Trên
dòng Đa Độ
Tự thủa nào, con sông mang dòng nước mát lành chảy qua những cánh đồng,
làng mạc bình yên.
Chúng tôi lớn lên trong không gian khoáng đạt của dòng sông những buổi
trưa hè lộng gió, những hoàng hôn êm đềm như một câu chuyện cổ. Với người dân
quê chúng tôi, dòng sông ấy là người bạn thiên nhiên tri kỷ ngàn đời.
Người dân quê vốn mộc mạc thường lấy đặc thù để gọi tên. Ngày xưa, trên
hai triền sông có tới vài chục bến đò chở khách, vì thế gọi là sông Đa Độ. Cũng
bởi dòng sông có 9 khúc quanh co, uốn lượn nên Đa Độ còn có một tên gọi khác là
sông ''Cửu Biều''.

Đứng trên tầm cao dõi mắt ra xa mới thấy tạo hóa đã cho dòng sông những
nét duyên thầm trữ tình, ngỡ như một bức tranh thủy mặc được vẽ bởi bàn tay tài
hoa của người nghệ sỹ có tâm hồn nhạy cảm trước thiên nhiên. Đi qua đâu, dòng
sông cũng tạo cho thiên nhiên vùng đất ấy vẻ đẹp hồn hậu. Nguồn nước tinh khiết,
trong xanh đã từng là niềm tự hào của người dân hai bên bờ.
Tuy không rộng lớn như các dòng Văn Úc, Lạch Tray nhưng Đa Độ là con sông
thiên nhiên mang nguồn nước ngọt quý hiếm giữa vùng cửa bể nước mặn đồng chua.
Đó là một nhánh của dòng Văn úc tách ra từ cửa Bát Trang, chảy qua địa phận huyện An Lão rồi đổ ra cửa sông Cổ Trai, Kiến
Thụy với chiều dài dòng chảy gần 5 chục cây số. Nhờ có dòng nước trao đổi nên
Đa Độ là con sông sạch, ít ô nhiễm so với các sông khác ở Hải Phòng.
Vụ chiêm hàng năm, hầu hết địa bàn Kiến Thụy bị nước mặn trên các triền
sông Văn úc, Lạch Tray, đê biển. Các cống dưới đê đều phải hoành triệt ngăn mặn.
Nguồn nước duy nhất phục vụ sản xuất và dân sinh đều lấy từ sông này.
Còn nhớ vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, khi hệ thống thủy lợi Đa Độ
chưa được cải tạo, khắp vùng cửa bể nguồn nước bị nhiễm mặn nên sản xuất nông
nghiệp chỉ được một vụ mùa bấp bênh, năng suất lúa thấp đạt 1 tấn trên một héc
ta. Đó là những năm cơ cực đói nghèo ở làng quê chúng tôi.
Từ năm 1980, hệ thống thuỷ lợi Đa Độ được cải tạo, đồng ruộng được ngọt
hóa nâng sản xuất lên mỗi năm hai vụ. Với hàm lượng phù sa cao 900 g/m3 nước,
dòng nước Đa Độ góp phần mang lại bát cơm no đủ cho người dân quanh vùng. Năng
xuất lúa bây giờ đạt 11 tấn/1 héc ta.
Hiện nay, Đa Độ là hệ thống thủy lợi lớn nhất Hải Phòng, hàng năm cung cấp
nước tưới cho 26.500 héc ta đồng ruộng bao gồm các huyện thị An Lão, Kiến Thụy,
Kiến An, Đồ Sơn và tiêu nước cho hơn 23 ngàn héc ta đất tự nhiên của lưu vực.
Bên cạnh lợi ích tưới tiêu, sông Đa độ còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng
đối với việc cấp nước thô cho sinh hoạt của người dân những vùng sông chảy qua.
Những con kênh lớn dẫn nước từ sông Đa Độ đang được khơi dòng đưa nguồn
nước ngọt vào sâu các vùng dân cư, khu công nghiệp đường 14, An Kim HảI, Đình
Vũ.
Qua hai nhà máy nước Sông He, Cầu Nguyệt, mỗi năm, trên 7 triệu mét khối
nước của dòng Đa Độ phục vụ cho sản xuất và dân sinh những vùng xung quanh.
Tận dụng môi trường thủy sinh, nhiều người dân hai bên bờ đã lấy dòng Đa
Độ làm phương kế sinh tồn. Ngoài việc đánh bắt nguồn tôm cá tự nhiên trù phú, họ
còn khoanh vùng nước nuôi trồng thủy sản. Đã có thời, người ta khoanh vùng làm
ăn tập trung ở khu Trại cá - Kiến Thụy. Nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản trên
sông Đa Độ đã mang lại cuộc sống đầm ấm cho bao người.