Nhà hát thành phố là di tích mang
nhiều mặt giá trị di sản. Trong đó, giá trị kiến trúc nghệ thuật là tiêu
biểu nhất. Từ thiết kế bản vẽ, vật liệu xây dựng đến các thức hoa văn
trang trí trong công trình đều có xuất xứ Âu châu, mang nét đẹp kiến
trúc “tân cổ điển”, trang trí mỹ thuật, hội họa mang phong cách lãng mạn
Pháp, mặt tiền quy mô rộng lớn... Nhà hát thành phố được Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Về hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Hải Phòng những năm cuối thế kỷ
19, tác giả Claude Bourrrin trong tác phẩm “Bắc Kỳ xưa” viết: “Ngày
11-5-1889, trong phòng lớn của khách sạn Thương mại (Hotel de commerce),
Hiệp hội Âm nhạc vừa mới thành lập đã có buổi biểu diễn hòa nhạc lần
đầu trước công chúng”. Trong những năm này, các đoàn nghệ thuật ở Pháp,
Sài Gòn, Hà Nội thường xuyên xuống Hải Phòng tổ chức biểu diễn tại các
khách sạn, rạp chiếu bóng. Nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của
người Pháp cũng như một bộ phận người Việt ở Hải Phòng ngày một lớn, đòi
hỏi cần phải có một nhà hát. Bởi vậy sự ra đời của Nhà hát thành phố là
một nhu cầu tất yếu.
 |
Không gian Nhà hát thành phố hiện được bảo tồn nguyên vẹn. |
Phó giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Đỗ Xuân Trung cho biết: “Nhà hát
thành phố được khởi công vào năm nào, đến nay chúng tôi chưa tìm thấy tư
liệu. Song với một công trình có quy mô kiến trúc lớn, được trang trí
các họa tiết hoa văn, tranh vẽ trần, tường và các phù điêu tinh tế, sống
động, đồng thời mọi vật liệu lại được chuyển từ Pháp qua cảng Hải
Phòng, đòi hỏi thời gian xây dựng phải mất nhiều năm”. Cũng tác giả
Claude Bourrrin trong tác phẩm “Đông Dương ngày ấy” cho biết: “Vào năm
1898, các buổi biễu diễn nghệ thuật được tiến hành trong một nhà kho
được cải tạo tạm kề bên Nhà hát lớn hiện nay, lúc đó đang được xây
dựng”. Kiến trúc sư thiết kế xây dựng Nhà hát thành phố Hải Phòng theo
Claude Bourrrin là ông Bourdeand. Ngày khánh thành Nhà hát thành phố,
Claude Bourrrin cho biết: “Tôi nhớ Nhà hát Hải Phòng được khánh thành
vào tháng 9 năm 1900 bằng một tối hòa nhạc, sau đó có khiêu vũ”.
Nhà hát thành phố mang nhiều mặt giá trị. Các giá trị đều gắn bó sâu
sắc với trang sử vẻ vang thời cận, hiện đại của Hải Phòng. Về giá trị
văn hóa: bản nguyên là một thiết chế văn hóa cho nên Nhà hát thành phố
là một công trình có giá trị văn hóa tiêu biểu, điển hình. Từ khi được
đưa vào hoạt động, nhà hát là nơi tổ chức sinh hoạt chính trị, biểu diễn
văn nghệ dưới thời Pháp thuộc. Sau Ngày giải phóng Hải Phòng
(13-5-1955), Nhà hát thành phố được chính quyền cách mạng tiếp quản và
sử dụng. Từ ngày đó đến nay, Nhà hát thành phố đóng góp quan trọng cho
sự phát triển của thành phố Cảng trên nhiều mặt văn hóa, xã hội, du
lịch.
Ngày 23-8-1945, hàng vạn nhân dân Hải Phòng mít tinh, biểu tình tại
Nhà hát thành phố, thành lập chính quyền cách mạng, đánh dấu một mốc son
trong lịch sử cách mạng Hải Phòng. Cũng nơi đây, ngày 20-11-1946, diễn
ra trận chiến đấu oanh liệt bảo vệ thành phố, bảo vệ Nhà hát của bộ đội
ta trước sự gây hấn của quân Pháp. Đây là cuộc tập dượt bước đầu quan
trọng cho quân dân cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng, chuẩn bị
cho toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (19-11-1946).
Từ mặt thiết kế đến vật liệu xây dựng và các thức hoa văn trang trí
kiến trúc hoàn toàn là hình mẫu, là sản phẩm của văn hóa châu Âu, Nhà
hát thành phố là công trình kiến trúc mang phong cách “Tân cổ điển”, kế
thừa nét đẹp kiến trúc Hy - La cổ đại và phối hợp đường nét, hình khối
Baroc chắc khỏe; trang trí mĩ thuật, hội họa mang phong cách lãng mạn
Pháp, tinh tế, chi tiết, chuẩn mực. Bên cạnh đó, không gian nội thất Nhà
hát thành phố như một bảo tàng mỹ thuật sống động, đa sắc màu, giàu
truyền thuyết Hy - La với các hoa văn trang trí dày đặc, tỉ mỉ, trau
truốt, tạo cho nơi đây trở thành một không gian nghệ thuật đầy ấn tượng.
Nhà hát thành phố là một công trình văn hóa tiêu biểu, đặc sắc. Nằm
giữa trung tâm thành phố và đồng thời với quy mô rộng lớn, nơi đây luôn
là địa điểm được ưu tiên tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, chính
trị xã hội và hoạt động du lịch lễ hội của thành phố Hải Phòng hằng
năm. Đây cũng là điểm tham quan được bạn bè, du khách gần xa ưa thích
khi tới thăm đất Cảng.
Hiện nay, tại Bảo tàng Hải Phòng đang trưng bày bức ảnh
Nhà hát thành phố được chụp vào ngày 12-5-1909, có lẽ đây là hình ảnh
sớm về công trình Kiến trúc này. Theo nhận định của các nhà sử học, Nhà
hát Hải Phòng được xây dựng vào những năm cuối của thế kỷ 19, hoàn thành
vào năm 1900, cùng năm khánh thành Nhà hát lớn Sài Gòn, sớm hơn Nhà hát
Hà Nội 11 năm (1911). Sau nhiều lần tu sửa, cải tạo (các năm 1985; 2001
- 2003; 2008), Nhà hát thành phố được bảo tồn, là một biểu tượng tự hào
của người dân Hải Phòng.
|
Với những giá trị to lớn về giá trị văn hóa, lịch sử về
kiến trúc nghệ thuật của di tích, tháng 3-2015, UBND thành phố chỉ đạo
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch xếp hạng Nhà hát thành phố là Di tích kiến trúc nghệ
thuật cấp quốc gia. Tháng 12-2015, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch Hoàng Tuấn Anh ký quyết định xếp hạng 6 công trình kiến trúc, danh
lam thắng cảnh là Di tích cấp quốc gia, trong đó có Nhà hát thành phố.
Tối 6-5, tại chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần
thứ 5- Hải Phòng 2016, Nhà hát thành phố đón nhận Bằng xếp hạng Di tích
kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
|
(Việt Hoàng, Báo Hải Phòng)