Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 02/3/2021)

 

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Nhiều người dân Hải Phòng tới Quảng Ninh đã buộc phải "quay đầu"

Nhiều người dân Hải Phòng làm thủ tục khai báo y tế để vào tỉnh Quảng Ninh tại Trạm kiểm soát dịch COVID-19 ở cầu Bạch Đằng đã buộc phải quay lại vì thuộc diện nằm trong vùng dịch COVID-19.

Đầu giờ chiều 1/3, nhiều người dân Hải Phòng làm thủ tục khai báo y tế để vào tỉnh Quảng Ninh tại Trạm kiểm soát dịch COVID-19 ở cầu Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã buộc phải quay lại vì thuộc diện nằm trong vùng dịch COVID-19 của Hải Phòng.

Theo lực lượng thực thi nhiệm vụ ở trạm kiểm soát dịch COVID-19 ở cầu Bạch Đằng, người dân ở quận Hồng Bàng, Lê Chân và huyện Thủy Nguyên của TP. Hải Phòng không được vào tỉnh Quảng Ninh hoặc phải thực hiện cách ly tập trung tự trả phí. Nguyên nhân là 3 địa phương trên đều có người mắc COVID-19. Cách áp dụng này đã khác nhiều so với tuần trước, khi Quảng Ninh chỉ áp dụng hạn chế vào tỉnh đối những công dân ở các xã, phường có dịch ở TP. Hải Phòng.

Tại thời điểm 15 giờ ngày 1/3, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho hay: Chưa có thông tin thay đổi nào trong việc áp dụng các biện pháp hạn chế ra, vào tỉnh Quảng Ninh kể từ ngày 16/2 đến nay.

Hiện nay, việc kiểm soát người ra, vào tỉnh Quảng Ninh đang được áp dụng theo công văn số 910/UBND-DL1 ngày 15/2 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, tỉnh bố trí cơ sở cách ly tập trung theo hình thức tự trả phí đối với tất cả người đến Quảng Ninh từ tỉnh Hải Dương và các ổ dịch tại các tỉnh, thành phố khác trong nước (là những khu vực có quyết định phong tỏa hoặc giãn cách xã hội).

Theo cách hiểu tại văn bản này, các ổ dịch là những khu vực có quyết định phong tỏa hoặc giãn cách xã hội. Tuy nhiên, cả ba quận, huyện Lê Chân, Hồng Bàng, Thủy Nguyên đều không thuộc diện bị phong tỏa, giãn cách xã hội toàn diện.

UBND TP. Hải Phòng chỉ quyết định phong tỏa một số khu vực, địa điểm ở các xã, phường liên quan đến ba ca mắc COVID-19 như phường Dư Hàng (Lê Chân), phường Hùng Vương (Hồng Bàng), xã Hoàng Động (Thủy Nguyên)… Như vậy, việc áp dụng quy định của tỉnh Quảng Ninh đang được lực lượng thực thi hiểu theo cách khác nhau, gây bất lợi cho người dân!

Ngoài ra, dù đã triển khai khai báo y tế điện tử nhưng việc lưu thông tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở chân cầu Bạch Đằng thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh khá chậm, gây dồn ứ và ách tắc giao thông. Đặc biệt là chiều vào tỉnh Quảng Ninh, bình quân mỗi phương tiện phải mất từ 30 – 40 phút để qua chốt kiểm soát.

Trong khi đó, từ 18 giờ ngày 26/2, TP. Hải Phòng đã dừng việc áp dụng các biện pháp tạm thời không cho vào, hoặc buộc phải cách ly tập trung tự trả phí đối với tất cả người dân đi từ tỉnh Quảng Ninh (trừ thị xã Đông Triều).

Thành phố đã tạm dừng hoạt động một loạt các chốt kiểm soát dịch COVID-19, trong đó có 2 chốt tiếp giáp với tỉnh Quảng Ninh ở chân cầu Đá Bạc – Quốc lộ 10 (huyện Thủy Nguyên) và chốt nút giao Tân Vũ, phía sau đường cao tốc Hà Nội –Hải Phòng – Quảng Ninh. (TTXVN/Bnews.vn/Baotintuc.vn 01/3, Văn Đức)

Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam: Hỗ trợ Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng chống dịch COVID-19

Công doàn Giao thông Vận tải Việt Nam (GTVTVN) vừa có quyết định hồ trợ kinh phí cho Bệnh viện Giao thông vận tải (GTVT) Hải Phòng trong công tác chăm lo người lao động và phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thế, Công doàn GTVTVN hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ xã hội - Từ thiện Công đoàn GTVTVN cho tập thể và đoàn viên công đoàn, người lao động tại Bệnh viện GTVT Hải Phòng (thuộc Cục Y tế GTVT) đang bị phong tỏa do có 2 điều dưỡng viên dương tính khi xét nghiệm SARS- CoV-2.

Hiện có 27 cán bộ, CNVCLĐ đang cách ly ở trong bệnh viện. Công đoàn GTVTVN cũng giao Công đoàn Cục Y tế GTVT chỉ đạo Công đoàn Bệnh viện GTVT Hải Phòng mua trang thiết bị thiết yếu phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động đang thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, Công đoàn GTVTVN yêu cầu Công đoàn Cục Y tế GTVT, Công đoàn Tổng Công ty Cảng hàng không VN, Công đoàn Tổng Công ty Quản lý bay VN thực hiện ngay các giải pháp phòng chống dịch và chăm lo người lao động. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ sức khỏe, chăm lo đời sống, việc làm cho người lao động, Công doàn GTVTVN để nghị các tổ chức công đoàn trên thực hiện nghiêm Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, các chi đạo của Bộ GTVT, Tổng LĐLĐVN về công tác phòng chống dịch và văn bản số 44 của công đoàn ngành về việc phản ứng kịp thời phòng, chống dịch bệnh COVID-19.  (Lao động 02/3, tr5, Hà Anh)

Hải Phòng: Kiểm soát công nhân đến từ vùng dịch như thế nào?

TP. Hải Phòng hiện có 12 Khu công nghiệp (KCN) với hơn 155.000 lao động. Để đảm bảo an toàn cho hàng chục nghìn lao động vừa quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, TP. Hải Phòng đã triển khai những biện pháp gì?

Cuối tháng 1/2021, Hải Dương ghi nhận một nữ công nhân thuộc công ty TNHH POYUN dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau đó, tỉnh Hải Dương quyết định đóng cửa phân xưởng cắt, xét nghiệm toàn bộ công dân Công ty điện tử POYUN. Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi số ca bệnh liên quan đến công ty TNHH POYUN bùng phát với số lượng lớn.

Sau đó, tỉnh Hải Dương đã tiến hành cách ly toàn xã hội để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Từ sự việc trên, nhiều địa phương cũng đã chủ động hơn trong việc kiểm soát người lao động đang làm việc tại các khu kinh tế (KKT), KCN để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Hải Phòng, địa phương có đến 12 KCN với hơn 155.000 lao động, trong đó lao động Việt Nam là 153.500 người, lao động nước ngoài là 4.500 người. Phần lớn các doanh nghiệp trong KKT, KCN Hải Phòng là nơi tập trung đông lao động ngoại tỉnh.

Theo thống kê của Ban Quản lý (BQL) KKT Hải Phòng, trong số các lao động Việt Nam đang làm việc tại các KKT, KCN, 1/3 là lao động các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình; 1/3 là lao động các tỉnh xa như Thanh Hóa, Nghệ An; còn lại là lao động Hải Phòng. Sau Tết Nguyên đán 2021, có khoảng 350 doanh nghiệp trong các KKT, KCN quay trở lại hoạt động, sử dụng gần 130.000 lao động. Là nơi tập trung nhiều lao động nên các KKT, KCN rất dễ hình thành các ổ dịch lớn, nguy cơ lây nhiễm chéo cao.

Để đảm bảo sản xuất kinh doanh cũng như an toàn cho người lao động, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã yêu cầu, các công nhân từ các vùng có dịch vào Hải Phòng phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 thì mới được vào các doanh nghiệp làm việc.

Đối với những công nhân đến từ Hải Dương thì phải có kết quả âm tính, khi vào TP. Hải Phòng phải thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định và lấy mẫu xét nghiệm, trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được vào doanh nghiệp làm việc. Đồng thời, TP. Hải Phòng sẽ tiếp tục tạm đình chỉ hoạt động xe đưa đón công nhân từ Hải Dương về Hải Phòng; các bến phà, đò ngang tiếp giáp tỉnh Hải Dương.

Theo BQL KKT Hải Phòng, thời gian qua, thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, BQL KKT Hải Phòng đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm cho 2.728 người, hiện còn hơn 3.000 người là chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam có nguy cơ mắc bệnh chưa được xét nghiệm mẫu.

Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2021, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, khoảng 4.300 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp tại KKT, KCN Hải Phòng và hơn 1.200 lao động tại các doanh nghiệp nằm ngoài KKT, KCN không về quê đón Tết.

Cùng nhìn nhận lại, năm 2020 là năm tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP. Hải Phòng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 gây ra. Thời gian khó khăn cao điểm tập trung vào 3 tháng 4, 5, 6/2020. Giai đoạn này, các doanh nghiệp đều phải sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động. Trong đó, khó khăn nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Nguyên liệu, vật liệu không nhập được; hàng sản xuất ra không xuất khẩu được, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống của người lao động.

Đến đầu năm 2021, tưởng chừng tình hình hoạt động kinh doanh tại các doanh nghiệp sẽ dần ổn định trở lại; hoạt động sản xuất, xuất khẩu phục hồi chuẩn bị tăng tốc thì “cơn lốc” dịch thứ 3 bùng phát khiến các doanh nghiệp lại một nữa gặp khó khi vừa phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, vừa phải duy trì hoạt động sản xuất.

Đứng trước khó khăn đó của các doanh nghiệp, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng khẳng định, BQL KKT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch và lưu ý các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của thành phố, BQL KKT Hải Phòng và các cấp chính quyền địa phương.

Cũng theo ông Lê Trung Kiên, với mục tiêu sản xuất kinh doanh nên ý thức chấp hành về công tác phòng chống dịch COVID-19 tương đối tốt. Tuy nhiên, vẫn còn có rất nhiều công nhân ý thức chưa được cao, một số doanh nghiệp vẫn còn lơ là, chủ quan. Trong thời gian tới, BQL KKT sẽ tiếp tục cùng với các cơ quan chức năng, các địa phương, đơn vị có KKT, KCN tập trung đôn đốc và giải quyết tất cả vướng mắc, nâng cao một bước về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mới đây, tại buổi kiểm tra kiểm tra công trường của nhà máy Công ty LG Electronics và Công ty LG Display, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng cũng đã yêu cầu các công ty không được chủ quan, lơ là, không sử dụng lao động đến từ vùng có dịch, nếu sử dụng phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi cho vào làm việc; yêu cầu người lao động phải thực hiện khai báo y tế; cần xây dựng kịch bản khi có ca dương tính trong công ty; tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch cho nhân viên, người lao động; kịp thời cập nhật các văn bản, thông tin mới về phòng, chống dịch. Trong quá trình hoạt động sản xuất, các công ty phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K theo khuyến cáo của ngành y tế.

Trên thực tế, nếu dịch COVID-19 xuất hiện tại các KKT, KCN thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi chỉ cần một người lao động bị nhiễm COVID-19 thì cả dây chuyền, thậm chí cả doanh nghiệp phải ngừng sản xuất. Việc kiểm soát tốt công nhân đến làm việc tại các KKT, KCN sẽ phần nào giúp các doanh nghiệp phát hiện được các trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh, kịp thời đưa ra kịch bản để ứng phó với đại dịch. (Enternews.vn 02/3, Hải Ngân)

Cuộc sống người dân nơi vùng dịch

Kể từ khi TP.Hải Phòng phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, gần 1 tuần đã trôi qua, cuộc sống người dân xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên ít nhiều bị xáo trộn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của thành phố và chính quyền địa phương, mọi sinh hoạt của người dân đang dần được cân bằng trở lại.

(Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự 12h 28/2)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

Hải Phòng: “Đi trước, đón đầu” đổi mới

Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu:

Xây dựng Hải Phòng trở thành “trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ”. Hiện thực hóa điều này, Hải Phòng coi GD là công cụ, vũ khí thúc đẩy lĩnh vực khác cùng phát triển.

Hải Phòng tự hào duy trì vị trí tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục với những thành tích vượt trội qua các kỳ thi vào 10 THPT, tốt nghiệp THPT, HS giỏi quốc gia, quốc tế. TP. Hải Phòng cũng là địa phương đi đầu khi có những cơ chế, chính sách đặc thù về khuyến học, khuyến tài tạo nên những giá trị nhân văn tốt đẹp, động lực cho HS học tập tốt, thu hút nhân tài.

Trên lộ trình đổi mới, ngành Giáo dục luôn là đơn vị tiên phong, dũng cảm “đi trước, đón đầu”. Theo PGS.TS Lê Quốc Tiến - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào chuyển đổi số trong giáo dục là thành tựu đáng ghi nhận của ngành GD thành phố năm 2020, bước đầu đặt nền móng cho việc xây dựng hệ sinh thái trong giáo dục 4.0. Đó là thành quả vững chắc để Hải Phòng dần trở thành “trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ” như Nghị quyết 45 NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị đặt ra.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng chia sẻ: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020 nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực hướng ra toàn cầu.

Giáo dục là một trong 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số. Bởi, mục tiêu của GD&ĐT là xây dựng một hệ thống giáo dục bảo đảm cho mọi công dân đều được học tập suốt đời. Đồng thời, trong hệ thống đó có những chính sách và cơ chế tương ứng để bảo đảm cho mọi công dân góp sức phát triển các hình thức học tập thường xuyên trên mọi địa bàn dân cư. Trên cơ sở đó tạo ra lực lượng lao động của nền kinh tế tri thức, nguồn lao động sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

PGS Lê Quốc Tiến nhận định: Thông qua số hóa kinh nghiệm học tập, mọi công dân đều có thể cải thiện kỹ năng của mình, với một mục tiêu chung là tạo ra quy trình giáo dục hấp dẫn, hiệu quả hơn và tiến tới cá nhân hóa với mọi công dân; tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi và học tập suốt đời. Chuyển đổi số là con đường đưa giáo dục Hải Phòng chuyển mình từng bước xây dựng hệ sinh thái giáo dục.

Với những thành công bước đầu trong chuyển đổi số, đến nay, 910 cơ sở giáo dục, 32.141 giáo viên, 433.425 học sinh tại Hải Phòng đều có mã định danh riêng và theo suốt quá trình công tác, học tập. Từ những dữ liệu ngành, mọi công tác quản, lý điều hành xây dựng lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, bổ sung cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu GD của từng địa phương một cách cụ thể, khoa học.

Hải Phòng đã triển khai sổ điểm, học bạ điện tử đến mọi công tác chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng. Học liệu số như: Sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng… ở tất cả cấp học, môn học gắn với việc chia sẻ học liệu giữa nhà trường được phát triển. Hiện kho học liệu số toàn ngành Giáo dục Hải Phòng có trên 7.000 bài giảng E-learning và gần 200 đầu SGK được số hóa.

Nhờ CNTT, chuyển đổi số mà ngành GD Hải Phòng đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép “vừa chống dịch vừa bảo đảm các nhiệm vụ giáo dục”, những bài dạy trực tuyến  giúp HS có thể dừng đến trường mà không dừng học.

Được mệnh danh là người “bắt nhịp xu thế”, cô  Nhữ Thị Luyến - GV Trường Tiểu học Minh Đức (huyện Tiên Lãng) tích cực ứng dụng CNTT vào giảng dạy trực tuyến cho HS trong thời gian nghỉ học do dịch. Dù là GV trường tiểu học ngoại thành Hải Phòng, mọi điều kiện còn khó khăn nhưng cô Luyến vẫn say mê tìm tòi, ứng dụng phương pháp mới để nâng cao chất lượng giáo dục. Từ việc giảng dạy trực tuyến, soạn bài đến tìm hiểu kho dữ liệu bài dạy trực tuyến, quản lý học sinh trên không gian mạng cô Luyến đều thành thạo.

Cô Vũ Thị Thảo - GV Trường Tiểu học Núi Đèo (huyện Thủy Nguyên) cho hay: Số hóa bài giảng mang lại cho GV cơ hội trau dồi kiến thức, nâng cao kĩ năng sử dụng CNTT. Không gian lớp học được mở rộng khiến HS hào hứng, đem lại hiệu quả giáo dục. Đặc biệt, thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh, lợi ích từ chuyển đổi số với hoạt động giáo dục được thể hiện rõ.

Mặc dù đã nhiều tuổi nhưng cô Thảo không quản ngại khó khăn, thường mày mò ứng dụng CNTT để học tập, giảng dạy. Từ khi tích hợp các thông tin của ngành, trường, lớp, phụ huynh trên không gian mạng, cô Thảo thấy triển khai mọi công tác thuận tiện, khoa học và hiệu quả hơn nhiều. (Giaoducthoidai.vn 01/3, Nguyễn Dịu)

Bổ nhiệm nhân sự mới Hải Phòng, Bắc Giang, Nghệ An

Hải Phòng, Bắc Giang và Nghệ An vừa đồng loạt kiện toàn công tác nhân sự tại địa phương, công bố và trao quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ, lãnh đạo mới.

Sáng 1/3, Thường trực Thành ủy Hải Phòng công bố các quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác cán bộ. Ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tới dự và trao quyết định.

Theo các Quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, chuẩn y chức vụ Bí thư Huyện ủy An Lão, nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Nguyễn Cao Lân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy phụ trách Đảng bộ huyện An Lão.

Đồng thời, chuẩn y chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy An Lão, nhiệm kỳ 2020-2025 đối với bà Ngô Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Lão.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Cao Lân, Bí thư Huyện ủy An Lão hứa trên cương vị công tác mới, sẽ cùng tập thể lãnh đạo huyện An Lão đoàn kết, thống nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin của lãnh đạo thành phố và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. (Thoidai.com.vn 01/3, Nam Linh)

EVNNPC bổ nhiệm Chủ tịch kiêm giám đốc PC Hải Phòng

Sáng 01/3/2021, tại Hải Phòng, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã tổ chức lễ công bố Quyết định về công tác cán bộ và bàn giao nhiệm vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Phòng (PC Hải Phòng) đối với ông Nguyễn Hữu Hưởng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Thiều Kinh Quỳnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPC đánh giá cao những thành tựu và kết quả đã đạt được của các thế hệ cán bộ, người lao động PC Hải Phòng trong hơn 65 năm qua. Giao nhiệm vụ đối với ông Nguyễn Hữu Hưởng, tân Chủ tịch kiêm Giám đốc PC Hải Phòng, ông Quỳnh tin tưởng, ông Hưởng sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ, năng lực và kinh nghiệm của bản thân; giữ vững tinh thần đoàn kết, thống nhất trong tập thể lãnh đạo, quy tụ trí tuệ của đội ngũ cán bộ chuyên viên trong toàn Công ty. Với tinh thần, trách nhiệm cao nhất để tập trung hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 và kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Tổng công ty EVNNPC, ông Quỳnh cũng đã gửi lời cảm ơn lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân TP. Hải Phòng, lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành trong đã luôn quan tâm chỉ đạo, hợp tác, giúp đỡ, tạo điều kiện để PC Hải Phòng cũng như Tổng công ty Điện lực miền Bắc hoàn thành nhiệm vụ.

Phát biểu tại buổi lễ, Ông Nguyễn Hữu Hưởng trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hải Phòng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc và tập thể lãnh đạo, CBCNV Công ty đã tin tưởng lựa chọn, dành sự tín nhiệm cao và giao cho ông đảm nhận chức vụ này.

Nhận nhiệm vụ trong bối cảnh TP. Hải Phòng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đời sống sinh hoạt của nhân dân thành phố được nâng cao. Đòi hỏi việc cung cấp điện ngày càng ổn định hơn. Bên cạnh đó do tác động của Dịch bệnh Covid 19 sẽ là một thách thức không nhỏ trong sản xuất kinh doanh của Công ty. Trên cương vị công tác mới, ông Hưởng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ sát sao của các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hải Phòng; EVNNPC, sự đồng tâm, hiệp lực của Tập thể lãnh đạo và toàn thể CBNV trong Công ty;

Tiếp tục nêu cao ý thức trách nhiệm, giữ vững trật tự, kỷ cương; nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ công vụ; thống nhất nhận thức và hành động với quyết tâm cao, tinh thần đổi mới, năng động, thiết thực, hiệu quả; kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, chung tay xây dựng PC Hải Phòng ngày càng vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của TP. Hải Phòng và cùng viết tiếp trang sử vẻ vang của PC - đơn vị 02 lần Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới. (Congthuong.vn 01/3, Hoàng Hữu Trường; Danviet.vn 01/3)

HẢI QUAN

Infographics: 9 nhóm hàng nhập khẩu đóng góp lớn về thu ngân sách tại Hải quan Hải Phòng

Tháng 1/2021, Cục Hải quan Hải Phòng thu ngân sách được 5.004 tỷ đồng, đạt 8,94 % so với chỉ tiêu của Bộ Tài chính giao (56.000 tỷ), đạt 8,64% so với chỉ tiêu của Tổng cục Hải quan giao (57.900 tỷ), tăng 22,03% so với cùng kỳ năm 2020. Đóng góp quan trọng vào kết quả trên là 9 nhóm hàng nhập khẩu như: ô tô; máy móc thiết bị; xăng dầu...

(Haiquanonline.com.vn 01/3, Thái Bình)

KINH TẾ 

Trụ cột kinh tế sa sút, Bộ trưởng lắng nghe chuẩn bị hành động

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành nghiên cứu trình Chính phủ ban hành gói hỗ trợ lần hai để giúp doanh nghiệp trụ vững, hồi sức trước ảnh hưởng của Covid-19.

Ngày 1/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có cuộc gặp mặt doanh nghiệp để đánh giá tình hình, đề xuất các chính sách hỗ trợ bổ sung cho doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thời điểm này năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tổ chức cuộc gặp tương tự để trực tiếp lắng nghe những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Qua đó, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy một số chính sách hỗ trợ chưa hiệu quả, nhưng về tổng thể gói hỗ trợ đã giúp doanh nghiệp trụ vững, duy trì sản xuất; không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng; hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, người nghèo, hộ chính sách,...

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như Việt Nam vẫn diễn biến khó lường. Tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều thách thức, khó khăn. Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã đề xuất Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ lần thứ hai.

Trong buổi sáng ngày 1/3, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có cuộc làm việc với các doanh nghiệp hàng không. Còn cuộc làm việc buổi chiều ngày 1/3 tập trung nhiều hơn vào khu vực sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức kém lạc quan nhất. Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2020 có sự giảm sút về số lượng doanh nghiệp thành lập mới với hơn 134,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 2,3% so với năm 2019. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 là hơn 1 triệu lao động, giảm 16,9% so với năm 2019.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí (VAMI) chia sẻ: Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp là đơn hàng. Đây là vấn đề lớn nhất, khó tháo gỡ nhất. Chẳng hạn, doanh số của các doanh nghiệp ô tô năm nay so với năm ngoái giảm rất nhiều. Các doanh nghiệp chế tạo cơ khí, sau một năm Covid-19, đơn hàng bắt đầu ít đi, trong khi cước vận chuyển tăng.

Đại diện VAMI đề nghị Chính phủ hỗ trợ chủ doanh nghiệp chi phí cách ly cho chuyên gia nước ngoài bởi phần này tốn nhiều chi phí của doanh nghiệp. Ngoài ra, VAMI đề nghị tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước được tham gia vào các dự án đấu thầu trong nước.

Trong khi đó,  ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công, đề xuất tiếp tục hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước đến hết 2021.

“Trong 6 tháng 2020, khi Covid-19 xảy ra, thị trường ô tô sụt giảm 35% so với năm 2019. Tất cả doanh nghiệp rất khó khăn. Chính phủ đã kịp thời ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước, các doanh nghiệp cũng hỗ trợ giảm giá bán nên sản lượng 6 tháng cuối năm tăng trưởng. Cuối năm 2020, tổng sản lượng thị trường chỉ giảm 10%”, ông Lê Ngọc Đức cho biết và lưu ý đến đầu năm 2021, khi chính sách giảm lệ phí trước bạ kết thúc, tình hình thị trường ô tô quay lại sụt giảm rất nghiêm trọng.

Trong khi đó, lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng: Thị trường thép nhìn chung là ảm đạm với hoạt động sản xuất cầm chừng, bán hàng giao dịch rất ít do các công trình, dự án dừng lại hoặc giãn tiến độ thực hiện vì lo ngại dịch bệnh bùng phát. Hàng hóa lưu thông chậm do nhu cầu trong nước chậm. Vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa các tỉnh khu vực Đông Bắc (Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh,... ) khó khăn khi tâm dịch nằm ở Hải Dương, Quảng Ninh.

Hiệp hội Thép kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần xem xét ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng như giãn và kéo dài thời gian các khoản nợ vay sắp đến hạn thanh toán; đồng thời giảm lãi suất giúp doanh nghiệp thép vượt qua giai đoạn khó khăn này.

“Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan thuế tại địa phương giãn thời gian nộp thuế và các khoản thu ngân sách của các doanh nghiệp thép để tránh gây áp lực thêm cho doanh nghiệp; có các chính sách ưu đãi về thuế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... ”, Hiệp hội Thép Việt Nam đề xuất.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 đạt trên 35 tỷ USD, giảm 9,8% so với 2019.  Hai tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ 2020.

Đáng chú ý là, theo ông Trương Văn Cẩm, đơn hàng của các doanh nghiệp không thiếu song giá lại giảm. Các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nằm trong vùng dịch, gặp khó khăn do việc lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh không có sự thống nhất.

Nhắc đến việc Hải Phòng từng đưa ra nhiều quy định kiểm soát dịch khắt khe, đại diện VITAS cho hay: Nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng hàng ùn ứ, nguyên vật liệu từ cảng Hải Phòng không lấy về sản xuất được, trong khi sản phẩm sản xuất ra cũng không xuất đi được. Cho nên, ông Cẩm kiến nghị cần kiên quyết dập dịch nhưng cũng phải có giải pháp để duy trì sản xuất để phục vụ “mục tiêu kép”.

Đại diện các DN dệt may kiến nghị việc thiết kế gói hỗ trợ lần này cho doanh nghiệp lần này tiêu chí và điều kiện đưa ra phải sát thực tế hơn, doanh nghiệp có thể dễ tiếp cận hơn gói hỗ trợ của năm 2020. (Vietnamnet.vn 02/3, Lương Bằng) 

2 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư của Nhà nước thực hiện đạt 40,9 nghìn tỷ đồng

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 2/2021 ước đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, bằng 9% kế hoạch năm và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn trung ương quản lý đạt 5,6 nghìn tỷ đồng, bằng 7,2% kế hoạch năm và tăng 13,6% so với cùng kỳ; vốn địa phương quản lý đạt 35,3 nghìn tỷ đồng, bằng 9,4% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20-2 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,46 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 904,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,49% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%). Trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 722,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,7%; may mặc tăng 4,2%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 3,1%; phương tiện đi lại tăng 2,6%...

Những địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020 gồm: Tỉnh Quảng Ninh tăng 19%; tỉnh Khánh Hòa tăng 15,6%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 11,4%; TP. Hải Phòng tăng 11,4%; Đà Nẵng tăng 6,8%; thành phố Hà Nội tăng 4,1%. (Hà Nội mới 02/3, tr4, Hương Thùy – Lam Giang; Hanoimoi.com.vn 02/3)

Hải Phòng: Phân cấp đầu tư công cho cấp huyện, xã

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch TP. Hải Phòng, từ năm 2021, Hải Phòng sẽ thực hiện việc phân cấp đầu tư công từ nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ cho các quận, huyện; xã, phường, thị trấn.

Với kế hoạch này, cấp thành phố chỉ quyết định đầu tư, quản lý đầu tư công đối với những dự án sử dụng nguồn ngân sách được HĐND TP phê duyệt, là những dự án trọng điểm hàng năm của Hải Phòng.

Theo đề xuất của Hải Phòng, những dự án do UBND TP. Hải Phòng phê duyệt được giao cho UBND các quận, huyện quản lý, quyết định chủ trương đầu tư, làm chủ đầu tư; các dự án do UBND cấp quận, huyện quyết định đầu tư và các dự án do cấp xã quyết định đầu tư theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ thuộc quyền quyết định đầu tư, quản lý đầu tư công cấp quận, huyện và cấp xã, phường, thị trấn.

Hải Phòng cũng cảnh báo, để tránh cơ chế xin - cho trong đầu tư công; hạn chế tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư được phân cấp; tránh tình trạng đầu tư công dàn trải, thiếu hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền quyết định đầu tư công cũng như đảm bảo hoạt động kiểm tra, giám sát đối với đầu tư công, cấp quận, huyện chỉ được quyết định đầu tư công không vượt quá mức vốn được thành phố giao.

Cấp quận, huyện khi quyết định đầu tư công phải tuân thủ các nguyên tắc khác như chỉ quyết định, giao vốn đầu tư công cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện được bố trí vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm theo quy định của pháp luật, theo các nghị quyết của HĐND TP; cần ưu tiên đầu tư công theo thứ tự cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông vận tải.

Được biết, theo Nghị quyết cùa HĐND TP. Hải Phòng, năm 2021, Hải Phòng dự kiến đầu tư công hơn 13.194 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách TP hơn 11.712 tỷ đồng, Số vốn ngân sách TP phân cấp cho cấp quận, huyện; xã, phường, thị trấn được quyết định đầu tư công hơn 2.270 tỷ đồng.

Phần lớn nguồn vốn đầu tư công được phân cấp dùng để xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu với mỗi xã dự kiến 150 tỷ đồng. Gần nghìn tỷ đồng còn lại để hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng. (Daidoanket.vn 01/3, Nam Khánh)

Nhiệt điện Hải Phòng (HND) tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2020 với tỷ lệ 7,5%

Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán HND - UPCoM) thông qua kế hoạch tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2020.

Theo đó, doanh nghiệp dự kiến tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2020 với tỷ lệ 7,5%, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 750 đồng. Với 500 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính doanh nghiệp sẽ phải trả tổng cộng 375 tỷ đồng cho cổ đồng. Doanh nghiệp cho biết thời điểm chốt danh sách là 18/3 và thời điểm thanh toán là 30/3.

Trước đó, doanh nghiệp đã tạm ứng cổ tức 2,5% cho cổ đông. Như vậy, sau 2 lần tạm ứng cổ tức, ước tính doanh nghiệp sẽ trả tổng cộng 10% cho cổ đông. Theo tìm hiểu, hiện tại CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán: PPC) đang sở hữu 129,85 triệu cổ phiếu HND, tương ứng 25,97% vốn điều lệ. Như vậy, ước tính PPC sẽ nhận được 97,4 tỷ đồng trong lần tạm ứng thứ 2 của năm 2020.

Trong năm 2020, HND đạt doanh thu gần 10.866 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.528 tỷ đồng, lần lượt giảm 4% và tăng 23% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt gần 1.452 tỷ đồng, tăng 24%.

Năm 2020, HND đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 11.225 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2020 là 943 tỷ đồng. Như vậy, khép lại năm 2020, doanh nghiệp chỉ hoàn thành 97% chỉ tiêu doanh thu, vượt 62% kế hoạch lợi nhuận.

Tổng tài sản của HND tại thời điểm 31/12/2020 là 11.471 tỷ đồng, giảm 1.192 tỷ đồng so với thời điểm 1/1/2020. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 13%, đạt hơn 1.476 tỷ đồng, tăng 90% so với con số hồi đầu năm. Doanh nghiệp cũng đang có gần 1.440 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và hơn 1.989 nợ vay tài chính dài hạn. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/3, cổ phiếu HND tăng 600 đồng lên 21.400 đồng/cổ phiếu. (Tinnhanhchungkhoan.vn 02/3, Vũ Duy Bắc)

PHÁP LUẬT – AN NINH QUỐC PHÒNG    

Hải Phòng: Cảnh sát Cơ động bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép chất ma tuý

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trong quần lót đang mặc của Nguyễn Trọng Xá có đựng 3 túi nilon chứa tinh thể màu trắng ghi là ma tuý đá.

Ngày 1/3, thông tin từ công an TP. Hải Phòng cho biết, vào khoảng 22h10 ngày 26/2, trước cửa nhà số 5, đường Vũ Chí Thắng, phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân, tổ tuần tra, kiểm soát của Tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động – Phòng Cảnh sát Cơ động trong quá trình thực thi nhiệm vụ phát hiện 2 đối tượng có biểu hiện nghi vấn điều khiển xe máy, BKS: 15B2-76760. Tổ công tác đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện, thu giữ trong quần lót đang mặc của Nguyễn Trọng Xá, sinh 1989, ở thôn Hoàng Đông, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, ngồi sau xe mô tô cất giấu 1 hộp nhựa đen, nắp xanh, trong có đựng 3 túi nilon màu trắng chứa tinh thể màu trắng ghi là ma tuý đá.

Đối tượng điều khiển xe mô tô chở Xá là Đặng Việt Đông, sinh 1987, ở số 3/gác 2, khu 5 tầng tập thể An Dương, phường An Dương, quận Lê Chân. Các đối tượng, phương tiện và tang vật liên quan ngay sau đó được lực lượng chức năng đưa về trụ sở Công an phường  Nghĩa Xã, quận Lê Chân điều tra, làm rõ, giải quyết theo quy định. (Phapluatplus.vn 01/3, Duy Khương)

"Né" chốt phòng dịch Covid-19, người đàn ông bơi vượt sông từ Hải Dương sang Hải Phòng

Ngày 1/3, Công an xã Đại Bản (huyện An Dương, TP. Hải Phòng) và UBND huyện An Dương cho biết vừa kịp thời phát hiện 1 người đàn ông bơi vượt sông từ Hải Dương sang Hải Phòng để tránh các chốt phòng chống dịch Covid-19.

Vào 12 giờ 30 phút ngày 28/2, qua tuần tra, Công an xã Đại Bản phối hợp với Tổ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thôn Văn Tiến, xã Đại Bản phát hiện 1 người đàn ông bám phao xốp bơi trên sông có ý định xâm nhập vào địa bàn xã.

Khi người này bơi sang phía bên bờ sông Lạch Tray, thuộc thôn Văn Tiến, xã Đại Bản thì đã bị lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, đưa về trạm y tế xã yêu cầu khai báo y tế.

Tại đây, người này khai nhân là Trương Văn Luận (SN 1978, có hộ khẩu thường trú tại phường Minh Hòa, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Sau khi xác minh thông tin, kiểm tra y tế đối với Trương Văn Luận, Công an xã Đại Bản lập biên bản, đưa Luận ra khỏi địa phận giáp ranh, trả về tỉnh Hải Dương. (Nld.com.vn 01/3, Tr.Đức; Laodong.vn 01/3; Zingnews.vn 01/3; VTC.vn 01/3; Tuoitre.vn 01/3; VTV.vn 02/3; Nongnghiep.vn 01/3; Congluan.vn 02/3; Phunuvietnam.vn 01/3; Dantri.com.vn 01/3)

Chuẩn bị tốt các điều kiện để cấp căn cước công dân

Ban Chỉ đạo xây dựng Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và Quản lý căn cước công dân đang chuẩn bị tốt các điều kiện nhằm bảo đảm công việc được tiến hành tốt; những khó khăn, vướng mắc của các địa phương đều phải được kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ ngay, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Ngày 1/3, Ban Chỉ đạo xây dựng Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và Quản lý căn cước công dân (CCCD), Bộ Công an tổ chức giao ban trực tuyến với công an 10 tỉnh, thành phố trọng điểm là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh.

Tính đến ngày 26/2, công an các địa phương đã thu nhận được 973.544 hồ sơ CCCD; phối hợp với nhà thầu sản xuất, in cá thể hóa và chuyển trả công an địa phương 139.526 thẻ.

Theo Ban Chỉ đạo, qua việc đôn đốc, theo dõi công an các địa phương trong việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD, ghi nhận Công an TP. Hà Nội, Công an TPHCM, Công an tỉnh Thanh Hóa là những đơn vị làm tốt.

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về thủ tục xã hội và các đơn vị đã đánh giá và xác định việc trang cấp 1.648 bộ thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho công an các đơn vị địa phương hoàn toàn đáp ứng và bảo đảm tiến độ để thu nhận đủ 50 triệu hồ sơ CCCD tại công an các địa phương.

Để bảo đảm hoàn thành 50 triệu thẻ CCCD, có 3 yếu tố quyết định là: Điều tra cơ bản người dân theo nhóm đối tượng (học sinh, sinh viên; công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp; công nhân viên chức trong các cơ quan hành chính sự nghiệp; doanh trại lực lượng vũ trang; số người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, người sống trên vùng sông nước); theo địa bàn và theo thời gian; kỹ thuật lấy đường vân của cán bộ; dữ liệu dân cư phải chính xác.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu giám đốc công an 10 địa phương phải xác định rõ trách nhiệm và tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu qủa các nhiệm vụ của 2 dự án nêu trên, nhất là hoàn thành việc cấp CCCD cho công dân tại địa bàn theo đúng tiến độ. Phải coi đây là một “chiến dịch” quan trọng và khó khăn, phải tìm lời giải cho bài toán vừa bảo đảm thực hiện mục tiêu cấp bách nhưng cũng phải tiết kiệm tối đa cho Nhà nước.

Trên cơ sở kết quả rà soát và phân loại theo nhóm những người đến tuổi cấp CCCD ở địa phương, công an địa phương phải nghiên cứu những cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng và đặc điểm tình hình của từng địa bàn; có kế hoạch khoa học, chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, phấn đầu hoàn thành càng sớm, càng tốt để tăng cường chi viện cho các địa bàn khác. (Baochinhphu.vn 01/3, Nhật Nam; Phapluatxahoi.vn 01/3; Anninhthudo.vn 01/3; Cand.com.vn 01/3; Công an nhân dân 02/3, tr1+2)

XÃ HỘI     

Đến năm 2025, Hải Phòng sẽ bổ sung 1.673ha đất công viên cây xanh

Đó là nội dung cuộc họp vào chiều 1/3 của UBND TP. Hải Phòng liên quan đến đề án chỉnh trang đô thị thành phố (TP) giai đoạn năm 2021 - 2025.

Năm 2021, TP. Hải Phòng lấy chủ đề “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”. Một trong những nhiệm vụ của chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị là xây dựng hệ thống công viên, cây xanh.

Để đạt được những mục tiêu trên đòi hỏi các sở, ngành, địa phương cần triển khai ngay nhiều nội dung công việc và có tính toán cụ thể. TP. Hải Phòng sẽ ưu tiên, tập trung nguồn lực dành cho việc xây dựng, mở rộng công viên canh xanh, phục vụ chỉnh trang đô thị trong 5 năm tới.

Tại buổi họp, lãnh đạo Sở Xây dựng đã báo cáo về quy hoạch hệ thống công viên cây xanh. Theo đó, tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn 7 quận của TP mới chỉ có 1.204,5ha đất cây xanh công viên được thực hiện theo quy hoạch, đạt 5,5m2/người (thấp hơn nhiều chỉ tiêu đô thị loại 1, đô thị loại đặc biệt 10 - 15m2/người).

Theo Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phân khu các quận, tổng diện tích đất cây xanh đô thị là 5.128,8ha, trong đó công viên cây xanh cấp TP (trên 10ha) là 3.563ha, còn lại 1.565,7ha là đất cây xanh cấp quận và đơn vị.

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, về quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng đề xuất Đề án chỉnh trang đô thị giai đoạn 2021 - 2025, theo đó đề xuất trong năm 2021 thí điểm xây dựng 7 công viên, với quy mô khoảng 1 ha/công viên trên địa bàn 7 quận và 10 công viên tại các thị trấn trên địa bàn các huyện; đến năm 2025 sẽ bổ sung khoảng 1.673ha đất công viên cây xanh trên địa bàn TP.

Sở Xây dựng đề xuất giải pháp trước mắt cần đẩy nhanh việc cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, di dời cảng, nhà máy, kho tàng, bến bãi, cơ sở sản xuất ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch, mặt bằng các chung cư cũ, ưu tiên dành cho giao thông, cây xanh và công trình phúc lợi công cộng; bảo vệ quỹ đất công viên, cây xanh, mặt nước hiện có; nghiêm cấm việc điều chỉnh, sử dụng quỹ đất quy hoạch cây xanh vào mục đích khác. Khuyến khích xây dựng nhà cao tầng ở các khu đô thị mới nhằm tăng cường diện tích đất cây xanh và đất xây dựng giao thông.

Qua nghe ý kiến của các sở, ngành, ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng chỉ rõ, bên cạnh các công viên lớn do TP làm chủ đầu tư, các địa phương cần xây dựng các công viên vừa và nhỏ trong khu dân cư theo đúng quy chuẩn, quy định của Bộ Xây dựng đề ra. Mỗi khu dân cư khoảng 20.000 dân cần phải có 1 công viên, khu công cộng phục vụ cho người dân sinh hoạt.

Bên cạnh đó, xây dựng công viên phải ở vị trí đông dân cư để tạo thuận lợi cho người dân, tùy quỹ đất của mỗi địa phương để xây dựng công viên phù hợp. Diện tích xây dựng công viên trước hết là ưu tiên quỹ đất trống, đất doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, khu dân cư xuống cấp.

Ông Lê Văn Thành đề nghị các quận cần xuống thực địa, khảo sát, lập Đề án xây dựng công viên cây xanh ở từng phường, có tính toán cụ thể vị trí phù hợp, tạo thuận lợi tối đa cho việc đi lại của người dân xung quanh tới công viên. (Kinhtedothi.vn 01/3, Vĩnh Quân; Daidoanketddkn 01/3)

 

Không còn tiền, bố đau đớn nhìn con vật lộn với bệnh ung thư hiểm nghèo

Suốt 1 năm đưa con rong ruổi khắp các bệnh viện để điều trị bệnh ung thư phần mềm, thời điểm hiện tại, gia đình anh Huy đã kiệt quệ cả về tinh thần lẫn sức lực.

Nhìn con nằm bẹp trên giường, khuôn mặt mệt mỏi sau khi bị những cơn đau dày vò, anh Ngô Quốc Huy (38 tuổi, ở thôn Cẩm Hoàn, xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thuỵ, TP. Hải Phòng) bất lực thở dài. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thêm với hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, anh buộc phải để con ở nhà "chịu trận".

Anh Huy từng làm công nhân tại một công ty giày da ở huyện. Vợ anh là giáo viên mầm non, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Cuộc sống của họ vốn dĩ không mấy khá giả song cả hai cùng cố gắng xoay sở, lao động chăm chỉ để các con được đủ ăn, đủ mặc.

Vốn dĩ gia đình họ rất vui vẻ, hạnh phúc. Anh Huy quan niệm: “Thôi thì chưa giàu nhưng vợ chồng đồng lòng, con cái ngoan ngoãn cũng là quý lắm rồi. Tiểu phú do cần cù. Vợ chồng tôi cố gắng căn cơ để các con đầy đủ. Nào ngờ…”.

Nhắc đến bi kịch khủng khiếp ập xuống gia đình mình, anh không giấu nổi sự đau lòng. Tháng 11/2019, bé Ngô Minh Phú (9 tuổi), con trai đầu của anh chị xuất hiện triệu chứng sưng vai. Ban đầu, tưởng con hiếu động sưng tấy bình thường, anh Huy chỉ bôi thuốc. Nhưng tình trạng mỗi ngày một trầm trọng hơn.

Quá sốt ruột, vợ chồng anh đưa con lên bệnh viện tuyến trung ương thăm khám. Qua nhiều lần xét nghiệm, một ngày cuối tháng 11/2019, chị Hoàng Thị Chi (35 tuổi, vợ anh Huy) ngã gục khi nghe bác sĩ nói: "Chúng tôi không muốn giấu gì gia đình nữa, cháu Phú bị u vỏ thần kinh ác tính. Tôi nghĩ gia đình hiểu bệnh này như thế nào rồi. Chúng tôi cũng không biết nói gì hơn chỉ mong anh chị cố gắng vững vàng lo cho cháu chữa bệnh”.

Động viên vợ bình tĩnh lại để cùng lo cho con, anh Huy chủ động xin nghỉ việc để đưa con đi chữa bệnh. Anh xác định căn bệnh ung thư phải chữa lâu dài nên không thể đảm bảo được công việc.

Cũng bởi lí do đó, gia đình anh đã khó khăn nay càng thêm vất vả hơn khi thiếu đi một trụ cột kinh tế. Đồng lương giáo viên ít ỏi của vợ anh chỉ đủ lo bữa cơm qua ngày. Trước khi bước vào hành trình tìm sự sống cho con, anh Huy phải vay khắp họ hàng số tiền đến gần 70 triệu đồng. Sau khi lấy kết quả phẫu thuật sinh thiết, các bác sĩ tại Bệnh viện K Tân Triều tiến hành xét nghiệm, kết luận bé Minh Phú mắc bệnh ung thư phần mềm.

Phác đồ điều trị thay đổi, cháu bé mới 9 tuổi tiếp tục bước vào những ngày tháng đầy đau đớn trên giường bệnh. Tác dụng phụ từ hoá chất làm giảm sức đề kháng của cháu, những sợi tóc rụng dần đến trắng đầu.

Tuy không có điều kiện bên cạnh con nhưng nhìn ảnh con mỗi lần chồng gọi điện thoại về, chị Chi rất đau đớn. Chị chỉ biết giấu đi những giọt nước mắt mỗi lần nói chuyện với con. Lúc chồng cúp máy, chị rưng rưng cầm bát cơm cũng chẳng yên.

Trải qua rất nhiều lần điều trị hoá chất, số tiền 70 triệu đồng anh Huy vay họ hàng đã cạn sạch. Chị Chi ở nhà phải liên tục hỏi mượn tiền. Số nợ đến nay đã lên đến gần 100 triệu đồng.

Mỗi đợt truyền hoá chất, dù được bảo hiểm hỗ trợ thanh toán nhưng chi phí thuốc ngoài danh mục bảo hiểm lên đến 10 triệu đồng/đợt, thậm chí có đợt phát sinh lên đến 17 triệu đồng, mỗi đợt chỉ kéo dài khoảng 1-2 tuần.

Đến nay, gia đình anh Huy hoàn toàn cạn kiệt về tiền bạc. Anh cũng không thể vay mượn thêm được chỗ nào nữa. Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh các khu vực lân cận nơi anh sinh sống diễn biến phức tạp, Phú phải ở nhà chưa thể lên Hà Nội điều trị tiếp tục được.

Tới đây, nhiều khả năng anh phải thế chấp mảnh đất duy nhất mà mình đang sinh sống để lấy tiền cho con chữa bệnh. Hai vợ chồng lúc này đang rất cần sự hỗ trợ từ cộng đồng để tiếp tục hành trình tìm kiếm sự sống cho con. (Vietnamnet.vn 02/3, Phạm Bắc)

GIÁO DỤC

Hải Phòng giảm môn thi vào 10: Học sinh, phụ huynh thở phào vui mừng

Sau khi Hải Phòng điều chỉnh phương thức tuyển sinh vào lớp 10 còn 3 môn: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, các trường học chủ động có kế hoạch ôn luyện cho học sinh.

Cuối tháng 2/2021, Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng đã có văn bản đồng ý với đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh phương thức tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022. Cụ thể, tuyển sinh vào Trường Trung học phổ thông công lập sẽ gồm 3 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và không có thi môn thứ 4.

Việc điều chỉnh phương thức tuyển sinh vào lớp 10 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.

Theo em Dương Nguyễn Khánh Hà (học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu, quận Lê Chân), việc giảm môn thi thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10 là niềm vui lớn đối với học sinh cuối cấp. “Chúng em thường chia sẻ với nhau những lo lắng về kỳ thi cuối cấp sắp tới. Riêng khối lớp 9 năm nay đã 2 lần phải tạm dừng đến trường và học trực tuyến do tình hình dịch bệnh phức tạp.

Dù duy trì học trực tuyến nhưng do khả năng tương tác, truyền đạt hạn chế nên em và các bạn rất khó khăn để chuẩn bị đầy đủ kiến thức cho kỳ thi. Chưa kể khi trở lại trường, chúng em còn cần thời gian để ôn tập lại mảng kiến thức học trực tuyến, ước chừng thời gian ôn thi là không đủ.

Bởi vậy, khi có thông báo bỏ môn thi thứ 4, em và các bạn cùng lớp đều thở phào nhẹ nhõm. Em tin rằng quyết định thi 3 môn trong kỳ thi vào lớp 10 sẽ được nhiều phụ huynh và học sinh ủng hộ”, Khánh Hà chia sẻ.

Theo em Nguyễn Hoàng Diệu Linh (học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu), xuất phát từ tâm trạng của một học sinh cuối cấp khi biết tin giảm môn thi thứ 4, em cảm thấy tự tin hơn vào kỳ thi vào 10.

Nhờ việc cắt giảm môn thi thứ 4, học sinh sẽ bớt áp lực và có nhiều thời gian ôn luyện ba môn Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ hơn. Áp lực thi cử được giảm nhẹ nên Diệu Linh cũng có thời gian ôn luyện thêm những bộ môn khác để có kiến thức nền phục vụ đời sống và khi kiểm tra tổng kết điểm.

Chia sẻ với phóng viên, chị Vũ Hoàng Anh (trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: “Bản thân tôi rất lo lắng khi con đang trong giai đoạn cuối cấp quan trọng mà không được đến trường. Con rất chăm chỉ học trực tuyến nhưng về hiệu quả không thể so sánh với việc học trực tiếp tại trường. Tôi rất ủng hộ việc lược bỏ môn thi thứ 4 để các con được giảm bớt áp lực, thi tuyển được theo ý nguyện”.

Để đảm bảo học sinh cuối cấp có thể hoàn thành tốt kỳ thi vào lớp 10, các trường Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố đã có kế hoạch ôn tập riêng. Đặc biệt, khi có quyết định giảm môn thi thứ 4, các trường tự tin hơn trong việc giữ nguyên tỷ lệ học sinh thi đỗ trong kỳ thi vào lớp 10.

Tại trường Trung học cơ sở Đằng Hải (quận Hải An, Hải Phòng), ban giám hiệu nhà trường lên kế hoạch để đảm bảo học sinh, đặc biệt là lớp 9 luôn duy trì ý thức tham gia học tập. Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường yêu cầu học sinh lớp 9 tiếp tục ôn tập kiến thức. Đồng thời, triển khai khảo sát đối với 3 môn Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ bằng hình thức trực tuyến.

Sau Tết nguyên đán, các nhà trường triển khai dạy trực tuyến, riêng học sinh cuối cấp được tăng thời lượng ôn tập 3 môn Văn, Toán Anh. Theo đó, ngoài học chính khóa theo thời khóa biểu học sinh được tăng mỗi môn thêm 1 buổi ôn tập.

Cô giáo Bùi Thị Mười, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đằng Hải chia sẻ: “Việc giảm môn thi thứ 4 rất hợp với lòng dân. Nhận được thông tin, nhà trường và giáo viên cũng như phụ huynh học sinh rất phấn khởi.

Măc dù việc học trực tuyến do tình hình dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn nhà trường vẫn sẽ cố gắng khắc phục để có thể ôn tập tốt các môn thi Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ cho học sinh lớp 9”.

Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Tiến (huyện An Dương) cho biết, nhà trường đã có kế hoạch phù hợp để nâng cao chất lượng ôn luyện cho học sinh lớp 9.

Để dạy học trực tuyến hiệu quả, trường tăng thời lượng 3 môn học chính tập trung vào học sinh đăng ký ôn thi vào lớp 10. Bên cạnh đó, nhà trường đã hướng dẫn giáo viên sử dụng phần mềm ôn luyện. Qua đó, giáo viên sẽ nắm bắt và sắp xếp lịch ôn luyện, kiểm tra phù hợp với học sinh của lớp mình.

Còn theo ghi nhận tại Trường Trung học cơ sở Lạc Viên (quận Ngô Quyền), khối học sinh lớp 9 được ban giám hiệu nhà trường đặc biệt ưu tiên với tiêu chí “không bỏ bẵng học sinh trong thời gian nghỉ dịch”.

Để đảm bảo chất lượng đầu ra, trường tập trung ôn luyện và hệ thống kiến thức để học sinh có thể đạt kết quả tốt trong kỳ thi vào lớp 10 sắp tới. Cụ thể, các môn Ngữ Văn, Toán và Ngoại ngữ được ưu tiên 5 tiết trong một tuần, các môn khác duy trì 1 tiết/ tuần và môn năng khiếu được giao bài trực tuyến. Bài giảng cho mỗi khối được soạn chung để đảm bảo chất lượng chuẩn và trách nhiệm tập thể. Nhà trường cũng sẵn sàng phương án học giãn cách tại trường để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh như việc chuẩn bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, khẩu trang, sổ theo dõi sức khỏe. (Giadinh.net.vn 02/3, Lã Tiến – Phương Linh)

GIAO THÔNG

Nghiên cứu đầu tư đường nối QL39 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư dự án.

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên liên quan việc đầu tư nâng cấp QL39 đoạn từ cầu vượt QL5 đến đường dẫn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ quy mô 2 lên 4 làn xe.

"Theo quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 356 ngày 25/2/2013, tuyến QL39 có quy hoạch tối thiểu đường cấp III, 2 làn xe, trong đó đoạn qua tỉnh Hưng Yên dài khoảng 43km", Bộ GTVT thông tin.

Cũng theo Bộ GTVT, thời gian qua đã đầu tư đưa vào khai thác đoạn Km30+650 - Km36+160 quy mô đường đô thị 8 làn xe (năm 2009), đoạn Km27+980 - Km30+650 quy mô 4 làn xe (năm 2012). Các đoạn còn lại được đầu tư hoàn thành năm 2008 với quy mô đường cấp III, 2 làn xe (trong đó có đoạn từ cầu vượt QL5 đến đường dẫn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Km0 - Km10+050) phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Do nguồn lực phân bổ cho Bộ GTVT hạn hẹp, trong điều kiện phải ưu tiên bố trí cho nhiều công trình quan trọng như: cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành các dự án đang bị dừng giãn tiến độ, trả nợ vốn ứng trước và vốn cho các dự án BT nên chưa thể cân đối bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến QL39 đoạn từ cầu vượt QL5 đến đường dẫn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ quy mô 2 làn lên quy mô 4 làn xe.

“Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Hưng Yên báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư vào thời điểm thích hợp”, Bộ GTVT nêu rõ. (Baogiaothong.vn 01/3, Đình Quang; Dantri.com.vn 02/3)

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA

Bệnh nhân Covid-19 liên quan đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã được xuất viện

Ngày 1/3, thông tin từ Sở Y tế Hải Phòng cho hay, bệnh nhân mắc Covid-19 liên quan đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng ngày 28/1 được công bố khỏi bệnh và ra viện chiều ngày 28/2. (Baophapluat.vn 01/3, P.Thanh)

Cả nước còn 2 tỉnh/thành chưa thể cho học sinh đến trường

Trước diễn biến của dịch COVID-19, Hải Dương và Hải Phòng vẫn tiếp tục cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. (Plo.vn 01/3, Nguyên Quyên; Kênh VTV1 – Bản tin Chào buổi sáng + Bản tin Thời sự 11h 01/3)

Hải Phòng: Hơn 1.357 tỷ đồng xây dựng đường Đông Khê 2

UBND TP. Hải Phòng vừa có quyết định phê duyệt bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Đông Khê 2 - giai đoạn 1, quận Ngô Quyền đoạn từ ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm - Văn Cao đến đường Lê Lợi với tổng mức đầu tư là 1.357,411 tỷ đồng, sử dụng ngân sách TP. Hải Phòng. (Baodauthau.vn 01/3, Tuấn Dũng)

TP. Hải Phòng dự kiến ​​chi gần 1,64 tỷ USD để xây dựng mới 100 cây cầu

Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, trong năm 2021, dự kiến hoàn thành 5 cầu, gồm: Cầu Rào, cầu Dinh, cầu Quang Thanh, cầu Tràng Kênh, cầu qua sông Đa Độ; dự kiến khởi công 19 cầu (bao gồm cả một số cầu đã được động thổ trong năm 2020) và số lượng còn lại sẽ vào cuối năm 2025. (Doanhnghiephoinhap.vn 01/3, Minh Bảo; Kinhtechungkhoan.vn 01/3)./.

 

 

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn