Cần bổ sung biện pháp ngăn chặn, tịch thu tài sản để kịp thời thu hồi tài sản tham nhũng
Cần bổ sung biện pháp ngăn chặn, tịch thu tài sản để kịp thời thu hồi tài sản tham nhũng
Sáng 24/9, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện các qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) nhằm phát hiện, xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng”.
Qua thực tiễn đấu tranh tham nhũng cho thấy, đa số các trường hợp tham nhũng là tội phạm có tổ chức. Người phạm tội thông thường là người có chức vụ, có trình độ chuyên môn cao, vì vậy, việc phạm tội có sự chuẩn bị kỹ càng, thủ đoạn và che dấu tội phạm tinh vi…
Dù tội phạm tham nhũng có những tác động tiêu cực rất lớn nhưng BLTTHS hiện hành không quy định thủ tục riêng hoặc đặc biệt trong giải quyết các vụ án tham nhũng được thực hiện như các vụ án thông thường khác. Thẩm quyền điều tra các vụ án tham nhũng chưa được phân định một cách cụ thể, rõ ràng giữa các cơ quan điều tra khác nhau, giữa cơ quan điều tra cấp trên với cơ quan cấp dưới.
Bên cạnh đó, các biện pháp ngăn chặn trong giải quyết các vụ án tham nhũng được áp dụng theo các căn cứ có thẩm quyền chung, không có biện pháp căn cứ riêng. Do đó, trong quá trình xử lý vụ án tham nhũng nhiều khi tài sản đã bị tẩu tán, khó thu hồi tài sản tham nhũng; thậm chí có những vụ án tham nhũng không hề bồi thường được đồng nào …
Các đại biểu tham dự hội thảo
Để bảo đảm thu hồi tài sản tham nhũng, TS. Nguyễn Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nêu quan điểm: BLTTHS cần có một chương về tịch thu tài sản và qui định về việc yêu cầu người phạm tội giải trình về nguồn gốc tài sản và tịch thu tài sản để kịp thời thu hồi tài sản tham nhũng.
Một số ý kiến cho rằng, việc bổ sung biện pháp ngăn chặn, phong tỏa tài sản của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là cần thiết để hạn chế việc tẩu tán tài sản, tăng cường khả năng thu hồi, bồi thường hoặc tăng khả năng áp dụng các hình phạt như phạt tiền, tịch thu tài sản.
Chỉ ra quá trình xử lý tin báo, tố giác tội phạm thiếu chặt chẽ, có khi để tin quá hạn lâu mà không ai phải chịu trách nhiệm cũng khiến người dân “thờ ơ” với tố cáo tham nhũng, PGS.TS.Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề xuất cần mở rộng phương thức chủ động, tích cực bảo vệ nạn nhân, chuyên gia hoặc nhân chứng trong các vụ án hình sự nói chung và án tham nhũng nói riêng để không vì e ngại mà nhiều người không tố giác tội phạm tham nhũng hay “ngại” hợp tác trong quá trình xử lý.
Bà Sarah Dix – Chuyên gia UNDP cũng cho rằng, cần phải có cơ chế để người dân tố giác, và tiếp cận thông tin; đồng thời giám sát tin báo đã được xử lý như thế nào.
(Báo điện tử Đảng Cộng sản)