Đào Trọng Hiến ( ? - 1963 )
Đào Trọng Hiến ( ? - 1963 )
Không rõ năm sinh, mất năm 1963 tại Hà nội. Người xã Kim Mĩ Thìa tỉnh Hà Đông (nay thuộc nội thành Hà Nội) . 
Sau khi đỗ bằng Thành Chung, thi đậu trường Nam Sư phạm Hà nội; tốt nghiệp được bổ nhiệm đi dạy học ở một số nơi, rồi làm Hiệu trưởng trường Tiểu học. Khoảng đầu thập kỷ 40, chuyển sang ngạch học quan, về làm Huấn đạo ở hai huyện Tiên Lãng, An Lão, tỉnh Kiến An. Huấn đạo vốn là giáo chức bậc thấp nhất, nhưng cũng phải kinh qua giảng dạy, kinh qua công tác quản lý các trường đủ niên hạn qui định mới được đề bạt. Vốn là nhà giáo mẫu mực tốt nghiệp Sư phạm theo hệ thống đào tạo trường Tây, nhưng ông am hiểu Hán học, chịu ảnh hưởng Nho giáo nên đạo đức, tác phong rất mẫu mực, được giáo viên ở hai huyên Tiên Lãng, An Lão kính mến. Đối với quan lại nơi nhậm chức, ông giữ thái độ đúng mực, không xu phụ. Do đó có uy tín trong giáo giới và công chức. 
Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 bầu Quốc hội khoá đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Đào Trọng Hiến được Mặt trận Việt Minh tỉnh Kiến An giới thiệu ứng cử, ông đã trúng cử với số phiếu cao cùng với 6 vị nữa của đơn vị bầu cử này. Cũng trong cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh Kiến An khoá đầu, ông trúng cử và được bầu là Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh thay thế Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời Nguyễn Dương Lâm . Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Kiến An do ông Lê Quốc Thân làm bí thư, UBHC tỉnh đã xây dựng bộ máy chính quyền, thi hành chủ trương chính sách của Đảng, của Chính phủ Cụ Hồ trong hoàn cảnh khó khăn phức tạp, nhất là sự phá phách của nhóm Việt Nam Quốc dân đảng phản động ở ngay tỉnh lỵ, ở Phong Cầu, ở Do Nha...dưới sự che chở của bọn Tàu trắng. Sau ngày Pháp gây hấn ở Hải Phòng, 20/11/1946, liên tỉnh Hải - Kiến thành lập, Đào Trọng Hiến giữ chức Phó chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính liên tỉnh. Ông cùng các thành viên uỷ ban khẩn trương tổ chức đồng bào tản cư, bố phòng ngăn chặn địch mở rộng lấn chiếm...
Cuối năm 1947, ông được điều động nhận nhiệm vụ mới, Giám đốc Sở Thương binh Xã hội, rồi Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu III. Sau hiệp định Giơnevơ(1954), ông về công tác ở Bộ Nội vụ (cũ), giữ chức vụ Phó hiệu trưởng trường Hành chính trung ương. Chức Hiệu trưởng do một vị lãnh đạo bộ kiêm nhiệm, do đó công việc điều hành trực tiếp trường chủ yếu là do nhà sư phạm có kinh nghiệm Đào Trọng Hiến. Năm 1963, ông lâm bệnh nặng qua đời.
Đánh giá về Đào Trọng Hiến, ông Lê Quốc Thân, người có quan hệ công tác và giúp đỡ ông khi ở Hải Kiến, ở Liên khu III, ở Bộ Nội vụ đã viết: Có thể nói suốt quá trình hoạt động, ông luôn tỏ rõ là một cán bộ có tinh thần trách nhiệm, tận tuỵ trong công việc, cuộc sống mẫu mực, chịu đựng gian khổ và liêm khiết.... Vợ ông, bà Nguyễn Thị Cúc (1901-1981) tốt nghiệp Nữ hộ sinh thời Pháp, theo kháng chiến, bà đã chăm sóc sức khoẻ cán bộ, nhân viên rất tận tuỵ. Năm 1981, bà lâm bệnh, biết không qua khỏi, đã đem hơn 367 gam vàng nữ trang và cũng là khoản tài sản dành dụm của cả đời hai ông bà ủng hộ nhà nước. Được tin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã tặng bằng khen. Khi bà qua đời, Thủ tướng đã gửi vòng hoa viếng.
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố