Xây dựng nhãn hiệu Khu Dự trữ sinh quyển Cát Bà
10/12/2024 09:53
(Haiphong.gov.vn) - Sau khi được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) năm 2004, năm 2011, Khu DTSQ Cát Bà đã chính thức thiết lập và công bố một nhãn hiệu và logo chứng nhận chất lượng cấp khu vực cho các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Sáng kiến do Ban Quản lý Khu DTSQ Cát Bà cùng Sở Du lịch Hải Phòng thúc đẩy với sự hỗ trợ kỹ thuật của MAB Việt Nam, mục tiêu nhằm giới thiệu một loạt các sản phẩm và dịch vụ “xanh” mang logo Khu DTSQ Cát Bà, góp phần củng cố nguyên tắc “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn” trong ngành du lịch và trong chuỗi cung ứng sản phẩm của khu vực (UNESCO, 2011).
![](https://cdn.haiphong.gov.vn/gov-hpg/1/tintuc/2024/12/cat-ba-2024638712356742512423.jpg)
Khu DTSQ Cát Bà hy vọng rằng chương trình dán nhãn sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương, cung cấp giá trị gia tăng bằng cách khuyến khích cảm giác tự hào của cộng đồng địa phương, và thúc đẩy sự gắn kết xã hội. Quá trình triển khai đã cho thấy nhãn hiệu này đặc biệt mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp thông qua việc thúc đẩy bảo tồn, phát triển kinh tế xanh và hướng tới các giá trị của doanh nghiệp xã hội. 25 doanh nghiệp địa phương đã được cấp nhãn chứng nhận Khu DTSQ Cát Bà. Nhãn được cấp sau khi đánh giá các khía cạnh môi trường của doanh nghiệp; tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh; đóng góp cho nền kinh tế địa phương và hỗ trợ phát triển cộng đồng; duy trì cảnh quan địa phương và các giá trị văn hóa, cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn công nghiệp quốc gia. Các sản phẩm và dịch vụ được dán nhãn Khu DTSQ Cát Bà thuộc đa dạng các lĩnh vực khác nhau bao gồm nước mắm, mật ong, tàu du lịch, du thuyền, khu giải trí du lịch và các cơ sở du lịch (ví dụ khách sạn, khu nghỉ dưỡng và nhà hàng). Nhãn hiệu Khu DTSQ Cát Bà cũng đã được cấp cho hai doanh nghiệp cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực du lịch sinh thái: Du lịch sinh thái rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng ở xã Phú Long và Cafe Hang Trân Châu.
Dịch vụ “xanh” mang logo Khu DTSQ Cát Bà, góp phần củng cố nguyên tắc “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn” trong ngành du lịch.Các bên được dán nhãn được hưởng lợi về quảng cáo và quan hệ công thông qua các trang web, tin tức và phương tiện truyền thông đại chúng. Theo khảo sát của Ban Quản lý Khu DTSQ Cát Bà, người tiêu dùng thích chọn mua các sản phẩm được dán nhãn thay vì các sản phẩm không có nhãn. Không những thế, nhãn hiệu này còn mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp địa phương được chứng nhận qua việc họ có thể liên kết với các đối tác trong nước cũng như quốc tế thông qua mạng lưới các khu DTSQ toàn cầu./.