Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh: Nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho Đảng viên và nhân dân thành phố
Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh: Nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho Đảng viên và nhân dân thành phố
Năm 2008, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng đã giao cho Liên đoàn Lao động thành phố làm chủ đầu tư xây dựng Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân tại chính nơi tìm thấy hài cốt của hai đồng chí. Sau hơn 8 năm đưa vào hoạt động, Nhà tưởng niệm đã trở thành địa chỉ đỏ của thành phố nói riêng, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam nói chung trong việc giáo dục tư tưởng, truyền thống cách mạng sâu sắc về tấm gương sáng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Ngày 26/7/2016, công trình Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng là di tích lịch sử cấp thành phố theo Quyết định số 1467/QĐ-UBND.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm tra tiến độ công trình
Tuy nhiên, toàn bộ khuôn viên Nhà tưởng niệm có diện tích 1.370m2, không có bãi đỗ xe và nơi đón tiếp khách, chưa có khu trồng cây lưu niệm, khu trưng bày, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ, công nhân lao động. Xuất phát từ nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, đội ngũ công nhân lao động thành phố, thể theo đề nghị của Thành ủy Hải Phòng và Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý chủ trương xây dựng nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại khuôn viên Công ty cổ phần Giầy Thống Nhất trên diện tích 3ha.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Thành ủy và Thường trực Đoàn Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam giao Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng làm chủ đầu tư Dự án. Lễ khởi công xây dựng công trình được tổ chức vào ngày 3/2/2018. Sau 1 năm triển khai thực hiện Dự án, với tinh thần nỗ lực, sát sao của thành phố Hải Phòng, sự quan tâm phối hợp hiệu quả của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công trình Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn và các tầng lớp nhân dân, nơi bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ thành phố đã cơ bản hoàn thành và đảm bảo yêu cầu, chất lượng công trình.
Toàn cảnh công trình Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa
Vào 8 giờ 30 phút ngày 30/1/2019, Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại xã An Đồng, huyện An Dương được chính thức khánh thành. Sau phần nghi lễ, công trình sẵn sàng đón tiếp nhân dân đến dâng hương tưởng nhớ người chiến sĩ Cộng sản kiên trung bất khuất, nhà lý luận xuất sắc của Đảng và giai cấp công nhân Việt Nam, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Hải Phòng.
Đây là công trình được thực hiện từ nguồn xã hội hóa của các đơn vị, doanh nghiệp, công nhân, viên chức lao động đóng góp. Công trình được khánh thành, bàn giao, đưa vào sử dụng đúng vào dịp kỷ niệm 111 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2019) và kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2019). Với diện tích hơn 30.000 m2 (hơn 3 ha), công trình bao gồm các hạng mục: cổng chính; cổng phụ; hàng rào; nhà bảo vệ; ki ốt - dịch vụ; đền thờ; nhà Tả vu, Hữu vu; nhà bia; tứ trụ; chòi cảnh quan; nhà làm việc Ban quản lý; bình phong; cột cờ; khu kỹ thuật; hồ sen; miếu thờ bà chúa Nam Phương; lầu hóa sớ.
Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được đưa vào sử dụng, là khu di tích lịch sử có giá trị của thành phố, với khuôn viên kiến trúc nghệ thuật phù hợp, nghiêm trang, một công viên văn hóa đẹp, xứng đáng với công lao, đóng góp của Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Hải Phòng. Đồng chí là hiện thân của tinh thần yêu nước chân chính, là tấm gương sáng về đạo đức cao quý của người cộng sản, đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Sau 75 năm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị giặc Pháp xử chém cùng với đồng chí Hồ Ngọc Lân, đến tháng 9/2007 di hài của hai đồng chí được tìm thấy tại khuôn viên Công ty cổ phần Giầy Thống Nhất, xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.
V.H.N