Việt Nam thực hiện Công ước về phòng chống tham nhũng
Việt Nam đã ban hành, tuân thủ và thực hiện đầy
đủ 102/145 yêu cầu của Công ước.
Ngày 7/9, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã
tổ chức Hội nghị truyền thông báo cáo quốc gia thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc
chống tham nhũng của Việt Nam.
Theo báo cáo tóm tắt kết quả thực thi và đánh
giá thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, Việt Nam được lựa chọn
đánh giá trong chu trình đầu tiên vào năm 2011. Thanh tra Chính phủ đã chủ động
phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan Trung ương đã bắt đầu công việc chuẩn bị
cho quá trình này từ cuối năm 2010 với việc thành lập Tổ công tác thường trực
và kế hoạch tổ chức đánh giá Công ước. Đồng thời, ngày 7/4/2010, Thủ tướng
Chính phủ đã có Quyết định số 445/QĐ – TTg ban hành kế hoạch thực hiện Công ước
của Việt Nam.
Kết quả tự đánh giá cho thấy, Việt Nam đã ban
hành, tuân thủ và thực hiện đầy đủ 102/145 yêu cầu của Công ước; đã ban hành,
tuân thủ và thực hiện nhưng chưa đầy đủ 29/145 yêu cầu của Công ước; chưa ban
hành và chưa thực hiện đầy đủ 14 yêu cầu của Công ước.
Nhìn chung, Việt Nam đã đáp ứng tương đối đầy
đủ các yêu cầu của Công ước trong phạm vi nội dung thuộc Chu trình đánh giá đầu
tiên.
Tuy nhiên Việt Nam cũng đã nhận diện được một
cách cụ thể các nội dung còn chưa phù hợp và những khó khăn, thách thức đặt ra
trong việc đáp ứng đầy đủ, toàn diện hơn các yêu cầu của Công ước, đặc biệt là
các yêu cầu về hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự và
tương trợ tư pháp…
Kết quả đánh giá của nhóm chuyên gia quốc tế
cũng đưa ra những bình luận cơ bản tương đồng với kết quả đánh giá của Việt
Nam. Về quy trình đánh giá Việt Nam đã tuân thủ đầy đủ các yêu cầu đặt ra là một
trong số những quốc gia đầu tiên hoàn thành quá trình đánh giá trong năm thứ
hai.
Báo cáo tự đánh giá của Việt Nam đã phản ánh
một cách toàn diện về tình hình hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chồng tội
phạm nói chung và tham nhũng nói riêng.
Mặc dù vậy, báo cáo cũng đã nhận diện rõ về sự
cần thiết phải thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, đặc biệt
là trong phối hợp, chia sẻ, cung cấp
thông tin giữa các cơ quan có thẩm quyền trong khuôn khổ song phương và đa
phương.
Kết quả đánh giá của chuyên gia quốc tế khẳng
định Việt Nam cơ bản phù hợp với yêu cầu theo Công ước về hợp tác quốc tế. Tuy
nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam nhằm thúc
đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng./.
Kim Anh/VOV online