Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ bảy của Ủy ban Tư pháp: Tạo cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng
Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ bảy của Ủy ban Tư pháp: Tạo cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng
Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ bảy, sáng 6-9, Ủy ban Tư pháp tiếp tục thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 và Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Chỉ rõ cá nhân, đơn vị yếu kém trong công tác phòng chống tham nhũng
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, năm 2017, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống tham nhũng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa có những giải pháp mang tính đột phá. Thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở. Việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật nói riêng còn chưa nghiêm. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, trong thời gian qua chỉ có 25 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong khi có tới 145 vụ/328 bị cáo bị TAND các cấp xét xử sơ thẩm.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thái Học nhận định, nội dung báo cáo của Chính phủ chưa bắt nhịp được với tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của người dân về phòng chống tham nhũng.
Nhấn mạnh con số 25 người đứng đầu bị xử lý do để xảy ra hành vi tham nhũng là quá ít, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Vũ Trọng Kim cho rằng, đó là do tình trạng né tránh, khâu tổ chức thực hiện còn kém. Từ thực tế này, các đại biểu đề nghị Chính phủ nêu rõ địa chỉ cụ thể của những hạn chế về phòng chống tham nhũng trong ngành, lĩnh vực nào; địa phương nào và trách nhiệm thuộc về cá nhân nào, giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này; đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng cá thể hóa trách nhiệm công vụ, đi đôi với chính sách phù hợp, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất.
Tạo cơ sở pháp lý ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng
Ủy ban Tư pháp cũng thẩm tra Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh trình bày nêu rõ, sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, công tác phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít. Một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.
Trình bày Báo cáo ý kiến của nhóm nghiên cứu về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, nhóm nghiên cứu tán thành với các quan điểm chỉ đạo, định hướng xây dựng dự án luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ cần bổ sung quan điểm sửa đổi phải bảo đảm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật trên cơ sở căn cứ vào kết quả tổng kết thi hành luật. Đồng thời, kế thừa những quy định của luật hiện hành được thực tế chứng minh là phù hợp. Theo đó, cần phân tích, đánh giá chính xác những hạn chế, yếu kém nào trong công tác phòng chống tham nhũng là do bất cập trong các quy định của luật. Những hạn chế do khâu tổ chức thực hiện để từ đó có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Ngoài ra, Luật Phòng, chống tham nhũng có phạm vi điều chỉnh về công tác phòng chống tham nhũng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, do đó có mối quan hệ mật thiết với nhiều đạo luật khác như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Cán bộ, công chức, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí… Nhiều quy định trong dự án luật còn trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn với các luật hoặc dự thảo Luật đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua. Vì thế, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Trường hợp thấy cần thiết phải sửa đổi các luật có liên quan thì cần thực hiện theo đúng quy định tại Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập
Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập. Cụ thể, dự án luật có nhiều sửa đổi, bổ sung về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập như mở rộng đối tượng kê khai tài sản; bỏ quy định kê khai hàng năm và thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung; quy định về một số cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập để quản lý bản kê khai, theo dõi biến động và xác minh tài sản, thu nhập được kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý… Các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều quy định sửa đổi, bổ sung trong dự án luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự án luật còn chưa có quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị nên giữ nguyên hoặc thu hẹp diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương và thuộc lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để bảo đảm tập trung nguồn lực, tiến hành kiểm soát có hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu nhấn mạnh dự án Luật giao cho cơ quan quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập tiến hành xác minh tài sản, thu nhập nhưng lại quy định trách nhiệm của Ngân hàng, cơ quan quản lý nhà đất, đăng ký tài sản, thuế, hải quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác chỉ cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập mà không có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai. Quy định này chưa tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, sử dụng người có có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập thực hiện chức năng tiến hành xác minh tài sản, thu nhập.
* Cân nhắc kỹ việc giao trách nhiệm cho các cơ quan kiểm tra, thanh tra
Dự thảo luật đưa ra các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, bao gồm cả các cơ quan Đảng và cơ quan quản lý nhà nước. Góp ý về vấn đề này Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Bùi Quốc Phòng khẳng định, “đây là vấn đề hết sức hệ trọng nên cần xem xét kỹ, nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng”. Việc bổ sung trách nhiệm của các cơ quan Đảng trong luật cần có báo cáo cụ thể hơn về các căn cứ, lập luận liên quan đến sự cần thiết và yêu cầu chính trị của việc thể chế hóa này đồng thời cần rà soát kỹ văn bản của Đảng, đảm bảo thể chế hóa này phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.
Tại phiên thảo luận, các nội dung về mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật; việc xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán… cũng được các đại biểu phân tích cụ thể.
Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là dự án luật lớn nhưng sự tập trung và quy chế làm việc của ban soạn thảo chưa đạt yêu cầu. Nội dung chuẩn bị chưa đạt yêu cầu để trình Quốc hội và đề nghị Chính phủ có bản giải trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp Thường vụ vào tháng 10-2017.
TTXVN