Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 13/4/2021)

 

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

Các Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định nơi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2021

Để bảo đảm thuận tiện cho thí sinh, các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quyết định các nơi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo đó, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi từ ngày 27/4.

Ngày 12/4, tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng), Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tập huấn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cho các địa phương. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị.

Theo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Kỳ thi có mục tiêu chính là đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT; lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định tầm quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, vừa để xét tốt nghiệp, vừa là căn cứ để tuyển sinh đại học.

Để triển khai tốt kỳ thi, đảm bảo an toàn, chính xác, khách quan, minh bạch đòi hỏi sự vào cuộc sát sao, nghiêm túc, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, các bộ ban ngành liên quan và 63 tỉnh, thành phố.

Đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra thường niên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự sát sao của Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, toàn ngành giáo dục thể hiện sự quyết tâm cao cho kỳ thi diễn ra an toàn, khách quan, đúng quy chế.

Tuy nhiên, để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra tốt đẹp, Bộ GD&ĐT cho rằng, các địa phương, từng cán bộ làm công tác thi phải nắm chắc quy chế, cùng địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, kiểm soát tình hình, dự kiến trước các tình huống có thể xảy ra.

Theo hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi từ 27/4. Bộ GD-ĐT đã ban hành mẫu phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Các sở GD&ĐT quyết định các nơi đăng ký dự thi bảo đảm thuận tiện cho thí sinh.

Đáng lưu ý, thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT chỉ được đăng ký dự thi một bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội). Thí sinh đã có Bằng tốt nghiệp THPT, thí sinh có Bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh chỉ được đăng ký dự thi các môn thi thành phần trong cùng một bài thi tổ hợp.

Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh được chọn dự thi 1 trong 7 ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Hàn (năm nay là năm đầu tiên bổ sung môn tiếng Hàn). Thí sinh được đăng ký thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông. Thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên được đăng ký dự thi bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Tại hội nghị tập huấn, Cục An ninh Chính trị Nội bộ (A03, Bộ Công an) đã hướng dẫn kỹ công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong kỳ thi; Vụ Giáo dục Đại học thông báo một số nội dung về công tác tuyển sinh năm 2021.

Trong thời gian tập huấn, các đại biểu sẽ thảo luận, giải đáp thắc mắc về quy chế, hướng dẫn và công tác đảm bảo an toàn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. (Suckhoedoisong.vn 12/4, Đỗ Vi; Baochinhphu.vn 12/4; Sggp.org.vn 12/4; Giaoducthoidai.vn 12/4; VTV.vn 13/4; Sài Gòn giải phóng 13/4, tr2; Quân đội nhân dân 13/4, tr8; Đại đoàn kết 13/4, tr12; Daidoanket.vn 13/4)

QUẢN LÝ

Hải Phòng: 100% cơ quan hành chính áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015

100% cơ quan hành chính nhà nước của TP. Hải Phòng đã được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015; 100% thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước từ thành phố đến xã, phường, thị trấn hiện đã được áp dụng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.

Trong những năm qua, nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp hóa, hoạt động thật sự có hiệu quả theo mục tiêu chương trình cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, Hải Phòng luôn đẩy mạnh CCHC nói chung và việc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO vào CCHC nói riêng. Bằng chứng là hàng năm, thành phố luôn coi việc áp dụng, duy trì, cải tiến HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO trong CCHC là một trong những việc cụ thể, trọng tâm, được đánh giá tính điểm thi đua trong Bộ chỉ số CCHC của các sở, ngành, UBND quận, huyện, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.

Việc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan HCNN theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 đã được các cấp lãnh đạo TP. Hải Phòng quán triệt, kịp thời đưa ra chủ trương, định hướng đúng đắn, có thể nói là một trong những địa phương tiên phong trong việc áp dụng HTQLCL vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) từ cấp thành phố tới cấp chính quyền cơ sở.

Hải Phòng xác định cùng với ứng dụng công nghệ thông tin, việc áp dụng HTQLCL vào hoạt động của các cơ quan HCNN là một công cụ quan trọng hỗ trợ cho các cơ quan HCNN trong việc chuẩn hóa phương pháp làm việc, cải cách phương thức làm việc với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của tổ chức, công dân có liên quan; giảm thiểu phiền hà, nhũng nhiễu, minh bạch hóa các quy trình giải quyết TTHC.

Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để Hải Phòng đẩy mạnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền HCNN nói chung và hành chính địa phương nói riêng khi chính quyền địa phương kết hợp đồng bộ HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 với các hoạt động quản lý điều hành. Đây được coi là giải pháp "chống chậm" cho quá trình hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước TP. Hải Phòng, thực hiện hiện đại hóa công sở.

Hiện nay, tại TP. Hải Phòng có 49/49 cơ quan, đơn vị (19 sở, ban, ngành; 14 UBND quận, huyện; 16 chi cục, trung tâm, ban thuộc cấp Sở) thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 đã công bố HTQLCL phù hợp TCVN ISO 9001: 2015 đối với toàn bộ TTHC.

Bên cạnh đó, 217/217 xã, phường, thị trấn thuộc 14/14 quận, huyện thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 đã công bố HTQLCL phù hợp TCVN ISO 9001: 2015 đối với toàn bộ TTHC. 100% cơ quan, đơn vị nêu trên đã thực hiện ứng dụng CNTT vào hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL.

Như vậy, có thể thấy, 100% cơ quan hành chính nhà nước của TP. Hải Phòng đã được áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015; 100% thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ thành phố đến xã, phường, thị trấn hiện đã được áp dụng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.

Hải Phòng là một trong số ít địa phương trong cả nước hoàn thành việc áp dụng tiêu chuẩn này vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp thành phố đến cấp chính quyền cơ sở. Trong nhiều năm, TP. Hải Phòng luôn được Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ đánh giá cao về kết quả thực hiện chỉ số áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 trong Bộ chỉ số Par-Index cấp tỉnh. (Vietq.vn 13/4, Hà My)

HẢI QUAN

Hải Phòng có số bến cảng nhiều nhất Việt Nam

Cảng biển Hải Phòng nói riêng và cảng biển Việt Nam nói chung đã và đang phát huy tốt vai trò đầu mối thông thương hàng hóa trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước.

Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam với tổng số 286 bến cảng. Trong đó, Hải Phòng là địa phương có số bến cảng nhiều nhất (50 bến cảng), Bà Rịa - Vũng Tàu có 46 bến và thành phố Hồ Chí Minh có 42 bến.

Sau đó là Cần Thơ có 21 bến, Đồng Nai 18, Khánh Hòa 16, Quảng Ninh 13, Đà Nẵng 8; Nghi Sơn, Nghệ An, Dung Quất, mỗi khu vực cảng biển có 7 bến; cảng biển Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi khu vực có 6 bến.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải), với hệ thống bến cảng trải dài từ Bắc vào Nam, cảng biển Việt Nam đã và đang phát huy tốt vai trò đầu mối thông thương hàng hóa trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước. Trung bình mỗi năm, cảng biển Việt Nam đón khoảng 120.000 lượt tàu biển, với mức tăng trưởng tổng thể của hàng hóa đạt gần 16%/năm. Riêng năm 2020, tổng lượng hàng thông qua cảng biển Việt Nam đạt tới 692 triệu tấn, vượt 14-21% so với quy hoạch. (Doanhnghiephoinhap.vn 11/4; Truyền hình Nhân dân – Chương trình Thời sự 11h 30 11/4)

KINH TẾ   

Hải Phòng: Xây dựng quy chế quản lý Cụm công nghiệp

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng vừa giao cho Sở Công Thương xây dựng quy chế quản lý Cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn Hải Phòng.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, thực hiện cơ chế quản lý một đầu mối, tránh chồng chéo trong quản lý nhà nước, gây phiền hà cho doanh nghiệp đầu tư tại các CCN, Sở Công thương là đầu mối tham mưu, giúp UBND TP. Hải Phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; là đầu mối tiếp nhận, giải quyết hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu nại phát sinh trong quản lý, cung cấp các dịch vụ công cộng, tiện tích trong CCN và các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường tại CCN.

Tùy thực tế, khi thực hiện quản lý nhà nước đối với CCN, Sở Công Thương sẽ thực hiện quyền thanh tra, kiểm tra; rà soát; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp tại CCN để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đến những lĩnh vực liên quan của các doanh nghiệp.

Sở Công Thương cũng có trách nhiệm xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển CCN; điều chỉnh phương án hỗ trợ phát triển các CCN; thành lập, mở rộng các CCN; điều chỉnh quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng trong xây dựng các CCN; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN; thẩm định quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN; tiếp nhận dự án đầu tư vào CCN; quản lý các dịch vụ tiện ích công cộng tại CCN …

Được biết, từ năm 2017, Hải Phòng đã có Nghị quyết đến 2025, toàn TP sẽ có 33 CCN với tổng diện tích hơn 1.376,62 ha; tỷ lệ lấp đầy các CCN đạt khoảng 80 - 90% diện tích đất công nghiệp. Theo nghị quyết này, ngoài 3 CCN Vĩnh Niệm (quận Lê Chân), CCN Tàu thủy An Hồng (huyện An Dương) và CCN Tân Liên A (huyện Vĩnh Bảo) hiện hữu hơn 113 ha, Hải Phòng sẽ điều chỉnh, mở rộng 6 CCN là CCN Quán Trữ (quận Kiến An), CCN thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng), CCN Tân Trào (huyện Kiến Thụy), CCN An Lão (huyện An Lão), CCN Kiền Bái – Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên) và CCN Dũng Tiến – Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo) đồng thời  Hải Phòng sẽ quy hoạch 12 CCN mới với tổng diện tích 456,9 ha trên địa bàn các huyện Thủy Nguyên, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Dương.

Ngoài ra, Hải Phòng cũng thực hiện điều chỉnh, bỏ ra khỏi quy hoạch hơn 2.710 ha đất không phù hợp với điều kiện phát triển 18 CCN. Chủ yếu các CCN vốn được quy hoạch tại các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Hải An, Đồ Sơn, Kiến An ….

Hải phòng kỳ vọng, với việc có cơ chế mới về quản lý CCN, các CCN sẽ phát huy lợi thế, huy động được các nguồn lực, tạo bước phát triển đột phá về đổi mới mô hình tăng trưởng công nghiệp, thương mại, đưa nền kinh tế Hải Phòng có sức cạnh tranh cao. (Daidoanket.vn 12/4, Nam Khánh; Enternews.vn 13/4)

Hải Phòng: Các doanh nghiệp thuộc Khu kinh tế, Cụm công nghiệp thu hơn 100.000 tỷ đồng trong quý I

Tính riêng trong quý I/2021, doanh thu các doanh nghiệp trong Khu công nghệ (KKT), Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP. Hải Phòng ước đạt 103.453 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, đạt 25% so với kế hoạch năm.

Theo cổng thông tin điện tử Hải Phòng, hiện địa phương này có 24 Khu công nghiệp (KCN) với diện tích gần 11.000 ha. Trong đó, trong Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải có quy mô 22.540 ha, hiện có 12 KCN với diện tích gần 6.500 ha.

Ngoài KKT Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng còn có 12 KCN khác với diện tích hơn 4.500 ha. Trong giai đoạn 2021 – 2025, Hải Phòng dự kiến sẽ triển khai xây dựng thêm 15 KCN mới với tổng diện tích trên 6.200 ha.

Những năm qua, các dự án trong KCN, KKT hiện có đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm mới chiếm gần 80% giá trị sản xuất công nghiệp và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của địa phương. Qua đó, góp phần tăng thu ngân sách, mở rộng thị trường, tăng lượng hàng hóa qua cảng, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế thành phố.

Tính riêng trong quý I/2021, doanh thu các doanh nghiệp trong KKT, KCN trên địa bàn thành phố ước đạt 103.453 tỷ đồng, bằng 126% so với cùng kỳ, đạt 25% so với kế hoạch năm.

Giá trị xuất khẩu ước đạt 4 tỷ USD chiếm 86,6% kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI toàn thành phố, bằng 131% so với cùng kỳ, đạt 26% so với kế hoạch năm. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.276 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ và đạt 34% so với kế hoạch năm. (Doanhnghiep.kinhtechungkhoan.vn 12/4, Khải An)

Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu.

Dự án có quy mô 752 ha, thực hiện tại khu vực Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) do Công ty cổ phần Đầu tư Xuân Cầu - Lạch Huyện làm chủ đầu tư. Thủ tướng giao UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan liên quan và nhà đầu tư, bổ sung đánh giá toàn diện và đề xuất giải pháp khả thi đối với hoạt động lấn biển, tuân thủ quy định của pháp luật về hành lang bảo vệ bờ biển, bảo đảm phát triển bến vững, tránh các tác động tiêu cực đến an sinh xã hội, môi trường sinh thái, chế độ dòng chảy trong khu vực. Giám sát, đánh giá việc triển khai dự án trong quá trình xây dựng, đáp ứng kịp thời yêu cầu môi trường trong từng giai đoạn phát triển của dự án. (Nhân dân 13/4, tr3)

EVNNPT: Tiên phong xây dựng trạm biến áp số

Với mong muốn xây dựng, quản lý vận hành hệ thống điện truyền tải điện an toàn, hiệu quả, thích ứng với quá trình chuyển đổi số, hiện, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang xây dựng trạm biến áp (TBA) số 220kV Thuỷ Nguyên. Để rõ hơn về quá trình triển khai và lợi ích từ TBA số, phóng viên đã cuộc trao đổi với ông Lưu Việt Tiến – Phó Tổng giám đốc EVNNPT về vấn đề này.

Được biết, EVNNPT đang xây dựng TBA 220kV Thuỷ Nguyên là trạm biến áp số đầu tiên của Việt Nam, xin ông cho biết về kỹ thuật, công nghệ, cũng như tính ưu việt của nó so với các TBA thông thường?

TBA số 220kV Thuỷ Nguyên được trang bị hệ thống điều khiển bảo vệ tích hợp bằng máy tính của Siemens trong đó có những điểm khác biệt so với các TBA khác như: Mạng LAN mức thiết bị (Process Bus) sử dụng cáp quang theo giao thức truyền tin IEC 61850-9-2 kết nối các thiết bị điều khiển và bảo vệ của Siemens (như bảo vệ so lệch máy biến áp (F87T) 7UT86, bảo vệ so lệch đường dây (F87L) 7SL86, bảo vệ khoảng cách (F21) 7SA86, bộ điều khiển mức ngăn (BCU) 7SJ85…) với các thiết bị 6MU65 (gồm Merging Units (MU) và I/O (Breaker IEDs); Các thiết bị 6MU65 gồm MU chuyển tín hiện tương tự từ các biến điện áp và biến dòng điện cùng với tín hiệu đồng bộ thời gian để chuyển đổi thành tín hiệu kỹ thuật số cung cấp cho các thiết bị điều khiển, bảo vệ và các bộ I/O để trao đổi tín hiệu trạng thái, nhận lệnh đóng cắt các máy cắt, dao cách ly theo giao thức IEC 61850-9-2.

Nhờ trang bị Process Bus sử dụng cáp quang và MU, I/O, việc đầu tư TBA số 220kV Thủy Nguyên sẽ có những ưu điểm như: Giảm khoảng 80% lượng cáp đồng, giảm chi phí vận chuyển, thi công lắp đặt cáp đồng và giảm diện tích mương cáp do chỉ sử dụng cáp đồng đấu nối từ biến điện áp, biến dòng điện, máy cắt, dao cách ly đến thiết bị 6MU65 gồm MU và I/O. Việc kết nối từ 6MU65 đến các thiết bị điều khiển và bảo vệ bằng cáp quang trên mạng LAN mức thiết bị theo giao thức truyền tin IEC 61850-9-2; Giảm không gian lắp đặt các thiết bị điều khiển, bảo vệ do không dùng các I/O thông thường; và giảm nguy cơ sự cố do chạm chập cáp đồng.

Đây là một công nghệ mới với Việt Nam, vậy công nghệ này đã được sử dụng như thế nào trên thế giới?

TBA số không chỉ là công nghệ mới với Việt Nam mà còn với các nước tiên tiến trên thế giới. EVNNPT đã tổ chức nhiều hội thảo với các hãng lớn trên thế giới như Siemens, ABB, GE… về TBA số, tuy nhiên số TBA 220kV có quy mô tương tự TBA 220kV Thủy Nguyên (với 12 ngăn lộ 220kV, 20 ngăn lộ 110kV và 2 MBA 220kV-250MVA) sử dụng công nghệ TBA số là rất ít. Một số dự án đang triển khai tại Peru (TBA 220/138kV Trujillo và Socabaya), Ấn Độ (TBA 220/132/33kV Kekat Nimbhora), Pháp (TBA 225kV Blocaux)… mang tính chất thử nghiệm để đánh giá hiệu quả của công nghệ mới này.

Việc áp dụng công nghệ mới có khó khăn gì với EVNNPT trong quá trình đầu tư, triển khai dự án và EVNNPT đã làm gì để xử lý, khắc phục những khó khăn đó?

Do TBA số là công nghệ mới với Việt Nam, lần đầu tiên được EVNNPT triển khai ở quy mô TBA 220kV nên quá trình thiết kế gặp nhiều khó khăn. Song song với quá trình lập thiết kế kỹ thuật của dự án TBA 220kV Thủy Nguyên, EVNNPT đã lựa chọn Công ty DNV.GL Singapore Pte.Ltd để đánh giá, rà soát, hoàn thiện các yêu cầu kỹ thuật của hệ thống điều khiển trạm biến áp theo tiêu chuẩn IEC 618650 và đánh giá hệ thống điều khiển bảo vệ TBA 220kV Thủy Nguyên. Nhờ đó EVNNPT hoàn thiện yêu cầu kỹ thuật về TBA số 220kV Thủy Nguyên, làm cơ sở để lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực triển khai dự án.

Trong quá trình nghiệm thu TBA số 220kV Thủy Nguyên, các đơn vị liên quan trực thuộc EVNNPT gồm Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Truyền tải điện, Công ty Truyền tải điện 1 cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm về thí nghiệm, nghiệm thu TBA số. EVNNPT đã tổ chức họp với nhà thầu Siemens, đơn vị tư vấn thiết kế và các đơn vị liên quan để thống nhất về kết nối các MU với các BCU, chỉ đạo công tác thí nghiệm, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ, xây dựng quy trình nghiệm thu, quy trình vận hành TBA số.

Xin ông cho biết hiện nay dự án trên đang triển khai, thực hiện ra sao, dự kiến khi nào sẽ hoàn thành và hiệu quả của nó mang lại là gì?

Hiện nay dự án TBA số 220kV Thủy Nguyên đang trong giai đoạn nghiệm thu cuối cùng đối với hệ thống điều khiển, bảo vệ. Dự kiến trong tháng 04/2021 EVNNPT sẽ đóng điện đưa vào vận hành TBA số này, nhờ đó sẽ đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cho huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng và khu vực lân cận, giảm tổn thất điện năng và tăng cường liên kết, an toàn, ổn định và linh hoạt trong vận hành hệ thống điện.

Đồng thời, trong quá trình đầu tư, vận hành TBA số 220kV Thủy Nguyên, EVNNPT sẽ tổng kết, đánh giá các ưu/nhược điểm, lợi ích/chi phí, hiệu quả đầu tư của TBA số để làm cơ sở quyết định lựa chọn công nghệ điều khiển, bảo vệ TBA trong tương lai. (Congthuong.vn 12/4, Đ.Dũng)

Người con làng chài giúp ngư dân vươn khơi, bám biển

Hơn 10 năm qua, chị Bùi Thị Bình, người con của làng chài Thủy Giang, quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng đã giúp hàng chục hộ ngư dân tháo gỡ bài toán khó khăn về vốn để phát triển sản xuất, vươn khơi bám biển. Đồng thời, chị còn tìm đầu ra ổn định, thu mua chế biến hải sản tại chỗ, tạo thuận lợi cho tiêu thụ và gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần tạo thêm hàng trăm việc làm, cải thiện đời sống cho bà con địa phương.

Một ngày trung tuần tháng ba vừa qua, tôi có dịp về thăm Cơ sở thu mua chế biến của chị Bình tại làng chài Thủy Giang. Nhanh nhẹn, tháo vát và trẻ hơn rất nhiều so với độ tuổi 47 của những người phụ nữ miền biển là cảm nhận đầu tiên dễ nhận thấy ở chị. Bên hàng trăm thùng tép trắng ướp muối xếp thành hàng đang chờ xuất đi Hàn Quốc, chị Bình cho biết, ngay từ nhỏ chị đã quen với nghề chài lưới, khi trưởng thành thì buôn bán nhỏ lẻ hải sản của bà con trong làng sau đó bán lại cho các thương lái.

Đến năm 2008, thấy tép của bà con làm về không tiêu thụ được, xót xa trước cảnh được mùa biển nhưng thiếu đầu ra nên đời sống của bà con vẫn bấp bênh, chị quyết tâm đứng ra thành lập cơ sở thu mua chế biến và tìm đối tác tiêu thụ, giải cứu hải sản cho bà con.

Nghĩ là làm, chị sang Cát Hải, vào Thanh Hóa, liên kết với một số công ty sản xuất nước mắm, đứng ra làm đại lý thu mua tiêu thụ sản phẩm giúp bà con, chỉ hưởng 200 nghìn đồng mỗi đầu tấn từ các công ty liên kết. Cũng từ năm 2008, chị tìm được mối tiêu thụ sứa xuất đi Trung Quốc. Do bà con chưa có ngư cụ chuyên dụng đánh bắt sứa, chị gom số tiền buôn bán nhỏ bấy lâu và vay 10.000 USD của chị gái chồng đang làm ăn ở Đan Mạch, cho 56 hộ dân trong làng mượn (không tính lãi). Người ít thì được vay 5-10 triệu, người nhiều 20 triệu đồng để đầu tư lưới khai thác sứa về bán cho chị, mở ra sinh kế mới cho cả làng, nâng cao thu nhập.

Nhờ có đầu ra ổn định, đời sống bà con làng chài no đủ hơn, có tích lũy, nhiều hộ muốn đóng tàu to, mở rộng sản xuất. Thấy vậy, chị Bình bàn với gia đình, dốc toàn bộ vốn liếng cộng với sổ đỏ gia đình, sổ đỏ mượn của mẹ đẻ và chị gái đem thế chấp ngân hàng được cả thảy khoảng 6 tỷ đồng, đưa cho 25 hộ trong làng mượn (không lãi suất) để mua sắm tàu to, máy mới, tời, lưới... vươn khơi dài ngày trên biển. Đó là thời điểm năm 2009, chị Bình nhớ lại.

Không chỉ giúp bà con làng chài có vốn để mua sắm phương tiện đánh bắt, phát triển kinh tế, có thị trường tiêu thụ ổn định, mà chị còn xây dựng được nguồn cung ứng nguyên liệu vững vàng, hiệu quả. Được sự khuyến khích của chính quyền địa phương, chị bắt tay vào củng cố, đầu tư xây dựng cơ sở thu mua chế biến. Hiện, Cơ sở thu mua thủy hải sản Bình Phương của gia đình chị gồm 2 bến sản xuất: Một ở Đồ Sơn, một ở tại làng chài - nơi gia đình chị đã nhiều đời gắn bó. Riêng bến tại làng chài Thủy Giang, có 2 xưởng chế biến rộng 8.000 m2, được đầu tư hạ tầng chắc chắn, đường sá rộng rãi, thuận lợi cho xe tải trọng lớn vào chở hàng.

Chị Bình bật mí, hiện nay cơ sở đang chế biến xuất bán các sản phẩm như: Tép trượp làm mắm hoặc thức ăn chăn nuôi, tép đóng đá sấy khô, tép ướp muối xuất đi Hàn Quốc, làm mắm đặc (mắm tôm), cá duội khô và sứa muối xuất khẩu. Với sản lượng trung bình hàng năm: Tép 1.500 tấn, cá duội 200 tấn, sứa 300-400 tấn; tổng doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/năm.

Chị Bình đang ấp ủ kế hoạch sản xuất thêm sản phẩm nước mắm nhằm phát triển kinh tế gia đình, gia tăng giá trị cho hải sản địa phương và tạo thêm nhiều việc làm mới giúp bà con quê hương cải thiện đời sống. Ngoài ra, cơ sở sản xuất của chị còn tạo việc làm thường xuyên theo con nước (15 ngày/tháng) cho 10 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 7-10 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm thời vụ cho 25-30 lao động với thu nhập 7-9 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, nhờ chị cấp vốn làm ăn mua sắm ngư cụ, đóng tàu mở rộng sản xuất và bao tiêu sản phẩm mà hơn hai chục tàu cá lớn, nhỏ trong vùng cùng với hơn 100 ngư dân trong làng có điều kiện theo nghề bám biển, vươn khơi đánh bắt hải sản. Bà con có thu nhập ổn định, góp phần xây dựng khu dân cư ngày một khang trang, phát triển.

Là giáo dân kính Chúa, yêu nước, chị vinh dự được Ủy ban MTTQ TP. Hải Phòng tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo; được nhận Bằng khen của TƯ Hội LHPN Việt Nam trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi toàn quốc; được UBND TP. Hải Phòng tặng Bằng khen về thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chị còn là một trong 07 phụ nữ được nhận Giải thưởng Lê Chân, giải thưởng cao quý nhất của Phụ nữ Hải Phòng. (Phunuvietnam.vn 12/4, Phạm Quỳnh)

PHÁP LUẬT – AN NINH QUỐC PHÒNG     

Cục Quản lý thị trường Hải Phòng: Tăng cường kiểm tra, xử lý hàng “xách tay” hàng qua sử dụng

Báo Công lý đã liên tục đăng bài phản ánh tình trạng hàng “xách tay” hàng qua sử dụng bày bán tràn lan, khó kiểm soát trên địa bàn Hải Phòng. Ngay sau đó, Quản lý thị trường (Cục QLTT) đã ban hành kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Tổng Cục QLTT, Cục QLTT TP. Hải Phòng đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các Đội QLTT tập trung tăng cường kiểm tra, xử lý ngăn chặn tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố; đấu tranh phòng chống hiệu quả tình trạng tái phạm góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp, làm lành mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo ấn tượng tốt về hình ảnh đất nước con người Việt Nam trên trường Quốc tế.

Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hải Phòng cho biết: Thời gian qua, Cục QLTT TP. Hải Phòng đã tổ chức cho gần 2.000 hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; cung cấp tài liệu cảnh báo, hướng dẫn phân biệt hàng thật, hàng giả.

Qua công tác kiểm tra, kiểm soát từ năm 2020 đến nay, Cục QLTT TP. Hải Phòng phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm với số lượng hoàng hóa trị giá rất lớn. Xử phạt hành chính gần 4 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa sung công quỹ nhà nước gần 4 tỷ đồng. Tiêu huỷ 3.000 tuýp kem bôi, gần 1.400 sản phẩm mỹ  phẩm các loại, 3.000 sản phẩm quần áo các loại với trị giá hàng hoá tiêu huỷ hơn 2 tỷ đồng.

Được biết, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế tình trạng nhập lậu hàng hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Theo đó, mức phạt hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu đối với cá nhân lến đến 50.000.000 đồng, tổ chức lên đến 100.000.000 đồng tùy giá trị hàng hóa nhập lậu. Đặc biệt, mức phạt trên sẽ tăng lên gấp đôi nếu tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc có giá trị dưới 100.000.000 đồng.

Tuy nhiên, tình trạng hàng “xách tay” và hàng đã qua xử dụng vẫn tràn lan trên thị trường do tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng và lợi nhuận của người kinh doanh.

Bên cạnh đó, đối tượng kinh doanh những mặt hàng “xách tay”, hàng đã qua xử dụng chủ yếu thực hiện qua các nền tảng thương mại điện tử, bán theo đơn đặt hàng nên hàng  hoá sau khi được nhập thường chia nhỏ và gửi ngay theo đường chuyển phát nhanh cho khách hàng. Do đó, số lượng hàng hoá không nhiều gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát.

Ông Nguyễn Thế Hưng cho biết thêm, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, Cục QLTT cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra, kịp thời xử lý theo quy đinh những thông tin, địa chỉ kinh doanh do Báo Công lý phản ánh. (Congly.vn 12/4, Hùng Minh -Trần Khanh)

Phối hợp thực hành huấn luyện trên biển

Từ ngày 12 đến 15/4, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 phối hợp với Cục Hải quan TP. Hải Phòng tổ chức đợt huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ.

Tổ giáo viên của Vùng Cảnh sát biển 1 sẽ trực tiếp huấn luyện lý thuyết tại bến và thực hành trên biển với các nội dung: Nhiệm vụ tuần- tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và phương pháp điều động tàu cao tốc truy đuổi tàu vi phạm; quy trình kiểm tra, kiểm soát, khống chế tàu vi phạm; kỹ thuật sơ cấp cứu người bị nạn trên biển và kỹ thuật sử dụng vũ khí quân dụng.

Đây là dịp nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm an toàn về người và phương tiện cho lực lượng làm nhiệm vụ trên tàu tuần tra của Cục Hải quan TP. Hải Phòng. Hoạt động này còn góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế phối hợp hoạt động giữa Vùng Cảnh sát biển 1 và Cục Hải quan TP. Hải Phòng. (Quân đội nhân dân 13/4, tr3)

XÃ HỘI     

Hải Phòng: Xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu theo tiêu chí đô thị

Năm 2021, TP. Hải Phòng lựa chọn chủ đề năm “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu”. Công trình tại xã Nông thôn mới kiểu mẫu phải tiệm cận các tiêu chí của đô thị, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chăm lo cuộc sống của người dân nông thôn.

Thực hiện chương trình xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu theo chủ trương của Thành ủy, Nghị quyết số 56 ngày 9/12/2019 của HĐND TP. Hải Phòng và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đề ra đến năm 2025 có “100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã Nông thôn mới kiểu mẫu”, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng phối hợp với các Sở, ngành địa phương rà soát, tham mưu UBND TP. Hải Phòng triển khai thực hiện 244 công trình về Nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong năm 2020, các địa phương trên địa bàn TP. Hải Phòng đã triển khai thực hiện và hoàn thành 38 công trình, còn 206 công trình sẽ tiếp tục triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Việc xây dựng các công trình xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng nông thôn. Nhân dân đồng tình và ủng hộ rất cao, góp phần từng bước đô thị hóa các vùng nông thôn. Trong số 38 công trình đã hoàn thành trong năm 2021, có 939 hộ dân hiến 32.568m2 đất, gồm 12.423m2 đất ở, 20.145m2 đất nông nghiệp; giải tỏa vật kiến trúc của 726 hộ…

UBND TP. Hải Phòng vừa có chỉ đạo, yêu cầu UBND các huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất để giải phóng mặt bằng mở rộng đường, khẩn trương đầu tư xây dựng, hoàn thành các công trình còn lại của 8 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trước ngày 30/9/2021. UBND các huyện chủ động tổ chức rà soát tổng thể lại các xã, đề xuất kế hoạch, lộ trình cụ thể để đầu tư xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung nghiên cứu một số tiêu chí về giao thông như chiều rộng mặt đường, vỉa hè điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước, cây xanh; việc bố trí bãi rác tập trung, tổ chức thu gom rác… phù hợp với thực tế và tương lai phát triển dân cư. Các ngành chức năng tham mưu, đề xuất đầu tư xây dựng các xã còn lại của giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng ưu tiên đầu tư trước cho các xã còn lại của huyện An Dương và Thủy Nguyên. Đồng thời, rà soát các tuyến đường, đảm bảo tuân thủ theo Bộ Tiêu chí xây dựng xã Nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025.

Ngày 24/3/2021, UBND TP. Hải Phòng có Văn bản số 1836/UBND-NN về việc xây dựng nông thôn mới năm 2021. Trong đó, UBND TP. Hải Phòng giao UBND các huyện: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão sử dụng nguồn vốn theo chỉ đạo tại Thông báo số 333/TB-UBND ngày 18/9/2020 của UBND TP. Hải Phòng, nguồn vốn đầu tư công của huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai đầu tư xây dựng và hoàn thành tiêu chí huyện Nông thôn mới trong năm 2021 theo quy định. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn, giám sát các huyện thực hiện theo quy định.

Đồng thời, UBND TP. Hải Phòng có một số điều chỉnh về lựa chọn các xã xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. Theo đó, giữ nguyên tổng số 14 xã, tùy yêu cầu của các địa phương sẽ có lựa chọn phù hợp. Cụ thể, huyện Thủy Nguyên có 5 xã gồm: Kênh Giang, Liên Khê, Lưu Kiếm, Thủy Đường, Hòa Bình. Huyện An Dương có 3 xã gồm: Quốc Tuấn, An Hòa, Đặng Cương. Huyện Vĩnh Bảo có các xã: Tam Đa, Hòa Bình; huyện Tiên Lãng có các xã: Cấp Tiến, Tiên Thắng; huyện Kiến Thụy có xã Thanh Sơn; huyện An Lão có xã Chiến Thắng.

TP. Hải Phòng sẽ ưu tiên dành nguồn lực tập trung xây dựng các xã Nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, 14 xã này sẽ được đầu tư kinh phí khoảng 2500 tỷ đồng, bình quân mỗi xã 180 tỷ đồng. TP. Hải Phòng sẽ bố trí nguồn vốn đầu tư công 944,4 tỷ đồng. Trong đó, năm 2021, đã phân bổ cho 8 xã thí điểm năm 2020 là 420 tỷ đồng. Số còn lại bố trí cho 14 xã, dự kiến bình quân mỗi xã 37 tỷ đồng.

Được biết, nguồn ngân sách của huyện bố trí bổ sung từ nguồn đấu giá đất huyện được để lại và 50% số vốn đầu tư công phân cấp cho các huyện. Phần còn thiếu sẽ cân đối bổ sung trong năm 2022. Trước đó, TP. Hải Phòng bố trí hơn 660 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công của thành phố để xây dựng thí điểm 8 xã Nông thôn mới kiểu mẫu gồm các xã: Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo); Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng); Thụy Hương (huyện Kiến Thụy); Tân Dân (huyện An Lão); Đồng Thái (huyện An Dương); Gia Minh, Gia Đức (huyện Thủy Nguyên) và Xuân Đám (huyện Cát Hải). (Baoxaydung.com.vn 12/4, Hải Nguyên – Đăng Hùng)

Phát động cuộc thi viết “Công an xã – Những tấm gương sáng đẹp”

Ngày 12/4, Công an TP. Hải Phòng tổ chức lễ phát động cuộc thi viết “Công an xã – Những tấm gương sáng đẹp” trên Chuyên đề An ninh Hải Phòng của Báo Công an nhân dân.

Đến dự có Đại tá Trần Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục truyền thông Công an nhân dân cùng đại diện lãnh đạo TP. Hải Phòng và các ban, ngành liên quan.

Cuộc thi viết “Công an xã – Những tấm gương sáng đẹp” được tổ chức nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng CAND trong công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), trong đó khẳng định hiệu quả của việc triển khai bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã; khẳng định tính đúng đắn của phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” của Bộ Công an. Đồng thời thể hiện việc xây dựng Công an xã chính quy là cần thiết, đáp ứng yêu cầu bảo đảm ANTT và phát triển kinh tế ở cơ sở trong tình hình hiện nay. Thông qua cuộc thi cũng để nhằm phát hiện, tôn vinh, tuyên truyền các tập thể Công an xã, cán bộ, chiến sĩ công tác tại Công an xã có thành tích nổi bật trên các mặt công tác, chiến đấu…

Cuộc thi viết “Công an xã – Những tấm gương sáng đẹp” được phát động từ nay đến hết ngày 31/7/2021, với đối tượng dự thi là toàn thể cán bộ, chiến sĩ, người lao động đang công tác tại Công an các đơn vị, địa phương thuộc Công an TP. Hải Phòng. (Cand.com.vn 12/4, V.Huy; Baophapluat.vn 12/4; Baodautu.vn 12/4; Baodautu.vn 12/4; Tuoitrethudo.com.vn 12/4; Pháp Luật Việt Nam 13/4, tr4)

Hơn 1,2 triệu bài dự thi tìm hiểu tem bưu chính năm 2021

Có chủ đề “Tuổi trẻ Việt Nam qua con tem bưu chính”, qua 05 tháng triển khai, cuộc thi Sưu tầm và tìm hiểu tem bưu chính năm 2021 đã thu hút hơn 1,2 triệu bài dự thi hợp lệ của thiếu nhi cả nước.

Ngày 12/4, tại TP. Hải Phòng, Hội đồng Đội Trung ương, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Hội Tem Việt Nam tổ chức tổng kết cuộc thi Sưu tầm và tìm hiểu tem bưu chính năm 2021.

Thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, cuộc thi Sưu tầm và tìm hiểu tem bưu chính năm 2021 diễn ra từ 10/2020 đến giữa tháng 3/2021.

Nội dung cuộc thi xoay quanh truyền thống vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, những hy sinh, đóng góp to lớn của thế hệ trẻ trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Theo bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương, thông qua những con tem bưu chính, cuộc thi sẽ tuyên truyền, giáo dục, khơi gợi lòng tự hào dân tộc, hun đúc tình yêu quê hương đất nước, trách nhiệm của thế hệ măng non, trở thành động lực để các em thi đua học tập, rèn luyện, xứng đáng là những con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan của Bác Hồ.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao 01 giải đặc biệt cho em Lê Hoàng, học sinh lớp 4C2, trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng; 02 giải nhất thuộc về em Lê Trọng Hiếu, lớp 9/2, trường THCS Lê Quý Đôn, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai và em Lê Minh Đức, lớp 5H7, trường tiểu học Lê Hồng Phong quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng.

Ban tổ chức còn trao 04 giải nhì, 10 giải ba và 20 giải khuyến khích cho các cá nhân; ngoài ra còn trao 15 giải tập thể trong đó có 5 giải A thuộc về Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Liên đội trường tiểu học Chu Văn An, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng và Liên đội trường tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng. (Dangcongsan.vn 12/4, Hải My; Viettimes.vn 12/4; Hanoimoi.com.vn 12/4; Baodansinh.vn 12/4; Tienphong.vn 12/4; Nhandan.com.vn 12/4; Daidoanket.vn 13/4; Nhân dân 13/4, tr3; Tiền phong 13/4, tr7; Đại đoàn kết 13/4, tr8)

Đa dạng hình thức tuyên truyền về bầu cử đến đoàn viên

Chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Fujikura Composites Hải Phòng (Khu công nghiệp Nomura) vừa tổ chức game show "CĐ với ngày hội non sông".

Tham gia game show, 4 đội chơi đến từ các tổ CĐ đã trải qua 3 phần thi: Cử tri thông thái, Cử tri hành động, Ngày hội non sông. Thông qua game show, đoàn viên - lao động có sân chơi lành mạnh, bổ ích và nâng cao kiến thức về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Từ đó góp phần giúp cuộc bầu cử đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. (Nld.com.vn 13/4, N.Tú)

Cả nước có 71 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền đủ điều kiện hoạt động

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa cho biết, năm 2021, toàn quốc có 71 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố ven biển đủ điều kiện hoạt động.

Các khu neo đậu này có thể tiếp nhận tàu cá có chiều dài từ 15m đến 60m vào tránh trú bão. Trong số 71 khu neo đậu tránh trú bão, có 16 khu neo đậu cấp vùng, còn lại là các khu neo đậu cấp tỉnh.

TP. Hải Phòng có nhiều khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá nhất với 6 khu neo đậu, sức chứa 2.900 tàu cá. Tiếp đến là tỉnh Nghệ An, có 5 khu neo đậu tránh trú bão đủ điều kiện hoạt động.

Các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, mỗi tỉnh có 4 khu neo đậu tránh trú bão. Các tỉnh còn lại có từ 1-3 khu neo đậu tránh trú bão đủ điều kiện. Riêng tỉnh Ninh Bình không có khu neo đậu nào đủ điều kiện cho tàu cá tránh trú bão.

Tính chung, trên cả nước, có 3 khu neo đậu tránh trú bão đủ điều kiện hoạt động có sức chứa 2.000 tàu cá bao gồm: Khu neo đậu vịnh Xuân Đài (Phú Yên), vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh).

12 khu neo đậu cho tàu cá tránh trú bão có sức chứa từ 1.000 tàu đến dưới 2.000 tàu, bao gồm: Khu neo đậu Trân Châu (Hải Phòng), Thanh Phú (Bến Tre), Định An (Trà Vinh), Sông Đốc, Rạch Gốc (Cà Mau), Hòn Tre (Kiên Giang) có sức chứa 1.000 tàu. Khu neo đậu Tam Quan (Bình Định) có sức chứa 1.200 tàu cá, Sông Tắc - Hòn Rớ (Khánh Hòa) 1.500 tàu, cửa Ninh Chữ (Ninh Thuận) 1.884 tàu, Cà Ná (Ninh Thuận) 1.257, Phú Hải (Bình Thuận) 1.200 tàu, La Gi (Bình Thuận) 1.600 tàu và vịnh Bến Đầm (Bà Rịa - Vũng Tàu) 1.200 tàu cá.

Theo quyết định số 1404/QĐ-BNN-TCTS về việc công bố danh sách khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động năm 2021, UBND các tỉnh, thành phố ven biển có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố phát sinh đối với các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn quản lý để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá vào tránh trú bão.

Danh sách khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền được rà soát, công bố hằng năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu, trước ngày 1-2-2022, UBND các tỉnh, thành phố ven biển tiến hành rà soát, thống kê báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn danh sách khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động để bộ công bố trên phạm vi cả nước theo quy định tại điều 86 Luật Thủy sản. (Bienphong.com.vn 12/4, Bích Nguyên)

Về Hải Phòng ăn bầu “siêu to khổng lồ”

Từ hàng trăm năm nay, người dân ở H.Cát Hải (TP. Hải Phòng) lưu truyền một giống bầu cho quả cực lớn, có thể nấu ăn rất ngon hoặc làm gáo múc nước làm muối. Chúng tôi tạm gọi đó là giống bầu khổng lồ.

Về Hải Phòng một ngày đầu năm, chúng tôi tình cờ gặp bà Đỗ Thị Minh, 68 tuổi, cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của tổ dân phố số 10, P.Đằng Hải, Q.Hải An, TP. Hải Phòng. Bà Minh đang ở trong bếp và gọt vỏ một lát cắt của một trái cây gì đó rất lớn. Bà bảo đây là một phần của quả bầu khổng lồ mà hàng xóm vừa mang cho.

“Ông ấy tên là Phạm Quang Xá, người gốc xã Nghĩa Lộ, H.Cát Hải. Ở Cát Hải có giống bầu khổng lồ, ông ấy mang về đây trồng, ra quả thì cắt cho hàng xóm mỗi nhà một miếng nấu canh”, bà Minh nói, đồng thời cho biết có cháu dâu cũng là người gốc Cát Hải, cũng hay về quê và mang bầu ra chia cho họ hàng. Bà mời chúng tôi ở lại ăn thử cho biết thế nào là canh bầu khổng lồ Cát Hải.

Canh bầu khổng lồ nấu với tôm biển bóc nõn đập dập rất ngon. Thịt bầu không nát như bầu thường mà có độ trong và cứng vừa phải, vị thanh mát dễ chịu. Ăn xong bát canh bầu, chúng tôi quyết định phải sang chiêm ngưỡng giống bầu hiếm gặp này.

Nhà ông Xá cách nhà bà Minh khoảng 50 m, trước cửa là thửa vườn với giàn bầu gần chục quả lớn nhỏ. Có khoảng 5 - 6 quả bầu khổng lồ đã “siêu to khổng lồ” với quả lớn nhất đường kính gần 30 cm, chiều cao gần 20 cm. Gia chủ đã dùng các tấm gỗ đỡ phía dưới và treo lên giàn để quả bầu khổng lồ không lôi cả dây xuống đất vì nặng quá.

Ông Xá có vẻ hiểu biết và đã đi khắp đó đây nhưng nói rằng chưa gặp ở đâu có giống bầu to quả như ở quê mình. Ông cũng cho biết khu vực này vốn là làng hoa, có chất đất tốt và cũng trồng được rất nhiều sản vật ngon nổi tiếng như ớt, dưa chuột, táo… Tuy nhiên, giống bầu mà ông mang về đây trồng trông to nhưng vẫn không bằng ở quê gốc Cát Hải, có lẽ do bầu hợp đất pha cát, ngấm nước mặn ở đảo. Ông nói rằng muốn nghe chuyện quả bầu khổng lồ chính hiệu thì phải ra Cát Hải.

Người đầu tiên chúng tôi gặp ở Cát Hải là ông Nguyễn Hữu Thiệu, 59 tuổi, người xã Hoàng Châu, H.Cát Hải. Từ thái độ thăm dò, khi nghe chúng tôi muốn “phỏng vấn” về giống bầu khổng lồ, ông Thiệu lập tức tỏ ra hào hứng, nói: “Tôi sinh ra ở đây. Từ bé đã thấy các cụ trồng giống bầu này rồi. Đảo Cát Hải ngày xưa có nghề muối, người ta lấy cái vỏ quả bầu làm gáo múc nước làm muối. Bầu để già, rụng hết lá mới hái quả xuống phơi khô, rồi lấy con dao nhọn khoét ruột ra, rồi đục lỗ, tra cán. Một cái gáo như thế có thể dùng đến 2 mùa muối không hỏng”.

Những năm 1970, nhà ông Thiệu trồng bầu, mỗi năm bán cho hợp tác xã hàng trăm quả, mỗi quả 3 đồng. Hợp tác xã sau đó bán lẻ cho diêm dân giá 4 - 5 đồng để làm gáo.

“Nhà tôi giờ vẫn trồng bầu, trên diện tích khoảng 500 m2, mỗi năm được đôi trăm quả. Cát Hải giờ mất nghề muối, không ai dùng gáo nữa thì bầu để nấu canh, lúc đắt giá đến 20.000 đồng/kg, rẻ thì 10.000 đồng. Năm ngoái nhà tôi có gốc được đến 5 chục quả, quả to nặng đến 15 kg, đem bán tính ra lãi hơn trồng các cây khác”, ông Thiệu nói, và cho biết ở xã Hoàng Châu còn nhà các ông Ngô Quang Hiện, Bùi Văn Cầm vẫn còn trồng bầu với diện tích hàng trăm mét vuông.

“Anh muốn trồng thì vào xóm mà mua hạt, khoảng tháng 8 - 9 âm lịch thì trồng mỗi bầu khoảng 3 cây, bón phân lợn. Bầu leo lên giàn hay mái nhà đều được, ra giêng sẽ được quả ăn. Nhưng chỉ trồng ở Cát Hải này thì bầu mới to ngon chứ nơi khác thì không”, ông Thiệu nói và cho biết, nhiều người dân Cát Hải đi nơi khác lập nghiệp như ông Xá kể trên đều mang giống bầu đi trồng nhưng quả không được to, ngon.

Để có một cái nhìn “tổng quan” về cây bầu khổng lồ ở Cát Hải, chúng tôi liên hệ với UBND H.Cát Hải và được một lãnh đạo huyện giới thiệu đến ông Phạm Khắc Chỉnh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộ, là xã trồng nhiều bầu nhất đảo Cát Hải.

Ông Chỉnh 54 tuổi, người gốc Cát Hải và cũng thấy bầu khổng lồ được trồng từ thời các cụ, có lẽ là hàng trăm năm trước và cũng chưa thấy ở đâu có, dù đã đi nhiều nơi. Theo ông Chỉnh, trên đảo Cát Hải, xã trồng bầu nhiều nhất là Nghĩa Lộ. Các xã Văn Phong, Hoàng Châu cũng trồng nhưng ít hơn.

Ông Chỉnh cho biết, bầu khổng lồ là cây trồng mang lại giá trị kinh tế, nhưng do quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp bị thu hẹp nên chỉ một số hộ dân còn trồng được. Dưới góc độ chính quyền, ông Chỉnh cũng lo một ngày nào đó giống cây đặc sản này có thể thất truyền ở Cát Hải.

“Bầu khổng lồ phải hái đúng lúc bánh tẻ mới ngon. Có thể xào tỏi, nhúng lẩu, nhưng tuyệt nhất là nấu canh với tôm tươi. Đặc biệt là các cụ quê tôi khi nấu canh bầu này thì cho thêm vào một ít rau dền cơm, canh sẽ rất ngon ngọt, xứng đáng là đặc sản”, ông Chỉnh quảng cáo sau khi mời chúng tôi ở lại để UBND xã đãi món canh bầu khổng lồ. (Thanhnien.vn 12/4)

“Se Sẽ Chứ” 2021, một sự kiện văn hóa nổi bật của tháng Tư

Tuần ‘Se Sẽ Chứ' diễn ra từ 12 – 18/4 tại Hà Nội, Hải Phòng, Hội An, TP. Hồ Chí Minh, với nội dung tôn vinh hai nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, đã chứng tỏ khả năng tổ chức và liên tài của đạo diễn hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Điệp.

Se Sẽ Chứ năm nay đã bay tới các thành phố khác để kết nối những tâm hồn đồng điệu với thi ca. Mỗi điểm thơ là một “cái tôi”, một “cá tính” độc đáo nhưng đều chất chứa sự rung động của công chúng với nghệ thuật nói chung và Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ nói riêng.

Se Sẽ Chứ Hải Phòng - Từ Cửa biển diễn ra vào 17-18/4 là cuộc hội ngộ của những văn nghệ sĩ cùng thời Lưu Quang Vũ với những hoạt động đặc biệt như: toạ đàm về dấu ấn của thành phố cảng Hải Phòng trong đời sống sáng tác của Lưu Quang Vũ, cuộc thi sáng tác mang tên “Viết cho em từ cửa biển”, đêm thơ trong không gian Ga Sách Bụi - “nghĩa trang” của những cuốn sách cũ quý giá.

Trong 2021, dự án tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các thế hệ nghệ sĩ như NSND Lê Khanh, diễn viên Chiều Xuân, NSƯT Đỗ Kỷ - NSND Lan Hương, đạo diễn Nguyễn Thước, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Trần Thị Trường, nhà văn Trương Quý, nhạc sĩ Lê Tâm, nhà thơ Hàm Anh, nhà thơ Dạ Thảo Phương,... Bên cạnh những nghệ sĩ kỳ cựu, Se Sẽ Chứ 2021 cũng có sự góp mặt của những gương mặt trẻ tiêu biểu như MC Thu Hà, MC Phí Linh, MC Lê Anh,... Sự hưởng ứng này chắc chắn sẽ là sải cánh rộng giúp Se Sẽ Chứ bay xa hơn nữa tới với cộng đồng yêu thi ca. (Suckhoedoisong.vn 12/4, Q.Hoa)

GIAO THÔNG

Hoàn thành 3 dự án đường bộ quan trọng, cấp bách

Ba dự án đã hoàn thành gồm: Dự án đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình, QL4 và QL3B.

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, trong số 10 dự án đường bộ cấp bách thực hiện theo Nghị quyết 556/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay, 3 dự án đã hoàn thành xây dựng, còn lại 7 dự án đang triển khai thi công.

Cục QLXD&CLCTGT cho biết, 3 dự án đã hoàn thành xây dựng gồm: Dự án tuyến nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án nâng cấp QL4 đoạn nối Hà Giang - Lào Cai và dự án cải tạo, nâng cấp QL3B đoạn Xuất Hóa - cửa khẩu Pò Mã, tỉnh Bắk Kạn.

Theo Cục QLXD&CLCTGT, trong 7 dự án đang triển khai thi công, có 4 dự án chậm tiến độ, gồm: Dự án nâng cấp, cải tạo QL53; nâng cấp, cải tạo QL24; nâng cấp, cải tạo QL25 và dự án xây dựng QL27 đoạn tránh Liên Khương.

“Các dự án chậm tiến độ chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương nơi dự án đi qua chậm trễ và công tác thi công của các nhà thầu còn chậm”, Cục QLXD&CLCTGT cho biết và thông tin thêm, theo kế hoạch, toàn bộ các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách sẽ hoàn thành thi công vào tháng 6/2021.

Theo Nghị quyết 556 ngày 31/7/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 10 dự án đường bộ quan trọng, cấp bách (TMĐT: 8.000 tỷ đồng) gồm: Dự án đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn; xây dựng QL27 đoạn tránh Liên Khương; nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; đường nối QL4C và 4D (Km238 - Km414).

Dự án nâng cấp, cải tạo QL3B (Km0 - Km 66+600); nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp; cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL24; cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL25; cải tạo, nâng cấp QL57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày. (Baogiaothong.vn 12/4, Đình Quang)

BÁO ĐỊA PHƯƠNG

Liên đoàn lao động thành phố trồng cây "Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu"

Sáng 10/4, tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức chương trình trồng cây "Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu".

Tại chương trình, Công đoàn ngành Xây dựng Hải Phòng và Liên đoàn Lao động quận Hải An hỗ trợ trồng 120 cây phượng vĩ, Công đoàn trường Đại học Hải Phòng hỗ trợ trồng 15 cây sấu trên tuyến đường Nam Tử 2, An Thạch với tổng chiều dài 1,6km.

 Trước đó, ngay từ đầu tháng 3/2021, Liên đoàn Lao động TP đã phát động kế hoạch công nhân, viên chức, lao động TP chung tay xây dựng nông thôn mới, hưởng ứng chủ đề năm 2021 của thành phố "Đẩy mạnh chỉnh trang hiện đại hoá đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu" với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa: trồng cây xanh, hỗ trợ tuyến đường điện chiếu sáng, hỗ trợ cơ sở vật chất cho các nhà văn hoá xã... tại các huyện của thành phố. (Anhp.vn 12/4, Thái Bình)

Công an thành phố triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19

Ngày 12/4, Bệnh viện Công an thành phố tổ chức tiêm vaccine phòng ngừa bệnh Covid-19 cho cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương thuộc Công an thành phố, đợt 1 năm 2021. Thượng tá Lê Trung Sơn, Phó Giám đốc Công an thành phố dự, chỉ đạo.

Theo kế hoạch của Giám đốc Công an thành phố, trong đợt 1, Công an thành phố tổ chức ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng: cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ tham gia công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19; Ban giám đốc Công an thành phố; cán bộ, chiến sĩ Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bệnh viện Công an thành phố (trực thuộc Phòng Hậu cần) và Trại tạm giam Công an thành phố… (Anhp.vn 12/4, Thế Khoa)

Khai mạc cuộc thi vẽ tranh theo sách, báo năm 2021 với chủ đề “Em vẽ ước mơ của em”

Sáng 10/4, tại Thư viện sách đọc miễn phí quận Lê Chân, Trung tâm Văn hoá-Thông tin và Thể thao phối hợp với Phòng Giáo dục và Thời đại quận Lê Chân tổ chức Cuộc thi vẽ tranh theo sách, báo năm 2021 với chủ đề: “ Em vẽ ước mơ của em”. Đến dự có đồng chí Phạm Việt Anh – Phó Chủ tịch UBND quận Lê Chân.

Thông qua cuộc thi nhằm khơi dậy cho các em niềm đam mê và trí sáng tạo, thể hiện ý tưởng, năng khiếu, suy nghĩ hành động những điều hay lẽ phải, cảm thụ cái đẹp trong sách báo, góp phần khuyến khích các em đọc sách báo nhiều hơn, hoàn thiện nhân cách và lối sống đúng đắn cho thế hệ trẻ tương lai của đất nước. (Anhp.vn 12/4, Thái Bình)./.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn