Ra phố ăn... con "thanh tịnh"
Ra phố ăn... con "thanh tịnh"
Chuyện xưa kể lại, một vị vua khi đi vi hành qua một vùng quê nọ, hỏi
dân làng có món gì đặc sản thì dâng lên. Sau khi bàn bạc, dân làng bèn
nấu những món dân dã bởi nghĩ rằng, cao lương my vị chắc ngài đã nếm
chẳng thiếu thứ gì. Ăn đến món ốc, nhà vua thấy ngon quá, hỏi đó là món
gì. Sợ vua chê món ăn tầm thường, dân làng liền thưa rằng, đó là thịt
con “thanh tịnh”…

Món ốc hầm thuốc bắc - Ảnh: VA
Bây giờ thì món thịt “thanh tịnh” này hiện diện trong cả những nhà hàng
sang trọng lẫn quán vỉa hè bình dân. Có lẽ hiếm có món ăn dân dã nào
được chế biến thành nhiều món dễ ăn, từ cầu kỳ đến đơn giản như ốc. Con
ốc quanh năm sống ở ao bùn, được bắt lên, theo cách làm của ông bà ngày
xưa là gác lên gác bếp cho ăn bồ hóng rồi mới bỏ xuống luộc, hay ngâm
nước gạo, thả vài lát ớt cho ốc nôn sạch bùn đất rồi mới chế biến.
Đơn
giản nhất trong số các món ăn từ ốc là món ốc luộc. Thả ốc vào nồi cùng
sả, luộc bằng dấm bỗng, khi ốc gần chín thì rắc chút lá chanh, đảo đều.
Ốc chín tới, dậy mùi thơm của các loại lá gia vị, ruột khêu ra ăn vừa
dai vừa giòn, mang hương vị đặc trưng của đồng quê. Mùa đông gió lạnh,
ngồi quây quần bên bạn bè, xuýt xoa khêu ốc, chấm cùng nước mắm tỏi gừng
thì không món gì sánh được.
Ốc còn được chế biến thành nhiều
món ăn thông dụng, chẳng hạn như ốc xào chuối đậu, ốc xáo măng là món ăn
rất “đưa cơm” trong các bữa ăn gia đình, hay bún ốc là thứ quà sáng hấp
dẫn… Món ăn nào cũng đòi hỏi người chế biến phải kỳ công một chút, quan
trọng là không thể thiếu được những thứ gia vị đi kèm: ốc xào thì phải
có lá lốt, tía tô; bún ốc phải có ớt chưng… Cũng bởi vị cay, nóng của
mỗi loại gia vị sẽ trung hoà tính “hàn” của ốc, giúp món ăn này thích
hợp hơn với mọi người…
Cầu kỳ hơn, nhiều nhà hàng sang trọng đã
chế biến ốc thành những món đặc sản. Món dễ ăn, thích hợp với nhiều
người là ốc hấp lá gừng. Thịt ốc bươu thái nhỏ, trộn cùng thịt lợn băm,
nấm hương, tiêu bắc… nặn thành từng viên, cuộn với lá gừng rồi đặt vào
vỏ ốc. Hấp chín những viên ốc này, khi ăn, chấm cùng nước mắm gừng. Mùi
thơm của gừng quyện với mùi nấm hương, thấm vào viên “giò ốc” khiến món
ăn này mang một vị thanh tao, dân dã, đã ăn một miếng rồi, lại muốn được
ăn thêm nữa…
Độc đáo hơn, một nhà hàng ở Kiến An còn chế biến
ốc bươu thành một món lạ miệng: ốc hầm thuốc bắc. Ốc bươu được hầm trong
nồi cùng các vị thuốc bổ dưỡng: táo tàu, kỳ tử, hoài sơn, thục địa… Món
ăn này nhất thiết phải được ăn nóng. Cách ăn đúng kiểu là cầm chính con
ốc trong nồi, múc nước dùng, xì xoạt húp, thưởng thức vị ngọt, mùi thơm
của ốc và thuốc bắc. Nhiều người cho rằng món ăn này làm hỏng đi mùi vị
đặc trưng của ốc nhưng ngược lại, có người lại nói đây là món ăn bổ
dưỡng, nhiều dinh dưỡng, thích hợp với cả chị em có sở thích “ăn quà
vặt” lẫn các quý ông thích ngồi nhẩn nha “đưa cay”. Tại nhà hàng này, ốc
còn được chế biến thành các món ốc xáo măng, xào chuối đậu được nhiều
thực khách ưa thích.
Hải Phòng tuy không có nhiều “siêu thị ốc”
với những món ốc phong phú, đa dạng như ở Hạ Long, Bãi Cháy (Quảng Ninh)
nhưng cũng khiến khách phương xa, nhất là những nơi không có biển, bị
hấp dẫn bởi các món ốc lạ như ốc đỏ môi, ốc mút… Hầu như ngõ phố nào
cũng có hàng bán món ăn dân dã này, nhưng những quán ốc ngon thu hút
đông người tới phải kể đến dãy quán chuyên bán ốc ở chợ Cố Đạo (phố Trần
Nhật Duật), Huyền “ốc” ở đường Hai Bà Trưng, Hiền Hoa ở phố Trần Hưng
Đạo, một số quán ở đường Hàng Kênh…
Bên cạnh tiêu chuẩn về ốc
tươi, ngon, cách chế biến mới lạ… thì một trong những bí quyết níu giữ
thực khách của các nhà hàng này là pha nước chấm ngon. Ngoài ra, một
điểm độc đáo ở các quán ốc Hải Phòng là món ốc xào. Ốc được nêm một chút
mắm, dừa thái mỏng, xả, gừng, lá chanh… rồi để nhỏ lửa, đảo đều. Khác
với ốc luộc, ốc xào mang vị đậm đà, là món ăn lạ miệng, rất thích hợp
trong mùa đông lạnh giá.
Cùng với nhiều món ăn dân dã khác, ốc đã
trở thành một thứ quà quê không thể thiếu trong cuộc sống thành thị. Để
những người đi xa, dù một lần được ăn những món dân dã đó, lại nhớ về
quê hương…
Vân Anh