Phạm Văn Duyệt là một trong số ít Đảng viên cộng sản đầu tiên của
chi bộ huyện Hải An năm 1930 (nay là An Hải). Tên ông là Duyệt nhưng bà con lối
xóm ở Cát Bi quen gọi ông là giáo Duyệt. Ngay từ khi còn theo học tại trường
Trung Hành, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, ông thường tụ tập bạn bè cùng chí
hướng trao đổi những điều mới lạ qua sách báo tiến bộ lưu hành bí mật trong nhà
trường, dưới hình thức vui chơi cắm trại ngay tại vườn cây gia đình. Cùng tham
gia hoạt động bí mật với ông lúc bấy giờ có ông Phạm Văn Trường (tức Phương)
(1), bà Nguyễn Thị Tý (giáo Yến) (2). Phạm Văn Duyệt được kết nạp vào Thanh
niên cách mạng đồng chí hội ngay từ năm 1927.
Hàng ngày cả nhóm giả làm người câu cáy, hái củi ở khu vực đảo
Đình Vũ, đến đêm mới chèo thuyền vào đất liền chở theo tài liệu truyền đơn đến
từng cơ sở cách mạng mới gây dựng. Chi bộ cộng sản huyện Hải An lúc đầu mới có
3 người về sau phát triển thêm 4 người nữa là: Phạm Văn Duyệt, Cao Văn Nhiêu,
Phạm Công Tiện và Nguyễn Văn Tích. Trên cơ sở phát triển của phong trào cách
mạng đang sôi sục, giữa tháng 6 năm 1930 cơ quan chỉ đạo Đảng, tức ban cán sự
Hải An được thành lập, gồm có Hoàng Văn Trành (tức Tâm Trành, tức Hoàng Thiết
Tâm) làm Bí thư, Phạm Văn Duyệt uỷ viên phụ trách nông hội, Cao Văn Nhiêu phụ
trách học sinh, Phạm Công Tiện phụ trách phụ nữ và tiểu thương.
Dưới sự lãnh đạo của Phạm Văn Duyệt, cơ sở cách mạng ở Đình Vũ và
huyện Hải An được hình thành, luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Cuộc nổi dậy
của diêm dân, nhân dân đảo Đình Vũ, đấu tranh chống độc quyền, quản lý sản xuất
muối của thực dân Pháp diễn ra ngày 7/9/1930 (15/7 Canh ngọ). Hơn 300 người vai
vác đòn càn, câu liêm, dao, gậy, quang gánh rầm rộ diễu hành quanh đảo. Đi đầu
là ông Phạm Văn Đích, tay giương cao lá cờ đỏ búa liềm, đi sau là những biểu
ngữ đấu tranh Phản đối chống độc quyền muối, Chống chế độ quản đoan, chống
khủng bố, Đả đảo đế quốc Pháp. Hoảng hốt trước khí thế của dân chúng, chủ Tây
cùng đồng bọn tay sai sợ hãi, bỏ chạy về đồn Ninh Tiếp (Cát Hải). Quần chúng
xông vào nhà lấy sổ sách, giấy tờ của quản đoan và chủ Tây đem thiêu huỷ hết,
sau đó phá cửa nhà kho lấy muối chia cho mọi người. Ngày hôm sau, thực dân Pháp
huy động thuyền chở lính ra đàn áp. Bà con diêm dân tập trung lại, kiên trì đòi đối phương giải
quyết những yêu sách của dân nêu ra: Để dân được tự do làm việc, giảm bớt thuế
muối, chuyển đi nơi khác tên quản đoan khét tiếng gian ác. Tin cuộc đấu tranh
của bà con Đình Vũ giành được thắng lợi bước đầu, lan truyền toàn quốc, cổ vũ
niềm tin cho quần chúng lao khổ mọi nơi. Báo Tin tức số ra cuối tháng 9 năm
1930, đã kịp thời đưa tin về diễn biến cuộc đấu tranh của nhân dân Đình Vũ ...
quần chúng tinh thần rất hăng hái, Đảng viên và nông hội đỏ cũng rất hăng hái.
Hoảng sợ về ảnh hưởng của cuộc đấu tranh ở Hải An, dựa vào bộ máy tay sai phản
động, thực dân Pháp tập trung đàn áp, lùng bắt cán bộ, phá vỡ một số cơ sở cách
mạng tại chỗ, ông Duyệt bị bắt, sau đó đày đi Côn Đảo. Đến thời kỳ Mặt trận
bình dân lên nắm chính quyền ở Pháp, chủ trương ân xá cho tù chính trị ở xứ
Đông Dương. Ông Duyệt trở về dạy học trong các làng xã ở Lại Xuân, Doãn Lại
(Thuỷ Nguyên) vừa tìm cách bắt mối liên lạc với một tổ chức cách mạng ở đây.
Thời gian đầu chưa liên lạc được với Đảng, ông vẫn chủ động tuyên truyền cách
mạng thông qua các bài giảng cho học sinh. Khi bắt được mối liên lạc, ông Duyệt
đã hăng hái tham gia vào phong trào chung.
Từ năm 1942, ông Duyệt cùng một số ngưòi trở về hoạt động, gây dựng cơ
sở theo chương trình của Tổng bộ Việt Minh, Hoàng Ngọc Lương, Phạm Văn Duyệt
hoạt động ở vùng thượng huyện. Trong lễ ra mắt của chính quyền cách mạng lâm
thời huyện Thuỷ Nguyên, gồm 7 thành viên, ông Duyệt là uỷ viên phụ trách tư
pháp. Sau đó ông được tổ chức điều động về huyện nhà làm chủ tịch Uỷ ban nhân
dân cách mạng lâm thời Hải An. Ngày Hải Phòng cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, ông
Duyệt cùng các cơ quan dân chính Đảng di chuyển sang mạn Thuỷ Nguyên, tiếp tục
nghề dạy học trong vùng cơ quan kháng chiến.
Sau ngày Hải Phòng kháng chiến (13/5/1955) ông Duyệt chuyển sang
công tác tại sở giao thông công chính thành phố cho đến trước khi nghỉ hưu. Ông
Duyệt mất năm 1971 giữ trọn phẩm chất trung thành với Đảng, dù phải chịu mọi
cực hình tra tấn trong lao tù của thực dân, đế quốc, sống giản dị, liêm khiết
thật thà, nêu tấm gương sáng cho làng xã quê hương.
1. Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng. Tập
I.
2. Lịch sử Đảng bộ huyện An Hải
1927- 1955
3. Lịch sử đấu tranh vũ trang cách
mạng huyện An Hải
4. Lịch sử đảng bộ huyện Thuỷ
Nguyên. Trang 44 - 49
5. Tài liệu điền dã ghi chép tại
xã Tràng Cát