Phố cũ Hải Phòng
Đâu chỉ riêng người Hải Phòng, mà những ai đã một lần gắn bó với đất Cảng, khi nghe giai điệu câu hát "Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ..." lòng không khỏi rưng rưng. Nhớ về một thành phố với những con đường rợp bóng xanh, những cầu tàu bến chợ, những nhà máy, phố thợ và màu hoa phượng nằm sâu trong ký ức, trong tâm hồn mỗi người.

"Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ..."
Thoáng kỷ niệm trong ta khi nhớ về phố cũ Hải Phòng. Những chiều phố sông, khi những cơn gió trườn qua mái rêu cũ rồi rút về triền bến, những mảng tường theo thời gian ẩm mốc, những đường nét kỷ hà của mái phố hằn lên một hoàng hôn muộn và tiếng còi tàu từ đâu xa thả vào lòng phố nhập nhoạng lên đèn...
Một nhà thơ Hà Nội có những năm tháng gắn bó sâu sắc với đất Cảng đã viết về một công trình kiến trúc: "Làn mi cong ẩm ướt đón tôi về...". Đọc câu thơ tình cảm đầy quyến rũ này dành tặng cho quán hoa Hải Phòng, lòng tôi trào lên cảm xúc bồi hồi như vừa ở xa về.
Có gì thân thương hơn là một mái ấm đón người con xa xứ. Một làn mi dịu dàng con gái chờ người yêu. Thành phố Cảng là thế! cách nhìn chung của người Hải Phòng thường hướng về đối tượng là con người, chứ không nhìn đối tượng mang tính sự vật. Tính nhân bản được thể hiện qua cuộc sống. Phải chăng vì thế mà người Hải Phòng thường quí người, hiếu khách. Đó là nhận xét chung của nhiều người từ các tỉnh, thành phố khác về chơi.
Ở các khu phố cũ Hải Phòng, các nhà phần lớn được xây dựng theo kiểu "Xếp cá". Trước đây công việc ban ngày của mọi người ở nhà máy, công xưởng. Ban đêm họ về quần tụ gia đình, Ngôi nhà đóng vai trò nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chứ không là nơi sản xuất - Khác với mặt bằng các khu nhà cổ Hà Nội mang tính phường thợ. Vì vậy các khu phố cũ Hải Phòng không mang tính chất truyền thống. Một số khu phố công chức cũ thì mang đường nét kiến trúc Châu Âu đầu thế kỷ XX. Trong đó có những công trình công cộng đặc trưng và bền vững đến tận bây giờ.
Trải qua chiến tranh chịu sự phá huỷ bom đạn, nhiều khu phố Hải Phòng đổ sập. Các ngôi nhà được xây cất từ năm 1972 phần lớn mang tính chất hàn gắn vết thương chiến tranh, chưa theo chuẩn mực qui hoạch, làm cho bộ mặt phố phường có nhiều biến đổi. Thời buổi kinh tế thị trường các nhà mặt đường trở lên có giá, đương nhiên thành các cửa hàng buôn bán. Có tiền, các gia đình tự tu sửa lại, xây mới. Đứng riêng một ngôi nhà quả thật là đẹp, nhất là được thiết kế theo mẫu mã cẩn thận. Nhưng nhìn về một qui hoạch chung thì ta còn thấy sự so le khập khiễng giữa các công trình. Nó phá đi tổng thể của một quần thể kiến trúc phố phường, không có ngữ nghĩa kiến trúc riêng.
Người Hải Phòng có một số dân cư sống nghề nghiệp sông nước. Cuộc đời của họ gắn với con tàu và sông biển. Vì thế sau mỗi chuyến đi xa, ngôi nhà là nơi nghỉ ngơi, là tổ ấm, là bến đỗ bình yên. Ngôi nhà, phố xá mang giá trị tinh thần rất lớn trong tâm lý thuỷ thủ. Ở nơi xa nhớ về Hải Phòng, nhớ về một thành phố mà mọi người đều đặt niềm tin vào tương lai. Bình tĩnh, chắc chắn, hy vọng bộ mặt kiến trúc sẽ thay đổi.
Những lúc nào bạn đi bộ trong lòng phố cũ Hải Phòng, đón một làn gió mát hay nghe tiếng sương buông loang đêm vắng. Những câu chuyện năm nào của cụ Vĩnh Xương còn như văng vẳng đâu đây. Từng vỉa hè, ngôi nhà, góc phố là nhân chứng lịch sử văn hoá qua thăng trầm còn lại. Bên tượng Nữ tướng Lê Chân, trong niềm giao cảm thánh thần, nghĩ về một thời giữ nước và dựng nước của cha ông, thêm khâm phục ý chí kiên cường, sức sống mãnh liệt của vốn văn hoá cổ. Khi ngắm nhìn vẻ trầm lắng của những mái phố, đang làm chức năng che chở một gia đình, cho những tâm hồn thành phố, những mái nhà lô xô nhuốm dấu rêu phong đã làm lên một công trạng, một ấn tượng mà chính nó không thể ngờ tới.
Tôi đã gặp một gia đình người khách nước ngoài trong một Galery Mỹ thuật tại thủ đô Hà Nội. Vợ chồng người khách gốc Hoa kiều có thời gian sống tại Hải Phòng. Người vợ dựa vào vai chồng và cả hai ngân ngấn nước mắt khi xem một bức tranh vẽ những mái rêu phố Tam Bạc. Ông nói: "Gia đình chúng tôi đã sống ở đây, chúng tôi đã trải qua những năm tháng hạnh phúc và bi kịch số phận. Bức tranh này gợi tôi nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc".

Phố cổ Tam Bạc – tranh sơn dầu của Trịnh Thái
Sau đó hai vợ chồng người khách đã bỏ ra 200 USD để mua bức tranh mang về nước. Thế đấy! ấn tượng sâu sắc về thời gian, về cuộc đời một phần nằm trong các công trình kiến trúc. Dù đi đâu, mọi người không thể quên mái nhà tuổi thơ của mình. Có gì sung sướng và hạnh phúc hơn sau năm tháng lưu lạc, trở về thành phố quê hương, ta tìm thấy những nét của một thời đã sống, nhìn thấy sự đổi thay của đất nước và con người.
Hải Phòng có nhiều phố cũ, cho nên việc tháo dỡ là cần thiết. Nhưng không phải vì thế mà đập bỏ bừa bãi. Cần có sự cân nhắc và đánh giá chuẩn xác về giá trị lịch sử văn hoá. Cần có một đề án tu tạo và bảo vệ cảnh quan kiến trúc, để những khu phố oanh liệt một thời lại được khẳng định đúng vị thế trong tương lai "Những Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên,... những cái tên nghe chẳng thơ đâu, nhưng với ta vô cùng oanh liệt..."
Những ai đã sống với Hải Phòng, vật lộn trên mảnh đất này càng thấy thấm thía cái đẹp trong câu hát. Cuộc sống cần lao vốn gắn bó với đất Cảng, với cầu, phà, bến bãi, với những con tàu - người dân Hải Phòng vốn mang trong mình ý chí kiên cường, cốt cách ngang tàng, ăn to nói lớn vùng biển. Rất riêng, rất đáng yêu. Một nhà thơ Hải Phòng có viết: "Người đã tạo ra bao nhiêu đau xót, bởi vì người tìm cách để yêu thương..." Chất mặn mòi đã ngấm vào trái tim con người phố Cảng. Vì thế tình yêu người Hải Phòng trầm lắng và sâu sắc, khác hẳn với tính cách sôi nổi hàng ngày. Trong mỗi ngôi nhà đều có linh hồn và ngữ nghĩa riêng gắn bó với số phận con người.
"Tháng năm, rợp trời hoa phượng đỏ. Ơi Hải Phòng thành phố quê ta, Ta yêu thành phố quê hương như yêu chính người thương yêu nhất..." Yêu và có trách nhiệm với người mình thương yêu. Phải chăng đó là suy nghĩ chung của mỗi chúng ta trên mảnh đất lịch sử này.
KTS Minh Trí