Phiên họp thứ 49, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13: Chỉ rõ tổ chức, cá nhân làm tốt, cũng như sai phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Phiên họp thứ 49, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13: Chỉ rõ tổ chức, cá nhân làm tốt, cũng như sai phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tiếp tục phiên họp thứ 49, sáng 15-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 và Báo cáo tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015.
Chưa kiên quyết xử lý nợ đọng thuế
Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 là 1.130.609 tỷ đồng, trong đó thu theo dự toán được Quốc hội quyết định là 877.697 tỷ đồng, tăng 12,1% (94.997 tỷ đồng) so với dự toán.
![](https://cdn.haiphong.gov.vn/gov-hpg/upload/hpgov/2020/03/images1262954_cuc_thue_26372.jpg)
Công tác thu hồi nợ đọng thuế được thực hiện rất tốt, nhưng cũng cần siết chặt hơn.
Ảnh minh họa
Đánh giá về điều này, Thường trực Ủy ban Tài chính -Ngân sách của Quốc hội cho rằng, năm 2014, cùng với thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thuế, hải quan, rút ngắn thời gian làm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, là sự chỉ đạo và phối hợp tốt hơn trong công tác thu ngân sách của các cấp, các ngành. Ngành Thuế và Hải quan tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách và xử lý các vi phạm về thuế; các doanh nghiệp nhà nước được cơ cấu lại một bước theo hướng hiệu quả cao hơn, thu ngân sách nhà nước từ doanh nghiệp nhà nước vượt dự toán được giao. Mặc dù duy trì một số ưu đãi về thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn, phục hồi sản xuất- kinh doanh, song với sự cố gắng của các cấp, các ngành, thu ngân sách nhà nước năm 2014 vượt dự toán.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, có được kết quả vượt thu 12,1% so với dự toán ngân sách năm 2014, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương, phải kể đến chính sách do Quốc hội quyết định. Cụ thể, Quốc hội ra Nghị quyết cho phép thu 75% tiền lãi dầu khí của nước chủ nhà được chia, thu cổ tức từ phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp vào ngân sách. Nhờ đó, kết quả thu mới đạt được như vậy.
Về quyết toán chi ngân sách nhà nước, theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán chi cân đối ngân sách năm 2014 là 1.350.272 tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 1.114.767 tỷ đồng, tăng 10,7% (108.067 tỷ đồng) so với dự toán.
Thay mặt Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải thẳng thắn nêu một số bất cập trong hoạt động chi ngân sách nhà nước. Cụ thể là một số khoản chi của địa phương vượt dự toán hoặc không đạt so với dự toán, thừa nguồn kinh phí, nhưng ngược lại có nhiệm vụ chi cần thiết lại thiếu hoặc không có nguồn kinh phí; giải ngân nguồn vốn ODA tăng cao, gây mất cân đối ngân sách nhà nước; chi đầu tư xây dựng cơ bản còn hạn chế, sai phạm trong các khâu của quá trình đầu tư vẫn xảy ra nhưng chậm được khắc phục, xử lý chưa kiên quyết, để xảy ra thất thoát, lãng phí; việc xử lý sai phạm chưa nghiêm, áp dụng chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên tính răn đe chưa cao, tái phạm với mức độ lớn…
Thực hiện kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều sai phạm, bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu đối với niên độ ngân sách nhà nước năm 2014 là 8.565,6 tỷ đồng; giảm chi 5.562 tỷ đồng; nợ đọng phát hiện tăng thêm 2.238,5 tỷ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước là 3.363,3 tỷ đồng; các khoản xử lý khác là 134,1 tỷ đồng.
Kết luận nội dung này, chủ trì phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách, Bộ Tài chính cần báo cáo Chính phủ để có sự tiếp thu, hoàn thiện báo cáo trên tinh thần thực hiện đúng các quy định của luật và Hiến pháp để trình Quốc hội.
Làm rõ trách nhiệm trong gây thất thoát, lãng phí
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá: về cơ bản Báo cáo tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra nội dung này của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bám sát Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị báo cáo của Chính phủ cần tập trung nêu lên những vấn đề nổi cộm trong xã hội, được dư luận xã hội quan tâm, trong đó cần có sự phân tích làm rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp. Theo Phó chủ tịch Quốc hội, cần chỉ rõ địa chỉ, không nói chung chung... vì như vậy sẽ không thấy rõ trách nhiệm. Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thấy rằng cần báo cáo rõ các tổ chức, cá nhân làm tốt cũng như có sai phạm, gây thất thoát, lãng phí để biểu dương, khen thưởng kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.
Một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, còn tình trạng sử dụng lãng phí nguồn nhân lực. Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, có sự lãng phí rất lớn từ đào tạo tới sử dụng nguồn nhân lực. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, cần làm rõ đề án vị trí việc làm hoàn thành tới đâu, cơ quan nào chưa hoàn thành, để có bức tranh tổng thể trong sử dụng nguồn nhân lực...
Chiều 15-6, Phiên họp thứ 49 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 bế mạc. Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành nội dung chương trình Phiên họp thứ 49.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14 và giao các cơ quan chức năng chủ động phối hợp rà soát, tích cực chuẩn bị các nội dung thuộc trách nhiệm của mình bảo đảm chất lượng để trình Quốc hội theo quy định. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội phối hợp các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nắm chắc tình hình thực tế để tiếp tục hoàn chỉnh dự kiến chương trình kỳ họp, gửi công văn triệu tập đến các đại biểu Quốc hội; đồng thời tiếp tục đôn đốc việc chuẩn bị các nội dung và điều kiện để bảo đảm kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14 thành công tốt đẹp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành hướng dẫn một số điểm của nội quy kỳ họp, về hồ sơ nhân sự, thể lệ bỏ phiếu tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm, Chủ tịch Quốc hội; Nghị quyết về trang phục thẩm phán, hội thẩm, Giấy chứng minh thẩm phán và hội thẩm; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức trong ngành Tòa án nhân dân; việc bổ sung số lượng thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp; các chế độ phụ cấp đối với kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; hoàn thiện các tờ trình báo cáo và dự thảo Nghị quyết về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017; hoàn chỉnh các báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, Báo cáo việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị của Chính phủ về phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2015 là 5.460 tỷ đồng. Riêng khoản thu 10.000 tỷ đồng bán cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Chính phủ hoàn thiện báo cáo để trình phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa 14 quyết định và thực hiện đúng tinh thần dùng để chi cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên chống xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục chỉ đạo khẩn trương để triển khai các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị tài liệu cho phiên họp thứ 50 Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi diễn ra kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14 theo quy định.
Trước đó, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Tờ trình Chính phủ và Báo cáo của Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội về việc Thẩm tra phương án sử dụng nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi Ngân sách nhà nước năm 2015 và nguồn 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng.
Qua thảo luận, các ý kiến thống nhất, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về phương án phân bổ số tiết kiệm chi ngân sách trung ương là đúng thẩm quyền. Đối với nguồn 10.000 tỷ đồng bán cổ phần nhà nước tại một số doanh nghiệp, thực chất không phải là khoản tiết kiệm chi, cũng không phải là tăng thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, số tiền này không nằm trong quy định trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân bổ theo khoản 1 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị trên cơ sở các ý kiến thảo luận chiều 15-6, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo nghị quyết thông qua khoản chi 5.460 tỷ đồng như Tờ trình Chính phủ, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực.
TTXVN