Nguyễn Lân
Nguyễn Lân (14 tháng 6 năm 1906 – 7 tháng 8 năm 2003) là nhà giáo[1], nhà biên soạn từ điển, nhà văn và nhà nghiên cứu người Việt Nam. Ông là người có công trong việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lí học, giáo dục học của hệ thống các trường sư phạm ở Việt Nam. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.
Nguyễn Lân sinh ngày 14 tháng 6 năm 1906 trong một gia đình nhà nông nghèo, hiếu học ở làng Ngọc Lập, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Năm 1929, ông thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương.Năm 1932, ông dạy tại Trường Hồng Bàng, sau đó làm giám học và dạy 2 môn văn, sử tại Trường Thăng Long. Từ năm 1935 đến năm 1945, ông sinh sống tại Huế.
Năm 1945: Ông được Chính phủ Trần Trọng Kim mời làm Đốc lý ở Huế, ông đã chấp thuận với 2 yêu cầu:[2] 1. tuy làm đốc lý nhưng vẫn ăn lương nhà giáo và có giờ dạy học, 2. không giao thiệp với người Nhật đang có mặt ở Huế lúc ấy. Thời gian này ông đã mở một lớp sư phạm, đồng thời tiến hành một số hoạt động hướng về cách mạng Việt Nam, ông đã mời các nhân sĩ ở Huế đến họp để đổi tên các đường phố từ tên tiếng Pháp sang tên tiếng Việt.
Năm 1946: Ông trở ra Hà Nội và dạy học tại Trường Chu Văn An. Được một thời gian, kháng chiến bùng nổ, Ông đưa vợ con lên vùng Việt Bắc và được cử làm Giám đốc giáo dục Liên khu 10 gồm 6 tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên (nay là Vĩnh Phúc), Tuyên Quang, Lào Cai và Hà Giang.
Năm 1951: Ông được cử đi học ở khu học xã Trung Quốc tại tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc.
Năm 1956: Ông về dạy tại khoa tâm lý giáo dục của trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Năm 1971: Ông về nghỉ hưu ở tuổi 67. Từ đó cho đến khi qua đời, ông đã dành trọn thời gian cho việc biên soạn từ điển và nghiên cứu nhằm gìn giữ, phát triển tiếng Việt. Các cuốn từ điển do ông biên soạn như: Từ điển Việt-Pháp (1989), Từ điển Hán-Việt, Từ điển thành ngữ, tục ngữ Pháp-Việt (1993), Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2000)... Tuy vậy hiện nay đang có nhiều nhà nghiên cứu đã cho công bố nhiều sai sót trong các quyển từ điển này.[3]
Năm 1988: Ông được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.
Năm 2001: Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ cho "Cụm công trình về giáo dục học từ điển tiếng Việt".
Ngày 7 tháng 8 năm 2003, ông qua đời ở tuổi 97.
Nguyễn Lân có nhiều cống hiến cho nền giáo dục Việt Nam:
Là nhà giáo trong thời kì Pháp thuộc.
Khi giữ chức vụ giám đốc giáo dục liên khu 10, ông đã bổ dụng các trưởng ty giáo dục (nay là giám đốc các Sở Giáo dục và đào tạo) và tham gia xây dựng nền giáo dục.
Tham gia dạy các lớp bình dân học vụ.
Biên soạn tài liệu để in thành sách giáo khoa văn, sử đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đào tạo một đội ngũ giáo viên tâm lý-giáo dục cho các viện và các trường đại học, phổ thông mới thành lập.
Biên soạn nhiều cuốn giáo trình về khoa học giáo dục như: Ngữ pháp Việt Nam (1956), Lịch sử giáo dục thế giới (1958), Người thầy giáo XHCN (1960), Giảng dạy trên lớp (1961).
Lưu trữ tiếng Việt thông qua các cuốn từ điển sau khi về hưu. Tuy vậy hiện nay đang có nhiều nhà nghiên cứu đã cho công bố nhiều sai sót trong các quyển từ điển này.[3]
Phê phán Giáo sư Trần Đức Thảo và Giáo sư Trương Tửu.[sửa | sửa mã nguồn]
Góp phần đấu tố Giáo sư Trương Tửu và Giáo sư Trần Đức Thảo trong chiến dịch Nhân văn Giai phẩm[4][5]:
Sở dĩ có những lệch lạc ở một số sinh viên khoa Văn và khoa Sử là vì họ đã chịu cái ảnh hưởng tàn khốc của Trương Tửu và Trần Đức Thảo...Nhà trường đòi hỏi các cán bộ giảng dạy trước khi lên lớp phải soạn giáo trình và giáo án; nhưng Tửu và Thảo thì không chịu viết giáo trình, lấy cớ là môn mình phụ trách khó quá chưa thể cho in thành tài liệu được. Sự thực là họ sợ mực đen giấy trắng dễ biểu lộ những tư tưởng phản động của họ. Họ thường tay không lên lớp rồi nói lung tung, không theo một phương pháp sư phạm nào. Vì không có giáo án nên đã có lần Trương Tửu không chuẩn bị, phải nhai lại một bài đã giảng kỳ trước, làm cho sinh viên hết sức công phẫn. Cũng vì không chuẩn bị nên Trần Đức Thảo giảng rất khó hiểu, nhiều sinh viên đã phàn nàn là không hiểu y muốn nói gì. Có người tưởng rằng y dạy khó hiểu là vì y dạy cao quá. Sự thực thì dù nội dung có cao, có sâu đến đâu mà nắm vững phương pháp sư phạm, người ta vẫn có thể giảng một cách dễ hiểu được. Còn như định tâm nói ra những ý phản động lại dùng chủ nghĩa Mác Lê-nin để làm cái bình phong thì tất nhiên phải diễn đạt một cách úp úp, mở mở, nên giảng khó hiểu không phải là lạ lùng gì!
Một yêu cầu quan trọng mà nhà trường đề ra là giáo sư lên lớp phải quan tâm đến việc giáo dục tư tưởng cho sinh viên, phải khiến cho sinh viên thấm nhuần chủ nghĩa xã hội khoa học, dùng chủ nghĩa duy vật biện chứng mà giải thích mọi hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội, đứng trên lập trường Đảng, lập trường của giai cấp vô sản mà nhận định mọi vấn đề. Đó là điều tâm niệm của mọi cán bộ giảng dạy yêu nước, yêu nghề và tự trọng. Nhưng Trương Tửu và Trần Đức Thảo thì ngược lại, chỉ âm mưu dùng cái diễn đàn của trường đại học để đả kích chế độ, đả kích Đảng và xuyên tạc chân lý. Thí dụ: Tửu đã say sưa giảng về Vũ Trọng Phụng để chứng minh rằng Vũ Trọng Phụng sáng suốt hơn Đảng. Còn Thảo thì trong hai năm dạy lịch sử tư tưởng chỉ cố ý dừng lại ở Hê-ghen, không hề giảng đến Mác, Thảo luôn luôn dùng cái "hạt nhân duy lý" để xóa nhòa ranh giới giữa duy vật và duy tâm, xóa nhòa ranh giới giữa ta và địch. Quả là Tửu và Thảo đã dụng tâm làm tan rã lòng tin tưởng của sinh viên vào Đảng, vào chế độ.
Lời ân hận của nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân về Giáo sư Trần Đức Thảo[6]
Cả đời tôi sống thanh bạch, không làm điều gì để trái với lương tâm, chỉ có hai điều tôi cứ ân hận mãi. Một là tôi được các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến tận nhà thăm hỏi, những do tuổi cao, đi lại không thuận tiện nên chưa lần nào đến nhà đáp lễ được. Điều thứ hai là, năm 1957, hồi tôi là Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục, được tổ chức phân công cuộc họp phê phán ông Trần Đức Thảo, một nhà triết học rất uyên bác. Là nhiệm vụ trên giao, tôi không thể không thực hiện, mà trong lòng thấy ân hận vô cùng. Rất mừng, năm 2000 các công trình nghiên cứu của GS Trần Đức Thảo được Đảng và Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh”.[7]
Những sai lầm khi biên soạn từ điển[sửa | sửa mã nguồn]
Nhà giáo Nguyễn Lân nghỉ hưu năm 1967, từ đó ông dành tâm huyết cho việc biên soạn từ điển. Các cuốn từ điển do ông biên soạn như: Từ điển Việt-Pháp (1989), Từ điển Hán-Việt, Từ điển thành ngữ, tục ngữ Pháp-Việt (1993), Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2000)... Tuy vậy hiện nay đang có nhiều nhà nghiên cứu đã cho công bố nhiều sai sót trong các quyển từ điển này.
Tác giả Huệ Thiên đã đăng trên Tạp chí Văn (bộ mới), số 6, tháng 9-2000 bài viết nhiều kỳ " Đọc lướt "Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân"[8].Bài viết đã phân tích những sai lầm cơ bản về giải thích từ và ngữ của nhà giáo Nguyễn Lân.
Sau đó nhà giáo Nguyễn Lân gửi thư cho Tạp chí Văn, tạp chí này đã đăng bức thư đó.[9]. Nội dung bức thư, nhà giáo Nguyễn Lân cho rằng mình tuổi già sức yếu nên có thể có những sai sót và cho rằng ông Huệ Thiên nhận xét sai lệch.
“
|
Tôi đã 95 tuổi, một mình soạn quyển từ điển dày 2111 trang ấy. Tất nhiên không thể hoàn hảo được nên trong bài Đôi lời tâm sự thay lời tựa tôi có ghi: Vì tuổi cao có thể có những sai sót, dám mong các độc giả dùng sách này vui lòng chỉ bảo cho.
|
”
|
— Tạp chí Văn, số 8-2000, tr. 100-1
|
“
|
Sau khi đọc bài «Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân» do ông Huệ Thiên viết, tôi rất ngạc nhiên trước những nhận xét sai lệch của ông ấy (...) Ông Huệ Thiên nêu lên đến 34 từ (thực ra là 33 – HT) để phê bình tôi, nhưng đại loại từ nào ông ấy cũng mắc sai lầm cả.»
|
”
|
— Tạp chí Văn,số 8-2000, tr. 100-1
|
Tác giả Lê Mạnh Chiến đã đăng trên tạp chí Thế giới Mới từ số 582 đến số 587 (26/4 đến 31/5/2004) với nhan đề là “170 sai lầm trong một cuốn từ điển", chỉ ra những sai lầm của nhà giáo Nguyễn Lân trong việc biên soạn từ điển.[10]
Tác giả Lê Mạnh Chiến đã phân tích nhà giáo Nguyễn Lân đã giải nghĩa các Từ tố không thỏa đáng; Giảng đúng nghĩa của các từ tố, nhưng giảng sai nghĩa của từ; Dựa theo cảm thức chủ quan để “sáng tác” nghĩa cho các từ tố; Không phân biệt được các từ gốc Hán đã Việt hoá và các từ “thuần Hán”; Giải thích sai lệch các từ ngữ liên quan đến lịch sử và văn hoá. Lê Mạnh Chiến cũng cho rằng nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân: hoàn toàn không đọc được chữ Hán nên không thể ghi các từ bằng chữ Hán được, nhưng ông vẫn muốn tỏ ra hiểu biết sâu sắc về mảng từ Hán Việt nên đã ra sức giải nghĩa từng từ tố. Vì thế, khi giải nghĩa các từ tố, ông ta chỉ có thể đoán mò dựa theo âm Hán-Việt hoặc bịa ra nghĩa cho các từ tố.[11]
Học hàm Giáo sư và sự nhầm lẫn của cơ quan, truyền thông[sửa | sửa mã nguồn]
Lúc sinh thời, trong các tác phẩm của mình viết, nhà giáo Nguyễn Lân luôn đề tên ở bìa sách là Giáo sư Nguyễn Lân. Ví dụ những sách đã xuất bản như Từ điển chính tả phổ thông (1963); Từ điển Tiếng Việt (1967); Từ điển Pháp Việt (1981); Từ điển từ và ngữ Hán Việt (1989); Từ điển Việt Pháp (hợp soạn, 1989); Từ điển thành ngữ và tục ngữ (1989); Từ điển thành ngữ, tục ngữ Pháp Việt (1994); Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2002)...đều đề tên là Giáo sư Nguyễn Lân. Tuy nhiên quyết định 162/CP về đợt phong học hàm Giáo sư đầu tiên ở Miền Bắc Việt Nam được ký ngày 11/9/1956 bởi cố thủ tướng Phạm Văn Đồng gồm 29 người không có tên của nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân và các đợt phong sau đó, các năm 1980, 1984, 1988, 1991,...đều không có tên của nhà giáo Nguyễn Lân.[12]
Ngày 10 tháng 12 năm 2013, Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: “Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân- Cuộc đời và sự nghiệp” nhân kỉ niệm 10 năm ngày mất của ông (2003- 2013)[13]. Hội thảo đã chưng pano đề tên: HỘI THẢO KHOA HỌC - NGND GS NGUYỄN LÂN.
Một số tờ báo ở Việt Nam khi viết bài về nhà giáo Nguyễn Lân đã gọi ông là Giáo sư Nguyễn Lân...[14][15][16]
Về việc xây lăng mộ cho ông Nguyễn Trường Tộ[sửa | sửa mã nguồn]
Năm 1942, nhà giáo Nguyễn Lân đã gửi số tiền 133$00 [17] cho cố Laygue, linh mục địa phận Xã Đoài để xây lại mộ Nguyễn Trường Tộ[18][19]. Số tiền đó bao gồm, 110$00 là tiền bán 900 quyển " Nguyễn Trường Tộ" của ông, còn 23p là tiền của những người bạn ông góp vào. Ngôi mộ Nguyễn Trường Tộ hiện nay ở làng Bùi Chu, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Lăng mộ của Nguyễn Trường Tộ đề 2 câu thơ không ghi tên tác giả:
Nhất thất túc thành thiên cổ hận
Cố đầu hồi thị bách niên cơ.
Dịch ra tiếng Việt có nghĩa là:
Một bước sa chân nghìn đời mang hận
Quay đầu nhìn lại, cơ đồ đã hóa trăm năm.
Trước đây bia lăng mộ cũ đã bị sứt mẻ mất chữ cuối cùng, khi là người đứng ra xây lại mộ, nhà giáo Nguyễn Lân đã không có ý kiến gì khi khắc hai câu thơ đó[20]. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chữ cuối cùng là chữ "thân" mới đúng, vì đó là 2 câu thơ cổ của danh tướng Lý Lăng, đời Hán Vũ Đế, Trung Quốc:
Nhất thất túc thành thiên cổ hận
Cố hồi đầu thị bách niên thân
Dịch ra tiếng Việt có nghĩa là:
Một lần sẩy chân, trở thành mối hận ngàn đời
Quay đầu nhìn lại, đã là cái thân trăm năm.
Ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Tề, nữ sinh trường Sainte Marie ở Hà Nội, là con gái nhà đại điền chủ Nguyễn Hữu Tiệp.
Ông bà có tám người con, tất cả đều là giảng viên đại học. các con ông đều có học vị tiến sĩ, trong đó có bốn giáo sư, ba phó giáo sư:
Người con trai cả là Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Tuất (đã mất), nguyên Chủ nhiệm khoa lý luận và sáng tác của Nhạc viện Novoxibiec - Nga, Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Nga, người Việt đầu tiên được phong tặng Nghệ sĩ Công huân Nga (năm 2001).
Người con thứ hai là nữ Tiến sĩ Nguyễn Tề Chỉnh (bà đã qua đời), nguyên là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Người con thứ ba là Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Giám đốc Trung tâm vi sinh vật học ứng dụng, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X, XI, XII, Giảng viên khoa Sinh học trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Khoa học - Giáo dục của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Người con thứ tư là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, chuyên viên cổ nhân học, Viện khảo cổ học Việt Nam, giảng viên khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Tổng Thư ký Hội Khảo cổ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng Việt Nam, Trưởng ban Kiểm tra Hội Âm nhạc Hà Nội.
Người con thứ năm là Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Các hội sinh học Việt Nam, giảng viên khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Người con thứ sáu là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Tráng, giảng viên bộ môn Hệ thống điện, khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Người con thứ bảy là Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng lao động (được trao tháng 12/2015) Nguyễn Lân Việt là Giáo sư đầu ngành Tim mạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch - Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên là Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội.
Người con út là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung, Hiệu Phó Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF.
Nhận định
"Gọi giáo sư Nguyễn Lân là nhà biên soạn từ điển “vô địch” có lẽ không sai."
|
”
|
— Giáo sư Nguyễn Đình Chú trong tác phẩm Hồi kí Những năm tháng không quên [21]
|
“
|
"Tất nhiên trong cuốn đại từ điển này, có thể còn có điều ta phải bàn thêm với ông. Nhưng ngay cả với người khắt khe nhất cũng phải công nhận thái độ rất nghiêm túc và khoa học của ông. Một mình ông làm bằng công việc của cả viện ngôn ngữ. Công trình đồ sộ ấy, ông lại hoàn thành ở độ tuổi 95, ấy là kỷ lục không phải ai cũng có thể lập được"
|
”
|
— Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong tác phẩm Người thường gặp [22]
|
“
|
"Chúng tôi vô cùng tự hào về cái gia tài tinh thần mà cụ đã để lại cho muôn đời con cháu.Đó là tấm gương về lòng tin, tin ở chính mình, tin ở sự nghiệp vẻ vang của dân tộc, tin ở lẽ phải, ở chính nghĩa, tin ở tất cả những người lương thiện sống quanh ta.Đó là tấm gương về lòng hiếu học và ý chí phấn đấu học tập suốt đời để không ngừng làm giàu kiến thức cho mình và dùng kiến thức ấy để cống hiến cho sự nghiệp trồng người.Đó là tấm lòng nhân ái, yêu đời, yêu người, vị tha, khoan dung dành cho những người sống quanh mình. Cha tôi luôn xót thương cho những số phận bất hạnh, luôn luôn cảm thông cho những lỗi lầm do ít kinh nghiệm hoặc thiếu kiến thức. Nhưng cụ lại là người hết sức bất bình với những hành vi tham lam, vị kỷ, dối trá, lừa lọc, vô đạo đức. Cụ căm ghét sự lợi dụng chức quyền, làm giàu bất chính, bắt nạt dân lành, dối trên lừa dưới.Đó là tấm gương về nếp sống giản dị, tiết kiệm, không màng công danh, phú quý, không chuộng hình thức, luôn khiêm nhường và quý trọng sức lao động của người khác."
|
”
|
— Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong tác phẩm Vinh quang nghề thầy [23]
|
“
|
Hoàn toàn không đọc được chữ Hán nên không thể ghi các từ bằng chữ Hán được, nhưng ông vẫn muốn tỏ ra hiểu biết sâu sắc về mảng từ Hán Việt nên đã ra sức giải nghĩa từng từ tố. Vì thế, khi giải nghĩa các từ tố, ông ta chỉ có thể đoán mò dựa theo âm Hán-Việt hoặc bịa ra nghĩa cho các từ tố[10]
|
”
|
— Lê Mạnh Chiến- 170 sai lầm trong một cuốn từ điển
|
|
|
|
|
Tác phẩm viết về chủ đề giáo dục:
Ngữ pháp Việt Nam từ lớp 1 đến lớp 7(Nhà xuất bản Giáo dục - 1956)
Lịch sử giáo dục học thế giới (Nhà xuất bản Giáo dục 1958)
Giáo trình giáo dục học (Nhà xuất bản Giáo dục 1961, viết chung)
Giảng dạy trên lớp (Nhà xuất bản Giáo dục 1961)
Công tác chủ nhiệm lớp (Nhà xuất bản Giáo dục 1962)
Thuật ngữ tâm lý - giáo dục (1967, viết chung)[24]
Biên soạn Từ điển:
Từ điển chính tả phổ thông (1963, viết chung)
Từ điển tiếng Việt (1967, viết chung)
Từ điển Pháp - Việt (Tổ chức Hợp tác văn hóa và kỹ thuật ACCT xuất bản tai Paris năm 1981, viết chung)
Từ điển từ và ngữ Hán - Việt(1989)
Từ điển Việt - Pháp(viết chung, 1989)
Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989)
Từ điển thành ngữ và tục ngữ Pháp - Việt(1993, Nhà xuất bản Giáo dục)
Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt - Pháp (1994, Nhà xuất bản Văn học)
Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2002) [25]
Nghiên cứu:
Nguyễn Trường Tộ (1943)
Khảo thích truyện Trê Cóc (1959)[26]
Tiểu thuyết:
Cậu bé nhà quê (1925)[27]
Truyện ngắn:
Khói hương (1935)[28]
Ngược dòng(1936)[28]
Hai ngả (1938)[29]