Đảm bảo hiệu quả việc đánh giá tác động chính sách, tác động thủ tục hành chính trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
(Haiphong.gov.vn) – Theo báo cáo của UBND thành phố, năm 2023 công tác đánh giá tác động chính sách, đánh giá tác động của thủ tục hành chính (TTHC) trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Hải Phòng cơ bản đảm bảo yêu cầu.
Việc thực hiện đánh giá tác động chính sách trong hồ sơ xây dựng Nghị quyết đã được thực hiện đầy đủ, tuân thủ trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020).
UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo các Sở, ban, ngành thực hiện thống kê, tập hợp đầy đủ danh mục TTHC, quy định có liên quan, lập danh mục các TTHC cần tiến hành rà soát theo chức năng nhiệm vụ được giao; từ đó, thực hiện rà soát, đánh giá TTHC. Trên cơ sở kết quả rà soát, các Sở, ban, ngành xây dựng phương án đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ các quy định về TTHC nhằm loại bỏ các TTHC không cần thiết, không xác định được mục tiêu rõ ràng hoặc khi thực hiện không đạt được các mục tiêu đề ra; TTHC không phù hợp; công bố công khai TTHC theo ngành, lĩnh vực trên Cổng thông tin điện từ thành phố, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị giải quyết TTHC đó.
Trong năm 2023, UBND thành phố đã giao Sở Tư pháp chủ trì thực hiện việc kiểm tra, xử lý các văn bản QPPL có quy định TTHC trái thẩm quyền theo yêu cầu của Bộ Tư pháp. Kết quả, lập danh mục và thực hiện kiểm tra đối với 21 văn bản QPPL của UBND thành phố có quy định TTHC, trong đó, UBND thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành đề xuất xử lý đối với 02 văn bản…
Cùng với đó, liên quan đến công tác phổ biến, tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức các cuộc Tọa đàm, Hội nghị tập huấn do Bộ Tư pháp và các cơ quan ở Trung ương tổ chức; hướng dẫn các Sở, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện đánh giá tác động chính sách, đánh giá tác động của TTHC trong dự thảo văn bản QPPL.
Tuy nhiên, hiện nay trong các văn bản quy định về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do các Bộ, ngành ban hành không có tổ chức bộ máy pháp chế cho các sở, ban, ngành, do đó việc bố trí cán bộ pháp chế và tổ chức bộ máy pháp chế ở các Sở, ban, ngành thành phố hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; không phát huy được vai trò, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ pháp chế trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung, công tác đánh giá tác động chính sách, đánh giá thủ tục hành chính nói riêng. Hoạt động đánh giá tác động chính sách và đánh giá tác động của TTHC là hoạt động nghiệp vụ khó; kết quả thực hiện hiện nay mới chỉ đảm bảo ở mức độ nhất định, về chất lượng và tính chính xác chưa có định lượng…
Thời gian tới, thành phố tăng cường công tác tập huấn cho đội ngũ, cán bộ công chức làm công tác đánh giá tác động chính sách, đánh giá tác động TTHC, xây dựng tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về đánh giá tác động chính sách, triển khai thực hiện hiệu quả theo các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành…