bãi đá xa bờ ẩn chứa những chùm quéo to, đầy mình thay vì những con quéo bé ở dọc khe đá sát bờ.
Dụng cụ đánh quéo khá đơn giản, những thợ lặn thường trang bị "bảo hộ" là bộ quần áo dài tay, giầy vải, găng tay và 1 cái đục. Đi nhiều, kinh nghiệm cũng nhiều hơn, những thợ lặn thường mặc thêm một cái áo phông bên ngoài rồi thắt chặt ở thắt lưng để tiện đựng quéo mỗi khi lặn xong, khi "đầy bụng" mới lên bờ đổ quéo ra để đánh bắt tiếp.
Con quéo bám thành từng chùm vào bờ đá. Ngư dân có kinh nghiệm khi phát hiện ra quéo có thể nhẹ nhàng gỡ được cả chùm đang ngậm rong rêu ra khỏi đá. Chùm lớn có thể tới hàng chục con, chùm nhỏ cũng vài ba con.
Mặc dù phương thức đánh bắt tương đối vất vả (phải ngâm mình nhiều giờ đồng hồ trong nước) nhưng người ngư dân tỏ ra không hề mệt mỏi, đều đặn cứ sau khoảng 30 - 40 phút ngư dân lại lên bờ đổ quéo - mà theo cách gọi đùa của họ là một lần "đẻ". Một buổi xuống biển cỡ chừng chục lần lên bờ, xuống biển như vậy là túi cũng đầy.
Nghề "đầu đội đất, chân đạp trời" (cách người ngư dân miêu tả hình ảnh mỗi khi lặn xuống để vặn con quéo) chỉ diễn ra trong khoảng 2 - 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm). Đây là giai đoạn quéo trưởng thành với kích thước lớn, nước vừa đủ ấm áp để xuống biển. Mùa đông sẽ khó đánh bắt vì nước lạnh, khó lặn.
Những ngư dân có kinh nghiệm biết được địa thế những hang đá, khu vực quéo sinh sống nhiều. Có sức khỏe, người ngư dân lặn được sâu, được xa, sẽ bắt được nhiều, quéo cũng to hơn. Nhưng nếu không lặn sâu dược, chờ nước rút sâu mà bám theo các kè đá vào đúng mùa vụ cũng có thể bắt được quéo. Bởi thế, những phụ nữ đi đánh hầu, câu còng cũng tranh thủ đánh bắt vào vụ mùa bắt quéo ở Đồ Sơn.
Theo ông Hoàng Đình Bồng, ngư dân nhiều kinh nghiệm ở phường Hải Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng: Những ngày này, trung bình một thợ lặn có thể đánh bắt được 30 - 40kg/buổi. Với những người có sức khỏe, lặn tốt, biết địa hình, có thể đánh bắt tới 50kg/buổi.
Những ngày đúng vụ như thế này, giá quéo tại chợ Đồ Sơn từ khoảng 20.000 - 40.000 đồng/kg (tùy theo kích cỡ to nhỏ). Cũng có những thời điểm được giá khi đông khách du lịch, giá quéo lên tới 70.000 - 80.000 đồng/kg. Vì vậy, chuyện ngày kiếm cả tiền triệu sau khoảng 5 - 6 tiếng lặn bắt quéo cũng là không hiếm. Người ngư dân miệt mài bắt quéo đến khi nào nước lên mới thôi.
Ruột quéo sau khi chế biến sẽ có màu nâu vàng, vị béo ngậy, thơm ngon. Cùng với giá trị dinh dưỡng cao, quéo Đồ Sơn ngày càng được khách du lịch ưa thích.
Quanh năm bám biển, mùa nào thức ấy, mỗi người dân ở biển vẫn sẽ tìm ra cách mưu sinh cho mình. “Kho báu từ đại dương” trong đó có loài quéo luôn là điều bất ngờ mà tự nhiên dành tặng con người biết gìn giữ môi trường sinh thái đồng hành cùng sự phát triển kinh tế, du lịch của mỗi người dân vùng biển. (TTXVN/Baotintuc.vn 03/5, L.Sơn)
Sân Lạch Tray được bơm khoảng 60 tỉ, tân chủ tịch đội Hải Phòng góp 10 tỉ
Dự án cải tạo, sửa chữa sân vận động Lạch Tray, sân nhà của CLB Hải Phòng sẽ được cấp hơn 65 tỉ đồng, trong đó, công ty của ông Hoàn "pháo" góp khoảng 10 tỉ đồng.
Sáng 29/4, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã đi kiểm tra việc cải tạo, sửa chữa sân vận động Lạch Tray, sân nhà của CLB Hải Phòng.
Sau khi kiểm tra thực tế và nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo sở, ngành, đơn vị, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hải Phòng, chủ đầu tư dự án sửa chữa sân vận động Lạch Tray và đơn vị tư vấn lập hạng mục xây dựng theo thứ tự ưu tiên là cải tạo sửa chữa khán đài A + B, sửa chữa khán đài C + D, cải tạo các phòng của cầu thủ, chỉnh trang cổng, cải tạo và lắp đặt thiết bị hệ thống phòng cháy chữa cháy, sửa chữa đường chạy điền kinh, cải tạo khuôn viên trước cổng sân vận động Lạch Tray.
Đối với khu vực xung quanh sân vận động Lạch Tray, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng yêu cầu Sở Xây dựng báo cáo đề xuất di chuyển 25 hộ dân ra ngoài khu vực sân vận động và lập dự toán cải tạo nhà thi đấu nghệ thuật và cử tạ.
Được biết, dự án cải tạo sân vận động Lạch Tray có mức đầu tư ban đầu là hơn 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, có thể dự án này sẽ được điều chỉnh lại với mức đầu tư hơn 65 tỉ đồng (từ ngân sách và nguồn xã hội hóa). Trong đó, Công ty cổ phần Sông Hồng của ông Văn Trần Hoàn, tân chủ tịch CLB Hải Phòng sẽ góp khoảng 10 tỉ.
Thực tế, từ nhiều năm nay, sân Lạch Tray luôn bị nêu tên vì cơ sở vật chất xuống cấp. Điều này khiến người hâm mộ đất cảng rất xấu hổ. Với sự thay đổi từ đơn vị quản lý điều hành đến vị trí chủ tịch đội bóng, việc sân vận động Lạch Tray được đầu tư, sửa chữa sẽ tạo điều kiện cho CLB Hải Phòng nói riêng và các môn thể thao khác của Hải Phòng có điểm thi đấu, tập luyện khang trang, hiện đại hơn. (Thanhnien.vn 29/4)
GIÁO DỤC
Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh qua các chuyên đề
Cùng với việc dạy chữ, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh luôn được ngành Giáo dục Hải Phòng quan tâm. Đây là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện một cách bền vững.
Trường THCS Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng là một trường có quy mô nhỏ trên địa bàn quận Hồng Bàng với gần 300 học sinh. Đóng quân trên địa bàn đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, phụ huynh ít quan tâm đến việc học hành của con em. Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện một cách bền vững, nhà trường chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Từ những buổi sinh hoạt lớp đầu tuần, đến các hoạt động đoàn, đội và sinh hoạt chuyên đề nhà trường đều hướng đến việc rèn luyện tác phong, đạo đức cho học sinh. Thường kỳ hàng năm, Trường THCS Phan Bội Châu phối hợp với phòng Cảnh sát Ma túy, phòng CSGT đường bộ, đường thủy, Công an TP. Hải Phòng đến nói chuyện chuyên đề, cung cấp những kiến thức về ma túy, cách phòng chống ma túy học đường và giữ an toàn khi tham gia giao thông.
Hay qua các ngày lễ, ngày truyền thống theo chủ đề tháng, Trường THCS Phan Bội Châu thường tổ chức các hoạt động lớn cho học sinh toàn trường tham gia. Các em không chỉ có sân chơi lành mạnh, bổ ích, được sinh hoạt tập thể mà còn được rèn kỹ năng sống, sự hiểu biết về lịch sử, địa lý, đất nước và con người Việt Nam.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng- Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu chia sẻ: Để rèn học sinh đạo đức lối sống bản thân thầy cô giáo gương mẫu, chuẩn mực, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình là điều quan trọng.
Hơn nữa, việc giáo dục học sinh không phải qua lời nói mà phải là hành động và việc làm. Chính qua các chuyên đề của nhà trường, qua các hoạt động giáo dục từ đó hình thành cho học sinh những kiến thức, kỹ năng và sự định hướng tốt nhất.
Năm học này nhà trường đã tổ chức cho học sinh chuyên đề “Xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ" nhân kỳ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Qua phần thi tìm hiểu kiến thức về Quân đội nhân dân Việt Nam, gần 300 học sinh nhà trường được trang bị hành trang tri thức để tiếp tục rèn đức, luyện tài. Nhà trường mong muốn các em sẽ biết vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử, phát huy truyền thống hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam để học tập tốt, sau này trở thành những công dân có ích cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Các đội chơi được đặt tên thân thương là tên những hòn đảo của đất nước Việt Nam như: Hoàng Sa, Trường Sa, Bạch Long Vỹ. Phần chơi không chỉ mang lại không khí sôi nổi cho học sinh toàn trường nhân Ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là cơ hội để các em được chia sẻ, đoàn kết, yêu thương, cùng nhau phấn đấu học tập, rèn luyện dưới mái trường trung học, cô Hồng cho hay.
Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền vừa tổ chức thành công chuyên đề đội cấp thành phố với chủ đề “Âm vang Ngô Quyền”. Đây là sân chơi tập thể lành mạnh, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Chuyên đề nhằm giáo dục cho học sinh niềm tự hào về 60 năm lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Ngô Quyền; khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Để tạo nên những hoạt động vui nhộn, phù hợp với lứa tuổi học sinh, nhà trường đã xây dựng nhiều hoạt cảnh, màn biểu diễn văn nghệ hấp dẫn. Mà ở đó, chính các em học sinh là diễn viên.
Với ca khúc, hoạt cảnh sinh động, học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cùng nhau tái hiện về mảnh đất đã lưu vào sử sách với tên tuổi của Đức Vương Ngô Quyền- người đã đánh tan giặc Nam Hán trên dòng Bạch Đằng Giang lịch sử, chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở ra một kỉ nguyên mới- kỉ nguyên độc lập, tự chủ của dân tộc.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử địa phương cho thiếu niên, nhi đồng là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết đối với mỗi nhà trường. Đặc biệt, chuyên đề hướng tới kỉ niệm 60 năm Ngày thành lập quận Ngô Quyền, nhằm giúp học sinh hiểu được một phần quá khứ gian khổ, đau thương, vinh quang, anh dũng mà bao thế hệ cha anh đã đấu tranh gìn giữ và sáng tạo để chúng ta có được cuộc sống bình yên và hạnh phúc như ngày hôm nay. Qua đó góp phần giúp học sinh tu dưỡng đạo đức, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, gắng sức rèn luyện, chăm ngoan, học giỏi.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Trà- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, quận Hồng Bàng chia sẻ, nhà trường chú trọng phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất cho học sinh qua các hoạt động. Vừa qua chuyên đề đội cấp thành phố “Đọc một cuốn sách- đi muôn dặm đường” được lãnh đạo ngành Giáo dục đánh giá cao. Nhà trường đã mời Diễn giả, Nhà văn Nguyễn Bích Lan về chia sẻ niềm đam mê đọc sách của cô.
Ngoài ra các hoạt động như thi vẽ tranh, thi kể chuyện, thi giới thiệu sách thu hút sự quan tâm của giáo viên, học sinh trong trường. Hoạt động không chỉ lan tỏa văn hóa đọc đến học sinh nhà trường mà còn giúp học sinh có những trải nghiệm thú vị qua đó rèn khả năng thuyết trình, tự tin trước đám đông và nâng cao năng lực, phẩm chất cho học sinh. (Giaoducthoidai.vn 29/4, Nguyễn Dịu)
Hải Phòng: Hỗ trợ trẻ mầm non ngoài công lập tiền ăn, học phí
Tháng 4/2021, UBND TP. Hải Phòng có để xuất HĐND TP việc quyết định hỗ trợ cho trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp (KCN) tại nội thành Hải Phòng với mức hỗ trợ 160.000 đồng/tháng/trẻ.
Ngoài khoản hỗ trợ trên, các giáo viên mầm non của những cơ sở nuôi dạy trẻ mầm non ngoài công lập tại các KCN cũng được hỗ trợ từ ngân sách TP với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/tháng.
Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập còn được hỗ trợ một lần, hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất như trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học hoặc hỗ trợ kinh phí sửa chữa vật chất với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/cơ sở.
Theo khảo sát của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, tổng số lao động đang làm việc tại các KCN là 142.250 lao động, nữ công nhân là 81.836 người, chiếm hơn 57% số lao động. Trong đó, số lao động nữ có con trong độ tuổi mầm non (từ 3-6 tháng tuổi) là 12.134 người. Số trẻ mầm non là con công nhân, người lao động tại các KCN là 12.421 trẻ.
Trong đó, số trẻ mầm non được nuôi dậy tại cơ sở mầm non công lập là 5.299 trẻ (chiếm khoảng 31,2%), số trẻ học tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập là 3.870 trẻ; số còn lại, 3.252 trẻ chưa đi học.
Cũng theo ghi nhận của Hải Phòng, trong những năm qua, mặc dù hệ thống trường mầm non công lập của Hải Phòng đã được đầu tư nhưng vẫn còn tình trạng 5 phường nội thành của hai quận Lê Chân, Ngô Quyền vẫn chưa có trường mầm non công lập.
Cùng với hệ thống trường mầm non công lập, hệ thống các trường mầm non dân lập, tư thục, các cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục đã huy động, tiếp nhận được khoảng 72,5% trẻ mầm non ra lớp. Mặc dù hệ thống trường mầm non tư thục đã phát triển nhưng quy mô nhỏ. Các mô hình nhóm, lớp mầm non tư thục phát triển nhưng vẫn còn khó khăn trong việc hỗ trợ nuôi, dậy trẻ theo chương trình giáo dục mầm non.
Bên cạnh đó, các trường mầm non tư thục vẫn còn tình trạng chăm sóc, giáo dục tùy tiện, nuôi dưỡng theo kiểu gia đình, không thực hiện tổ chức sinh hoạt cho trẻ theo quy định dẫn đến sức khỏe trẻ nhỏ không đảm bảo. Các trường mần non tư thục cũng có tình trạng số trẻ trong một nhóm lớp quá đông, phòng học nhỏ, số giáo viên đứng lớp chưa đảm bảo theo quy định nuôi dậy trẻ mầm non.
Cũng theo đánh giá của Hải Phòng, hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non tư thục thành lập tại các KCN là mới, do đội ngũ quản lý nghỉ hưu hoặc giáo viên chưa có kinh nghiệm quản lý giáo dục mầm non thành lập. Thu nhập của đội ngũ giáo viên mầm non tư thục chưa đảm bảo theo quy định. Vì vậy, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục trẻ.
Từ thực tế này, Hải Phòng quyết định hỗ trợ bằng ngân sách cho hệ thống giáo dục mầm non tư thục tại các KCN nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, dân lập, giúp trẻ phát triển toàn diện, giữ cho giáo viên mầm non tư thục không bỏ nghề.
Hải Phòng dự kiển sẽ bắt đầu thực hiện hỗ trợ từ tháng 11/2021, thời gian thực hiện hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025. Tồng nguồn kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 45 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Thành phố. (Daidoanket.vn 30/4, Nam Khánh)
Xây dựng trường học hạnh phúc thông qua giáo dục STEM
Dạy học thông qua giáo dục STEM giúp cô và trò trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng và Tiểu học Trần Văn Ơn tiến gần hơn với mục tiêu trường học hạnh phúc.
Chiều 29/4, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng phối hợp với Trường Tiểu học Trần Văn Ơn tổ chức chuyên đề “Xây dựng trường học hạnh phúc thông qua giáo dục STEM”.
Tới dự chương trình có ông Vũ Văn Trà - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng; bà Lâm Tuyết Trinh - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hải Phòng, bà Hoàng Thị Minh Hương - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng cùng nhiều cán bộ, giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Đổi mới giáo dục là vấn đề được cả xã hội quan tâm, đòi hỏi ngành giáo dục phải luôn mạnh dạn nghiên cứu, thử nghiệm để tìm ra hướng đi đúng đắn, chắc chắn và phù hợp với xu thế phát triển thời đại.
Trong những năm học vừa qua, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng và Trường Tiểu học Trần Văn Ơn đã mạnh dạn áp dụng những phương pháp, hình thức dạy học mới vào giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh.
Bà Hoàng Thị Minh Hương – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng cho biết: “Chuyên đề "Xây dựng trường học hạnh phúc thông qua giáo dục STEM" được thực hiện với mục đích định hướng, thống nhất nội dung chương trình kế hoạch giáo dục đổi mới phương pháp và hình thức dạy học các nội dung mới và khó trong chương trình các môn học.
Bên cạnh đó, kịp thời tháo gỡ các khó khăn về chuyên môn và có giải pháp phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện của nhà trường.
Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý trong chỉ đạo chuyên môn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trong hoạt động dạy học.
Tạo mối quan hệ chia sẻ, học tập và giúp đỡ lẫn nhau giữa cán bộ quản lý và giáo viên, giữa giáo viên với giáo viên, giữa các tổ khối chuyên môn của các trường tiểu học.
Tạo cơ hội để mỗi cán bộ, giáo viên phát huy được khả năng sáng tạo, đóng góp sáng kiến, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Qua chuyên đề ngày hôm nay, các giáo viên sẽ cùng trao đổi tập trung vào tổ chuyên môn đã triển khai sinh hoạt chuyên môn theo hướng đổi mới như thế nào; các tổ chuyên môn đã có những giải pháp gì góp phần xây dựng trường học hạnh phúc.
Giáo viên đã tổ chức việc dạy học thông qua giáo dục STEM như thế nào và các trường khác đã có những giải pháp nào đã áp dụng có hiệu quả”.
Tại chuyên đề, cô giáo Bùi Thị Tuấn cùng học sinh lớp 4A7 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng và lớp 4D2 Trường Tiểu học Trần Văn Ơn mang đến tiết học minh họa môn Khoa học với chủ đề “Âm thanh trong cuộc sống”.
Mở đầu tiết học, cô giáo Tuấn cùng học sinh hát vang ca khúc có chủ đề liên quan đến âm thanh của các loại nhạc cụ để tạo bầu không khí vui tươi, sôi nổi.
Đồng thời, thông qua bài hát, cô giáo khơi gợi cho học sinh những kiến thức cơ bản về âm thanh trong tiết học trước đó. Phần tiếp theo của tiết học, học sinh được chia được 5 nhóm với các tên gọi: nhóm sáo, nhóm chuông gió, nhóm đàn bầu, nhóm trống và nhóm nhạc cốc.
Tương ứng với tên gọi của nhóm là sản phẩm do chính các em cùng nhau nghiên cứu và thực hiện. Các nhóm học sinh lần lượt lên thuyết trình, giới thiệu về sự lựa chọn nguyên liệu, quá trình hoàn thiện và những ưu điểm, sự khác biệt của sản phẩm nhóm mình. Sản phẩm của học sinh được đánh giá dựa trên các tiêu chí: về kĩ thuật, yếu tố thẩm mỹ, khả năng hoạt động và tính an toàn của sản phẩm.
Thông qua phần thuyết trình, các em học sinh đã thể hiện được sự tự tin của bản thân. Mỗi bạn trong nhóm được phân công nhiệm vụ như trình bày, mô tả sản phẩm và trả lời các câu hỏi liên quan đến sản phẩm.
Điển hình như nhóm Chuông gió, các em đã dày công tìm nguyên vật liệu đảm bảo vừa tiết kiệm lại vừa thân thiện với môi trường. Quá trình thực hiện, các em đã sáng tạo chuông gió với nhiều hình dạng, đặc điểm riêng biệt.
Hay như nhóm Nhạc cốc, mặc dù nguyên liệu rất đơn giản chỉ gồm cốc thủy tinh và nước màu nhưng các em dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu mực nước tương ứng với nốt nhạc khác nhau và biểu diễn thành một bài hát hoàn chỉnh, sinh động.
Song song với phần thuyết trình của các nhóm, học sinh còn trao đổi và đặt ra những câu hỏi cho sản phẩm của nhóm bạn. Qua đó, các em hiểu hơn những đặc điểm riêng của nhạc cụ, những kiến thức về âm thanh.
Cô giáo Tuấn cũng đưa ra những góp ý về sản phẩm, định hướng cho học sinh để trong những tiết học tiếp theo các em có thể làm ra nhiều sản phẩm sáng tạo, tốt hơn.
Có mặt tại chuyên đề, một phụ huynh chia sẻ rằng tiết học minh họa của cô Tuấn và học trò rất bổ ích và sau những tiết học như thế này học sinh sẽ ngày càng yêu thích môn khoa học hơn.
Cô Bùi Thị Tuấn chia sẻ: “Tiết học minh họa đã cung cấp cho học sinh kiến thức đa dạng, nâng cao kỹ năng mềm, tư duy phản biện, kĩ năng làm việc nhóm và kĩ năng giao tiếp. Qua đó, khơi gợi hứng thú trong học tập, làm tiền đề cho các bậc học cao hơn và giúp cho học sinh yêu thích đến trường, hạnh phúc khi đến trường.
Khi thực hiện tiết dạy này, học sinh rất là vui, có nhiều ý tưởng sáng tạo khi làm các sản phẩm, nhiều em tích cực tham gia, làm được nhiều sản phẩm đẹp, có hiệu quả sử dụng. Đối với các sản phẩm đòi hỏi cách thực hiện khó hơn, các em học sinh sẽ có sự hỗ trợ của phụ huynh và giáo viên”.
Kết thúc chuyên đề, nhiều giáo viên đại diện các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã đưa ra nhiều nhận xét tốt đối với tiết học của cô Bùi Thị Tuấn và học sinh.
Nhiều giáo viên bày tỏ, qua tiết học trên, học sinh được trải nghiệm hết khả năng vốn có của mình dưới sự hướng dẫn của giáo viên và phụ huynh.
Theo đại diện Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Ngô Quyền), chuyên đề giúp học sinh chủ động, tích cực và tự tin hơn khi sáng tạo những sản phẩm đa dạng.
Đồng thời, có được sự tương tác tốt với giáo viên và phụ huynh. Qua đó, các em học sinh sẽ thực sự cảm thấy hạnh phúc và xây dựng một trường học hạnh phúc.
Đại diện lãnh đạo một trường tiểu học thuộc huyện An Dương chia sẻ: “Công tác chuẩn bị, sự nhiệt tình của thầy cô giáo rất đáng để chúng tôi học hỏi.
Học sinh trong tiết học của nhà trường thực sự tự tin và hướng tới năng lực mà chúng ta đang triển khai trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 là tư duy phản biện, năng lực tự học phát hiện rất rõ, năng lực ngôn ngữ, giao tiếp rất tốt. Đây là những điều chúng tôi cần học hỏi từ nhà trường!”. (Giaoduc.net.vn 30/4, Lã Tiến – Phạm Linh)
Thi tốt nghiệp THPT: Sẵn sàng phương án dự phòng có khi dịch
Song song với việc hướng dẫn học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học năm 2021, các trường THPT đã chuẩn bị mọi điều kiện cho một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chất lượng.
Năm học 2020-2021, Trường THPT Đồ Sơn, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng có 348 học sinh lớp 12. Theo thầy Nguyễn Đức Đại, Hiệu trưởng nhà trường, thời gian này học sinh đang viết phiếu đăng ký thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học năm 2021. Nhà trường đã cử 3 nhân viên phục vụ học sinh việc đăng ký dự thi.
Để tránh những sai sót không đáng có, ngay khi có quy chế thi tốt nghiệp, nhà trường đã phổ biến cho học sinh toàn trường, đồng thời vào tiết Hướng nghiệp thứ 5 hàng tuần, nhân viên phụ trách tuyển sinh lên từng lớp để hướng dẫn các em cách viết phiếu đăng ký dự thi.
Cô Đỗ Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đồ Sơn chia sẻ: Theo thống kê của nhà trường, 20% học sinh sau tốt nghiệp THPT đi lao động nước ngoài. Với đặc thù trường nằm trên địa bàn quận giáp biển có thế mạnh về dịch vụ, du lịch nên trong công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh nhà trường cũng nhấn mạnh lợi thế này.
Qua giáo viên chủ nhiệm và các môn học như Giáo dục Công dân, Định hướng nghề, Công nghệ..., nhà trường đã phân tích, tư vấn, hướng nghiệp cho các em.
Ngoài ra, trong cuộc họp với phụ huynh lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường cũng tuyên truyền công tác ôn thi, định hướng nghề nghiệp cho học sinh để phụ huynh và các em có sự đánh giá, lựa chọn phù hợp.
Trường THPT Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng có hơn 400 học sinh lớp 12. Song song với công tác dạy và học, nhà trường chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để hướng tới một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan.
Thầy Đào Văn Đương, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Bên cạnh việc hoàn thành chương trình năm học, qua buổi học thêm nhà trường đã ôn tập kiến thức những môn thi tốt nghiệp cho các em. Trên tinh thần học đến đâu ôn đến đó giúp các em chắc kiến thức. Dựa vào đề minh họa của Bộ Giáo dục và Thời đại, giáo viên các bộ môn nhấn mạnh những kiến thức trong bài học có trong đề thi cho các em.
Thời gian dành cho ôn thi chỉ hơn một tháng, do vậy nhà trường phân loại học sinh để ôn tập đạt hiệu quả. Nhà trường tập trung rèn kiến thức với các em có học lực yếu để học trò có khả năng đỗ tốt nghiệp. Với nhóm học sinh có học lực tốt, thầy cô tập trung ôn luyện để các em đạt được điểm cao trong kỳ thi. (Giaoducthoidai.vn 03/5, Nguyễn Dịu)
Cảnh sát giao thông Hải Phòng đẩy mạnh tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên
Vừa qua, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) Kiến An, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an thành phố Hải Phòng phối hợp cùng Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Giao thông vận tải (GTVT) Trung ương II tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông và kỹ năng lái xe đạp điện, xe máy điện trong học sinh, sinh viên của trường.
Tham dự hội thi, các đội thi đại diện cho 120 học sinh, sinh viên 02 trường Cao đẳng GTVT Trung ương II và Trung tâm GDNN-GDTX Kiến An đã trình bày các tiểu phẩm về kỹ năng lái xe máy điện, xe đạp điện; những vấn đề học sinh, sinh viên chưa được hiểu kỹ về Luật Giao thông đường bộ và các quy định mới của pháp luật.
Tại hội thi, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đã trao đổi về tình hình trật tự an toàn giao thông có liên quan đến các em học sinh, sinh viên, đưa ra một số vụ tai nạn giao thông, tập trung vào các đối tượng là các em học sinh đang sử dụng phương tiện xe đạp điện, xe máy điện và xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3. Đồng thời hướng dẫn cách nhận biết các loại phương tiện, độ tuổi được điều khiển phương tiện, cách sử dụng và điều khiển phanh, ga, kiểm tra phương tiện trước khi tham gia giao thông; phân biệt mũ bảo hiểm và mũ thời trang, từ đó hướng dẫn các em cách xử lý tình huống khi lưu thông trên đường được an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.
Bên cạnh đó, cán bộ của Phòng Cảnh sát giao thông đặt ra các câu hỏi liên quan đến việc chấp hành Luật giao thông đường bộ, các hệ thống biển báo và nhiều em học sinh đã tích cực tham gia trả lời các câu hỏi, đồng thời có nhận thức tốt hơn khi được được theo dõi các hình ảnh về các tình huống giao thông được báo cáo viên trình chiếu qua hệ thống máy chiếu của nhà trường.
Thông qua buổi tuyên truyền, giúp cho các em hiểu biết thêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đưa ra phương pháp chọn phương tiện cho phù hợp đối với nhu cầu và độ tuổi của các em đảm bảo đúng quy định. Đồng thời sau buổi tuyên truyền này cũng mong rằng mỗi học sinh, sinh viên sẽ là các tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động gia đình, người thân và cộng đồng chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông đường bộ. (Csgt.vn 30/4, Phong Vũ)
GIAO THÔNG
Chủ tịch TP. Hải Phòng kiểm tra nhiều dự án giao thông trọng điểm, yêu cầu hoàn thành trong tháng 6
Theo Cổng Thông tin điện tử TP. Hải Phòng, trong ba ngày 26, 27, 28/4, Chủ tịch UBND TP đã có các buổi kiểm tra, làm việc với chính quyền các quận, huyện, các sở, ban, ngành liên quan về việc triển khai các dự án giao thông và đô thị trọng điểm trên địa bàn
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã thực hiện kiểm tra tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cầu Quang Thanh (huyện An Lão), cầu Dinh (huyện Thủy Nguyên) kết nối Hải Phòng với Hải Dương; dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm; dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường Ngô Gia Tự (đoạn từ cổng dân bay cũ đến đường liên phường); kiểm tra mặt bằng lô 20, 21 Dự án Khu đô thị mới Ngã 5 - Sân bay Cát Bi...
Đối với Dự án đầu tư xây dựng cầu Quang Thanh; ông Tùng yêu cầu UBND huyện An Lão tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng bảo vệ nhà thầu thi công. Đồng thời, yêu cầu nhà thầu tổ chức thi công ngay khi người dân bàn giao mặt bằng, không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, tập trung thi công hoàn thành dự án trước ngày 13/6.
Đối với dự án đầu tư xây dựng cầu Dinh, Chủ tịch UBND TP yêu cầu nhà thầu tập trung thi công hoàn thành dự án trước ngày 13/6, đảm bảo chất lượng công trình và an toàn lao động.
Tại huyện Thủy Nguyên, sau khi kiểm tra thực địa, nghe báo cáo của các sở, ngành, UBND huyện và các đơn vị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng yêu cầu UBND huyện Thủy Nguyên tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính cùng UBND huyện Thủy Nguyên khẩn trương điều chỉnh phương án giá đất tái định cư, báo cáo UBND thành phố phê duyệt.
Đối với dự án đường liên tỉnh Kinh Môn (Hải Dương) – Thủy Nguyên (Hải Phòng) giai đoạn 1 đã bàn giao đưa vào sử dụng, giai đoạn 2 thống nhất điều chỉnh dự án từ nguồn vốn Trung ương và thành phố để triển khai thực hiện tiếp đoạn từ đường 353 đi quốc lộ 10, hoàn thành trước ngày 30/6.
Sáng 28/4, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng tiếp tục kiểm tra và nghe báo cáo tiến độ dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường Ngô Gia Tự (đoạn từ cổng sân bay cũ đến đường liên phường); kiểm tra mặt bằng lô 20, 21 dự án Khu đô thị mới Ngã 5 - Sân bay Cát Bi; dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Hành chính - Chính trị quận Ngô Quyền và dự án xây dựng công viên cây xanh tại số 53 Lạch Tray, phường Lạch Tray.
Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường Ngô Gia Tự (đoạn từ cổng sân bay cũ đến đường liên phường) có chiều dài 1,86 km; tổng mức đầu tư hơn 242,5 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 4,6 ha. Đến nay, nhà thầu tổ chức thi công được giá trị xây lắp đạt 60 tỷ đồng.Hiện việc thi công dự án đang gặp vướng mắc giải phóng mặt bằng liên quan đến đất quốc phòng.
Đối với tiến độ giải phóng mặt bằng lô 20, 21 dự án Khu đô thị mới ngã 5 - sân bay Cát Bi đã giải phóng 6,2 ha, còn 1,6 ha đang thực hiện giải phóng mặt bằng. Quận Ngô Quyền xin ý kiến thành phố thực hiện cưỡng chế thu hồi đất 6 hộ dân; xem xét, chấp thuận hỗ trợ khác đối với 5 hộ dân được phê duyệt phương án bồi thường tại khu vực nút T30 kết nối đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Hành chính - Chính trị quận Ngô Quyền có quy mô 13.600 m², tổng mức đầu tư hơn 254,1 tỷ đồng. Đến nay đã giải phóng 9.500m²/13.600 m², hiện còn 4.100 m² của 40 trường hợp chưa được giải phóng.
Hiện quận tập trung cao để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 5 để khởi công dự án. Quận Ngô Quyền đề xuất UBND TP đồng ý chủ trương giao UBND quận thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và làm chủ đầu tư tuyến đường 100 m đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến đường T30 để đồng bộ hạ tầng.
Đối với dự án xây dựng công viên cây xanh tại số 53 Lạch Tray, phường Lạch Tray với quy mô 22.000 m², dự kiến trong tháng 5 quận sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư; vào tháng 7 sẽ khởi công dự án và đưa vào sử dụng vào tháng 1/2022. Quận Ngô Quyền đề nghị thành phố quan tâm bố trí vốn để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án trong năm nay. (Doanhnghiep.kinhtechungkhoan.vn 29/4, Huy Hoàng; Doanhnghiep.kinhtechungkhoan.vn 30/4)
Khởi công dự án giao thông 832,6 tỷ đồng tại Hải Phòng
Sáng ngày 01/5, UBND quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng đã tổ chức lễ khởi công xây dựng tuyến đường từ đường bộ ven biển (Km1+00) đến ngã ba Vạn Bún (đường Lý Thái Tổ).
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường bộ ven biển (km1+00) đến ngã ba Vạn Bún (đường Lý Thái Tổ) có chiều dài 6,2km, hướng tuyến theo quy hoạch, qua các phường: Minh Đức, Ngọc Xuyên và Vạn Hương. Tổng mức đầu tư dự án hơn 832,6 tỷ đồng, do UBND quận Đồ Sơn làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án 2019-2023. Trong đó, đoạn đầu tư mới 3,38 km, chia làm 3 đoạn: đoạn 1 dài 1,1 km, chiều rộng nền đường là 50,5 m; đoạn 2 dài 1,3 km, chiều rộng nền đường là 59 m, với 10 làn xe; đoạn 3 dài 0,98 km; chiều rộng nền đường là 34 m, với 6 làn xe. Đoạn nâng cấp theo quy mô hiện trạng có chiều dài 2,82 km, chiều rộng nền đường là 20,5m. Cả 2 đoạn có kết cấu mặt đường mềm, cấp cao A1. Trên tuyến đầu tư xây dựng 2 cây cầu. Cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: các nút giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước mưa, nước thải, hào kỹ thuật, điện hạ thế, chiếu sáng, hè đường, cây xanh... được triển khai đồng bộ.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng khẳng định, dự án khi hoàn thành, khai thác sử dụng sẽ trở thành “cửa ngõ” chính kết nối quận Đồ Sơn với trung tâm thành phố; kết nối với các tuyến giao thông lớn như đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, đường tỉnh 361, đường tỉnh 353... Tuyến đường sẽ tạo thành trục hành lang kinh tế, kỹ thuật, đô thị theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, kết nối khu du lịch Đồ Sơn với trung tâm thành phố. Đồng thời, tuyến đường sẽ tạo điều kiện cho các phường phía Tây quận Đồ Sơn chuyển dịch cơ cấu theo hướng đô thị hóa, tạo đà phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch và thu hút nguồn với từ các nhà đầu tư, tập đoàn. Hơn nữa, việc tuyến đường kết nối với Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng của Tập đoàn Gleximco và hệ thống giao thông của Khu 1, 2 và 3 cũng như các dự án nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Đồ Sơn tạo đà thu hút khách du lịch và phát triển du lịch, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của quận Đồ Sơn.
Dự án được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1963/QĐ-UBND ngày 10/7/2020 và bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 quận Đồ Sơn tại Quyết định số 3043/QĐ-UBND ngày 02/10/2020; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 3652/QĐ-UBND ngày 03/12/2020. (Baodautu.vn 01/5, Thanh Sơn; Tinnhanhchungkhoan.vn 02/5)
Cảnh báo tàu thuyền cỡ lớn khi lưu thông qua sông Đào Hạ Lý
Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc khuyến cáo tàu chở hàng cỡ lớn lưu ý đảm bảo an toàn khi lưu thông qua sông Đào Hạ Lý.
Ngày 2/5, đại diện Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cho biết, do luồng tuyến, mực nước sông Đào Hạ Lý (Hải Phòng) trong tháng 5/2021 có sự thay đổi với tháng trước nên lịch mở luồng hằng ngày cho phương tiện lưu thông (một chiều) thay đổi so với tháng trước.
Trong tuần đầu tháng 5/2021, giờ mở luồng đầu phía Ngã ba Niệm vào các giờ buổi chiều và cho phương tiện lưu thông đến quá nửa đêm hoặc rạng sáng; còn luồng đầu phía Ngã ba Xi Măng được mở từ lúc rạng sáng cho đến buổi chiều hôm sau.
Đáng lưu ý, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc khuyến cáo, luồng sông Đào Hạ Lý trong thời gian này có lưu tốc dòng chảy lớn, nhiều đoạn cong cua, tầm nhìn hạn chế, kích thước khoang thông thuyền cầu An Đồng, An Dương, cụm cầu Đường sắt (cầu Quay) - Tam Bạc, Thượng Lý hạn chế. Vì vậy, đặc biệt lưu ý về an toàn đối với các tàu chở hàng có kích thước lớn.
“Thuyền trưởng, người điều khiển phương tiện thủy trước khi điều khiển phương tiện hành trình qua sông Đào Hạ Lý phải chủ động liên hệ với Trạm điều tiết khống chế giao thông sông Đào Hạ Lý để tìm hiểu thực tế luồng, kích thước khoang thông thuyền.
Đặc biệt lưu ý hạn chế đối với phương tiện có mớn nước chở hàng thực tế lớn hơn 2,3m (khi mực nước tại Trạm điều tiết Ngã ba Niệm thấp hơn 1,6m) và phương tiện có chiều cao hơn 3m (tính từ đường nước chở hàng thực tế đến điểm cao nhất của phương tiện), khi mực nước lớn hơn 4m”, Chi cục Đường thủy nội địa khuyến cáo.
Bên cạnh đó, Chi cục này cũng yêu cầu thuyền trưởng, người lái phương tiện thủy chấp hành nghiêm lịch điều tiết và hiệu lệnh, hướng dẫn của lực lượng điều tiết tại hiện trường để đảm bảo an toàn giao thông và công trình vượt sông.
Tuyến sông Đào Hạ Lý dài 3km, được điều tiết để phương tiện thủy lưu thông một chiều. Hầu như năm nào cũng xảy ra các trường hợp tàu bị mắc cạn, đâm va hoặc kẹt vào gầm cầu vượt sông.
Gần đây nhất, tháng 10/2020, một tàu hơn 3.000 tấn đâm va vào cầu đường sắt Tam Bạc, gây xô lệch nhịp giàn đường sắt, khiến phải dừng hoạt động chạy tàu để khắc phục, sửa chữa đường sắt. (Baogiaothong.vn 02/5, Huy Lộc)
Hải Phòng: Tăng cường phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5
Do nhu cầu người dân đi lại vào dịp nghỉ lễ tăng cao nên các phương tiện vận tải chở khách tại các bến xe Vĩnh Niệm, Thượng Lý, Niệm Nghĩa (Hải Phòng) đã tăng lên khoảng 30% so với ngày thường.
Trưởng Ban quản lý bến xe khách Vĩnh Niệm ông Nguyễn Ngọc Đễ cho biết; hiện tại bến Vĩnh Niệm đã gần như hết xe bởi vì lượng khách tăng cao vào ngày 29, 30/4 nên thay vì đúng giờ như đã đăng ký với bến thì nay các xe cứ đủ khách là chạy. Đa phần khách đi tại bến Vĩnh Niệm về Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá, trong khi đó xe nào xuất bến cũng đủ khách.
Thống kê riêng ngày 29/4 đã có trên 200 chuyến xe chạy đi các tỉnh với ước tính chở khoảng 2.000 người. Đến sáng ngày 30/4 tính đến 10 giờ đã có gần 100 chuyến xe rời bến.
Cũng theo ông Đễ cho biết ngoài lưu lượng khách tăng cao nhưng ở bến có quy định rất nghiêm ngặt trong công tác phòng chống dịch Covid – 19. Ở bến luôn cập nhật các văn bản chỉ đạo phòng chống dịch của phường, quận và thành phố.
Bên cạnh đó là trang bị một loạt các chai cồn để khách có thể chủ động xịt khuẩn. Nếu phát hiện hành khách nào vào bến không đeo khẩu trang thì nhân viên tại bến sẽ nhắc nhở, còn cố tình không đeo thì nhất định không được vào bến.
Theo ghi nhận của phóng viên tại các bến Thượng Lý, Vĩnh Niệm thì các phương tiện ra vào rất đông, hành khách đều có ý thức chấp hành, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh. Tại bến Thượng Lý lượng khách cũng đã tăng lên khoảng 20% so với ngày thường, điều đáng nói là công tác phòng dịch tại các bến đều được đặt lên hàng đầu.
Chị Nguyễn Thị Hà một hành khách đi từ Quảng Ninh về bến xe Thượng Lý cho biết: “Gia đình tôi rời Quảng Ninh để về quê thăm bố mẹ dịp nghỉ lễ 4 ngày. Do lo sợ dịch bệnh nên mọi người không dám đi xa. Khi lên xe chị và mọi người được lái xe hướng dẫn đeo khẩu trang, ngồi đúng chỗ. Vì thế phần nào gia đình cũng yên tâm, xuống đến bến Thượng Lý nhìn chỗ nào chị cũng thấy có chai cồn cho khách hàng chủ động xịt khuẩn để phòng tránh dịch bệnh Covid-19".
Như vậy dự báo lượng khách vẫn tiếp tục tăng vào kỳ nghỉ lễ năm nay, tại các bến xe cũng đã chủ động phương tiện, lái xe để đáp ứng cho khách hàng tốt nhất. Không bị lỡ chuyến khi về quê thăm người thân, hay bạn bè… Các đầu bến cũng chủ động có nhiều biện pháp khuyến cáo người dân nên chủ động phòng tránh dịch trước, trong và sau khi lên xe. (Kinhtedothi.vn 30/4 Vĩnh Quân)
BÁO ĐỊA PHƯƠNG
Hải Phòng thực hiện các mục tiêu phát triển: Quyết liệt ý chí tiến công mạnh mẽ
Những ngày qua, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố liên tục kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn toàn thành phố. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND thành phố cũng thường xuyên đi cơ sở, kiểm tra, giám sát về công tác chuẩn bị bầu cử; chương trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19…
Có thể nói, tinh thần đổi mới tư duy, kiến tạo phát triển, tạo đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đang được thể hiện rõ nét trong từng công việc của thành phố. Tất cả đều hướng tới mục tiêu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, giành thắng lợi rực rỡ ngay trong năm đầu đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống.
4 tháng qua, Hải Phòng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức: đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành, lần đầu thành phố phải chống chọi với một số ca dương tính; tình hình kinh tế, chính trị thế giới có những biến động khó lường…
Trong khi đó, khối lượng công việc thành phố phải thực hiện rất lớn, vừa lo phát triển kinh tế-xã hội (KTXH); vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống; chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026; phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh COVID- 19…
Tuy nhiên, với nền tảng vững chắc được tạo dựng trong những năm qua; với những bài học kinh nghiệm quý giá được đúc kết qua thực tiễn phát triển; với bản lĩnh, ý chí, nghị lực và ý chí quyết tâm, Hải Phòng đang vững vàng tiến bước, tiếp tục giành những thành tựu nổi bật, xứng đáng là địa phương đi đầu cả nước trong nhiều lĩnh vực. (Baohaiphong.com.vn 30/4)
Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”: Mang lại lợi ích thiết thực
Năm 2020, đội ngũ công nhân, lao động thành phố có 89 đề tài được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo (LĐST), nhiều hơn năm 2019 khoảng 15%, hơn năm 2018 khoảng 30%. LĐLĐ Hải Phòng cũng là đơn vị đứng đầu trong số 63 tỉnh, thành phố, là đơn vị thứ 3 trong số 83 LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương có nhiều đề tài được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng LĐST.
Theo Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật (LĐLĐ thành phố) Vũ Ngọc Thức, những năm gần đây, phong trào lao động giỏi (LĐG)-LĐST trong đoàn viên, công nhân, lao động thành phố đạt hiệu quả cao, số lượng người được tặng bằng LĐST năm sau tăng hơn năm trước, do có sự quan tâm của chủ sử dụng lao động khi các sáng kiến, sáng tạo áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp. Công đoàn cơ sở với vai trò phát động thi đua, tổ chức phong trào, động viên đoàn viên, người lao động nên thu hút được nhiều người tham gia. Công tác chỉ đạo phong trào LĐG-LĐST từ cấp thành phố đến cơ sở cũng bài bản hơn, người lao động thấy được động viên, khuyến khích kịp thời. (Baohaiphong.com.vn 01/5, Đức Anh)
Xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021: Chỉ tiêu tuyển sinh tăng, thí sinh nhiều cơ hội
Từ ngày 27/4 đến 11/5, các thí sinh tiến hành đăng ký các nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021. Nhằm giúp thí sinh thuận lợi lựa chọn ngành học, trường học, các trường đại học trên địa bàn thành phố đăng tải đầy đủ, chi tiết đề án tuyển sinh trên trang thông tin của các trường.
Do đó, các thí sinh cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh, trong đó lưu ý đến chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh và các tiêu chí phụ để tránh nhầm lẫn, sai sót khi đăng ký dự tuyển vào các trường. (Baohaiphong.com.vn 03/5, Hoàng Xuân)
ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ứng cử tại đơn vị bầu cử số 3, TP. Hải Phòng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là một trong 4 ứng cử viên đại biểu Quốc hội của Trung ương được giới thiệu ứng cử tại TP. Hải Phòng. Ứng cử viên Vương Đình Huệ ứng cử tại đơn vị bầu cử số 3 (gồm các quận Kiến An, Dương Kinh và các huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo). (Sggp.org.vn 29/4, Anh Phương; Qdnd.vn 29/4; Daidoanket.vn 29/4; TTXVN/VietnamPlus.vn/Baotintuc.vn 29/4; Vnexress.net 29/4; Phapluatplus.vn 30/4; Nhandan.com.vn 30/4; Quân đội nhân dân 03/5, tr1+4)
Hải Phòng dừng tổ chức các lễ hội lớn dịp 30/4-1/5
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chỉ đạo các đơn vị liên quan dừng tổ chức các hoạt động lớn, tập trung đông người dịp 30/4 - 1/5 là lễ hội Hoa Phượng đỏ, liên hoan du lịch “Đồ Sơn- sắc màu của biển” và khai mạc du lịch Cát Bà để phòng chống dịch COVID-19. (Truyền hình Thông tấn – Bản tin Thời sự 17h ngày 29/4; Nhandan.com.vn 30/4)./.