Hải Phòng xếp hạng thứ hai cả nước về Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX
(Haiphong.gov.vn) - Theo xếp hạng mới được công bố tại Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX, chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2023, diễn ra sáng 17/4, thành phố Hải Phòng xếp hạng hai cả nước về chỉ số này. Đây là thành quả từ những nỗ lực cải cách hành chính, chuyển đổi số của thành phố trong năm qua.
Thành phố Hải Phòng cũng là một trong số các tỉnh, thành phố nằm trong nhóm A, đạt kết quả chỉ số PAR INDEX từ 90% trở lên. Để đạt được kết quả này, Hải Phòng đã, đang thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính gắn với việc triển khai Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, kết quả các chỉ số cải cách hành chính tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và tổ chức để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận xã hội đối với công tác cải cách hành chính.
Cùng đó, Hải Phòng tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm và công bố, công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà, đồng thời có hình thức khen thưởng phù hợp đối với cá nhân, tổ chức đạt thành tích tốt trong việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận Một cửa, Một cửa liên thông tại các sở, ngành, đơn vị, địa phương...
Chỉ số PAR INDEX được xác định qua 8 chỉ số thành phần gồm: công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa nền hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
Thông qua Chỉ số cải cách hành chính, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cho cải cách hành chính nhà nước giai đoạn tiếp theo. Các bộ, ngành, địa phương luôn coi việc triển khai đo lường đánh giá Chỉ số cải cách hành chính là công cụ hữu ích trong công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, kết quả đánh giá giúp xác định rõ tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của tập thể và làm cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân trong thực thi công vụ và của tổ chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Chỉ số cải cách hành chính cũng là công cụ có sự tác động nhất định, tạo ra những áp lực đối với các cơ quan quản lý để tạo ra sự thay đổi và cải cách./.