Đoàn kiểm tra số 1 Ban chỉ đạo phòng, chống tham
nhũng trung ương do đồng chí Mai Ngọc Dương, Hàm vụ trưởng Vụ theo dõi, xử lý
các vụ án – Ban Nội chính Trung ương dẫn đầu vừa làm việc với Đảng ủy CATP về
sơ kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ điều tra, giám sát và thanh tra vụ việc khởi
tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức
tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tiếp và làm việc với đoàn có Thiếu tướng Đỗ Hữu
Ca, Ủy viên BTV Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP; các đồng chí trong Ban
thường vụ Đảng ủy, Ban giám đốc CATP; lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương
liên quan.
Trong 5 năm (2013 – 2018), CATP đã chủ động nắm
chắc tình hình, tham mưu kịp thời cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, phát
huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo thế trận liên hoàn trong
đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT, góp phần vào công cuộc phát
triển kinh tế - xã hội thành phố. Hàng năm, Đảng ủy, Giám đốc CATP đã xây dựng
chương trình, kế hoạch quán triệt đến toàn thể CBCS công tác phòng, chống tham
nhũng lãng phí.
Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Ủy viên BTV Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP phát biểu tại buổi làm việc
CATP đã tiến hành 3 cuộc kiểm tra thực hiện các quy
định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Qua đó đã kịp thời phát hiện
những sơ hở, thiếu sót, yêu cầu thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương có
biện pháp chấn chỉnh.
CATP đã thụ lý điều tra 20 vụ án tham nhũng, khởi
tố điều tra 29 bị can và 4 vụ phục hồi điều tra; kết thúc điều tra, chuyển truy
tố 19 vụ, gây thiệt hại gần 20 tỷ đồng và 200m2 đất, đã thu hồi được 4 tỷ đồng
và 200m2 đất.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo CATP báo cáo quá trình
tiếp nhận, giải quyết, xử lý 4 vụ án thuộc diện chỉ đạo của Ban thường vụ Thành
ủy Hải Phòng và 3 vụ việc phát hiện mới trong quá trình thực hiện công tác kiểm
toán; giải trình một số nội dung theo yêu cầu của thành viên đoàn kiểm tra.
Đồng chí Mai Ngọc Dương (Ban Nội chính TW) phát biểu tại buổi làm việc
CATP cũng có một số đề xuất, kiến nghị các cơ quan
trung ương có những biện pháp phù hợp nhằm thay đổi nhận thức và hành động của
cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện thể chế,
chính sách pháp luật về quản lý kinh tế xã hội nhằm đảm bảo công khai, minh
bạch, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; bổ sung chế
tài đủ mạnh, có sức răn đe, hạn chế hành vi tham nhũng; hoàn thiện các quy định
về thu chi ngân sách, đề ra các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; công khai chế
độ, tiêu chuẩn.
Đồng thời nâng cao thu nhập, đời sống cho cán bộ
công chức; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính đi đôi với tăng cường công
tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về
phòng, chống tham nhũng; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong đấu
tranh phòng, chống tham nhũng; biểu dương gương điển hình phòng, chống tham
nhũng…