Quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng
“Việc quyết định tạm
đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công
chức, viên chức chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức,
viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và đồng thời người
đó có dấu hiệu gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc”.
Đó là một trong những nội
dung chính trong Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6 của Chính phủ, quy định
chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng. Theo đó, căn cứ cho rằng
cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham
nhũng bao gồm các trường hợp: khi có văn bản yêu cầu của cơ quan thanh tra,
Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; qua xác minh, làm rõ nội
dung theo đơn tố cáo phát hiện cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi
có dấu hiệu tham nhũng; qua công tác tự kiểm tra trong cơ quan, tổ chức, đơn vị
phát hiện cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi có dấu hiệu tham
nhũng; qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát hiện cán bộ, công chức,
viên chức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng
ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc thi hành công vụ.
Cán bộ, công chức, viên chức
được coi là có dấu hiệu gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền khi người đó có một trong các hành vi sau: từ chối cung cấp
thông tin, tài liệu hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không đầy đủ, sai sự
thật; cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền
trong quá trình xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng; tự ý tháo gỡ niêm phong
tài liệu, tiêu hủy thông tin, tài liệu, chứng cứ; tẩu tán tài sản có liên quan
đến hành vi vi phạm pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình,
của người khác hoặc dùng hình thức khác để che giấu hành vi vi phạm pháp luật,
gây khó khăn cho việc xác minh, làm rõ.
Cũng theo Nghị định, cán bộ,
công chức, viên chức bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác
khác có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh quyết định tạm đình chỉ công tác, quyết
định tạm thời chuyển vị trí công tác khác của người có thẩm quyền; cung cấp
thông tin, tài liệu có liên quan và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong
quá trình xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng; chấp hành nội quy, quy chế làm
việc của cơ quan, tổ chức đơn vị tiếp nhận trong thời gian tạm thời chuyển vị
trí công tác khác.
Cán bộ, công chức, viên chức
trong thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được
giữ nguyên chế độ, chính sách và các quyền, lợi ích hợp pháp khác như ở vị trí
công tác ban đầu. Cán bộ, công chức, viên chức bị tạm đình chỉ công tác, tạm
thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi
cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng
hoặc không có kết luận về hành vi tham nhũng; được xin lỗi, cải chính công khai
và được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong việc ra quyết định
tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác theo quy định của
pháp luật.
Ngoài ra, Nghị định mới ban
hành của Chính phủ còn quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tham
nhũng về các hành vi tham nhũng; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ
quan, tổ chức, đơn vị; chế độ thông tin, báo cáo về phòng, chống tham nhũng;
chế độ kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng;
tố cáo hành vi tham nhũng; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu
chuẩn…
Nghị định này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 31/7/2013, thay thế Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày
20/10/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật phòng, chống tham nhũng./.