Phiên họp thứ Ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14: Cần đánh giá đúng, thực chất tình hình tham nhũng

Phiên họp thứ Ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14: Cần đánh giá đúng, thực chất tình hình tham nhũng

Tiếp tục phiên họp thứ Ba, sáng 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.

Cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ về những kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2016, Ủy ban Tư pháp chỉ ra một số vấn đề đáng quan tâm. Đó là tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý, xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường, xã hội. Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng đến mức báo động. Tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, hiệu quả phòng ngừa tham nhũng chưa cao. Đáng chú ý, số vụ giết người thân trong gia đình tăng mạnh với thủ đoạn dã man, tàn ác, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tội phạm ma túy tiếp tục tăng cả về số vụ và số bị can, số lượng thu giữ; số lượng người nghiện ma túy lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây vi phạm pháp luật...

Ủy ban Tư pháp kiến nghị Chính phủ kiểm tra, rà soát các dự án kinh tế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong tất cả các khâu từ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho đến thẩm định, thực hiện trên thực tế, nhất là các dự án ven sông, ven biển, các dự án mà báo chí và cử tri phản ánh. Trong thời gian tới đề nghị Chính phủ cân nhắc, thận trọng phê duyệt các dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh yêu cầu chống oan sai, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần chú trọng kiểm soát, chống bỏ lọt tội phạm. Trên cơ sở những quy định mới về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự như nguyên tắc suy đoán vô tội, ghi âm, ghi hình…, Ủy ban Tư pháp đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo kiểm tra trên cả nước về việc chuẩn bị này. Chính phủ có biện pháp giải quyết dứt điểm các vụ thi hành án phức tạp, kéo dài, có giải pháp giải quyết vướng mắc về thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng...

Chiều 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.

Chỉ rõ hạn chế trong phòng, chống tham nhũng

Ủy ban Tư pháp đánh giá Báo cáo của Chính phủ nêu hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng nhưng chưa chỉ rõ địa chỉ của hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền. Trong nhiều phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội khóa 13 đánh giá một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của bộ máy nhà nước trì trệ, nhất là tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng là do trong nhiều năm các báo cáo này còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: “có nơi”, “có lúc”, “có địa phương”, “có một bộ phận cán bộ, công chức”… mà không có địa chỉ cụ thể nên không có tác động để chỉnh đốn, thay đổi. Ủy ban Tư pháp cho rằng để xây dựng một Chính phủ liêm chính, cơ quan tư pháp liêm chính như cam kết trước Quốc hội của Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì trước hết phải có thay đổi đột phá trong đánh giá đúng, thực chất tình hình tham nhũng, thẳng thắn chỉ ra địa chỉ cụ thể của những tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực nào, địa phương nào và trách nhiệm thuộc về cá nhân nào.

Cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn lỏng lẻo

Thảo luận về các báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án, các nguyên nhân chính được các đại biểu chỉ ra là: thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở; việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, đấu tranh phòng chống tiêu cực còn hình thức và chưa hiệu quả; trách nhiệm và kỷ luật công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao; tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhiều lúc còn lỏng lẻo...

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, các báo cáo được Chính phủ và các ngành chuẩn bị công phu, nêu bật tình hình; các báo cáo có những điểm mới về đề nghị.... Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các báo cáo cần tiếp tục tu chỉnh, bổ sung, xem xét lại những nhận định, có sự đánh giá thống nhất giữa các ngành chức năng. Từ sự phân tích nguyên nhân, phải gắn với giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng đã được nêu ra.

TTXVN

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố