Ban hành Quy chế quản lý để bảo tồn và phát triển Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà
(Haiphong.gov.vn) – Nhằm đáp ứng các yêu cầu về quản lý, bảo tồn và phát triển Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. UBND thành phố đã có Quyết định 03/2024/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà.
Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà được UNESCO chính thức công nhận ngày 02/12/2004. UBND thành phố ban hành Quy chế quản lý Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà tại Quyết định số 1497/QĐ-UB ngày 08/7/2005. Đến nay, sau 20 năm từ ngày công nhận, Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà đã có sự biến động về diện tích và ranh giới so với năm 2005 (theo kết quả 2 Rà soát, xây dựng bản đồ ranh giới Khu Dự trữ sinh quyển Cát Bà được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-UBND ngày 27/2/2023).
Theo Quy chế quản lý Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) quần đảo Cát Bà, Khu DTSQ Cát Bà có tổng diện tích 26.418,9 ha (thuộc địa bàn 7 xã, thị trấn: Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long, Việt Hải, Trân Châu, Xuân Đám, thị trấn Cát Bà và vùng biển giáp ranh địa giới hành chính huyện Cát Hải); bao gồm: 03 vùng lõi, 03 vùng đệm và 02 vùng chuyển tiếp. Tọa độ trung tâm của Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà là (X=2.300.891 m; Y=630.617 m).
Dân cư sống trong Vùng Lõi, Vùng Đệm phải có kế hoạch di dời theo quy định, Vùng Chuyển tiếp chủ yếu được ổn định tại chỗ, hạn chế di dân từ nơi khác tới các vùng nói trên.Trong đó, vùng lõi có tổng diện tích 6.278,6 ha. Đây là khu vực dành riêng cho bảo tồn đa dạng sinh học, giám sát diễn thế các hệ sinh thái; cho phép các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục mà không ảnh hưởng tới tính đa dạng sinh học của khu vực. Nhiệm vụ chính của vùng lõi là bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên còn tương đối nguyên vẹn, bảo tồn các nguồn gen động, thực vật quý hiếm, các loài đặc hữu của khu dự trữ sinh quyển.
Vùng đệm có tổng diện tích vùng đệm 8.797,1 ha, là khu vực bao quanh các vùng lõi góp phần hạn chế các hoạt động của con người giúp cho việc bảo tồn đa dạng sinh học ở các vùng lõi. Các hoạt động phát triển kinh tế trên vùng đệm như: khai thác tài nguyên, phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo được triển khai nhằm nâng cao mức sống của người dân vùng đệm; đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho việc bảo tồn thành công vùng lõi. Nhiệm vụ chính của vùng đệm là phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, nghiên cứu cơ cấu phục vụ yêu cầu bảo tồn, tuyên truyền giáo dục kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái theo quy định.
Vùng chuyển tiếp có tổng diện tích là 11.343,2 ha. Đây là nơi tập trung đông cộng đồng dân cư địa phương, cần được khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người dân; các hệ thống sử dụng bền vững đất, nước; xây dựng các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng; chức năng hôc trợ của các dự án giáo dục môi trường; nghiên cứu khảo sát, bảo vệ và phát triển rừng; các hoạt động sinh kế cộng đồng.
Theo đó, việc quản lý Khu DTSQ Cát Bà cần tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước Quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Áp dụng cách tiếp cận quản lý tổng hợp các hệ thống sinh thái xã hội, cảnh quan văn hóa với đa dạng các biện pháp can thiệp ở các cấp độ khác nhau nhằm phù hợp từng trường hợp và hoạt động cụ thể. Điều phối hài hòa và đảm bảo sự tham gia đầy đủ, hiệu quả và công bằng của các bên liên quan bao gồm các tổ chức quốc tế, cơ quan trung ương, cơ quan chức năng thuộc thành phố Hải Phòng, cơ quan chính quyền trên địa bàn Khu Dự trữ sinh quyển, các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học, tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân.
![](https://cdn.haiphong.gov.vn/gov-hpg/SiteFolders/Root/6456/tintuc/2024/9/9m5e5172-1-638610871101113569.jpg)
Việc bảo vệ đa dạng sinh học phải được thực hiện trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư địa phương và các đối tượng có liên quan. Thành lập các ngân hàng gen, cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học để bảo vệ và phát triển các nguồn gen bản địa quý hiếm. Giới hạn việc du nhập các giống loài không phải là bản địa nếu chưa được nghiên cứu và đánh giá một cách khoa học. Xây dựng kế hoạch bảo vệ các loài động, thực vật quý, hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng; Áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc săn bắt, khai thác kinh doanh, sử dụng các loài này đồng thời thực hiện các chương trình chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ theo chế độ đặc biệt phù hợp với từng loài.
![](https://cdn.haiphong.gov.vn/gov-hpg/SiteFolders/Root/6456/tintuc/2024/9/vooc-cb-1.jpg)
Khuyến khích việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được khai thác từ gió, mặt trời, địa nhiệt, nước, sinh khối trong phạm vi Khu DTSQ Cát Bà. Việc quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân phải gắn với việc bảo vệ môi trường, có hệ thống thu gom tập trung các loại chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại. Các công trình xây dựng trong phạm vi Khu DTSQ Cát Bà phải bảo đảm các điều kiện. Việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, thu thập mẫu vật, nguồn gen, vận chuyển, lưu giữ, công bố mẫu vật, nguồn gen của các tổ chức, cá nhân các nhà khoa học trong và ngoài nước phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành, quy chế quản lý và sự hướng dẫn, giám sát của Ban quản lý Khu DTSQ, Vườn Quốc gia Cát Bà...
Về phát triển kinh tế - xã hội đối với cộng đồng dân cư, phương án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng, tổ chức đời sống cho dân cư trong Khu Dự trữ sinh quyển phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dân cư sống trong Vùng Lõi, Vùng Đệm phải có kế hoạch di dời theo quy định, Vùng Chuyển tiếp chủ yếu được ổn định tại chỗ, hạn chế di dân từ nơi khác tới các vùng nói trên. Dân cư sống trong Khu Dự trữ sinh quyển phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Lâm nghiệp, phải tuân theo các quy định trong bản Quy chế này, những quy định của Vườn Quốc gia Cát Bà và Ban quản lý Khu DTSQ Cát Bà. Việc tổ chức các hoạt động du lịch, tham quan tại các phân khu Khu DTSQ Cát Bà cần phải phối hợp với chính quyền địa phương, Vườn Quốc gia cát Bà, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao và các tổ chức có liên quan để thực hiện những quy định./.