Công tác phòng, chống tham nhũng: Tăng cường công tác kiểm tra giám sát của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội
Công tác phòng, chống tham nhũng: Tăng
cường công tác kiểm tra giám sát của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội
Ngày
5/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham
nhũng tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng. Các đồng
chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,
chống tham nhũng; Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư,
Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng
ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, chủ trì Hội nghị.
Phát
biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đây là lần đầu
Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng được tổ chức kể từ sau khi Bộ
Chính trị lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào đầu năm
2013. Hội nghị có vị trí quan trọng vì công cuộc đấu tranh phòng, chống tham
nhũng trong thời gian vừa qua mặc dù được các cấp, các ngành, địa phương triển
khai với quyết tâm cao, có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, bước đầu đạt
nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên thực tế cho thấy, tham nhũng vẫn là vấn đề
rất bức xúc, nhức nhối trong xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp
tục được đẩy mạnh, làm quyết liệt với quyết tâm cao, biện pháp cụ thể, tích
cực, hiệu quả hơn nữa. Hội nghị này nhằm thúc đẩy thêm một bước công tác đấu
tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
chính trị, đồng thời đáp ứng sự mong đợi của nhân dân.
Báo
cáo tại Hội nghị nêu rõ những kết quả, đồng thời chỉ rõ những hạn chế trong
công tác phòng, chống tham nhũng.
Về
hạn chế, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng
chưa tạo được chuyển biến căn bản về nhận thức của người dân trong phòng, chống
tham nhũng. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ
quan, tổ chức, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức. Một
số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp. Việc rà soát, đánh giá, sửa
đổi, bổ sung nhằm khắc phục những sơ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật về
quản lý kinh tế - xã hội còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham
nhũng. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn
vị còn rất yếu. Việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra,
kiểm toán còn hạn chế. Việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp; chưa
phát huy được sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham
nhũng...
Phát
biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư chỉ rõ: Đại hội 11 của Đảng, Hội nghị
Trung ương 4, Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa 11 và nhiều văn bản
khác của Đảng, Nhà nước ta đều khẳng định: phòng, chống tham nhũng, lãng phí là
nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Mọi cán bộ, đảng viên,
trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu trong đấu tranh phòng, chống tham
nhũng.
Tổng
Bí thư nhấn mạnh cần tập trung chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống các
quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng; bổ sung sửa đổi, hoàn thiện các
cơ chế, luật pháp về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa và đấu tranh chống
tham nhũng có hiệu quả. Căn cứ vào Điều lệ và các nghị quyết của Đảng, cần cụ
thể hóa, xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng để từng bước hình thành một hệ
thống quy định khoa học, chặt chẽ, đồng bộ về phòng, chống tham nhũng; hệ thống
các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng với cán bộ, đảng viên, nhất là đối
với người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, liêm chính, trong
sạch, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Tổng
Bí thư yêu cầu đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực lãnh
đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng
viên trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, các cấp ủy, tổ
chức Đảng và người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh
đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tạo sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức
mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống
tham nhũng. Đây là nhân tố hàng đầu bảo đảm việc thực thi có hiệu quả công tác
phòng, chống tham nhũng. Quyết tâm chính trị là sự cam kết tuyên chiến với tham
nhũng, phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể và được công khai để nhân
dân biết, nhân dân giúp sức và giám sát. Một mặt, phải tự mình gương mẫu thực
hiện, tuân thủ nghiêm các quy định về liêm khiết và kỷ luật, thực hành tiết
kiệm, không xa hoa, lãng phí, không đặc quyền, đặc lợi, tự giác chấp hành các
quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quan hệ gần gũi với quần chúng. Mặt
khác, phải có trách nhiệm thể hiện với xã hội, với công chúng một thái độ rõ
ràng, dứt khoát kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, không chỉ bằng lời nói,
trên giấy tờ, hô hào chung chung mà phải bằng những việc làm hết sức cụ thể,
thiết thực, hiệu quả, nhìn thấy được trong thực tế. Các cấp ủy, tổ chức đảng
phải có tính chiến đấu cao, chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý nghiêm
các hành vi tham nhũng.
Tổng
Bí thư chỉ rõ: Cần nâng cao năng lực, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị
chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; tăng cường giám sát và chống tham
nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác
phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vụ án, vụ việc tham những
lớn.
Tổng
Bí thư yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng,
của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đưa nội dung công tác phòng, chống
tham nhũng vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm. Trong năm 2014, tiếp
tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc;
khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại một số ngành, địa
phương. Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn
thể nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện cơ chế
giám sát của công chúng và dư luận xã hội; nghiên cứu để có những hình thức phù
hợp mở rộng phạm vi tham gia của công chúng trong công tác phòng, chống tham
nhũng, tăng cường sự giám sát của công chúng đối với việc thực thi quyền lực
của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Có các giải pháp phù hợp để nhân dân phản
ánh, tố giác tham nhũng với các cơ quan nhà nước; thiết lập cho bằng được một
cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực thật sự có hiệu lực, hiệu quả, tránh để
quyền lực quá lớn, tập trung và không được giám sát, dẫn đến quan liêu, lạm quyền,
phạm các sai lầm nghiêm trọng. Nếu không dựa vào dân thì cuộc chiến chống tham
nhũng khó có thể thành công.
Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là công
việc rất quan trọng, liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước, của chế
độ, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp. Bởi tham nhũng là “khuyết tật bẩm
sinh”của quyền lực, nó diễn ra trong nội bộ chúng ta, liên quan đến lợi ích vật
chất, tiền tài, danh vọng của tổ chức và cá nhân con người; đụng chạm đến những
người có chức, có quyền. Đảng và Nhà nước ta đã thấy sớm và đã chỉ đạo làm
nhiều lần, làm quyết liệt việc này thì mới được như ngày nay. Nhưng rõ ràng,
còn nhiều việc phải làm và còn phải làm lâu dài, quyết liệt hơn nữa, với quyết
tâm cao hơn nữa, bền bỉ, kiên trì, không thể nóng vội. Cũng cần cảnh giác với
những âm mưu của các thế lực thù địch, phần tử xấu muốn lợi dụng việc đấu tranh
phòng, chống tham nhũng để thổi phồng mặt xấu, bôi nhọ, phá hoại Đảng ta, Nhà
nước ta, chế độ ta.
Tổng
Bí thư tin tưởng, từ những kết quả, kinh nghiệm thời gian qua, với ý chí quyết
tâm của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống
tham nhũng trong thời gian tới sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực, rõ rệt hơn
nữa, xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu
cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm mong đợi của nhân dân.
Cần đẩy
nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, khắc phục những
sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội, đặc biệt sau khi Hiến pháp năm 2013 và một
số Luật đã được Quốc hội thông qua. Tổng Bí thư lưu ý tiếp tục đẩy mạnh công
tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các
cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham
nhũng, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động. Đây là nhiệm
vụ không mới nhưng rất quan trọng. Bởi giáo dục là biện pháp căn bản để nâng
cao đạo đức, xây dựng liêm chính; chống tha hóa, biến chất. Phải dấy lên trong
dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng.
(TTXVN)