Thả phao khoanh vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô tại Vườn Quốc gia Cát Bà
(Haiphong.gov.vn) - Trong 2 ngày 28 và 29/11, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) phối hợp Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà tổ chức tổng kết Chương trình thả phao khoanh vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô tại Vườn Quốc gia Cát Bà và thả thêm một số phao mới.
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà cho biết: “Trên thế giới hoạt động thả phao neo nhận diện khu vực cần bảo tồn được thực hiện rất phổ biến, nó góp phần xác định rõ các khu vực phân bố của rạn san hô, giúp các phương tiện khai thác thủy sản, dịch vụ du lịch có thể xác định được ranh giới vùng bảo vệ, tránh người dân đi lại trong khu vực này. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuần tra, kiểm tra và tăng cường thực thi pháp luật, xử lý các vụ vi phạm”.
Việc thả phao khoanh vùng sinh thái giúp rạn san hô được bảo vệ và phát triển tốt.Trong 02 năm 2023 và 2024, Vườn Quốc gia Cát Bà phối hợp IUCN thiết lập hệ thống 23 phao neo phân vùng sinh thái rạn san hô tại một số khu vực có phân bố rạn san hô còn tốt cần được bảo vệ tại các khu vực Vạn Tà, Ba Đình, Giỏ Cùng và Cát Dứa với diện tích mặt biển khoảng 34 ha. Việc thả phao khoanh vùng sinh thái trên diện tích hơn 30 ha không những bảo vệ rạn san hô tại Vườn quốc gia Cát Bà mà còn góp phần tạo môi trường để chúng phát triển.
Theo đó, các phao được bàn giao cho các Trạm kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Bà quản lý, bảo vệ. Cán bộ kiểm lâm tiến hành tuần tra, kiểm soát tại các khu vực được thả phao trung bình 4 lượt/tháng và báo cáo theo tháng. Số lượng phao neo được bảo dưỡng định kỳ 1 lần/1 năm bao gồm vệ sinh hàu, hà và các sinh vật ký sinh trên hệ thống dây và phao. Sơn lại hệ thống dây và phao, thay mới và lắp đặt lại hệ thống dây, phao theo số thứ tự đúng vị trí cố định ban đầu.
Các rạn san hô ở Cát Bà đang trong giai đoạn phục hồi tích cực.Phát biểu tại chương trình tổng kết, TS. Nguyễn Đăng Ngải - Phó Viện Trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển đánh giá, với việc thả phao cảnh báo phạm vi bảo tồn các rạn san hô nhằm giảm thiểu các tác động của con người, kết hợp với các giải pháp như kiểm soát ô nhiễm, rác thải nhựa thì các rạn san hô sẽ tự phục hồi. Khi đó số lượng san hô cành ở Cát Bà chắc chắn sẽ tăng lên. Loại san hô này phát triển nhanh hơn so với san hô khối, từ đó mở rộng diện tích rạn, tăng độ phủ và thu hút được nhiều loài sinh vật đến trú ngụ tạo cảnh quan hấp dẫn dưới đáy biển…
Dự án Giám sát và bảo tồn rạn san hô tại Cát Bà được triển khai từ năm 2021-2024 đã góp phần ngăn chặn đà suy thoái của hệ sinh thái loài được coi là “lá phổi” của đại dương này. Cụ thể, trong năm 2021-2022, Dự án thực hiện giám sát rạn san hô nhằm đề xuất các biện pháp quản lý hiệu quả. Trên cơ sở đó, trong các năm 2023-2024, Dự án hỗ trợ Vườn Quốc gia Cát Bà thiết lập hệ thống phao neo khoanh vùng sinh thái rạn san hô tại một số khu vực có phân bố rạn san hô còn tốt cần được bảo vệ như khu vực Vạn Tà, Ba Đình, Giỏ Cùng và Cát Dứa./.