Thế Lữ - Người bộ hành phiêu lãng…
Thế Lữ - Người bộ hành phiêu lãng…
Thế Lữ, tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, sinh năm 1907 tại Hà Nội, mất năm 1989 tại thành phố . Hồ Chí Minh. Cuộc đời của ông, tuy là một tên tuổi lớn, nhưng lại gặp lắm thăng trầm, vừa là tráng ca, vừa là bi khúc. Mẹ ông lớn lên ở Hải Phòng, nhưng vì không phải là vợ chính thức nên ngay khi Thế Lữ mới sinh vài tháng, ông đã phải xa mẹ, lên tận Lạng Sơn ở với gia đình bên nội. Khi 11 tuổi, ông được về Hải Phòng ở với mẹ. Tại đây, Thế Lữ theo học Trường tiểu học Bonnal (tức Trường Ngô Quyền ngày nay). Tháng ngày thơ bé sống trong xa cách mẹ, sớm trải qua nhiều cung bậc cảm xúc nên dường như tâm hồn của Thế Lữ cũng luôn hướng đến những điều lãng mạn. Trong thơ, Thế Lữ có những câu như họa về mình  - một người lãng du mê cái đẹp: “Tôi là người bộ hành phiêu lãng/ Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi…” hay “Tôi chỉ là một khách tình si/ Ham vẻ đẹp muôn hình muôn thể…” (Cây đàn muôn điệu)
Vợ chồng nghệ sĩ nhân dân Thế Lữ - Song Kim
Vợ chồng nghệ sĩ nhân dân Thế Lữ - Song Kim

Năm 1928, ở Hải Phòng, ông tham gia hoạt động trong tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Sau này, ông chọn hoạt động nghệ thuật để cống hiến cho cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Khi nói về sự nghiệp của Thế Lữ, trước hết phải khẳng định, ông là một nhà thơ lớn, một nhà văn tài danh. Ông là người tiên phong, người mở đường cho phong trào Thơ Mới và cũng là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất. Bước ngoặt với văn chương của Thế Lữ là khi ông bắt tay vào viết tiểu thuyết trinh thám “Một truyện báo thù ghê gớm” và “Tiếng hú hồn của mụ Ké” nhận được sự cổ vũ của những người trong nghề, là động lực để ông gắn bó với sự nghiệp viết và bỏ ngang Trường Mỹ thuật Đông Dương, thôi mộng làm họa sĩ. Ông viết rất nhiều, cả thơ và văn xuôi nhưng chỉ cần nhắc đến “Nhớ rừng” (thơ), “Vàng và máu” (văn xuôi) là đã đủ để tôn vinh ông trong sự nghiệp văn chương. Và không chỉ sáng tác thơ, tiểu thuyết, ông còn làm báo, phê bình văn học – những công việc sử dụng đến ngôn từ. Dù làm gì, Thế Lữ cũng nhận được những thành công nhờ tài năng, niềm say mê và một cảm xúc phong phú.

Ông được coi là người đặt nền móng cho ngành kịch nói Việt Nam. Mặc dù chính thức đến với kịch nghệ sau khi đã thỏa chí với văn chương nhưng Thế Lữ sớm có dịp tiếp cận với loại hình này khi còn là học sinh ở Hải Phòng, khoảng năm 1923. Kịch nói giúp ông một lần nữa được đắm chìm trong con đường tìm đến cái đẹp, trở thành người đầu tiên đưa kịch nói vào sân khấu truyền thống. Chỉ bằng tự học, tự tìm hiểu về kịch nói, ông đã đưa loại hình nghệ thuật này của Việt Nam trở nên hấp dẫn người xem. Ông say mê học hỏi sân khấu kịch của phương Tây, tiếp thu những tinh hoa kịch nghệ của họ để phát triển sân khấu nước nhà.

Vốn là người có xu hướng kiếm tìm cái đẹp hoàn mỹ trong nghệ thuật, nên ông cực lực phản đối những hoạt động biểu diễn phong trào mà coi nhẹ chất lượng vở kịch. Với mong muốn làm khởi sắc cho sân khấu kịch ViệtNam, ông thành lập ban kịch Tinh Hoa. Tinh Hoa thu hút đông đảo các văn nghệ sĩ, kịch sĩ, họa sĩ tham gia và nhờ cách làm bài bản, Tinh Hoa trở thành ban kịch đầu tiên của Việt Nam hoạt động chỉ với mục đích phụng sự nghệ thuật. Sau Tinh Hoa, ông còn gây dựng ban kịch Thế Lữ- Anh Vũ với những vở diễn gây nhiều tiếng vang. Càng làm nghề, ông càng tỏ ra là người có tài năng ở lĩnh vực này. Thế Lữ trở thành tên tuổi tiếng tăm và có uy tín, được chào đón, chờ đợi ở các sân khấu Hà Nội, Hải Phòng thời đó. Ông không chỉ làm tốt vai trò đạo diễn, mà còn đảm nhận nhiều vai chính trong các vở Gái không chồng, Sau cuộc khiêu vũ, Ông Ký Cóp được người xem ủng hộ. Thế Lữ được giới làm kịch coi trọng, kính nể. Khi ban kịch Thế Lữ ra đời, ông cùng anh em trong ban kịch còn đặt ra những quy định về tác quyền, chế độ thù lao cho diễn viên và các thành viên khác, đưa kịch nói Việt Nam lần đầu trở thành một nghề chuyên nghiệp và người nghệ sĩ sống được với nghề.

Với những lao động nghệ thuật nghiêm túc và những đóng góp không mệt mỏi cho sân khấu kịch, năm 1957, khi Hội Nghệ sĩ sân khấu được thành lập, Thế Lữ trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội. Ông cũng là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, là đại biểu Quốc hội khóa 2.

Trong sự nghiệp của Thế Lữ, sẽ là thiếu sót nếu không nói đến lĩnh vực dịch thuật. Khi giãn dần các hoạt động biểu diễn trên sân khấu kịch, ông bắt đầu chú tâm vào dịch nhiều kịch bản và tư liệu sân khấu. Năm 1984, ông được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân.

Nhà văn – Nghệ sĩ nhân dân Thế Lữ là người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn học, sân khấu Việt Nam nói chung và sự nghiệp phát triển nghệ thuật của Hải Phòng nói riêng. Ông được trân trọng giới thiệu trong cuốn “Nhà văn Hải Phòng – Chân dung và tác phẩm”. Ngày nay, để tưởng nhớ nhà văn – nghệ sĩ nhân dân Thế Lữ, trên đất Cảng có một con đường mang tên ông ở khu vực Hạ Lý, quận Hồng Bàng.

(Báo Hải Phòng)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố