Đào Văn Thê (1909 - 1936)
Người thôn Thượng, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo nay thuộc thành phố Hải Phòng. Ông sinh trong một gia đình quan lại. Cha là Đào Văn Đạo, đỗ cử nhân, được bổ làm tri huyện ở nhiều nơi, cuối cùng ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Vì thế, dân làng quen gọi là cụ huyện Văn Giang. Đào Văn Thê là con vợ hai, mẹ là bà Ngô Thị Phán, người làng Linh Đông, xã Tiền Phong (Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Các con của cụ huyện Văn Giang không ai ra làm quan, phần đông theo nghề dạy học và làm ruộng.
Thuở nhỏ, Đào Văn Thê được gia đình cho đi học ở xa: từ trường huyện rồi trường ở Ninh Giang (Hải Dương) và sau đó là trường Thành Chung, tỉnh Nam Định. Ở đây, khi học hết lớp Đệ nhị, ông đã xây dựng gia đình nhưng chưa sinh được người con nào. Vào những năm 1927 - 1928, hai người em ruột của ông (con bà ba) là Đào Văn Lĩnh và Đào Văn Chiểu đang dạy học ở nội thành Hải Phòng đã tham gia và là Đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng lớp đầu. Riêng ông Đào Văn Lĩnh, thời gian học ở trường Sư phạm Hà Nội đã kết nạp với Nguyễn Thái Học (lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng) và ông đã tham gia nhóm “Nam đồng Thư xã”. Chính ông là người Cổ Am đầu tiên tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng. Ông còn là thành viên trong tỉnh bộ Việt Nam Quốc dân Đảng Hải Phòng.
Năm 1927, Đào Văn Lĩnh về quê (Cổ Am) tuyên truyền tôn chỉ mục đích của Đảng này để tổ chức thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng ở Cổ Am. Đầu năm 1928, tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng ở Cổ Am được thành lập với gần 20 đảng viên. Thời kỳ đầu, tổ chức có tên là Tứ dân liên hiệp đoàn và Đào Văn Thê cũng là một trong số những đảng viên đầu tiên của chi bộ Cổ Am.
Tháng 7/1929, Đào Văn Lĩnh và Đào Văn Chiểu bị mật thám bắt ở Hải Phòng. Đào Văn Thê được lãnh trách nhiệm thay Đào Văn Lĩnh, giữ vững sự chỉ đạo của tỉnh bộ Việt Nam Quốc dân Đảng Hải Phòng với chi bộ ở Cổ Am và Vĩnh Bảo, Phụ Dực (Thái Bình).
Đến cuối năm 1929, ở Vĩnh Bảo đã có thêm 5 chi bộ Việt Nam Quốc dân Đảng nữa thành lập. Đào Văn Thê là người trực tiếp truyền đạt mọi chỉ thị của tỉnh bộ Việt Nam Quốc dân Đảng Hải Phòng đến từng chi bộ này.
Đầu tháng 2/1930, Đào Văn Thê từ Hải Phòng về truyền đạt lệnh khởi nghĩa giành chính quyền ở Vĩnh Bảo và huyện Phụ Dực (Thái Bình). Lúc đó, chi bộ Cổ Am do Trần Quang Diệu lĩnh trách nhiệm chỉ huy khởi nghĩa, cướp chính quyền ở Vĩnh Bảo. Còn Đào Văn Thê chịu trách nhiệm chỉ huy khởi nghĩa cướp chính quyền ở huyện Phụ Dực. Cuộc khởi nghĩa, cướp chính quyền ở Phụ Dực do ông chỉ huy, nói chung không gặp trở ngại gì lớn. Quân khởi nghĩa ở đây đã chiếm và làm chủ huyện đường, tước khí giới của lính cơ, đốt hết sổ sách và giấy tờ của địch. Sau đó, quân khởi nghĩa kéo ra ngoài chờ lệnh phối hợp với quân khởi nghĩa ở Vĩnh Bảo. Nhưng khi được tin quân khởi nghĩa ở Vĩnh Bảo bị thực dân Pháp điên cuồng đàn áp thì quân khởi nghĩa ở Phụ Dực đã tự giải tán.
Đào Văn Thê phải lánh về gia đình bên quê mẹ (xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo) ẩn náu, tiếp tục hoạt động. Nhưng sau đó bị bại lộ, giặc Pháp đã về làng Linh Đông để bắt ông, kẻ thù đã đưa Đào Văn Thê và đồng chí của ông đi cầm tù ở Côn Đảo. Tại những chuồng cọp này, cả 5 anh em ông (3 anh em trai và 2 anh em rể) đều bị tống ngục với mức án tù khổ sai. Đào Văn Lĩnh, sau nhiều trận đòn tra tấn dã man của kẻ thù đã hi sinh tại Côn Đảo. Còn Đào Văn Thê, trong những năm 1930 1936 bị tù đày, ông đã cùng một số đồng chí khác vượt ngục. Và vào đầu năm 1936, trong chuyến vượt ngục bằng bè, mảng, ông đã hi sinh giữa biển cả xa xôi.
Cuộc đời và sự hi sinh của anh em Đào Văn Thê mãi mãi còn đọng lại trong lòng nhân dân đất Cổ Am về tấm gương bất khuất trước kẻ thù đã giành trọn cuộc đời và sự nghiệp của mình cho quê hương đất nước.