Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 18/04/2017)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng  (ngày 18/04/2017)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1. Cấp CCCD lưu động trên huyện đảo Bạch Long Vỹ

trong hai ngày 15 và 16-4, tại huyện Bạch Long Vỹ, Phòng PC64-CATP đã phối hợp với Công an huyện triển khai cấp căn cước công dân (CCCD) cho cán bộ chiến sỹ và nhân dân huyện đảo.

Trên 250 trường hợp đủ điều kiện cấp CCCD, là cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Bạch Long Vỹ đã được CBCS Phòng PC64 - CATP hướng dẫn, làm các thủ tục cấp CCCD tại Trung tâm văn hóa huyện.

Việc cấp CCCD tại huyện đảo đã giảm bớt thời gian, công sức, tiền của, được đông đảo nhân dân trên địa bàn ghi nhận, đánh giá cao. Nhân dịp chuyến công tác tại đảo, Phòng PC64 đã đến tặng quà cán bộ, chiến sỹ CAH Bạch Long Vỹ và Tổng đội thanh niên xung phong.

Đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, đồng thời thiết thực chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của thành phố và cả nước. (Bảo Nguyên - An ninh Hải Phòng 18/04/2017)

2. Ngăn chặn, xử lý khai thác cát trái phép: Cần phối hợp liên ngành, liên địa phương

Liên tiếp những vụ việc khai thác trái phép cát trên khu vực cửa các sông Văn Úc, Kinh Thầy bị phát giác. Nhiều phương tiện bị bắt giữ mang biển đăng ký các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang dạt về Hải Phòng hút trộm cát.

Ảnh hưởng đời sống người dân

Thời gian gần đây, Công an thành phố liên tiếp nhận được phản ánh của người dân về việc khai thác tài nguyên trái phép tại khu vực cửa sông Văn Úc, cửa biển huyện Tiên Lãng và một số đoạn sông là ranh giới giữa Hải Phòng và các địa phương lân cận. Sau thời gian ngắn xác minh, bố trí lực lượng đấu tranh, ngày 12-4 vừa qua, các trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (PC49) Công an thành phố bắt quả tang 5 tàu đang khai thác cát trái phép tại khu vực cửa biển huyện Tiên Lãng. Các tàu treo biển của nhiều địa phương như Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương. Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng không xuất trình được các giấy tờ liên quan tới cấp phép khai thác cát trên khu vực này. Trước đó, ngày 9-4, Phòng PC49 cũng phát hiện bắt giữ một tàu vỏ sắt đang khai thác cát trái phép trên sông Kinh Thầy, khu vực phân tách giữa Hải Phòng và Hải Dương.

Theo Phó trưởng Phòng PC49 Trần Công Chương, không chỉ làm thất thoát tài nguyên, cát tặc còn gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân sống dựa vào sông nước. Tại khu vực sông Kinh Thầy, những tàu hút trộm cát nhiều lần làm sạt lở bờ sông, thu hẹp diện tích canh tác rau màu của bà con. Còn trên khu vực cửa sông Văn Úc, cửa biển huyện Tiên Lãng hiện có hơn 50 hộ khai thác, nuôi trồng thủy sản. Các hộ khai hoang, tổ chức nuôi trồng thủy sản từ năm 2012 với tổng diện tích khoảng 3.000 ha, có hơn 20.000 tấn ngao giống trị giá trên 500 tỷ đồng được thả, hiện sắp đến thời kỳ thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Trường, ở thôn Nam Hải, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy cho biết, cát tặc làm nhiều hộ nuôi ngao mất đi tới 1/3 diện tích. Gần đây, liên tục có hàng chục con tàu ngang nhiên đến khu vực này hút cát, ban đầu còn cách khu vực bãi khoảng 1 km, sau đó lấn sâu vào trong khu vực bà con đang nuôi ngao làm đổ cọc, bẻ cờ, hư hại các chòi canh. Thậm chí, có ngày liên tục có hơn 30 chiếc tàu ra vào khai thác cát bất chấp sự phản ứng của người dân. Thực tế, các tàu hút này không chỉ lấy mất ngao giống mà còn để lại những vực sâu tới hàng chục mét kéo dài 3-4km, khi sóng đánh vào làm sạt lở bãi, hơn nữa dầu mỡ do các tàu này thải ra còn làm ô nhiễm bãi và nước biển.

Phối hợp xử lý giữa các địa phương, đơn vị

Theo thượng tá Nguyễn Hồng Thao, Trưởng phòng 4, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường Bộ Công an, người trực tiếp chỉ huy xử lý vụ cát tặc tại khu vực cửa sông Văn Úc, thực tế các đối tượng trực tiếp điều khiển tàu, khai thác cát trái phép chỉ là người làm thuê. Doanh nghiệp đứng ra thuê thường áp dụng chiêu bài xin cấp phép ở gần khu vực giáp ranh giữa hai địa phương, sau đó lợi dụng con nước lên xuống để "lấn sân" sang địa phương lân cận để hút trộm cát. Thượng tá Nguyễn Hồng Thao cũng cho rằng, để tránh thất thoát tài nguyên, bảo đảm đời sống người dân, trước hết cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương lân cận. Công tác phối hợp phải đi vào hành động cụ thể như thông tin về những khu vực được cấp phép khai thác cát ở địa bàn giáp ranh, số lượng tàu của các đơn vị được cấp phép khai thác cát. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, xử lý nghiêm, tránh xảy ra tình trạng “Bên này thả, bên kia bắt”. Chính quyền địa phương khu vực có biển giáp ranh, cũng cần phối hợp xác định rõ phạm vi mặt nước của hai bên để làm căn cứ xử lý khi phát hiện "cát tặc".

Thực tế cho thấy, "cát tặc" không hề e dè trước phản ứng người dân, chính quyền địa phương. Nhiều tàu ngang nhiên hút cát ban ngày. Do đó, để ngăn chặn xử lý hành vi khai thác cát trái phép trên sông, nhất thiết cần duy trì sự có mặt thường xuyên của các lực lượng công an tại một số những khu vực. Hiện nay, lực lượng được trang bị đầy đủ phương tiện, xuất hiện nhiều nhất lại tuyến sông là cảnh sát giao thông thủy. Tuy nhiên, lực lượng này không có chức năng kiểm tra, xử phạt hành vi khai thác trái phép cát nên chỉ có thể xử phạt hành vi sai phạm trong đăng kiểm, đăng ký, lưu thông. Với 19 tuyến sông, tổng chiều dài hơn 400km, theo trung tá Ngô Minh Tuệ, Phân đội 2, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong tuần tra, kiểm soát các tuyến sông để tranh thủ được lực lượng, phương tiện của nhau. Có như vậy mới đủ điều kiện để phát hiện, đấu tranh kịp thời với cát tặc.  (Minh An - Báo Hải Phòng 18/04/2017)

3. Nhiều ý kiến tham gia xây dựng dự thảo Luật Du lịch

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa 14, chiều 17-4, đồng chí Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chủ trì hội nghị tham gia ý kiến xây dựng dự thảo Luật Du lịch. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố.

Đa số ý kiến đồng tình không quy định về nội dung đô thị du lịch vì nội dung này không có trong Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch; thống nhất sử dụng các thuật ngữ (như tài nguyên thiên nhiên hay tài nguyên tự nhiên); cụ thể chính sách phát triển du lịch, tránh chung chung như các ngành khác; quy định trách nhiệm quản lý nhà nước cấp huyện, xã; xem xét có nên để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú tự nguyện đăng ký xếp hạng hay bắt buộc phải xếp hạng; rút ngắn thời gian công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch xuống còn 10-20 ngày thay vì 30 ngày như dự thảo…

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thanh Tùng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham gia xây dựng dự thảo Luật Du lịch. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tập hợp các ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thảo luận, hoàn thiện dự thảo, sớm ban hành Luật Du lịch trong năm 2017. (Báo Hải Phòng 18/04/2017)

4. UBND TP và Ủy ban MTTQVN TP: Phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững

Sáng 14-4, UBND TP và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức ký kết Chương trình phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giai đoạn 2017-2020. Các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Phạm Văn Mợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP dự hội nghị.

Chương trình kí kết nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của UB MTTQVN các cấp và UBND các quận, huyện, sở, ban ngành trong phối hợp thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020.

Nội dung phối hợp được cụ thể hóa bằng các chương trình vận động nhân dân tham gia, huy động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và nhân rộng mô hình tiên tiến. Hàng năm, các bên sẽ kiểm tra, giám sát, đánh giá nhằm tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp. UBND TP sẽ chỉ đạo, rà soát, thống kê, phân loại đối tượng nghèo, xây dựng cơ sở dữ liệu người nghèo; bố trí nguồn lực để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

Ủy ban MTTQVN thành phố hướng dẫn, tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng đề nghị UBND TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và 11 sở, ngành chức năng thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung đã ký kết.

Quá trình thực hiện các nội dung về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới cần quan tâm việc chống tái nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Các đơn vị chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong thành phố. (An ninh Hải Phòng 18/04/2017)

5. 5 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”: Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí

Sáng 14-4, UBND TP tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban An toàn giao thông (ATGT) và Thường trực Ủy ban MTTQVN TP về “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” giai đoạn 2012-2017. Các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Phạm Văn Mợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP dự hội nghị.

5 năm qua, chương trình “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” được triển khai rộng khắp, đồng loạt trên toàn thành phố với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị; các tầng lớp nhân dân. Công tác quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm giao thông được thực hiện nghiêm, quyết liệt.

Tai nạn giao thông trên địa bàn giảm về số người, số vụ, số người chết và bị thương. Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có chuyển biến đáng kể. Nhiều mô hình về văn hóa giao thông được xây dựng, triển khai và nhân rộng.

Giai đoạn 2017 - 2020, chương trình phối hợp sẽ tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong giữ gìn trật tự ATGT, TTATXH,  đồng thời phát huy cao nhất trách nhiệm của mỗi người dân. Ban ATGT thành phố và Thường trực Ủy ban MTTQ VN TP tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp trên với 4 nội dung cơ bản gồm: tiếp tục tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo đảm TTATGT; vận động người dân tiếp tục tham gia tích cực cuộc vận động; tăng cường giám sát thực hiện pháp luật về ATGT và xây dựng, nhân rộng các mô hình về ATGT trên địa bàn thành phố.

Nhân dịp này, UBND TP tặng bằng khen cho 12 tập thể và cá nhân; Ủy ban MTTQVN TP tặng bằng khen 8 tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện chương trình phối hợp, giai đoạn 2012-2017. (An ninh Hải Phòng 18/04/2017)

6. Sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản

Đây là đề nghị của Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP Nguyễn Đình Bích tại cuộc giám sát tình hình sản xuất - kinh doanh, khai thác khoáng sản của Công ty xi măng Chinfon (thị trấn Minh Đức, Thủy Nguyên).

Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP Nguyễn Đình Bích đề nghị Công ty xi măng Chinfon Hải Phòng tiếp tục chú trọng bảo đảm an toàn lao động, làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường khu vực mỏ và dân cư gần nhà máy; đẩy nhanh việc lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động, thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP lưu ý, cần sử dụng thật tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản là nguyên liệu cho cho sản xuất xi măng, đồng thời nghiên cứu sử dụng phụ gia bằng sản phẩm thay thế.

Theo báo cáo, Công ty xi măng Chinfon được cấp phép khai thác khoáng sản tại 3 điểm mỏ đá vôi (Tràng Kênh, Chín Đèn, Thần Vi) và mỏ sét Tràng Kênh thuộc thị trấn Minh Đức.

Trong quá trình khai thác, sử dụng nguyên liệu sản xuất xi măng, công ty đã thực hiện nghiêm các quy định đồng thời đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu khai thác mỏ bằng phương pháp lộ thiên, cung cấp đủ nhiên liệu đầu vào cho hai dây chuyền sản xuất xi măng, công suất 2,8 triệu tấn clinke/năm. Năm 2016, tổng doanh thu công ty đạt hơn 230 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước hơn 400 tỷ đồng. (An ninh Hải Phòng 18/04/2017)

7. Điều lệnh là sức mạnh CAND: Phòng PC52 siết chặt kỷ luật, nâng cao hiệu quả công tác

Từ đầu năm 2017 đến nay, quán triệt nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của lãnh đạo Bộ Công an và Giám đốc CATP, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm - CATP (PC52) đã triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác XDLL nói chung, công tác chấp hành Điều lệnh CAND nói riêng, qua đó góp phần siết chặt kỷ luật, tăng cường quản lý CBCS, nâng cao hiệu quả công tác.

Ngay từ đầu năm, đơn vị đã tổ chức đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm; tổ chức phát động, ký giao ước thi đua giữa các đội công tác nhằm thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” do Bộ Công an phát động, gắn với thực hiện khẩu hiệu hành động “Đơn vị kỷ cương, lãnh đạo gương mẫu, CBCS vừa hồng vừa chuyên” của CATP.

Phòng PC52 tiếp tục duy trì công trình, phần việc mang tên “Nâng cao ý thức trách nhiệm của CBCS trong công tác điều tra cơ bản, góp phần nâng cao hiệu quả toàn diện các mặt công tác”.

Qua đó, đơn vị đã tiến hành khảo sát cơ bản với 139 đối tượng có quyết định truy nã tại 36 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố; tổ chức vận động đầu thú 16 đối tượng, truy bắt 11 đối tượng, trong đó có 3 đối tượng đặc biệt nguy hiểm và 4 đối tượng nguy hiểm. (Thế Khoa - An ninh Hải Phòng 18/04/2017)

8. Sẽ kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án trong năm 2017

Ngày 17-4-2017, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chủ trì Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo.

Tại cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thảo luận, cho ý kiến về tiến độ, kết quả, khó khăn, vướng mắc trong xác minh, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; cho ý kiến chỉ đạo xử lý, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; thống nhất kế hoạch kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong năm 2017; thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng , kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại một số địa phương .

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục nỗ lực, cố gắng, tích cực, chủ động trong phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Trọng tâm là khẩn trương điều tra bổ sung, truy tố, hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 3/6 vụ án còn lại theo Thông báo số 30-TB/BCĐTƯ của Ban Chỉ đạo theo tiến độ đã được thống nhất tại Cuộc họp (Vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm , giai đoạn 1; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, phần Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy, yêu cầu điều tra, xét xử lại; vụ án Nguyễn Việt Hoàng và đồng phạm); sớm kết thúc điều tra, xử lý giai đoạn 2 các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo theo tiến độ đã được thống nhất tại Cuộc họp; tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án.

Thường trực Ban Chỉ đạo đồng ý Kế hoạch kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong năm 2017, gồm: Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Vụ án Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến hành vi của Phạm Thị Trang; Vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” liên quan đến hành vi của nhóm Hội đồng tín dụng ngân hàng Đại Tín gồm Hoàng Văn Toàn và các thành viên khác; Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn; Vụ án “Vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam; Vụ án “Tham ô tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội; Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group); Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Tây Sài Gòn và Công ty TNHH Đầu tư thương mại giao dịch xuất nhập khẩu Thiện Linh; Vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh 6 thành phố Hồ Chí Minh; Vụ án “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh 7 thành phố Hồ Chí Minh.

Thường trực Ban Chỉ đạo đồng ý Kế hoạch và Quyết định thành lập 8 Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng , kinh tế nghiêm trọng, phức tạp , dư luận xã hội quan tâm tại 20 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đắk Nông, Kon Tum, Vĩnh Long, Ninh Thuận, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Thường trực Ban Chỉ đạo nhất trí phân công đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tham gia chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, theo sự phân công của Trưởng ban Chỉ đạo hoặc đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng ban Chỉ đạo. ( Báo Hải Phòng 18/04/2017)

9. Phòng Tham mưu - CATP: Gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống

Sáng 17-4, Phòng Tham mưu - CATP tổ chức tiếp xúc, gặp mặt thân mật nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống lực lượng Tham mưu CAND (18-4-1946 * 18-4-2017) và phát động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21-4. Dự cuộc tiếp xúc có các đồng chí: Đại tá Vũ Thanh Chương, Phó Giám đốc CATP; Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc CATP.

Tại cuộc gặp mặt, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại chặng đường 71 năm lịch sử vẻ vang của lực lượng Tham mưu CAND nói chung, lực lượng Tham mưu CATP Hải Phòng nói riêng; khẳng định những thành tích, chiến công của lực lượng Tham mưu đối với công tác phục vụ lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp, góp phần cùng toàn lực lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Nhân dịp này, Phòng Tham mưu CATP đã phát động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21-4, tổ chức tọa đàm về văn hoá đọc, quyên góp hàng trăm đầu sách nhằm duy trì “Phòng đọc 18-4” và “Tủ sách pháp luật” của đơn vị. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” do Bộ Công an phát động, gắn với thực hiện khẩu hiệu hành động “Đơn vị kỷ cương, lãnh đạo gương mẫu, CBCS vừa hồng vừa chuyên” của CATP năm 2017. (An ninh Hải Phòng 18/04/2017)

GIAO THÔNG

10. Hải Phòng: Lập biên bản gần 200 xe quá tải, phạt tiền gần 2,1tỷ

Thông tin từ Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng cho biết, 3 tháng đầu năm, lực lượng CSGT đã kiểm tra phát hiện và lập biên bản 172 trường hợp chở hàng quá trọng tải, phạt tiền gần 2,1 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2016, CSGT Công an TP Hải Phòng đã kiểm tra hơn 33.500 lượt ô tô, phát hiện và xử lý 840 trường hợp chở quá tải, phạt tiền hơn 9,4 tỷ đồng, tạm giữ 16 xe ô tô, tước 840 GPLX; Xử lý 646 trường hợp tự ý thay đổi kích thước thành, thùng xe, phạt tiền hơn 580 triệu đồng.

Theo thống kê, trên địa bàn Hải Phòng hiện có gần 15.000 xe đầu kéo cùng sơ-mi rơ-moóc tải trọng lớn hoạt động, bên cạnh đó là một lượng lớn xe tải thùng chuyên chở các loại vật liệu. (Giao thông 18/04/2017)

11. Hải Phòng: Bất cập trong kiểm soát, xe quá tải nguy cơ bùng phát

Hoạt động kiểm soát tải trọng xe ở Hải Phòng đang gặp nhiều khó khăn do nhiều trạm cân cố định tạm dừng hoạt động, trong khi các cân lưu động còn nhiều bất cập.

Do đó, tại TP Cảng, tình trạng xe chở quá tải vẫn tái diễn và có xu hướng ngày càng phức tạp.

Cân lưu động chỉ dùng được vài giờ/lần

Những ngày đầu tháng 4, tại tuyến đường Đình Vũ, Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Hải Phòng) liên tục triển khai kế hoạch lập trạm cân di động kiểm soát tải trọng. Khu vực mà lực lượng CSGT lập trạm cân có mật độ phương tiện giao thông dày đặc kết nối với hệ thống cảng biển lớn nhất Hải Phòng.

"Trước thực trạng tuyến QL10 suốt thời gian qua gần như bị “bỏ ngỏ”, chúng tôi đã đề nghị Bộ GTVT thống nhất với UBND TP Hải Phòng khẩn trương hoàn thiện các bước để triển khai Trạm cân tại QL10 trên địa bàn huyện An Lão, Hải Phòng. Về lâu dài, cần có sự thống nhất trong phạm vi cả nước về mô hình hoạt động trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động; tăng cường biên chế, bổ sung kinh phí cho hoạt động của trạm cân lưu động”.

Để phát hiện từ sớm các phương tiện nghi ngờ quá tải, các chiến sĩ CSGT phải hóa trang, mật phục, phát hiện từ xa và báo cho lực lượng làm nhiệm vụ công khai trên đường. Mặc dù công phu mật phục, nhưng theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, khi phát hiện lực lượng CSGT triển khai cân tải trọng, hàng chục xe tải chở vật liệu xây dựng, xe “3 chân, 4 chân” quay đầu đi vào những con đường ngóc ngách trong các khu công nghiệp.

Ngày 8/4, sau khi tiến hành kiểm tra khoảng 20 xe, tổ công tác trạm cân Đội CSGT số 4 phát hiện 2 xe tải chở vật liệu xây dựng quá tải gần 100%. Trung tá Lê Anh Sơn, Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên kiểm soát tải trọng tại khu vực đường Đình Vũ. Trong quý I/2017, đơn vị đã xử lý 20 trường hợp chở hàng quá tải, từ đầu tháng 4 tới nay xử lý gần 10 trường hợp nữa. Phương tiện chở hàng quá tải chủ yếu tập trung vào các loại xe chở vật liệu xây dựng, tiếp đó là các xe container chở hàng đông lạnh; các xe container khô, hàng rời chấp hành tốt việc chở hàng đúng tải”.

Tuy nhiên, theo Trung tá Sơn, việc kiểm soát tải trọng của lực lượng CSGT đang có những khó khăn. Hiện cả Phòng CSGT Hải Phòng có ba đơn vị đội, trạm được trang bị cân xách tay. Đây là loại cân có tính cơ động cao nhưng chỉ cân được vài giờ lại phải thu cân về. “Cân xách tay mỗi khi cân cũng mất khoảng 30 phút chuẩn bị nhưng chỉ cân được khoảng thời gian vài tiếng rồi lại phải thu cân về để nạp điện”, Trung tá Sơn nói.

Ba trạm cân chỉ còn một

Với hệ thống cảng biển dày đặc, đại đa số các loại xe lưu thông tại Hải Phòng đều xuất phát từ các kho bãi nên việc kiểm soát tải trọng tại các đầu mối này rất quan trọng. Theo đại diện Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, hiện đa số các cảng lớn đều được trang bị cân tải trọng, bởi các cảng này đều sợ xe quá tải ảnh hưởng trực tiếp tới cảng, tới tải trọng tàu hàng… Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định bắt buộc các cảng phải có cân tải trọng nên tại nhiều kho bãi, cảng nhỏ vẫn có hiện tượng lén lút cho xe chở hàng quá tải thông qua.

Ông Hoàng Tiến Nam, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng cho biết, công tác kiểm soát tải trọng xe ở Hải Phòng đang có nhiều bất cập. Trước đây, các trạm cân án ngữ tại tất cả những cung đường huyết mạch của Hải Phòng. Các loại xe chở hàng đi và đến cảng Hải Phòng được kiểm soát tải trọng bởi 3 trạm cân (1 trạm tại QL5, 2 trạm tại QL10). Các trạm cân này đã khép kín toàn bộ các cung đường lớn nhất đi và đến cảng Hải Phòng.

Nhưng hiện nay, hai trạm kiểm soát tải trọng trên QL10 đã tạm dừng hoạt động. Hiện chỉ còn một trạm cân tại QL5 do Sở GTVT Hải Phòng quản lý và hoạt động của trạm cân này gặp khá nhiều khó khăn. Theo ông Hoàng Tiến Nam, tới nay vẫn chưa có quy chế quản lý hoạt động của trạm cân nên việc phân công trách nhiệm giữa các lực lượng chưa rõ ràng. (Việt Hòa - Giao thông 18/04/2017)

GIÁO DUC - ĐÀO TẠO

12. Tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, năm học 2017-2018: Kỳ 1 - Nhiều lo lắng về bài thi tổ hợp

Đến thời điểm này, khi kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm học 2017-2018 đang tới gần, hầu hết cán bộ, giáo viên các trường THCS địa bàn thành phố đã được quán triệt và triển khai đồng bộ chương trình ôn tập phù hợp. Khảo sát tại một số trường THCS, phóng viên An ninh Hải Phòng đều nhận được câu trả lời từ cán bộ quản lý bày tỏ sự đồng tình với việc đổi mới tuyển sinh vào lớp 10. Đa số giáo viên cũng cho rằng phương thức thi này sẽ giúp học sinh xác định rõ hơn động cơ, mục tiêu học tập toàn diện, dần loại bỏ tình trạng học lệch, học tủ, chỉ chú trọng môn chính, bỏ qua môn phụ.

Có mặt tại Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc (quận Lê Chân) chiều 12-4, chúng tôi được chứng kiến không khí khẩn trương ôn tập của cô và trò khối lớp 9. Cô Ngô Thị Thúy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài bảo đảm dạy theo chương trình chính khóa vào buổi sáng, buổi chiều trường chú trọng ôn tập để giúp học sinh nắm vững kiến thức, bám sát chủ trương ra đề theo hướng đổi mới, đánh giá năng lực của người học.

Để học sinh loại bỏ tâm lý chủ quan, tập trung ôn tập, ngay từ đầu năm 2017, nhà trường đã tổ chức học sinh khối 9 với 3 kỳ thi thử, độ khó ngang nhau. Qua kỳ thi, điểm số của học sinh cũng tốt hơn và các cháu quen dần với bài thi, đặc biệt bài thi trắc nghiệm. Cô Thúy cũng có một vài kiến nghị về kỳ thi vào 10 năm nay. Đó là: thứ nhất, để bảo đảm tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia diễn ra sớm hơn mọi năm, Sở GD-ĐT chuẩn bị phương án thi vào lớp 10 diễn ra sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức xong.

Như vậy, thời gian ôn tập sẽ kéo dài đến đầu tháng 7. Việc ôn thi lâu như vậy sẽ kèm theo sự căng thẳng cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh, nhất là trong thời gian hè nóng gay gắt như dự báo của năm nay. Thứ hai, về bài thi tổ hợp. “Môn Toán thì không thay đổi nội dung kiến thức nhiều, song môn Ngữ văn lại có nhiều thay đổi về cấu trúc bài thi và cũng khó hơn.

Riêng bài thi tổ hợp, rất nhiều phụ huynh và học sinh bày tỏ sự lo lắng. Ít có cháu nào vừa giỏi bộ môn tự nhiên, lại vừa giỏi bộ môn xã hội, nên cháu nào học khá xã hội thường lo các môn Hóa học và Sinh học. Ngược lại cháu nào mà khá môn tự nhiên thì lại sợ môn Lịch sử, Địa lý...” - cô Thúy nhận xét.

Cháu Đan Thị Phương Anh, học sinh lớp 9A2 cho biết, từ khoảng tháng 2-2017 đến nay, được các cô tập trung ôn tập và thi thử 3 lần. Lần thi thứ nhất vào đầu học kỳ 2, cháu được 5 điểm môn Toán (trên thang điểm 10), 5 điểm môn Ngữ văn (trên thang điểm 10) và chỉ được 9,5 điểm liên môn (trên thang điểm 20). Như vậy tổng điểm chỉ đạt trung bình, bài thi tổ hợp dưới trung bình. Lần thi thử thứ 2 (sau lần thi trước khoảng 1 tháng), điểm số của Phương Anh đã cao hơn nên cháu cũng cảm thấy tự tin hơn. “Bố mẹ cháu mong muốn cháu thi vào Trường THPT Ngô Quyền, song còn 3 tháng nữa để cháu thử sức mình và xác định chính xác xem nên thi vào trường nào” - Phương Anh chia sẻ, đồng thời bày tỏ sự thiếu tự tin với bài thi tổ hợp, bởi bài thi thử điểm số của cháu không cao. Phương Anh “ngại” nhất là hai môn Hóa học và Sinh học, vì cho rằng môn tự nhiên khó.

Cũng như Phương Anh, cháu Nguyễn Trung Hiếu có kết quả của những lần thi thử sau cao hơn bài thi thử đầu tiên.

Theo Trung Hiếu, để có kết quả đó, một phần do cháu tập trung học, phần quan trọng nữa bởi cháu được thầy cô ở trường ôn tập đúng hướng. Tuy nhiên, Trung Hiếu cũng bày tỏ sự lo lắng với bài thi tổ hợp: “Cháu thấy khó nhất là hai môn Lịch sử và Địa lý. Vì hai môn này có nhiều kiến thức cần phải nhớ, ví dụ như: ngày, tháng, năm... Theo cháu, nên ra đề thi theo hình thức yêu cầu học sinh có sự nhìn nhận về sự kiện, chứ không nên hỏi đơn thuần sự kiện nào diễn ra ngày tháng năm nào...”.

Cô Phạm Thanh, chủ nhiệm lớp 9A2, cũng là giáo viên luyện thi môn Toán cho khối 9 nhận xét, qua đợt thi thử do Sở tổ chức vừa qua thì môn Toán đúng như cấu trúc yêu cầu, học sinh thấy vừa sức. Tuy nhiên, bài thi tổ hợp khiến nhiều phụ huynh và học sinh phải… “lao tâm”. Cùng với việc các cô bộ môn tìm phương án để vừa hoàn thành chương trình học vừa ôn tập, nhiều học sinh cũng phải gồng mình để tự học trong vở. Cũng theo cô Thanh, nhiều phụ huynh lo lắng bài thi tổ hợp có đến 7 môn nên đề xuất muốn được tập trung ôn vào môn chính để lượng kiến thức phải ôn tập của các con có thể được giảm bớt...

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Văn Lợi, do là năm đầu có phương thức bài thi tổ hợp, nên Sở đã giới hạn kiến thức thi chỉ trong chương trình lớp 9. Tuy nhiên, từ năm học 2018-2019 trở đi, nội dung ôn tập và thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ nằm trong chương trình từ lớp 6 đến lớp 9. Việc này nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, học sinh học đều tất cả các môn, không phân biệt môn chính, môn phụ.  (Hải Hậu - An ninh Hải Phòng 18/04/2017)

13. Tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, năm học 2017-2018: Kỳ 2 - Tăng tốc trước “giờ G”

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Văn Lợi cho biết, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, năm học 2017-2018 tại Hải Phòng sẽ chính thức diễn ra vào ngày 1 và 2-7. Như vậy, chỉ còn hơn 2 tháng nữa, tất cả học sinh lớp 9 trên toàn thành phố sẽ bước vào kỳ thi cuối cấp quan trọng. Đến thời điểm này, công tác ôn tập chuẩn bị kỳ thi đang được các trường tăng tốc.

Tăng tiết ôn tập tại trường

“Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh thành phố giao là 75% học sinh vào công lập, 25% học sinh sẽ phải học trường ngoài công lập. Sở GD-ĐT đang trình UBND TP duyệt chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường. Ngày thi vào lớp 10 là ngày 1-7-2017. Các trường THPT Cát Hải và Cát Bà sẽ xét theo học bạ, không tổ chức thi tuyển. Trường THPT chuyên Trần Phú thực hiện theo quy chế tuyển sinh của trường chuyên. Sở đã biên soạn xong tài liệu ôn thi  môn Toán, Ngữ văn và môn thi tổ hợp, chuẩn bị phát hành tới các trường học. Sở cũng xây dựng ngân hàng đề thi tuyển sinh vào 10 theo cấu trúc đề thi đã được công bố...” - Phó Giám đốc Đỗ Văn Lợi cho biết thêm.

Theo cô Bùi Thị Bích Thủy - Hiệu phó Trường THCS Hồng Bàng, ngay từ khi Sở có văn bản chỉ đạo về đổi mới công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, nhà trường đã làm tốt công tác chuẩn bị, nhấn mạnh vai trò Hội phụ huynh nhà trường và chi hội phụ huynh lớp để thống nhất phương án ôn tập đúng hướng, hiệu quả. Nhà trường đã tăng cường ôn tập cho học sinh về phương pháp học, cách làm bài thi, cũng như tư vấn đăng ký nguyện vọng trường thi phù hợp năng lực các em. Hơn 400 học sinh lớp 9 của trường năm học này được phân bố lại thời gian học cho phù hợp.

Công tác ôn tập được “tăng tốc” từ ngày 20-3. Những môn học trước đây như Toán, Ngữ văn được đầu tư nhiều thời gian hơn, nay phải san sẻ cho bài thi tổ hợp, gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và tiếng Anh. Về phía nhà trường, quỹ thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm không còn tập trung 2 môn Toán và Ngữ văn như những năm học trước. Theo đó, Toán và Ngữ văn học thêm 4 tiết/tuần; 7 môn của bài thi tổ hợp, học sinh học thêm mỗi môn 1 tiết/tuần, bảo đảm không quá 16 tiết/tuần theo quy định.

“Dựa trên đánh giá năng lực học sinh qua 4 năm học, nhất là trong giai đoạn ôn tập cấp tập của năm lớp 9, các giáo viên chủ nhiệm sẽ tư vấn phù hợp cho các em về trường thi. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều bậc phụ huynh mong muốn cho con mình vào những trường THPT thuộc top đầu, nên đã đưa con học thêm nhiều nơi và đề nghị con ghi nguyện vọng thi vào các trường có khả năng là quá sức. Điều này dễ dẫn đến việc học sinh phải căng mình ra học và rất có thể không vào được trường theo nguyện vọng của mình” - cô Thủy chia sẻ.

Tập huấn thi trắc nghiệm

Đối với cô và trò Trường THCS Lê Chân (quận Lê Chân), giai đoạn “sốc” vì phương thức tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018 đã dần lắng xuống. Thay vào đó, thầy và trò tích cực ôn tập theo phương châm “cuốn chiếu”, học đến đâu, chắc đến đó.

Theo Hiệu phó phụ trách chuyên môn Trần Thị Kim Xuyến, nhà trường luôn yêu cầu giáo viên bám sát cấu trúc đề bài thi tổ hợp của Sở, ra đề kiểm tra để học sinh làm quen dần với dạng đề thi mới.

Trong tháng 2 và tháng 3, các giáo viên tập trung kiểm tra kiến thức học kỳ 1. Trong tháng 4 và tháng 5, giai đoạn “nước rút”, nhà trường tập trung kiểm tra kiến thức học kỳ 2. Tất cả bài thi thử, kiểm tra được trả tận tay để học sinh rút kinh nghiệm, nhận diện những lỗ hổng kiến thức, qua đó bổ sung, ôn tập trong tháng 6. Các giáo viên còn tăng cường kiểm tra học sinh bằng hình thức kiểm tra miệng, trắc nghiệm và rèn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm.

“Tôi hoàn toàn nhất trí với phương án tuyển sinh vào lớp 10 của Sở năm nay. Để nâng cao hiệu quả kỳ thi, tôi mong muốn khâu ra đề cần bám sát cấu trúc đã công bố, theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và chú ý đến những nội dung đã giảm tải; đồng thời khâu chấm thi cũng cần có sự thống nhất cao trong biểu điểm chấm chi tiết để đảm bảo chấm “đều tay” giữa người chấm của 2 cấp học THPT và THCS” - cô Xuyến kiến nghị.

Năm nay, lần đầu tiên Hải Phòng tổ chức thi bài thi tổ hợp 7 môn bằng hình thức trắc nghiệm ở kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập. Quy định mới này khiến các trường phải gấp rút ôn tập không chỉ kiến thức mà ngay cả cách làm bài thi. “Để học sinh được làm quen với phương pháp thi mới, nhà trường cũng đã tổ chức thi thử theo cấu trúc đề thi minh họa của Sở GD-ĐT. Nhà trường đã liên hệ với các trường THPT để mượn máy chấm thi; song vẫn còn chưa yên tâm nên phải rà lại các bài thi bằng tay.

Mới thấy nhiều cháu do không biết cách tô bài trắc nghiệm nên bị máy bỏ qua, mất điểm. Nhà trường đã tập huấn, rút kinh nghiệm nhiều lần cho học sinh. Sau 2 lần thi thử, kiến thức, kỹ năng làm bài của học sinh tiến bộ rõ rệt” - Hiệu phó Trường THCS Hồng Bàng Bùi Thị Bích Thủy nhận xét. Việc chấm bài thi trắc nghiệm cũng khiến các trường THCS gặp khó trong khâu chấm thi.

Ngoài Trường THCS Hồng Bàng mượn máy chấm thi thì đa số các trường phải huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên thực hiện chấm bằng phương pháp thủ công, mất khá nhiều thời gian, công sức. Được biết, để đầu tư máy chấm thi, các trường cần khoảng 20-30 triệu đồng. Tuy nguồn kinh phí không lớn, nhưng một số trường còn băn khoăn, không biết năm học tới có còn thi theo hình thức trắc nghiệm nữa hay không nên còn dè dặt, chưa dám đặt mua. (Hải Hậu - An ninh Hải Phòng 18/04/2017)

DU LỊCH

14. Quảng Ninh siết chặt đóng mới tàu du lịch: Nhiều chủ tàu chuyển sang Cát Bà

Từ nhiều năm qua, nhiều chủ tàu du lịch đã bán hoặc đưa tàu cũ và đóng tàu mới sang hoạt động bên Cát Bà, Hải Phòng. Theo một số chủ tàu, hiện ở Cát Bà, muốn đóng bao nhiêu tàu cũng được với những điều kiện kỹ thuật không ngặt nghèo như ở vịnh Hạ Long, trong khi giá vé tham quan Cát Bà “rẻ như cho”.

Vấn đề là ở chỗ: Sự khác biệt giữa Cát Bà và vịnh Hạ Long sẽ được giải quyết ra sao sau khi Di sản vịnh Hạ Long được mở rộng sang Cát Bà theo đề xuất của UNESCO; hay sẽ tồn tại song song: Một di sản, hai cơ chế?

Ồ ạt chuyển vùng

Ngày 7.4.2017, UBND TP. Hạ Long thông báo chấm dứt hoạt động đối với 2 tàu du lịch: Rồng Đỏ 02, BKS QN-5564 và Bài Thơ 28, BKS QN 5828 trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long vì lý do: Đã chuyển ra tỉnh ngoài hoạt động. Trước đó, một loạt tàu cũng bị thông báo dừng hoạt động vì nhiều lý do. Một số chủ tàu cho biết “chuyển ra tỉnh ngoài hoạt động” thì cũng chẳng đi đâu được ngoài Cát Bà bởi cảnh quan, địa hình… của 2 vùng cơ bản giống nhau.

Theo đại diện Cảng thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh, đã có khoảng 30 tàu xin chuyển vùng hoạt động, nhưng đi đâu thì đơn vị này không nắm được. Trong khi đó, ông Đào Bá Bình - Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Hải Phòng - cho biết, từ 2015 - 2016, số lượng tàu chở khách du lịch trên vịnh Cát Bà chỉ tăng thêm 12 chiếc. “Trong số này, có tàu được doanh nghiệp (DN) chuyển từ vịnh Hạ Long sang. Tất cả các tàu này đều phải được cấp phép chạy theo tuyến, được kiểm tra, phải đảm bảo chất lượng mới được lưu hành” - ông Bình nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu năm đến nay, ít nhất có 5 tàu đã chuyển vùng, đăng ký hoạt động bên Cát Bà, trong đó có những tàu được bán lại cho các chủ bên Hải Phòng. Lý do các chủ tàu bán hoặc chuyển tàu sang Cát Bà hoạt động là nhiều tàu sắp bị “khai tử” do Quảng Ninh rút ngắn niên hạn hoạt động của tàu so với quy định của Bộ GTVT, sau một loạt các sự cố cháy, đắm tàu du lịch trên vịnh Hạ Long. Cũng vì lý do trật tự, an toàn cho du khách, nhiều tàu đã bị xử phạt rất nặng, như bị đình chỉ hoạt động từ vài tuần tới nửa năm, nên chủ tàu đã tìm cách chuyển vùng hoạt động.

“Cạnh tranh trên vịnh Hạ Long ngày càng khốc liệt khi có quá nhiều tàu du lịch (khoảng 534 tàu), khiến các chủ tàu phải đua nhau đại hạ giá xuống, trong khi đó, hoạt động bên Cát Bà được ưu đãi nhiều hơn về mọi mặt. Hơn nữa, một phần của Cát Bà cũng sắp thuộc Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long” - một chủ tàu cho biết. Không chỉ có vậy, nhiều chủ tàu còn bán hết tàu cũ, sang Hải Phòng đóng một loạt tàu mới để hoạt động tại Cát Bà, do Quảng Ninh dừng đóng tàu vỏ gỗ và áp những tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe đối với việc đóng mới tàu vỏ sắt. Một chủ tàu có tiếng tại Hạ Long cho biết, đã có ít nhất 2 DN lớn đăng ký đóng hàng chục tàu hạng sang mới hoạt động tại Cát Bà.

Một di sản, hai cơ chế?

Hiện nay Cát Bà chỉ có 81 tàu du lịch, trong khi đó vịnh Hạ Long có tổng cộng 534 tàu lưu trú và tàu tham quan ban ngày. Vì lẽ đó, theo các chủ tàu, Hải Phòng đang rộng mở đón các nhà đầu tư phát triển đội tàu tại Cát Bà. Hơn nữa, chi phí hoạt động/tàu và chi phí tham quan của du khách cũng rẻ hơn rất nhiều so với ở vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. “Hiện, phí tham quan Cát Bà cao nhất cũng chỉ 50.000 đồng/lượt, trong khi phí tham quan vịnh Hạ Long, Bái Tử Long từ năm 2014 đến nay đã 2 lần tăng - lên tới từ vài trăm ngàn đến gần 1 triệu đồng/lượt/người. Trong khi đó, về mặt cảnh quan, vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà cũng không khác nhau mấy ” - chị Nguyễn Ánh Dương - một chủ tàu du lịch ở Hạ Long - chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, chẳng bao lâu nữa, vịnh Hạ Long sẽ được mở rộng sang một phần quần đảo Cát Bà, những sự ưu đãi khác biệt trên sẽ được giải quyết ra sao, hay mạnh ai người đó làm? Nếu như vậy, trên cùng một di sản, sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt để giành khách và tàu về phía mình, với các biện pháp được áp dụng có thể là hạ giá, hạ tiêu chuẩn tàu, tiêu chuẩn phục vụ… Ông Hồ Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long - cho rằng, có lẽ các bộ, ngành, 2 địa phương ngồi lại với nhau để đồng bộ hóa các tiêu chuẩn, phí tham quan cho một vịnh Hạ Long sau khi đã mở rộng. Dư luận cho rằng, các địa phương có thể quyết định giá vé, phí tham quan, trong khi tiêu chuẩn áp cho đội tàu du lịch Cát Bà dù có thấp hơn tiêu chuẩn của vịnh Hạ Long nhưng không hề trái luật.

“Trong trường hợp đội tàu du lịch của Cát Bà chỉ hoạt động trên quần đảo Cát Bà thì không sao, nhưng nếu nối tuyến sang vịnh Hạ Long, Bái Tử Long thì sao, nhất là với những tàu cũ chuyển từ vịnh Hạ Long sang - vốn đã bị loại do hết niên hạn theo quy định của Quảng Ninh? Ngay cả việc tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đều phải sơn màu trắng, vậy tàu du lịch của Cát Bà sẽ sơn màu gì?” - chủ tàu Trần Văn Minh đặt câu hỏi.

UBND TP. Hải Phòng hiện đang chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan thực hiện các bước xây dựng hồ sơ đề cử vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Trước đó, UBND TP. Hải Phòng đã xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Hồ sơ không thành công, mà theo Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO, là do Cát Bà có cùng các giá trị cảnh quan, địa mạo - địa chất và đa dạng sinh học với vịnh Hạ Long ở liền kề - đã 2 lần được UNESCO tôn vinh trước đó. Tuy nhiên, Ủy ban Di sản Thế giới khuyến nghị: Xem xét khả năng đề xuất nối dài với vịnh Hạ Long theo một số các tiêu chí, để gộp cả quần đảo Cát Bà, vì điều này sẽ bổ sung các giá trị và cải thiện tính toàn vẹn cho di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. (Nguyễn Hùng - Lao động 18/04/2017)

KINH TẾ

15. Huyện Thủy Nguyên: Đẩy mạnh các giải pháp tăng thu ngân sách

Năm 2017, huyện Thủy Nguyên được thành phố giao chỉ tiêu thu cân đối ngân sách nhà nước 564,4 tỷ đồng (tăng 18,3% so với năm 2016); huyện đặt mục tiêu thu đạt 654.900  triệu đồng. Tuy nhiên, đến hết quý 1-2017, số thu trên địa bàn huyện chưa đạt mục tiêu đề ra.

Chưa như kỳ vọng

Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Đinh Chính Quyền cho biết, quý 1-2017, dù Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đặc biệt quan tâm  lãnh đạo, chỉ đạo, song công tác thu ngân sách của huyện gặp nhiều khó khăn. Kết quả thu ngân sách không đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể,  huyện thực hiện thu cân đối ngân sách nhà nước đạt hơn 129,7 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số thu này mới đạt 23% dự toán thành phố giao, 19,8% dự toán huyện xây dựng; thấp hơn mức tăng chung của toàn thành phố. Trong đó, một số khoản thu đạt rất thấp như thuế ngoài quốc doanh (đạt 13,9% dự toán), tiền thuê đất (đạt 9,1% dự toán); chỉ tiêu dự toán thu giao cho các xã, thị trấn (đạt 22,7% dự toán)… Duy chỉ có nguồn thu tiền sử dụng đất đạt dự toán do số thu nợ của dự án Quang Minh và nguồn đấu giá của năm trước chuyển sang.

Nguyên nhân số thu trên địa bàn huyện chưa như kỳ vọng do một số nguồn thu lớn bị suy giảm như thuế thu nhập doanh nghiệp năm trước chuyển sang; tiền thuê đất không còn nguồn; lệ phí trước bạ ô tô giảm nguồn... Nhất là hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có các doanh nghiệp vận tải biển ở xã An Lư (từ 106 doanh nghiệp giảm còn 78 doanh nghiệp duy trì hoạt động mức cầm chừng); doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vôi suy giảm…Bên cạnh đó, nhiều xã, thị trấn chưa thực sự quyết liệt công tác thu ngân sách những tháng đầu năm. Điều này thể hiện qua việc các địa phương chưa chỉ đạo rà soát đưa hộ vào quản lý thuế nên kết quả lập sổ thuế môn bài đạt thấp. Mặc dù các xã được điều tiết 100% thuế môn bài song đến nay 15 xã chưa hoàn thành chi tiêu. Việc thu tiền sử dụng đất thông qua hợp thức hóa mới có 18 xã có số thu, còn lại 19 xã chưa có số thu; tiền sử dụng đất thông qua hợp thức hiện còn 30 xã nợ đọng với 361 hộ.

Khắc phục chỉ tiêu thu đạt thấp

Quý 2-2017, huyện Thủy Nguyên phấn đấu thu cân đối ngân sách đạt 295,1 tỷ đồng, lũy kế 2 quý đạt 52,3% dự toán thành phố giao. Để đạt mục tiêu này, huyện đề ra hàng loạt biện pháp tăng thu, trong đó tập trung khắc phục các chỉ tiêu thu còn thấp trong quý 1 như thuế ngoài quốc doanh, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân… Theo ông Tô Hữu Tề, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Thủy Nguyên, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về thực hiện nhiệm vụ khắc phục chỉ tiêu đạt thấp, đơn vị tham mưu UBND huyện có giải pháp cụ thể đối với các nguồn thu trong từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ,  trong quản lý thu thuế hộ kinh doanh: giao chỉ tiêu thu thuế hộ kinh doanh cho các xã, thị trấn gắn chỉ tiêu này với nhiệm vụ chi ngân sách xã, thị trấn. Đối với khoản thu thuế trước bạ, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thu lệ phí trước bạ theo quy định đối với những trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thu tiền. Những trường hợp chuyển nhượng, truy thu trước bạ trước khi làm thủ tục chuyển nhượng. Rà soát lại các dự án, hộ còn nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; đôn đốc các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng chưa hoàn thành việc nộp đủ tiền vào ngân sách…

Ngoài những giải pháp trên, huyện Thủy Nguyên cũng xác định rõ và quy trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, cá nhân người đứng đầu trong quan hệ phối hợp quản lý thuế và thu ngân sách giữa các phòng, ban; giải quyết nhanh thủ tục hành chính về thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước…tăng cường các giải pháp tăng thu từ đất như đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất các dự án được thành phố phê duyệt.  (Hà Minh - Báo Hải Phòng 18/04/2017)

16. Ô tô chở người nhập về Hải quan khu vực I Hải Phòng tăng hơn 30 lần

Theo nguồn tin riêng của Báo Hải quan, lượng ô tô chở người nhập khẩu tăng mạnh là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp kết quả thu ngân sách của Chi cục tăng cao.

Năm 2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I là đơn vị có chỉ tiêu thu ngân sách cao nhất trong số 9 chi cục trực thuộc Cục Hải quan Hải Phòng.

Với chỉ tiêu 16.973 tỷ đồng, Chi cục chiếm 28,8% tổng chỉ tiêu dự toán thu ngân sách trong năm nay của toàn Cục (chỉ tiêu toàn Cục là 59.000 tỷ đồng).

Theo thông tin cập nhật của đơn vị, tính từ đầu năm đến ngày 14/4, tổng số thu đạt 4.866 tỷ đồng, bằng 28,67% chỉ tiêu và tăng cao 51% so với cùng kỳ năm 2016.

Được biết, số thu ngân sách của Chi cục tăng cao xuất phát từ một trong những nguyên nhân quan trọng là kim ngạch nhập khẩu ô tô tăng mạnh. Cụ thể, hết quý I, kim ngạch nhập khẩu ô tô chở người làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I tăng hơn 30 lần và xe tải tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Sở dĩ lượng ô tô nhập khẩu tại Chi cục tăng cao vì từ cuối năm 2016, tàu RoRo (tàu chuyên dụng chở ô tô và một số hàng hóa đặc thù) chuyển hàng về làm thủ tục chủ yếu tại Chi cục (trước đó tàu RoRo làm thủ tục tại Hải quan Quảng Ninh).

Bên cạnh mặt hàng ô tô, các nguồn thu lớn khác tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I là thép tấm cán nóng hợp kim; thép tấm cán nóng không hợp kim; máy móc thiết bị. (Thái Bình - Giao thông 18/04/2017)

17. VCCI Hải Phòng: Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Sáng 14-4, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Hải Phòng (VCCI Hải Phòng) đã tổ chức phiên họp giao ban hiệp hội “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp năm 2017” (ảnh).

Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, Hiệp hội doanh nghiệp quận Hải An, Hiệp hội du lịch Hải Phòng, CLB nữ doanh nhân, Hiệp hội làng nghề Mỹ Đồng… đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua như: Việc siết chặt tải trọng hàng hóa khiến lượng xe container trên địa bàn thành phố tăng đột biến trong khi sản lượng hàng hóa bị các tuyến vận tải đường sông, đường sắt cạnh tranh chia sẻ thị phần; phí tăng cao trong khi giá cước lại giảm khiến cho các doanh nghiệp vận tải đường bộ gặp nhiều khó khăn...

Thông qua việc lắng nghe, nắm bắt những khó khăn vướng mắc của các hiệp hội tại cuộc họp, VCCI Hải Phòng sẽ tập hợp để tham vấn, đề xuất với các cơ quan chức năng nhằm tạo môi trường chính sách thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh. (An ninh Hải Phòng 18/04/2017)

18. Agribank chi nhánh Vĩnh Bảo: Đưa tín dụng đến với hộ nghèo

Với số huy động và dư nợ chiếm 70% thị phần huy động, cho vay trên địa bàn, nhiều năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) chi nhánh Vĩnh Bảo trở thành địa chỉ tin cậy đồng hành với người dân địa phương trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tính đến cuối tháng 3-2017, tổng dư nợ cho vay của Agribank chi nhánh Vĩnh Bảo đạt hơn 660 tỷ đồng, với 5267 khách hàng vay vốn. Trong đó, dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 90%. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên chi nhánh để duy trì, phát triển hoạt động  kinh doanh, dịch vụ trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng hiện nay.

Theo ông Dương Quốc Huy, Giám đốc Agribank chi nhánh Vĩnh Bảo,  đóng chân trên địa bàn thuần nông, rộng (chi nhánh phụ trách 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện) với số lượng khách hàng lớn, nhưng món vay nhỏ là  khó khăn của chi nhánh khi đầu tư vốn. Nhất là trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, do quy mô sản xuất nhỏ nên nhu cầu vay vốn của người dân chưa cao (bình quân mỗi hộ/cá nhân vay vốn mới ở mức 100 triệu đồng/món vay). Bên cạnh đó, những năm gần đây, trên địa bàn huyện có thêm một số chi nhánh ngân hàng thương mại; một số ngân hàng khác tuy không có trụ sở nhưng có đội ngũ cộng tác viên về tận gia đình mời vay vốn, áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng lớn. Từ những thực tế này, chi nhánh quán triệt đến cán bộ, nhân viên giữ, phát triển khách hàng bằng uy tín; tập trung đẩy mạnh cho vay  nông nghiệp, nông thôn – lĩnh vực truyền thống của Agribank, có nhiều lợi thế hơn so với các ngân hàng thương mại khác (lãi suất cho vay cạnh tranh hơn, không phát sinh các loại phụ phí…).

Để tăng dư nợ cho vay, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank chi nhánh Vĩnh Bảo đẩy mạnh cho vay ưu đãi theo Nghị định 55 của Chính phủ. Chi nhánh đang tiến hành các bước thực hiện cho vay qua tổ vay vốn thông qua các tổ chức hội phụ nữ, hội nông dân, qua đó mở rộng đối tượng khách hàng vay vốn, thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Bên cạnh đó, nhanh chóng giải quyết các khách hàng vay theo Quyết định 68 của Chính phủ về cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp; khách hàng vay theo các chương trình hỗ trợ của UBND thành phố; vay để phát triển trang trại, gia trại… Song song đầu tư vốn, Agribank chi nhánh Vĩnh Bảo chú trọng hướng dẫn hộ dân phương thức sử dụng vốn vay hiệu quả cao thông qua phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương khuyến khích, vận động hộ vay tham gia lớp tập huấn, dạy nghề.

Cũng nhờ đó, phần lớn hộ vay tại Agribank chi nhánh Vĩnh Bảo đều phát huy hiệu quả nguồn vốn, vươn lên làm giàu trên quê hương.  Như gia đình anh Phạm Văn Hùng ở thôn 8 xã Trung Lập. Năm 2001, sau thời gian buôn bán ở xa quê, anh Hùng trở về tập trung phát triển kinh tế gia đình bằng cách xây dựng trang trại tổng hợp. Từ 50 triệu đồng nguồn vốn vay tại Agribank chi nhánh Vĩnh Bảo, anh Hùng đào 2 ao nuôi cá và lập vườn trồng cỏ nuôi dê thịt. Nhờ đó, kinh tế gia đình anh dần ổn định và có tích lũy. Sau khi trả hết nợ cũ ngân hàng, hiện, anh Hùng tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng từ ngân hàng để mở rộng diện tích nuôi thủy sản và đàn dê thịt. Theo anh Hùng, để có “cơ ngơi” ngày hôm nay phần lớn nhờ Agribank chi nhánh Vĩnh Bảo. “Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời về vốn của Agribank chi nhánh Vĩnh Bảo, gia đình tôi không gây dựng được trang trại này. Điều đáng quý hơn nữa, trong quá trình sản xuất, đôi lúc gia đình gặp khó khăn song ngân hàng vẫn đồng hành, chia sẻ với gia đình tôi” – anh Hùng cho biết. Còn theo anh Bùi Mạnh Chuyển, chủ trang trại lợn nái ở xã Tân Liên, Agribank chi nhánh Vĩnh Bảo mang lại niềm tin tuyệt đối cho khách hàng vay. Anh Chuyển cho biết, năm 2009, anh cùng một số anh em trong gia đình đầu tư vốn đấu thầu 12 mẫu khu ruộng trũng ở xã để xây dựng trang trại nuôi lợn gia công cho Công ty CP. Từ nguồn vốn tự có, vốn huy động từ người thân, anh Chuyển vay thêm vốn của Agribank chi nhánh Vĩnh Bảo để đầu tư. Tổng số vốn vay luỹ kế từ năm 2009 đến nay khoảng 10 tỷ đồng. Với mô hình này, hằng tháng gia đình anh Chuyển thu được 350 triệu đồng từ bán sản phẩm, giải quyết việc làm cho 20 lao động thường xuyên với thu nhập từ 3,5- 4 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Dương Quốc Huy, Giám đốc Agribank chi nhánh Vĩnh Bảo, trên cơ sở kết quả đạt được này, đến cuối năm 2017, chi nhánh phấn đấu tăng trưởng dư nợ đạt kế hoạch cấp trên giao. Thời gian tới, chi nhánh tiếp tục mở rộng các hình thức tín dụng và thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi , nhất là cho vay qua tổ vay vốn. Đồng thời,  đơn giản, giảm bớt thủ tục vay vốn trong phạm vi quy định của pháp luật, giúp người dân dễ tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, tiếp tục trở thành điểm tựa bền vững cho nông dân trong phát triển kinh tế, góp phần đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương. (Minh Châm - Báo Hải Phòng 18/04/2017)

19. Thiếu chặt chẽ, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất công ích cấp xã

Căn cứ vào đặc điểm quỹ đất và nhu cầu sử dụng của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được giao lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, với diện tích không quá 5% tổng diện tích đất của địa phương. Tuy nhiên, hiện quỹ đất công ích do các xã, phường ở Hải Phòng quản lý tới hơn 7923 ha, chiếm 5,2% tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố. Điều đáng nói là việc quản lý, sử dụng quỹ đất này rất lỏng lẻo, kém hiệu quả.

Quản lý thiếu chặt chẽ từ cơ sở

Tháng 1-2011, UBND xã Minh Tân (Thuỷ Nguyên) ký hợp đồng với hộ ông Nguyễn Văn Giúp (thôn Trần Phú, xã Minh Tân) cho thuê khu đất công ích của xã tại cửa hang Cú, ven sông Thải, thời hạn thuê 5 năm (từ tháng 1-2011 đến tháng 1-2016). Đến tháng 6-2012, ông Giúp có đơn gửi UBND xã Minh Tân, đề nghị nhường quyền thuê đất cho chị Nguyễn Thị Vân. Theo đó, UBND xã ký hợp đồng thuê đất với chị Vân với thời hạn thuê 5 năm (từ tháng 6-2012 đến tháng 6-2017), nhưng chưa làm thủ tục thanh lý hợp đồng với ông Giúp. Năm 2015, Công ty CP Minh Phú được UBND thành phố phê duyệt dự án khai thác đá vôi và đưa máy móc vào khai thác đá trên phần đất mà chị Vân nhận chuyển nhượng từ ông Giúp.  

Nhưng điều nói là xã Minh Tân thực hiện chi trả đền bù cho hộ ông Giúp, mà không chi trả cho chị Vân, trong khi cán bộ tài chính xã  Minh Tân vẫn gửi thông báo thu tiền thuê đất hằng năm đối với hộ chị Vân. Câu chuyện ký hợp đồng với một người, trả đền bù cho người khác, đất đã thu hồi cho DN khác thuê, nhưng vẫn thu tiền thuê đất đối với hộ cá thể khác cho thấy hạn chế trong công tác quản lý đất công ích ở địa phương. Cũng do quản lý thiếu chặt chẽ, tại  nhiều quận, huyện xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công ích chưa sử dụng. Trong 5 năm (2005-2010), UBND quận Kiến An ghi nhận hơn 10854,5 m2 đất chưa sử dụng bị các hộ dân lấn chiếm và tự chuyển đổi mục đích.

Việc quản lý đất công ích kém hiệu quả do hiện nay đất công ích nằm rải rác, xen kẹt trong các khu dân cư, những khu vực khó canh tác. Ví dụ như trường hợp xã Trường Thọ (huyện An Lão) đang quản lý, sử dụng khoảng 23,5 ha đất nông nghiệp công ích và giao cho 84 hộ dân sử dụng dưới hình thức thuê thầu với mức thuê rất thấp khoảng 70-100 kg thóc/sào/ năm. Tuy nhiên, nhiều hộ dân thuê thầu cho rằng mức thu này vẫn cao. Bởi phần lớn diện tích đất rải rác ở cả 4 thôn, chủ yếu tập trung ở các khu vực ruộng sâu trũng, chân tre, rìa làng, cấy lúa cho năng suất không cao. Thực tế trên đặt ra yêu cầu cơ quan chức năng các địa phương tổ chức rà soát, lập hồ sơ hiện trạng đất công chưa sử dụng, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch khai thác hợp lý quỹ đất 5% này.

Xây dựng phương án dồn đổi phù hợp

Nhằm quản lý đất công ích theo quy hoạch, mang lại hiệu quả cao cho các địa phương, Sở Tài nguyên-Môi trường vừa có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã, thị trấn khẩn trương tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích đất công ích và các hợp đồng cho thuê đất công ích trên địa bàn.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất, hướng dẫn các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch, dồn đổi gọn diện tích đất công ích theo từng thôn xóm, để các hộ dân có nhu cầu thuê khoán thuận tiện sản xuất. Đồng thời, các địa phương, nhất là cấp xã sớm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng quỹ đất công ích phù hợp các mục đích: xây dựng công trình công cộng,  bố trí diện tích đất xây nhà tình nghĩa, tận dụng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, tránh để lãng phí quỹ đất tuy nhỏ, nhưng tính chung toàn thành phố, quỹ đất này không hề nhỏ…Đặc biệt, đối với các xã khi thực hiện xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn mới, việc xây dựng phương án dồn đổi ruộng đất, gồm cả diện tích đất công tích cần đặc biệt chú trọng, gắn dồn đổi ruộng đất với công tác quản lý và khai thác hiệu quả quỹ đất này.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND thành phố cần quy định rõ những điều khoản cụ thể về quản lý đất công ích; xác định rõ hơn mục đích sử dụng quỹ đất công ích; quy định những trường hợp sử dụng, phương thức, thời hạn thuê đất, quy định rõ về quản lý và sử dụng tiền thuê đất công ích bảo đảm công khai, minh bạch, tạo cơ sở pháp lý giúp các địa phương thực hiện quản lý, sử dụng đất công ích hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát nguồn lợi từ nguồn lực này. (Nguyên Mai - Báo Hải Phòng 18/04/2017)

20. Nhập sắt thép phế liệu tăng đột biến, mỗi ngày hơn 11.000 tấn

Trong 3 tháng đầu năm, lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu về Việt Nam đã tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước, tăng hơn 45% về lượng và 120% về kim ngạch, trong khi những mặt hàng sắt thép phế liệu thuộc diện khó quản lý và có nguy cơ rủi ro cao đối với môi trường.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 3 tháng qua cả nước đã nhập khẩu hơn 1 triệu tấn sắt thép phế liệu, trị giá hơn 276 triệu USD, trung bình 6 triệu đồng/tấn. Lượng nhập trung bình là hơn 11.000 tấn/ngày, cao hơn 1.000 tấn so với lượng nhập trung bình của cả năm 2016.

Thị trường cung cấp sắt thép phế liệu về Việt Nam chủ yếu là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Các cửa khẩu nhập là cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn và một phần được chuyển bằng đường sắt qua Lào Cai và Lạng Sơn.

Theo một chuyên gia trong ngành, sở dĩ có hiện tượng sắt thép phế liệu nhập khẩu ồ ạt là nhiều nhà máy luyện sắt thép trong nước sử dụng công nghệ cũ vẫn sử dụng sắt thép phế liệu như thành phần chính để luyện gang, thép.

Đây là quá trình giúp tiết kiệm chi phí so với sản xuất thép từ quá trình luyện cốc và từ phôi thép đi lên. Tuy nhiên, chỉ từ 60 -70% phế liệu cho ra sản phẩm sắt thép, còn lại là tạp phẩm được loại bỏ trong quá trình sản xuất.

Thực tế, theo đánh giá của giới chuyên gia, sắt thép phế liệu nhập khẩu có nhiều loại, nếu là thép xây dựng được loại bỏ từ các công trình sẽ được tận dụng tối đa để luyện gang, thép. Tuy nhiên, nếu là sắt thép phế liệu ở dạng cấu kiện như: máy móc, thiết bị, linh kiện, vi mạch, hoặc tàu thuyền, dây chuyền... phải qua quá trình tháo dỡ từng linh phụ kiện mới đưa vào sản xuất sắt thép được. Điều này cũng khiến mất thêm chi phí, lưu kho bãi và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Theo quy định chỉ những doanh nghiệp nào đáp ứng tiêu chí có nhà xưởng, kho bãi chuyên dụng, có mái che, xử lý thoát nước... mới được nhập khẩu sắt thép phế liệu. Tính đến hết năm 2016, trong 63 tỉnh thành, có hơn 40 tỉnh có cơ sở nhập khẩu, chế biến phế liệu sắt thép, 1/3 trong số đó là các cơ sở gia công, chế biến sắt thép nhập khẩu là các xưởng, doanh nghiệp cung cấp nguyên phụ liệu cho các nhà máy sắt thép trong nước.

Chính vì điều này dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao bởi lượng sắt thép phế liệu thường đi kèm với nhiều loại chất thải độc hại, cần xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường. Theo báo cáo của hơn 54 Sở Tài Nguyên và Môi trường gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều cơ sở, doanh nghiệp tái chế sắt thép phế liệu vẫn chưa đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường.

Theo thống kê, tổng số lượng các cơ sở nhập khẩu và sử dụng phế liệu trên cả nước tính đến hết năm 20014 là 349 cơ sở. Trong đó, số lượng cơ sở nhập khẩu trực tiếp phục vụ sản xuất là 220 cơ sở; số lượng doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác là 94 doanh nghiệp. Có 35 cơ sở, doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu nhưng không có hoạt động nhập khẩu.

Mặc dù tại Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định trong 36 chủng loại phế liệu được phép nhập khẩu đều phải được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, trong năm 2015 - 2016, đã có nhiều vụ nhập khẩu sắt thép phế liệu tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là linh phụ kiện tàu thuyền, máy móc nhưng được hoàn nguyên, tái sử dụng trong nước. Đây là nguy cơ khiến Việt Nam trở thành bãi rác công nghiệp của các nước. (Đấu thầu 18/04/2017)

21.Cụ thể hơn nữa các hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nên cụ thể hóa hơn nữa các biện pháp hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp nhỏ. Đây là đề xuất được doanh nghiệp và các hiệp hội tập trung đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Hỗ trợ DNNVV, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây.

Khẳng định rõ quan điểm đồng tình với 9 nội dung hỗ trợ DNNVV được thể hiện từ điều 9 đến điều 17 của dự thảo Luật, ông Đặng Thế Lưỡng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hải An, TP. Hải Phòng nhấn mạnh, đây là những nội dung hỗ trợ thường xuyên, mang ý nghĩa chiến lược của nhà nước nhằm tăng cường năng lực nội tại cho các DNNVV Việt Nam. Tuy nhiên, ông Lưỡng cho rằng, các điều luật cần phải lượng hóa được nội dung hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng càng cụ thể, chi tiết càng tốt.

“Cần làm rõ được việc hỗ trợ tín dụng thông qua các quỹ sẽ như thế nào, qua ngân hàng thương mại ra sao, hay ban quản lý khu công nghiệp hỗ trợ việc bố trí mặt bằng cho DNNVV bằng cách nào. Trong trường hợp chưa cụ thể trong Luật được, có thể giao Chính phủ hướng dẫn thi hành, nhưng phải đảm bảo đồng bộ với quan điểm, mục tiêu và kịp thời để khi Luật được thông qua và ban hành có thể triển khai thực hiện ngay”, ông Lưỡng nói.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình cũng thống nhất với Ban soạn thảo về cách thức tiếp cận và phương pháp xây dựng Luật, đồng thời cho biết việc xây dựng Luật là rất cần thiết nhằm mục tiêu hỗ trợ đúng và trúng đối tượng DNNVV, vốn là khu vực yếu thế nhưng lại chiếm số lượng đông nhất trong nền kinh tế.

“Cộng đồng doanh nghiệp mong Luật này sớm được ban hành, trở thành khuôn khổ pháp lý giúp doanh nghiệp được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tạo nền tảng và điều kiện cho hội nhập và phát triển”, ông Trần Viết Đán, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

Theo ông Đán, việc hỗ trợ mức thuế thu nhập cho DNNVV thấp hơn mức thuế suất thông thường là phù hợp. Bởi tuy việc này làm giảm thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn sẽ góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, gia tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Khi đó, nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên.

Mặc dù vậy, ông Đán cho rằng, nên cân nhắc lại tiêu chí doanh thu để giảm số lượng doanh nghiệp loại vừa được hỗ trợ, tránh giảm thu ngân sách lớn trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ thuế trong điều 9 chưa được quy định cụ thể, nên khó có thể áp dụng khi chưa có hướng dẫn. Theo ông Đán, nên bổ sung việc giao Chính phủ quy định cụ thể về mức thuế và thời hạn hỗ trợ cho các loại hình doanh nghiệp từ khi thành lập.

Một đề xuất khác cũng được đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình đưa ra là bổ sung vào dự thảo Luật các hỗ trợ về mặt pháp lý cho DNNVV.

“Hiện nay, năng lực tiếp cận các văn bản và hệ thống pháp luật của DNNVV còn rất hạn chế do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong khi nhu cầu tiếp cận thông tin pháp lý, kiến thức pháp luật là rất cần thiết. Vì vậy, cần bổ sung các hỗ trợ về pháp lý cho DNNVV, đồng thời có giải pháp cụ thể để thay đổi nhận thức, năng lực tiếp cận của doanh nghiệp”, ông Đán nói.

Liên quan đến đối tượng hỗ trợ, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico lưu ý, tồn tại thực trạng là phần lớn doanh nghiệp hiện nay không phải nhỏ hay vừa, mà là siêu nhỏ.

“Doanh nghiệp siêu nhỏ gần như không có người đỡ đầu, không tham gia VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, vì vậy, vị thế trên thực tế như một “đứa trẻ mồ côi”. Do đó cần phân biệt giữa các đối tượng doanh nghiệp để có sự hỗ trợ khác nhau”, ông Đức nói và cho rằng, thậm chí, có thể xem xét bỏ đối tượng doanh nghiệp vừa, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có các hộ kinh doanh.

Việt Nam là nước có lực lượng DNNVV chiếm tỷ trọng rất lớn, đóng vai trò quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, DNNVV đang đối diện nhiều khó khăn, bất lợi trong quá trình phát triển, cũng như bị cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Vì vậy, rất cần có một khung khổ pháp lý để chính thức hóa các hoạt động và chính sách hỗ trợ khu vực vô cùng quan trọng này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV theo hướng tập trung, đồng bộ và phù hợp. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành địa phương, sẽ hoàn thiện dự thảo Luật để tiến tới trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét thông qua. (Hiếu Minh - Đầu tư Chứng khoán 18/04/2017)

22. Đảng bộ Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng: Lãnh đạo sản xuất - kinh doanh phát triển

Quý 1 luôn là thời điểm khó khăn về tiêu thụ xi măng, nhưng với những giải pháp kịp thời, đồng bộ, Đảng bộ Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng tập trung lãnh đạo đẩy mạnh sản xuất- kinh doanh, đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao, góp phần đưa đơn vị tiếp tục đứng tốp đầu trong Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem).

Tiêu thụ tăng trưởng 15%

Thực hiện chủ đề năm 2017 của công ty là “Quản lý, khoa học kỹ thuật, môi trường”, trong quý 1, Đảng bộ công ty chủ động ban hành chương trình, kế hoạch và lãnh đạo tổ chức thực hiện sửa chữa lớn hệ thống nghiền xi măng, lò nung định kỳ, bảo đảm an toàn về người và thiết bị định kỳ, đúng tiến độ kế hoạch, thiết bị sau sửa chữa ổn định, đạt năng suất; đồng thời phân công lãnh đạo đơn vị trực chỉ đạo sản xuất- kinh doanh (SXKD) trong dịp Tết, bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch đề ra; tổ chức hội thảo kỹ thuật, đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm trong sửa chữa, vận hành thiết bị; rà soát chương trình sáng kiến chiến lược và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào tối ưu hóa sản xuất, xây dựng các phương án bảo trì, phòng ngừa cho hệ thống thiết bị. Bám sát chức năng, nhiệm vụ, Đảng ủy công ty lãnh đạo, chỉ đạo việc hoàn thiện hệ thống quy định, quy chế, chức năng, nhiệm vụ các đơn vị phòng, ban sau tái cấu trúc, đưa trả lương theo việc của đơn vị vào quy chế trả lương nhằm gắn trách nhiệm của từng đơn vị với hiệu quả SXKD của công ty, tiến tới trả lương theo việc của từng cá nhân người lao động, gắn tiền lương, thu nhập của người lao động với hiệu quả kinh tế của đơn vị và công ty. Trong công tác tiêu thụ sản phẩm, Đảng bộ phối hợp với chính quyền rà soát, củng cố xây dựng lại các kênh phân phối, phối hợp với các công ty thành viên trong Vicem tìm các giải pháp để đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ, bám sát các công trình, dự án lớn của thành phố, đồng thời mở rộng địa bàn tiêu thụ tại 6 tỉnh phía Bắc và thị trường miền Trung.

Sẵn sàng đáp ứng khi nhu cầu thị trường tăng cao

Xác định nhu cầu tiêu thụ xi măng quý 2 tăng do thị trường bước vào mùa xây dựng. Đây cũng là thời điểm dây chuyền thiết bị hoạt động tốt nhất sau chu kỳ sửa chữa. Do vậy, ngay từ những ngày đầu tháng 4, Đảng bộ công ty chỉ đạo linh hoạt, đề ra nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy SXKD, phấn đấu hoàn thành kế hoạch 6 tháng đầu năm, thiết thực kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm nhà máy (30-5-1957 -30-5-2017). Theo đó, Đảng bộ công ty chỉ đạo khối sản xuất vận hành ổn định thiết bị, nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng, sẵn sàng đáp ứng khi thị trường tăng cao; tiếp tục đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào tối ưu hóa sản xuất, ưu tiên các chương trình tiết kiệm điện, nhiên liệu theo hướng thân thiện với môi trường; tiếp tục xây dựng, bổ sung hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định về tổ chức sản xuất, điều hành quản lý theo định hướng chiến lược của Vicem; tăng cường phổ biến, tuyên truyền các văn bản của Nhà nước về bảo hộ lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên toàn công ty. (Thủy An - Báo Hải Phòng 18/04/2017)

23. Công ty CP Xi măng Bạch Đằng: Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khai thác khoáng sản

Chiều 17-4, tại xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên), đồng chí Dương Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn giám sát chuyên đề số 2 HĐND thành phố về “việc quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản; thu thuế, phí, lệ phí bảo vệ môi trường” chủ trì làm việc với Công ty CP Xi măng Bạch Đằng. 

Năm 2014, Công ty CP Xi măng Bạch Đằng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại khu vực núi Ngà Voi thuộc xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên), công suất khai thác 1,25 triệu tấn/năm, trữ lượng khai thác hơn 28,6 triệu tấn. Thực hiện quy định pháp luật về khai thác khoáng sản, công ty hoàn thành một số thủ tục liên quan như hợp đồng thuê đất; quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng; báo cáo đánh giá tác động môi trường; giấy đăng ký vật liệu nổ; nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường…Song, do phải điều chỉnh dự án đầu tư và thiếu một số thủ tục liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, đến nay công ty chưa đi vào hoạt động xây dựng cơ bản mỏ và khai thác.

Sau khi kiểm tra thực tế tại mỏ khai thác và nghe doanh nghiệp báo cáo, đồng chí Phó chủ tịch HĐND thành phố Dương Ngọc Tuấn đề nghị công ty CP Xi măng Bạch Đằng sớm hoàn thiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư công trình khai thác và các thủ tục liên quan để sớm đi vào khai thác. Trong thời gian hoàn thiện thủ tục, công ty cần có biện pháp bảo vệ tài nguyên trong khu mỏ được cấp phép. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xi măng của công ty tại xã Liên Khê, bảo đảm sử dụng nguyên liệu đúng mục đích. Chính quyền địa phương các cấp phối hợp chặt chẽ công ty thực hiện biện pháp bảo vệ khu mỏ, tránh để xảy ra tình trạng khai thác trái phép. Các sở,  ngành liên quan, UBND huyện Thủy Nguyên xem xét giải quyết kiện nghị của đơn vị liên quan đến giải phóng mặt bằng trong bán kính an toàn nổ mìn theo quy định. (Báo Hải Phòng 18/04/2017)

XÃ HỘI

24. Huyền thoại săn bắt cướp đất Cảng và câu chuyện về nỗi oan "Thị Kính"

Cuộc đời Đại tá Nguyễn Trường Tam, huyền thoại săn bắt cướp Hải Phòng, trải qua nhiều thăng trầm, có những nỗi oan khiến ông phải trả giá bằng chính sự nghiệp của mình.

Để ước mơ "Nhất định tôi sẽ có thật nhiều khẩu súng hơn ông (kỳ 1)" trở thành hiện thực, nhân vật cậu "Mũ Trắng" Nguyễn Trường Tam đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Thế nhưng, chỉ vì sự quan liêu, chụp mũ của một vị lãnh đạo, cuộc đời Đại tá Nguyễn Trường Tam đã có những ngã rẽ đầy bất ngờ.

Nỗi oan "Thị Kính"

Vào một buổi chiều ngày chủ nhật, nhân tiện ngày nghỉ nên Nguyễn Trường Tam đi vườn hoa An Biên chơi. Vườn hoa ấy từ thời Pháp đã có bến xe bên trong.

Ở xung quanh bến xe, người ta buôn bán lậu tem phiếu và nhiều thứ linh tinh. Cũng bên trong vườn hoa, có một trạm công an trực thường xuyên ở đó.

Hôm ấy, công an vườn hoa có bắt được một cô gái buôn tem phiếu. Nghe đâu là cháu của một lãnh đạo công an thành phố.

Cô gái bị đưa lên trên quận ngồi trong phòng trực ban. 8 giờ tối, ông Tam đi chơi mới về đến đấy.

Nguyễn Trường Tam đi qua thấy cô gái đang khóc vật vã và ăn vạ rằng bị công an đánh. Vì không phải ngày trực nên ông không để ý nhiều mà tiếp tục đi. Ông Tam đi vào đến sân thì gặp một ông sếp.

Ông sếp hỏi: "Chú đi đâu về đấy?". "Báo cáo sếp! Hôm nay cuối tuần em đi chơi về", ông Tam trả lời.

Đại tá Nguyễn Trường Tam vẫn còn nhớ, hôm đó ông mặc một chiếc quần đen, áo trắng. Sau đó thì ông lên thẳng trên phòng không quay lại chỗ trực ban.

Còn ông sếp gặp cô gái khóc vật vã trong phòng trực ban từ lúc nào thì ông không hề hay biết. Sau này, khi sự việc xảy ra ông mới biết cô gái đã nói với sếp rằng người đánh mình là một công an mặc áo ngắn tay màu trắng, quần màu tối.

Ngày xưa, một quận thì có 4 đồn. Gọi là đồn chứ không gọi là phường. Sáng thứ hai hàng tuần cơ quan sẽ họp giao ban để nghe lãnh đạo phổ biến tinh thần làm việc trong tuần mới. Tất cả các đồn phải lên họp.

Sáng thứ hai giao ban, ngay sau khi chào cờ, mọi người đang ngồi trong hội trường thì sếp nói: "Đồng chí Trường Tam có tiền sự đánh người".

Đúng, trước ông có tiền sự đánh người. Khi ông làm hình sự thì đánh mạnh lắm. Cái đó là đúng, ông đánh đúng thằng tội phạm chứ có phải đánh linh tinh đâu.

"Mà đàn bà cậu ấy cũng đánh nên đình chỉ công tác ngay", vị sếp phát biểu trong cuộc họp. Lúc ấy, giữa hội trường đang họp, vì giữ thể diện cho sếp nên ông Tam không cãi lại.

Ông để trong lòng, lát nữa họp xong sẽ trình bày riêng. Sau khi kết thúc cuộc họp ông Tam len lỏi trong đám đông ra gặp riêng sếp và nói: "Thưa sếp! Em có chút chuyện muốn trình bày".

"Không báo cáo, báo mèo gì cả. Cậu trợ lý đâu viết văn bản đình chỉ công tác đồng chí này ngay", ông Sếp gay gắt nói.

Trình bày không được, trong người ông Tam bức xúc lắm. Rõ ràng ông không làm gì sai cả, thậm chí mình đang làm tốt nhưng lại bị đổ oan nên tâm trạng rất phẫn nộ.

Sau khi ông sếp lên tầng, ông Tam lại tiếp tục chạy theo nhưng không kịp vì ông ấy đã đóng rầm cửa lại. Ông Tam nghĩ thầm trong bụng: "Viết kiểm điểm thì biết viết gì bây giờ".

Ngồi một lúc ở nhà ăn, ông Tam nhìn thấy ông sếp từ trên phòng đi xuống, liền chạy lại tìm cách giải thích. "Ông không phải nói gì cả. Ông cứ viết kiểm điểm đi. Ông làm ăn như vậy mà được à", ông sếp tiếp tục chụp mũ khiến ông Tam không kịp đưa lời giải thích.

Lúc ấy, ông Tam bị nỗi oan "Thị Kính" làm cho kích động tinh thần. Ông lao đến túm cổ áo ông sếp. Ông Tam đã xác định kể cả bị đuổi khỏi ngành cũng chấp nhận vì đã ức quá rồi.

Rõ ràng, lúc ấy ông Tam biết làm thế với lãnh đạo là sai nhưng vẫn làm. Bởi vì, ông muốn cho ông ta một bài học để lần sau không chụp mũ người khác như vậy nữa. Sau khi ông Tam túm cổ áo sếp, được mọi người can ngăn, ông sếp ấy lại lên phòng và đóng rầm cửa lại.

Sự thật phơi bày

Ông Tam trong cơn phẫn nộ lao từ nhà ăn ra ngoài sân. Vừa ra ngoài thì gặp trưởng quận. Ông trưởng quận này mới về công tác được khoảng 6 tháng nhưng vui tính. Thấy cậu lính trẻ mặt đỏ tía tai nên ông trưởng quận gọi vào nói chuyện.

Sau khi nghe câu chuyện của ông Tam, vị trưởng quận hứa sẽ cho người điều tra. Điều tra ra thì là không phải công an đánh phụ nữ. Người đánh cô gái ấy là một người đàn ông không phải trong ngành công an.

Khi thấy công an cưỡng chế người vi phạm, một vài kẻ có tư thù cá nhân nhảy vào gây sự, đánh hôi. Người dân trong lúc hoảng loạn không phân biệt được đâu là công an đang làm nhiệm vụ, đâu là bọn côn đồ, lưu manh nên mới dẫn đến cơ sự oan sai của ông Tam.

Tuy vụ việc đã được làm rõ nhưng tội "túm cổ áo lãnh đạo" vẫn khiến ông Tam bị chuyển công tác. Ông được chuyển từ quận Hồng Bàng về Công an phường Sở Dầu.

Thời điểm đó, thành phố mới thành lập một vài phường thí điểm. Công an phường Sở Dầu lúc đó có tất cả 7 người.

Ông Tam xuống nhìn thấy phường chán quá nên quyết tâm bỏ nghề, về nhà đi cày. Khi ấy, Tam mới tròn 25 tuổi, chưa vợ con nên không vướng bận gì.

Về đến nhà, bạn bè đến chơi rất đông. Chờ đến đêm bạn bè về hết, bố ông mới gọi con trai ra nói chuyện như hai người đàn ông.

"Thôi con ạ. Người ta là lãnh đạo nên có nhiều cái chủ quan. Mà con cũng láu cá. Con quay lại đi, nếu người ta đuổi thật thì bỏ còn nếu không vẫn quyết tâm làm". Nghe cha phân tích, ông lại lên đường về cơ quan.

Sau nhiều vấn đề, cuối cùng ông Tam vẫn được Công an phường Sở Dầu giữ lại làm việc. Những ngày đầu, tâm trạng của ông vô cùng chán nản.

Cũng may, lúc bấy giờ có cô bạn gái sẻ chia nên ông đã vượt qua được. Và chính cô bạn gái trong giai đoạn "đồng cam cộng khổ ấy" là người bạn đời của ông cho đến tận bây giờ.

Làm lại từ đầu

Sở dĩ gọi là phường Sở Dầu bởi gần khu vực này có một téc dầu rất lớn. Mỗi ngày hàng trăm xe tải qua lại. Ông Tam và đồng đội bắt một tháng, can dầu chồng thành quả núi.

Ngày ấy, ông Tam đen lắm. Bởi vậy, còn có biệt danh Tam "đen". Tất cả các xe qua khu vực đấy nghe tiếng Tam "đen" đều sợ.

Bên cạnh việc bắt trộm dầu, phường Sở Dầu còn là vùng giáp ranh nên có rất nhiều lưu manh tập trung. Cũng nhờ việc bắt nhiều lưu manh trộm cắp, móc túi nên ông lập rất nhiều chiến công từ khu vực phường Sở Dầu.

Tháng 4/1981, ở địa bàn phường Sở Dầu đã xảy ra vụ cháu 13 tuổi chết dưới nước. Sau khi khám nghiệm phát hiện cháu đã bị hiếp trước khi chết. Phòng hình sự công an thành phố đã cử người xuống kết hợp với quận, phường điều tra.

Người ta mới họp đưa ra phương án này kia thì đến chiều ông Tam đã có tài liệu báo cáo. Ông phó phòng khi ấy trực tiếp xuống làm việc, thấy cậu lính rất nhanh nhẹn nên đưa vào tầm ngắm.

Ông Phó phòng hỏi: "Chú về phường này lâu chưa?". "Em mới về được hơn năm", ông Tam trả lời.

Ông Phó phòng nói tiếp: "Giám đốc đang cho ý kiến là thành lập một đội săn bắt lưu manh. Tôi thấy chú mày được đấy. Chú có thích lên phòng không?".

Mặc dù đang muốn nhảy cẫng lên vì sung sướng, nhưng ông vẫn trả lời kiểu ỡm ờ: "Bây giờ tổ chức phân công nên thích hay không cũng không được. Lãnh đạo sắp xếp như thế nào, em theo thế đó". Ông phó phòng nói như đinh đóng cột: "Chú mày cứ thích là được".

"Làm lính hình sự sướng hơn lấy vợ"

Chỉ khoảng một tháng sau, ông phó phòng cho người cầm tờ công văn xuống báo cáo trưởng phường là điều chuyển công tác đối với đồng chí Nguyễn Trường Tam. Ngay ngày hôm sau Nguyễn Trường Tam được chuyển lên phòng hình sự luôn.

Lên đến nơi, thủ trưởng lại hỏi: "Chú thích đội nào chứ đội săn bắt lưu manh thì nguy hiểm đấy? Tôi cũng hỏi một số người anh em thấy bảo chú làm án trộm cũng có năng khiếu. Thôi, tôi cho chú về đội án thường". Đội án trộm khi ấy gọi là đội án thường.

Về được 3 ngày, ở Công an quận Hồng Bàng xảy ra một vụ trộm. Vì có tình tiết phức tạp nên phòng hình sự kết hợp tham gia làm. Ông Tam được giao cầm giấy giới thiệu xuống quận làm việc và đi cùng với hai người nữa.

Ông bảo với đồng chí bên đội tham mưu là cứ ghi rõ tên Nguyễn Trường Tam vào. Ông mới về, đáng lẽ ra hai đồng chí kia là người đứng đầu giấy giới thiệu, nhưng vì có cơ duyên gặp lại sếp cũ, người đã khiến ông chịu oan ức nên ông chẳng ngại ngần mà ghi tên mình vào để ra "oai".

Thật bất ngờ, đúng hôm ông Tam xuống thì vị lãnh đạo năm nào lại trực. Ban đầu, khi nhìn thấy ông Tam mang giấy giới thiệu xuống, ông sếp cũ nhìn giấy giới thiệu xong nhìn từ đầu xuống chân, nhìn từ chân lên đầu.

Ông ấy nhìn phải đến 5 phút rồi quay lại hỏi: "Cậu đùa tôi đấy à?". "Báo cáo anh đùa là đùa thế nào? Việc quan trọng đùa thế nào được ạ!", ông Tam nói.

Sau khi quận xác minh là phòng có cử 3 đồng chí xuống quận làm nhiệm vụ, trong đó có đồng chí Nguyễn Trường Tam, vị sếp cũ đành ngậm ngùi cử người phối hợp làm việc.

"Lúc ấy thích lắm, sướng lắm! Còn vui sướng hơn lúc lấy vợ", ông Tam diễn tả cảm xúc khi cầm giấy chuyển công tác về phòng hình sự và đường đường chính chính quay lại gặp sếp cũ.

Còn tiếp… (Kim Thược - Đời sống Plus 18/04/2017)

25. Ở Vinhomes, học Vinschool – Mô hình sống đáng mơ ước tại Hải Phòng

Không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo và mang đến phong cách sống đẳng cấp cho Hải Phòng, dự án Vinhomes Imperia do Tập đoàn Vingroup đầu tư còn góp phần phát triển giáo dục của thành phố. Với hệ thống trường Liên cấp Chất lượng cao, Vinschool là nơi thế hệ tương lai của đất Cảng có thể học tập, trải nghiệm tại một ngôi trường Việt Nam mang đẳng cấp giáo dục quốc tế.

Vinschool – hệ thống giáo dục gắn liền với các khu đô thị Vinhomes

Môi trường sống, cơ sở hạ tầng hiện đại, tiện ích sống được trang bị toàn vẹn là nhu cầu của hầu hết người dân ở các thành phố lớn. Đặc biệt, với những gia đình có con cái, môi trường giáo dục luôn là một trong những tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn sống ở đâu.

Nắm bắt được tâm lý này, các khu đô thị Vinhomes trên cả nước đều được đầu tư đồng bộ hệ thống giáo dục Vinschool. Ngay từ khi thành lập, hệ thống đã được trang bị các điều kiện giáo dục ưu việt nhất với khát vọng trở thành một hệ thống giáo dục thương hiệu Việt Nam – đẳng cấp quốc tế, kế thừa và phát huy giá trị, bản sắc của nền giáo dục quốc gia đồng thời chắt lọc tinh hoa của khoa học giáo dục thế giới.

Tháng 10/2016, Tập đoàn Vingroup đã công bố chuyển đổi Hệ thống Giáo dục Vinschool sang mô hình phi lợi nhuận. Toàn bộ thặng dư từ hoạt động sẽ được giữ lại để tái đầu tư vào nâng cấp chương trình, đào tạo giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục.

Đi liền với quyết định nhân văn này, Hội đồng Giáo dục Vinschool đã tích cực tìm kiếm, nghiên cứu các đối tác quốc tế để quyết định lựa chọn chương trình IPC và cho triển khai tích hợp với chương trình đang thực hiện tại hệ thống trường mầm non Vinschool. Trước đó, Vinschool cũng đã mua bản quyền các chương trình uy tín như chương trình The Leader In Me của tổ chức giáo dục toàn cầu Franklin Covey (Mỹ), chương trình học Tiếng Anh Raz-Kids cho toàn bộ học sinh các khối từ 1 đến 7. Không ngừng quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục, Vinschool đã và đang hướng học sinh đến tư tưởng chủ động thay đổi để nắm bắt tương lai, đúng với thông điệp “Học sinh chủ động - Ngôi trường chất lượng”. 

Đầu năm 2017, Vinschool cũng vừa công bố đưa chương trình song ngữ Quốc tế Cambridge chính thức triển khai xuyên suốt từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông. Nhiều phụ huynh cho biết họ rất an tâm khi cho con theo học ở Vinschool, thậm chí tin tưởng rằng con mình có thể “du học tại chỗ” với Vinschool nhờ phương pháp giảng dạy, giáo trình đào tạo, các hoạt động ngoại khóa nâng cao kỹ năng cho học sinh.

Đây cũng chính là điều này khiến khu đô thị Vinhomes như Times City, Vinhomes Central Park… luôn nằm trong top những lựa chọn hàng đầu của các bậc phụ huynh khi tìm kiếm một môi trường sống lý tưởng cho sự phát triển của con cái.

Hệ thống giáo dục quốc tế được mong đợi nhất tại Hải Phòng

Khi Vingroup bắt tay vào đầu tư dự án khu phức hợp 5 sao Vinhomes Imperia ở Hải Phòng, như một điều tất yếu, Vinschool trở thành “điểm sáng” chiến lược trong chuỗi đầu tư này. Sự xuất hiện của hệ thống giáo dục hàng đầu tại Hải Phòng đã đáp ứng được mong mỏi bấy lâu nay của các bậc phụ huynh đất Cảng về một môi trường giảng dạy tiên tiến, hiện đại, giúp họ an tâm đầu tư cho tương lai của con cái.

Về tổng quan dự án Vinhomes Imperia, đây là khu đô thị phức hợp đẳng cấp bậc nhất Hải Phòng, quy mô 78,5ha, tọa lạc tại phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng. Dự án này sở hữu thế đất có phong thủy tuyệt đẹp với sự giao hòa của 3 dòng sông lớn mang lại may mắn, tài lộc. Theo định hướng từ Tập đoàn Vingroup, Vinhomes Imperia không chỉ đóng góp lớn vào sự thay đổi diện mạo đô thị mà còn tạo lập nên những biểu tượng đáng tự hào cho thành phố, góp phần nâng cao chuẩn sống của người dân. Đặc biệt, dự án còn được nhận định sẽ giúp phát triển hệ thống giáo dục đất Cảng theo lộ trình bài bản, vững chắc.

Như vậy, đầu tư vào dự án bất động sản lớn nhất Hải Phòng lúc này, các bậc cha mẹ không chỉ hướng đến một chuẩn sống đáng mơ ước mà còn là sự đầu tư vào giáo dục và tương lai cho con cái. Dự kiến khi dự án hoàn thành, “ở Vinhomes, học Vinschool” sẽ trở thành một mô hình được lan tỏa rộng rãi đối với người dân thành phố hoa phượng đỏ. (Báo Hải Phòng 18/04/2017)

26. Thiếu chặt chẽ, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất công ích cấp xã

Căn cứ vào đặc điểm quỹ đất và nhu cầu sử dụng của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được giao lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, với diện tích không quá 5% tổng diện tích đất của địa phương. Tuy nhiên, hiện quỹ đất công ích do các xã, phường ở Hải Phòng quản lý tới hơn 7923 ha, chiếm 5,2% tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố. Điều đáng nói là việc quản lý, sử dụng quỹ đất này rất lỏng lẻo, kém hiệu quả.

Quản lý thiếu chặt chẽ từ cơ sở

Tháng 1-2011, UBND xã Minh Tân (Thuỷ Nguyên) ký hợp đồng với hộ ông Nguyễn Văn Giúp (thôn Trần Phú, xã Minh Tân) cho thuê khu đất công ích của xã tại cửa hang Cú, ven sông Thải, thời hạn thuê 5 năm (từ tháng 1-2011 đến tháng 1-2016). Đến tháng 6-2012, ông Giúp có đơn gửi UBND xã Minh Tân, đề nghị nhường quyền thuê đất cho chị Nguyễn Thị Vân. Theo đó, UBND xã ký hợp đồng thuê đất với chị Vân với thời hạn thuê 5 năm (từ tháng 6-2012 đến tháng 6-2017), nhưng chưa làm thủ tục thanh lý hợp đồng với ông Giúp. Năm 2015, Công ty CP Minh Phú được UBND thành phố phê duyệt dự án khai thác đá vôi và đưa máy móc vào khai thác đá trên phần đất mà chị Vân nhận chuyển nhượng từ ông Giúp.  

Nhưng điều nói là xã Minh Tân thực hiện chi trả đền bù cho hộ ông Giúp, mà không chi trả cho chị Vân, trong khi cán bộ tài chính xã  Minh Tân vẫn gửi thông báo thu tiền thuê đất hằng năm đối với hộ chị Vân. Câu chuyện ký hợp đồng với một người, trả đền bù cho người khác, đất đã thu hồi cho DN khác thuê, nhưng vẫn thu tiền thuê đất đối với hộ cá thể khác cho thấy hạn chế trong công tác quản lý đất công ích ở địa phương. Cũng do quản lý thiếu chặt chẽ, tại  nhiều quận, huyện xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công ích chưa sử dụng. Trong 5 năm (2005-2010), UBND quận Kiến An ghi nhận hơn 10854,5 m2 đất chưa sử dụng bị các hộ dân lấn chiếm và tự chuyển đổi mục đích.

Việc quản lý đất công ích kém hiệu quả do hiện nay đất công ích nằm rải rác, xen kẹt trong các khu dân cư, những khu vực khó canh tác. Ví dụ như trường hợp xã Trường Thọ (huyện An Lão) đang quản lý, sử dụng khoảng 23,5 ha đất nông nghiệp công ích và giao cho 84 hộ dân sử dụng dưới hình thức thuê thầu với mức thuê rất thấp khoảng 70-100 kg thóc/sào/ năm. Tuy nhiên, nhiều hộ dân thuê thầu cho rằng mức thu này vẫn cao. Bởi phần lớn diện tích đất rải rác ở cả 4 thôn, chủ yếu tập trung ở các khu vực ruộng sâu trũng, chân tre, rìa làng, cấy lúa cho năng suất không cao. Thực tế trên đặt ra yêu cầu cơ quan chức năng các địa phương tổ chức rà soát, lập hồ sơ hiện trạng đất công chưa sử dụng, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch khai thác hợp lý quỹ đất 5% này.

Xây dựng phương án dồn đổi phù hợp

Nhằm quản lý đất công ích theo quy hoạch, mang lại hiệu quả cao cho các địa phương, Sở Tài nguyên-Môi trường vừa có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã, thị trấn khẩn trương tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích đất công ích và các hợp đồng cho thuê đất công ích trên địa bàn.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất, hướng dẫn các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch, dồn đổi gọn diện tích đất công ích theo từng thôn xóm, để các hộ dân có nhu cầu thuê khoán thuận tiện sản xuất. Đồng thời, các địa phương, nhất là cấp xã sớm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng quỹ đất công ích phù hợp các mục đích: xây dựng công trình công cộng,  bố trí diện tích đất xây nhà tình nghĩa, tận dụng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, tránh để lãng phí quỹ đất tuy nhỏ, nhưng tính chung toàn thành phố, quỹ đất này không hề nhỏ…Đặc biệt, đối với các xã khi thực hiện xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn mới, việc xây dựng phương án dồn đổi ruộng đất, gồm cả diện tích đất công tích cần đặc biệt chú trọng, gắn dồn đổi ruộng đất với công tác quản lý và khai thác hiệu quả quỹ đất này.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND thành phố cần quy định rõ những điều khoản cụ thể về quản lý đất công ích; xác định rõ hơn mục đích sử dụng quỹ đất công ích; quy định những trường hợp sử dụng, phương thức, thời hạn thuê đất, quy định rõ về quản lý và sử dụng tiền thuê đất công ích bảo đảm công khai, minh bạch, tạo cơ sở pháp lý giúp các địa phương thực hiện quản lý, sử dụng đất công ích hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát nguồn lợi từ nguồn lực này. (Nguyên Mai - Báo Hải Phòng 18/04/2017)

27.  Đất Xanh Miền Bắc đứng đầu Top 5 công ty tư vấn & môi giới BĐS uy tín 2017

Công ty cổ phần dịch vụ và địa ốc Đất Xanh Miền Bắc vinh dự đứng vị trí đầu tiên trong Top 5 công ty tư vấn & môi giới bất động sản uy tín tại Lễ công bố 500 doanh nghiệp tăng trưởng và thịnh vượng Việt Nam năm 2017, diễn ra  chiều 12-7-2017  tại Trung tâm hội nghị quốc gia. Đây là  giải thưởng uy tín thường niên do Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp Báo VietNamNet – Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. 

Với sứ mệnh là người tiên phong trong cuộc cách mạng minh bạch hóa hành vi mua bán và chuẩn hóa thị trường cũng như dung hòa được mục tiêu tăng trưởng, bảo vệ môi trường, trách nhiệm với người lao động và cộng đồng bằng những chương trình thiện nguyện ý nghĩa, Công ty cổ phần dịch vụ và địa ốc Đất Xanh Miền Bắc xuất sắc giành ngôi vị số 1 của top 5.

Giải thưởng được đánh giá dựa trên các tiêu chí về năng lực tài chính ổn định, có kinh nghiệm hoạt động trong ngành, thương hiệu được nhiều người tin tưởng cũng như những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của toàn ngành bất động sản Việt Nam trong thời gian vừa qua. Với giải thưởng này Đất Xanh Miền Bắc sẽ góp phần hiện thực hóa nhanh chóng khát vọng thịnh vượng của các thế hệ người Việt đương đại để hòa chung vào sự phát triển bền vững và nhân văn của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới.

Là tổ chức xếp hạng uy tín, Vietnam Report xây dựng và phát triển thành công các thương hiệu lớn, dựa trên những nghiên cứu độc lập theo các tiêu chí như: Năng lực tài chính, uy tín truyền thông và qua những khảo sát của người dân sinh sống tại Hà Nội & TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, khảo sát doanh nghiệp về tình hình hoạt động, số lượng dự án, tiến độ triển khai dự án… trong năm 2016 – 2017 cũng được sử dụng như yếu tố bổ sung nhằm xác định vị thế của doanh nghiệp trong ngành, đây là kết quả được đánh giá khách quan và chính xác nhất nhằm ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của doanh nghiệp ngành bất động sản.  

Với lịch sử là năm thứ 7 liên tiếp Vietnam Report trong vai trò là tổ chức xếp hạng uy tín, sự ghi nhận khách quan đầy thuyến phục này không chỉ phản ánh một cách chính xác tình hình phát triển của Đất Xanh Miền Bắc mà đây sẽ là động lực phấn đấu cũng như cố gắng hơn nữa để luôn xứng đáng với sự tín nhiệm này ở cả trong hiện tại và tương lai. (Báo Hải Phòng 18/04/2017)

28. Hết lòng vì người nghèo

Tốt nghiệp trường trung cấp nhà trẻ mẫu giáo Hà Nội, Bùi Thị Huyền về nhận công tác tại trường mầm non xã Liên Am. Bên cạnh công việc chăm nom, nuôi dạy các cháu bé, Huyền còn là chủ nhiệm CLB thiện nguyện Vĩnh Bảo.

Gặp chúng tôi trong một hoạt động thiện nguyện của CLB tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần, xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, mồ hôi đẫm trán, Huyền chia sẻ: Chị và một số thành viên cùng chí hướng đã thành lập CLB thiện nguyện Vĩnh Bảo với mong muốn quy tụ những tấm lòng hảo tâm cùng chung tay, góp sức vì người nghèo.

Với vai trò là chủ nhiệm CLB, Bùi Thị Huyền đã cùng các thành viên vận động nhân dân địa phương, những người con Vĩnh Bảo xa quê cùng chung tay, góp sức thực hiện các chương trình hành động và nhận được sự quan tâm, giúp đỡ rất lớn cả về vật chất và tinh thần. Hàng tuần, CLB duy trì chương trình “nồi cháo thiện nguyện”, phát cháo miễn phí cho các bệnh nhân và người nhà chăm nuôi người bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Bảo vào các sáng thứ 2, thứ 6; duy trì “kho gạo thiện nguyện” tại số 179 khu phố 3/2 thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo; tổ chức chương trình “bữa cơm thiện nguyện” dành cho các bệnh nhân tâm thần không nơi nương tựa tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Vĩnh Bảo và đều đặn mỗi tháng phát 60 suất quà bao gồm gạo, muối, nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn.

Bên cạnh đó, CLB còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể và các CLB từ thiện, nhân đạo khác xây nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, mà điển hình là xây nhà tình nghĩa cho ông Nguyễn Văn Tuyến, ở xã Trung Lập, Vĩnh Bảo; xây công trình phụ cho cụ Tý ở thôn 4, xã Tam Cường và hàng chục công trình, phần việc khác. (Bảo Nguyên - An ninh Hải Phòng 18/04/2017)

29. Hải Phòng: Cần di chuyển điểm tập kết rác thải gần trường học

Nhiều năm liền, khu vực cổng Trường Tiểu học Bàng La trở thành điểm tập kết rác thải, ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập, vui chơi của hàng trăm em học sinh khiến gia đình và nhà trường vô cùng lo lắng...

Người dân đã nhiều lần kiến nghị việc này đến chính quyền địa phương nhưng không được quan tâm, giải quyết.

Theo phản ánh của các bậc cha mẹ học sinh và người dân, điểm tập kết rác thải này nằm trên trục đường chính khu dân cư Đồng Tiến, cạnh Trường Tiểu học Bàng La (phường Bàng La, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng) đã tồn tại được khoảng 6-7 năm. Hàng ngày, điểm tập kết rác thải này thường xuyên có khoảng 10 xe rác thu gom từ các tổ dân phố trên địa bàn phường Bàng La tập kết về đây, với số lượng rất lớn. Việc tập kết rác thải tại đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực, tiềm ẩn nguy cơ bị ô nhiễm, đe dọa sức khỏe và ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi của hàng trăm em học sinh Trường Tiểu học Bàng La.

Người dân sống tại khu vực này cho biết, đây là điểm tập kết rác của cả phường nên lượng rác thải chuyển về đây rất lớn. Hàng ngày, mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ đây khiến người dân thấy rất khó chịu. Vào những ngày nắng, rác thải phân hủy nhanh, xuất hiện các loại ruồi bọ, côn trùng gây hại, người dân ở gần phải đóng kín cửa nhà, thậm chí phải đeo cả khẩu trang. Việc tập kết rác cạnh khu dân cư, trường học, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh, ảnh hưởng sức khỏe người dân xung quanh , nhất là trẻ em. Người dân nơi đây vô cùng lo lắng vì ngày ngày phải chấp nhận “sống chung” với rác, nhiều lần phản ánh, kiến nghị sự việc lên UBND phường nhưng không được quan tâm, giải quyết.

Theo cô giáo Hoàng Thị Kim Anh, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Bàng La thì việc tập kết rác thải ngay khu vực cổng trường học gây ra nhiều bất tiện cho cán bộ công nhân viên trong nhà trường, các em học sinh và phụ huynh. Mỗi khi rác thải tập kết về đây thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, khiến các em học sinh khó thở, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe khiến các em không thể tập trung học tập được. Hơn nữa, tập kết rác thải ngay tại khu vực cổng trường làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường sư phạm. Gia đình và nhà trường rất lo lắng, mong các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm, di chuyển điểm tập kết rác này, tạo môi trường thuận lợi để các em tập trung học tập.

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Văn Bé, Chủ tịch UBND phường Bàng La cho biết: Người dân, phụ huynh và nhà trường cũng đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị điểm tập kết rác thải tại khu dân cư Đồng Tiến đến UBND phường. Việc này thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của UBND phường. “Chúng tôi đang xem xét tìm địa điểm tập kết rác mới và sẽ xử lý dứt điểm việc này trong cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2017”- Ông Bé nói.

Thiết nghĩ, đây là vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến việc giảng dạy, học tập của thầy và trò Trường Tiểu học Bàng La. Đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần xem xét, giải quyết dứt điểm sự việc nêu trên, giúp người dân có cuộc sống ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho các em học sinh học tập, cha mẹ các em và nhà trường được yên tâm.  (Mai Phương – Trịnh Trinh - Công lý 18/04/2017)

31.  Chống cát tặc ở cửa sông, cửa biển

Trước những diễn biến phức tạp về khai thác khoáng sản trên địa bàn, UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra về quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác khoáng sản nói chung và khai thác cát nói riêng.

Hải Phòng là địa phương có nhiều sông, cửa biển, lại giáp ranh với nhiều địa bàn. Bởi vậy cuộc chiến chống “cát tặc” cũng có nhiều đặc thù khác biệt.

Trước những diễn biến phức tạp về khai thác khoáng sản trên địa bàn, UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra về quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác khoáng sản nói chung và khai thác cát nói riêng.

Đại tá Trần Công Chương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm (CSPCTP) về môi trường (PC49), CATP Hải Phòng, cho biết, Hải Phòng có nhiều mỏ cát, địa hình phức tạp, các tàu khai thác cát không chỉ là của Hải Phòng mà còn từ nhiều địa phương như Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh... kéo về hoạt động.

Để phát hiện và bắt giữ các phương tiện vi phạm trên các tuyến sông đã khó, nhưng ở các khu vực cửa sông, cửa biển thì còn khó hơn nhiều, vì các tàu khai thác cát trộm luôn bố trí người theo dõi, phát hiện lực lượng chức năng từ xa để cảnh báo. Trong khi phương tiện chuyên dụng như tàu, xuồng phục vụ Công tác của lực lượng còn thiếu thốn, do đó các trinh sát phải rất vất vả, khôn khéo mới tiếp cận bắt giữ được các phương tiện vi phạm.

Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có 16 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác cát tại 16 mỏ. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chỉ còn 3 doanh nghiệp với 4 mỏ được phép hoạt động, còn lại 12 mỏ thuộc 12 doanh nghiệp thành phố đã cho dừng hoạt động vì giấy phép đã hết hạn… Thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp có giấy phép đang hoạt động khai thác khoáng sản chấp hành nghiêm túc các qui định của pháp luật, sẽ xử lý nghiêm, kể cả việc thu hồi giấy phép đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Mới đây, ngày 12-4, Phó Chủ tịch HĐND TP Dương Ngọc Tuấn cùng Đoàn công tác HĐND đã có buổi giám sát công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tại Công ty cổ phần Nam Đình Vũ (địa chỉ tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh) là công ty được cấp giấy phép khai thác 1 mỏ cát làm vật liệu san lấp mặt bằng tại khu vực phía đông nam cửa Nam Triệu với tổng diện tích trên 99,8ha. Mặc dù công suất khai thác cho phép là 350.000m³, nhưng sản lượng khai thác thực tế đã vượt hơn 2 lần cho phép. Cụ thể năm 2015 công ty khai thác 886.000m³, năm 2016 là 714.000m³.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và UBND TP, Giám đốc Công an TP Hải Phòng đã chỉ đạo Phòng PC49 lên kế hoạch, phối hợp với Công an các địa phương và các lực lượng chức năng, tăng cường triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, kiên quyết bắt giữ và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, nhất là tình trạng khai thác cát tại các con sông và khu vực cửa sông, cửa biển làm thất thoát tài nguyên và tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT.

15h30 ngày 12-4 các trinh sát Đội 3 Phòng PC49 đã bắt quả tang 5 con tàu cỡ lớn có trọng tải từ 700 đến trên 1.000 tấn đang khai thác cát trái phép tại khu vực cửa biển huyện Tiên Lãng, gần bãi nuôi ngao của ngư dân, giáp ranh với Hải Phòng và Thái Bình (Báo CAND đã đưa tin). Đây là điểm nóng về tình trạng khai thác cát trái phép thời gian vừa qua, làm ảnh hưởng môi trường và ngư trường nuôi ngao của ngư dân gây nhiều bức xúc cho người dân và các cấp chính quyền.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ tàu và người điều khiển không xuất trình được các loại giấy tờ về con tàu, bằng lái, chứng chỉ thuyền viên cũng như các giấy tờ hợp lệ liên quan đến khai thác cát. Vì đây là địa bàn giáp ranh với cửa biển huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình lên Phòng PC49 đã báo cáo Giám đốc CATP và Cục CSPCTP về môi trường, Bộ Công an (C49).

Sáng 13-4, Thượng tá Nguyễn Hồng Thao, Trưởng phòng 4 cùng tổ công tác của Cục C49 đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình lập biên bản theo qui định của pháp luật.

Đến 17h cùng ngày, các phương tiện vi phạm tạm thời đưa về lưu giữ tại cảng Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, dưới sự giám sát của PC49 Công an Hải Phòng và lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình. Phòng PC49 Công an TP Hải Phòng, đang cùng các cơ quan chức năng và Công an tỉnh Thái Bình xác minh, làm rõ vụ việc để xử lý theo qui định.

Trước đó, tại khu vực sông Cấm, sông Kinh Thầy và một số con sông trên địa bàn, Phòng PC49 đã bắt quả tang hàng chục con tàu có hành vi khai thác cát trái phép làm ảnh hưởng đến bờ sông, diện tích canh tác của người dân. Lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý. Nói về những khó khăn trong công tác đấu tranh với “cát tặc”, Đại tá Trần Công Chương ví dụ, vụ bắt 5 tàu khai thác cát trái phép trên khu vực cửa biển huyện Tiên Lãng vừa rồi, lực lượng ban đầu chỉ có 10 CBCS, lại trong điều kiện thời tiết sóng to, gió lớn, phải trưng dụng và đề nghị người dân giúp đỡ về phương tiện...

Một khó khăn nữa cho Công tác của lực lượng Công an là các phương tiện “cát tặc” thường lợi dụng khai thác tại các khu vực giáp ranh (như tại khu vực cửa biển huyện Tiên Lãng, Hải Phòng với huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, các đoạn sông giáp ranh với tỉnh Hải Dương), khi bị phát hiện thì nhanh chóng thu vòi hút, nổ máy bỏ chạy sang khu vực tỉnh bạn, gây khó khăn cho việc phối hợp bắt giữ.

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là nạn “cát tặc” hiện nay trên địa bàn Hải Phòng không chỉ gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định về ANTT mà còn làm thất thoát nghiêm trọng về tài nguyên, thất thu thuế cho ngân sách.

Thành phố Hải Phòng sẽ quyết liệt hơn trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm của các đơn vị, doanh nghiệp trong khai thác khoáng sản trên toàn thành phố. Đó là khẳng định của lãnh đạo UBND và HĐND TP Hải Phòng. (Văn Thịnh - Công an nhân dân 18/04/2017)

32. Cung Văn hoá lao động Hữu nghị Việt - Tiệp: Vận động 7 điểm kinh doanh tự tháo dỡ, trả lại mặt bằng

Thực hiện nghiêm Thông báo số 94/TB-UBND, ngày 20-3-2017 của Chủ tịch UBND thành phố đối với công tác giải toả một số địa điểm trong khuôn viên Cung văn hoá lao động hữu nghị Việt Tiệp, ngày 21-3, Liên đoàn lao động thành phố đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện các nội dung đã đề cập trong Thông báo số 94 của Chủ tịch UBND TP.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp, ngay sau khi có Thông báo số 94, lãnh đạo Liên đoàn lao động thành phố đã chỉ đạo đơn vị phối hợp với UBND quận Ngô Quyền, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Ngô Quyền làm việc với các doanh nghiệp liên kết, vận động dừng hoạt động và tự nguyện tháo dỡ mặt bằng. Chấp hành chủ trương trên, từ ngày 27-3-2017, tất cả 7 doanh nghiệp liên kết trong khuôn viên đã dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm, đến chiều 17-4, trong số 7 điểm kinh doanh nêu trên, có 2 điểm là Cà phê Thiên Đường và Vườn văn hoá giải trí ẩm thực đã hoàn thành xong việc tháo dỡ công trình. Các điểm tiếp theo là Nhà thời trang Việt Nam (Ivy Moda), Bar ca nhạc Đông Dương, Nhà hàng karaoke Queen và CLB tennis (thuộc Cty Hoàng Minh Sơn) đang khẩn trương tháo dỡ công trình, di chuyển tài sản, thiết bị. Riêng đối với dự án nhà đa năng thì việc tháo dỡ đơn giản hơn vì công trình hầu như chưa được xây dựng trên thực địa.

Cũng theo Giám đốc Nguyễn Thanh Bình, tất cả các điểm liên kết kinh doanh đều ủng hộ chủ trương của thành phố và tự nguyện tháo dỡ thiết bị, công trình đã xây dựng, lắp đặt trước đó.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nhiều công trình xây dựng có quy mô lớn, dàn thiết bị lắp đặt phức tạp, đắt tiền nên nhiều chủ công trình muốn có thêm thời gian để tận dụng lại một số tài sản, thiết bị khi tiến hành tháo dỡ. Cung Văn hoá lao động hữu nghị Việt Tiệp cũng đề nghị UBND TP và UBND quận Ngô Quyền hỗ trợ về kinh phí để đơn vị có điều kiện xây dựng tường bao, bảo vệ mặt bằng đã được giải toả.

Việc giải toả một số điểm kinh doanh nằm trong khuôn viên Cung Văn hoá lao động hữu nghị Việt Tiệp của UBND TP được người dân đồng tình ủng hộ, qua đó góp phần làm sạch đẹp cảnh quan, trả lại môi trường vui chơi giải trí lành mạnh, an toàn cho đông đảo nhân dân lao động thành phố. (Thế Khoa - An ninh Hải Phòng 18/04/2017)

33. Cảng cá Ngọc Hải: Tàu thuyền mắc cạn, hải sản mất giá

Đó là thực trạng đang diễn ra tại cảng cá Ngọc Hải, phường Ngọc Hải (quận Đồ Sơn).Việc luồng ra vào cảng bị bồi lấp nghiêm trọng khiến nhiều tàu thuyền của ngư dân mắc cạn, hỏng chân vịt, không chủ động được kế hoạch sản xuất. Ngư dân địa phương mong muốn cơ quan chức năng sớm nạo vét tạo thuận lợi để tàu thuyền ra khơi.

Tàu thuyền mắc cạn

Có mặt tại cảng cá Ngọc Hải một ngày giữa tháng 4, mặc dù nhiều tàu tiếp đủ nhiên liệu, đá lạnh, nhu yếu phẩm chuẩn bị cho chuyến ra khơi nhưng nhiều tàu cá chưa thể xuất bến vì mắc cạn tại cảng. Ngư dân Đinh Viết Cường, xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) chủ tàu HP-90495 TS: Cảng cá Ngọc Hải trước có luồng rộng, độ sâu lớn, gần khu du lịch cũng như nhiều nhà máy chế biến thủy sản nên ngư dân chọn để ra vào bán thủy sản khai thác được. Gần đây, cảng cá sa bồi nghiêm trọng, mỗi khi thủy triều xuống tàu không ra vào được, nước cạn thấy đáy. Nhiều khi tàu chở đầy hàng về bến nhưng không đúng con nước phải neo ngoài biển chờ thủy triều lên. Hải sản khai thác được vì thế bị ảnh hưởng, kém chất lượng và bị ép giá. “Tàu chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, lao động có mặt đông đủ nhưng tàu vẫn đang nằm trên bùn không biết đến khi nào mới ra khơi được”- anh Cường vừa nói vừa chỉ tay xuống lớp bùn dưới đáy tàu ngao ngán.

Còn ngư dân Lưu Đình Dũng, tổ dân phố Sản xuất, phường Ngọc Hải, chủ tài HP-90569 TS lo âu: luồng vào cảng bị sa bồi, khó khăn lắm mới đưa tàu vào khu neo đậu. Nếu neo nhờ tại Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu mỗi ngày phải trả 300 nghìn đồng tiền thuê chỗ neo đậu. “Gia đình chọn ngày ra khơi, một số vật tư, nhu yếu phẩm cũng được đưa lên tàu, chỉ còn lấy đá lạnh nữa là xuất phát. Nhưng luồng tàu ra vào bị bồi lấp nên chưa thể tính được ngày nào vươn khơi”.

Không chỉ ngư dân gặp khó vì luồng vào cảng cá Ngọc Hải bị sa bồi, đại diện Công ty TNHH chế biến thủy sản Việt Trường đơn vị mới đầu tư nhà máy chế biến thủy sản gần khu vực cảng cá lo lắng: để có nguyên liệu phục vụ nhà máy hoạt động, công ty đầu nhiều tàu thu mua có công suất lớn. Nhưng do luồng vào cảng bị sa bồi, các tàu ra vào rất khó khăn. Nhiều khi nhà máy không đủ nguyên liệu hoạt động nhưng tàu chở hàng neo ngoài biển chờ thủy triều lên mới cập bến.

Sớm nạo vét luồng

Ông Đỗ Văn Thọ, Trưởng Khối nghề cá phường Ngọc Hải cho biết: những năm gần đây số lượng tàu thuyền công suất lớn ở Đồ Sơn tăng nhiều. Cảng cá được quy hoạch, xây dựng khá lâu, luồng lạch ra vào cảng và khu vực neo đậu tàu cá của ngư dân bị bồi lấp nặng, đê chắn sóng hư hỏng, kè đá phía bắc của cảng cá bị sạt lở nghiêm trọng, dẫn tới tình trạng tàu cá ra vào cảng gặp khó khăn và không bảo đảm an toàn. Khối nghề cá của phường nhiều lần kiến nghị với phường, quận về việc nạo vét bảo đảm độ sâu luồng nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Theo thống kê của Đồn Biên phòng Đồ Sơn: từ năm 2013 đến nay, do tình trạng sa bồi có 3 tàu bị chìm, đắm; 120 phương tiện bị cong vênh, hư hỏng chân vịt và nhiều tàu thuyền mắc cạn không thể ra khơi đúng lịch. Thậm chí, có lần tàu cứu nạn của đơn vị không thể xuất bến khi có tình huống trên biển chỉ vì cảng quá cạn. Gần đây, để tránh mắc cạn ở cảng cá, nhiều tàu công suất lớn của địa phương chấp nhận neo ngoài biển, thuê thuyền chuyển tải cá, tôm vào bờ.

Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Hải Đinh Thị Hoài cho biết: trước tình trạng sa bồi tại cảng cá Ngọc Hải, địa phương nhiều lần nhận được kiến nghị của ngư dân, doanh nghiệp chế biến thủy sản về việc sớm nạo vét luồng, tạo thuận lợi cho tàu thuyền hoạt động. Nhưng, công việc này hiện do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông phụ trách, địa phương chuyển kiến nghị tới Sở và thành phố xem xét. (Tú Uyên - Báo Hải Phòng 18/04/2017)

34. Nâng cao nhận thức về tự kỷ

Chiều 16-4, tại nhà Kèn đã diễn ra chương trình “Tôi đã hiểu, còn bạn?”. Chương trình do ca sỹ Thái Thùy Linh, nhóm tình nguyện Tim Hồng phối hợp cùng Mạng lưới tự kỷ Việt Nam (VAN), Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) phát động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về chứng tự kỷ, bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ người tự kỷ, đồng thời chia sẻ những thông tin về phát hiện sớm, can thiệp sớm chứng tự kỷ cho các gia đình có con nhỏ tại Việt Nam.

Tại chương trình, các em thiếu nhi, phụ huynh và tình nguyện viên được tham gia vào nhiều hoạt động sôi nổi: làm các bài kiểm tra về chứng tự kỷ; đăng kí làm đại sứ truyền thông về chứng tự kỷ đến gia đình, bạn bè; trả lời câu hỏi tìm hiểu về chứng tự kỷ; chụp ảnh với những thông điệp ý nghĩa giúp cộng đồng hiểu hơn về chứng tự kỷ. (An ninh Hải Phòng 18/04/2017)

35. Xử lý người đẹp thi "chui" – Việc đã rồi!

Thông tin  người đẹp Việt ra nước ngoài thi “chui” tiếp tục nóng  khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn vừa gửi văn bản đề nghị Sở Văn hóa & Thể thao TP Hồ Chí Minh triệu tập người đẹp Nguyễn Thị Thành để xử lý việc cô cố ý dự thi “Hoa hậu Môi trường Quốc tế 2017” tại Ai Cập khi chưa được cấp phép.

Trong công văn gửi Sở Văn hóa & Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định việc Nguyễn Thị Thành tham dự cuộc thi “Hoa hậu Môi trường Quốc tế 2017” (Miss Eco International 2017) tại Ai Cập từ ngày 1 đến ngày 14-4 là không đúng quy định của pháp luật. 

Đáng chú ý, tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, Nguyễn Thị Thành bị loại khỏi cuộc thi do giả mạo hồ sơ bị tai nạn và phẫu thuật thẩm mỹ. Tại cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017, Cục Nghệ thuật Biểu diễn yêu cầu BTC cuộc thi thu hồi danh hiệu Á khôi 1 của người đẹp gốc Bắc Ninh do vi phạm quy định tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15-3-2016 của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, nếu Nguyễn Thị Thành cố tình tham dự cuộc thi khi chưa được cấp phép, sẽ bị xử lý nghiêm. Ngoài việc nộp phạt, có thể cô sẽ bị đình chỉ hoạt động biểu diễn trên toàn quốc.

Có thể thấy, câu chuyện người đẹp Việt ra nước ngoài thi thố tài năng nhưng chưa được cấp phép không xa lạ và họ sẵn sàng nộp phạt sau cuộc thi “chui”, sau đó thỏa sức hoạt động nghệ thuật trong nước. Có thể kể tên các người đẹp từng thi nhan sắc “chui”, như: đoạt giải người đẹp "Trang phục Truyền thống đẹp nhất" tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới toàn cầu 2015, tổ chức tại Phi-lip-pin, nhưng Oanh Yến vẫn phải ngậm ngùi đóng phạt 30 triệu đồng vì tự ý đi thi. Mai Ngô từng bị phạt 22,5 triệu đồng vì tự ý tham dự cuộc thi Asia's Next Top Model tại Xin-ga-po hồi đầu năm 2016. Cô cho hay, do không biết rõ về các quy định nên đã không xin phép. Lâm Thùy Anh từng lọt top 10 cuộc thi Siêu mẫu châu Á và chung kết Siêu mẫu Việt Nam năm 2013. Năm 2015, cô tham gia cuộc thi Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn cầu tại Hàn Quốc và đạt giải Á hậu 4. Tuy nhiên, vì không xin phép trước khi đi thi, Lâm Thùy Anh bị phạt hành chính 22,5 triệu đồng. Người mẫu Diệu Linh bị phạt vì đi thi Hoa hậu Du lịch Quốc tế 2014 tại Ma-lai-xi-a khi chưa được cấp phép. Theo đó, cô phải nộp phạt 22,5 triệu đồng. Quế Vân từng gây xôn xao khi đoạt giải Á hậu người Việt thế giới 2013, tại Ca-li-phoc-ni-a, Mỹ. Ngoài bị nghi vấn mua giải, cô còn phải đóng phạt hành chính 15 triệu đồng vì không xin phép cơ quan có thẩm quyền trước khi thi. Năm 2014, người mẫu Huỳnh Thúy Anh cũng bị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh phạt 22,5 triệu đồng vì tự ý tham gia cuộc thi Hoa hậu cộng đồng người Việt được tổ chức tại thành phố San Jose, Mỹ. Cao Thùy Linh từng đoạt giải thưởng người đẹp có trang phục đẹp nhất tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2014 ở Thái Lan. Nhưng cũng chính vì thi chui nên cô bị phạt 30 triệu đồng và phải cam kết không tái phạm.

Cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới người Việt tại Mỹ năm 2016 diễn ra vào cuối tháng 5-2016. Vượt qua nhiều thí sinh, doanh nhân Vũ Thúy Nga đăng quang ngôi vị cao nhất của cuộc thi. Tuy nhiên, ngay sau cuộc thi, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ra công văn đề nghị xử phạt Thúy Nga vì "thi chui". Người mẫu Huỳnh Tiên đăng quang ngôi vị cao nhất cuộc thi Miss Asia 2016 tại Ôxtrây-li-a. Tuy nhiên, cô tham gia cuộc thi mà chưa được cấp phép, nên Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gửi văn bản gửi Sở VH&TT Du lịch thành phố Hồ Chí Minh về việc phối hợp xử lý hành vi vi phạm của Huỳnh Tiên...

Ông Đào Đăng Hoàn, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, việc những người mẫu tự ý ra nước ngoài dự thi các cuộc thi sắc đẹp mà chưa xin phép cục (thi chui) là một lỗ hổng trong quản lý nghệ thuật biểu diễn. “Vì thế, Cục đang hoàn thiện việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu. Khi ra nước ngoài, họ phải cam kết không tham gia cuộc thi sắc đẹp, còn nếu họ lấy cớ ra nước ngoài vì lý do cá nhân để làm việc đó, sẽ bị thu hồi thẻ hành nghề và sẽ không được tham gia các chương trình biểu diễn”. (Minh Nguyệt - Báo Hải Phòng 18/04/2017)

36. Vượt lên khuyết tật bằng nghị lực lớn

Ở tuổi 37, căn bệnh bại liệt quái ác khiến chị Nguyễn Thị Hoà, ở thôn 5, xã Kiến Quốc (huyện Kiến Thuỵ), sống trong hình hài đứa trẻ lên 2. Không gục ngã trước số phận, ngày ngày, chị tìm thấy niềm vui cho riêng mình qua hoạt động giao lưu, trò chuyện với bạn bè hay làm thơ, viết văn. Không những thế, chị còn tự lo được cuộc sống và tạo việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ nhờ nghề làm hoa giả, đồ trang trí…

Sau năm bảy lần hỏi đường và cũng chừng ấy lần rẽ, khi tìm về đội 5, thôn Tú Đôi, xã Kiến Quốc. Đón khách từ đầu cổng, bà Đào Thị Hậu, mẹ chị Hoà, có ý trách: “Cậu về muộn làm cả nhà chờ mãi”. Sau đó, bà tiếp lời: “Thấy con bé (chị Hoà- PV) bần thần, ai cũng sốt ruột”. Để khách bớt khó xử, bà Hậu tiếp tục câu chuyện về cô con gái chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh trong những tiếng nấc nghẹn ngào. Năm 1980, khi Hoà cất tiếng khóc chào đời, gia đình ai cũng vui. Thế nhưng, chỉ thời gian ngắn, những trận ốm đau kéo dài liên miên khiến cơ thể và tay chân Hoà dần teo quắt. Đến nay, ở tuổi 37, chị Hoà trong hình hài của đứa bé 2 tuổi, với chiều cao chừng 70 cm cùng cân nặng chưa tới 12 kg. Từ nhỏ, thương con, vợ chồng bà giữ rịt Hoà ở nhà ít cho tiếp xúc với người lạ, bởi lo lắng những ánh mắt tò mò, thương hại có thể khiến con thêm buồn bã. Chính vì cách làm có phần tiêu cực của bố mẹ, trong hàng chục năm, chị Hoà gần như bị cách ly với xã hội, chỉ quanh quẩn trên chiếc giường chưa đầy 3 m2. Không thể đứng dậy cũng như đi lại, mọi việc, từ ăn uống đến sinh hoạt cá nhân của Hoà đều dựa vào bố mẹ và các em.

Trái với suy nghĩ về những lời than thân, trách phận, chị Hoà đón khách bằng nụ cười thật tươi. Chị kể, nếu 6-7 năm trở về trước, khách đến nhà khó gặp được bởi cứ nghe tiếng người lạ, chị chui vào chăn trốn kỹ. Năm 2010, bà nội, người luôn bên cạnh sẻ chia, động viên từ khi chị chào đời, qua đời, thế giới trong mắt chị Hoà dường như sụp đổ. Giữa lúc tưởng chừng sẽ gục ngã mà chẳng bao giờ đứng dậy được nữa ấy, có người đàn ông lớn tuổi trong làng đến gặp chị và hỏi: “Con có muốn đi ra thế giới bên ngoài không!”. “Con có!”, chị quả quyết. Người đàn ông nọ lấy trong túi ra quyển sách và cây bút chì tặng chị. Từ đó, chị biết, có cách đi ra thế giới bên ngoài mà không cần đôi chân, đó là tri thức, sự hiểu biết và mối quan hệ bạn bè, xã hội.

Sau lần gặp định mệnh đó, chị nhờ bọn trẻ con trong xóm mua bút, sách vở tập viết rồi nhờ chúng cũng như những thành viên trong gia đình chỉ dạy cách đọc, cách viết. Không ngồi được, chị nhờ người thân làm cho chiếc hộp bằng giấy cứng đặt dưới cằm để tập viết. Những lúc tay mỏi nhừ và cặp mắt mờ đi, nghĩ tới việc được ra thế giới bên ngoài, chị lại “nghiến răng” tập viết và tập đọc. Thấy chị ham học quá, người đàn ông kia can ngăn: “Học vừa thôi con, không “ngộ” chữ!”. Chị Hoà cự lại: “Ba mấy năm không được học, giờ con học bù”. Nhờ chăm chỉ, chỉ vài tuần sau, chị đọc thông viết thạo. “Cuốn sách tôi đọc đầu tiên trong đời là tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ do một sinh viên ở gần nhà cho mượn. Sau 3 ngày, 3 đêm gần như không ngủ, tôi “nuốt” từng chữ. Sự lạc quan, yêu đời và nghị lực của Bác khiến khát vọng sống, sống có ích trong tôi càng mãnh liệt hơn!”, chị Hoà tâm sự.

Cuối năm 2013, chị Hoà được người bạn trong nhóm thiện nguyện Niềm Tin tặng chiếc máy tính xách tay cũ. Sang đầu năm 2014, chị “nghiến răng” trích một phần số tiền trợ cấp người khuyết tật lắp đặt mạng internet. Từ đó, thế giới như mở toang trước mắt. Chị Hoà có nhiều bạn hơn, và cũng hay cười, hay nói hơn. Chị Hoà kể lại, tháng 7-2014, có người cùng quê đến nhà đề nghị chị Hoà lấy “mác” người khuyết tật để bán hoa giả, đồ trang trí, lợi nhuận chia đôi. Khi ấy, dù “trong bụng không ưng”, nhưng chị “giả vờ” nhờ người ta đưa mẫu đến nhà “để em suy nghĩ”. Hai ngày sau, khi xem xét kỹ mẫu và tự nhận thấy có thể làm được, chị gọi người kia đến trả lại với lời từ chối dứt khoát. Đầu tiên, chị Hoà làm bình treo hoa giấy, sau đó học hỏi làm thêm bình hoa giấy để bàn, quả dứa bằng kẹo, móc treo chìa khoá bằng những quả dây tây khâu bằng vải bên trong độn bông… Nhờ bạn bè giới thiệu và mạng xã hội facebook, mỗi tháng, chị bán ít 3-5 sản phẩm, nhiều thì hơn 10 sản phẩm, chủ yếu chuyển qua đường bưu điện cho khách ở nội thành và địa phương khác, cộng với số tiền trợ cấp 540.000 đồng/tháng, cũng đủ tự lo cho cuộc sống và trả tiền dịch vụ internet.

Thấy một mình làm việc vừa buồn, cực nhọc, hiệu quả không cao, chị Hoà tìm những người bạn cùng cảnh ngộ, trước dạy việc, sau kết hợp làm. Hiện tại, “xưởng” làm hoa giả, đồ trang trí… trên chiếc giường có diện tích chưa đầy 3 m2 của chị Hoà có thêm 2 thành viên cũng là người khuyết tật. Chị Vũ Thị Nga, sinh năm 1992, ở thôn 2 (xã Kiến Quốc), 1 trong 2 thành viên, cho biết: “Lần đầu gặp, tôi thấy khâm phục nghị lực cũng như sự mạnh mẽ của chị Hoà. Tôi thấy mình may mắn nhưng lại quá yếu đuối. Với những người khuyết tật như chúng tôi, có được việc làm với thu nhập ổn định là mơ ước, càng hạnh phúc hơn nữa khi có thêm nhiều bạn bè, thấy mình sống có ích và giúp đỡ được những người cùng cảnh ngộ”.

“Nếu không có nghị lực, dù lành lặn, khoẻ mạnh cũng vô dụng. Còn có nghị lực, dù khuyết tật cũng có ích cho xã hội, hay ít ra không phải ăn bám”, chị Hoà tâm sự. (Thái Phan - Báo Hải Phòng 18/04/2017)

LỄ HỘI HOA PHƯỢNG ĐỎ - HẢI PHÒNG 2017

37. Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2017: Thắp lên khát vọng Hải Phòng

 “nóng” lên bởi không khí khẩn trương cho Lễ hội Hoa Phượng đỏ. Mang chủ đề “Hải Phòng vươn ra biển lớn”, năm nay vào mùa thứ 6, lễ hội sẽ được tổ chức gắn với kỷ niệm 62 năm Ngày Hải Phòng giải phóng (13-5-1955 * 13-5-2017), nhằm tôn vinh mảnh đất, con người Hải Phòng, thể hiện được khát vọng vươn lên tầm cao mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố…

Vươn ra biển lớn

Hải Phòng, nơi năm con sông đổ ra biển lớn, những năm gần đây đang nhanh chóng “thay da, đổi thịt”, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đổi mới bộ mặt đô thị, vươn lên xứng tầm trung tâm cấp vùng về kinh tế - văn hóa - xã hội; là thành phố hấp dẫn đầu tư thuộc top đầu toàn quốc. Một tương lai rất gần đã dần trở thành hiện thực từ hàng loạt công trình mang tầm vóc quốc gia và quốc tế đang được tượng hình, như: các dự án giao thông trọng điểm, các khu nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng của nhiều tập đoàn lớn; các dự án đầu tư về công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao góp phần hiện đại hóa đô thị, thay đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn.

Có thể thấy, trong hầu hết các hoạt động tổ chức sự kiện văn hóa, thu hút đầu tư thời gian qua, các nhà lãnh đạo cao nhất của Hải Phòng luôn luôn nhấn mạnh, quảng bá tới đối tác, nhân dân và du khách đến với thành phố Cảng về sự thay đổi có thể đếm đến từng ngày ấy. Và, “điểm nhấn” Lễ hội Hoa Phượng đỏ - Hải Phòng 2017 không nằm ngoại lệ.

Với chủ đề “Hải Phòng vươn ra biển lớn”, lễ hội sẽ tôn vinh mảnh đất, con người Hải Phòng, thể hiện được khát vọng vươn lên tầm cao mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố; nhằm khẳng định những thành tựu nổi bật đã đạt được; đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch; nâng cao vị thế, uy tín của Hải Phòng trong nước và quốc tế.

Theo báo cáo nhanh của Sở Văn hóa và Thể thao - cơ quan thường trực tổ chức Lễ hội Hoa phượng đỏ 2017, trong dịp diễn ra lễ hội, hàng loạt công trình, dự án được khởi công, khánh thành chào mừng sự kiện, tiếp tục khẳng định tiềm năng, thế mạnh của thành phố hôm nay. Có thể kể đến, như: Khai trương đường bay Hải Phòng - Đồng Hới; Khánh thành sân Golf đảo Vũ Yên; Khánh thành Cầu xuyên biển Tân Vũ - Lạch Huyện...

Cùng với đó, 60 sự kiện được lựa chọn từ gần 100 sự kiện do các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị thành phố và các quận, huyện đề xuất, đăng ký hưởng ứng lễ hội trong dịp này được diễn ra sôi nổi.

Trong đó có nhiều hoạt động tiêu biểu, đặc sắc bao gồm: Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam 2017, triển lãm tranh tượng “Sắc màu tháng 5”, triển lãm “Tài liệu, sách ảnh Hải Phòng hội nhập và phát triển”, triển lãm sinh vật cảnh lần thứ 5 năm 2017, trưng bày và giao lưu cổ vật, biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống, trình diễn âm nhạc đường phố, giải Golf chào mừng Ngày giải phóng Hải Phòng, liên hoan lân - sư - rồng. Đến thời điểm này, đa số các công trình, dự án, sự kiện văn hóa, thể thao đã được các chủ đầu tư, các sở, ngành, quận huyện chuẩn bị cơ bản và “chốt” thời gian diễn ra sự kiện hưởng ứng.

Đêm hội đặc sắc, thể hiện “Khát vọng Hải Phòng”

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam - Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức Lễ hội Hoa Phượng đỏ - Hải Phòng 2017 nhấn mạnh, công tác xây dựng kịch bản, tập luyện, thể hiện chương trình nghệ thuật đêm hội “Hải Phòng vươn ra biển lớn” diễn ra tối thứ Bảy 13-5 tại Quảng trường Nhà hát thành phố phải đặc sắc, có nét mới và đặc biệt là thể hiện được khát vọng vươn lên của Hải Phòng.

Còn Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Đoàn Duy Linh cho biết, ngày 20-3, Sở đã chủ trì phối hợp Hội đồng nghệ thuật thành phố tổ chức cuộc họp nghe Công ty Cổ phần Hàm Nghi - đơn vị được lựa chọn tư vấn, tổ chức chương trình nghệ thuật báo cáo, trình bày nội dung đề cương kịch bản và đã tham gia nhiều ý kiến để nâng cao chất lượng chương trình.

Căn cứ chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại cuộc họp chiều 29-3, Sở đã đề nghị Công ty Cổ phần Hàm Nghi tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện kịch bản chương trình nghệ thuật lễ hội để trình UBND TP báo cáo thường trực Thành ủy. Chương trình Đêm hội “Hải Phòng vươn ra biển lớn” dự kiến được truyền hình trực tiếp từ 20h10 đến 21h40 ngày 13-5 trên kênh VTV1.

Cùng với đó, các tổ chuyên trách chuẩn bị tổ chức lễ hội cũng khẩn trương hoàn thành các phần việc về lễ tân, trang trí, khánh tiết. Sở Văn hóa và Thể thao còn phối hợp Văn phòng UBND TP, Sở Du lịch lập, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện danh sách đại biểu, khách mời.

Sở Ngoại vụ chủ trì việc tham mưu, hoàn thiện thủ tục mời khách quốc tế và kiều bào cũng như mời nhóm nhảy Samurai thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) tham gia lễ hội. Sở Văn hóa và Thể thao đã làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng bộ market tài liệu phục vụ công tác tổ chức gồm: giấy mời, các mẫu thẻ, các mẫu biển ưu tiên dành cho phương tiện tham gia lễ hội, quà tặng đại biểu.

Dự toán kinh phí toàn bộ lễ hội năm nay được huy động từ nguồn xã hội hóa. Hiện, thành phố đã ban hành thư mời tham gia quảng cáo, tài trợ; quy định cơ cấu tài trợ, quyền lợi của tổ chức và cá nhân tham gia quảng cáo, tài trợ; kế hoạch vận động tài trợ và Hội nghị tiếp xúc các doanh nghiệp, đơn vị tham gia tổ chức các hoạt động Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2017 vào sáng 4-4 vừa qua. (Hải Hậu - An ninh Hải Phòng 18/04/2017)

VĂN HÓA

38. Trưng bày, triển lãm sách

Sáng 16-4, Thư viện khoa học tổng hợp thành phố tổ chức chương trình giao lưu văn hóa “Trang sách đất Cảng”, chào mừng Ngày sách Việt Nam 21-4, Ngày sách và bản quyền thế giới 23-4.

Với sự phối hợp của nhiều đơn vị, chương trình giao lưu đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách, tôn vinh các giá trị của sách, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Thông qua việc trưng bày, triển lãm các tư liệu và những cuốn sách hữu ích, chương trình đã giúp bạn đọc tiếp cận thêm nhiều thông tin về thành phố và các lĩnh vực thiết thực khác.

Bên lề chương trình giao lưu là hội thi vẽ tranh với chủ đề “Hải Phòng vươn ra biển lớn”, thu hút sự tham gia của hơn 100 em học sinh tiểu học và THCS trong toàn thành phố. Đến với chương trình giao lưu, độc giả còn được tặng nhiều cuốn sách ý nghĩa. (An ninh Hải Phòng 18/04/2017)

THỂ THAO

39. Thủ môn Đặng Văn Lâm và sự trưởng thành đáng kinh ngạc

Đặng Văn Lâm từ chỗ chỉ là sự lựa chọn số 2 tại CLB Hải Phòng, số 3 ở đội tuyển quốc gia ở mùa giải năm ngoái đã có một bước tiến dài trong sự nghiệp của mình tại V.League, bắt chính 12/13 trận cho đội bóng đất Cảng tại lượt đi Toyota V.League 2017.

Trận đấu duy nhất mà Văn Lâm phải vắng mặt trong đội hình chính thức của CLB Hải Phòng tại giai đoạn lượt đi Toyota V.League 2017 là cuộc tiếp đón SLNA trên sân Lạch Tray tại vòng 11 vào ngày 2/4.

Ở trận đấu đó, do chấn thương cổ chân gặp phải từ chiến thắng 1-0 trước CLB TP.HCM ngay trên sân Thống Nhất hôm 18/3 chưa bình phục mà Đặng Văn Lâm phải nhường lại vị trí “người gác đền” ở đội bóng đất Cảng cho người đồng đội Nguyễn Văn Phong.

Tuy nhiên, sau khi bình phục chấn thương, lấy lại thể lực, Văn Lâm tiếp tục duy trì phong độ thi đấu ổn định như đã từng thể hiện trong màu áo CLB Hải Phòng ở lượt đi V.League 2017.

Trong 13 vòng đấu của giai đoạn lượt đi V.League mùa giải năm nay, Hải Phòng để thủng lưới 12 bàn, đứng thứ 3 trong số những đội bị thủng lưới ít nhất, sau FLC Thanh Hóa (9 bàn) và Hà Nội FC (10 bàn).

Tất nhiên, việc phải nhận số bàn thua hạn chế nhờ công sức của cả tập thể CLB Hải Phòng nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực cùng sự chắc chắn từ vị trí chốt chặn của Đặng Văn Lâm .

Ở 13 trận đã đấu trong mùa giải 2017, Văn Lâm có 4 lần giữ sạch lưới, đó là khi Hải Phòng thắng Than Quảng Ninh 2-0 (vòng 3, sân nhà), Quảng Nam 2-0 (vòng 8, sân nhà), hòa FLC Thanh Hóa 0-0 (vòng 9, sân nhà), thắng CLB .TP.HCM 1-0 (vòng 10, sân khách).

Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của Đặng Văn Lâm, nhất là trong bối cảnh hàng phòng ngự của CLB Hải Phòng liên tục bị xáo trộn, đặc biệt là vị trí trung vệ khi hết Văn Phú, Văn Lợi, Xuân Anh bị chấn thương, trước đó Ngọc Thịnh cùng Văn Sáu không được đăng ký vào danh sách thi đấu vì lý do tương tự.

Phong độ ổn định, sự trưởng thành qua từng vòng đấu của Văn Lâm khiến thủ môn Việt kiều này không dưới 3 lần được bầu chọn vào đội hình tiêu biểu vòng đấu. Đó cũng là cơ sở để HLV Nguyễn Hữu Thắng tiếp tục điền tên Văn Lâm vào danh sách tập trung đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho trận đấu gặp Afghanistan trên sân trung lập ở Tajikistan tại lượt trận mở màn vòng loại thứ 3 ASIAN Cup 2019 hồi tháng 3.

Đáng tiếc là do không kịp bình phục chấn thương nên Đặng Văn Lâm đành trở thành khán giả khi HLV Nguyễn Hữu Thắng gút danh sách đội tuyển Việt Nam đăng ký thi đấu ở trận đấu nói trên và lỡ cơ hội khoác lên mình tấm áo đội tuyển ở một trận đấu chính thức, đúng vào thời điểm phong độ đang ổn định.

Nhưng với một thủ môn 24 tuổi, luôn sống và làm việc với tinh thần lạc quan, cầu thị như Đặng Văn Lâm thì sự kém may mắn đó không đáng kể và không thể đánh gục ý chí quyết tâm, tiếp tục cố gắng và cố gắng hơn nữa trong tập luyện cũng như thi đấu, chắt chiu từng cơ hội được trao, dù là nhỏ nhất.

Đặng Văn Lâm hiện đã trở thành thủ môn số 1 của CLB Hải Phòng và được HLV Nguyễn Hữu Thắng triệu tập lên đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, chấn thương đã ngăn không cho thủ thành này lần đầu tiên trấn giữ khung thành đội tuyển Việt Nam.

Bằng chứng là ngay khi trở lại đội hình thi đấu của Hải Phòng tại vòng 12, Văn Lâm cùng đội bóng của mình đã giành chiến thắng 3-1 trước XSKT Cần Thơ trên sân nhà Lạch Tray.

Ngay sau khi kết thúc giai đoạn lượt đi, V.League tạm nghỉ 2 tháng để đội tuyển U20 Việt Nam tập trung, chuẩn bị thi đấu World Cup U20. Tranh thủ khoảng thời gian CLB Hải Phòng tạm thời “xả trại”, đội tuyển quốc gia đầu tháng 6 mới tập trung chuẩn bị thi đấu với Jordan, Đặng Văn Lâm đã về Nga nghỉ ngơi, thăm bố mẹ cùng hai em, những người thân yêu mà gần 2 năm mới được gặp lại.

Gia đình cũng chính là điểm tựa, động lực để Đặng Văn Lâm tiếp tục phấn đấu, cống hiến và gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp cầu thủ của mình ở dải dất hình chữ S. (Lâm Chi - Thể thao & Văn hóa 18/04/2017)

40. Hải Phòng sôi động cùng cúp UEFA Champions League

Tối nay (18-4), tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Tiệp, những tín đồ bóng đá sẽ được hòa mình vào “Hành trình đón cúp UEFA Champions League - Khuấy động cuộc vui bóng đá”. Đây là chuỗi sự kiện do Heineken tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Biên Hòa, Đà Nẵng, Hà Nội và kết thúc tại Hải Phòng.

Những người yêu bóng đá Hải Phòng lần đầu tiên được nhìn ngắm, chạm vào chiếc cúp UEFA Champions League cùng sự xuất hiện của danh thủ bóng đá Clarence Seedorf. Đặc biệt, người yêu bóng đá Hải Phòng còn được chứng kiến trận đấu bóng ngay trên sân khấu với sự tham gia của danh thủ Clarence Seedorf và các ca sỹ như Sơn Tùng M-TP, Yến Lê, Tronie & Mia và DJ King Lady cùng những màn trình diễn đỉnh cao, hòa âm ánh sáng và cuồng nhiệt của dòng nhạc EDM hiện đại.

Ngoài ra, khán giả còn trực tiếp giao lưu cùng danh thủ Clarence Seedorf, chụp ảnh và ghi lại những kỷ niệm quý giá cùng chiếc cúp huyền thoại.

Tham gia sự kiện, những khán giả may mắn còn có cơ hội đến Cardiff (Xứ Wales, Anh) để được tận mắt chứng kiến những khoảnh khắc bùng nổ của trận chung kết UEFA Champions League 2017 ngay tại sân vận động Thiên niên kỉ vào tháng 6 tới. (An ninh Hải Phòng 18/04/2017)

41. Giải bóng chuyền nữ quốc tế Cúp VTV9 Bình Điền 2017: Nhiều hảo thủ tới Việt Nam

Danh sách các CLB tham dự Giải bóng chuyền nữ quốc tế Cúp VTV9 Bình Điền 2017 có nhiều hảo thủ. Sự xuất hiện của các tay đập nổi tiếng đưa Cúp VTV9 Bình Điền lần thứ 11 trở nên danh giá, được gọi là giải các CLB châu Á thu nhỏ.

8 CLB mạnh góp mặt tại giải vô địch các CLB nữ châu Á gồm: CLB Bangkok Glass có nhiều tuyển thủ Thái Lan như phụ công Pleumjit cùng tuyển Thái Lan vô địch châu Á 2015; CLB Vân Nam (Trung Quốc) xếp hạng 11 giải vô địch Trung Quốc 2016 sở hữu tay đập Zhang Xian, 32 tuổi, cựu VĐV tuyển Trung Quốc lọt vào tứ kết Olympic London 2012. Nổi bật nhất là đội hình CLB Phúc Kiến (Trung Quốc) khi có nhiều gương mặt nổi trội và ở đội tuyển quốc gia Trung Quốc.        

Hai CLB quốc tế khác góp mặt là 4.25 Triều Tiên, Altay (Kazakhstan) cũng sở hữu phần lớn VĐV đội tuyển quốc gia. Ba CLB nữ mạnh nhất Việt Nam và sở hữu các VĐV ở đội tuyển quốc gia là VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng công thương, Thông tin Lienviet Post Bank tham dự. Với chủ nhà VTV Bình Điền Long An, bên cạnh Ngọc Hoa nổi tiếng còn đưa về 2 thành viên tuyển nữ Thái Lan là Wilavan Apinyapong và Malika Kanthong.        

Thông báo từ Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV), giải đấu của 8 CLB “hàng hiệu” này có mức thưởng lớn với hơn 1 tỷ đồng. Đội vô địch nhận 15.000 USD, á quân 10.000 USD cùng nhiều giải thưởng khác.

Giải tổ chức tại Tây Ninh từ ngày 22 đến 30-4. Các trận đấu được truyền hình trực tiếp trên VTV5, VTV9, Thể thao TV, HTV thể thao và Đài PTTH Tây Ninh. (Trần Long - Báo Hải Phòng 18/04/2017)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố