Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 03/03/2017)
Chiều 2-3, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tổ chức họp báo Đoàn đại biểu dự Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII. Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Bí thư thường trực Thành ủy dự.
Tại cuộc họp, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Phạm Hải Yến thông báo chương trình làm việc của Đại hội. Theo đó, đại hội sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 9-3 tại Hà Nội, gồm các hoạt động: chương trình “Tự hào Phụ nữ Việt Nam”, biểu dương tôn vinh 100 phụ nữ tiêu biểu và giao lưu với Thủ tướng... Đoàn Hải Phòng với 17 đại biểu sẽ tham gia đầy đủ các chương trình Đại hội; tiếp tục thảo luận đóng góp ý kiến vào văn kiện Đại hội và giải pháp nhiệm kỳ tới sát thực tiễn...
Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố chuẩn bị tốt các nội dung tham gia thảo luận, tham luận và những hoạt động bên lề đại hội để đóng góp tiếng nói vào việc xây dựng phương hướng, nhiệm vụ của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022. Đồng thời chú ý học tập, rút kinh nghiệm các mô hình hay, cách làm sáng tạo tại các tỉnh, thành trong cả nước. (An ninh Hải Phòng 03/03/2017; Báo Hải Phòng 03/03/2017)
5 năm qua (2011 - 2016) do được chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã từng bước đi vào nề nếp, góp phần hình thành các vùng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, việc thực hiện các chính sách, pháp luật trên lĩnh vực này vẫn phát sinh những yếu điểm, dẫn đến khó kiểm soát hết được những nguy cơ tiềm ẩn về ATTP. Đã đến lúc cần có một mô hình quản lý hiệu quả hơn.
Đã có vùng thực phẩm an toàn
Theo báo cáo của UBNDTP Hải Phòng, 5 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố đã nghiêm túc xác định công tác quản lý ATTP là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục; đồng thời là trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi gia đình, mỗi người dân. Theo đó, UBNDTP đã ban hành Quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên toàn địa bàn. Hệ thống ban chỉ đạo liên ngành ATTP từ thành phố tới cơ sở được thành lập do Chủ tịch UBND các cấp làm trưởng ban, đã giúp công tác phối hợp liên ngành được chỉ đạo quyết liệt, hiệu lực và hiệu quả hơn.
Cụ thể, công tác quy hoạch sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn bước đầu thu được những hiệu quả nhất định. Tính đến năm 2016, toàn thành phố có 3.500ha diện tích canh tác rau theo hướng an toàn, 500 ha sản xuất rau an toàn, 25 cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận VietGAP với tổng diện tích canh tác 242,5 ha.
Nhiều cơ sở trong tổng số 540 trang trại chăn nuôi đã chấp hành tốt quy định điều kiện vệ sinh thú y, không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong chăn nuôi, có hầm biogas để xử lý chất thải, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, 5 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận VietGAHP. Giai đoạn 2011-2016, dự án Lisaf Hải Phòng đã thiết lập và đưa vào hoạt động 94 nhóm GAHP với 1.600 hộ tham gia trên địa bàn 51 xã, thị trấn của 6 huyện. Dự án đã giúp 1.241 hộ chăn nuôi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn của GAHP, 35 cơ sở giết mổ được cải tạo, nâng cấp đạt điều kiện vệ sinh thú y, 29 chợ với 854 quầy kinh doanh thịt được cải tạo, hình thành chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn.
Cùng với đó diện tích nuôi trồng thủy sản toàn thành phố là 11.512 ha, sản lượng giai đoạn 2011- 2016 đạt 301.440,9 tấn. Đã có 5 cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 34 cơ sở được xếp loại đủ điều kiện sản xuất giống thủy sản. Thành phố có 6 cảng cá, 8 bến cá và 3.358 tàu khai thác thủy sản; cho sản lượng khai thác hàng năm đạt 56.110,7 tấn thủy sản các loại. Diện tích sản xuất muối 122 ha, sản lượng 3.100 tấn/ha. Giai đoạn 2011-2016, qua kiểm tra, 169.095 tấn đạt chất lượng muối nhập khẩu.
Ngoài ra, hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP cũng được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng. Trạm kiểm dịch lưu động - Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật từ ngoài tỉnh. Các cơ sở thu mua, kinh doanh, bảo quản thịt, thủy sản lớn đã được quản lý, hướng dẫn xây dựng nhà sơ chế, kho bảo quản và giám sát nguồn gốc xuất xứ theo quy định. Hệ thống kiểm nghiệm đã bước đầu đáp ứng được hoạt động kiểm nghiệm, giám sát phục vụ công tác quản lý ATTP.
Trong 5 năm, Chi cục ATVSTP đã lấy 1.411 mẫu giám sát, 1.340 mẫu đạt yêu cầu. Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã lấy 3.294 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản gửi đi phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm cho ra 3.203 mẫu đạt yêu cầu (97,24%). Công tác tuyên truyền, phổ biến quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, hướng dẫn chủ trang trại, gia trại từng bước áp dụng quy trình VietGAP trong chăn nuôi được đẩy mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành được đẩy mạnh, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về ATTP, góp phần làm cho thị trường thực phẩm lành mạnh, an toàn hơn.
Cần mô hình quản lý hiệu quả
Chương trình mục tiêu quốc gia và ATTP mới được triển khai trên 10 năm, Luật An toàn thực phẩm ra đời năm 2010, các nghị định, thông tư hướng dẫn mặc dù khá đầy đủ nhưng vẫn trong quá trình hoàn thiện. Hải Phòng cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước đang gặp khó khăn trong kiểm soát nguồn nguyên liệu ban đầu từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ và từ nguồn thực phẩm nhập khẩu theo con đường tiểu ngạch; kiểm soát sử dụng chất cấm, chất không có trong danh mục được phép sử dụng, hoặc sử dụng chưa đúng cách, chưa đúng liều lượng các chất phụ gia, chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh...; kiểm soát ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp.
Toàn thành phố có 1.580 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó phần lớn là cơ sở nhỏ lẻ. Số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y trong giết mổ gia súc, gia cầm còn hạn chế. Cũng theo thống kê, hiện Hải Phòng có khoảng 21.390 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm các loại, chủ yếu cơ sở nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, kinh doanh thức ăn đường phố. Với tổng số 154 chợ hiện nay trên toàn thành phố thì 19.618 hộ, trong đó khoảng hơn 8.900 hộ kinh doanh hàng thực phẩm, hầu hết các hộ kinh doanh là cơ sở nhỏ lẻ sản xuất theo mùa vụ, chất lượng sản phẩm không ổn định, thường xuyên không bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, điều kiện về con người, chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, việc quản lý, bảo đảm ATTP tại các cơ sở này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đó là chưa kể, việc kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, các chất cấm, chất ngoài danh mục cho phép, hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng... trong sản xuất, nuôi trồng, chế biến thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Việc kiểm soát thực phẩm, chất cấm, vật tư nông nghiệp... nhập khẩu đường tiểu ngạch gặp nhiều bất cập do thiếu nhân lực. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng ATTP và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao; đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của một số người sản xuất, kinh doanh do chạy theo lợi nhuận trước mắt, coi thường tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng trong khi kinh phí trung ương cấp thực hiện Chương trình mục tiêu về ATTP giảm trên 50% so với năm 2011.
Để nâng cao hiệu quả quản lý thực phẩm an toàn trong tình hình mới, Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Văn Tùng mới đây đã đề xuất với Đoàn giám sát Quốc hội, đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát, đồng thời ban hành chế tài đủ mạnh, đặc biệt có thể xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm ATTP nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng, phạm vi vi phạm lớn đến cộng đồng. Thành phố Hải Phòng cũng đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách trung ương đáp ứng yêu cầu quản lý và bảo đảm ATTP; cho phép địa phương được sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm ATTP để phục vụ công tác quản lý và cho phép thanh tra ATTP hoạt động theo mô hình thí điểm của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Theo đó thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP ở cấp quận, huyện, xã, phường. Người đứng đầu thành phố cũng đề nghị các bộ chức năng cần mở các lớp đào tạo, tập huấn, nâng cao chuyên môn, trình độ quản lý về bảo đảm ATTP cho cán bộ chuyên ngành...
Đối với ngành chức năng thành phố, Chủ tịch UBNDTP yêu cầu tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, kiến thức về ATTP; quy hoạch và khẩn trương triển khai các vùng nguyên liệu sạch, khu giết mổ tập trung; tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu theo đường tiểu ngạch; tăng cường công tác khuyến nông, kiểm soát kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp trong nuôi trồng; triển khai các giải pháp giúp người tiêu dùng thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm. (An ninh Hải Phòng 03/03/2017)
Nghị định 155/2016/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường. Một điểm nhấn đáng chú ý là, từ ngày 1-2-2017, các hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (tăng gấp 10 lần so với quy định cũ). Kể cả những hành vi vứt, thải, bỏ mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định cũng sẽ bị phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng… Việc tăng mức phạt gấp nhiều lần đã thể hiện sự kiên quyết của các cơ quan chức năng trong việc lập lại trật tự, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta gặp không ít hành vi, cử chỉ thiếu văn hóa trên các đường phố, nơi công cộng của một bộ phận dân cư và khách vãng lai. Đó là các hành vi phóng uế, vứt rác bừa bãi, ném xác thú vật chết ra đường, khạc nhổ lung tung, ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị và nếp sống văn hóa, đặc biệt trong thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập sâu rộng như hiện nay, khi mà lượng khách quốc tế đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, du lịch và sinh sống ngày một tăng.
Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân của việc tiểu tiện bừa bãi là do thiếu nhà vệ sinh công cộng. Điều đó khỏi phải bàn cãi. Song thiếu nhà vệ sinh cũng chỉ là một phần. Phần quan trọng cần nói còn lại là do ý thức tự giác của một bộ phận người dân chưa cao. Bởi không ít người rất “hồn nhiên” tiểu bậy khi nhà vệ sinh công cộng cách đó không xa, nhất là buổi tối hoặc các góc khuất.
Tâm lý cố hữu: “sạch mình, mặc người” vẫn đang tồn tại trong nếp nghĩ của số đông người khi họ vô tư vứt rác hoặc xả nước thải ra đường phố. Tại một số bệnh viện, vẫn còn tình trạng người ngồi chờ thủ tục phì phèo thuốc lá và khi đứng dậy thì quăng đầu mẩu thuốc ngay trên lối đi...
- Tại Hà Nội vào tháng 2, CAP Láng Hạ (quận Đống Đa) căn cứ hình ảnh camera ghi lại hình ảnh người đàn ông tiểu bậy giữa đường đã lập hồ sơ và phạt cảnh cáo với mức 200.000 đồng.
- Tại TP Hồ Chí Minh, vào tháng 3 năm nay, lực lượng trật tự đô thị quận 1 được trang bị đầy đủ thiết bị ghi nhận hình ảnh, xử phạt trường hợp tiểu tiện ở nơi công cộng không đúng quy định. Ngoài việc bị xử phạt 200.000 đồng, người vi phạm phải dội nước làm sạch khu vực vừa “tè bậy”.
- Chỉ trong thời gian ngắn, đội trật tự đô thị quận 1, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, xử phạt 19 trường hợp tiểu tiện ở khu vực công cộng; nhắc nhở và yêu cầu viết bản cam kết không tái phạm 15 trường hợp.
Ở một số nước trong khu vực, việc tiểu tiện bừa bãi nơi công cộng sẽ bị xử phạt hành chính ở mức rất cao. Điển hình như Singapore, nếu xả rác, tiểu bậy sẽ bị phạt đến 1.000 SGD (khoảng 16 triệu đồng), tái phạm sẽ bị phạt 2.000-5.000 SGD và phải lao động công ích nhiều giờ liền. Ở Kuala Lumpur (Malaysia), nếu vi phạm bị phạt 5.000 RM (hơn 25 triệu đồng), thậm chí nơi cấm tiểu bậy mà vi phạm nhiều lần có thể kết án tù. Vì thế mới có chuyện những đoàn du khách Việt khi đến du lịch ở Singapore bao giờ cũng được các công ty lữ hành dặn dò rất kỹ lưỡng việc không được đem theo kẹo cao su, không hút thuốc ở những nơi có biển cấm, không được xả rác hay nhổ nước bọt bừa bãi vì những lỗi như vậy sẽ bị phạt rất nặng.
Muốn thay đổi hành vi xấu, không còn cách nào khác là phải bắt đầu thay đổi từ ý thức của người dân. Hơn bao giờ hết, mỗi chúng ta nên coi việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng chính là việc của mình và tuyệt đối không bao giờ được coi đấy là việc của công nhân môi trường. Chỉ có vậy môi trường thành phố mới sạch đẹp, văn minh. Bên cạnh chế tài xử lý hành chính nghiêm khắc trừng phạt những ai không chịu tuân thủ các quy tắc văn minh đô thị, cơ quan chức năng cũng cần kiên trì triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tuyên truyền, vận động, giáo dục từ ý thức đến hành động cụ thể của mỗi người dân được xem là rất quan trọng.
Nếu làm tốt, đây sẽ là những yếu tố góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hành vi nâng cao ý thức tự giác cá nhân, trách nhiệm chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đưa Nghị định 155 của Chính phủ vừa ban hành đi vào thực tiễn cuộc sống. (An ninh Hải Phòng 03/03/2017)
Sáng 2-3, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Bình nghe báo cáo tiến độ triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm trên địa bàn thành phố. Lãnh đạo các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng UBND TP; lãnh đạo UBND các quận Lê Chân, Ngô Quyền và Cty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng, Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng cùng dự.
Đến nay, Sở Xây dựng đã triển khai công việc được Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng chỉ đạo tại cuộc họp trước diễn ra vào ngày 16-2; quận Lê Chân đã tiến hành thủ tục GPMB đối với 2 hộ cần phải giải phóng làm đường vào thi công khu chung cư U19 Lam Sơn. Đối với các dự án U1, U2, U3 Lê Lợi, UBND quận Ngô Quyền phấn đấu đến ngày 10-3 sẽ mở thầu gói kỹ thuật, ngày 20-3 mở gói thầu tài chính, ngày 30-3 hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư. Từ đầu tháng 4-2017 tiến hành phá dỡ 3 khu chung cư cũ trên với thời gian phá dỡ dự kiến 15 ngày.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Bình khẳng định lại quan điểm chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và Chủ tịch UBND TP là khẩn trương cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nguy hiểm, không để tình trạng khởi công 3 tháng nhưng không thể thi công như Khu chung cư U19 Lam Sơn.
Do đó, UBND TP chỉ đạo, phải khẩn trương GPMB 2 hộ ở Lê Chân để phục vụ thi công. Quận Lê Chân chủ trì, các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường phối hợp lên kế hoạch chi tiết về tiến độ thực hiện và báo cáo nhanh UBND TP. Sở Xây dựng làm việc với Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng để cam kết thời gian tiến độ theo hợp đồng (hoàn thành 12 tháng kể từ ngày khởi công), bảo đảm chất lượng công trình.
Với tư cách là đơn vị đầu mối, Sở Xây dựng khẩn trương rà soát trách nhiệm của sở, ngành, địa phương dẫn đến nguyên nhân chậm thi công nói trên, để báo cáo Thường trực Thành ủy xem xét xử lý. (An ninh Hải Phòng 03/03/2017)
Cùng với các đơn vị CATP, CAQ Hồng Bàng triển khai cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” với nhận thức sâu sắc rằng đó chính là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tạo sự chuyển biến mới từ nhận thức đến hành động trong toàn lực lượng, xây dựng hình ảnh đẹp của người CBCS Công an trong lòng nhân dân…
Kỳ 1 - Nhận thức sâu sắc về cuộc vận động
Đây là cuộc vận động (CVĐ) với mục đích mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác chiến đấu và XDLL công an thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn ANTT mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu giao phó.
Việc tổ chức thực hiện cuộc vận động chính là “xây” phong cách người công an bản lĩnh nhân văn, vì nhân dân phục vụ, “chống” lại thái độ hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, giao tiếp thiếu văn hoá với nhân dân, vi phạm điều lệnh CAND, vi phạm quy chế làm việc, quy trình công tác, thậm chí lợi dụng nhiệm vụ để giải quyết việc riêng, tư lợi... gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của toàn lực lượng.
“Xây” và “chống” trong thực hiện cuộc vận động chính là hoạt động thiết thực gắn với Nghị quyết TW 4 khóa 12 về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật để đánh giá tình hình; kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, lấy “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và đột phá, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ chính là sự thống nhất giữa nhận thức và hành động được biểu hiện cụ thể bằng những việc làm, thái độ ứng xử văn hoá, vượt qua khó khăn, gian khổí, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Để xây dựng phong cách người công an theo các tiêu chí CVĐ, trước hết phải xây dựng đội ngũ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức pháp luật - nghiệp vụ sâu sắc, ý thức tổ chức kỷ luật cao. Qua thực tiễn rèn luyện công tác, lực lượng Công an quận phải thực sự là lực lượng chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Phong cách mới người CAND phải là người cán bộ có thái độ, tác phong, cư xử văn minh, lịch thiệp trong quá trình thực thi công vụ. Muốn vậy, CBCS phải nhận thức sâu sắc việc chấp hành nghiêm túc điều lệnh nội vụ CAND, xây dựng nếp sống văn hóa ứng xử trong công tác, trong sinh hoạt và giao tiếp với nhân dân. Trong thi hành công vụ cần thực hiện đúng điều lệnh nội vụ của ngành, tuân thủ pháp luật, thể hiện sự cương quyết trong đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; khi giao tiếp với nhân dân, không được có thái độ cửa quyền, hách dịch.
Việc tăng cường tinh thần trách nhiệm, đạo đức cách mạng và ý thức phục vụ nhân dân của người CAND luôn là một trong những tiêu chí mà CVĐ hướng tới; qua đó, xây dựng hình ảnh đẹp với những phẩm chất đạo đức trong sáng về người chiến sỹ Công an quận. Đó là có cuộc sống giản dị, lành mạnh; có tư thế tác phong nghiêm túc, sâu sát gần gũi, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, biết dựa và phát huy sức mạnh của nhân dân; gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật; thực thi nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân.
Trong mọi hoạt động công tác công an phải luôn xây dựng ý thức, nếp sống tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân khi thi hành công vụ và trong các công việc có liên quan đến người dân. Tất cả những yêu cầu trên đòi hỏi người CBCS hơn ai hết phải hiểu rõ pháp luật, biết vận dụng đúng đắn pháp luật, đồng thời tự giác chấp hành pháp luật. Trong tất cả các mối quan hệ đó thì quan trọng nhất là phải tuân thủ nghiêm chỉnh những quyền năng mà luật định cho mình.
Vì người cán bộ công an khi hoạt động là người đại diện cho quyền lực Nhà nước giải quyết trực tiếp các công việc về ANTT. Sự gương mẫu không chỉ làm cho uy tín của lực lượng công an tăng lên mà còn làm tăng uy lực của chính quyền, uy tín của bộ máy Nhà nước và sự tôn nghiêm của pháp luật Việt Nam. (An ninh Hải Phòng 03/03/2017)
Cơ quan chức năng khẳng định, hàng loạt vỉa hè trước trụ sở nhiều cơ quan nhà nước tại Hải Phòng bị "cướp" làm nơi để xe đều trái phép và sẽ xử lý dứt điểm tình trạng này.
Liên quan đến tình trạng "cướp" vỉa hè làm bãi đỗ ôtô trước trụ sở cơ quan nhà nước ở Hải Phòng, ngày 2/3, PV VTC News đã có buổi làm việc với đại diện UBND một số quận nội thành Hải Phòng.
Đại diện UBND quận Ngô Quyền cho biết, vỉa hè phía trước một số cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn quận bị lấn chiếm làm nơi đỗ xe như phản ánh của VTC News là đúng.
"Qua kiểm tra, chưa có đơn vị nào trình ra giấy phép được đậu đỗ trên vỉa hè. Mặc dù đã được nhắc nhở, thông báo nhiều lần đến lãnh đạo các đơn vị này nhưng tình trạng chiếm vỉa hè làm nơi đỗ xe ô tô vẫn chưa được chấm dứt.
Sang tuần tới, UBND quận sẽ kết hợp với các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý các phương tiện ô tô đậu đỗ trái quy định trên vỉa hè và lòng đường thuộc địa bàn quận quản lý", lãnh đạo quận Ngô Quyền nói.
Cũng trong ngày 2/3, ông Nguyễn Văn Trường – Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hồng Bàng cho biết, việc dùng vỉa hè làm nơi đỗ xe ô tô tại một số cơ quan nhà nước trên địa bàn quận diễn ra từ lâu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm là thực trạng chung.
Theo ông Trường, để tồn tại như vậy là do ý thức của người vi phạm và sự chưa cương quyết xử lý của chính quyền sở tại nên cứ sau mỗi đợt ra quân rầm rộ rồi lại đâu vào đấy.
"Việc vỉa hè bị "cướp" ở trước trụ sở một số cơ quan, Phòng sẽ cho anh em đi chụp ảnh lại, sau đó kết hợp với Sở Giao thông vận tải Hải Phòng rà soát lại xem những điểm nào được cấp phép hay không để có biện pháp xử lý", ông Trường cho biết.
Cũng theo ông Trường, chiều 2/3, các phường trên địa bàn quận bắt đầu tuyên truyền và phát bản cam kết đến các cơ quan và hộ kinh doanh không chiếm dụng vỉa hè, lòng đường trái phép.
Được biết, đến 9/3 tới đây, quận Hồng Bàng sẽ đồng loạt ra quân lập lại trật tự đường phố, vỉa hè. Kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi đỗ xe, buôn bán kinh doanh, nhất là tại 6 tuyến phố kiểu mẫu trên địa bàn quận, sau đó sẽ bàn giao cho chính quyền các phường quản lý.
“Phường nào không quản lý được thì Chủ tịch UBND phường phải chịu trách nhiệm", ông Nguyễn Văn Trường khẳng định. (VTC News 03/03/2017)
Chiều 2-3, Đoàn Trường THPT Quang Trung(huyện Thủy Nguyên) tổ chức chuyên đề điểm cấp thành phố “Đến với hiện đại từ truyền thống qua các tác phẩm văn học” với chủ đề “Tự hào Tổ quốc tôi”.
Chuyên đề gồm các hoạt cảnh lịch sử: “Thuở bình minh”; “Những trang sử hào hùng” và “Ta tự hào đi lên” cùng các phần hát múa: Huyền sử Âu Lạc, Quang Trung anh hùng ca, Dấu chân phía trước, Võ Thị Sáu, Đất nước trọn niềm vui, nhảy dân vũ Việt Nam ơi!... Thông qua các hoạt cảnh, hơn 1.200 đoàn viên, thanh niên học sinh nhà trường được ngược dòng lịch sử, chứng kiến những trang sử hào hùng về mảnh đất và con người Việt Nam. Qua đó, giáo dục cho đoàn viên thanh niên tình yêu quê hương đất nước, hoàn thiện nhân cách, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc góp phần giáo dục toàn diện cho đoàn viên thanh niên học sinh. Điểm nhấn của chương trình là màn tạo hình bản đồ Việt Nam gần 200 đoàn viên học sinh trong trang phục áo cờ đỏ sao vàng. (Báo Hải Phòng 03/03/2017)
Với mục tiêu đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu tiền năng du lịch của quần đảo Cát Bà và xây dựng thương hiệu du lịch “Cát Bà xanh”, huyện Cát Hải sẽ tổ chức một loạt các hoạt động lễ hội để thu hút du khách, trong đó có hoạt động khai mạc du lịch Cát Bà năm 2017.
UBND huyện Cát Hải vừa tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội huyện Cát Hải năm 2017. Lễ hội này bao gồm 5 sự kiện chính là lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Chi bộ tiền thân của Đảng bộ huyện Cát Hải (3/1947/3/2017), 40 năm ngày hợp nhất huyện Cát Hải (11/3/1977-11/3/2017), 58 năm ngày bác Hồ về thăm làng cá (31/3/1959/31/3/2017), ngày truyền thông ngành thủy sản Việt Nam và khai mạc du lịch Cát Bà 2017. Chương trình sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 29/3 đến 01/4 với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Riêng trong ngày 31/3 sẽ tập trung nhiều hoạt động lớn như chương trình nghệ thuật “Cát Bà xanh”, lễ hội đường phố Cát Bà lần thứ nhất, bắn pháo hoa tầm thấp,….
Chương trình nghệ thuật “Cát Bà xanh” sẽ là chương trình chính để kỷ niệm 58 năm ngày bác Hồ về thăm làng cá (31/3/1959/31/3/2017), ngày truyền thông ngành thủy sản Việt Nam và khai mạc du lịch Cát Bà 2017. Theo ông Phạm Quang Hiển, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, việc tổ chức các lễ hội này nhằm mục đích xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính văn hóa thường niên của huyện để quảng bá tới du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, quần đảo Cát Bà là tài nguyên du lịch biển quan trọng và có giá trị nhất của huyện Cát Hải nói riêng và của Hải Phòng nói chung, nên ngoài việc tổ chức các sự kiện này thì huyện Cát Hải còn phải đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng du lịch cũng như xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc và hấp dẫn. Có như vậy, lượng du khách đến với Cát Hải không dừng lại ở con số hơn 1,6 triệu lượt khách như năm 2016. Hiện với việc đưa quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn vào đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của Hải Phòng như ông Lại Đình Ngọc, Phó giám đốc sở Văn hóa, Thể thao Hải Phòng đã thông tin tại cuộc họp báo sẽ là tiền đề quan trọng để huyện Cát Hải thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển các sản phẩm du lịch.
“Việc Sun Group đầu tư các dự án du lịch có quy mô vốn lớn tại Cát Hải sẽ là động lực quan trọng giúp ngành du lịch của huyện phát triển vượt bậc và gia tăng giá trị cho tài nguyên quý giá này”. Ông Hiển nhấn mạnh. Còn quan điểm của Sun Group khi đầu tư tại đây là phải tạo nên sự khác biệt của Khu du lịch Cát Hải, Cát Bà, góp phần vào sự phát triển đột phá của Hải Phòng, gắn liền với việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, khu dự trữ sinh quyển thế giới. Và theo như thông tin từ chuyến kiểm tra thực tế tiến độ dự án của Sungroup thì dự liến đến giữa năm 2018, một số hạng mục công trình của dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Với tổ hợp các dự án của Sun Group, chắc chắn, diện mạo du lịch của huyện Cát Hải sẽ có những đổi thay tích cực. (Đầu tư 03/03/2017)
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam trong buổi làm việc với đoàn công tác Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc do ông Park Jong Kyu - Trưởng phòng đại diện tại Hà Nội - làm trưởng đoàn về dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa Hải Phòng và dự án cung cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng vay vốn ODA Hàn Quốc.
Tại buổi làm việc, ông Park Jong Kyu cho biết, Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc là ngân hàng nhà nước cung cấp tín dụng xuất nhập khẩu và các chương trình bảo lãnh để hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc kinh doanh ở nước ngoài. Hiện, ngân hàng đã tài trợ thành phố 2 dự án sử dụng vốn ODA (vốn vay ưu đãi) của chính phủ Hàn Quốc: Dự án quản lý chất thải rắn có số vốn ODA là 16,2 triệu USD (đã hoàn thành giải ngân vốn ODA); dự án cung cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện phụ sản Hải Phòng với tổng vốn ODA là 3 triệu.
Dự kiến ngân hàng sẽ tiếp tục tài trợ cho vay vốn để thực hiện dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa Hải Phòng có tổng vốn ODA là 95 triệu USD. Để tiếp tục tăng cường đầu tư tại Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc mong muốn tìm hiểu các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của thành phố Hải Phòng để hợp tác phát triển, cung cấp nguồn tài chính cho các dự án tại Hải Phòng có sự tham gia của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Phó chủ tịch Lê Khắc Nam giới thiệu hiện Hải Phòng có 87 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng kýđạt 5,34 tỷ USD. Đầu tư của đối tác Hàn Quốc hiện đứng thứ 2 về số dự án và đứng đầu về số vốn trong tổng số 36 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Hải Phòng.
Về dự án Bệnh viện đa khoa Hải Phòng, thành phố đang tích cực chỉ đạo Sở Y tế và Ban giám đốc Bệnh viện đa khoa Hải Phòng tiến hành các thủ tục cơ bản để phấn đấu khởi công vào quý 1/2018 và giải ngân được nguồn vốn vay. Về đề nghị cung cấp các thiết bị cho dự án Bệnh viện phụ sản Hải Phòng, thành phố sẽ nghiên cứu để sát với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Phó chủ tịch cũng đề nghị phía Ngân hàng xuất khẩu Hàn Quốc tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Hải Phòng được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. (An ninh Hải Phòng 03/03/2017)
Hạng mục công trình nút giao thông khác mức Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ thuộc Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường 356 đoạn 2A từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ đã được UBND thành phố phê chuẩn tại QĐ số 534/QĐ-UBND ngày 6-4-2010, phê duyệt điều chỉnh dự án tại QĐ số 2164/QĐ-UBND ngày 11-12-2012.
Trong đó, phần cải tạo, xây dựng mở rộng đường 356 đoạn 2A đã được hoàn thành đưa vào khai thác từ ngày 31-12-2013. Hạng mục công trình nút giao thông khác mức Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ bị gián đoạn do những khó khăn khách quan nhất định.
Được sự quan tâm của Thủ thướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải; sự chỉ đạo sát sao của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Lê Văn Thành, hạng mục nay được tái khởi động, thi công với thời gian rút ngắn từ 22 tháng xuống còn 6 tháng kể từ ngày khởi công. Hạng mục công trình nút giao thông khác mức Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ sẽ xây dựng cầu vượt trực thông trên hướng đường Lê Thánh Tông - tỉnh lộ 356. Quy mô cầu gồm 7 nhịp 35m, chiều dài toàn cầu 252,2m, bề rộng cầu 18,5m. Nút giao dưới cầu được tổ chức dạng đảo xuyến có bán kính 25m, tổ chức 4 làn xe trong xuyến. Chủ đầu tư dự án là Sở Giao thông vận tải, đơn vị thi công là Liên danh giữa Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng và Cty CP Cầu 12; Đơn vị tư vấn thiết kế là TEDI (Bộ giao thông vận tải).
Trước đó, chiều 2-3, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Bình đã kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị Lễ khởi công hạng mục này. Được biết, UBND quận Hải An đang khẩn trương thực hiện GPMB phục vụ dự án. Địa phương đã hoàn thành công tác xác định nguồn gốc đất và thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng đền bù. Ngay sau khi được UBND TP phê chuẩn kế hoạch sử dụng đất, UBND quận sẽ tiến hành họp dân, ra thông báo thu hồi đất và kiểm kê tài sản trên đất theo quy định.
Về phía liên danh nhà thầu thi công, đến nay đã lên kế hoạch và tập kết phương tiện máy móc, nhân lực ở mức độ cao nhất để triển khai thi công ngày 3 ca liên tục theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Thành. (An ninh Hải Phòng 03/03/201;7 Báo Hải Phòng 03/03/2017)
Chủ tịch UBND Tp. Hải Phòng vừa có văn bản gửi Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) đề nghị giảm thu phí lưu thông trên đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Theo đó, công văn số 973 chỉ rõ, nút giao thông Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ là một hạng mục công trình thuộc Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường 356 đoạn 2A từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ.
Đây là cửa ngõ vào Khu công nghiệp Đình Vũ và các cảng thuộc chuỗi cảng Đình Vũ. Đồng thời cũng là nút giao thông trên đường trục duy nhất nối liền hệ thống cảng biển Hải Phòng đến Khu công nghiệp Đình Vũ, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện, đường nối Tp.Hạ Long (Quảng Ninh) với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Theo lãnh đạo Hải Phòng, khi nút giao hoàn thành, sẽ giải quyết từng bước kiến nghị của doanh nghiệp về việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, công trình dịch vụ và tiện ích cộng cộng khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng nhằm phục vụ các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng, khắc phục tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông tại khu vực cảng biển.
Để tổ chức thi công nút giao thông này, UBND Tp. Hải Phòng đã có văn bản tổ chức phân luồng cho xe tải trên 3,5 tấn từ Đình Vũ và chiều ngược lại theo lộ trình qua cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thời gian thực hiện từ 27/2/2017.
“Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, UBND Tp.Hải Phòng đề nghị Vidifi giảm chi phí lưu thông trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đoạn từ nút giao Đình Vũ đến nút giao Phạm Văn Đồng) kể từ ngày 1/3/2017”, công văn nêu rõ. (vneconomy.vn - Thời báo kinh tế VN 03/03/2017; Dân việt 03/03/2017; Giao thông 03/03/2017)
Theo báo cáo của Sở KH và ĐT TP Hải Phòng, thực hiện Nghị quyết 19/2016, Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 của Chính phủ, Sở đã tham mưu cho TP hàng loạt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.
Theo đó, ngoài các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế; thúc đẩy, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các DN như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Sở đã tổ chức 66 khóa đào tạo cho 3.260 học viên là các chủ DN, các nhà quản lý tại các DN tham gia khóa đào tạo nâng cao kỹ năng quản trị DN và khởi sự DN; phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế JICA (Nhật Bản) tổ chức 8 cuộc hội thảo, hỗ trợ kỹ năng quản lý nguồn nhân lực, giảm thiểu lãng phí trong sản xuất theo phương pháp quản lý DN hiện đại của Nhật Bản cho 13 DN.
Bên cạnh đó, Sở KH và ĐT còn phối hợp cùng các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục Thuế, Hải quan, BHXH… thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày (năm 2015) xuống còn 20 ngày; 99,8% DN trên địa bàn đăng ký kê khai thuế qua mạng; 97,57% DN đăng ký nộp thuế điện tử…
Giám đốc Sở KH và ĐT TP Lê Trung Kiên cho biết, thời gian qua, Sở cũng đã chủ trì, phối hợp cùng các ban, ngành tham mưu cho TP tập trung nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho các công trình, dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không, mở rộng mạng lưới giao thông với các tỉnh duyên hải Bắc Bộ; tập trung nguồn vốn hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải nhằm tạo động lực thu hút đầu tư cho TP trong giai đoạn tới.
Từ tháng 9.2016 đến nay, mỗi tháng một lần, Hải Phòng thực hiện đối thoại với cộng đồng DN trên địa bàn. Qua đó, đã có 71/135 kiến nghị của DN được TP và các ban, ngành giải quyết, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh của các DN, hoạt động này cũng là sáng kiến của Sở KH và ĐT. (Công Thương 03/03/2017)
Căn cứ Luật phí và lệ phí, nghị định Chính phủ và sự chỉ đạo của Chính phủ, quy định thu phí thuộc thẩm quyền của HĐND TP Hải Phòng và TP đã thực hiện đầy đủ các quy trình ban hành mức phí.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch TP.HCM Hải Phòng báo cao thành tích tại Hội nghị cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc Trung Ương - thực hiện giao ước thi đua năm 2016 và ký kết giao ước thi đua năm 2017, sáng 3-3-2017 tại TP.HCM - Ảnh: Tự Trung
Ông Nguyễn Văn Tùng - chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho biết như vậy tại hội nghị tổng kết thực hiện giao ước thi đua năm 2016 và ký kết giao ước thi đua 2017 của nhóm 5 TP trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) sáng 3-3 tại TP.HCM.
Tham dự có ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam cùng lãnh đạo 5 địa phương trên.
Trong phần trình bày tham luận của lãnh đạo các TP, chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã dành thời gian nói về chủ trương thu phí hạ tầng cảng biển mà Hải Phòng vừa áp dụng trong thời gian vừa qua.
Ông Tùng cho biết chủ trương này thực hiện căn cứ vào Luật phí và lệ phí ban hành cuối năm 2015 và có hiệu lực đầu năm 2017. Ngoài ra, còn căn cứ vào nghị định Chính phủ và sự chỉ đạo của Chính phủ.
Cụ thể theo ông Tùng, Chính phủ đã có công văn chỉ đạo các tỉnh, thành phố có cảng biển triển khai thực hiện thu phí. Bộ Tài chính cũng đã có hướng dẫn thực hiện việc thu phí này.
"Quy định thu phí thuộc thẩm quyền của HĐND TP Hải Phòng. Chúng tôi đã thực hiện đầy đủ các quy trình ban hành mức phí" - ông Tùng nói. Quy định mức thu 500.000 đồng/container 400 feet. Thu phí 250.000 đồng/công 20 feet.
Ông Tùng cũng cho biết sau khi thực hiện thu phí thì các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề có phản ứng và gửi kiến nghị đề nghị xem lại việc thu phí cũng như mức thu. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành kiểm tra.
Hiện Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Công thương, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng đã có văn bản trả lời xác định việc thu phí là đúng luật và đúng thẩm quyền.
"TP Hải Phòng là địa phương đi đầu trong chuyện thực hiện thu phí này nên rất vất vả trong quá trình triển khai. Chúng tôi mong TP.HCM và Đà Nẵng sớm nghiên cứu thực hiện thu phí để tạo sự đồng bộ trên bình diện cả nước" - ông Tùng nhấn mạnh.
Trước đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh việc nhiều doanh nghiệp ở Hải Phòng phản ứng cho rằng việc thu phí hạ tầng cảng biển của Hải Phòng gây khó cho doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện giá xăng dầu biến động. (Tuổi trẻ 03/03/2017)
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép được giảm tỷ lệ nắm giữ tại CTCP Cảng Hải Phòng (PHP) từ 92,56% xuống 65% vốn.
Cảng Hải Phòng là cảng có lưu lượng hàng thông qua lớn nhất khu vực phía Bắc. Cảng gồm ba khu vực chính là Cảng Hoàng Diệu, Cảng Chùa Vẽ và Cảng Tân Vũ. Năm 2008, Cảng Hải Phòng được chuyển đổi mô hình thành Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước và đến năm 2014, Công ty thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Kể từ khi được cổ phần hóa, hiệu quả kinh doanh của PHP có tốc độ tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, năm 2015, doanh thu của Công ty tăng gần 250 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 11,9% so với năm 2014; lợi nhuận sau thuế tăng 140 tỷ đồng, tăng trưởng 31,5%. Năm 2016, PHP đạt doanh thu thuần hợp nhất 2.385 tỷ đồng, tăng 35 tỷ đồng so với năm trước. Doanh thu tăng cộng với giá vốn giảm nhẹ giúp Công ty đạt lãi gộp 889,6 tỷ đồng, tăng gần 40 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Về cơ cấu tổ chức, tính đến thời điểm 31/12/2016, PHP có 5 công ty con, 5 công ty liên doanh liên kết (có 1 công ty đã tạm ngừng hoạt động là CTCP Vinalines Đông Bắc), 2 công ty liên doanh liên kết gián tiếp và 2 chi nhánh trực thuộc. Năm qua, PHP đã chuyển một loạt chi nhánh và đơn vị trực thuộc thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Cảng Hải Phòng hiện sở hữu tổng cộng 21 cầu tàu, trong đó 13 cầu làm hàng container và 8 cầu làm hàng bách hóa, hàng rời với tổng chiều dài hơn 3,5 km. Với những lợi thế trên, Cảng Hải Phòng hiện đang chiếm đến 30 - 35% thị phần khu vực phía Bắc. Năm qua, Công ty mẹ PHP đã đạt sản lượng xếp dỡ trên 26 triệu tấn hàng hóa thông qua, sản lượng hợp nhất (bao gồm cả công ty con - Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Cảng Đình Vũ) đạt 35 triệu tấn.
Trong cơ cấu doanh thu của PHP, hoạt động bốc xếp hàng hóa có tỷ trọng cao nhất, chiếm từ 70 - 80% doanh thu thuần trong các năm qua. Doanh thu hoạt động lưu kho bãi chiếm tỷ trọng 10 - 20% do Cảng Hải Phòng có lợi thế diện tích kho bãi khoảng 521.570 m2. Doanh thu hoạt động lai dắt, hỗ trợ và hoạt động kinh doanh dịch vụ chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Nợ phải trả của Công ty trong năm 2016 giảm mạnh từ 1.560,8 tỷ đồng đầu năm xuống 1.280,8 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm. Nợ vay chỉ chiếm khoảng 25% tổng tài sản, một tỷ lệ an toàn và khá thấp so với những doanh nghiệp đầu tư tài sản có giá trị lớn như cảng biển. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2016 đạt 3.848 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ của Công ty là 3.269 tỷ đồng. Khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền của Công ty đạt 354 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 42,45 tỷ đồng đầu kỳ.
Dù kết quả kinh doanh của PHP tăng trưởng khá tốt, nhưng theo đánh giá của công ty mẹ Vinalines, hiệu quả kinh doanh của PHP vẫn chưa tương xứng với quy mô và thương hiệu. Theo lãnh đạo Vinalines, trong thời gian tới, Cảng Hải Phòng cần thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh và kinh nghiệm khai thác cảng để tạo “cú hích” mới trong hoạt động, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tư vào cảng Lạch Huyện, dự án lớn vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Vinalines thông qua PHP đầu tư.
Trong khi đó, theo chia sẻ của lãnh đạo PHP, năm 2017, Công ty sẽ đầu tư mở rộng kho bãi Tân Vũ thêm 10 ha, nâng tổng diện tích kho bãi tại đây lên 55 ha, đầu tư lắp đặt các thiết bị chuyên dụng như cầu tàu, bến bãi, cần trục, ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần khai thác và quản lý tốt hơn cảng Tân Vũ, đưa Tân Vũ trở thành chi nhánh chủ lực của PHP. (Đầu tư Chứng khoán 03/03/2017)
Theo Cục thống kê TP, tháng 2, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển tại Hải Phòng ước đạt 6,472 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Hai tháng đầu năm, lượng hàng hóa thông qua các cảng biển ước đạt 13,516 triệu tấn, tăng 14,41% so với cùng kỳ.
Các cảng Hải An, Đình Vũ, Cửa Cấm, Viconship đều có sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng từ 22,27 - 39,87%. Cảng Nam Hải có sản lượng hàng hóa thông qua cảng cao nhất với mức tăng tới 63,97%. Một số cảng thuộc khối DNNN địa phương, các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước có quy mô không lớn, chủ yếu phục vụ các tàu có trọng tải nhỏ và vừa, nằm sâu trong nội địa bị giảm sản lượng từ 6 - 18%. Nguyên nhân giảm do các cảng này có nhiều chủ hàng, chủ tàu Trung Quốc khai thác, làm dịch vụ XNK hàng hóa, các chủ tàu Trung Quốc nghỉ tết nguyên đán dài ngày.
Điều đáng nói, từ 1.1, Hải Phòng thực hiện việc thu phí dịch vụ hạ tầng cảng biển chỉ từ 250.000 - 500.000 đồng/container loại từ 20 - 40 feet, thu phí hàng rời từ 2.000 -50.000 đồng/tấn; riêng hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan có mức phí từ 2,2 - 2,3 triệu đồng/container loại 20 feet theo Luật Phí và Lệ phí có hiệu lực từ 1.1.2017.
Ngay khi Hải Phòng thực hiện việc thu phí dịch vụ hạ tầng cảng biển, một số hiệp hội nghề nghiệp cho rằng sẽ làm giảm lượng hàng hóa thông qua cảng. Tuy nhiên, sau hai tháng áp dụng, lượng hàng hóa thông qua các cảng biển vẫn tăng. Dự kiến, năm 2017, lượng hàng hóa thông qua các cảng trên địa bàn TP ước đạt trên 92 triệu tấn. (Công Thương 03/03/2017)
Những ngày này, mặc dù chưa có lễ khởi công rầm rộ, không có nhiều thông tin trên các mặt báo nhưng tại đảo Cát Hải, đảo Cát Bà, Tập đoàn Sun Group đã triển khai một khối lượng công việc khá lớn để thực thi ý tưởng đưa Cát Bà trở thành đảo ngọc lung linh với quy mô, tầm vóc của một khu du lịch quốc tế. Cùng doanh nghiệp, cả thành phố đang nỗ lực vào cuộc, dốc sức giải quyết các công việc, thủ tục liên quan để các hạng mục công trình sớm được thi công. Mọi khó khăn, vướng mắc được phản ánh kịp thời để thành phố, các ngành và huyện cùng khẩn trương giải quyết.
Giữa năm 2018 sẽ có nhiều sản phẩm du lịch mới tại Cát Bà
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Lê Viết Lam khẳng định như vậy tại cuộc kiểm tra tiến độ dự án mới đây cùng lãnh đạo thành phố Hải Phòng. Ông Lê Viết Lam cho biết, ngay sau khi cam kết đầu tư, tập đoàn nhanh chóng xây dựng ý tưởng, báo cáo lãnh đạo thành phố và cấp tốc triển khai thực hiện. Đến nay, mới chỉ qua 5 tháng, nhưng toàn huyện Cát Hải đang rộn ràng cùng dự án. Gần 130 ha đất đã được bàn giao cho Sun Group, ngay sau đó, tập đoàn tổ chức phun cát, tạo mặt bằng. Song song với đó là một loạt công việc được tiến hành như quy hoạch chi tiết 1/500 để có thể báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vào giữa tháng 3-2017; mời tư vấn quốc tế cùng đội ngũ cán bộ, kỹ sư tốt nhất, dày dạn kinh nghiệm nhất của tập đoàn, từng thi công thành công tuyến cáp treo lên đỉnh Fan- xi-păng (Lào Cai) để xác định và chốt các vị trí đặt ga cáp treo, các trụ cáp và tuyến cáp treo dài 21 km từ Cát Hải sang Cát Bà. Cùng với đó, tập đoàn đang khẩn trương thiết kế và tổ chức thi công sân gôn Xuân Đám; lên ý tưởng thực hiện các show trò chơi, nhạc nước và nhiều sản phẩm du lịch độc đáo khác tại khu trung tâm của đảo Cát Bà, nhằm thu hút du khách ngay sau khi tuyến cáp treo đưa vào hoạt động.
Ông Lê Viết Lam khẳng định, quan điểm đầu tư của Sun Group là tạo nên sự khác biệt của Khu du lịch Cát Hải, Cát Bà, góp phần vào sự phát triển đột phá của Hải Phòng gắn liền với việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, khu dự trữ sinh quyển thế giới và sẽ đầu tư xứng tầm, thi công ráo riết trong năm 2017 để năm 2018 Cát Hải, Cát Bà có diện mạo mới hấp dẫn và thân thiện.
Nhiều phần việc phải khẩn trương hoàn thành
Tuy nhiên, với dự án lớn, trải rộng khắp 2 đảo Cát Hải, Cát Bà, sẽ kéo theo đó rất nhiều thủ tục, công việc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đòi hỏi cả hệ thống chính trị của thành phố và huyện Cát Hải cùng vào cuộc. Vấn đề cần được ưu tiên quan tâm trước hết là các khu tái định cư trên đảo Cát Hải để di dời các khu dân cư thuộc mặt bằng xây dựng khu vực đón khách, bãi để xe ô tô, ga cáp treo và các hạng mục khác. Việc GPMB phụ thuộc vào tiến độ xây dựng khu tái định cư để di dân.
Trực tiếp kiểm tra tại thực địa ngày 1- 3, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chỉ đạo: giao Tập đoàn Sun Group xây dựng luôn khu tái định cư theo hình thức như khu tái định cư Sở Dầu của Tập đoàn Vin Group nhằm rút ngắn nhất thời gian thực hiện, sau đó thành phố sẽ làm thủ tục đối trừ sau. Cũng như vậy, để di chuyển cảng cá Cát Bà, thực hiện các hạng mục phát triển du lịch khu trung tâm, thành phố cũng quyết định ngay chuyển sang cảng neo đậu Trân Châu đã được đầu tư trước đó. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Phạm Văn Hà, cảng Trân Châu đã được đầu tư cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, có điều kiện tốt hơn nhiều so với cảng cá hiện tại nhưng để sử dụng được cần phải làm thủ tục xin ý kiến chấp thuận của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Đồng thời, phải đầu tư thêm một số hạng mục như nạo vét thêm 3 m để có đủ độ sâu 4 m; xây dựng cầu cảng và làm kè. Ngay tại cuộc họp, lãnh đạo thành phố quyết định, giao những phần việc này cho Sun Group thực hiện và giao Sở Nông nghiệp và PTNT bám sát các bộ, ngành để sớm có quyết định của Chính phủ chuyển cảng Trân Châu từ cảng neo đậu sang cảng cá loại 1 để hoàn tất thủ tục di chuyển. Đại diện Sun Group nhất trí đề xuất này và cho biết, mặc dù đang thi công nhiều dự án trên địa bàn cả nước, nguồn lực bị phân tán nhưng vì quyết tâm cao thực hiện dự án ở Hải Phòng, tập đoàn sẵn sàng đầu tư vốn thi công các phần việc do thành phố đề xuất để đẩy nhanh tiến độ, mục tiêu sớm đưa một phần dự án vào hoạt động.
Liên quan công tác GPMB, lãnh đạo thành phố bày tỏ thái độ rất quyết liệt, không nhân nhượng với các hành vi chậm trễ, thiếu trách nhiệm. Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành yêu cầu huyện Cát Hải kiểm điểm rõ trách nhiệm cá nhân đối với tình trạng để xây dựng các công trình nhà ở mới trên phần đất của dự án sau khi đã công bố quy hoạch. Nếu tiếp tục để vi phạm sẽ đình chỉ công tác cán bộ liên quan. Cùng với đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu các ngành liên quan, huyện Cát Hải thực hiện ngay các thủ tục liên quan tới công tác thu hồi đất, đền bù và GPMB; thu hồi dự án Khu đô thị Cái Giá do Vinaconex làm chủ đầu tư để hoang hóa quá lâu và mới chỉ thực hiện một phần nhỏ nghĩa vụ tài chính để giao lại cho nhà đầu tư có tiềm lực. Các vị trí dự kiến đặt nhà ga, cột trụ cáp treo cũng cần sớm bàn giao cho chủ đầu tư để thi công…
Chủ tịch Sun Group Lê Viết Lam cho biết, Sun Group mong muốn đầu tư ở Cát Hải, Cát Bà những công trình du lịch mới chất lượng cao, đẳng cấp và có sự khác biệt, luôn đề cao tính hiệu quả. Bởi vậy, tập đoàn mong muốn thành phố tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nhanh công tác GPMB, đây là điểm mấu chốt vì sẽ quyết định tiến độ nhanh hay chậm. Cùng với đó, tập đoàn cũng đề nghị được đầu tư đồng bộ tại khu vực này, sẽ tham gia xây dựng một quy hoạch chuẩn, đồng bộ để đáp ứng các yêu cầu xây dựng khu du lịch hiện đại và sinh thái.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành khẳng định, các dự án của Sun Group được thực hiện ở đâu thì người dân ở đó được hưởng lợi, địa phương đó có sự chuyển biến mạnh mẽ và các sản phẩm, công trình thương hiệu Sun Group không chỉ là niềm tự hào của địa phương mà của cả quốc gia, mang tầm cỡ quốc tế, thể hiện tiềm lực, tầm nhìn, ý tưởng của Sun Group. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng sẽ quyết đoán những vấn đề cần thiết để thực hiện đầu tư, làm tốt công tác GPMB, thực hiện các dự án kết nối với các dự án của Sun Group và cam kết sẽ giải quyết triệt để tất cả vướng mắc, khó khăn để dự án thành hiện thực trong thời gian sớm nhất. (Báo Hải Phòng 03/03/2017)
Sau thời gian dài làm ăn hiệu quả thấp, năm 2016 chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của ngành đóng tàu Việt Nam khi Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) công bố mức lãi ròng hơn 150 tỷ đồng. Trong số doanh nghiệp có mức tăng trưởng khá của SBIC, có các doanh nghiệp (DN) đóng tàu lớn ở Hải Phòng đang vươn lên sau khi tái cơ cấu, đổi mới trong SXKD.
Đa dạng hóa sản phẩm
Năm 2016, ngành đóng tàu Hải Phòng bàn giao số lượng tàu đóng mới lên đến vài chục chiếc các loại, bàn giao tàu sửa chữa hàng trăm chiếc. Với cách làm mới, đa dạng trong SXKD, DN bù đắp chi phí duy trì sản xuất và bảo đảm đời sống cho người lao động. Năm 2016, mức lương trung bình của Công ty đóng tàu Bạch Đằng là 6,4 triệu đồng /người; Sông Cấm cũng trên 6 triệu đồng/người; riêng Phà Rừng có mức lương 8,2 triệu đồng/người/tháng.
Trước khó khăn, hàng loạt DN đóng tàu Hải Phòng nỗ lực tái cơ cấu lại, chuyển hướng đa dạng hóa sản phẩm để duy trì sản xuất. Đó là đóng mới tàu nhỏ, tập trung sửa chữa tàu và gia công kết cấu thép, thậm chí gia công cần cẩu và phá dỡ tàu cũ. Các đơn hàng xuất hiện đều đặn, tuy giá trị không cao nhưng góp phần giúp DN duy trì ổn định sản xuất. Cùng với các DN đóng tàu nhỏ, những tên tuổi lớn như Bạch Đằng, Nam Triệu, Phà Rừng… đều tham gia đóng mới tàu cá vỏ thép, mang về khoản doanh thu ổn định. Trong năm 2016, chỉ riêng đóng tàu Phà Rừng đóng mới 5 tàu và ngay sau Tết nguyên đán 2017, Phà Rừng lại tiếp tục bàn giao thêm 1 tàu cá vỏ thép nữa. Bên cạnh đó, những chiếc tàu nhỏ được đóng mới ở Bạch Đằng, Nam Triệu được đưa xuống nước thành công, chuẩn bị bàn giao khách hàng. Tuy chưa phát triển mạnh mẽ, nhưng đóng tàu Hải Phòng đang dần vượt qua khó khăn.
Không chỉ đóng mới, mảng sửa chữa tàu cũng được các DN chú trọng. Các cơ sở đóng tàu tiếp nhận hàng trăm tàu vào sửa chữa. Với trình độ tay nghề cao, các tàu đều được bàn giao đúng hẹn, đạt chất lượng cao, được các chủ tàu tin cậy. Ngoài ra, từ những thiết bị của ngành đóng tàu, một số đơn vị còn tham gia thi công kết cấu thép như: dàn giáo, cần cẩu chất lượng cao. Theo ông Trương Hoàng Cao, Tổng giám đốc Công ty đóng tàu Bạch Đằng, trong 120 ngày thi đua hoàn thành kế hoạch SXKD năm 2016, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng, công nhân hăng say làm việc và công ty đã hoàn thành toàn diện kế hoạch đề ra với các sản phẩm: đóng mới và bàn giao tàu cá vỏ thép, tập trung thi công tàu chở hàng 22.000 tấn, sửa chữa hàng chục con tàu, bàn giao cho khách hàng đúng hẹn…
Chú trọng thị trường trong nước
Theo lãnh đạo Công ty đóng tàu Phà Rừng, cả giai đoạn từ 2008-2012 công ty không ký được hợp đồng đóng mới, năm 2013-2014 đóng tàu nhỏ, cỡ trung; năm 2015 có 20 sản phẩm đóng mới và năm 2016 là 36 tàu, chủ yếu là sà lan, kéo đẩy, tàu SB, tàu cá vỏ thép…Hầu hết tàu đóng mới là tàu nhỏ thuộc về thị trường trong nước. Định hướng quay lại thị trường trong nước với các hợp đồng nhỏ đã góp phần tăng trưởng vào doanh thu của Phà Rừng.
Cùng với Phà Rừng, hàng loạt DN đóng tàu khác cũng quay về thị trường trong nước nhận các đơn hàng để duy trì sản xuất. Tuy các đơn hàng giá trị không lớn, nhưng là điều kiện để DN duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Khác với đóng tàu Sông Cấm là hướng đến các loại tàu công tác, một số DN đóng tàu lớn chuyển sang đóng sà lan, tàu pha sông biển, thậm chí cả phao tiêu hoặc phá dỡ tàu cũ… Theo ông Vũ Hữu Chiến, Tổng giám đốc Công ty đóng tàu Phà Rừng, việc đóng tàu nhỏ tuy có lợi, nhưng cũng dễ xảy ra tình trạng bỏ giá thấp, khó cạnh tranh, dễ dẫn đến lỗ và điều đáng phải suy nghĩ là tàu nhỏ, yêu cầu chất lượng không cao, tay nghề người thợ dễ bị mai một. Vì vậy, để duy trì sản xuất và cũng là nâng cao tay nghề người thợ, một mặt DN “không chê” đóng tàu nhỏ, mặt khác tích cực tìm đơn hàng đóng mới tàu cỡ lớn, tàu xuất khẩu và Phà Rừng đã thành công theo hướng này.
Sự tăng trưởng của đóng tàu Hải Phòng đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành đóng tàu Việt Nam. Quyền Tổng giám đốc SBIC Cao Thành Đồng cho biết, năm 2016, toàn SBIC có 198 tàu bàn giao khách hàng, tăng 18 sản phẩm, doanh thu đạt 6.400 tỷ đồng, gần 5.900 người lao động có việc làm và không bị nợ lương…
Năm 2017, SBIC triển khai thi công 230 sản phẩm và dự kiến bàn giao 186 sản phẩm, sửa chữa hơn 330 lượt tàu. Giá trị sản xuất từ đóng tàu dự kiến đạt hơn 5.322 tỷ đồng, từ công nghiệp phụ trợ, vận tải cảng biển, thương mại dịch vụ... hơn 237 tỷ đồng. (Báo Hải Phòng 03/03/2017)
Chiều 2/3, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng (KH&ĐT) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị giao ban báo chí và cung cấp thông tin, báo cáo kết quả cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nâng cao năng lực cạnh tranh của TP. Hải Phòng.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Trung Kiên - Giám đốc Sở KH&ĐT Hải Phòng - cho biết, thời gian qua, với nhiều nỗ lực quyết tâm vì mục tiêu chung xây dựng Hải Phòng lớn mạnh, Sở KH&ĐT đã đề xuất, tham mưu với thành phố nhiều nội dung công việc quan trọng. Đồng thời, Sở cũng thực thi các giải pháp bám sát chuyên ngành, thực hiện tốt nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố và đã thu được một số kết quả tích cực.
Trong năm 2016, Sở KH&ĐT Hải Phòng đã rút ngắn thời gian cấp giấy chứng đăng ký DN chỉ còn hơn 2 ngày làm việc với một hồ sơ cấp mới, gần 2 ngày với những hồ sơ thay đổi, các mẫu hồ sơ đăng ký kinh doanh được công khai trên Internet. Đồng thời, Sở cũng đang tăng cường hướng dẫn thủ tục hành chính qua đường dây nóng, công tác hỗ trợ DN được đẩy mạnh thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh như đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin, giải quyết kiến nghị của DN. Năm 2016 Sở KH&ĐT đã tổ chức 66 khóa đào tạo với 3.260 học viên, đạt 100% kế hoạch nâng cao kiến thức, kỹ năng trong quản trị và khởi sự DN.
Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Sở KH&ĐT đã thực hiện nhiều hoạt động tăng cường năng lực ngành công nghiệp phụ trợ. Hỗ trợ trực tiếp cho 13 DN, 50 cải tiến đã được thực hiệ., Sở cũng đã tổ chức nhiều hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhân lực, tiết kiệm chi phí, áp dụng phương pháp quản lý hiện đại của Nhật Bản… Cùng với đó, Sở KH&ĐT đã và đang tiến hành khảo sát đẩy mạnh hoạt động kết nối DN. Hỗ trợ DN tiếp cận quỹ hỗ trợ DN vừa và nhỏ, tư vấn cho DN về các thủ tục đầu tư, thẩm định dự án đầu tư. Tham mưu cho UBND thành phố tổ chức Hội nghị đối thoại DN định kỳ hàng tháng.
Công tác phối hợp giữa Sở KH&ĐT với các cơ quan chức năng trong việc quản lý đối với DN sau khi đăng ký thành lập cũng được thực hiện nghiêm túc, trong đó đặc biệt chú trọng việc chuẩn hóa, số hóa dữ liệu của DN, đảm bảo lưu trữ, quản lý đồng bộ, phối hợp tốt với các cơ quan quản lý liên ngành, góp phần minh bạch hóa thông tin DN.
Năm 2016, Hải Phòng dẫn đầu cả nước về thu hút các dự án đầu tư lớn cả trong và ngoài nước. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 27.113 DN đang hoạt động và 487 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 13,94 tỷ USD. Tính riêng 2 tháng đầu năm 2017, thành phố có 377 DN đăng ký mới, tổng số vốn đầu tư nước ngoài thu hút đạt 161,69 triệu USD… Những kết quả đó phần nào thể hiện rõ hiệu quả thiết thực của hàng loạt quyết sách trong hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP. Hải Phòng. (Công Thương 03/03/2017)
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) vừa gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về việc thu phí cảng biển Hải Phòng. Văn bản này cũng được 6 hiệp hội ngành hàng đồng ký tên.
Sáu hiệp hội ngành hàng cùng đứng đơn với VPSF bao gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.
Văn bản đồng kiến nghị gửi Thủ tướng khẳng định rõ, mặc dù Luật Phí và lệ phí cho phép Hải Phòng được thu phí hạ tầng cửa khẩu cảng, nhưng việc ban hành và áp dụng mức phí này có dấu hiệu vi phạm một số điểm của Luật Phí và lệ phí, Pháp lệnh Đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia (Việt Nam nội luật hóa trên cơ sở các cam kết WTO), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo các hiệp hội, có nhiều vấn đề cần xem xét trong quá trình ban hành Nghị quyết 148 của Hải Phòng, như các hiệp hội chủ hàng và vận tải đều không được lấy ý kiến trong quá trình ban hành Nghị quyết; Hải Phòng không đánh giá tác động với thủ tục hành chính, không đăng tải dự thảo văn bản trên Cổng thông tin điện tử Thành phố tối thiểu 30 ngày theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Bên cạnh đó, mức phí này bất hợp lý, thể hiện ở chỗ khoảng cách từ cảng Hải Phòng đến đường cao tốc hay Quốc lộ 5 chỉ trong vòng 20 km, nhưng mức phí lên tới 500.000 đồng/container 40 feet, tương đương với phí cầu đường của toàn bộ Quốc lộ 5 về Hà Nội và bằng 50% mức phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong khi khoảng cách chỉ bằng một phần năm.
Các hiệp hội khẳng định, Quyết định của Hải Phòng ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của hàng nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc nguồn ngân sách trung ương. Đại diện VPSF cho biết, kết quả khảo sát mới nhất các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu liên quan tới các thủ tục tại cảng Hải Phòng cho thấy, có 27% doanh nghiệp đã bị giảm lợi nhuận trên 15%; 20% doanh nghiệp giảm lợi nhuận từ 5 - 10%; 40% doanh nghiệp giảm lợi nhuận từ 1 - 5%.
Để ứng phó tình trạng này, kết quả khảo sát cho thấy 30% doanh nghiệp sẽ tăng giá bán để bù đắp chi phí phát sinh, 16,7% doanh nghiệp dự kiến thu hẹp sản xuất - kinh doanh, cắt giảm lao động và chi phí.
“Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng phần lớn thuộc phần lớn thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, bông sợi... là các đơn vị sử dụng lượng lao động rất lớn. Riêng nhân công ngành dệt may và da giày trên toàn quốc đã tầm 4 triệu người. Như vậy, tỷ lệ cắt giảm lao động dù rất nhỏ thì cũng là con số hàng nghìn người”, văn bản kiến nghị nêu rõ.
Trên cơ sở các phân tích, 7 hiệp hội tiếp tục kiến nghị Thủ tướng tạm dừng thi hành Nghị quyết 148 của UBND thành phố Hải Phòng, chỉ đạo các bộ liên quan, UBND thành phố Hải Phòng tính đúng, đủ mức phí theo quy định của pháp luật hiện hành; đánh giá tác động trong cộng đồng doanh nghiệp để cân đối với các chiến lược kinh tế tổng thể khác.
Để có căn cứ đầy đủ, khách quan giúp Thủ tướng ra quyết định, 7 hiệp hội đề xuất bổ sung ít nhất một đại diện tham gia đoàn công tác do Bộ Tài chính chủ trì để làm việc với UBND thành phố Hải Phòng theo tinh thần Công văn số 1630/VPCP-KTTH ngày 24/2/2017. Đồng thời, kiến nghị tổ chức một cuộc họp tham vấn, đối thoại chính sách công khai, khách quan giữa Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về vấn đề thu phí của Hải Phòng đặt trong các quy định của pháp luật hiện hành cũng như các chiến lược quốc gia về phát triển logistics, thúc đẩy sức cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư... để thảo luận tìm kiếm giải pháp phù hợp cho các bên liên quan. (Đầu tư Chứng khoán 03/03/2017)
Thiên hạ xôn xao ảnh 2 cô gái chụp “nghệ thuật” ở “Tuyệt tình cốc” Hải Phòng. Cũng trắng ngần, cũng 3 vòng lý tưởng, cũng đủ các tư thế gợi cảm, cũng bất cần nội y nhông nhông cơ thể để khoe được hết những gì cần khoe... nhưng lại bị đa phần dư luận ném đá không thương tiếc.
Tôi chơi với khá đông nghệ sĩ nhiếp ảnh. Chơi rồi mới biết, không phải ông nào cũng có khả năng chụp ảnh nude.
Hồi đi cái trại sáng tác ở Đại Lải, tôi ủng hộ ông bạn nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp nude bằng cách nói với phụ trách nhà sáng tác cho ông ấy thuê một em mẫu về chụp tại phòng. Hì hà hì hục một ngày thâu sang đêm, kết quả: Vứt.
Xem ảnh thấy toàn ảnh cởi truồng chứ không phải phải nude nghệ thuật. Thậm chí một số ảnh có cảm giác như méo mó, vì nó ngắn dài không đều, to nhỏ không đều, lúc khẳng khiu như cái đũa, lúc phì nộn như chân voi, chưa kể, những chỗ vốn dĩ nó rất đẹp, khi bị ống kính ông này bóc trần ra, trông phát khiếp, hết cả... hứng.
Gặp Thái Phiên, Dương Minh Long thì mới hiểu, không dễ gì để có những bức ảnh nude nghệ thuật, để nhìn vào chỉ thấy đẹp chứ không thấy tục, thấy con người bay lên chứ không chui xuống.
Giờ, máy kỹ thuật số tràn lan, điện thoại smart phone tràn lan, quan niệm cũng thông thoáng hơn, nên có vẻ ai cũng có thể chơi ảnh nghệ thuật, kể cả nude.
Mới đây lại xôn xao ảnh 2 cô gái chụp “nghệ thuật” ở “Tuyệt tình cốc” Hải Phòng. Cũng trắng ngần, cũng 3 vòng lý tưởng, cũng đủ các tư thế gợi cảm, cũng bất cần nội y nhông nhông cơ thể để khoe được hết những gì cần khoe... nhưng lại không được dư luận đồng tình, nếu không nói là bị ném đá không thương tiếc.Một thời rộ lên chụp ảnh với sen. Thôi thì đủ kiểu, nằm ngồi, đứng bơi... váy khố quần mấn... đủ cả. Lồ lộ da thịt, lồ lộ trắng phớ nghênh ngang dãy dọc tòa ngang, xem cứ lộn hết con tì con vị. Cho đến hôm một ông cáu quá, cũng cởi trần mặc váy chụp với sen, khoe yếm khoe cơ bắp khoe lông chân lông tay thì... bà con “chết hẳn”. Phong trào với sen tạm thời xẹp xuống.
Té ra, cái đẹp, vâng, cơ thể phụ nữ là tuyệt đẹp, nhưng nếu không biết cách khoe nó, không biết cách tiết chế nó trong “quy luật của cái đẹp” thì ngay lập tức nó sẽ chết yểu, nó sẽ “phản chủ”.
Đã đành, cái đẹp của phụ nữ là ở các đường cong, các khối tròn, ở hun hút những khe, rãnh mà tạo hóa sắp đặt như một sự ngẫu nhiên nhưng lại tuyệt cùng vi diệu, tuyệt cùng hợp lý trong một mối tương quan hết sức thú vị để con người phải đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, bắt con người phải phát huy đến tận cùng trí tưởng tượng, để mà mãi mãi là những khát khao, là những bí ẩn khiến con người phải lao tâm khổ tứ kiếm tìm. Chứ tơ hơ ra, chả còn bí ẩn, chả còn khát khao, chả còn tưởng tượng, chả còn bất ngờ... thì chỉ là những gợi dục tầm thường, hăm hở đấy nhưng mà rồi chán ngay đấy. Mà “cả thèm chóng chán” là câu đã được các cụ đúc kết từ trăm năm nay.
Một thời váy đụp, quan niệm thời ấy là người con gái phải che hết những cái gì thuộc về vẻ đẹp trời cho của mình, nên trang phục là để giấu hết đi. Váy thùng thình, áo cũng thùng thình, tất cả bùng nhùng trong một đống vải. Thế nhưng các cô gái vẫn tìm cách làm cho mình lộ được cái khuôn bí ẩn. Ấy là cái khăn mỏ quạ cố lộ ra khuôn mặt trái xoan với đôi mắt lá răm, vành môi cắn chỉ, nó khiến ta phải chênh chao khi soi vào. Ấy là cái yếm đào kín hở phía trong cái áo tứ thân, chỉ lộ ra một tí cổ yếm thôi, mà vẫn khiến đối phương xốn xang vì... bí ẩn.
Rồi áo dài xuất hiện. Nó là sự kết tinh những gì làm nên vẻ đẹp phụ nữ Việt. Kín mà hở, lý mà tình, dịu dàng mà cứng cáp, trong veo mà mờ mờ, ẩn ức mà minh bạch, tù mù mà rỡ ràng... nó tôn hết được vẻ đẹp của người con gái mà vẫn kín đáo chở che, vẫn sang trọng mà gợi mở. Nó bắt con người phải tưởng tượng, phải kiếm tìm, phải bần thần nhưng lại cũng rất lễ phép và trượng phu.
Nó cũng như một cô người mẫu, mặc bộ bikini ta thấy khác, nhưng sau đấy, khoác thêm bên ngoài một cái váy ngắn, tự nhiên ta phải động não hơn nhiều, dù biết phía trong kia vẫn là... bikini.
Có thể là tại mình bảo thủ, nhưng tôi vẫn thích cái vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo, vẻ đẹp khiến ta phải thổn thức, phải “đào sâu chôn chặt” những tầm thường để mà hướng tới cái đẹp trong sáng hơn, thanh cao hơn, nhưng vẫn người. Con người trong mối tương quan giữa cái đẹp thánh thiện và sự cám dỗ bản năng.
Bản năng chỉ chốc lát, sự thánh thiện là muôn đời. (Dân việt 03/03/2017)
Ở một số huyện ngoại thành, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để bàn giao xây dựng, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất. Do đó, nhu cầu việc làm của lao động nông thôn rất lớn, đặc biệt là chị em phụ nữ. Từ thực tế đó, các cấp hội phụ nữ chủ động liên kết, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp triển khai các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên phụ nữ.
Khảo sát, đào tạo nghề
Giám đốc Trung tâm dạy nghề (Hội LHPN thành phố) Nguyễn Thị Hoa cho biết: năm 2016, các cấp Hội LHPN thành phố tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 5.500 hội viên phụ nữ nông thôn với mức lương cơ bản ổn định. Hội LHPN các quận, huyện chủ động, sáng tạo trong phương pháp, cách làm, liên kết, phối hợp dạy nghề theo nhu cầu xã hội, tư vấn, giới thiệu việc làm đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của chị em”.
Trong đó, Hội LHPN huyện Thủy Nguyên chú trọng công tác tạo việc làm và giới thiệu việc làm cho lao động nữ. Các cấp Hội chủ động liên kết, phối hợp với một số công ty, doanh nghiệp như: Công ty TNHH Khu công nghiệp VSIP, Công ty giày Phong Mậu, giày Aurora, Công ty may Nam Thuận, Công ty Thanh Xuân… tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 8.000 lao động có việc làm thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 2 triệu đến 6 triệu đồng/tháng. Chủ tịch Hội LHPN huyện Thủy Nguyên Dương Thị Thập cho biết: Để công tác dạy nghề tạo việc làm, giới thiệu việc làm cho lao động nữ tại địa phương đạt kết quả cao, hằng năm, Hội LHPN huyện chỉ đạo Hội phụ nữ các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu việc làm của phụ nữ làm căn cứ giao chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, mỗi xã, thị trấn giới thiệu từ 4 lao động nữ trở lên học nghề do Hội LHPN huyện tổ chức và tạo việc làm, giới thiệu việc làm cho 15 lao động trở lên có việc làm ổn định, bảo đảm thu nhập. Hội phụ nữ các xã Tân Dương, Thủy Đường, Minh Tân, Phù Ninh... là những đơn vị làm rất tốt.
Theo thống kê của Hội LHPN huyện An Dương, số lao động không có việc làm trên địa bàn hơn 16.000 người, trong đó hội viên phụ nữ chiếm phần lớn. Hội LHPN huyện khảo sát nhu cầu, ngành nghề tuyển dụng của các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn, sau đó, phối hợp với các trường trung cấp nghề, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, nhất là các ngành nghề đặc thù cho lao động nữ như: may công nghiệp, mây xiên xuất khẩu, thêu ren móc chỉ… Qua đó, giúp lao động nữ khi ra nghề không bỡ ngỡ mà có việc làm ngay, không phải trải qua quá trình đào tạo lại.
Giúp phụ nữ tiếp cận thông tin, dịch vụ việc làm
Hội LHPN huyện Vĩnh Bảo vừa phối hợp với Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 200 hội viên phụ nữ trên địa bàn. Chị Bùi Thị Năng, ở xã Thắng Thủy chia sẻ, chị thường nghe thông tin tuyển dụng lao động qua những người trực tiếp làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp nhưng vẫn chưa hiểu rõ, nhiều vấn đề thắc mắc, băn khoăn chưa có lời giải đáp nên đắn đo, cân nhắc chưa đi làm. Tham gia buổi tư vấn, giới thiệu việc làm, được nghe đại diện công ty trình bày cụ thể, chi tiết về công việc, đào tạo, ca kíp, chế độ lương thưởng, bảo hiểm, chị thấy yên tâm hơn phần nào.
Chủ tịch Hội LHPN thành phố Phạm Hải Yến cho biết: Mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ thành phố khóa 12 nhiệm kỳ 2016-2021 đề ra hằng năm các cấp Hội giới thiệu, giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động nữ. Thời gian tới, chỉ đạo các cấp Hội triển khai mạnh mẽ, làm tốt công tác tuyên truyền, giúp hội viên phụ nữ nắm được các chính sách dạy nghề, việc làm; rà soát, nắm bắt nhu cầu học nghề, nhu cầu việc làm của phụ nữ làm căn cứ xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương. Đồng thời, tích cực liên kết với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu, tuyển dụng nguồn lao động nữ tại các địa phương; tổ chức các lớp kỹ năng làm việc cho lao động mới tuyển dụng nhằm trang bị những kiến thức cần thiết; phối hợp đào tạo theo địa chỉ, kèm cặp tại xưởng, nhà máy, nâng cao tay nghề, bảo đảm năng suất lao động, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, các cấp Hội chủ động huy động, khai thác các nguồn lực, xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, bảo đảm việc làm đầu ra sau đào tạo. (Báo Hải Phòng 03/03/2017)
Sáng 2-3, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Tràng Cát gặp mặt kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 28 năm Ngày Biên phòng toàn dân. Tại cuộc tiếp xúc, các đại biểu cùng nhau ôn lại chặng đường 58 năm xây dựng, chiến đấu, công tác của Bộ đội Biên phòng Việt Nam nói chung, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng và Đồn Biên phòng Tràng Cát nói riêng.
Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng kỉ niệm chương các cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc.
Thời gian qua, Đồn Biên phòng Tràng Cát tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng thế trận biên phòng toàn dân rộng khắp; hỗ trợ nhân dân làm công trình dân sinh, phòng, chống lụt bão; thực hiện có hiệu quả cao chương trình “Nâng bước em tới trường”...tạo tình cảm gắn bó, sự tin tưởng của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, góp phần giữ ổn định tình hình trật tự xã hội trên địa bàn Đồn đứng chân.
Tại cuộc gặp mặt, 10 cá nhân được Bộ Tư lệnh Biên phòng tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới”; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và UBND quận Hải An trao nhiều giấy khen tặng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Trước đó, Cổng Thông tin điện tử thành phố phối hợp với Câu lạc bộ Ảnh báo chí Hải Phòng tổ chức triển lãm, giới thiệu các tác phẩm phản ánh về hoạt động của cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng thành phố và Đồn Biên phòng Tràng Cát. Nhân dịp này, Hội Nhà báo Hải Phòng tổ chức trao ấn phẩm báo Xuân Đinh Dậu 2017 của các cơ quan thông tấn báo chí đang hoạt động tại Hải Phòng tặng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tràng Cát. (Báo Hải Phòng 03/03/2017)
Ngày 2/3, chính quyền xã An Sơn (Thuỷ Nguyên) đã cắm cọc, căng dây cấm người dân xuống "tuyệt tình cốc" chụp ảnh, quay phim.
Lý giải về thông báo cấm, chính quyền xã An Sơn cho biết, đây là hồ nhân tạo hình thành do quá trình khai thác đá âm trái phép. Hồ sâu tới 40 m, rộng hơn 20 ha, một bên là khai trường đá của Công ty xi măng Phúc Sơn. Nguy cơ tiềm ẩn tai nạn rất cao vì người dân tham quan có thể ra mép hồ nô đùa, chụp ảnh, quay phim,
UBND huyện Thủy Nguyên đã chỉ đạo xã phối hợp cùng Công ty xi măng cắm biển cảnh báo, rào lưới thép B40, ngăn mọi người xuống hồ.
Trước đó, vào cuối 2016, đầu 2017, hồ nước xanh An Sơn đón hàng trăm lượt du khách tham quan vì màu nước đá vôi xanh đặc biệt, cảnh vật hữu tình nên được ví là "tuyệt tình cốc". Các hoạt động dịch vụ ăn theo như trông xe, bán nước giải khát, du thuyền và đạp vịt trên mặt hồ nở rộ.
Nhận thấy mối nguy hiểm tiền ẩn, chính quyền xã An Sơn cũng đã thông báo trên loa truyền thanh, đồng thời di dời thuyền và vịt lên bờ. (VnExpress 03/03/2017)
Theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Trung tâm), vào lúc 21 giờ 30 ngày 1/3/2017, thuyền viên Tô Chính Bình của tàu cá HP 90596 Ts bị gãy chân phát tín hiệu cấp cứu.
Qua kiểm tra, được biết tàu cá HP 90596 Ts do ông Đoàn Đại Dương làm thuyền trưởng có thuyền viên Tô Chính Bình (sinh năm 1982, Lập Lễ, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) bị gãy chân do mắc phải dây chài tại vị trí 20-17N; 107-44E, cách Hải Phòng 65 hải lý.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã kết nối với tàu HP 90596 Ts, tiến hành tư vấn, hỗ trợ y tế sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân; đồng thời thông báo, phối hợp cùng các lực lượng tại đảo Bạch Long Vĩ xây dựng phương án hỗ trợ bệnh nhân khi tàu đến.
Đến 1 giờ 30 phút ngày 2/3/2017, mặc dù đã được các y bác sỹ tại đảo Bạch Long Vỹ cố gắng cấp cứu, cứu chữa, nhưng tình trạng của thuyền viên diễn biến ngày càng xấu, có thể ảnh hưởng đến việc giữ gìn chân của bệnh nhân. Trước tình hình nguy cấp, để đảm bảo an toàn cho thuyền viên Tô Chính Bình, ngay lập tức, Trung tâm đã điều động tàu cứu nạn hàng hải SAR 273 rời cầu cảng tại Hải Phòng đi cứu nạn.
Hiện tàu cứu nạn hàng hải SAR 273 cùng với thuyền viên Tô Chính Bình đã về tới cầu cảng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I. (Lao động Thủ đô 03/03/2017; Sức khỏe & Đời sống 02/03/2017; Tiền Phong 03/03/2017; Công an nhân dân 03/03/2017; Infonet 03/03/2017; Pháp luật TP Hồ Chí Minh 03/03/2017)
Ổ giun đũa chó mèo tấn công lên não khiến anh Dinh bị chẩn đoán nhầm mắc một loại u hiếm gặp.
Tại Viện sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương, bệnh nhân Đỗ Văn Dinh (47 tuổi, ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng) chia sẻ trước Tết Nguyên đán vừa qua, anh cảm thấy rất ngứa trên đầu. Cảm giác ngứa ngày càng tăng và rất khó chịu, sau đó lan xuống phần thân. Anh cho rằng nguyên nhân từ việc dầu gội và sữa tắm rởm nên bắt vợ thay các loại dầu gội, sữa tắm khác.
Sau đó, chân phải của anh bỗng nhiên đau nhức, đi cà nhắc. Với biểu hiện gần như liệt chân phải, kèm theo hình ảnh chụp CT não, anh Dinh được các bác sĩ tại Bệnh viện Quân đội trung ương 108 chẩn đoán u não. Kết quả khiến anh và gia đình bàng hoàng.
Lịch phẫu thuật não của anh Dinh được lên ngay sau đó. Tuy nhiên, với chẩn đoán mắc một loại u não hiếm gặp, các bác sĩ tại Bệnh viện Quân đội trung ương 108 đề nghị anh Dinh kiểm tra một lần nữa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Kết quả bất ngờ, anh Dinh được xác định mắc giun đũa chó mèo.
Ngay lập tức, anh được chuyển đến Viện sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương. Tại đây, các bác sĩ đã làm các xét nghiệm chuyên sâu, khẳng định chẩn đoán mắc giun đũa chó mèo là chính xác. Chúng làm tổ trong não chèn vào dây thần kinh nên anh Dinh bị đau chân.
Anh Dinh cho biết: “Tôi đã điều trị được hai tuần. Thời gian đầu, bệnh làm tôi suy kiệt, nằm suốt ba ngày không thể gượng dậy. Hiện tại tình hình sức khỏe của tôi khả quan, chỉ cần tuân thủ liệu trình điều trị. May mắn tôi không bị u não, nhưng nhiễm giun thực sự rất nguy hiểm. Chúng khiến chân tôi suýt nữa bị liệt".
Chị Nguyễn Thị Lý (vợ anh Dinh) chia sẻ thêm gia đình chị có nuôi một con chó và 3 con mèo. Anh Dinh hay chơi, tắm và thường xuyên bắt rận cho những con vật này. Đó có thể là nguyên nhân khiến chồng chị bị giun đũa chó mèo tấn công
ThS.BS Trần Huy Thọ (Trưởng khoa khám bệnh chuyên ngành, Viện sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung Ương) - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân - thông tin từ đầu năm đến nay số bệnh nhân nhập viện do mắc giun sán tăng hơn so với mọi năm, trong đó, bệnh nhân mắc giun đũa chó mèo khá nhiều.
Nhiều bệnh nhân dù không tiếp xúc trực tiếp với chó mèo nhưng nhiễm giun do ăn thực phẩm có chứa ấu trùng từ phóng uế của chó mèo phán tán ra môi trường.
Theo bác sĩ Thọ, Toxocara spp là giun tròn ký sinh trong ruột non của chó và mèo, bệnh gặp ở tất cả các nước trên thế giới. Giun cái trưởng thành đẻ trứng, trứng theo phân của chó hoặc mèo ra ngoài ngoại cảnh và phát triển thành ấu trùng. Sau đó, ấu trùng này lây nhiễm cho con người chủ yếu qua đường tiêu hóa, số ít có thể qua da. Trong các trường hợp nhiễm toxocara spp, trứng đều nở trong ruột và ấu trùng chui qua thành ruột non theo đường máu và di chuyển đến các cơ quan nội tạng khác như gan, phổi, tim, mắt, não và các mô khác, gây tổn thương các bộ phận chúng di chuyển đến.
Bệnh nhân có các biểu hiện như đau bụng, ngứa hoặc mệt mỏi thoáng qua hoặc không đặc trưng. “Nhiều bệnh nhân đi khám nhiều bệnh viện không ra bệnh. Họ ít nghĩ tới các bệnh giun sán. Trong khi đó, chúng có thể gây tổn thương lớn, khiến cơ thể mệt mỏi, suy kiệt, thậm chí có thể chết người nếu tấn công ở những bộ phận nguy hiểm như tim, gan, não”, bác sĩ Thọ cho hay.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân cần đến khám khi có các dấu hiệu bất thường. Các gia đình nuôi chó mèo nên tẩy giun sán định kỳ, người lớn, trẻ em sau khi chơi với động vật nên rửa tay sạch sẽ đồng thời hạn chế ăn rau sống tại các nơi ô nhiễm, hay có chứa đồ phóng uế của chó, mèo. (Zing.vn 03/03/2017)
Với hình ảnh hai cô gái ăn mặc hở hang, bộ ảnh "Tuyệt tình cốc" của TuArt Wedding đã gây sự chú ý của cộng đồng mạng và nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Không phải nghệ thuật
Đó là đánh giá của nhiếp ảnh gia Elvis Nguyễn khi nói về bộ ảnh “Tuyệt tình cốc” của TuArt Wedding. Elvis Nguyễn cho biết: Thực ra từ lâu mình đã không để ý tới các hội nhóm hay các cá nhân làm nhiếp ảnh tại Việt Nam. Một phần vì các hội nhóm này thường có tư duy bảo thủ, không cầu tiến, xu nịnh và hay tự tâng bốc lẫn nhau. Phần khác vì tâm lý a dua, đua đòi máy móc của bộ phận giới trẻ Việt khiến thị trường ảnh một vài năm qua trở nên xáo trộn.
Nói vậy không phải nghề nhiếp ảnh tại Việt Nam giờ đang là một hố phân. Không đúng! Vì một cơ số các nhiếp ảnh gia tại Việt Nam giờ rất có tài.Điển hình như những vụ chụp ảnh giá rẻ năm vừa qua, hay mới đây là những bộ ảnh tục tĩu, nhân danh nghệ thuật, nhân danh nhiếp ảnh đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý giới trẻ và bộ mặt của nghề nhiếp ảnh nói chung.
Nhiều người trong số đó sánh vai với các nhiếp ảnh gia trên thế giới, trong nhiều lĩnh vực nhiếp ảnh khác nhau. Con số đó không hề nhỏ.
Theo nhiếp ảnh gia Elvis Nguyễn, thế mạnh của nhiếp ảnh Việt Nam chính là dòng ảnh báo chí, đời thường. Rất nhiều nhiếp ảnh gia có tài, có lực và đã thể hiện được khả năng trên trường quốc tế những năm vừa qua.
Ngoài ra có một vài nhiếp ảnh gia đi vào các dòng biệt lập, hay còn gọi là mới ở Việt Nam như nhiếp ảnh thời trang, nude, sắp đặt (concept). Cũng có những người có tài, nhưng con số này rất ít. Vì nó không có trường lớp chuyên biệt đào tạo, đa phần đều từ nhiếp ảnh cơ bản rồi tự học hỏi biến thể sang.
Elvis Nguyễn cho biết thêm: TuArt Wedding là một trong các ảnh viện áo cưới khá nổi tiếng ở Hà Nội. Nhưng không phải vì ảnh có chiều sâu, hay màu sắc đặc biệt, mà là khả năng maketing của họ quá tốt, đã có thời điểm họ đầu tư làm hẳn film ngắn để phục vụ maketing. Không phải ai cũng dám đầu tư đến vậy.
Thời điểm đó ngay cả bản thân mình cũng nể phục họ ở khoản maketing. Tuy nhiên khi họ thực hiện những bộ ảnh mang xu hướng nghệ thuật, hay chạy theo xu thế thì thực sự thảm hại. Ảnh không có chiều sâu, bố cục xiêu vẹo, không có nội dung câu chuyện hay ý nghĩa truyền tải. Thứ mà đáng lý là thế mạnh của chúng ta thì nay lại trở thành thế yếu. Màu sắc cũng tương tự.
TuArt Wedding sử dụng tông màu đặc trưng của riêng họ. Đây là tông màu đại trà, phục vụ rất tốt tầng lớp khách hàng không có yêu cầu cao về thẩm mỹ hay mỹ thuật. Đề cao sự tươi sáng, sặc sỡ, nịnh mắt, nhưng lại không hỗ trợ gì cho ảnh nghệ thuật nói chung.
Chiêu PR “rẻ tiền” ?
Trong khi dư luận đang mải chạy theo “chỉ trích” hai cô người mẫu trong bộ ảnh “Tuyệt tình cốc” thì những hình ảnh “dung tục” đó đã tràn ngập trên mạng với thương hiệu TuArt Wedding.
Thực tế, “Tuyệt tình cốc” là hồ nước tại xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, được hình thành trong quá trình nổ mìn phá đá. Hồ nước có màu xanh là do ảnh hưởng của núi đá vôi xung quanh và chất tạo thuốc nổ. Nhiều năm trước, đây là khu vực khai thác đá phục vụ sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng của Công ty xi măng Phúc Sơn. Từ năm 2011 đến 2014, toàn bộ khu vực chân núi đá bị đào sâu xuống từ 30 đến 40 m. Hồ nước này sau đó trở thành hồ đá âm, có màu xanh ngắt
Khu vực này nằm trong vành đai an toàn nổ mìn khai thác đá của Công ty xi măng Phúc Sơn. Đây là khu vực rất nguy hiểm, UBND huyện Thủy Nguyên đã giao cho Công ty xi măng Phúc Sơn cắm cọc bê tông, rào lưới B40 xung quanh hồ và chịu trách nhiệm quản lý đảm bảo an toàn khu vực trên.
UBND huyện Thủy Nguyên đã phối hợp với chính quyền xã An Sơn quyết liệt xử lý, di chuyển các loại tàu thuyền, đạp vịt.. ra khỏi khu vực. Đồng thời, ra thông báo cấm tuyệt đối các hoạt động trong khu vực gần hồ, đặc biệt là chụp ảnh. Nhưng một số người dân vẫn bất chấp lệnh cấm, tổ chức chụp hình và thực hiện các hoạt động khác.
Như vậy, khi thực hiện bộ ảnh này TuArt Wedding phải biết đó là khu vực cấm và nguy hiểm. Vậy nhưng, TuArt Wedding vẫn bất chấp điều đó, cố tình đẩy người mẫu cũng như ê kíp thực hiện vào nguy hiểm, bằng mọi giá để thực hiện được bộ ảnh. Vậy mục đích thực sự của TuArt Wedding trong bộ ảnh này là gì?
Trao đổi với PV, ông Tuấn Anh, nguyên GĐCN Hà Nội – Cty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn, cho biết: Mục đích mà TuArt Wedding thực hiện bộ ảnh “Tuyệt tình cốc” là chiến dịch PR, đẩy mạnh truyền thông. Nếu theo dõi câu chuyện từ đầu thì chúng ta có thể thấy “mũi nhọn” của dư luận chủ yếu “chĩa” vào hai người mẫu, còn về TuArt Wedding thì chưa được đề cập nhiều.Trong khi những hình ảnh có logo TuArt Wedding được lan truyền chóng mặt trên báo chí và mạng xã hội. Về hiệu quả truyền thông tại thời điểm này, TuArt Wedding đang làm khá tốt.
Theo ông Tuấn Anh, về hiệu ứng lâu dài thì chưa chắc đã tốt bởi việc bất chấp nguy hiểm của người khác để thực hiện bộ ảnh nhằm PR bản thân là điều cấm kỵ và không nên làm. Biết “Tuyệt tình cốc” nằm trong khu vực an toàn nổ mìn nhưng TuArt Wedding vẫn thực hiện bộ ảnh, bất chấp nguy hiểm tính mạng của người mẫu và ê kíp thì không thể chấp nhận được. Đó không phải là cái tâm của một nhiếp ảnh gia chân chính. Giả sử khi thực hiện bộ ảnh, khu vực xảy ra nổ mìn gây tai nạn với người mẫu và ê kíp thì TuArt Wedding sẽ nói gì ?
Ông Tuấn Anh đánh giá: Hình thức PR kiểu này sẽ không được nhiều DN lựa chọn thực hiện bởi nó mang tính chộp giật, dựa theo tâm lý đám đông. Với những thương hiệu lớn, đấy là một hình thức PR “rẻ tiền”.
Trên thực tế, những cái mới, những hình ảnh dung tục luôn là chủ đề hot, thu hút giới trẻ. Do đó một số bạn trẻ thường vận dụng để trở nên nổi tiếng, quảng bá bản thân. Trước đây trong showbiz đã từng có Bà Tưng thả rông ngực, Lệ Rơi bán ổi hay thánh chửi Dương Minh Tuyền đang ngồi trong tù. Với bộ ảnh “Tuyệt tình cốc”, TuArt Wedding đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người xem nhưng lại để dấu ấn xấu trong lòng người xem.(Phununews.vn 03/03/2017)
Ngày 2-3, Đoàn thanh niên Công an thành phố Hải Phòng tổ chức phát động tháng thanh niên 2017, và ngày hội hiến máu tình nguyện.
Đây là hoạt động thiết thực của tuổi trẻ Công an thành phố, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia chung sức cùng cộng đồng, hiến tặng những giọt máu đào cứu giúp người bệnh, góp phần tô đẹp hình ảnh người chiến sĩ Công an “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Ngay trong buổi sáng cùng ngày gần 400 CBCS, đoàn viên thanh niên, hội viên các đơn vị thuộc CATP đã hiến tặng vào ngân hàng máu của thành phố 384 đơn vị máu đảm bảo chất lượng.
Những hình ảnh tại lễ phát động tháng thanh niên 2017 và hiến máu tình nguyện.
Cũng trong dịp này Đoàn thanh niên Công an thành phố đã phát động, triển khai các nội dung hoạt động thiết thực, hưởng ứng tháng thanh niên 2017 hướng vào nhiệm vụ bảo đảm ANTT và xây dựng lực lượng CAHP trong sạch, vững mạnh. (Công an nhân dân 03/03/2017)
Ở một số huyện ngoại thành, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để bàn giao xây dựng, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất. Do đó, nhu cầu việc làm của lao động nông thôn rất lớn, đặc biệt là chị em phụ nữ. Từ thực tế đó, các cấp hội phụ nữ chủ động liên kết, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp triển khai các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên phụ nữ.
Giám đốc Trung tâm dạy nghề (Hội LHPN thành phố) Nguyễn Thị Hoa cho biết: năm 2016, các cấp Hội LHPN thành phố tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 5.500 hội viên phụ nữ nông thôn với mức lương cơ bản ổn định. Hội LHPN các quận, huyện chủ động, sáng tạo trong phương pháp, cách làm, liên kết, phối hợp dạy nghề theo nhu cầu xã hội, tư vấn, giới thiệu việc làm đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của chị em”.
Các cấp Hội phụ nữ tích cực tư vấn, giới thiệu việc làm cho chị em. (Báo Hải Phòng 03/03/2017)
Mấy ngày qua, việc hai người mẫu chụp ảnh tại “Tuyệt Tình Cốc” ở xã An Sơn (huyện Thủy Nguyên- Hải Phòng) đang làm dân mạng xôn xao. Ngoài việc bình phẩm những hình ảnh hết sức sexy của 2 người mẫu, thì hồ nước được mệnh danh là Tuyệt Tình Cốc ở đây cũng được đưa ra bàn tán, trong đó không ít người trầm trồ về vẻ đẹp hoang dại của nó.
Thực ra, địa điểm “Tuyệt Tình Cốc” theo cách dân mạng gọi, có được do việc khai thác núi đá mà thành. Khi doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá đã để lại những hố sâu vài chục mét, mưa xuống tạo thành những hồ nước. Nước và đá ở hồ kết hợp với ánh sáng tạo thành một cảnh quan lung linh huyền ảo như trong phim nên mọi người gọi là “Tuyệt Tình Cốc”.
“Tuyệt Tình Cốc” ở An Sơn nằm trong khu vực vành đai an toàn nổ mìn khai thác đá của Công ty xi măng Phúc Sơn. Đây là khu vực rất nguy hiểm, UBND huyện Thủy Nguyên đã giao cho Công ty xi măng Phúc Sơn cắm cọc bê tông, rào lưới B40 xung quanh hồ và chịu trách nhiệm quản lý đảm bảo an toàn khu toàn khu vực trên.
Vậy thì với sự hình thành hết sức “trần tục” cũng như bản thân chứa đầy sự nguy hiểm như vậy sao người ta lại gọi là “Tuyệt Tình Cốc”. Có lẽ, nhiều người chưa hiểu rõ bản chất của “Tuyệt Tình Cốc”- một “sản phẩm”, một địa điểm văn học hết sức độc đáo, ly kỳ trong tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ của nhà văn Kim Dung.
Với những người yêu thích tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung thì đều hiểu một cách cơ bản nhất, tiểu thuyết của ông chia làm 2 lớp. Lớp 1, dễ đập vào cảm giác và cũng khiến ai đó hời hợt dễ hiểu sai về những tư tưởng ông muốn truyền tải.
Lớp 2, phải đào sâu, càng tìm hiểu, “bóc lớp” mới thấy giá trị đích thực của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Là nơi phân biệt ông với những tác giả viết “truyện chưởng” đơn thuần.
“Tuyệt Tình Cốc” được Kim Dung mô tả trong Thần điêu hiệp lữ cũng vậy. Nếu chỉ nhìn vào cái tên thì nhiều người sẽ nghĩ đây là một xứ sở thần tiên, thoát tục. Ở nơi đó tưởng đâu là hoàn mỹ, phiêu diêu lắm. Biết đâu “dưới đáy Tuyệt tình cốc” ẩn chứa những bí mật khủng khiếp của những giá trị đạo đức băng hoại mà điển hình là một người nhìn bề ngoài tưởng như “chính nhân quân tử”. Công Tôn Chỉ vì một người phụ nữ khác, sẵn sàng hãm hại, đầy đọa vợ mình là Cầu Thiên Xích – người đã sinh ra cho ông ta một cô con gái đẹp như thiên thần về cả hình thức lẫn tâm hồn – Công Tôn Lục Ngạc.
“Tuyệt Tình Cốc” trong kiếm hiệp Kim Dung được ẩn dụ một cách sống động nhất với chất độc hoa tình. Vườn hoa đó đẹp là thế nhưng cũng ẩn chứa trong đó chất kịch độc hại người – chất độc mà Thiên trúc thần tăng có tài y dược ví tài như “Hoa đà tái thế” cũng phải mất mạng trên hành trình tìm kiếm chất giải cứu “song kiếm hợp bích” Tiểu Long Nữ - Dương Quá bị dính độc hoa tình.
Như đã đề cập tới ở trên, những gì Kim Dung muốn đặc tả luôn ở “phần chìm” của một tảng băng. Ở “Tuyệt Tình Cốc”, đúng là có một đầm nước thật nhưng chỉ có vợ chồng Công Tôn Chỉ - Cầu Thiên Xích biết. Nó nằm ẩn dưới lòng đất mà chính Công Tôn Chỉ cũng dùng đầm nước này làm nơi giam hãm vợ mình.
Nhưng thế chưa hết, cũng chính cái đầm nước “ẩn sâu dưới lòng đất đó” là nơi chứng kiến mối tình có một không hai, một mối tình được ghi nhận đẹp nhất trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung giữa Dương Quá – Tiểu Long Nữ. 16 năm chờ đợi, 16 năm mòn mỏi và trong lúc tuyệt vọng nhất, họ đã tìm thấy nhau ở chính đầm nước ấy để mãi mãi là “song kiếm hợp bích”, tự do tự tại hành tẩu giang hồ.
“Tuyệt Tình Cốc” tầng tầng lớp lớp nghĩa thế nên mới nói Kim Dung nếu nghe hoặc được biết về bộ ảnh “Tuyệt Tình Cốc” đang hoành hành bá đạo trên cộng đồng mạng lúc này gắn với những bức hình “thiếu vải” của 2 cô “hot girl” cùng ê-kíp thực hiện ông sẽ cười rộ, cũng như cho rằng đó là sự phỉ báng, thô tục hóa (?!)
Thế nhưng, thiết nghĩ, dẫu sao đa phần cũng là vì họ là những người trẻ, trẻ thì tò mò, hiếu động và nếu có hành động gì đó sai cũng là điều dễ hiểu! Điều quan trọng là công luận phải giúp họ hiểu đúng. Cảnh đẹp “Tuyệt Tình Cốc” ở Hải Phòng vốn không có lỗi.
“Tuyệt Tình Cốc” trong Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung cũng tồn tại tự nhiên, không thay đổi theo thời gian. Điều quan trọng là cảnh vật đó được hiểu theo nghĩa nào, hoàn toàn phụ thuộc vào cách ứng xử của con người đối với nó vậy! (Dân việt 03/03/2017)
Với sự quan tâm của thành phố và Trung ương, những năm qua, hệ thống giao thông đường bộ ở huyện Tiên Lãng từng bước được đầu tư, khắc phục những bất cập về hạ tầng. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển KTXH hiện tại cũng như trong tương lai, hệ thống giao thông của huyện Tiên Lãng cần được đầu tư đồng bộ, kết nối với mạng lưới giao thông của thành phố cả vùng Duyên hải Bắc bộ.
Trên địa bàn huyện Tiên Lãng có 3 tuyến giao thông huyết mạch là đường 354, đường 25, đường 212, trong đó đường 212 mới được nâng cấp mở rộng, nhưng đến nay xuống cấp. Các tuyến giao thông trên địa bàn hằng năm được duy tu, gắn vá, sửa chữa nhỏ, nhưng nhiều điểm đen chưa được xử lý, ảnh hưởng hoạt động giao thông. Đáng chú ý là tuyến đường 354 đoạn từ ngã ba cầu Đầm (xã Đoàn Lập) tới cầu phao Hàn chưa được đầu tư cải tạo, mặt đường nhỏ hẹp, hai ô tô tránh nhau rất khó khăn, nhiều đoạn cong khuất, ảnh hưởng tới hoạt động giao thông, nguy cơ dễ xảy ra tai nạn. Tuyến đường 25 từ thị trấn Tiên Lãng tới các xã đường 10 cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Theo các hộ dân dọc tuyến đường, từ khi cầu Khuể hoàn thành, đưa vào sử dụng, lượng phương tiện qua tuyến đường này ngày càng nhiều, trong khi nhiều năm qua tuyến đường chưa được đầu tư nâng cấp, xuống cấp nhanh. Tuyến đường 25 dài hơn 7,5 km từ trung tâm huyện chạy qua các xã Quyết Tiến, Khởi Nghĩa, Tiên Tiến, vượt cầu sông Mới tới xã Tự Cường, Tiên Cường kết nối quốc lộ 10 tại ngã tư Hoà Bình, trên mặt đường đầy ổ gà, rạn nứt, gồ ghề, thiếu êm thuận cho các phương tiện lưu thông. Ông Đinh Văn Giới, ở xã Quyết Tiến cho biết, trên đường 25 đoạn từ cầu Ắn tới cầu sông Mới rất nguy hiểm, bởi mặt đường nhiều chỗ lồi lõm, lòng đường nhỏ hẹp, hành lang bị che khuất tầm nhìn, các phương tiện khó tránh nhau. Thêm vào đó, tuyến đường chưa có hệ thống chiếu sáng, ban đêm các phương tiện hoạt động khó khăn. Theo Đội cảnh sát giao thông (Công an huyện Tiên Lãng), vào dịp lễ tết, cuối tuần lưu lượng người, phương tiện giao thông qua lại trên các tuyến đường ở huyện rất lớn, nhất là đoạn từ cầu phao Hàn, phao Đăng về trung tâm huyện khiến tình trạng ùn tắc thường xảy ra.
Đầu tư thêm các tuyến đường, cây cầu lớn
Trước yêu cầu phát triển KTXH địa phương, người dân huyện Tiên Lãng mong muốn thành phố sớm triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua huyện Tiên Lãng; Dự án tuyến đường nối quốc lộ 5 với quốc lộ 10 (cầu Tiên Thanh và đường hai đầu cầu). Những dự án này khi triển khai đưa vào hoạt động tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, cho phép khai thác tiềm năng đất đai, mặt nước khu vực ven biển, đồng thời giảm tải cho các tuyến giao thông khác khi hướng tâm trung tâm thành phố, kết nối với quốc lộ 5, quốc lộ 10 và đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng trong tương lai gần.
Trước mắt, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Lãng đề nghị thành phố nghiên cứu, sớm xây dựng cầu kiên cố tại vị trí cầu phao Đăng và cầu phao Hàn qua sông Thái Bình. Hiện, hai cầu này quá cũ, không bảo đảm an toàn cho các hoạt động đường bộ và đường sông. Mỗi khi xe ô-tô từ Tiên Lãng sang phía huyện Vĩnh Bảo, các xe phía huyện Vĩnh Bảo phải dừng chờ, tốn thời gian. Hơn nữa, vào ban đêm các cầu này lại dừng hoạt động để bảo đảm hoạt động đường thủy trong vài giờ, cũng gây bất tiện cho người và phương tiện qua lại. Bến phà Dương Áo-đầu mối giao thương giữa xã Hùng Thắng với huyện Kiến Thụy, nhu cầu đi lại của người dân rất lớn, nhưng hiện bến phà Dương Áo chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là khi có mưa bão lớn.
Thực tế trên cho thấy, yêu cầu đầu tư xây dựng những tuyến đường lớn, cây cầu mới qua huyện Tiên Lãng rất cấp thiết, đáp ứng nhu cầu hoạt động giao thông và thúc đẩy phát triển KTXH địa phương trong thời gian tới. (Báo Hải Phòng 03/03/2017)
Trước tình hình dịch cúm gia cầm, nhất là dịch cúm A (H7N9) đang diễn biến phức tạp, Phóng viên Báo Hải Phòng phỏng vấn ông PHẠM VĂN CÔNG, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hải Phòng về sự cần thiết chủ động phòng, chống dịch và các giải pháp, khuyến cáo để người dân, doanh nghiệp, các địa phương phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
- Ông đánh giá tình hình dịch cúm gia cầm, nhất là dịch cúm có độc lực cao như cúm A(H7N9) đang diễn biến thế nào, có nguy cơ ảnh hưởng đến địa bàn Hải Phòng không?
-Từ đầu năm đến nay trên địa bàn cả nước xảy ra 12ổ dịch cúm gia cầm tại7tỉnh chưa qua 21 ngày, trong đó có 11 ổ dịch cúm A(H5N1) tại 6 tỉnh (Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An, Nam Định) và một ổ dịch A(H5N6) tại tỉnh Quảng Ngãi. Dịch cúm gia cầm A(H7N9) tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp, từ đầu năm đến nay 16 tỉnh, thành phố xảy ra dịch cúm loại này, trong đó có tỉnh Vân Nam, Quảng Tây tiếp giáp biên giới nước ta, số người mắc bệnh tăng, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%). Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố: phát hiện mẫu gia cầm và môi trường dương tính với vi rút cúm gia cầm A(H7N9), nhưng không phát hiện triệu chứng bệnh trên gia cầm mang vi rút. Đồng thời trong tháng 1-2017 tại Trung Quốc xảy ra nhiều ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao như: cúm A(H5N2), A(H5N6), A(H5N8) …; nguy cơ vi rút cúm A(H7N9) và các chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao xâm nhiễm vào Hải Phòng thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu là rất cao.
- Thực hiện chỉ đạo về phòng, chống dịch của Chính phủ và thành phố, Chi cục Thú y Hải Phòng triển khai những giải pháp, biện pháp cụ thể gì nhằm chủ động phòng, chống dịch trên địa bàn, thưa ông?
-Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm đe dọa xâm nhập, phát sinh dịch gây tác hại cho sản xuất chăn nuôi, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng nhân dân thành phố; để khống chế ngăn chặn dịch, Chi cục Thú y tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính trình UBND thành phố ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm năm 2017.
Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp từ thành phố đến xã, phường, thị trấn khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống. Trước hết, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của dịch cúm gia cầm đối với sản xuất chăn nuôi và sức khỏe, tính mạng nhân dân để mọi người dân nhận thức rõ và tự giác, chủ động, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch; không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Tăng cường kiểm soát việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, các cửa ngõ vào thành phố; ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu vào tiêu thụ trên địa bàn thành phố.
Các địa phương tổ chức giám sát dịch đến tận các hộ, cơ sở chăn nuôi; phát hiện sớm, xử lý khống chế kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, ngăn chặn dịch lây lan rộng; thực hiện lấy mẫu giám sát vi rút cúm gia cầm các chủng H5N1, H5N6, H7N9 theo kế hoạch. Tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm cho đàn gia cầm bảo đảm tiến độ. Năm 2017, thành phố cấp 10.269.000 liều vắc xin cúm gia cầm tiêm phòng cho toàn bộ đàn gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút chăn nuôi theo quy mô nông hộ; cấp hóa chất cho các địa phương tổ chức 4 đợt tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường. Tuy nhiên các hộ, cơ sở chăn nuôi cần chủ động xây dựng và thực hiện lịch vệ sinh tiêu độc, khử trùng định kỳ môi trường khu vực chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp - PTNT.
- Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông có khuyến cao gì các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi và người dân thành phố trong việc chủ động phòng, chống và không bị tác động tiêu cực nếu có dịch bệnh xảy ra?
-Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, để chủ động phòng, chống và không bị tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra, các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi và người dân thành phố cần thực hiện các nội dung sau:
Báo ngay chính quyền và cơ quan thú y địa phương khi phát hiện gia cầm ốm, chết nghi nhiễm bệnh cúm gia cầm; không giấu dịch; không vứt xác gia cầm ra nơi công cộng; không ăn thịt gia cầm mắc bệnh; đặc biệt không ăn tiết canh gia cầm vì chủng vi rút cúm gia cầm H7N9 không gây bệnh trên gia cầm, tức là gia cầm vẫn khỏe mạnh bình thường nhưng mang vi rút và có nguy cơ truyền lây vi rút gây bệnh nguy hiểm đến tính mạng con người.
Chỉ tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc xuất xứ; nên tiêu thụ thịt gia cầm giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát của cơ quan thú y. Chỉ nhập về nuôi con giống gia cầm khỏe mạnh, rõ nguồn gốc xuất xứ từ các cơ sở sản xuất giống có uy tín trên thị trường. Chấp hành việc tiêm phòng bắt buộc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo hướng dẫn của chính quyền và thú y địa phương.
Xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình cách ly khu vực chăn nuôi, cụ thể: khu chăn nuôi phải có hàng rào bao quanh, phát quang bụi rậm ngăn chặn động vật, côn trùng xâm nhập; trước cổng phải có hố sát trùng, trước cửa ra vào chuồng nuôi phải có thảm sát trùng; người trước khi vào và sau khi ra khỏi khu chăn nuôi phải vệ sinh khử trùng, thay trang phục bảo hộ; định kỳ vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi. Chăm sóc nâng cao sức đề kháng đàn gia cầm, nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Không sử dụng bếp than để trực tiếp trong chuồng nuôi, sưởi chống rét cho gia cầm khi thời tiết rét đậm, rét hại nguy cơ gây ngộ độc khí CO, CO2 làm gia cầm chết ngạt như một số hộ chăn nuôi đã mắc phải trong những năm trước đây.
- Trân trọng cảm ơn ông! (Báo Hải Phòng 03/03/2017)
Kể từ khi sinh ra người con trai Đỗ Minh Đức chưa một lần được gặp mẹ. Anh vẫn mong mỏi một ngày gần nhất được gặp lại người sinh ra mình.
Những ngày gần đây, câu chuyện tìm mẹ thất lạc gần 30 năm của chàng trai Đỗ Minh Đức đã nhận được rất nhiều sự quan tâm chia sẻ của đông đảo cộng đồng mạng.
Theo đó, chàng trai (sn 1989) hiện đang sinh sống tại quận Hồng Bàng, tỉnh Hải Phòng chia sẻ nỗi niềm của mình lên mạng xã hội rằng kể từ khi sinh ra, anh không được như bao bạn bè đồng trang lứa, không được có sự quan tâm chăm sóc của người mẹ đẻ.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, anh Đỗ Minh Đức kể lại câu chuyện buồn của mình: “Tôi lớn lên trong vòng tay của cha mẹ nuôi mà mãi cho đến khi tôi học lớp 9, người bác ruột của tôi có tên Đỗ Văn Toàn mới kể lại toàn bộ sự thật. Tôi đã không tin nhưng bằng linh cảm của mình tôi biết rằng mình là một đứa trẻ “mồ côi” tình thương yêu của cha mẹ ruột”.
Theo lời người bác ruột chia sẻ với anh Minh Đức cho biết, vào tháng 10/1989 mẹ đẻ của anh có đến ngõ 108 Nguyễn Đức Cảnh, phường Cát Dài, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng, tỉnh Hải Phòng bán anh Đức cho gia đình cụ Phạm Thị Thịnh (là bà của Đức hiện tại). Khi trao bán cho gia đình cụ Thịnh mẹ của Đức cũng không có bất cứ giấy tờ hoặc hoặc hứa hẹn gì cả rồi bỏ đi.
“Tôi được nghe kể lại, vài ngày sau mẹ có quay lại tìm nhưng bà tôi đã giấu và không muốn cho mẹ gặp tôi. Mẹ tôi khi đó ngỏ lời chuộc lại nhưng gia đình không chịu nổi và xua đuổi mẹ đi. Cũng kể từ ngày đó không ai thấy mẹ quay lại, mặc dù tôi đã sống ở đó đến năm 2010”, anh Đức ngậm ngùi thuật lại.
Chia sẻ thêm về lý do anh được bố mẹ nhận nuôi là bởi, người bố nuôi của anh vô sinh. Hiện giờ cả hai người nuôi dưỡng anh đều đã qua đời.
Anh Đức chia sẻ: “Tôi hiện nay cũng đã xây dựng gia đình, có vợ và hai người con trai nhỏ. Tôi đã làm cha nên hiểu được nỗi lòng của người mẹ khi phải bỏ con dứt ruột đẻ ra mà đi. Tôi mong muốn tìm được mẹ nhưng thông tin manh mối về mẹ tôi chỉ có vỏn vẹn tên là Xuân và ở huyện Kiến Thụy, tỉnh Hải Phòng”.
Chỉ với nguồn thông tin ít ỏi đó, anh Đức đã đi tìm mẹ suốt một thời gian dài nhưng đều vô vọng. Đã có lúc anh thôi tìm kiếm, nhưng anh Đức nghẹn ngào: “Tôi không hề trách cứ hay phàn nàn về mẹ, cũng chuẩn bị tâm lý nếu như mẹ không còn trên đời này nữa. Thế nhưng, nỗi nhớ về mẹ ngày nào cũng luôn canh cánh trong lòng, chính vì thế mình đã đăng tải trên mạng xã hội nhờ cộng đồng mạng trợ giúp”.
Theo lời của anh Đức, sau khi đăng tải trên mạng anh đã nhận được nhiều lời hỏi thăm, động viên và chúc anh sớm tìm được mẹ. Bên cạnh đó, anh cũng nhận được một số thông tin thêm về mẹ và sẽ thu xếp để đến tận nơi xác minh thực hư một ngày sớm nhất. (Gia đình & Pháp luật 03/03/2017)
Gặp cô giáo Thu Anh ở một hội thảo về giáo dục đặc biệt, khi được ngỏ ý muốn về trường để tận mắt xem các cháu ăn ngủ, học tập như thế nào thì chị không ngần ngại đưa chúng tôi về Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Hải Phòng.
Đây là nơi chị và các đồng nghiệp đang khóc cười, trăn trở về những đứa trẻ bị xã hội gọi là “không bình thường”. Nhưng riêng chị, chị gọi chúng là “những đứa trẻ đặc biệt”.
Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Hải Phòng mới được thành lập từ đầu năm 2016, số trẻ đang được hỗ trợ và chăm sóc ở đây chưa phải là nhiều, nhưng những câu chuyện mà cô giáo Thu Anh kể có lẽ là đại diện điển hình cho tâm lý, nhận thức của nhiều bậc phụ huynh Việt Nam về những đứa trẻ mà y học đặt cho một cái tên chung là trẻ khuyết tật. Mỗi đứa trẻ ở đây là một câu chuyện khác nhau, gặp những vấn đề khác nhau và ở mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Trường hợp của bé Bảo Hùng, 5 tuổi là một trong những câu chuyện kết thúc có hậu.
Thời điểm mẹ bé đưa con đến trường, chị thừa nhận con mình có những biểu hiện của trẻ tăng động, thiếu tập trung, khả năng giao tiếp, tương tác xã hội có khác thường so với các bạn.
Tuy nhiên, bố bé – một người có địa vị trong xã hội - một mực không chấp nhận thực tế ấy của cậu con trai quý tử.
“Bảo Hùng bên cạnh những điểm hạn chế của mình lại có những điểm mạnh hiếm có. Cháu rất hứng thú với chữ số, các biểu tượng, khả năng ghi nhớ và tư duy logic tốt. Vì thế, con có khả năng sao chép lại các con số, chữ cái mặc dù chưa được đi học. Bé còn có khả năng chơi đàn piano rất giỏi. Và bố bé cứ bám vào những điểm ấy nói rằng con mình có hơi hướng thần đồng, thông minh, chứ làm sao mà bất thường được” – cô Thu Anh kể.
“Những ngày đầu, hôm nào bố đưa con đi học là bố tỏ ra khá khó chịu và không hợp tác".
“Đến khi, trường có chuyên gia đến sàng lọc, đánh giá trẻ, và trong báo cáo tâm lý có nhận định những ưu điểm, tập trung mô tả điểm mạnh của bạn ấy thì bố mới thấy nguôi ngoai và chấp nhận những điểm hạn chế của con".
Sau một năm được hỗ trợ 2 tiết/ ngày, Bảo Hùng đã có những tiến bộ rõ rệt. Đến mức, đôi khi bố bé đã rất hài lòng khen con “Đúng là có học có hơn”. Khiếu nghệ thuật của bé thì ngày càng được phát huy. “Mẹ bé kể bây giờ thỉnh thoảng bố lại hay nhắn tin cho cô giáo dạy đàn hỏi xem cô có quay được cháu chơi bản nào không, gửi cho bố xem. Thái độ của anh với các cô ở đây cũng đã rất vui vẻ, quý các cô”.
Cô giáo Huyền – một trong những giáo viên đang làm việc tại đây – chia sẻ, “nhiều khi bọn em vẫn nói vui với nhau rằng ở đây học sinh ‘bạo hành’ cô giáo. Đôi khi giáo viên hỗ trợ, vui chơi với các con bị các con cào cấu, cắn xé lại”. Ảnh: Nguyễn Thảo
Bé Quốc Hưng có lẽ là một trong những trường hợp khiến các cô giáo ở đây vất vả nhất. May mắn là gia đình có điều kiện, trước khi tới đây, bé đã được gia đình cho học ở nhiều môi trường khác nhau, từ bán trú đến học cá nhân. Ngay trước khi đến, bé cũng ở nhà với bà một thời gian.
“Một điều rất buồn và thiệt thòi cho bé là, ngược lại với gia đình của Bảo Hùng, thì bà nội Hưng lại ở thái cực cho rằng cháu mình là bỏ đi rồi, thần kinh rồi, không biết gì nữa, ăn đâu ị đấy, nói thì không nói được, ú a ú ớ… Và ở nhà với bà thì bà cũng chỉ cho ăn uống đảm bảo no bụng thôi. Bà cũng hơi cực đoan ở chỗ là bà ăn chay và cũng muốn cháu ăn chay”.
“Khi bạn ấy mới đến, thể trạng rất gầy guộc, xanh xao, hai thái dương tím bầm, tay chai hết vì bạn ấy thường xuyên dùng tay đập rất mạnh vào đầu, thậm chí đập đầu vào tường, ghế. Hưng có những biểu hiện của trẻ tự kỷ: rất thích xoay vòng, khả năng giữ thăng bằng rất tốt, khả năng giao tiếp hạn chế… Thậm chí, bây giờ Hưng vẫn còn hành vi đấm vào đầu, nhưng đã giảm rất nhiều so với trước”.
“Em từng là lớp trưởng khi còn học ở khoa Giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Theo thống kê ở lớp em, chỉ có khoảng một nửa lớp còn theo nghề giáo dục đặc biệt, còn lại các bạn bỏ nghề hoặc chuyển sang dạy mầm non bình thường. Ở môi trường đặc biệt này, đôi khi tâm lý các cô bị ảnh hưởng, nhiều người không chịu nổi, bỏ nghề. Thậm chí có người còn cho rằng làm giáo dục đặc biệt giống như làm việc trong môi trường độc hại” – cô giáo Huyền chia sẻ.
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, đã có 9 năm gắn bó với giáo dục đặc biệt, cô Thu Anh tâm sự, nhiều phụ huynh không muốn cho con đi học ở đây, vì sợ con bị gắn mác là trẻ khuyết tật, trẻ tâm thần. Một số bé đã có những dấu hiệu khác thường, nhưng phụ huynh vẫn cố cho con đi học ở trường bình thường, khiến các bé không theo được, bị bỏ lại và dần bị tách biệt, cô lập với các hoạt động chung. Hay với những trẻ gặp khó khăn trong phát triển ngôn ngữ, nếu không được tác động sẽ mất dần ngôn ngữ, rất nguy hiểm và thiệt thòi cho trẻ.
“Các cô không phân biệt phụ huynh nào cả, nhưng nhiều khi chính phụ huynh lại là rào cản, gây khó khăn cho các cô”.
Câu chuyện của bé Bi là một trường hợp như thế.
Bi 5 tuổi, mắc chứng chậm phát triển trí tuệ. Trước đây bé học ở trường mầm non bình thường nhưng khả năng nhận thức, tư duy chậm hơn các bạn cùng lứa. Ngoan, dễ thương, biết nghe lời là nhận xét chung của nhiều người khi tiếp xúc với cậu bé này.
Tuy nhiên, bố bé lại là một người nóng vội. “Nhiều khi bố bé nói với các cô những câu dạng như ‘Anh muốn thằng này sang năm đi học lớp 1’. Trong những trường hợp đó, các cô cũng phải giải thích cho phụ huynh hiểu rằng, các cháu cần thời gian, chứ không thể ngày một ngày hai mà tiến bộ ngay được, và có những cái còn quan trọng hơn nhiều so với việc học lớp 1”.
Cô Thu Anh chia sẻ, ở đây các cô đều muốn tạo điều kiện hết sức để kích thích các cháu tự hoạt động, tự mày mò đồ chơi, giáo cụ; đồng thời kiên trì giao tiếp với các con. Nhưng về nhà, bố bé lại cho rằng như thế là “tự do”, hay ở đây các cô chiều con quá. “Không phải thế. Ở đây các cô đang rất kiên trì chờ đợi các con”.
“Nhiều lần bố bé nói ‘Thằng này bây giờ mất dạy lắm, bê ghế ra trèo lấy đồ ở trên’. Các cô lại phải phân tích cho phụ huynh hiểu, hành động đó cho thấy cháu có tư duy phân tích để giải quyết vấn đề, thay vì cháu chỉ ngồi ì ra, thụ động mọi thứ. Nhưng phụ huynh vẫn cương quyết ‘Không, anh thấy nó mất dạy lắm, cứ nghịch ngợm lung tung. Đêm hôm bật điện lên mò mẫm cái nọ cái kia…’”
“Có một lần, khi đón con, bố bé có chút hơi men. Khi bố đang nhanh nhanh dắt con về thì bạn ấy cứ nán lại chào các cô. Các cô cũng chào lại con để con vui, rồi kiên trì uốn cho con nói ‘con chào cô ạ’ vì bé vẫn còn đang nói ngọng. Bố thấy con chậm chạp, đột nhiên cầm dép đánh tới tấp vào mặt con”.
“Lúc đó, các cô, các phụ huynh chứng kiến đều rất sợ, vì bố bé đang có hơi men. Mọi người khuyên can nhưng càng nói thì bé càng bị đánh. Mình chạy ra, cũng chỉ biết xin phụ huynh bình tĩnh, đừng đánh cháu nữa, khổ thân cháu, cháu đau. Lúc ấy mình chỉ còn biết lấy cái cuối cùng là quyền lợi của cháu ra để thức tỉnh người cha…”
Nói đến đây, nước mắt cô cứ chảy không ngừng…
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi (Vietnamnet 03/03/2017)
Hôm nay 3-3-2017, Times Spa - hệ thống làm đẹp uy tín hàng đầu tại Hà Nội, điểm đến của nhiều nhân vật nổi tiếng showbiz Việt - sẽ khai trương cơ sở thứ ba tại 153 Quang Trung, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.
Times Spa là thành viên của Hiệp hội Spa Quốc tế uy tín. Cơ sở được thiết kế theo phong cách sang trọng, cổ điển của lối kiến trúc quý tộc Châu Âu, đội ngũ chuyên viên, kỹ thuật viên nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực làm đẹp cùng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp đa dạng, hệ thống máy móc công nghệ cao của Mỹ, Pháp, Italy... và một số nước ở Châu Á có nền công nghệ thẩm mỹ phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Times Spa hứa hẹn mang đến sự hài lòng cho khách hàng đất Cảng.
Mừng khai trương cơ sở mới, Times Spa sẽ giảm giá từ 50% đến 80% tất cả các dịch vụ cho khách hàng. (An ninh Hải Phòng 03/03/2017)
Cách đây 70 năm, trước yêu cầu cấp thiết của phong trào cách mạng, ngày 2-3-1947, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên và là tiền thân của Đảng bộ xã Liên Am ngày nay được thành lập. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, ghi dấu sự lớn mạnh phong trào cách mạng của địa phương...
Chi bộ Đảng năm xưa
Từ 3 đảng viên ngày đầu thành lập chi bộ, do đồng chí Nguyễn Minh Châu làm bí thư chi bộ, đến nay Đảng bộ xã Liên Am có 284 đảng viên, sinh hoạt ở 17 chi bộ; 100% địa bàn dân cư có chi bộ. Chất lượng Đảng viên ngày càng được nâng lên; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng liên tục phát triển, mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân được tăng cường…
Ở giai đoạn cách mạng nào, chi bộ cũng làm tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo, là chỗ dựa vững chắc, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của xã. Trong cuôc kháng chiến chống Pháp, chi bộ xã tập trung lãnh đạo quân dân bám đất, chủ động diệt tề, phá Bốt Đòng, bao vây Bốt Chùa Tam, phá hơn 50 trận càn, tiêu diệt hàng trăm tên địch, làm thất bại hoàn toàn âm mưu bình định, bắt lính của định…
Đến kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ xã Liên Am tập trung lãnh đạo nhân dân vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa xây dựng hậu phương vững mạnh, cùng cả nước chi viện cho tiền tuyến, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Hàng năm, xã luôn vượt mức chỉ tiêu về lương thực, thực phẩm từ 300 đến 350 tấn, đóng góp hàng nghìn dân công phục vụ cho chiến đấu.
9 năm kháng chiến chống Pháp, toàn xã có 113 thanh niên nhập ngũ, gần 500 thanh niên tham gia dân quân du kích, trong đó 51 liệt sỹ hi sinh. Đặc biệt, ngày 28-5-2010, nhân dân và LLVT Liên Am vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng LLVT nhân dân” vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Liên Am có 517 đoàn viên, thanh niên lên đường đánh Mỹ và 104 người con Liên Am đã anh dũng hy sinh.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ xã Liên Am tập trung lãnh đạo quân dân địa phương đạt được nhiều thành quả quan trọng. Trọng tâm là tập trung cao chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, phát triển mạnh nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, khuyến khích dồn điền đổi thửa, thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp, áp dụng KHCN trong sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất, phát triển KT-XH gắn với xây dựng nông thôn mới.
Vùng đất đổi mới ngày nay
Trải qua 70 năm xây dựng, trưởng thành, Đảng bộ xã Liên Am nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong tất cả các lĩnh vực. Đến nay, nông nghiệp của xã đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều tiến bộ KHCN được chuyển giao tới nông dân ứng dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh. Năng suất lúa của xã luôn đạt từ 125 tạ-130 tạ/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/người/năm (năm 1986) tăng lên 29 triêu đồng/người/năm (năm 2016); xã không còn hộ đói, hộ nghèo giảm còn 2,86%; vùng sản xuất tập trung được xây dựng với 125,7 ha, gồm vùng chăn nuôi, thủy sản, rau sạch, lúa chất lượng cao...
Năm 2016, xã hoàn thành 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Hệ thống cơ sở vật chất trường học được đầu tư xây dựng khang trang theo hướng hiện đại. 100% số làng được công nhận làng văn hóa; nhiệm vụ quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững, TTATXH được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và công tác vận động quần chúng đạt hiệu quả cao.
Phát huy truyền thống đã đạt được, thời gian tới Đảng bộ xã Liên Am quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
Trước mắt, tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ KT-XH địa phương năm 2017 và các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 28 đề ra là “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng Liên Am phát triển toàn diện, bền vững”.
Vũ Văn Sửu (Bí thư Đảng ủy xã Liên Am) (An ninh Hải Phòng 03/03/2017)
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân (TP Hải Phòng) - Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc, ý nghĩa, thu hút được sự quan tâm của người dân và du khách.
Như thường lệ, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân - Xuân Đinh Dậu 2017 được thành phố Hải Phòng tổ chức trong 03 ngày, bắt đầu từ ngày 4 đến 6/3 (tức ngày 7 đến 9/2 năm Đinh Dậu) tại quần thể khu di tích Nữ tướng Lê Chân bao gồm: Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, Đền Nghè và Đình An Biên.
Theo thông báo của Ban tổ chức, năm nay, lễ hội được tổ chức trang trọng hơn với nhiều hoạt động đặc sắc, những nghi lễ truyền thống tạo nên nét đẹp trong lễ hội văn hóa tâm linh của nhân dân thành phố. Trong ngày 4/3, sẽ diến ra các hoạt động như Lễ Cáo yết, Lễ dâng hương tại Đền nghè và Đình An Biên; Hội thi cắm tỉa hoa nghệ thuật, chương trình cờ người và các trò chơi dân gian, đêm văn nghệ dân gian, chợ quê với các gian hàng chợ quê gắn với các trò chơi dân gian được tổ chức tại khu vực Quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân.
Ngày 5/3, tại Đền nghè và Đình An Biên tổ chức Lễ dâng hoa Thủy tiên, Tế nữ quan, biểu diễn võ thuật dân tộc, Lễ Rước bộ truyền thống gồm 02 đoàn rước: (Đoàn 1) từ Đền Nghè đi theo lộ trình: đường Lê Chân - Mê Linh - Nguyễn Đức Cảnh - Quán Hoa - Quang Trung - Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, (Đoàn 2) từ Đình An Biên đi theo lộ trình: đường Hai Bà Trưng - Cát Cụt - Nguyễn Đức Cảnh - Ngã tư Mê Linh - Tượng đài Nữ tướng Lê Chân.
Ngày 6/3, tổ chức Hội thi thể dục dưỡng sinh và kéo co tại khu vực Quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân và các hoạt động như: Hội thơ, Lễ tạ, chương trình văn nghệ diễn ra tại Đền nghè và Đình An Biên.
Công tác chuẩn bị đã hoàn tất cho ngày khai hội
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được thành phố Hải Phòng tổ chức thường niên vào mỗi dịp mùa xuân, trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội nhằm ghi nhớ công ơn Nữ tướng Lê Chân - người có công khai phá ra vùng đất An Dương, cửa sông Cấm xưa (Hải Phòng ngày nay). Lễ hội trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ đạo lý uống nước nhớ nguồn, truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng đất, con người An Biên xưa cho đến thành phố Hải Phòng trung dũng, quyết thắng ngày nay. Qua đó, nâng cao ý thức của mọi tầng lớp nhân dân đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ Hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân, di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia Đền Nghè và công trình kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Đình An Biên.
Chợ quê với các gian hàng ẩm thực tại Lễ hội Nữ tướng Lê Chân 2016
Trước đó, trên địa địa bàn thành phố Hải Phòng đã có nhiều hoạt động hưởng ứng Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2017 như ngày hội trưng bày hoa Lan do UBND quận Lê Chân phối hợp với Câu lạc bộ hoa Lan thành phố và Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Hải Phòng tổ chức (từ ngày 18 đến 20/2) tại Trung tâm triển lãm Mỹ thuật thành phố với gần 500 tác phẩm hoa Lan độc đáo đến từ các Câu lạc bộ hoa Lan thành phố và các tỉnh lân cận. (Tiền Phong 03/03/2017)
Thẩm định hiện vật được đào lên từ ngôi mộ ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Bộ Văn hóa khẳng định chưa đủ cơ sở khoa học để kết luận nguồn gốc, chủ nhân của hiện vật là Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Ngày 1/3, ông Nguyễn Kim Pha, người phát ngôn của UBND TP Hải Phòng cho biết, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có công văn trả lời về ngôi mộ nghi của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, được gia đình bà Bùi Thị Hiền đào tại khu vườn nhà xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo.
Bộ Văn hóa khẳng định thông tin có được trong quá trình phát hiện cũng như việc tổ chức bảo vệ, nghiên cứu hiện vật (gồm quách gỗ nhỏ đã bị cạy phá dài hơn một mét, một thẻ tre dài 265 cm, rộng 9,76 mm) cho thấy chưa đủ cơ sở khoa học để kết luận nguồn gốc, chủ nhân của hiện vật là Trạng trình.
Trước đó khoảng tháng 4/2014, gia đình bà Bùi Thị Hiền đào tại khu vườn nhà ở xã Cộng Hiền được một số ngôi mộ, bốc lên một chiếc quách gỗ dài 1,26 m, rộng 0,33 m, cao 0,3 m, bên ngoài sơn đỏ, bên trong được cho là chứa hài cốt của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Gần một tháng sau, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đã tìm về lấy mẫu gỗ của chiếc quách gửi đến Trung tâm hạt nhân TP HCM phân tích niên đại theo phương pháp phóng xạ các bon, cho kết quả niên đại gỗ là năm 1700 (+/– 75 năm).
Bộ Văn hóa có công văn gửi UBND TP Hải Phòng khẳng định chưa đủ cơ sở khoa học kết luận nguồn gốc, chủ nhân của chiếc quách này là Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tháng 5/2014, Bảo tàng Hải Phòng đã cử đoàn công tác về nghiên cứu thực địa, nhưng hiện trường không còn hiện vật, tất cả đã được mang về Hà Nội. Bà Hiền khi đó thông tin với nhà chức trách rất mập mờ và tung tin đó là mộ cụ Trạng trình. Người đàn bà này tự nhận được cụ Trạng hiện linh báo ứng, cho lộc và có khả năng của nhà ngoại cảm…
Sau nhiều lần làm việc, đến ngày 7/12/2016, Bảo tàng Hải Phòng mới tiếp nhận được hiện vật là các tấm quách gỗ đã mục. Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng khẳng định, không có tài liệu, vật chứng hay cơ sở khoa học nào chứng minh đó là mộ của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thẻ tre tìm được trong tấm quách gỗ có thật, tuy nhiên trên thẻ không có chữ.
Thẩm định các hiện vật được cho là mộ trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hội đồng thẩm định (Viện nghiên cứu Hán Nôm) cũng kết luận: Không tìm thấy dấu vết chữ Hán, chữ Nôm trên bề mặt mẫu vật. (VnExpress 03/03/2017; Pháp luật TP Hồ Chí Minh 03/03/2017)
Ngày 3 và 4-3, Vietravel Hải Phòng tổ chức sự kiện “Ngày hội hoa anh đào 2017” với chủ đề “Lạc trôi giữa ngàn hoa”. Khách hàng sẽ được giới thiệu chùm tour đến xứ sở Kim chi Hàn Quốc và đất nước Mặt trời mọc Nhật Bản ngắm hoa anh đào, với nhiều sản phẩm mới giá hấp dẫn và nhiều phần quà độc đáo khi đăng ký tham gia tour.
Đến Hàn Quốc, khách du lịch sẽ được thăm Đảo Nami xinh đẹp, thăm công viên lớn nhất Hàn Quốc Everland và vườn thú Safari; trải nghiệm quá trình làm kim chi và mặc trang phục Hanbok truyền thống; thưởng thức show Drum Cat đặc sắc mang đậm văn hóa Hàn Quốc…
Mùa xuân Nhật Bản đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết khi hoa anh đào nở rộ, khắp mọi nẻo đường, con phố đều ngập tràn sắc trắng hồng tinh khôi. Khách du lịch sẽ được chiêm ngưỡng hàng ngàn cây hoa anh đào lung linh sắc thắm trên suốt hành trình tham quan, trải nghiệm, ngâm tắm suối khoáng nóng tại Kawaguchiko và ngắm núi Phý Sỹ nổi tiếng - biểu tượng của đất nước Nhật Bản; Trải nghiệm tàu siêu tốc nhanh nhất thế giới và chiêm ngưỡng trang phục truyền thống Kimono độc đáo, thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc của đất nước mặt trời mọc Nhật Bản. (An ninh Hải Phòng 03/03/2017)
Ấm áp, ngon lành và đầy thi vị là những gì mà thực khách Hà Thành đam mê ẩm thực đất Cảng sẽ tìm thấy ở An Biên Lò Sũ - một không hoàn toàn mới giữa lòng phố cổ với bánh đa đỏ, món ăn đậm đà hương vị phố Cảng.
Ẩm thực Hải Phòng mang những nét đặc trưng món ăn miền Bắc: Đó là tính hòa đồng, đa dạng, ít mỡ; đậm đà hương vị với sự kết hợp nhiều loại gia giảm như chíu trương, dấm hoa quả để tăng mùi vị, qua đó tạo ra một sức hấp dẫn rất riêng trong các món ăn. Món ăn xuất thân từ miền đất Cảng luôn có vị vừa phải, không quá nồng nhưng lại có màu sắc sặc sỡ, thường không đậm các vị cay, béo, ngọt, chủ yếu sử dụng các loại hương vị phong phú. Và nay khi An Biên đưa ẩm thực Hải Phòng xuất hiện giữa lòng phố cổ bằng một không gian làng nghề đầy tính truyền thống, đó có thể coi như nét chấm phá cho ẩm thực Hà Thành vốn đã nức tiếng xưa nay.
Ta hay nhắc đến phở Hà Nội, bánh canh Đà Nẵng, cơm gà Hội An, cơm hến Huế hay hủ tiếu Sài Gòn. Và quả là thiếu sót lớn nếu ta không nhắc đến Bánh đa đỏ Hải Phòng - linh hồn của ẩm thực xứ này. Để có được từng sợi bánh đa dẻo dai, vàng óng, thơm đượm hương lúa gạo là trải qua biết bao công đoạn: ngâm gạo, xay bột, tráng bánh, phơi bánh trên từng phên tre ngoài trời và cuối cùng là cắt bánh. Thưởng thức bánh đa cua, bánh đa chảo nóng hay các lẩu các loại ngay tại không gian An Biên Lò Sũ, cảm giác như đang ngồi giữa làng nghề bánh đa đỏ truyền thống và tận mắt nhìn ngắm nghệ nhân chế biến. Một cảm giác thật chân thực, sống động.
Bánh đa cua đỏ - một trong những “linh hồn” làm nên ẩm thực Hải Phòng. Từng sợi bánh đa tươi màu vàng óng, dẻo dai, đượm hương lúa gạo cứ vậy mà sóng sánh trong nồi nước dùng ngọt dịu bởi cua đồng, xương ống hầm và vị dấm bỗng dân dã. Ăn kèm cùng chíu trương và quất để cảm nhận hương vị đúng chuẩn “bánh đa cua Hải Phòng” ngon nức tiếng.
Bánh đa chảo nóng - chế biến Bánh đa chảo nóng ngay trong bữa ăn sẽ cực kỳ thích thú: Cho chút mỡ phần đảo trên chảo, lần lượt thả các nguyên liệu bánh đa đỏ, rau, nấm, thịt càng cua xào đảo đều khi chín tới. Thưởng thức Bánh đa chảo nóng với nước dùng cua bể để món ăn đậm đà hơn.
Lẩu cua đồng sườn sụn - Món ăn đặc trưng của Hải Phòng. Bánh đa tươi sóng sánh trong nước dùng được nấu từ cua đồng và xương ống thêm vị dấm bỗng dân dã. Đi kèm với lẩu là các món: chả lá lốt, chả cá, chả mọc, tôm xào mộc nhĩ và rau theo mùa. Lẩu cua đồng sườn sụn ngon nhất là nhúng cùng rau muống, hoa chuối và các loại rau sống như tía tô, kinh giới, xà lách, húng… Hương vị đậm đà hơn nữa khi chấm cùng chíu trương và quất cho “chuẩn vị” ẩm thực đất Cảng.
Chả chìa Hạ Lũng - Ngay cái tên cũng đã gợi nhắc địa danh. Chả chìa của làng Hạ Lũng là sự kết hợp hài hoà hương vị của miền biển và miền xuôi.Thịt lợn tươi được xay nhuyễn, trộn cùng mực khô xé nhỏ, tẩm ướp cùng chút nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu; nhào nặn cùng những dẻ mía thành từng cái chả và cho vào nồi hấp. Bước hấp rất quan trọng, vì lúc này vị ngọt của mía sẽ ngấm dần ra ngoài, hoà quyện với hương vị chả tạo nên món Chà Chìa trứ danh của làng Hạ Lũng.Chả chìa ngon nhất khi chấm với nước mắm pha theo công thức của An Biên. (Sống Mới 03/03/2017)
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2017 sẽ được khai mạc vào 20h Chủ nhật ngày 5-3-2017 (tức 8-2 năm Đinh Dậu). Đây là hoạt động văn hóa đặc sắc được đông đảo người dân thành phố mong đợi vào mỗi dịp đầu năm mới. Nhân dịp này, phóng viên Báo An ninh Hải Phòng có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Hương Duyên - Phó chủ tịch UBND quận Lê Chân.
PV: Thưa bà, được biết đây là năm thứ 6 liên tiếp, quận Lê Chân tổ chức “Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân”. Xin bà cho biết mục đích, ý nghĩa việc phục dựng lễ hội truyền thống này và giá trị trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân?
Bà Trần Thị Hương Duyên: Theo sử sách, Nữ tướng Lê Chân là một anh hùng, người có công khai hoang, lập ấp tạo nên “Hải tần phòng thủ” và được nhân dân tôn vinh Thánh mẫu. Việc quận Lê Chân thời gian qua phục dựng “Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân” không ngoài mục đích tri ân công đức to lớn của Nữ tướng với mảnh đất Hải Phòng ngày nay, đồng thời tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hoá, nghi lễ truyền thống dân tộc; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của đông đảo tầng lớp nhân dân quận Lê Chân nói riêng và nhân dân thành phố nói chung.
Bên cạnh đó, việc tổ chức lễ hội góp phần tăng cường quảng bá các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn thành phố như Đền Nghè, Đình An Biên với du khách trong, ngoài thành phố.
Các hoạt động diễn ra trong lễ hội như Lễ rước, Lễ Cáo yết; Dâng hương; Lễ dâng hoa Thủy tiên; Lễ tạ… với sự tham gia của hàng nghìn người, kết nối cộng đồng từ thế hệ này đến thế hệ khác cho đến ngày hôm nay.
Mặt khác, việc tổ chức lễ hội còn góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc; khí phách hào hùng, anh dũng của người dân Hải Phòng nói chung, người dân quận Lê Chân nói riêng, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Với tất cả những ý nghĩa cao đẹp đó, trải qua 5 năm tổ chức và đến năm 2016, “Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân” đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thêm một lần nữa khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội mang lại.
PV: Năm 2017 - năm đầu tiên sau khi “Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, quy mô tổ chức cũng như những nét mới, đặc sắc trong lễ hội năm nay là gì, thưa bà?
Bà Trần Thị Hương Duyên: Song song nhiệm vụ phát triển KT - VH - XH, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Lê Chân luôn tập trung đổi mới công tác tổ chức lễ hội, nhất là mở rộng, làm mới hoạt động hưởng ứng cũng như làm sâu sắc thêm hoạt động truyền thống. Mục tiêu quận hướng tới là bảo đảm sự trang trọng, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với bản sắc dân tộc, thuần phong mỹ tục và huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
Điểm nhấn cũng như nét mới của lễ hội năm nay là chương trình nghệ thuật trong lễ khai mạc. Thay vì hoạt cảnh truyền thống giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Nữ tướng ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, lễ hội 2017, Ban tổ chức đưa màn hát văn vào lễ khai mạc, tôn vinh nghệ thuật truyền thống đã được thế giới công nhận và kết nối tâm linh với hiện thực, tạo không khí trang trọng. Bên cạnh đó là phục dựng nghi lễ dâng hoa thủy tiên, một loài hoa gắn liền với Nữ tướng.
Để có những bình hoa thủy tiên đẹp, thời gian qua, ban tổ chức lễ hội đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và kết nối với “CLB hoa thủy tiên Hà Nội” để đưa về những bình hoa thủy tiên đẹp nhất dâng lên Nữ tướng thể hiện lòng tri ân sâu sắc công đức của người dân đối với Bà. Điểm mới nữa là màn đọc Chúc văn.
Theo lối cổ, đọc Chúc văn chỉ diễn ra trong đình, đền thì ở lễ hội lần này, đọc Chúc văn sẽ diễn ra ngay tại khu tượng đài rộng lớn, quảng bá đến đông đảo nhân dân nhưng vẫn giữ trang nghiêm truyền thống mang không khí thời đại bây giờ. Lễ rước là đặc thù của lễ hội dân gian, nét mới trong lễ rước năm nay là mở rộng quy mô tổ chức và sắc thái hình ảnh, huy động sự tham gia của 100% cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn quận và các đoàn nghệ thuật của 15 phường với quan điểm tăng cường sức mạnh đoàn kết của nhân dân, phát huy sức mạnh cộng đồng.
Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian hấp dẫn như: hát chèo, hát văn tại Đình An Biên, Đền Nghè; hoạt động chợ quê, trò chơi dân gian tại khu vực triển lãm… Tất cả đều tái hiện nét sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống vẫn được các thế hệ lưu giữ đến ngày nay.
PV: Xin cảm ơn bà đã giành thời gian trả lời phỏng vấn. (An ninh Hải Phòng 03/03/2017)
Vòng 8 V-League diễn ra trong 3 ngày 2, 3 và 4-3. Ở vòng này, CLB Hải Phòng thi đấu trên sân Lạch Tray không có khán giả bởi án phạt của BTC. Cùng lúc đội cũng vắng một số cầu thủ chủ chốt vì thẻ phạt. Ở trận đấu sớm chiều 2-3, CLB Sài Gòn gặp CLB Hà Nội, hứa hẹn khó khăn cho cả hai.
CLB Sài Gòn dường như đang rơi vào khủng hoảng. Đoàn quân của HLV Nguyễn Đức Thắng thua liền 2 trận và rơi xuống vị trí thứ 11 bảng xếp hạng.CLB Sài Gòn rất cần có điểm trong trận này để làm điểm tựa thoát cảnh khủng hoảng nhỏ của mình.
HLV Đức Thắng xây dựng lối chơi phòng ngự kiên cố cho CLB Sài Gòn, nhưng hàng phòng ngự ấy dễ dàng để lọt lưới 7 bàn trong 2 trận đấu vừa qua trước Than Quảng Ninh và XSKT Cần Thơ. Rất có thể việc thua là do hàng phòng ngự vắng 2 trụ cột Đình Trọng và Tiến Duy, vòng này cả 2 trở lại thi đấu, lối chơi quen thuộc ấy sẽ được phát huy hiệu quả.
Trong khi đó. CLB Hà Nội đang bối rối trong việc sử dụng ngoại binh. CLB đương kim vô địch Hà Nội cũng không biết thắng ở 2 vòng đấu gần đây khi các chân sút thi đấu không hiệu quả. Cả hai đội đang có kết quả tệ hại, vì vậy rất dễ trận đấu sẽ có kết quả hòa.
Trận đấu chú ý nhất vòng 8 là cuộc đối đầu CLB Hải Phòng – Quảng Nam trên sân Lạch Tray không khán giả. Quảng Nam là đối thủ rất khó chịu với Hải Phòng, họ từng thắng tại Lạch Tray. Lần này hành quân ra Bắc, ở thế thượng phong, xếp thứ nhì bảng tổng sắp, gặp đội chủ nhà thiếu CĐV nhiệt huyết nâng bước, Quảng Nam càng dễ chơi. Trước đội bóng luôn gây khó cho mình, thầy trò HLV Trương Việt Hoàng phải thật sự cẩn trọng, biết tận dụng các cơ hội mới có kết quả tốt./.
Các cầu thủ nghỉ thi đấu vòng 8: Nghỉ thi đấu vì 3 thẻ vàng có Hoàng Văn Bình (FLC Thanh Hóa), Trương Huỳnh Phú (Becamex Bình Dương), Vương Quốc Trung (Hải Phòng), Phan Thanh Hưng (Quảng Nam); Lê Ngọc Nam (Hải Phòng, thẻ đỏ); nghỉ vì quyết định kỷ luật: Pape Omar Faye (Thanh Hóa), Phạm Thế Nhật (Sông Lam Nghệ An). (Báo Hải Phòng 03/03/2017)
Như thethaovietnam.vn đã đưa tin, với việc để các CĐV la ó trọng tài và gây rối bằng việc ném chai nước xuống sân trong trận tiếp đón Hà Nội FC trên sân nhà tại vòng 6 V.League 2017. CLB Hải Phòng của HLV Trương Việt Hoàng đã nhận án phạt 100 triệu và đá trận tiếp đón Quảng Nam FC trên sân nhà tại vòng 8 V.League không có khán giả.
Đây là một thách thức lớn với đội bóng đất Cảng bởi sự cổ vũ cuồng nhiệt của các CĐV có mặt trên sân Lạch Tray luôn là động lực lớn để các cầu thủ Hải Phòng thi đấu với hơn 100% phong độ dù đối thủ của họ là ai.
Trước khi trở về sân nhà không khán giả tiếp đón Quảng Nam FC, đoàn quân của HLV Trương Việt Hoàng đã không có bước chạy đà tốt khi để thua 1-2 trong chuyến làm khách của S.Khánh Hòa ở vòng 7 vừa qua.
Mặc dù vậy, trước trận đối đầu với Quảng Nam FC vào chiều ngày Chủ nhật tới đây, thầy trò HLV Trương Việt Hoàng đang quyết tâm giành trọn 3 điểm trước đối thủ. Phát biểu với báo chí trước trận đấu cuối tuần ông Hoàng cho biết: “Càng khó khăn chúng tôi càng phải đoàn kết, thi đấu nhiệt huyết hơn nữa. Hải Phòng sẽ chiến đấu với trên 200% sức lực để có kết quả tốt”.
Dù là đương kim á quân của giải đấu, nhưng Hải Phòng không có được khởi đầu tốt ở mùa giải năm nay. Theo đó, với 10 điểm sau 7 vòng đấu, đội bóng đất Cảng đang đứng vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng. Một vấn đề lớn với Hải Phòng thời điểm hiện tại chính là việc bộ đôi ngoại binh Fagan và Stevens vẫn chưa cho thấy khả năng ghi bàn sát thủ của mình như ở mùa giải năm 2016. (Thể thao Việt Nam 03/03/2017)
Chỉ kiếm được 2 điểm trên sân nhà, Quảng Nam có cơ hội để “chuộc lỗi” với NHM khi chỉ phải thi đấu trên sân vắng khán giả tại Hải Phòng sắp tới.
Phong độ đang rất cao, Quảng Nam có cơ hội lần đầu tiên trong lịch sử được biết đến vị thế của ngôi dẫn đầu khi có 2 trận thi đấu trên sân nhà liên tiếp vừa qua, trong đó có cuộc tiếp đón đội đầu bảng FLC Thanh Hóa.
Tuy nhiên, đoàn quân của ông Hoàng Văn Phúc đã bỏ lỡ một cách đáng tiếc khi chỉ giành được 2 trận hòa. Thành tích không như mong đợi ấy khiến đội bóng xứ Quảng không thể lật đổ FLC Thanh Hóa ở ngôi vị dẫn đầu mà đành chấp nhận tiếp tục tạm thời đứng ở vị trí thứ hai.
Cũng cần nói thêm rằng, thầy trò ông Hoàng Văn Phúc chơi không tốt trên sân nhà kể từ đầu mùa khi đã hòa 3/4 trận tại sân Quảng Nam. Nó trái ngược với hình ảnh gần như “bách chiến bách thắng” của Thanh Trung và đồng đội mỗi khi làm khách. Trong 3 trận thi đấu xa nhà vừa qua, Quảng Nam đã bỏ túi đến 7 điểm.
Trong 2 trận tới, đoàn quân của ông Hoàng Văn Phúc sẽ phải đối mặt với 2 đối thủ cứng cựa là Hải Phòng và B.BD trên sân đối phương. Hải Phòng đang nằm ở nhóm đầu. B.BD không còn là ông lớn nhưng khi đối đầu với các đối thủ đang bay cao, đoàn quân của ông Trần Bình Sự vẫn thể hiện được bản lĩnh của đội bóng từng 4 lần vô địch V.League.
Nhưng với thành tích ấn tượng trên sân khách nên NHM Quảng Nam đang có kỳ vọng lớn, Thanh Trung và đồng đội sẽ “sửa sai” cho chuỗi đấu không mấy ấn tượng trên sân nhà vừa qua. Một thuận lợi cho Quảng Nam là ở trận gặp Hải Phòng, đội chủ nhà phải thi đấu trên sân vắng khán giả nên áp lực từ khán đài sẽ không có. Tuy nhiên, HLV Hoàng Văn Phúc chắc chắn cũng sẽ đau đầu để tìm giải pháp thay thế khi tiền vệ xuất sắc Thanh Hưng bị treo giò.(Bóng đá 03/03/2017)