Nâng cao trách nhiệm, đạo đức cán bộ để xây dựng ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh
Nâng cao trách nhiệm, đạo đức cán bộ để xây dựng ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh
Ngày
16/01, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thanh
tra năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2018. Đồng chí Trương
Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự, chỉ đạo
Hội nghị. Đồng chí Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính
phủ chủ trì Hội nghị.
Tham
dự Hội nghị về phía điểm cầu Hải Phòng có đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư
Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương và đơn
vị liên quan.
Năm
2017, ngành Thanh tra đã triển khai trên 7.500 cuộc thanh tra hành chính và
trên 237.000 cuôc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh
tế hơn 67.700 tỷ đồng, gần 17.600 ha đất, kiến nghị thu hồi trên 43.300 tỷ
đồng, trên 4.900 ha đất; ban hành 148.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính
với số tiền 2.924 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính gần 2.100 tập thể và cá
nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng; chấn chỉnh quản
lý, hoàn thiện chơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; cơ quan hành
chính các cấp đã tiếp trên 415.300 lượt công dân với 310.600 vụ việc. Ngành
Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành các cấp thực hiện các giải pháp
phòng ngừa tham nhũng; kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh
bạch tài sản.
Năm 2018, hoạt động thanh tra bám sát, đáp ứng các yêu cầu chỉ đạo,
lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, ngành, địa
phương góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
của đất nước. Tiếp tục tăng cường thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước của
các cấp, các ngành trên các lĩnh vực quản lý; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện
kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra. Đưa hệ thống Cơ sở dữ liệu
về khiếu nại, tố cáo vào sử dụng để việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết
khiếu nại, tố cáo kịp thời, chính xác; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo
cáo về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường đôn đốc, kiểm
tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, góp phần
xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh
nghiệp.
Năm 2017, toàn thành phố Hải Phòng đã tiến hành 85 cuộc thanh tra
hành chính, 1.631 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 5.653 cá nhân, tổ
chức. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 1.172 đơn vị, cá nhân sai phạm về
kinh tế với số tiền 79,7 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 68 tỷ
đồng, kiến nghị xử lý bằng hình thức khác 11,5 tỷ đồng; đã thu hồi 55,6 tỷ
đồng. Đồng thời, ban hành 1.057 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số
tiền là 8,5 tỷ đồng, đã thu hồi 6,8 tỷ đồng; đôn đốc thực hiện kết luận, kiến
nghị, quyết định xử lý sau thanh tra 8 tỷ đồng; đôn đốc 71 doanh nghiệp còn nợ
đọng các khoản Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 154,4 tỷ đồng.
![](https://cdn.haiphong.gov.vn/gov-hpg/upload/hpgov/2020/03/CTtructuyenthanhtra6372.jpg)
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hải
Phòng
Phát
biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những chuyển biến tích cực
của ngành Thanh tra trong năm 2017. Qua thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện, xử lý
nhiều vi phạm pháp luật, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở
trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật.
Công tác tiếp công dân đã từng bước gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều
vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở. Ý thức, trách nhiệm của Thủ
trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành, xem xét, giải quyết
khiếu nại, tố cáo nhất là các vụ việc phức tạp, đông người được nâng lên. Tuy
nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ: Việc ban hành kết luận thanh tra còn chậm,
chất lượng một số cuộc thanh tra còn hạn chế, việc xử lý vi phạm còn chưa triệt
để, tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt thấp
hơn so với mục tiêu đề ra, việc giải quyết khiếu nại của các bộ, ngành, địa
phương còn để kéo dài, nhiều vụ việc xử lý chưa đúng, chưa trúng, chưa thấu tình
đạt lý; việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa quyết liệt;
chưa có biện pháp thu hồi triệt để các tài sản tham nhũng; một số văn bản phục
vụ công tác phòng chống tham nhũng còn chậm ban hành.
Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ công tác
năm 2018 của Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương
Hòa Bình đề nghị, Chính phủ tập trung cao cho công tác xây dựng thể chế, đảm
bảo đúng tiến độ. Đồng thời, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản để
bước đầu khắc phục các kẽ hở trong xây dựng văn bản pháp luật. Phối hợp tốt với các cơ
quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp
luật cho người dân. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra để
phát hiện những yếu kém trong công tác quản lý, kịp thời xử lý các vi phạm pháp
luật. Đặc biệt, cần tập trung khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh
tra; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và
giải quyết khiếu nại, tố cáo; gắn đối thoại với người dân, xử lý kịp thời các
khiếu kiện, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, tránh tình trạng
phát sinh, tụ tập đông người. Cùng với đó, cần xử lý kịp thời, nghiêm minh các
vụ việc tham nhũng; hướng dẫn các bộ, ngành địa phương về phòng chống tham
nhũng; tăng cường quản lý nhà nước và hoàn thiện thể chế nhằm tạo cơ sở pháp lý
cho ngành thanh tra hoạt động hiệu quả. Tăng cường phối hợp trong ngành và các
ngành liên quan tạo sự thống nhất trong các biện pháp xử lý, tăng cường công
tác kiểm tra nội bộ, nâng cao trách nhiệm, đạo đức cán bộ thanh tra để xây dựng
ngành Thanh tra trong sạch vững mạnh.
Nguyễn Hải