Những món ăn dân dã khó quên trong tiết giao mùa
Sau Tết Nguyên đán, nhiều người thích tìm đến món gỏi cá, đặc biệt là gỏi cá mai. Con cá mai có thân hình nhỏ nhắn giống cá cơm, thịt trong veo và không có máu nên không tanh.
Món gỏi cá mai phải là con cá còn tươi, rút xương, ướp dấm chanh tỏi ớt cho chín cá. Thịt cá mai ngọt, dai và giòn, đem trộn với rau thơm, lá lộc xắt nhỏ, lạc rang, thính gạo nếp cái hoa vàng. Ăn gỏi cá mai cuốn bánh tráng/bánh đa nem, rau sống, dưa chuột, khế chua, chuối xanh, chấm vào nước chấm sền sệt, cay cay… sẽ cảm nhận được vị ngọt của cá tươi, vị bùi béo của lạc, vừng rang; vị chát của chuối xanh, của lá sung, lá sắn tàu; vị chua chua của khế, giòn tan của dưa chuột… và hương vị của các loại rau thơm, lá lộc vườn nhà.

Gỏi cá mai
Xưa kia, ngoài món gỏi cá mai, dân sành nhậu rất khoái khẩu với món cá mòi nướng. Điều kỳ lạ và thú vị là vùng biển Đồ Sơn, cửa sông Văn Úc, sông Thái Bình…, cứ vào dịp từ Chạp đến tháng ba âm lịch hàng năm, cá mòi khắp mọi nẻo hội tụ về chuẩn bị cho mùa sinh sản. Cá mòi tên chữ là “thời ngư” thuộc loài cá có thịt thơm, ngon nhưng nhiều xương: “Thời ngư nhục mỹ hiềm đa cốt”. Là loài cá ở vùng sinh thái nước nợ nhưng mùa xuân đến là cá mòi bắt đầu cuộc hành trình ngược các dòng sông vào tận vùng lõi của châu thổ sông Hồng để sinh nở. Cá mòi sống ở tầng trung, chỉ ăn các loài phù du và sống theo từng đàn lớn.
Theo kinh nghiệm dân gian, thời gian đánh bắt cá mòi thích hợp nhất là vào ban đêm, khoảng từ 12-2h sáng, có khi vớ bẫm cả một luồng cá lớn. Cứ hôm nào trời mưa to, có sấm chớp, bọt nước nổi đầy mặt sông, mặt biển thì kiếm được nhiều cá, còn khi nào trời lạnh, gió heo may, cố lắm cũng chỉ kiếm được dăm bẩy con, có khi còn vác lưới về không. Vào mùa cá mòi, khắp các bến cá, chợ cá ở Đồ Sơn, Tiên Lãng, ngay từ buổi sáng sớm đã tấp nập kẻ bán người mua.
Thông thường, cá mòi mua về đem mổ bụng, moi sạch ruột, chặt bỏ đầu rồi tẩm gia vị rán giòn, hoặc kho tiêu, hay phơi khô ăn dần. Cầu kỳ hơn thì băm thật nhỏ, trộn đều với gia vị, vỏ quýt, lá xương sông, mùi tàu, thìa là… để làm chả. Cá mòi làm món nướng phải là những con to, mình dầy, bụng thon, thịt rắn chắc, mình trắng bạc.

Cá mòi nướng
Cá mòi thuộc loài cá có mang nhỏ, ít lá mang nên khi lên khỏi mặt nước là chết. Muốn được tận hưởng món cá mòi đang sống nguây nguẩy trong chậu hoặc giãy đành đạch trong rổ đem nướng thì phải phục ở bến cá Ngọc Hải, gần đền Bà Đế (Đồ Sơn) thì may ra mới có dịp. Sau khi chọn được những con cá ngon, đem rửa sạch rồi dùng dao sắc cứa nhẹ chéo ngang thân cá (chớ mổ bụng). Gừng tươi cạo vỏ, rửa sạch, giã trộn với muối và các loại gia vị rồi sát đều lên mình cá, để năm bẩy phút cho ngấm. Lấy que tre tươi vót đầu nhọn, xuyên thẳng từ miệng đến bụng cá và nướng trên than hoa hồng rực. Khi cá chín, mình cá vàng đậm, dậy mùi thơm của gừng, thịt cá giòn.
Lúc ăn bóc phần thăn lưng, tách lấy hai bên mình cá, bỏ đi phần đầu, ruột và xương. Thưởng thức món cá mòi nướng cũng phải thật dân dã, không thể ngồi trong nhà hàng, khách sạn mà nên ngồi giữa đất trời với vài cái chén hạt mít và chai rượu nếp nút lá chuối khô, một đĩa gừng và vài lát ớt xanh, tươi (chớ bày biện mâm bát). Trong khi tiết trời còn lạnh, cứ ngồi “chồm hỗm” quanh đống lửa mà nướng và thưởng thức hương vị cá mòi nướng thì mới sướng, mới thi vị và mới thấy hết được cái ngon đến đã đời.
Theo Báo An ninh Hải Phòng