Kỷ niệm 20 năm thành lập Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà (2004 – 2024): Nơi hội tụ những giá trị của đa dạng hệ sinh thái và đa dạng loài có tầm quan trọng trong nước và quốc tế
(Haiphong.gov.vn) - Sáng 13/12, Vườn quốc gia Cát Bà tổ chức Kỷ niệm 20 năm thành lập Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà (2004 – 2024).
Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: PGS. TS. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố. Cùng dự có đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển (MAB Việt Nam), huyện Cát Hải cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Lãnh đạo UBND thành phố tặng hoa chúc mừng.Khu DTSQ Cát Bà nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 165km, cách thành phố Hải Phòng khoảng 45 km về phía Đông Nam; Phía Bắc và Đông Bắc được ngăn cách bởi Lạch huyện, Lạch Ngăn, Lạch Đầu Xuôi và một phần vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh; Phía Tây và Tây Nam là cửa sông Bạch Đằng, sông Cấm và biển Hải Phòng - Đồ Sơn; Phía Đông và Đông Nam giáp Vịnh Hạ Long. Khu DTSQ Cát Bà nằm trong phạm vi địa giới hành chính 6 xã (Gia Luận, Phù Long, Hiền Hào, Trân Châu, Việt Hải, Xuân Đám) và thị trấn Cát Bà của huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.
Các đại biểu dự Lễ Kỷ niệm.Năm 2004, Quần đảo Cát Bà được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu DTSQ quần đảo Cát Bà; năm 2013, quần đảo Cát Bà được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2023, tại Kỳ họp thường niên lần thứ 45, Ủy ban Di sản thế giới đã phê duyệt mở rộng ranh giới di sản thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà. Năm 2024, Di sản Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế (IUGS) trao tặng bằng công nhận danh hiệu Di sản Địa chất quốc tế. Với việc sở hữu các giá trị nổi bật toàn cầu cùng nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế, những năm qua quần đảo Cát Bà luôn được xác định là chủ thể quan trọng, xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng.
Các đại biểu dự Lễ Kỷ niệm tham gia thả một số động vật hoang dã về môi trường tự nhiên trong khu DTSQ quần đảo Cát Bà.Khu DTSQ quần đảo Cát Bà đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học đang tiếp diễn trong quá trình tiến hoá và phát triển của các hệ sinh thái biển và hải đảo với sự đa dạng cao của các quần xã động vật, thực vật trên đảo và dưới biển. Trên quần đảo Cát Bà hình thành 10 hệ sinh thái nhiệt đới cận chí tuyến điển hình. Đến nay, Khu DTSQ quần đảo Cát Bà thống kê được 1595 loài thực vật, 72 loài nấm, 63 loài thú, 209 loài chim, 58 loài bò sát, 32 loài lưỡng cư, 11 loài cá nước ngọt, 1 loài giáp xác cạn, 401 loài côn trùng, 36 loài thực vật ngập mặn, 102 loài rong biến, 5 loài cỏ biển, 400 loài thực vật phù du, 131 loài động vật phù du, 658 loài động vật đáy, 96 loài san hô, 196 loài cá biển... Trong đó, loài được biết đến nhiều nhất là voọc Cát Bà, được biết đến là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thể giới.
Sau 20 năm công nhận, các giá trị đa dạng sinh học của Khu DTSQ quần đảo Cát Bà được bảo tồn hiệu quả, phù hợp với các quy định của Chính phủ và bảo đảm chức năng bảo tồn đa dạng di truyền, đa dạng loài, đa dạng hệ sinh thái và đa dạng cảnh quan của Khu DTSQ. Đây là điếm hẹn lý tưởng cho các nhà khoa học, các cán bộ quản lý, các nhà tổ chức, các cả nhân muốn gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ kiến thức về phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ phát biểu tại Lễ Kỷ niệm.Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Vườn Quốc gia Cát Bà, các Sở, ngành thành phố và huyện Cát Hải sau 20 năm chung tay bảo tồn Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà. Phó Chủ tịch đề nghị, Vườn tập trung xây dựng kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động hằng năm của Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam. Đồng thời, bảo tồn có hiệu quả hệ sinh thái, gia tăng tính đa dạng sinh học trong Khu DTSQ quần đảo Cát Bà; nghiên cứu phát hiện các loài mới, bảo tồn cấp bách nguồn gen các loài quý hiếm, đặc hữu; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nhằm hạn chế các tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thiên nhiên và văn hóa. Tăng cường hợp tác với mạng lưới các khu DTSQ trong nước, khu vực và quốc tế để trao đổi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản lý, bảo tồn trong khuôn khổ các biên bản hợp tác đã ký kết.
Lãnh đạo UBND thành phố trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.Nhân dịp này, 6 thập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo tồn và phát triển khu DTSQ quần đảo Cát Bà được nhận Bằng khen của UBND thành phố. Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã tham gia thả một số động vật hoang dã về môi trường tự nhiên trong khu DTSQ quần đảo Cát Bà./.