Bảo tồn và nâng cao giá trị văn hoá, lịch sử của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà
(Haiphong.gov.vn) - Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Quần đảo (KDTSQTG) Cát Bà được UNECO công nhận ngày 02/12/2004. Đây là KDTSQTG được công nhận thứ 3 trong số 11 KDTSQTG của Việt Nam, ngoài danh hiệu KDTSQTG, Cát Bà còn được công nhận nhiều danh hiệu, kỷ lục và tôn vinh giá trị khác cả ở cấp quốc gia và quốc tế.
Điển hình như năm 2006, khái niệm “Phòng thí nghiệm học tập về phát triển bền vững” được nêu ra tại Kỳ họp lần thứ 19 (10/2006) của Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển Quốc tế (MAB ICC), sau đó KDTSQTG Cát Bà đã được lựa chọn là nơi thí điểm thực hiện sáng kiến “Sử dụng các KDTSQ như những phòng thí nghiệm học tập về phát triển bền vững”; năm 2010, Cát Bà được phê duyệt là 1 trong 16 khu bảo tồn biển trong quy hoạch cấp quốc gia theo Quyết định số 742/QĐ-TTG ngày 26/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020; năm 2012, Quần đảo Cát Bà được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Danh thắng cấp quốc gia; ngày 09/12/2013, Quần đảo Cát Bà được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 9/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; Tháng 01/2020, Vịnh Lan Hạ được Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW) công nhận thành viên chính thức, trở thành một trong các vịnh đẹp nhất thế giới; ngày 16/9/2023, tại Riyadh (Ả-rập Xê-út), Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Chức năng bảo tồn của KDTSQTG Cát Bà được thực hiện chủ yếu tại vùng lõi VQG Cát Bà. Sau 20 năm công nhận, các giá trị đa dạng sinh học của vùng lõi KDTSQTG được bảo tồn hiệu quả, phù hợp với các quy định của Chính phủ Việt Nam và đảm bảo chức năng bảo tồn đa dạng di truyền, đa dạng loài, đa dạng hệ sinh thái và đa dạng cảnh quan của KDTSQTG.
Hoạt động bảo tồn và phát triển tại KDTSQTG đã tạo các sinh kế mới thân thiện với môi trường.Các hoạt động của KDTSQTG nhằm thực hiện chức năng bảo tồn gồm: Quản lý bảo vệ, bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng và biển; bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan, môi trường rừng và biển; nghiên cứu khoa học, lưu trữ, bảo tồn nguồn gen động thực vật hoang dã trên cạn, dưới nước nguy cấp, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; tiếp nhận các cá thể sinh vật từ các nguồn; điều trị, phục hồi chức năng của các cá thể sau điều trị và tái thả về môi trường sống tự nhiên; cung ứng giống sinh vật, dịch vụ thú ý cho các tổ chức, cá nhân gây nuôi phát triển bền vững theo quy định của pháp luật; tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường rừng và biển, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về bảo vệ, bảo tồn các loài động vật hoang dã, kết hợp các dịch vụ du lịch sinh thái và môi trường; bảo tồn cảnh quan phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, giáo dục môi trường; thực hiện phòng cháy chữa cháy rừng, tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn…
Giai đoạn 2014-2024, số lượng các loài động, thực vật của KDTSQTG tăng lên, do bổ sung thêm các loài dựa trên các nghiên cứu trong 10 năm qua, bên cạnh đó, diện tích rừng tự nhiên trong vùng lõi được bảo vệ nguyên trạng, môi trường tự nhiên được duy trì, là nơi sinh trưởng và phát triển tốt cho các loài động, thực vật, tỷ lệ các vụ vi phạm pháp luật liên quan tài nguyên rừng và biển giảm, số vụ cháy rừng giảm, nhận thức của công chúng nói chung về VQG Cát Bà và KDTSQTG Cát Bà tăng nhờ đó hỗ trợ tốt hơn cho công tác bảo tồn. Theo các nghiên cứu mới nhất, KDTSQTG Cát Bà có 7 dạng cảnh quan (so với 5 dạng theo phân loại cũ) và 10 loại hệ sinh thái (so với 7 loại theo phân loại cũ).
Các hoạt động bảo tồn và phát triển tại KDTSQTG đã tạo các sinh kế mới thân thiện với môi trường và thích ứng với BĐKH tại vùng lõi và vùng đệm, mang lại những kết quả tốt như người dân có thu nhập từ nhận khoán bảo vệ rừng, phát triển du lịch cộng đồng (dịch vụ homestay, vận chuyển khách du lịch, hướng dẫn viên, phát triển chăn nuôi, trồng trọt các loài cây, con đặc sản của địa phương...).
Một số sáng kiến phát triển kinh tế tại KDTSQTG Cát Bà gồm: Các mô hình khuyến nông, nhãn hiệu chứng nhận KDTSQTG Cát Bà, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, nuôi trồng hải sản, trồng rừng ngập mặn, nhận giao khoán bảo vệ rừng, nhãn hiệu du lịch, xe buýt điện, xử lý rác thải bằng phương pháp compost, năng lượng mặt trời…
Bên cạnh đó, công tác giáo dục và truyền thông đã được quan tâm mạnh mẽ tại KDTSQTG Cát Bà trong thập kỷ qua. Các sự kiện truyền thông được người dân hưởng ứng tích cực vì mang lại lợi ích thiết thực, giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu thêm về các hoạt động của KDTSQTG; nhận thức đúng về công tác bảo tồn và trách nhiệm của từng cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, bảo tồn thiên nhiên nói riêng; vấn đề bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn lao động trong sản xuất cũng được quan tâm nhiều hơn. Hoạt động truyền thông và giáo dục môi trường đã tạo được mối liên kết giữa người dân với KDTSQTG và chính quyền địa phương. Thông qua các hội nghị, người dân địa phương có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động của KDTSQTG. Những thắc mắc, kiến nghị được các bên liên quan giải thích và tiếp nhận giải quyết. Công tác truyền thông cũng giúp cho người làm công tác bảo tồn tiếp thu những sáng kiến, điều chỉnh các giải pháp để tạo sự hài hòa giữa lợi ích của cộng đồng dân cư địa phương và phát triển xã hội./.