Hải Phòng là một vùng đất cổ gần cửa sông Cấm, cách đây hàng ngàn năm đã có người sinh sống. Năm 1878, nhà Nguyễn lập Chiêu thương cục với một chi điếm ở Ninh Hải, thu hút nhiều thương nhân nước ngoài tới mở mang sản xuất và buôn bán.
Nhờ vị trí thuận lợi ở ven sông, Hải Phòng đã nhanh chóng trở thành đô thị lớn, kết hợp đồng thời hai chức năng Kinh tế và Quốc phòng. Có thể nói, Hải Phòng phát triển thành một đô thị lớn không phải từ một thành lũy trị sở phong kiến như Hà Nội, cũng không từ một cảng thị nằm trên luồng giao thương quốc tế đông đúc như Hội An.

Sự ra đời khu phố Pháp tại Hải Phòng
Năm 1872, Pháp đánh chiếm vùng đất Ninh Hải - Hải Phòng ngày nay. Sau hiệp ước Giáp Tuất, những năm 1874 - 1888 là thời kỳ hình thành khu phố Pháp - cũng có thể coi như đặt nền móng cho thành phố Hải Phòng. Nhưng giai đoạn 1897 - 1914 mới là thời kỳ xây dựng Hải Phòng thành một thành phố cảng biển và công nghiệp quan trọng của miền Bắc. Trong quá trình hình thành và phát triển khu phố Pháp tại Hải Phòng, không thể không chú ý tới yếu tố sông nước trong việc tạo dựng cấu trúc đô thị và hình thái các tuyến phố.
Đặc điểm địa hình của Hải Phòng những năm cuối thế kỷ XIX là vùng đất gần biển với nhiều sông lớn nhỏ chảy ra biển. Cũng giống như với Hà Nội, người Pháp tiến chiếm Hải Phòng từ phía sông bằng tàu chiến và đòi hỏi khu nhượng địa ven sông Cấm - ban đầu 2 ha, đến năm 1875 mở rộng lên 7 ha. Từ cơ sở quân sự - hậu cần ban đầu này, người Pháp tiến hành xâm lấn sâu hơn để giành quyền kiểm soát thêm đất đai, mở mang phố xá, xây dựng các công trình kiến trúc phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa của mình.
Thời Pháp thuộc, Hải Phòng được Toàn quyền Đông Dương xếp loại thành phố cấp I ngang với Hà Nội và Sài Gòn. Khu trung tâm Hải Phòng mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp, tuy tương đối giống với Hà Nội về tổng thể, nhưng khiêm tốn hơn về quy mô và số lượng các công trình. Nhìn chung, các tòa nhà được người Pháp thiết kế và xây dựng khá kỹ lưỡng, có nhiều nét kiến trúc phong phú, đến nay vẫn là nhưng công trình có dấu ấn quan trọng trong bộ mặt kiến trúc đô thị của thành phố Hải Phòng.
Sự phát triển cấu trúc tổng thể khu phố Pháp tại Hải Phòng qua các giai đoạn
Hải Phòng những năm 70 của thế kỷ XIX được cấu thành bởi hai bộ phận chính. Phía Tây Nam giáp sông Tam Bạc là khu người Việt và Hoa kiều mà trước đây người Pháp thường gọi một cách miệt thị là "khu bản xứ", gồm một số cơ quan quân sự, kinh tế của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn cùng với một số phố sá và nhà dân. Phía Bắc giáp sông Cấm là khu tô giới (thường gọi là khu nhượng địa) do Pháp cai quản mà hạt nhân là Sở Thuế đoan, Toà lãnh sự và đồn binh; đồng thời tại đó cũng dần dần xây lên những kiến trúc đô thị hiện đại đầu tiên của Hải Phòng. Xem xét các bản đồ còn lưu trữ được, chúng ta có thể tìm thấy nhiều thông tin lý thú và hữu ích về sự phát triển cấu trúc tổng thể khu phố Pháp tại Hải Phòng qua các giai đoạn lịch sử:

Nhà máy xi măng Hải Phòng và hệ thống sông nước cận kề góp phần tăng năng lực vận chuyển đường thủy, tạo điều kiện để Hải Phòng dưới thời Pháp thuộc phát triển thành một thành phố công nghiệp - cảng biển quan trọng của miền Bắc
- Năm 1874: Sau khi Pháp chiếm vùng đất Ninh Hải (1872), ở thời điểm đó vẫn là các làng cổ Gia Viễn, An Biên. Khu nhượng địa cho Pháp được khoanh vùng ở sát ngã 3 sông Cấm và sông Tam Bạc.
- Năm 1885: Năm 1884 Pháp xây dựng Tòa lãnh sự, từ năm 1885 bắt đầu xây dựng nhà cửa lớn theo kiểu châu Âu. Trên bản đồ, đã thấy có nhiều công trình kiến trúc, song đường sá vẫn chưa có sự quy hoạch rõ ràng, đa phần là tự phát theo hiện trạng. Dần dần hình thành khu phố bản xứ ở phía Tây - Nam ven sông Tam Bạc và khu của người Pháp ở phía Bắc ven sông Cấm.
- Trước năm 1900: Năm 1885, công sứ Bonnal đã cho đào kênh vành đai (kênh Bonnal) rộng 74m, nối sông Tam Bạc với sông Cấm, tách khu của người Pháp cùng khu phố bản xứ (chủ yếu của người Hoa) khỏi các làng của người Việt ở phía Nam. Đường xá đã được thiết lập theo mạng ô cờ, tuy nhiên không vuông vắn tuyệt đối. Khu phố bản địa ở mỏm sông Tam Bạc cũng đã được can thiệp về quy hoạch (với một trục chính và các nhánh xương cá nối ra đường ven sông / kênh).
- Trước năm 1902: Bản đồ này được vẽ trước khi có đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. So với bản đồ trên, chỉ trong một thời gian ngắn, người Pháp đã phát triển đô thị Hải Phòng sang bờ Nam kênh vành đai với việc kéo dài trục đường Paul Bert (nay là Điện Biên Phủ) và Amiral Courbet (nay là Hoàng Văn Thụ), có trường đua ngựa (nay là khu vực SVĐ Lạch Tray). Trong quy hoạch nhấn mạnh 3 trục chính: Felix Faure (Nguyễn Tri Phương ngày nay - ranh giới khu nhượng địa trước đây) và 2 trục vừa kể trên.
- Năm 1905: Đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đã được xây dựng. Ga Hải Phòng được bố trí ở phía Nam kênh vành đai, tức là ở ngoại vi của khu phố Pháp lúc đó. Điều này thể hiện sự khoa học trong việc bố trí giao thông đường sắt không cắt ngang đô thị, và sau đó còn được kéo dài tới cảng (bến 6 kho).
- Năm 1915: Có thêm nhiều trục đường xương cá được mở ra vuông góc với kênh vành đai ở bờ Nam. Hình thái các tuyến phố nhỏ này có thể cho phép đưa ra kết luận rằng kênh vành đai là một tác nhân hình thành hình dạng các ô phố và hướng tuyến phố ở lớp ô phố thứ 2 được phát triển sau này ở bờ Nam kênh vành đai. Các ô phố này được giới hạn bởi đường sắt.
- Năm 1926: Trước đó, năm 1925, người Pháp đã cho lấp phần lớn kênh vành đai và cải tạo thành dải vườn hoa. Lớp ô phố thứ 3 được quy hoạch tiếp tục phát triển vượt qua đường sắt xuống phía Nam và Đông Nam, đưa đường sắt (lúc này đã được kéo dài tới cảng) lọt vào trong lòng đô thị. Có thể thấy từ hình dạng bẻ chéo của các ô phố tạo góc vuông tương ứng với tuyến cong của kênh vành đai và tuyến đường sắt. Phía Tây Bắc, trục Paul Bert đó được phát triển sang phía Tây qua Hạ Lý đến nhà máy Xi măng và sau đó nối vào đường đi Hà Nội.
- Năm 1935: Bản đồ này cho thấy những dự kiến quy hoạch mở rộng của người Pháp xuống vùng phía Nam và Đông Nam đường sắt đã không thực hiện được. Tác giả giả thuyết do bối cảnh kinh tế xã hội bản địa và cả ở chính quốc (chuẩn bị cho thế chiến II nên không đủ nguồn lực) và do cả sự va đập với các khu vực dân cư địa phương - lúc này đã có mật độ cư trú dày hơn. Bản thân sự hiện diện của tuyến đường sắt cũng là một rào chắn khống chế sự phát triển các tuyến phố cắt ngang từ trung tâm tỏa ra.
- Hải Phòng 2008: So với bản đồ năm 1935 là tương đối giống - điều đó cho thấy sau này, hầu như không có sự quy hoạch lại hay phát triển nào đáng kể, chúng ta cũng không thực hiện được việc quy hoạch vuông vắn các ô đất tiếp nối với khu phố Pháp hiện hữu. Nếu trước đây người Pháp thực hiện được lớp ô phố thứ ba thì hình thái tuyến phố và ô phố các quận nội thành như Lê Chân, Ngô Quyền ngày nay có thể đã rất khác (vuông vắn hơn, các ô đất đô thị sẽ được phân chia đều đặn hơn).
Yếu tố sông nước trong cấu trúc đô thị Hải Phòng
Năm 1885, Bonnal được cử sang làm Công sứ tại Hải Phòng đã cho đào một con kênh ở phía Nam nối từ sông Tam Bạc vòng ra tới sông Cấm - gọi là kênh vành đai hoặc kênh Bonnal. Nhiều tài liệu cho rằng Bonnal đào kênh để lấy đất lấp các hồ ao và đắp nền làm nhà. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và xem xét các tài liệu lịch sử, tác giả bổ sung thêm giải thuyết rằng việc đào kênh vành đai còn nhằm đảm bảo an ninh cho vùng đất mà người Pháp đang chiếm cứ. Kênh vành đai cùng với sông Tam Bạc và sông Cấm đã ôm trọn một dải đất hình cái rìu mà chỉ 10 năm sau đó phát triển thành khu phố Pháp - hạt nhân ban đầu của Hải Phòng ngày nay. Với chiều rộng trung bình 74m, kênh vành đai là dải nước cách ly giữa khu thị dân (vốn không có thành lũy bảo vệ) và các làng của người Việt bản xứ ở phía Nam. Tương tự như vậy là kênh đào Hạ Lý ở phía Tây, cũng nối sang Tam Bạc và sông Cấm. Nhưng ngoài mục đích bảo vệ còn phục vụ vận tải cho nhà máy xi măng.
Đến những năm 1920, khi khu phố Pháp vượt ra khỏi phạm vi ban đầu với lớp ô phố thứ hai đã phát triển sang bờ Nam của kênh vành đai, thì chức năng là dải nước cách ly và đảm bảo an ninh đã không còn nữa. Người Pháp đã cho lấp kênh này và đưa nó trở thành một dải vườn hoa - lúc này đó nằm trong lòng đô thị. Đây là một sự chuyển hóa tuyệt vời, nhẹ nhàng và hợp lý về chức năng, thích ứng về không gian và cảnh quan trong một đô thị đang phát triển mở rộng, thể hiện sự uyển chuyển về tư duy của người Pháp trong quy hoạch đô thị. Trên dải vườn hoa này, ngày nay vẫn còn một phần mặt nước của kênh vành đai năm xưa, do người Pháp không lấp đi toàn bộ kênh mà vẫn giữ lại một đoạn giáp sông Tam Bạc - sau gọi là sông Lấp và nay là hồ Tam Bạc. Hồ Tam Bạc ngày nay là một thành tố cảnh quan không thể tách rời của dải vườn hoa trung tâm. Nó tiếp tục tham gia vào việc tạo dựng trục cảnh quan trung tâm của Hải Phòng và kết nối liên tục giữa các thành phần đô thị với nhau.
Tận dụng ưu thế địa hình sông nước và gần biển của Hải Phòng, người Pháp đã sớm hoạch định thành phố này là một đô thị công nghiệp và cảng biển của miền Bắc. Sông Cấm có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành một thành phố công nghiệp - cảng biển Hải Phòng. Dưới thời Pháp thuộc, cảng Pasquier - bến Sáu kho theo cách gọi dân dã, hay cảng Hải Phòng ngày nay - được xây dựng sâu trong đất liền nhờ có dòng chảy sâu rộng của sông Cấm. Với cảng biển lớn và quan trọng nhất của miền Bắc được hình thành ngay trong giai đoạn đầu phát triển thành phố (có từ năm 1876), Hải Phòng đã tạo được cho mình vị thế phát triển riêng. Các công trình kiến trúc từ nhà ở tới thương mại, sản xuất hướng nhiều đến tính giao lưu thương mại, trao đổi hàng hóa.

Cầu Paul Doumer bắc qua kênh vành đai nối vùng phía Nam của người bản xứ với khu phố Pháp ở phía Bắc. Bên kia cầu là nhà hát lớn Hải Phòng
Từ địa thế sông nước với khả năng trao đổi hàng hóa bằng đường thủy thuận lợi, các cơ sở công nghiệp (nhà máy Xi măng, nhà máy Sợi, các xưởng cơ khí sửa chữa tàu thủy...) đã được người Pháp sớm xây dựng ở những vùng đất ven sông. Những cơ sở công nghiệp này góp phần tạo thêm sức sống và phần nào là căn nguyên cho sự lớn mạnh nhanh chóng của Hải Phòng thời đó. Với sự gia tăng nhu cầu cư trú, sinh hoạt, giải trí và học tập của những người Pháp cùng gia đình tới làm việc tại đây, hàng loạt đường phố đã được mở mang, các công trình văn hóa, xã hội, giáo dục đã được xây dựng. Vì vậy, chỉ sau 20 - 30 năm Hải Phòng đã trở thành một đô thị tổng hợp loại I cùng với Sài Gòn và Hà Nội.
Kết luận
Trong suốt quá trình phát triển của mình, Hải Phòng luôn gắn liền với quá trình cải tạo, chỉnh trang các con sông. Nhiều người đã cho rằng các con sông ở Hải Phòng chính là nguồn gốc của thành phố. Từ thuở đầu hình thành với sự xâm nhập và xây dựng đô thị của người Pháp cách đây hơn 100 năm, yếu tố sông nước đã luôn đóng vai trò quan trọng có tính quyết định. Qua năm tháng và những biến chuyển lịch sử, từ một khu phố ban đầu bên sông Cấm, sông Tam Bạc; ngày nay Hải Phòng đã mở rộng ra tới sông Lạch Tray. Với tương lai là một đô thị lớn được bao phủ bởi ba con sông và biển Đông, yếu tố sông nước lại tiếp tục gắn bó với và chi phối nhất định công cuộc phát triển của Hải Phòng. Không chỉ đi vào nghiên cứu của các nhà kiến trúc quy hoạch, sông nước Hải Phòng còn đi vào thơ ca, nhạc, họa và luôn phả hơi thở của mình vào đời sống đô thị. Xin kết bài viết này bằng trích dẫn hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đã tặng Hải Phòng:
(Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam)