Năm 2022: Hải Phòng phấn đấu top 10 cả nước chỉ tiêu thứ hạng về chuyển đổi số
(Haiphong.gov.vn) – Sáng 1/3, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng tổ chức Họp triển khai các nhiệm vụ về Chuyển đổi số thành phố năm 2022. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng – Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị; cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng – Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Cuộc họp đã công bố Quyết định số 3820 của UBND thành phố về kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử thành phố Hải Phòng; thông qua Chương trình hành động thực hiện Qghị quyết 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thông qua Quy chế và Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng khẳng định, năm 2022 thành phố lấy Chủ đề năm "Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện Chuyển đổi số", thành phố đã xác định Chuyển đổi số chính là nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.
Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, những năm qua, Hải Phòng có nhiều chỉ số xếp hạng, đánh giá còn ở mức thấp liên quan đến lĩnh vực này. Với kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 03 của về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trên cơ sở đó UBND thành phố xây dựng và ban hành Chương trình hành động nhằm thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết.
Tại cuộc họp, Chủ tịch yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận làm rõ các nội dung liên quan đến số hóa dữ liệu, xây dựng các kho dữ liệu, tập trung cao công tác tuyên truyền đến doanh nghiệp và người dân, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong triển khai thực hiện …Bên cạnh đó, các cấp, ngành thành phố sớm phối hợp xây dựng, ban hành Quy chế Ban Chỉ đạo, ban hành Chiến lược về Chuyển đổi số của thành phố trong giai đoạn tới.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường cho biết, hiện xếp hạng chuyển đổi số thành phố còn ở mức trung bình chưa tương xứng với tiềm lực kinh tế - xã hội của thành phố. Nhận thức về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế, điều này thể hiện qua những vấn đề như: tư duy nhận thức, thể chế, hay nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm chuyển đổi số…
Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường cho rằng, để tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức cũng như hành động của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành và nhân dân thành phố thời gian tới về tầm quan trọng của chuyển đổi số phục vụ việc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải quyết liệt đồng lòng và có tư duy giống nhau, xây dựng chiến lược, mục tiêu đường hướng cho cả một giai đoạn.
Phó Chủ tịch cũng chỉ rõ, thách thức lớn nhất của Hải Phòng trong lộ trình chuyển đổi số hiện nay đó là hạ tầng nền tảng số, dữ liệu số; một số ứng dụng CNTT triển khai tự phát theo yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành, từng đơn vị dẫn đến khó khăn trong việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu; việc kết nối với các hệ thống thông tin của Bộ, ngành TW gặp khó khăn do đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện…
Để phấn đấu mục tiêu năm 2022 chỉ tiêu thứ hạng về chuyển đổi số của Hải Phòng phải nằm trong top 10 cả nước, ngay trong Quý 1/2022 chúng ta cần có kế hoạch cải thiện nội dung, nâng cao thứ hạng. Hải Phòng không làm theo hình thức, mà sẽ sử dụng tối đa các nền tảng dùng chung để triển khai nhằm tạo hiệu quả chuyển đổi số tốt nhất, xác định danh mục phù hợp, với những bài toán số hóa… Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường, nhấn mạnh phát biểu tại cuộc họp.
Theo khảo sát đánh giá, hiện nay cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành của thành phố còn hạn chế, rời rạc, thiếu tính kết nối, chia sẻ dùng chung; ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành còn thấp; thiếu dữ liệu, dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến chưa cao; hạ tầng CNTT trong các cơ quan nhà nước còn thiếu sự đồng bộ, trang thiết bị CNTT thiếu, lạc hậu…
Minh Hảo