Tọa đàm về phòng chống lãng phí cho học viên chuyên ngành bảo vệ an ninh nội bộ
Tọa đàm phòng chống tham nhũng lãng phí cho học viên
chuyên ngành bảo vệ an ninh nội bộ
Đó là chia sẻ của Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Học
viện An ninh nhân dân tại Tọa đàm “Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát
triển” diễn ra sáng 9/12 tại Hà Nội.
![](https://cdn.haiphong.gov.vn/gov-hpg/upload/hpgov/2020/03/PGSTSNguyenHongHai6372.jpg)
PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân
Phòng, chống tham nhũng (PCTN) là một trong những nhiệm vụ quan
trọng, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm hàng đầu nhằm thực hiện thắng lợi
nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Thời gian qua, nhằm nâng
cao nhận thức, trách nhiệm đồng thời xây dựng ý thức cho mọi công dân trong
việc đấu tranh PCTN, từng bước hình thành phong trào, thói quen văn hoá chống
tham nhũng trong xã hội, Chính phủ đã xây dựng và ban hành đề án đưa nội dung
PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Hải, tại Học viện An ninh nhân dân,
ngay từ những năm 2008, nội dung PCTN đã được tổ chức nghiên cứu và giảng dạy
với thời lượng 18 tiết (bao gồm 10 tiết giảng lý thuyết; 2 tiết thảo luận,
xemina; 1 tiết xem phim và 4 tiết báo cáo thực tế).
Từ các bài giảng, đã trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản
về công tác PCTN; về tình hình tội phạm tham nhũng trong nền kinh tế thị trường
hội nhập quốc tế; mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ công tác công an PCTN; tổ chức
công tác phòng ngừa tham nhũng trong nội bộ; phát hiện, đấu tranh, xử lý các
hành vi tham nhũng trong nội bộ; PCTN trên một số lĩnh vực trọng điểm… nhằm
nâng cao năng lực và rèn luyện kỹ năng của học viên trong công tác PCTN, đáp
ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hiện
nay.
![](https://cdn.haiphong.gov.vn/gov-hpg/upload/hpgov/2020/03/toadamPCTN6372.jpg)
Toàn cảnh Tọa đàm
Quán triệt Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội
dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo, từ năm học 2013 - 2014,
Học viện An ninh nhân dân đã có kế hoạch đưa nội dung PCTN vào giảng dạy cho
học viên thuộc tất cả các loại hình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện (bao gồm hệ
đào tạo chính quy, liên thông, văn bằng 2, vừa làm vừa học, ngắn hạn, cao học,
nghiên cứu sinh, bồi dưỡng chức danh).
Bài giảng PCTN tại Học viện hiện nay tập trung giới thiệu cho học
viên các vấn đề như: Nhận thức chung về tham nhũng và công tác PCTN; tổ chức
công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng; các biện
pháp bảo đảm cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng…
Để truyền đạt được các nội dung này, đội ngũ giảng viên của Học
viện đã xây dựng nội dung bài giảng bám sát chương trình đào tạo đã được phê
duyệt. Nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận, cập nhật những nội dung mới
mang tính thực tiễn vào bài giảng. Giáo viên luôn nắm vững nội dung bài giảng
và những kiến thức có liên quan, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn để làm rõ
các nội dung trọng tâm của môn học.
Cũng theo Thiếu tướng Hải, bên cạnh những kết quả đạt được, việc
triển khai đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại Học viện An ninh nhân dân còn
gặp nhiều khó khăn, thách thức như việc tổ chức giảng dạy nội dung PCTN mới chỉ
được triển khai cho học viên các lớp chuyên ngành bảo vệ an ninh nội bộ, thời
lượng giảng dạy còn ít; chương trình đào tạo cho các hệ lớp đang trong quá
trình sửa đổi, hoàn thiện theo hướng rút ngắn thời gian đào tạo; hệ thống giáo
trình, tài liệu dạy học phục vụ giảng dạy, nghiên cứu về công tác công an PCTN
còn ít; đội ngũ giáo viên giảng dạy nội dung PCTN còn thiếu, đa phần là giáo
viên trẻ, phải quán xuyến số lượng lớp lớn, trình độ chuyên môn cũng như thực
tiễn công tác có nhiều hạn chế.
Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy nội dung PCTN
trong các trường đại học, cao đẳng nói chung, tại Học viện An ninh nhân dân nói
riêng, theo Thiếu tướng Hải cần tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo cho
tất cả các hệ lớp, dành thời lượng giảng dạy thích hợp cho nội dung PCTN; đẩy
mạnh việc biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học phục vụ giảng dạy, nghiên cứu
nội dung PCTN; đảm bảo các điều kiện vật chất cần thiết cho việc tổ chức giảng
dạy nội dung PCTN; biên soạn, chỉnh lý nội dung PCTN theo đúng yêu cầu, bám sát
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng an ninh; đổi mới chế độ chính sách
nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ
này giảng dạy, nghiên cứu...
Đồng thời, cần có chiến lược hợp tác quốc tế trong đào tạo đại
học, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng theo các chương trình liên kết, hợp tác với
nước ngoài để giảng viên cập nhật những thông tin, tri thức mới. Tạo điều kiện
cho cán bộ giảng dạy tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế, tham gia các khóa
đào tạo ngắn hạn, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ở nước ngoài về PCTN.
(Phương Hiếu, Báo Thanh tra)