Ngày làm việc thứ 8, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14; Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra
Ngày làm việc thứ 8, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14; Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra
Sáng 28-10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các báo cáo về: công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.
Các loại tội phạm được kìm chế, giảm đáng kể
Mở đầu buổi làm việc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Về công tác đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật, năm 2016 với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực cao của các bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, với vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân, hoạt động của các loại tội phạm được kìm chế, kéo giảm đáng kể, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Số vụ án khởi tố mới là trên 70.430 vụ, hơn 102.441 bị can. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ở một số địa bàn, lĩnh vực còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch bên ngoài tăng cường lôi kéo, kích động tập trung đông người gây rối an ninh trật tự.
![](https://cdn.haiphong.gov.vn/gov-hpg/upload/hpgov/2020/03/thamnh%C5%A9ng31.106372.jpg)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Hồng Hà phát biểu ý kiến.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng diễn biến tình hình tội phạm thời gian qua là do tình hình kinh tế còn khó khăn, thiếu việc làm tạo áp lực lớn đến xã hội. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn sơ hở, nhất là lĩnh vực tài chính, thuế, giao thông, an toàn thực phẩm…; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong giáo dục nhân cách sống cho giới trẻ còn hạn chế. Cấp ủy Đảng, chính quyền một số nơi chưa quyết liệt chỉ đạo trong thanh tra, giám sát phòng chống tội phạm. Công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nhân dân, trong cơ quan, gia đình có nơi có lúc hiệu quả chưa cao…
Ngành kiểm sát đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội đề ra
Tiếp đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí báo cáo về công tác năm 2016 của ngành. Báo cáo nêu rõ, năm 2016, ngành kiểm sát thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật; đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm theo các nghị quyết của Quốc hội. Nổi bật, trách nhiệm thực hành quyền công tố tiếp tục được tăng cường, gắn chặt hơn với hoạt động điều tra; số lượng, chất lượng yêu cầu điều tra được nâng lên; thận trọng, chủ động phúc cung để làm rõ chứng cứ buộc tội, gỡ tội… qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,99%, vượt 9,99% so với chỉ tiêu. Chất lượng truy tố của Viện Kiểm sát được nâng lên, giảm đáng kể tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung (3,67%). Chất lượng giải quyết án của Viện Kiểm sát tiếp tục đạt cao, tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,9%, vượt 4,9% so với chỉ tiêu.
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, ngành kiểm sát tập trung thực hiện hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Quốc hội, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm …
Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và tiến bộ
Báo cáo về công tác năm 2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Trong năm, cơ bản ngành tòa án hoàn thành hầu hết yêu cầu, chỉ tiêu các nghị quyết của Quốc hội đề ra. Các tòa án triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng công tác tranh tụng tại phiên tòa; chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ.
Cụ thể, về công tác xét xử, các tòa án giải quyết 432.441 vụ án các loại trong tổng số 463.152 vụ án thụ lý, đạt tỷ lệ 93%. Số vụ án còn lại hầu hết trong thời hạn luật định và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết. Công tác giải quyết, xét xử các loại án tiếp tục có những chuyển biến, tiến bộ; hạn chế ở mức thấp nhất số lượng các vụ án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan. Các tòa án đưa ra xét xử kịp thời các vụ án về tham nhũng, kinh tế và nhiều vụ án lớn, trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm. Việc tranh tụng tại các phiên tòa được đẩy mạnh; số lượng các phiên tòa xét xử lưu động và các vụ án dân sự hòa giải thành đều cao hơn cùng kỳ năm trước.
Nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2017, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết ngành tiếp tục quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc nghị quyết và các văn kiện Đại hội 12 của Đảng; các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp, cải cách tư pháp và xây dựng Đảng. Ngành tòa án tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm các phán quyết của Tòa án đúng pháp luật, bảo vệ công lý và quyền con người, quyền công dân; phấn đấu không để xảy ra oan và bỏ lọt tội phạm...
Chuyển biến trong công tác thi hành án dân sự
Báo cáo về công tác thi hành án năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Năm 2016, Chính phủ tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện công tác thi hành án dân sự, hành chính, hình sự, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 cũng như tích cực triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 107/2015/QH13. Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định công tác thi hành án tiếp tục có những chuyển biến tích cực, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cao văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự, hành chính, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, hành chính được giao theo nghị quyết của Quốc hội...
Kiên quyết không để tham nhũng diễn biến phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn
Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi. Công tác phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương chưa đồng đều. Không ít địa phương thực hiện chưa tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2016 gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng 838m2 đất, đã thu hồi 92 tỷ 460 triệu đồng và kê biên 7 bất động sản, đạt 38,3%. Tổng cục Thi hành án dân sự thụ lý mới 65 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng số tiền 646 tỷ 616 triệu đồng, giải quyết xong 41 vụ việc, tương ứng số tiền 45 tỷ 605 triệu đồng.
Cơ bản tán thành báo cáo của các cơ quan tư pháp
Báo cáo thẩm tra các nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ; phòng, chống tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các báo cáo phản ánh khá đầy đủ kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc trên các mặt công tác và đề ra giải pháp khắc phục. Tuy nhiên một số nội dung trong báo cáo cần hoàn thiện thêm.
Về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, thực tiễn cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”. Nhiều hạn chế, kiến nghị được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu từ những năm trước nhưng chưa có chuyển biến tích cực. Cụ thể, thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở; việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức và hiệu quả thấp. Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng. Việc nâng cao trách nhiệm và kỷ luật công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu chậm chuyển biến…
Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.
TTXVN