Danh nhân văn hóa – Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585)
25/10/2012 17:56
Danh nhân văn hóa – Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585)
Trong lịch sử xây dựng và phát triển nền văn hoá dân tộc, Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi lên như một hiện tượng hiếm. Các sách chính sử phong kiến nước ta như: Đại Việt sử ký toàn thư chép, năm Ất Mùi (1535) ông trúng kỳ thi hội; Đại Việt thông sử ghi thêm: Năm Nhâm Dần ông bỏ quan về nghỉ hưu... và trong trí nhớ, trong nhận thức của nhiều tầng lớp nhân dân ta, ông là nhà triết học, nhà chính trị, nhà mô phạm nhà thơ và còn là một "tiên tri".
Qua những chi tiết nêu trên, đều thống nhất nói lên một sự thật về uy tín và ảnh hưởng sâu sắc, rộng rãi của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với nhân dân ta. Uy tín ấy hoàn toàn được xây dựng trên cơ sở đức độ tuyệt vời, tài năng hiếm có và đóng góp đáng kể của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với nền văn hoá nước nhà. Trong sự nghiệp cách mạng đổi mới, ngày nay Đảng ta, nhân dân ta rất trân trọng những di sản quý báu của dân tộc. Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng ta càng phải trân trọng kế thừa những tài năng, công đóng góp của ông.
Về sự nghiệp giáo dục, Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất thân trong một gia đình nhà giáo. Cả hai bố mẹ đều theo nghề dạy học và đều nổi tiếng. Bản thân ông suốt đời gắn bó với nghề này, kể cả lúc làm quan tại triều, ông vẫn cùng Trạng nguyên Nguyễn Thiến kiêm chức kinh diên giảng quan cho thái tử. Trường học của ông thu hút học sinh khắp nơi. Am Bạch Vân thực sự trở thành một trung tâm đào tạo của cả nước lúc ấy. Học trò của ông có đến hàng ngàn, nhiều người thành đạt như: Phùng Khắc Hoan, Lương Hữu Khánh, Đinh Thời Trung, Nguyễn Dữ, Nguyễn Quyện... Từ vua chúa, sĩ phu, học trò và cả nhân dân khắp nước đều kính trọng ông không những về tài năng, học vấn mà còn về đức độ, khí tiết. Đó là tấm lòng yêu nước, thương đời, căm ghét bọn áp bức bóc lột, bọn gây chiến tranh để tranh giành quyền lợi. Đó là con người thích sống thanh cao, coi thường danh lợi và trung thực. Đó còn là con người thích sống thanh cao, coi thường danh lợi và trung thực, khiêm tốn, giản dị.
Về triết học, Nguyễn Bỉnh Khiêm nắm khá vững ba hệ thống tư tưởng cấu thành ý thức hệ phong kiến Việt Nam: Nho giáo, phật giáo, lão giáo. Nhưng ở ông, tư tưởng nho giáo sâu sắc hơn cả.
Về sự nghiệp văn học, Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đạt nhiều thành tích nhất và có cống hiến cao nhất đối với nền văn học nước ta thế kỷ 16. Chỉ riêng về số lượng bài viết cũng không tác giả đương thời nào sánh kịp. Theo bài tựa “Bạch Vân Am thi tập”, ông chi biết đã sáng tác được tất cả một nghìn bài thư chữ hán. Còn về thư Nôm, chủ yếu sáng tác sau khi ông về hưu, lúc ông đã 52 tuổi. Nhưng khi 40 tuổi, tác giả nói mình đã sáng tác có đến ngàn bài. Điều này hoàn toàn có thể tin, bởi tác giả có năng khiếu thơ từ nhỏ và lại “mắc một bệnh này, chừa chẳng khỏi, đã thôi chén rượu lại câu thơ”. Đúng như nhận xét của Vũ Khâm Lân, Nguyễn Bỉnh Khiêm “không ngày nào quên đời, lòng ưu thời mẫn tục vẫn lộ trong thơ”. Nỗi lo đời của ông chính là do cảnh loạn lạc liên miên, làm dân khổ cực. Ông nhìn rõ hậu quả tai hại chiến tranh, người dân sa vào cảnh “nhà cửa bị bẻ làm củi, trâu bò bị giết làm thịt, tài sản bị cướp đoạt, vợ con bị hiếp tróc”. Chủ đề của chiến tranh trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm của ông, chưng tỏ đó là vấn đề làm ông trăn trở nhất. Ông quan niệm mục đích của chiến tranh “phải lấy nhân nghĩa trừ bàn bạo, cứu dân cốt phải mở rộng việc chiêu hàng”. Ông thương xót, lo lắng khi thấy dân chúng bị giặc chiếm đóng sống trong cảnh khốn đốn do “hình ngục bừa bãi, trâu bò bị giết hại, lại gặp phải nạn đói kém, cơ cực, trôi dạt khắp nơi”. Khái niệm dân trong thơ văn ông là “dân mọn”, là “dân vô tội”, là “dân lưu tán”, là “người chết đói bên đường”. Rõ ràng người dân ở đây, chính là người nông dân nghèo, thành phần đông đảo nhất và cũng là đối tượng gần gũi quen thuộc của tác giả.
Do thương đời, thương dân nên Nguyễn Bỉnh Khiêm có thái độ khinh ghét rõ ràng những kẻ gây tai hoạ, tang tóc, ức hiếp dân, sống trên xương máu dân làng. Đó là những con cá lớn cậy sức nuốt cá nhỏ, là những con chuột xù ỷ thế phá hoại mùa màng. Ông cảnh cáo nghiêm khắc con cá lớn “lúc trước ăn quá tham, nay sao co lại như cá vẹt đầu”; con chuột xù “đã làm mát lòng thiên hạ giết, thây phơi nơi chợ búa, bị diều quạ rỉa xác”...
Về thân thế, cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm, ta thấy từ nhỏ ông rất tài học, thông minh, đĩnh ngộ, thuộc nhiều thơ ca quốc âm do mẹ dạy truyền khẩu. Lớn lên lại càng học rộng tài cao, tiếng tăm vang dội, như thấy các tập đoàn phong kiến lúc ấy tranh giành quyền lợi gây nhiều tang tóc cho nhân dân, ông không chịu ra làm quan, chỉ ở nhà dạy học. Sau khi Mạc Đăng Doanh lên ngôi vua, thi hành một số chính lệnh tốt, ông mới quyết ra thi khoa thi Hương năm Giáp Ngọ (1534) và đã đỗ đầu. Khoa thi hội và thi đình năm Ất Mùi (1535) ông lại tiếp đỗ đầu. Đặc biệt cả 4 môn thi hội và bài đình đối của ông đều đạt điểm cao nhất, giành học vị trạng nguyên. Đây là hiện tượng hiếm trong lịch sử thi cử Hán học ở nước ta. Lôi kéo được Nguyễn Bỉnh Khiêm ra phục vụ triều đình mình, Mạc Đăng Doanh rất mừng, bổ nhiệm ông chức Đông các hiệu tư, sau lại cử giữ chức Tả thị lang bộ hình, rồi chuyển qua Bộ Lại với chức Tả thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ. Ông giữ chức này cho đến khi dâng sớ xin chém 18 tên quyền thần, không được vua xét, bèn xin về quê, mở Am Bạch Vân, dựng Quán Trung Tân, tuyên truyền và đào tạo nhân tài cho đất nước...
Nhân dân ta, Đảng ta đã và đang trân trọng những di sản văn hoá quý báu của Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà văn hoá tiêu biểu của dân tộc ta ở thế kỷ 16./.