Đóng góp ý kiến hoàn thiện Đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030
Vừa qua Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương liên quan, xin ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030.
Theo đó, quan điểm của Đề án là phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng thị trường khu vực, từng tỉnh, từng ngành, nghề và từng bước đồng bộ, liên thông với các thị trường khác để làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ thông qua việc xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi để phát triển thị trường lao động. Chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước gắn với thị trường lao động quốc tế. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động lành mạnh.
Mục tiêu tổng quát là thực hiện các giải pháp để tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và vận hành đồng bộ, thông suốt thị trường lao động; góp phần huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, có sự kết nối các thị trường với nhau, thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo động lực cho thị trường lao động phát triển. Tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả nam và nữ, bao gồm cả thanh niên, người khuyết tật, cụ thể: Duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung duy trì dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ trọng việc làm trong ngành nông nghiệp trên tổng số việc làm đến năm 2025 dưới 30% và đến năm 2030 dưới 20%. Tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm tối thiểu đạt 5%/năm. Tỷ lệ nữ giới trong tổng số lao động được tạo việc làm trên 48%/năm.
Tăng đáng kể số lao động có các kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động để có việc làm tốt và làm chủ doanh nghiệp, cụ thể: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đến năm 2025 trên 28% và đến năm 2030 trên 35%. Trụ cột Kỹ năng đối với các chỉ số trong xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu (nhóm 60) vào năm 2025 và thuộc nhóm 40 nước đứng đầu vào năm 2030.
Giảm đáng kể tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc đào tạo, cụ thể: Tỷ lệ thanh niên độ tuổi 15-24 không được đào tạo, giáo dục nghề nghiệp dưới 25% vào năm 2025, dưới 20% vào năm 2030. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên độ tuổi 15-24 dưới 6% năm 2025, dưới 5% năm 2030.
Đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho tất cả người lao động, đặc biệt là lao động làm trong khu vực phi chính thức. Tỷ lệ việc làm phi chính thức đạt 35% vào năm 2025 và đạt 25% vào năm 2030. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45% vào năm 2025 và đạt 60% năm 2030, trong đó lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm trên 2,5% lực lượng lao động vào năm 2025 và chiếm trên 5% lực lượng lao động vào năm 2030
Đầu tư, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia, tổ chức giao dịch việc làm, cụ thể năm 2025 có 80% và năm 2030 có trên 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo được hướng nghiệp. Năm 2025 có 40% và năm 2030 có 45% lao động được hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu có việc làm. Hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia sự chia sẻ thông tin, dữ liệu liên thông trên toàn quốc và giữa các vùng vào năm 2025 và mở rộng kết nối với các nước trong khu vực ASEAN, một số nước là thị trường lao động chính của Việt Nam vào năm 2030.
Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương sẽ tham gia ý kiến, gửi về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp thu, hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian tới.