Đoàn Đắc Khanh (1875 - 1925)
Đoàn Đắc Khanh (1875 - 1925)
Đoàn Đắc Khanh (tên chữ là Hồng Khanh), sinh quán tại thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thuỵ, là một nhà nho yêu nước, được các học trò và người địa phương kính trọng và quen gọi bằng cái tên gần gũi là cụ Đồ Khanh.
Đoàn Đắc Khanh là con thứ ba của cụ Đoàn Đắc Liêu và cụ Nguyễn Thị Liều. Được cha mẹ cho theo học cụ giáo Mền, tỉnh Bắc Ninh cùng học có ông cử Mai (Đại Lộc) ông Tú (Hoè Thị) cụ lang Quang (Tiên Lãng) và một số người khác. Vốn thông minh học giỏi, nhưng Đoàn Đắc Khanh đã thi 3 lần chỉ đỗ khoá sinh.
Đầu năm 1920, sau khi đỗ khoá sinh, ông và Trần Văn Mai về Kim Sơn mở trường tư dạy học. Vốn có lòng yêu nước, ngoài việc dạy chữ, ông còn hướng họ theo phong trào Duy Tân. Đoàn Đắc Khanh đã mạnh dạn cách tân cải lương hương chính, lợi dụng hội đồng tộc biểu và đích thân làm thư ký hội đồng, chấp bút soạn bản Hương ước làng (năm 1922). Ông đã vận dụng tham khảo Tân Thư để triển khai nội dung cho bản Hương ước làng mình, nội dung bản Hương ước ẩn chứa những tư tưởng tiến bộ và được chính quyền cũng như nhân dân địa phương hưởng ứng nhiệt tình.
Hội đồng tộc biểu của Kim Sơn do Đoàn Đắc Khanh sáng lập gồm 15 vị, đại diện cho 12 dòng họ thường bàn và giải quyết những việc quan trọng cho làng như khen thưởng, xử phạt, kiểm tra những quy định... Nội dung bản Hương ước do ông soạn đã đề cập đến những quyền lợi chính đáng của người dân, đó là cần thiết phải làm trường học (4 gian) xây nhà hộ sinh và cử người đi học chuyên môn để về phục vụ. Trước mắt ông cho xây dựng nhà Hội đồng (trụ sở họp), đắp đường kiểu chữ thập (+) trong làng, tạo ra môi trường thông thoáng và trật tự an ninh. Ông vận động nhân dân đào nhiều ao để lấy nước tưới ruộng, tắm giặt. Hiện nay, ở thôn Kim Sơn vẫn còn khoảng 8 sào ao, đào từ thời ấy để lại.
Về văn hoá xã hội, bản Hương ước cũng quy định rõ về những phong tục ma chay cưới xin. Về phong tục, cấm bói toán nhảm nhí, “Cất vàng mã” (tức là không đốt), người dân đã gọi ông với cái tên vui “Cụ đồ cất mã làng Kim”. Về cưới xin cũng rất giản tiện, không thách cưới tiền mặt, cấm tảo hôn. Còn ma chay thì không được làm linh đình và cũng bỏ quy định nộp lệ cho làng. Đặc biệt, về giáo dục, bản Hương ước động viên cho con em mình đến trường học không kể con em người giàu người nghèo, người có chức sắc. Về kinh tế, bản Hương ước chú trọng đến đời sống nhân dân. Trước đây thường người có chức sắc thì được chia ruộng tốt, nhưng nay ruộng đất sẽ được chia công bằng. Về thuế, ông gợi ý chính quyền nên khai giảm số ruộng để bớt thuế cho dân. Và bản thân Đoàn Đắc Khanh vừa bỏ tiền mình và tiền thuê ruộng của làng ra xây cống đào mương, dẫn thuỷ nhập điền để cải tạo đồng ruộng. Con đường chữ thập ở làng do ông chủ trương phải có 4 cổng làng và 4 điểm canh. Khi mặt trời lặn tất cả mọi người ở ngoài đồng phải thu xếp về nhà; ban đêm tuần phòng nghiêm cẩn. Vì thế thời kỳ đó lúa để ngoài đồng không sợ mất, trong làng không có các tệ nạn xã hội, trật tự trị an tốt.
Có thể thấy, nội dung bản Hương ước làng Kim, sáng lên một tư tưởng chính trị tiến bộ. Đặt nó vào trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ thì ta càng thấy có ý nghĩa. Điều đáng trân trọng nữa là, trong số những người học hành đỗ đạt, những nhà nho nhà giáo cùng thời ở Kiến Thuỵ chỉ có Đoàn Đắc Khanh làm được điều đó. Người bạn học, cử nhân Trần Văn Mai đã viết văn bia ca ngợi ông sau 4 năm khi Đoàn Đắc Khanh mất (1929). Bia đó được đặt trước cửa nhà Hội đồng thôn Kim Sơn, hiện vẫn còn. Mặt trước văn bia nói về việc cải lương hương chính, mặt sau ghi danh sách các vị trong Hội đồng tộc biểu.
Môn sinh của ông có tới hàng trăm người. sau khi ông mất, họ đã góp tiền tậu ruộng, giỗ và xây lăng mộ thầy. Do có những tư tưởng mới mẻ, phù hợp với lòng người nên chỉ trong một thời gian ngắn bộ mặt nông thôn Kim Sơn đã đổi thay. Tư tưởng ấy còn đọng lại đến tận hôm nay năm 1977, khi khai trương làng văn hoá Kim Sơn vẫn còn nhắc đến bản Hương ước năm 1922 của ông.
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố