Vài tâm sự về nhạc sĩ Văn Cao và bài "Tiến quân ca"

Vài tâm sự về nhạc sĩ Văn Cao và bài "Tiến quân ca"

 


Không biết bao nhiêu lần, khi đất nước trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, nhất là mỗi khi bài Tiến quân ca vang lên, tôi thoáng nhìn thấy gương mặt cha tôi - nhạc sĩ Văn Cao, niềm vui bỗng hiện lên trong ánh mắt ông. Và trong giây lát, ánh mắt ấy lại lặng buồn với những trào dâng trong ông về năm tháng ra đời của bài ca này.

Nếu không có Vũ Quý...

Rồi không chỉ một lần, sau những phút tĩnh lặng, với những năm tháng đang trở lại. Ông khẽ khàng tâm sự với ly rượu nhỏ, giọng ông như nghẹn lại. Ông nói là ông không khỏi nghĩ đến người bạn, người anh và cũng là người lãnh đạo đầu tiên, trực tiếp giác ngộ ông vào Việt Minh hồi năm 1944 tại Hà Nội. Người đó đã không giao bất kỳ khẩu súng nào cho ông hoạt động, lại chính thức giao nhiệm vụ cho ông sáng tác ngay một bài hát để hát trong ngày ra đời sắp tới của một đội quân vũ trang khoá quân chính kháng Nhật trên chiến khu Trần Hưng Đạo tại Việt Bắc.

Nhiệm vụ đầu tiên này được giao thật thích hợp với năng khiếu sáng tác nghệ thuật đã bộc lộ từ năm tháng ông còn ở tuổi thiếu niên. Người giao nhiệm vụ đó, chính là Vũ Quý (còn gọi là Quý "đen") - một huấn luyện viên bơi lội, xưa đã từng huấn luyện ông trong hoạt động thể thao tại Hải Phòng, lúc đó anh đang là lãnh đạo (cùng với các đồng chí Lê Quang Đạo, Nguyễn Văn Trân...) trong Ban cán sự thành phố Hà Nội (nay là Thành ủy Hà Nội). Hải Phòng ngày ấy là nơi ông được sinh ra và lớn lên cùng với lứa thanh, thiếu niên trường Bô-nan (nay là trường Ngô Quyền) và cùng dần theo cách mạng sau này.

Ông nhận lời Vũ Quý và ngay hôm đó chính thức gia nhập Việt Minh, bắt tay vào việc sáng tác ngay một bài hát với thể loại hành khúc của một đội quân, khác với những ca khúc trữ tình ông thường quen sáng tác mỗi khi có xúc cảm trong tâm hồn.  Đó  là một ngày của tháng 9 năm 1944.

Và như ông từng bồi hồi viết lại trong hồi ký Tại sao tôi viết Tiến quân ca:

“Bài hát đã làm trong thời gian không biết bao nhiêu ngày tại căn gác hẹp 45 Nguyễn Thượng Hiền, bên một cái cửa sổ nhìn sang căn nhà 2 tầng, mấy làn cây và một màn trời xám. Ở đây thường vọng lên những chiếc xe bò chở xác người chết đói về phía Khâm Thiên. Ởã đây hàng đêm mất ngủ vì gió mùa luồn vào khe sàn gác hở. Ở đây tôi hiểu thêm nhiều chuyện đời. Ở đây đêm đêm có những tiếng gõ cửa, những tiếng gọi đêm không người đáp lại...”.

Rồi với tâm trạng: “...Tin từ Nam Định lên, cho biết mẹ tôi và các em tôi đang đói. Họ đang tìm mọi cách để sống qua ngày, như mọi người đang chờ đợi một cái chết thật chậm, tự ăn mình như ngọn nến. Tiếng kêu cứu của mẹ tôi, các em, các cháu tôi vọng cả căn gác, cả giấc ngủ chiều hôm. Tất cả đang chờ đợi tôi tìm cách giúp đỡ. Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập đội vũ trang nào. Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa được gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, trong khoá quân chính đầu tiên ấy, và biết họ hát như thế nào. Ở đây đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được”.

Cứ miên man như thế, một giai điệu trong ông bỗng dâng trào và hoà quyện cùng lời ca như bật ra:

Đoàn quân Việt Minh đi (sau này đổi là Đoàn quân Việt Nam đi).

Chung lòng cứu quốc

Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...

Và ngọn cờ đỏ sao vàng bay giữa màu xanh của núi rừng. Nhịp điệu ngân dài của bài hát, mở đầu cho một tiếng cồng vang vọng.

Đoàn quân Việt Minh đi

Sao vàng phấp phới

Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than...

Và để kết thúc cùng với tiếng thét ở đoạn cao trào, mang dấu ấn từ Thăng Long hành khúc ca, một bài ca yêu nước ông đã từng sáng tác trước đó, ông tiếp tục:

Tiến lên! Cùng tiến lên!

Chí trai là nơi đây ước nguyền!

Đến đây, ông như còn nhớ rõ:

“Tôi đang sống ở một khu rừng nào đó trên kia, trên Việt Bắc. Có nhiều mây và hy vọng”. Ông viết tiếp”

“Và bài hát đã xong. Tôi nhớ lại nụ cười hài lòng của đồng chí Vũ Quý. Da mắt anh đen xạm. Đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh”. Đó là vào một ngày của cuối tháng 10 năm 1944. Lúc này, việc nhận nhiệm vụ từ chỉ thị của Trung ương giao, Vũ Quý và ông đã hoàn thành. Và đến ngày ra đời trên chiến khu, Đội quân vũ trang khoá quân chính đã có bài ca xuất trận.

Thật đột ngột cho ông, Vũ Quý đã mất trước ngày tổng khởi nghĩa 19-8-1945 - cái chết mà sau này ông được biết là chưa được làm rõ, khi trên đường anh lên dự Quốc dân đại hội Tân Trào tại Việt Bắc. Cho mãi đến năm 1972, Vũ Quý mới thật sự được Đảng và Nhà nước truy tặng tấm bằng liệt sĩ trao cho gia đình. Vào ngày vinh dự sau bao năm mong mỏi này, ông được bà Thuận (vợ Vũ Quý) và anh Bắc Sơn (con trai Vũ Quý, hiện nay đang công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước) mời đến gia đình dự lễ đón nhận Bằng tổ quốc ghi công của liệt sĩ Vũ Quý. Lúc đó, ông thật sự mới nguôi đi nỗi trăn trở, day dứt về người bạn, người cán bộ Việt Minh mẫu mực đã sớm giác ngộ, dẫn dắt ông, chỉ đạo đội danh dự do ông phụ trách làm nhiệm vụ tiễu trừ Việt gian, tích cực đóng góp cho cách mạng trong những ngày chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Vũ Quý đã không hề biết rằng Tiến quân ca được Bác Hồ chọn là Quốc ca của Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (như chính phủ lâm thời) tại Quốc dân đại hội Tân Trào cùng với việc chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc ngày 16-8-1945. Và đến Quốc hội khoá I năm 1946, Tiến quân ca đã chính thức trở thành Quốc ca của nước Việt Nam cho đến ngày hôm nay.

Một vài tiếc nuối về giai điệu và lời ca...

Với những tiếc nuối về Vũ Quý, không chỉ một lần kể với tôi và trong gia đình, ông còn nói điều này với những bạn bè thường nhật, thân quen, chỉ cốt lui tới như Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Thái Bá Vân, Phạm Ngọc, Sơn Tùng, Dương Tường..., ông đã tâm tình cả về một vài tiếc nuối nhỏ về giai điệu và lời ca của bài Tiến quân ca.

Là con trai thứ hai của ông, khi lớn dần, tôi hay được phục vụ ông tiếp bạn bè hàng ngày về chè, rượu, nước, thuốc và lặt vặt bên ông. Những buổi đó, tôi đã nhập tâm về một vài điều ông tiếc nuối thật nhỏ nhoi này.

Giọng ông như trầm hẳn khi nói: “Tiến quân ca sáng tác xong, ít lâu sau tôi cảm thấy: do muốn mở đầu cho một tiếng cồng vang vọng, nốt nhạc ngay đầu đã phải ngân dài, điều này có gì đó khiến tôi áy náy. Sau này, tôi đã cảm ơn ông Đinh Ngọc Liên về việc đã sửa lại chỗ này tại đàn kèn cử nhạc lễ của quân đội, ngay vào ngày là Quốc ca chính thức được cử lên trang nghiêm để chào cờ, không chỉ là hát hành khúc nữa. Kỳ lạ thay, Quốc ca kết thúc lại vừa vặn loạt đạn bắn lên với 21 phát đại bác…

Về nốt nhạc đầu tiên này, ông Đinh Ngọc Liên cho dàn nhạc cử nốt nhạc này không ngân dài nữa, mà vào ngay với nốt nhạc liền sau đó. Tức là, nếu như cũ, lời ca là: Đoàn... quân Việt Minh đi. Chữ  “Đoàn” phải hát kéo dài hơn. Còn khi đã sửa, phải là: Đoàn quân Việt Minh đi. Do đó, các bản nhạc in sau này đã sửa hẳn như vậy, đến nay cứ nghe là thấy rất ổn định. Tôi vẫn thầm cảm ơn ông Đinh Ngọc Liên về cái nốt nhạc này”. Ông tiếp tục nói:

“Còn về lời ca, có người bảo tôi là tại sao có đoạn lại viết: Thề phanh thây uống máu quân thù. Tôi lặng người, sau đó trả lời: “Hoàn cảnh lúc đó, nếu không có 2 triệu người chết đói dần mà tôi đã từng chứng kiến khi bắt đầu sáng tác ca khúc này, tôi sẽ không viết như vậy. Tác dụng thiết thực của lời ở đoạn này lịch sử đã ghi nhận. Ngày hoà bình lập lại năm 1954, gia đình tôi đã từ Việt Bắc trở về Hà Nội sinh sống. Sau đó một vài năm, được Quốc hội mời vào Ban sửa lời Tiến quân ca, tôi đã thống nhất để sửa lại là: Vì nhân dân chiến đấu không ngừng!”. Và ông lại nói tiếp:

“Một điều nữa, tiếc nuối là lời đoạn cuối cùng, tôi có sửa là: Núi sông Việt Nam ta vững bền (nguyên lời cũ là: Chí trai là nơi đây ước nguyền hoặc Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên). Không biết ai đó chắp bút cuối cùng đã đổi thành: Nước non Việt Nam ta vững bền! Với một ca khúc đòi hỏi trang nghiêm, chữ nước non hát lên bị yếu. Chữ núi sông hát khoẻ và hùng tráng. Rồi ở lời 2, đoạn tôi đã sửa là: Cùng chung sức kiến thiết xây đời mới. Chữ kiến thiết hát khoẻ và khí thế biết bao nhiêu”. Ông chặc lưỡi: “Thôi, giờ tôi có tiếc nuối cũng chẳng thể làm gì. Dù sao Tiến quân ca cũng chẳng phải là của riêng tôi, nó đã là của một dân tộc Việt Nam độc lập kể từ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đến nay”.

Ông đã đi vào cõi vĩnh hằng, vẫn để lại bao trăn trở, đau đầu những nổi niềm, khát vọng, cùng sự hoàn chỉnh trong từng tác phẩm ca khúc trữ tình, yêu nước và cách mạng trong lòng bao người. Từng tác phẩm này của ông xưa đã trải nhiều thăng trầm, gắn bó với lịch sử cách mạng của đất nước, và đã được bao thế hệ nuôi dưỡng, ấp ủ. Cho đến nay, những tác phẩm của ông vẫn thật sống động, vọng vang những năm tháng cách mạng cùng lịch sử hào hùng của dân tộc.

Với nỗi nhớ thương ông, tôi ghi chép thành bài này, ghi nhận lại một vài tâm sự của ông khi còn sống, đã kể về tác phẩm Tiến quân ca lúc ra đời, cùng với sự tiếp tục sau này, khi ông hoàn chỉnh về giai điệu và lời ca.

Tôi bùi ngùi như thấy ông trước mắt. Mái tóc ông thân thương. Như xanh bay theo từng nốt nhạc và lời ca rung vang:

“Đoàn quân Việt Minh đi...”.

(Nghiêm Bằng, An ninh Hải Phòng)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố