Ngày 13-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.
![](https://cdn.haiphong.gov.vn/gov-hpg/upload/hpgov/2020/03/1542121070819_vna_potal_ky_hop_thu_sau_quoc_hoi_khoa_xiv_chieu_13112018_575644_900x6006372.jpg)
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu ý kiến
Tham nhũng vặt còn nhiều
Thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao, ghi nhận kết quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo các đại biểu Quốc hội, đây là cuộc đấu tranh nan giải, phức tạp, lâu dài, cần thường xuyên, liên tục, quyết liệt mới thành công.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Ngacho biết, cơ quan chủ trì thẩm tra đồng tình với những đánh giá của Chính phủ về những kết quả tích cực trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện, khởi tố tăng cao so với năm 2017. Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng, tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Bên cạnh “tham nhũng vặt”, các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức “nhóm lợi ích”, doanh nghiệp “sân sau”, “công ty gia đình”… đang dần bộc lộ, cần được nhận diện, đánh giá để có giải pháp phòng, chống tương xứng.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, năm 2018, hoạt động phòng, chống tham nhũng đạt nhiều kết quả tích cực nhất từ trước đến giờ. Theo đại biểu, muốn phòng ngừa tham nhũng thì xây dựng phẩm chất đạo đức cán bộ là giải pháp quan trọng hàng đầu. Làm nhiều luật, sửa nhiều luật cũng chỉ góp phần ngăn chặn hành động tham nhũng, nhiều nước tiên tiến có lịch sử xây dựng pháp luật hàng trăm năm nhưng vẫn có kẽ hở. Vì vậy, cần tập trung xây dựng phẩm chất đạo đức con người đi đôi với tăng nặng hình phạt đối với hành vi tham nhũng. Pháp luật là công bằng cho tất cả mọi người nhưng người biết luật, người cầm cân nảy mực, người thi hành nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng mà vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì tội phải nặng hơn. Đại biểu băn khoăn cụm từ "có chiều hướng thuyên giảm" trong báo cáo, vì mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 tốt hơn, mạnh hơn mấy năm trước, nhân dân tin tưởng hơn, nhưng chưa thể hiện rõ chiều hướng thuyên giảm. Đại biểu cũng chưa thấy thuyết phục khi chỉ có 9 tỉnh có tình trạng tặng quà và nộp lại quà tặng, tỉnh ít nhất có một người, tỉnh nhiều nhất có 9 người nhận và nộp lại quà với tổng giá trị 451,5 triệu đồng. Báo cáo cũng chưa làm rõ ai tặng, tặng ai, quà gì, nộp vào đâu, cấp dưới còn đi biếu quà cho cấp trên không?
Đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) khẳng định, tình hình tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, đẩy lùi, góp phần quan trọng giữ vững, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, có nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng được đưa ra xử lý, xét xử nghiêm minh, được xã hội và nhân dân quan tâm, đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, còn một số hạn chế cần được chú trọng xem xét, giải quyết trong thời gian tới như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, tham nhũng vặt. Theo đại biểu, tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận “một cửa”, tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức… Người dân và doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo hành vi tiêu cực vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập, bị gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình. Đại biểu đề nghị Chính phủ nhanh chóng đề ra các biện pháp quyết liệt để kịp thời ngăn chặn tình trạng nêu trên.
Lo ngại về tình hình tội phạm
Ghi nhận những kết quả trong công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ sự lo ngại. Theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên tăng 30,09% số vụ, 32,58% số đối tượng so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, tội hiếp dâm trẻ em tăng 2,47%. Người dân rất lo lắng, bức xúc trước thực trạng này. Lo lắng bởi vì thanh, thiếu niên được xem là lực lượng rường cột của nước nhà, là tương lai tươi sáng của dân tộc. Tội phạm ở độ tuổi này tăng trên 30% là điều rất đáng quan ngại. Theo đại biểu, trong các cơ quan, tổ chức còn có một số người bàng quan, thờ ơ, đứng ngoài, thiếu trách nhiệm với tình hình tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên. Nêu lên thực trạng này, đại biểu đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội cần nhấn mạnh yêu cầu đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, ngăn chặn tội hiếp dâm trẻ em để thế hệ trẻ của chúng ta được phát triển một cách lành mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề cập sự gia tăng của loại hình tội phạm công nghệ cao và đề nghị Bộ Công an thông tin đầy đủ các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để người dân chủ động phòng tránh; các cơ quan tố tụng trung ương dành sự quan tâm đặc biệt công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho các cán bộ tố tụng để xây dựng đội ngũ cán bộ tố tụng đáp ứng yêu cầu mới đặt ra; đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tổng kết các vụ án xét xử trong thời gian vừa qua để ban hành các án lệ. Điều này đặc biệt cần thiết trong điều kiện hiện nay khi chúng ta còn thiếu các quy định pháp luật cũng như kinh nghiệm về đấu tranh chống tội phạm này.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) lo ngại về tội phạm ma túy tăng 6,04% so với cùng kỳ năm 2017 và vẫn diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt và ngày càng manh động hơn, khiến công tác triệt phá loại hình tội phạm này của các lực lượng chức năng rất khó khăn, phức tạp. Đặc biệt, gần đây, loại tội phạm giết người do ảo giác vì sử dụng ma túy gây ra có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là các quy định điều chỉnh hành lang pháp lý về xử lý, quản lý người nghiện ma túy còn nhiều kẽ hở, bất cập so với thực tiễn của đời sống xã hội. Điều này làm công tác quản lý người nghiện ma túy của các địa phương gặp nhiều khó khăn, kém hiệu quả, gây bất ổn cho xã hội và là mầm mống gia tăng các loại tội phạm khác trên cả nước. Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống ma túy và các luật liên quan đến công tác phòng, chống ma túy để phù hợp tình hình thực tiễn và có chế tài đủ mạnh để giảm thiểu loại tội phạm này.
Áp lực thi hành án ngày càng gia tăng
Thảo luận về báo cáo thi hành án dân sự của Chính phủ năm 2018, đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với những nhận định, đánh giá về kết quả đạt được cũng như những hạn chế, nguyên nhân và những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu năm 2019. Trong đó, đánh giá cao nỗ lực của ngành thi hành án dân sự trong năm có nhiều biện pháp quyết liệt, đi đôi với giáo dục, thuyết phục đã tăng cường công tác cưỡng chế gần 10.000 vụ việc, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành trong đôn đốc, thi hành án. Từ đó, kết quả đạt được khá tích cực, đặc biệt số việc thi hành án xong đạt 80,3 % số việc phải thi hành có điều kiện.
Đại biểu Quốc hội cũng phân tích về áp lực ngày một gia tăng do số việc thi hành án ngày càng cao. Năm 2018, tăng 44.619 việc, bằng 5,06% với 23,041 tỷ đồng, bằng 13,32% về số tiền. Trong đó, các vụ án tham nhũng với số tiền phải thi hành án rất lớn, có nguy cơ tồn đọng cao đang hiện hữu. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng số tiền thi hành án xong cũng mới chỉ đạt 38,35% tổng số tiền có điều kiện, nếu so với tổng số tiền của tổng số án phải thi hành thì rất thấp.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) dẫn chứng, trong 5 vụ án lớn thi hành án trong năm qua gồm vụ Dương Trí Dũng, vụ Giang Kim Đạt, vụ Hà Văn Thắm, vụ Hoàng Huyền Như, vụ Phạm Công Danh, tổng số tiền thi hành án là 16.847 tỷ đồng, mới thi hành được 5.331 tỷ đồng, còn lại 11.515 tỷ đồng. Nếu trừ vụ Phạm Công Danh có số tiền thi hành cao đạt trên 5.200 tỷ đồng, còn lại 4 vụ án số tiền mới chỉ đạt 2%, tức là khoảng hơn 100 tỷ đồng trong số 5.000 tỷ đồng phải thi hành án. Lý do, theo đại biểu, việc kê biên, phong tỏa tài sản chủ yếu là nhà đất có nhiều vướng mắc do không thống nhất được với số liệu của bản án và tài sản kê biên. Tài sản kê biên có tranh chấp lại phải chờ tòa án giải quyết xong; tài sản liên quan đến quy hoạch, quản lý của chính quyền địa phương cũng phải chờ ý kiến của chính quyền địa phương mới có phương án giải quyết cụ thể; tài sản kê biên được tổ chức bán đấu giá nhưng không có người mua, phải tiến hành hạ giá nhiều lần nhưng vẫn không bán được. Thực tế, có những vụ phải hạ giá tới lần thứ 5. Từ thực tế trên, đại biểu cho rằng, công tác quản lý tài sản của cán bộ, công chức nói riêng cũng như của công dân nói chung, nhất là về nhà, đất còn nhiều bất cập, gây nhiều khó khăn trong xử lý thi hành án nói riêng cũng như trong công tác quản lý nhà nước nói chung tạo áp lực lên công tác thi hành án.
Nâng cao chất lượng giải quyết các loại án
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cho biết, số lượng vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao (TAND) và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Viện KSND) ngày càng nhiều, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Số lượng đơn đề nghị kiểm tra xem xét lại các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và đề nghị kháng nghị, giám đốc thẩm, tái thẩm tăng cao. Tuy nhiên, các giải pháp khắc phục còn lúng túng, chưa thực sự căn cơ, nhất là công tác cán bộ. Theo đại biểu, nếu chỉ nói chung chung là sẽ bố trí đủ nhân sự hoặc thực hiện giải pháp tạm thời là điều động hoặc biệt phái kiểm sát viên, thẩm phán có kinh nghiệm, có năng lực của TAND và Viện KSND cấp dưới lên cơ quan cấp trên để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả chưa cao, vì làm thiếu hụt nhân sự của cơ quan cấp dưới, khiến các vụ án chậm được giải quyết, tồn đọng nhiều ở cấp này. Bên cạnh đó, thời gian qua, mặc dù đã ban hành các quyết định về việc phối hợp giữa TAND và Viện KSND; giữa Toà án, Viện kiểm sát với cơ quan thi hành án dân sự và với các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhưng trên thực tế, việc thực hiện, sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp có lúc hiệu quả chưa cao. Đại biểu đề nghị các ngành thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi và tích cực hơn nữa nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, nhất là nâng cao chất lượng giải quyết các loại án từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giảm thiểu số lượng án bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm trong thời gian tới. Đề nghị ngành Tòa án, Kiểm sát đặc biệt chú ý giải pháp công tác cán bộ và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả cao hơn giữa các cơ quan tư pháp trong việc thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và đơn đề nghị, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.