Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 01/6/2021)

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Văn thư Trường THPT Ngô Quyền mắc Covid-19 vi phạm quy định cách ly

Cán bộ này đã để lại hàng chục F1 ngay trong thời gian cách ly theo dõi, vì đã rời nhà đi làm.

Bệnh nhân (BN) 6863, 53 tuổi, trú tại quận Lê Chân, TP. Hải Phòng được Bộ Y tế công bố nhiễm Covid-19.

Đây là F1, đồng nghiệp của BN 4380. Tuy nhiên người này không bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung, mà được đưa vào diện cách ly tại nhà.

Cụ thể ngày 29/5, bà Th., (BN 6863) là đồng nghiệp của nữ giáo viên dạy Nh., (BN 4380) nhiễm Covid-19. Cả 2 BN này cùng công tác tại Trường THPT Ngô Quyền, quận Lê Chân. Theo báo cáo của ngành y tế, trước đó, ngày 14/5, BN 6863 đến trường làm việc và có tiếp xúc với BN 4380. Cả 2 đeo khẩu trang, có vách kính ngăn tại phòng phòng việc.

 Sau khi BN 4380 nhiễm dịch, bà Th. được xét nghiệm SARS-CoV-2 lần 1, có kết quả âm tính và được yêu cầu cách ly tại nhà từ 18/5 đến hết 28/5.

 Tuy nhiên, sáng 24/5, bà Th. đã ra khỏi nhà và đến Trường THPT Ngô Quyền làm việc theo yêu cầu của nhà trường. Khi bà Th. đến trường, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền đã xin ý kiến của Ban chỉ đạo chống dịch Lê Chân. Đáng chú ý, thời điểm bà Th. đến trường làm việc là lúc Trường THPT Ngô Quyền đang thực hiện phong tỏa, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Lý giải về việc này, chiều 31/5, lãnh đạo UBND quận Lê Chân cho biết, bà Th. rời khỏi vị trí đang cách ly là để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng. Trường đang chuẩn bị thi xét tuyển cho gần 1.000 học sinh trên địa bàn. Bà Th. là nhân viên văn thư duy nhất ở trường cầm chìa khoá, mật khẩu… nên trường không thể bố trí người khác làm thay.

Trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo Tiểu ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hải Phòng cho biết: Liên quan đến BN 6863, ngành y tế đã truy vết được hơn 30 F1.Toàn bộ F1 này đã được đưa đi cách ly và lấy mẫu xét nghiệm, đều có kết quả âm tính lần 1.

Liên quan đến việc người đang cách ly di chuyển đến nơi làm việc, tổ công tác đã có tham mưu gửi UBND TP. Hải Phòng để rà soát, kiểm tra.

Lãnh đạo Trường THPT Ngô Quyền xác nhận: Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 quận Lê Chân đã chuyển tất cả những người có mặt ở đây từ 24/5 vào khu cách ly tập trung, sau khi đơn vị ghi nhận liên tục 2 ca nhiễm. (Vietnamnet.vn 31/5, Nguyễn Thu Hằng; Giaoducthoidai.vn 31/5; VTC.vn 31/5; Zingnews.vn 31/5; Thanhnien.vn 31/5)

Hải Phòng vận động người dân ở TP.HCM hoãn về quê

Chủ tịch TP. Hải Phòng chỉ đạo các quận, huyện vận động người dân đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM tạm thời không trở về quê.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng vừa ký văn bản hỏa tốc chỉ đạo thực hiện một số biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo đó, kể từ 0h ngày 31/5, Hải Phòng sẽ áp dụng các biện pháp cách ly y tế tập trung theo quy định 21 ngày đối với người về từ các khu vực, điểm dịch và vùng phong tỏa thực hiện theo Chỉ thị 16 ở TP.HCM.

Thành phố cũng áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo quy định 14 ngày đối với người trở về từ các khu vực còn lại thuộc TP.HCM.

UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện vận động người dân đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM tạm thời không trở về trong thời gian thành phố này thực hiện giãn cách xã hội. Chủ tịch Hải Phòng giao Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo tạm dừng hoạt động của các tuyến vận tải hành khách cố định từ Hải Phòng đi TP.HCM và ngược lại.

Sở này cũng được giao thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các phương tiện vận tải đón trả khách không đúng nơi quy định; đề xuất báo cáo UBND TP về việc tạm dừng chuyến bay Hải Phòng đi TP.HCM và ngược lại.

Thành phố giao Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hải Phòng phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Thành đoàn Hải Phòng, tổ chức thực hiện khai báo đối với tất cả hành khách về Hải Phòng từ TP.HCM, tổng hợp dữ liệu chuyển các địa phương để thực hiện quản lý và cách ly y tế theo quy định.

UBND TP cũng giao các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại cửa ngõ thành phố tăng cường rà soát, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế và tổ chức cách ly chặt chẽ đối với người dân đến và về từ các khu vực, điểm dịch thuộc các địa phương có dịch, đặc biệt vùng phong tỏa theo Chỉ thị 16 ở TP.HCM.

Từ 27/5 đến sáng 31/5, TP.HCM ghi nhận 142 ca nhiễm nCoV liên quan đến ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Một số ổ dịch khác diễn biến phức tạp khiến TP.HCM phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 31/5, riêng quận Gò Vấp và phường Thành Lộc (quận 12) thực hiện Chỉ thị 16. (Zingnews.vn 31/5, Nguyễn Dương; Tienphong.vn 31/5; Kinhtedothi.vn 31/5; Nhandan.com.vn 31/5; Cand.com.vn 31/5; Moitruongvadothi.vn 31/5)

Hải Phòng cách ly 21 ngày với người về từ khu vực phong tỏa ở TP. HCM

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng yêu cầu cách ly 21 ngày với những người về từ khu vực phong tỏa ở TP.HCM sau khi nơi đây ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19.

Sáng 31/5, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung 21 ngày với người đến/về thành phố từ các khu vực, địa điểm và vùng phong tỏa thuộc TP.HCM đang thực hiện theo Chỉ thị 16.

Ngoài ra, TP. Hải Phòng cũng áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà 14 ngày đối với người đến/về thành phố từ các khu vực còn lại thuộc TP.HCM. Thời gian áp dụng từ 6h ngày 31/5.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đồng thời giao Sở Giao thông vận tải chỉ đạo tạm dừng hoạt động của các tuyến vận tải hành khách cố định từ Hải Phòng đi TP.HCM và ngược lại; đề xuất báo cáo UBND thành phố việc tạm dừng chuyến bay Hải Phòng đi TP.HCM và ngược lại.

Đồng thời, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hải Phòng phối hợp với Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi (TP. Hải Phòng) tổ chức thực hiện khai báo đối với tất cả các hành khách đến/về Hải Phòng từ TP.HCM, tổng hợp dữ liệu chuyển các địa phương để thực hiện quản lý và cách ly y tế theo quy định.

Tính tới thời điểm hiện tại, Hải Phòng ghi nhận 9 ca mắc COVID-19, trong đó có 6 bệnh nhân khỏi bệnh và xuất viện, 3 bệnh nhân còn lại đang theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2.

Liên quan BN4380 (nữ giáo viên trường THPT Ngô Quyền), Sở Y tế Hải Phòng cho hay, bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2. Lần xét nghiệm thứ 4 (ngày 27/5) cho kết quả dương tính. Kết quả giải trình tự gene, bệnh nhân nhiễm chủng biến thể B.1.1.7 (chủng biến thể Anh).

Đến hết ngày 30/5, các quận huyện của TP. Hải Phòng rà soát, quản lý 853 công dân Hải Phòng đi từ Đà Nẵng về từ 1/5, đã lấy 853 mẫu xét nghiệm; 768 công nhân, người lao động từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng về, đã lấy 676 mẫu xét nghiệm. Kết quả các xét nghiệm đều âm tính. Đến nay, Hải Phòng chưa ghi nhận ca bệnh liên quan đến các ổ dịch tại các tỉnh, thành phố trên. (VTC.vn 31/5, Nguyễn Huệ; Vov.vn 31/5; Nongnghiep.vn 31/5; Giadinh.net.vn 31/5; Phunuphapluat.vn 31/5; Haiquanonline.com.vn 31/5; Tuoitrethudo.com.vn 31/5; Tiền phong 01/6, tr5)

Chủ tịch Hải Phòng yêu cầu báo cáo vụ khách tử vong trong nhà nghỉ

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng yêu cầu quận Lê Chân báo cáo về việc vẫn để một số cơ sở lưu trú hoạt động, đặc biệt là vụ khách thuê phòng tử vong tại 1 nhà nghỉ.

Chiều 31/5, UBND TP. Hải Phòng phát đi văn bản hỏa tốc yêu cầu UBND các quận, huyện nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc chưa quan tâm quản lý những người cách ly y tế tại nhà, còn để vi phạm quy định về cách ly, trong đó có trường hợp thủ quỹ trường THPT Ngô Quyền là bà H.T.T. (53 tuổi, là F1 của cô giáo N.T.T.N. dạy Toán trường THPT Ngô Quyền; cô N. là bệnh nhân 4380).

Trước đó, vào chiều 13 và 14/5, bệnh nhân 4380 đến phòng làm việc của bà T.. Hai người này đứng xa nhau, có đeo khẩu trang, trước bàn làm việc có vách kính.

Sau khi cô giáo N.T.T.N. được phát hiện mắc Covid-19, bà T. được xét nghiệm SARS-CoV-2 và có kết quả âm tính trong lần lấy mẫu đầu tiên. Nữ nhân viên này được yêu cầu cách ly tại nhà từ 18/5 đến hết 28/5.

Tuy nhiên, sáng 24/5, bà T. vẫn đến trường THPT Ngô Quyền theo yêu cầu của nhà trường để thực hiện gấp một số công việc tại bộ phận văn thư. Hiệu trưởng trường cũng báo với chính quyền phường sở tại về việc bà T. đến trường theo nhiệm vụ.

Phường sau đó yêu cầu người này không được quay lại nhà, phải cách ly ở trường. Từ đó đến nay, bà T. ở lại nơi làm việc. Ngày 29/5, Sở Y tế Hải Phòng cho biết bà H.T.T. dương tính với SARS-CoV-2.

Đến nay, Sở Y tế TP. Hải Phòng xác định có 54 trường hợp F1, 183 trường hợp F2 và 217 người liên quan đến ca bệnh nói trên…

Cũng theo công văn hỏa tốc, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng yêu cầu Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền báo cáo về việc vẫn để một số cơ sở lưu trú hoạt động. Đặc biệt là vụ khách thuê phòng tử vong tại nhà nghỉ Nhật Anh ở phố Lê Hồng Phong, phường Đông Khê.

Theo đó, tối 23/5, anh Phạm Đức V. cùng 2 nam thanh niên vào thuê phòng nghỉ tại nhà nghỉ Nhật Anh. Khoảng 11 giờ ngày 24/5, nhân viên dọn phòng phát hiện anh Phạm Đức V. đã tử vong, 2 nam thanh niên đi cùng đã rời khỏi nhà nghỉ. Quá trình điều tra, bước đầu, Công an quận Ngô Quyền xác định, Phạm Đức V. bị tử vong do sốc ma túy.

Lãnh đạo UBND phường Đông Khê cho biết, nhà nghỉ Nhật Anh đã vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 của UBND TP. Hải Phòng về việc các nhà nghỉ, khách sạn tạm dừng đón khách lưu trú sau ngày 8-5. (Nld.com.vn 31/5, Tr. Đức)

Hải Phòng: Phê bình Chủ tịch quận Lê Chân, Ngô Quyền vì lơ là chống dịch

UBND TP. Hải Phòng yêu cầu Chủ tịch quận Lê Chân, Ngô Quyền phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc chưa thực hiện các chỉ đạo của thành phố và còn để xảy ra các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, chưa quan tâm đến việc quản lý các đối tượng cách ly y tế tại nhà, còn để vi phạm quy định về cách ly, trong đó có trường hợp nhân viên của Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền cách ly tại nhà tại quận Lê Chân.

Vẫn để một số các cơ sở lưu trú hoạt động, đặc biệt là vụ việc khách thuê phòng nghỉ tử vong tại nhà nghỉ Nhật Anh, số 37 lô 7C đường Lê Hồng Phong, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền.

Ngoài ra, còn để nhân dân ra vào các Công viên - vườn hoa trên địa bàn mặc dù thành phố đã có chỉ đạo dừng hoạt động; việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh chưa tương xứng với số lượng công dân vi phạm...

Qua đó, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu Chủ tịch UBND quận Lê Chân báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về trường hợp nhân viên của Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền vi phạm cách ly y tế tại nhà.

Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền báo cáo UBND thành phố về vụ việc khách thuê phòng nghỉ tử vong tại nhà nghỉ Nhật Anh, số 37 lô 7C đường Lê Hồng Phong, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền. (Congluan.vn 31/5, Trâm Anh; Dantri.com.vn 31/5)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

Hải Phòng công bố danh sách trúng cử đại biểu HĐND thành phố

Ủy ban Bầu cử TP. Hải Phòng vừa có Nghị quyết về việc công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND TP. Hải Phòng khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.

Cụ thể: Tổng số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND thành phố: 14 đơn vị. Tổng số đại biểu HĐND thành phố được bầu: 67 đại biểu

Tổng số cử tri: 1.522.201 người. Tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu: 1.518.888 người, đạt tỷ lệ: 99,78%. Số đại biểu trúng cử: 67 đại biểu. Kết quả bầu cử bảo đảm theo quy định của Luật Bầu cử, bầu đủ số lượng đại biểu HĐND thành phố được bầu. (Baochinhphu.vn 31/5; Tuoitrethudo.com.vn 31/5; VTV.vn 31/5)

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đạt tỉ lệ phiếu bầu HĐND cao nhất nhiệm kỳ 2021-2026

Theo kết quả của Ủy ban Bầu cử thành phố, nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đạt tỉ lệ phiếu bầu cao nhất với 99,16%, người thấp nhất là bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đạt 72,26%

Tốp 10 đạt tỉ lệ phiếu bầu cao nhất tại cuộc bầu cử này, ngoài ông Tùng đứng đầu, vị trí tiếp theo là ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư TP. Hải Phòng đạt 98,51%; ông Phạm Văn Lập, Bí thư Huyện ủy Thủy Nguyên đạt 98,30%; ông Cao Xuân Liên, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam đạt 98,13%; ông Nguyễn Đình Chuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Phòng đạt 98,12%; ông Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Quận ủy Hải An đạt 97,66%; ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đạt 97,55%; ông Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an TP. Hải Phòng đạt 97,52%; ông Lê Ngọc Trữ, Giám đốc Sở Tài chính đạt 97,16%.

Theo thống kê, TP. Hải Phòng có hơn 1.500 cử tri tham gia bầu cử tại 14 đơn vị. Đạt tỷ lệ 99,78% cử tri TP. Hải Phòng đi bầu HĐND 4 cấp cao hơn kỳ bầu cử năm 2016 là 0,31% (kỳ bầu cử năm 2016 tỷ lệ cử tri đi bầu cử là 99,47%). Trong đó, huyện Bạch Long Vĩ có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 100%, tiếp đó là quận Đồ Sơn với tỷ lệ 99,98% và huyện Thủy Nguyên có tỷ lệ cử tri đi bầu cử thấp nhất, đạt 95,54%.

 Cuộc bầu cử diễn ra trong sự chuẩn bị chu đáo từ cơ sở vật chất, trang trí khánh tiết, địa điểm bỏ phiếu, loa máy, hồ sơ, tài liệu bầu cử được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, duy trì ổn định và được triển khai tập huấn đến từng Tổ bầu cử.

 Ủy ban bầu cử thành phố đã xây dựng phần mềm tổng hợp tiến độ cử tri đi bầu cử, báo cáo tình hình ngày bầu cử để giúp cho các địa phương báo cáo, thông tin liên lạc thuận lợi và kịp thời.

Các địa phương, đơn vị, các tổ chức phụ trách bầu cử và các tổ chức liên quan thực hiện đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, nên công tác bầu cử trên địa bàn thành phố được triển khai nghiêm túc, đúng luật. (Kinhtenongthon.vn 31/5, Phạm Trang; Dantri.com.vn 31/5)

Thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hải Phòng

Sáng 31/5, UBND TP. Hải Phòng tổ chức hội nghị công bố quyết định về việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và bổ nhiệm giám đốc Trung tâm.

Theo đó, UBND TP. Hải Phòng quyết định hợp nhất các trung tâm: Trung tâm Y tế dự phòng; Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng; Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe; Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hải Phòng. Trung tâm chính thức hoạt động kể từ ngày 1/6/2021, có trụ sở chính tại số 21 Lê Đại Hành, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng.

Trung tâm có chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ về phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm; bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng; khám, phát hiện, điều trị dự phòng và các dịch vụ y tế khác phù hợp với lĩnh vực chuyên môn trên địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật.

Cũng trong sáng nay, TP. Hải Phòng cũng quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Chính - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hải Phòng, thời hạn bổ nhiệm 5 năm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam chúc mừng ông Nguyễn Quang Chính được lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị tín nhiệm giao trọng trách. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đề nghị tân Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hải Phòng phát huy những kinh nghiệm đã có, tiếp tục trau dồi học tập để cùng cán bộ, nhân viên Trung tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. (Kinhtedothi.vn 31/5, Vĩnh Quân; Zingnews.vn 31/5; Nhandan.com.vn 31/5; Thanhnien.vn 31/5; Baogiaothong.vn 31/5; Baodautu.vn 31/5; Tuoitrethudo.com.vn 31/5; Thuonghieucongluan.com.vn  31/5)

KINH TẾ   

Hải Phòng phát triển bất động sản công nghiệp gắn với hạ tầng logistics

Là trung tâm logistics cảng biển của cả khu vực miền Bắc, việc phát triển hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) tại Hải Phòng cần chú ý đầu tư hạ tầng logistics, đặc biệt là hệ thống kho bãi.

Trong những năm gần đây, khi hội nhập quốc tế tại Việt Nam ngày càng phát triển sâu rộng, nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao, đặc biệt khi Việt Nam đang chở thành điểm để của dòng dịch chuyển vốn FDI.

Theo Tổng Cục Thống Kê, tổng giá trị xuất nhập khẩu là 543,9 tỷ USD trong 2020, tăng đến 5,1% so với cùng kỳ. Đồng thời, tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch, song khả năng tăng trưởng giao thương của cả nước vẫn được đánh giá khả quan dựa trên những hiệp định thương mại được kí gần đây, bao gồm Hiệp Định Thương Mại Tự Do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP).

Công Ty Cổ Phần Chứng Khoán SSI cũng đưa ra mức dự đoán doanh thu của ngành cảng biển và logistics sẽ tăng đến 10% trong 2021, và ngành sẽ tiếp tục đà phát triển tầm 12-14% như các năm vừa qua.

Ông Troy Griffith, Phó Tổng Giám Đốc Savills Việt Nam nhận định: Với việc mở rộng quy mô các cảng biển như Cái Mép – Thị Vải và Lạch Huyện, Việt Nam sẽ thu hút được những tàu hàng có tải trọng lớn thay vì đến các cảng tại Singapore và Hong Kong.

Cùng với nhu cầu ngày càng tăng của cảng biển và ngành logistics, nhu cầu thuê kho bãi hiện nay cũng đang mạnh.

Cụ thể hơn, ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐS Công nghiệp của Savills Việt Nam cho biết: Trong những năm gần đây, tổng diện tích kho bãi theo quan sát đã tăng đáng kể, và giá đã tăng từ 5-10% mỗi năm. Theo số liệu từ Savills Việt Nam, giá thuê trung bình cho nhà kho tại vùng kinh tế phía Bắc và Nam trong năm 2020 lần lượt là 4,1 USD/m2/tháng và 4,4 USD/m2/tháng.

Tại các tỉnh như Long An và Bình Dương, những dự án kho bãi và cơ sở phân phối mới đang mọc lên dày đặc khi khu vực TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương đối diện với vấn đề thiếu hụt nguồn cung”. Ông John cũng dẫn chứng thêm, như tại Long An, JD.com đã đầu tư vào dự án kho bãi mới lên đến 10 ha tại huyện Đức Hòa; Cainiao (Đơn vị cung cấp logistic cho Alibaba) đã đầu tư vào dự án kho bãi tại huyện Bến Lức. Hay như trong năm ngoái, LOGOS Property đã tham gia thị trường với liên doanh kho bãi với mức đầu tư 350 triệu USD.

Là một trong những doanh nghiệp đón đầu xu hướng này khi phát triển bất động sản công nghiệp, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ - Chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN Nam Đình Vũ cho biết:

“Khi quy hoạch KCN Nam Đình Vũ, nhận định lợi thế là một trung tâm logistics về cảng biển khu vực phía Bắc của Hải Phòng, chúng tôi đã hướng đến việc xây dựng 1 KCN tổng hợp, có các phân khu chức năng tạo thành 1 hệ sinh thái bổ trợ cho nhau, đầu ra của doanh nghiệp này có thể là đầu vào của doanh nghiệp khác. Trong đó, phân khu Cảng biển và Logistics có quy mô gần 200ha là một trong những phân khu quan trọng và hội tụ nhiều tiềm năng nhất, cảng Nam Đình Vũ với qui mô 7 cầu cảng container và hàng tổng hợp, với 2 bến cập tàu đã được đưa vào khai thác, công suất khoảng từ 800.000 đến 1 triệu TEUs/năm.

Các khu vực kho ngoại quan và logistic được đầu tư hạ tầng với tiêu chuẩn hiện đại và đồng bộ. Kho ngoại quan trong khu vực này của chúng tôi có quy mô 13ha và hiện đang được khai thác hiệu quả.”.

Trong bối cảnh, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hàng đầu trong đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư, với việc sẽ có nhiều nhà máy sẽ chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, thì Hải Phòng đang có lợi thế lớn để đón dòng vốn dịch chuyển. Lợi thế này xuất phát từ việc Hải Phòng là trung tâm logistics của miền Bắc.

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Mặc dù có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng, nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, chưa tận dụng lợi thế để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

“Việc hàng trăm doanh nghiệp hoạt động đơn lẻ, chưa tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ ngành logistics đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phát triển manh mún thiếu quy hoạch làm giảm khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập”, ông Lộc nhấn mạnh.

Trong khi đó, Hải Phòng đang có kế hoạch tăng quỹ đất bất động sản công nghiệp tương đối lớn. Cụ thể, theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban ban quản lý các Khu kinh tế Hải Phòng,  từ nay tới năm 2025, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới 15 KCN, với tổng diện tích hơn 6.400 ha tại 8 quận, huyện. Trong đó, huyện Tiên Lãng sẽ xây dựng 3 KCN diện tích lớn nhất, hơn 1.450 ha, huyện Vĩnh Bảo mở thêm 3 KCN, diện tích 900 ha. Trước mắt, tới năm 2025, Hải Phòng sẽ phấn đấu lấp đầy 12 KCN hiện có (rộng hơn 4.400 ha và khai thác 30% công suất các KCN mới).

Như vậy, với việc các KCN hiện hữu còn chưa được lấp đầy hết và nguồn cung mới đã được chuẩn bị thì sự cạnh tranh để thu hút giữa các KCN ngày càng tăng. Cùng với đó, dòng vốn FDI mới được đánh giá sẽ “khó tính” hơn trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư. Vậy nên, KCN nào vừa có hạ tầng đồng bộ, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư tốt, lại vừa có lợi thế về hạ tầng logistics như hệ thống cảng, kho bãi ngay trong KCN, giúp giảm chi phí hoạt động sẽ là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư.

Nhấn mạnh thêm, cũng xuất phát từ nhu cầu này nên trong định hướng phát triển logistics của Hải Phòng đã hướng đến việc thành lập bốn trung tâm logistics lớn, bao gồm: 1 trung tâm cấp vùng là trung tâm logistics Nam Đình Vũ tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (phía Đông); 3 trung tâm cấp thành phố tại Lạch Huyện (phía Đông Nam), khu VSIP tại Khu công nghiệp VSIP (phía Đông Bắc) và khu Tràng Duệ tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (phía Tây). (Baodautu.vn 31/5, Thu Lê)

Bất động sản công nghiệp tìm đường dài

Việt Nam cần những giải pháp dài hạn để duy trì và phát huy lợi thế của bất động sản công nghiệp.

Trong quý I/2021, thị trường đất công nghiệp cho thuê và nhà xưởng xây sẵn ở miền Bắc và miền Nam đều không có thêm nguồn cung mới. Tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại các thị trường này đạt khoảng 9.500 ha, trong khi nguồn cung nhà xưởng xây sẵn ở mức 1,8 triệu m2 sàn.

Bắc Ninh và Hải Phòng là hai thị trường có nguồn cung bất động sản công nghiệp dồi dào nhất ở miền Bắc. Trong khi đó, Đồng Nai và Bình Dương vẫn dẫn đầu nguồn cung cả nước về cả hai loại hình.

Tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp (KCN) trên cả nước vẫn ổn định (khoảng 75%), trong khi tỷ lệ lấp đầy của nhà xưởng xây sẵn lên tới 98%.

Đất công nghiệp vẫn là lĩnh vực nóng nhất đối với những nhà sản xuất mới hoặc để đáp ứng nhu cầu mở rộng của các nhà sản xuất hiện hữu, vốn được hỗ trợ bởi tiềm năng sản xuất to lớn của Việt Nam. Do đó, trong quý đầu năm 2021, hầu hết các KCN trên cả nước tiếp tục tăng giá cho thuê và đạt đỉnh mới là 111 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá thuê nhà xưởng xây sẵn đạt trung bình ở mức 4,5 USD/m2/tháng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, do nhu cầu lớn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi họ mở rộng sản xuất.

Giá đất ở các khu vực này được dự báo tiếp tục tăng. Thị trường nhà xưởng xây sẵn cũng được dự báo còn sôi động, với khoảng 332.000 m2 xưởng mới được đưa ra thị trường từ nay đến cuối năm 2021, tập trung chủ yếu ở Hải Phòng và Bắc Ninh.

Việc phát triển các KCN mới ở các tỉnh, thành phố lân cận TP.HCM và Hà Nội sẽ góp phần làm giảm “sức nóng” của giá thuê. Hiện tại, ở phía Bắc, nhiều nhà đầu tư đã đẩy mạnh chuyển hướng tìm kiếm đất công nghiệp ở các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, nơi có giá thuê đất thấp hơn và quỹ đất dồi dào hơn.

Trong khi đó, nguồn cung bất động sản công nghiệp ở phía Nam dự kiến tăng hơn nữa trong 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và củng cố hơn nữa vị trí dẫn đầu về nguồn cung của khu vực. Nhờ triển vọng tích cực của ngành công nghiệp sản xuất trong nước trong tương lai, các tỉnh đã đưa ra kế hoạch thành lập thêm các KCN mới với tổng diện tích khoảng 23.400 ha, tất cả đều nằm ở các thị trường “nóng” vùng ven TP.HCM. Thị trường nhà xưởng xây sẵn dự kiến tiếp tục sôi động, với khoảng 897.000 m2 sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm 2021.

Chẳng hạn, tỉnh Long An đã được phê duyệt bổ sung 3 KCN mới vào quy hoạch quốc gia, gồm KCN Sài Gòn - Mê Kông (diện tích 200 ha), KCN Tân Tập (654 ha) và KCN Lộc Giang (466 ha). Trong khi đó, các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Nhơn Trạch và TP. Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) có kế hoạch xây dựng thêm các KCN, để giải quyết tình trạng thiếu diện tích.

Với triển vọng như vậy, các tên tuổi “ngoại đạo” đang bắt đầu xoay sang lĩnh vực này. Đơn cử, Công ty cổ phần Sản xuất, Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) xác định mở chuỗi KCN. Ông Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Gilimex cho biết, Công ty sẽ làm ít nhất 5 KCN.

Ngoài việc đa dạng hóa nguồn cung, các chuyên gia cho rằng, nên quy hoạch và đầu tư thêm nhiều mô hình KCN sinh thái. Trong đó, các doanh nghiệp cùng cam kết, hợp tác và hành động để đạt được mục tiêu chung về sử dụng tài nguyên và môi trường.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam có thể phân loại KCN sinh thái thành 5 nhóm: KCN sinh thái nông nghiệp, KCN sinh thái lọc hóa dầu hay hóa chất, KCN sinh thái tái tạo tài nguyên, KCN sinh thái nhà máy điện và KCN sinh thái năng lượng tái sinh.

Mô hình này sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững nói chung, giúp giảm khai thác tài nguyên, hạn chế tác động đến môi trường, trong khi vẫn không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, môi trường này cũng sẽ đóng góp tích cực vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Việt Nam và toàn cầu.

Các bước đi cụ thể có thể thực hiện là nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hạn chế phát thải và thí điểm chuyển đổi trước một số KCN theo mô hình KCN sinh thái để rút ra cách làm hiệu quả nhất.

Để làm được điều này, nhiều chuyên gia cho rằng, các KCN cần hợp tác để tạo chuỗi sản xuất hàng hóa, logistics, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, nâng cao sự bền vững của cả nền công nghiệp...

Đồng thời, các địa phương nên có cơ chế để cùng nhau phát triển, tạo thành hệ thống đồng bộ. Cơ chế này cũng sẽ giúp các địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh một cách hiệu quả hơn, tận dụng tốt đa ưu thế của mình, tạo sự hài hòa trong quá trình phát triển liên vùng, đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. (Baodautu.vn 31/5, Vũ Anh)

Công ty Cổ phần Chế biến thuỷ sản Hạ Long: Khai trương cửa hàng giới thiệu sản phẩm và bán lẻ số 5 tại Hải Phòng

Ngày 31/5, Công ty Cổ phần Chế biến thuỷ sản Hạ Long đã tổ chức lễ khai trương cửa hàng giới thiệu sản phẩm và bán lẻ số 5 số 9 Nguyễn Khuyến, Hải Phòng

Tới dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo Cộng đồng giá tốt Hải Phòng, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hải Phòng, Chi cục Quản lý nông lân thuỷ sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng cùng nhiều doanh nghiệp, tiểu thương và đông đảo khách hàng.

Tiền thân là một Phòng kinh doanh xuất nhập khẩu thuỷ sản thuộc Công ty Dịch vụ và Xuấ nhập khẩu (XNK) Hạ Long – Tổng Công ty Thuỷ sản Hạ Long, từ năm 2007 đơn vị đã tách ra thành lập pháp nhân mới. Doanh nghiệp đã và đang tiếp tục khẳng định mình trên thương trường và gặt hái được nhiều thành công trên lĩnh vực XNK cũng như thị trường trong nước với thương hiệu Miền Hạ Long.

Chuỗi 5 cửa hàng thương hiệu Miền Hạ Long tại đường số 77 đường Đà Nẵng; tại chợ Quán Toan, quận Hồng Bàng; tại thị trấn Ruồn, huyện An Lão và tại số 9 Nguyễn Khuyến (cạnh chợ Ga, Hải Phòng) đều được đầu tư hiện đại, theo quy chuẩn.

Công ty có thế mạnh về các sản phẩm thủy hải sản đông lạnh nguyên con và các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản...

Hàng hoá của công ty sản xuất ra đã và đang bán trên khắp các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam và hệ thống các siêu thị lớn: Vinmart, Aeon, Sapro, Metro, Fivimart, Intimex, Hapro, Hiway, Ocean, Royal City, Rosa, Citi, Babaco, Thiên Thuận Đường, Vân hồ, Thái hà, Phú Quý, Cầu Giấy, An Việt, chuỗi hệ thống Gia đình Việt, chuỗi hệ thống Siêu thị Lan Chi và siêu thị Aeon Hải Phòng…

Hiện nay công ty cũng là nhà cung cấp thực phẩm lớn cho các kênh phân phối vào các khu công nghiệp và các bếp ăn tập thể trên khắp các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung với doanh số hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Để quảng bá, giới thiệu các mặt hàng thuỷ sản chất lượng cao, giá cạnh tranh đến tay người dân, Công ty Cổ phần Chế biến thuỷ sản Hạ Long đã lắp dựng và khai trương cửa hàng giới thiệu sản phẩm và bán lẻ số 5 theo quy mô hiện đại tại số 9 Nguyễn Khuyến, đối diện với chợ Ga, Hải Phòng.

Ngay trong buổi khai trương đã có hàng trăm khách hàng tới mua và trải nghiệm sản phẩm thủy sản đông lạnh của doanh nghiệp. (Tuoitrethudo.com.vn 31/5, Quang Chiến)

XÃ HỘI     

Hải Phòng: Công đoàn cơ sở sớm xây dựng phương án nếu có đoàn viên là F0

Chiều 31/5, Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng tổ chức hội nghị nắm tình hình về hoạt động công đoàn và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thuộc khu công nghiệp Nomura.

Tại hội nghị, đại diện các công đoàn cơ sở tại Khu công nghiệp Nomura (An Dương, Hải Phòng) thông tin, chia sẻ về tình hình việc làm, đời sống người lao động tại doanh nghiệp, khó khăn trong quá trình triển khai công tác chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động cũng như hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Cụ thể, nhiều cán bộ công đoàn cho rằng, các đợt hỗ trợ của tổ chức Công đoàn tới công nhân, lao động đôi lúc chưa kịp thời; đối tượng hỗ trợ còn hạn chế, dẫn đến số lượng người lao động được hỗ trợ còn ít. Một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng do khách hàng lớn là một doanh nghiệp điện tử tại Bắc Ninh hiện tạm dừng sản xuất do dịch…

Ngoài ra, một số đơn vị trình bày khó khăn trong việc tạo việc làm cho lao động ngoại tỉnh trước chỉ đạo của UBND TP. Hải Phòng về công tác phòng dịch. Trong đó, việc Hải Phòng yêu cầu lao động đến từ quận, huyện có dịch, doanh nghiệp bố trí, hỗ trợ nơi ở cho người lao động ở lại Hải Phòng. Tuy nhiên, các nhà nghỉ, nhà trọ lại từ chối tiếp nhận công nhân từ các địa phương có ghi nhận ca mắc dẫn đến doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ tại nhà, thiếu hụt số lượng lớn lao động…

Phát biểu tại hội nghị, ông Tống Văn Băng – Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng nhấn mạnh - hiện nay, tình hình dịch diễn biến hết sức phức tạp, khả năng lây nhiễm trong khu, cụm công nghiệp rất lớn. Trong trường hợp ghi nhận nhiều F0 thì sẽ phải dừng sản xuất, thiệt hại rất lớn đến tổng thể kinh tế.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng mong muốn các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch, cùng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác phòng chống dịch để xây dựng môi trường làm việc an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trong khu công nghiệp.

Các đơn vị nắm bắt tình hình tài chính tại doanh nghiệp, cân đối nguồn lực từng đơn vị để chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng của dịch; cùng doanh nghiệp xây dựng kịch bản ứng phó, phương án xử lý trong tình huống ghi nhận ca F0; bố trí nguồn kinh phí tiêm vaccine cho người lao động để bảo đảm an toàn cho người lao động cũng như sự an toàn của chính doanh nghiệp….

Về những thắc mắc, kiến nghị của đại diện công đoàn cơ sở, lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP. ghi nhận, tổng hợp, tiếp tục đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố đưa ra giải pháp cụ thể trong thời gian sớm nhất.

Tính đến tháng 5/2021, Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng quản lý 2.843 công đoàn cơ sở với gần 304 nghìn người lao động. Trong đó, số lao động làm việc tại KCN Nomura là 31.000 lao động, tại 54 doanh nghiệp. (Laodong.vn 31/5, Mai Dung)

Công ty môi trường đô thị Hải Phòng: Đảm bảo môi trường “xanh, sạch, đẹp” cho TP. Hải Phòng

Với tốc độ phát triển công nghiệp và sự gia tăng dân số quá nhanh nhưng với trách nhiệm làm sạch môi trường, công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng luôn đảm bảo môi trường “Xanh - Sạch - Đẹp”.

Trong những năm gần đây, với tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ, quá trình đô thị hoá, sự gia tăng dân số quá nhanh nhưng với tinh thần trách nhiệm cao trong công tác giữ gìn và bảo vệ môi trường của thành phố, công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng luôn đảm bảo môi trường thành phố “Xanh - Sạch - Đẹp”.

Đặc biệt trong dịp Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa qua, cùng với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công ty đã tăng cường hình thức đạp xe tuyên truyền nhân dân, các cơ quan đơn vị thực hiện đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.

Đảm bảo trong thời gian diễn ra các hoạt động bầu cử, toàn bộ tuyến đường, ngõ xóm, khu dân cư, các địa điểm bỏ phiếu luôn luôn sạch sẽ.

Cử tri được thực hiện trách nhiệm công dân trong điều kiện vệ sinh môi trường sạch đẹp, đóng góp vào thành công chung trong công tác tổ chức “Ngày hội non sông” của thành phố.

Ý thức được trách nhiệm của đơn vị trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, Công ty đã không ngừng nâng cao năng lực quản lý, sử dụng hiệu quả các phương tiện, trang thiết bị hiện có, đầu tư mua sắm và cải tiến phương tiện làm việc thân thiện với môi trường, bố trí xe chuyên dùng thu gom vận chuyển rác thải hữu cơ tại các địa điểm được người dân phân loại rác theo Mô hình “”Phân loại rác thải tại nguồn” do công ty phối hợp cùng chính quyền địa phương, tổ dân phố triển khai thực hiện.

Đến nay, nhiều chương trình hành động của công ty đã được đông đảo nhân dân thành phố hưởng ứng, chung tay thực hiện, hình thành thói quen đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; nâng cao ý thức phân loại rác thải từ mỗi người dân và hộ gia đình.

Với sự chuyên nghiệp, tích cực của cán bộ, công nhân viên công ty môi trường đô thị Hải Phòng cùng sự chung tay của chính quyền và nhân dân đã mang tới diện mạo “Xanh -Sạch - Đẹp” tại thành phố Đất Cảng, đóng góp vào thành công chung của Ngày hội Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại Hải Phòng. (Enternews.vn 31/5, Minh Huệ - Thu Hà)

Ngưỡng mộ tài năng âm nhạc của cậu học trò khiếm thị

Âm thanh trong trẻo của chiếc đàn piano đã đánh thức tâm hồn Bùi Quang Khánh (học trò khiếm thị - lớp 7A8, Trường THCS Hồng Bàng) để rồi ban mai rạng ngời đến với em qua những bản nhạc bất hủ.

Nhắc đến Khánh, nhiều em HS Trường THCS Hồng Bàng (quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) tỏ ra ngưỡng mộ trước tài năng âm nhạc của bạn. Dù không nhìn thấy ánh sáng nhưng Khánh vẫn học tốt các môn và chơi piano rất giỏi. Tạm gác chuyện học hành sau đợt thi học kỳ I, Khánh thư thái bên cây đàn piano cùng cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang. Với em, cây đàn là người bạn tâm giao cùng đồng hành trên con đường hạnh phúc khi ánh ban mai sáng rạng trong trái tim.

Biết có khách thăm nhà, cậu học trò khôi ngô cùng nụ cười tươi tắn đon đả: “Vừa học văn hóa trên lớp, vừa học đàn piano, con đã quen lịch học rồi, cũng không cảm thấy mệt”. Quang Khánh khiến người đối diện cảm mến ngay từ lần gặp đầu tiên bởi phong thái đĩnh đạc, quần áo luôn chỉn chu và cách nói chuyện hóm hỉnh.

Quang Khánh rất thông minh, nhạy cảm và có trí nhớ tuyệt vời. Vì thế, mọi sinh hoạt cá nhân, di chuyển trong nhà, ở lớp, em không phải phụ thuộc vào người thân. “Bố mẹ em có thể hoàn toàn yên tâm khi em tự làm vệ sinh cá nhân, ăn uống và các sinh hoạt thường ngày khi em ở nhà và đến trường học”, Khánh tự tin chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Lan (mẹ Quang Khánh) bùi ngùi nhớ lại, năm 2007, khi biết tin sắp có thêm em bé vợ chồng chị rất vui. Quang Khánh chào đời trong sự chung vui của đại gia đình. Vì sinh thiếu tháng, nên Khánh yếu và hay ốm vặt. Khi tròn một tháng tuổi, gia đình phát hiện con không có phản ứng với ánh sáng.

Sau khi các bác sĩ kết luận con trai út bị khiếm thị, chị Lan và gia đình hụt hẫng, buồn rầu. Mỗi lần nghĩ đến cậu con trai bé bỏng chào đời với một cơ thể không lành lặn vợ chồng chị Lan đau quặn thắt. Tương lai con sẽ ra sao, cuộc sống, học tập, vui chơi của con sẽ thế nào… hàng loạt câu hỏi đặt ra khiến chị Lan trào nước mắt.

Năm tháng dần trôi, Quang Khánh lớn lên từng ngày khiến nỗi lo của gia đình về sức khỏe, sinh hoạt và học tập của em ngày càng lớn. Thương con, chị Lan cố gắng làm mọi cách có thể để bù đắp lại những khiếm khuyết trên cơ thể của con những mong con vui vẻ, hồn nhiên và tự tin với cuộc sống. 

Chị Lan kể, khi Quang Khánh đến tuổi đi học, gia đình cho con học tại Trường Khiếm thị Hải Phòng. Để đồng hành cùng con, chị Lan cũng bắt đầu đi học chữ nổi. Là cậu bé thông minh, hoạt bát, Quang Khánh dường như không muốn chấp nhận hoàn cảnh mà đôi khi có những phút nổi loạn. Vì thế, chị Lan luôn phải gần gũi bên còn, giúp con kiểm soát hành vi.

Hiện, Quang Khánh là HS lớp 7A8, Trường THCS Hồng Bàng. Theo nhận xét của thầy Trịnh Doãn Toản - Hiệu trưởng nhà trường, Khánh là một HS ngoan, hòa nhập tốt cùng bạn, em học đều các môn và có một khả năng âm nhạc tuyệt vời.

Dịp 20/11 năm vừa qua, như một lời tri ân đối với các thầy cô giáo, với cha mẹ - người thầy đi cùng em trong suốt cuộc đời, Quang Khánh đã biểu diễn một đêm nhạc mang chủ đề “Âm thanh của sự tĩnh lặng”. Lấy cảm hứng từ bản nhạc The Sound of Silence của tác giả Paul Simon (Hoa Kỳ), đêm nhạc Quang Khánh đã được tổ chức trọng thể tại Nhà hát thành phố.

Những giai điệu bất hủ của bản Sonata No.15, Serenade của Mozart, hay Vũ khúc Hungary số 5 của Johannes Brahms… được Khánh thể hiện với cảm hứng bất tận vào cuộc sống tươi đẹp. Khi những nốt nhạc ngân lên, trái tim của khán thính giả đã không khỏi rung lên bởi cảm xúc chân thật, thánh thiện phát ra từ trái tim trong ngần, đầy khát vọng của cậu bé mù. Những âm thanh lay động lòng người do Khánh thể hiện như một món quà tri ân và cũng là một báo cáo thành quả bước đầu đến những thầy cô giáo - những người đã dành nhiều thời gian, công sức nuôi dưỡng, chăm chút cho khát vọng tuổi thơ của em.

Khánh kể, em bắt đầu đến với piano từ 5 năm trước. Đó là sự tình cờ khi em chạm vào phím của cây đàn tại nhà một người quen. Lần đầu tiên nghe thấy tiếng đàn ngân lên dường như em đã nhìn thấy được ánh sáng bừng lên. Sau đó, Khánh được gia đình người quen tặng lại cây đàn. Thấy con yêu đàn, gia đình Khánh mời được giáo viên dạy. Tiếng đàn piano mang lại cho Khánh sự hào hứng, kiên nhẫn hiếm có.

Ngoài thời gian học văn hóa, Khánh chăm chỉ học đàn. Mặc dù, việc học đàn khó khăn với một cậu bé khiếm thị, nhưng Khánh không nản lòng. Phải mất đến vài tháng, em mới học được khúc nhạc đơn giản. Dần dần em thử sức ở những bản nhạc cổ điển khó hơn. Khánh phải mất cả một năm trời mới đàn được ưng ý, nhưng em vẫn kiên trì niềm đam mê mãnh liệt của mình.

Tháng 11/2017, khi tham gia cuộc thi “Cây đàn tuổi thơ” do Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng phối hợp cùng Thành đoàn Hải Phòng tổ chức, Khánh đã xuất sắc giành Huy chương Vàng. Tại Cuộc thi Piano Sonata Festival Hải Phòng năm 2018, Khánh đã biểu diễn xuất sắc với tác phẩm Fur Elise (Thư gửi Ê-li) của Beethoven và giành giải Nhất.

Năm 2019, Khánh còn giành giải Nhất cuộc thi Festival Piano Phượng Hồng cùng với giải phụ Đam mê; giải Nhì cuộc thi CEG Music Festival 2019 toàn quốc cùng với giải phụ là thí sinh truyền cảm hứng nhất. Và tháng 2/2020, Khánh đã xuất sắc giành Huy chương Vàng tiết mục piano tại Liên hoan nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương 2020 tổ chức tại Malaysia. (Giaoducthoidai.vn 01/6, Linh An)

GIÁO DỤC

Nhiều tỉnh, thành phố lùi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, hiện nay, các tỉnh, thành phố trên cả nước đang có nhiều kịch bản để tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng vẫn giữ lịch thi như đã định từ ngày 7 – 9/6, với 3 môn thi: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; đồng thời, chuẩn bị 10 điểm thi dự phòng trong tổng số 14 quận, huyện.

Các điểm thi sẽ được phun khử khuẩn trước thời gian diễn ra kỳ thi, phun khử khuẩn khu vực ra đề và in sao đề thi, xét nghiệm COVID-19 cho thành viên của hội đồng ra đề, in sao đề. Ngoài ra, công tác chấm thi cũng đảm bảo chặt chẽ trong điều kiện phòng, chống dịch. (TTXVN/Baotintuc.vn 31/5, Việt Hà; Kênh VTV1 – Bản tin Chào buổi sáng 01/6)

GIAO THÔNG

Xem xét tạm dừng khai thác đường bay Hải Phòng - TP Hồ Chí Minh

UBND TP. Hải Phòng đề nghị xem xét, tạm dừng các chuyến bay trên tuyến Hải Phòng – TP Hồ Chí Minh. Các tuyến xe khách Hải Phòng - TP Hồ Chí Minh được yêu cầu tạm dừng hoạt động từ 31/5.

Từ 6h ngày 31/5, những người đến Hải Phòng từ các khu vực, điểm dịch, vùng phong tỏa của TP Hồ Chí Minh sẽ phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung 21 ngày.

Đối với những người đến Hải Phòng từ các khu vực còn lại của TP Hồ Chí Minh sẽ phải thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày.

Ngoài ra, Hải Phòng cũng đề nghị xem xét, tạm dừng các chuyến bay trên tuyến Hải Phòng – TP Hồ Chí Minh. Các tuyến xe khách Hải Phòng - TP Hồ Chí Minh được yêu cầu tạm dừng hoạt động từ 31/5.

Các Chốt kiểm soát dịch bệnh ra vào TP. Hải Phòng được yêu cầu tăng cường kiểm soát người đến, đi TP. Hải Phòng từ các khu vực, điểm dịch, vùng phong tỏa có dịch bệnh, đặc biệt từ TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, đề nghị những người Hải Phòng đang sinh sống, làm việc tại TP Hồ Chí Minh tạm thời không về Hải Phòng trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng kiểm điểm lãnh đạo UBND quận Lê Chân để xảy ra việc để nhân viên tài vụ của trường THPT Ngô Quyền trong thời gian cách ly y tế tại nhà nhưng vẫn đến trường làm việc; lãnh đạo UBND quận Ngô Quyền để xảy ra trường hợp chủ nhà nghỉ Nhật Anh (phường Đông Khê) cho đón khách lưu trú trong thời gian TP yêu cầu các cơ sở lưu trú không được đón khách mới, vi phạm quy định yêu cầu cách ly, phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cũng nêu rõ, trên địa bàn TP. Hải Phòng vẫn còn hiện tượng người dân ra/vào, sinh hoạt thể dục, thể thao tại các công viên trong giai đoạn tạm dừng hoạt động các cơ sở này. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người dân có những vi phạm phòng chống, dịch chưa tương xứng với số người vi phạm.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các quận, huyện cần rà soát, chuẩn bị điều kiện để mỗi quận, huyện có thể tiếp nhận tối thiểu 500 giường cách ly tập trung.

Hải Phòng sẽ yêu cầu dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp trên địa bàn không thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch. Trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. (Daidoanket.vn 31/5, Nam Khánh)

Tăng kết nối đường thủy nội địa đến cảng biển cách nào?

Đường thủy nội địa được xem là phương thức vận tải giá thành rẻ, khối lượng chuyên chở lớn, là giải pháp gom hàng hữu hiệu.

Thế nhưng, các tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) vẫn chưa thể khai thác hết thị trường tiềm năng, hàng hóa tại nhiều cảng biển trọng điểm vẫn đổ đồn lên đường bộ.

Hoạt động thủy nội địa đang phụ thuộc chủ yếu vào luồng lạch tự nhiên khiến việc kết nối đến cảng biển thiếu đồng bộ và có sự chênh lệch lớn về thị phần đảm nhận giữa các khu vực.

Ông Bùi Ngọc Nam, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải (CVHH) Quảng Ninh cho biết, khu vực Quảng Ninh hiện có 5 khu bến và bến cảng gồm: Khu bến Cái Lân, Cẩm Phả, Yên Hưng (Quảng Yên) và hai bến cảng Vạn Gia, Mũi Chùa.

Hiện tất cả các cảng biển đều có thể tiếp nhận phương tiện thủy ra, vào làm hàng kết nối qua 2 tuyến hành lang đường thủy quốc gia số 1: Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - Việt Trì và hành lang Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Ninh Bình để đi/đến các địa phương như: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Phú Thọ.

Với mạng lưới kết nối thuận lợi, các doanh nghiệp (DN) thường lựa chọn đưa tàu biển có trọng tải lớn về khu vực cảng biển Quảng Ninh để dỡ hàng và chuyển tải đến các nhà máy, KCN tại các địa phương lân cận bằng các phương tiện thủy nội địa để giảm tải cho đường bộ, giảm chi phí logistics.

“Đó là lý do hàng năm, cảng biển Quảng Ninh ghi nhận bình quân hơn 88.000 lượt phương tiện thủy nội địa, vận chuyển trung bình gần 70 triệu tấn, chiếm 70% tổng lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực”, ông Nam cho hay.

Tại khu vực phía Nam, ông Trần Kim Vĩnh Thọ, Phó giám đốc CVHH Vũng Tàu cho biết, với tuyến kết nối thuận lợi, từ luồng Cái Mép - Thị Vải có thể di chuyển đến Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM thuận lợi bằng đường thủy qua sông Gò Gia, Đồng Tranh, Đồng Nai và sông Sài Gòn. Vì vậy, hoạt động ĐTNĐ tại khu vực Cái Mép cũng khá sôi động và trở thành chủ lực, đảm nhận đến gần 86 - 87% lượng hàng container thông qua cụm cảng cửa ngõ lớn nhất khu vực.

Tuy nhiên, trái ngược với hai khu vực trên, hoạt động của phương thức vận tải thủy tại nhiều khu vực khác lại khá “èo uột”.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc CVHH Hải Phòng cho biết, khu vực cảng biển Hải Phòng có 46 bến cảng đều có thể tiếp nhận được phương tiện thủy vào xếp, dỡ hàng hoá. Trong đó, có 4 bến cảng chuyên dụng tiếp nhận phương tiện thủy nội địa vào làm hàng gồm: Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng; Tân cảng Lạch Huyện; Euro Đình Vũ; Xăng dầu Thượng Lý.

Dù là khu vực có nhiều tuyến đường thủy chính của khu vực phía Bắc đi qua, như tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì, tuyến Quảng Ninh - Ninh Bình, hàng ngày có hàng trăm lượt phương tiện thủy hành trình qua lại nhưng sản lượng hàng hoá thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng bằng phương tiện thủy vẫn rất hạn chế. Năm 2019 chỉ đạt tỷ lệ 14,6%, năm 2020 nhích lên 14,8%. 4 tháng đầu năm 2021, phương tiện thủy đảm nhận được 16,1% hàng hóa qua cảng biển.

“Đáng nói, tại khu vực cảng cửa ngõ Lạch Huyện, hai năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng hàng hóa luôn ở mức cao, trong đó hàng container tăng đến 40 - 50%/năm nhưng sự “chia lửa” của phương tiện thủy nội địa không đáng kể. Tính chung năm 2020, loại hình này chỉ đảm nhận được hơn 2% lượng hàng hóa. 4 tháng đầu năm 2021 là 2,21%”, ông Vũ thông tin.

Trong khi đó, tại khu vực ĐBSCL, theo báo cáo, năm 2020, toàn vùng đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu của cả nước. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của khu vực vào khoảng 17-18 triệu tấn/năm. Trong đó, hơn 70% hàng hóa xuất khẩu của vùng vẫn phải vận chuyển về các cảng ở Đông Nam Bộ để sang mạn.

Ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT nhận định, một trong những “điểm nghẽn” của vận tải thủy vùng ĐBSCL là không đồng cấp trên các tuyến vận tải chính: Bán kính cong hạn chế, độ sâu mỗi đoạn mỗi khác trên cùng một tuyến sông, tĩnh không của các công trình vượt sông thấp nên các tàu tải trọng lớn không thể đi qua...

Điển hình như khoang thông thuyền một số cầu chưa bảo đảm theo cấp quy hoạch (cầu Măng Thít, cầu Chợ Lách 1, cầu Chợ Lách 2, cầu Nàng Hai) làm hạn chế cỡ tàu thông qua, chỉ cho thông qua tàu chở container đến hai lớp, làm tăng chi phí, thời gian vận chuyển.

Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho rằng, yếu tố khiến đường thủy mất đi ưu thế tại ĐBSCL do các luồng tuyến tại miền Tây Nam bộ vẫn lợi dụng điều kiện tự nhiên là chính, độ sâu nhỏ, luồng hẹp.

“Một số tuyến cự ly ngắn, nếu đi bằng đường bộ có giá cước xấp xỉ, hoặc thấp hơn đường thủy (do giảm được chi bốc xếp hai đầu). Cùng đó, một số mặt hàng xuất khẩu như thủy sản yêu cầu thời gian vận chuyển nhanh, bảo quản đặc biệt bắt buộc phải vận chuyển bằng đường bộ”, ông Thu nói.

Theo một chuyên gia gắn bó gần 20 năm với quá trình phát triển cảng biển khu vực phía Nam, hạ tầng đang là “nút thắt”, cản trở các tuyến đường thủy phía Nam phát triển.

Điển hình, tuyến đường thủy từ khu Cái Mép kết nối sông Đồng Nai lên các khu công nghiệp của Bình Dương có tiềm năng hàng hóa rất dồi dào, song hành trình di chuyển gặp phải hạn chế tĩnh không cầu Đồng Nai cũ (chỉ 5m) nên cỡ sà lan khai thác rất nhỏ, chỉ được khoảng 36 Teus thay vì có thể khai thác sà lan đến 90 Teus, thậm chí hơn.

“Ngay tuyến vận tải sà lan chuyên chở tốt nhất từ Cái Mép đến các ICD khu vực TP HCM như: Tanamexco, Transimex, Cát Lái - Giang Nam dù có thể khai thác cỡ sà lan 90 TEUs vẫn còn bất cập hạ tầng khi cả hai đầu đều không có bến cảng chuyên dụng dành riêng cho phương tiện thủy làm hàng.

Tại đầu Cái Mép, các bến cảng ở đây được thiết kế chủ yếu phục vụ tàu mẹ tải trọng lớn. Tuy nhiên, để phục vụ việc rút hàng tại cảng, các DN bắt buộc phải bố trí diện tích nhất định tại cầu bến phục vụ sà lan. Công suất khai thác tàu container tải trọng lớn vì thế không thế đạt mức tối đa”, chuyên gia này nói.

Còn tại khu vực Hải Phòng, ông Nguyễn Anh Vũ cho rằng, vận tải thủy chưa thể nâng cao tỷ trọng là do tuyến luồng từ Hải Phòng đi các tỉnh phía Bắc có độ sâu hạn chế, nhiều cầu bắc qua sông (như cầu Đuống) có độ cao tĩnh không thấp, không phù hợp cho các phương tiện thủy chở container đi qua.

“Thời gian chuyên chở bằng phương tiện thủy cũng lâu hơn nhiều so với chở bằng đường bộ. Đơn cử, trên chặng Hải Phòng - Phú Thọ, nếu vận chuyển bằng đường bộ sẽ mất khoảng 6 giờ nhưng thời gian sẽ lên tới 18 giờ nếu đi bằng phương tiện thủy”, ông Vũ dẫn chứng.

Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cũng thừa nhận, thời gian di chuyển đang là “điểm trừ” của đường thủy. Theo đại diện này, trong 3 năm gần đây, khu vực phía Bắc xuất hiện 4 cảng thủy hiện đại trên sông Lô, sông Cầu nhằm tiên phong trong lĩnh vực vận chuyển hàng container, hàng rời xuất nhập khẩu thông qua cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Các cảng này đều tổ chức vận tải khép kín từ kho đến cảng biển, bằng cách đầu tư đội xe đầu kéo, phương tiện thủy để lấy hàng từ kho đưa đến cảng biển và ngược lại.

Trải qua thời gian dài hoạt động khai thác, đến nay có cảng chỉ tiếp nhận được 3 - 4 lượt sà lan container/tháng. Riêng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy tuyến Hải Phòng - Bắc Ninh qua sông Đuống nằm trên hành lang vận tải đường thủy số 1 dài hơn 100km, sà lan sức chở 120 Teus, chở 3 lớp container có thể hoạt động ổn định với giá cước rẻ hơn 20% so với chi phí vận tải đường bộ (3,7 - 4,3 triệu đồng/container tùy từng loại).

“Thế nhưng, các yếu tố thuận lợi ấy vẫn không đủ tạo nên sức cạnh tranh cho tuyến dịch vụ đường thủy này do thời gian di chuyển dài (8-11 giờ), gấp đến 3 lần đường bộ. Hiện nay, tuyến vận tải Hải Phòng - Bắc Ninh chỉ đạt khoảng 4.000 TEUs/tháng, tương đương 48.000 TEUs/năm, chưa bằng 1% so với lượng hàng container qua cảng Hải Phòng”, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN thông tin. (Baogiaothong.vn 31/5, Nam Khánh - Huy Lộc)

BÁO ĐỊA PHƯƠNG

Thần tốc, mạnh mẽ, quyết liệt ngăn chặn đại dịch COVID-19

Tối 29/5, Khu công nghiệp (KCN) An Dương, Hải Phòng gần như đặt trong tình trạng báo động. Đó là do có thông tin về mẫu gộp của 5 công nhân tại 1 doanh nghiệp qua xét nghiệm rà soát cho kết quả dương tính với vi-rút SARS-CoV-2.

Ngay lập tức, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố; tổ phản ứng nhanh; lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế; huyện An Dương và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp. Cùng với việc tách mẫu đưa đi xét nghiệm khẳng định tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, cả KCN và doanh nghiệp được phong tỏa nghiêm ngặt.

Trong 3 giờ, đã lấy được hơn 1100 mẫu xét nghiệm, đồng thời kích hoạt toàn bộ các phương án, kịch bản để xử lý tình huống. Mọi sự chỉ đạo, mọi công việc được thông suốt, ăn khớp nhịp nhàng với tinh thần ngăn chặn, dập dịch rất nhanh chóng, khẩn trương.

Tới khi có kết quả từ Trung tâm Y tế dự phòng gửi về, cả 5 mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính, tất cả mới thở phào nhẹ nhõm. Doanh nghiệp và KCN được gỡ phong tỏa, công nhân được trở về nhà. Tuy nhiên, tất cả vẫn trong tình trạng theo dõi nghiêm ngặt để sẵn sàng xử lý nếu có tình huống mới xảy ra.

Sự việc này cho thấy, Hải Phòng luôn ở trong trạng thái “chống dịch như chống giặc” với mức độ sẵn sàng rất cao, phản ứng nhanh, xử trí chính xác, dứt khoát, quyết liệt. Cũng có thể coi đây là một cuộc tập dượt, diễn tập để phòng ngừa cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. (Baohaiphong.com.vn 31/5, Hồng Thanh) 

Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố: Tặng quà 7 cháu thiếu nhi là con của y, bác sĩ tình nguyện

Chiều 31/5, nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Hội Nữ doanh nhân Hải Phòng, Ngân hàng Đông Á tổ chức thăm, tặng quà 7 cháu là con của các y, bác sĩ Trường đại học Y Dược Hải Phòng tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Bắc Giang.

Nhân dịp này, đoàn trao 7 suất quà tặng các cháu thiếu nhi, gồm quà và 2 triệu đồng tiền mặt/cháu, với tổng số tiền 14 triệu đồng. (Baohaiphong.com.vn 31/5, Thanh Thảo) 

Công ty Điện Lực Hải Phòng hỗ trợ cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Bắc Ninh, Công ty Điện lực Bắc Giang tổng số tiền 60 triệu đồng

Với tinh thần tương thân tương ái và tình đoàn kết cùng nhau vượt qua những khó khăn trong đại dịch Covid-19, sáng 27/5, qua truyền hình trực tuyến, ông Nguyễn Hữu Hưởng – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng đã trao tặng kinh phí (30 triệu đồng/đơn vị) tới Công ty Điện Lực Bắc Giang và Công ty Điện Lực Bắc Ninh trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đại diện lãnh đạo Điện Lực Bắc Giang và Bắc Ninh gửi lời cảm ơn chân thành đến Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng đã kịp thời chung tay, chia sẻ cùng PC Bắc Ninh, Bắc Giang trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đây là hoạt động lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết cũng như góp phần tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng.

 (Anhp.vn 31/5, Vũ Duyên) 

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA

Bắt giữ 12 "quý bà" trong đường dây đánh bạc tiền tỷ

Ngày 31/5, Công an quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng vừa bắt giữ, khám xét khẩn cấp nơi ở 12 "nữ quái" trong đường dây tổ chức đánh dưới hình thức số lô đề quy mô lớn. (Baove.congly.vn 31/5, Tiểu Anh; Công an TPHCM 31/5, tr2; Truyền hình An ninh - Bản tin  113 ngày 31/5) ./.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố