Mùa
xuân trên cửa biển Hải Phòng
Bây giờ, tuổi đã quá lục tuần, nhưng cứ mỗi mùa xuân đến,
lòng tôi không sao nén được bồi hồi khi nhớ về những mùa xuân ký ức mà tôi đã
được chào đón ở cửa biển Hải Phòng quê hương tôi.
Còn vẹn nguyên trong tôi, mùa xuân Ất Mùi 1955. Mùa xuân ấy,
cả miền Bắc Việt Nam từ Lạng Sơn cho đến vĩ tuyến 17 tưng bừng đón mùa xuân lập
lại hòa bình đầu tiên ở miền Bắc. Chỉ còn riêng cửa biển Hải Phòng vẫn thuộc
vùng 300 ngày, trước khi Pháp rút quân hoàn toàn khỏi nước ta. Tết đó, mẹ đan
cho tôi một chiếc áo len mới màu cà phê sữa. Tôi tung tăng cùng mẹ đi chúc Tết
những người thân. Giữa tiếng pháo đì đoàng mồng một, hai mẹ con xuất hành trong
làn nắng xuân nhè nhẹ. Và gió xuân cũng phớt nhẹ trên má ấu thơ. Đến nhà nào,
tôi cũng được mừng tuổi một phong bao đỏ sẫm, rồi mứt, kẹo và đặc biệt là những
quả nho khô nhỏ như cái cúc màu nâu. Mẹ tôi và các bạn thầm thì với nhau những
điều gì, tôi không sao nghe rõ. Nhưng khi chiếc xích lô đưa mẹ con tôi đi qua
chợ Cột Đèn, tôi nhìn thấy toán lính Tây mặt đỏ gay, xì xồ đi ngược chiều. Tôi
hơi sờ sợ nép chặt vào mẹ. Mẹ nói thầm: “Đừng sợ, con trai. Rồi con sẽ chẳng
bao giờ nhìn thấy cảnh này nữa”. Về nhà, tôi đem nho khô ra mừng tuổi lại hai đứa
em gái. Có lẽ đấy là những quả nho khô cuối cùng mà một thời gian đằng đẵng mấy
chục năm sau, tôi không khi nào nhìn thấy nữa.
Đêm tân xuân, cả nhà xúm quanh
chiếc bàn rộng, bình hoa ở giữa vút lên những cành hoa rơn kiêu hãnh. Anh trai
tôi ôm đàn guitar dạo một khúc nhẹ nhàng như hơi thở, còn chị tôi thì cất giọng
nữ cao trong trẻo: “Thiên thai-chốn đây
hoa xuân chưa gặp bướm trần gian - có một mùa đào ròng ngày tháng - chưa tàn
qua một lần...”. Ấn tượng mùa xuân trên cửa biển Hải Phòng là sum họp gia
đình và âm nhạc. Anh tôi hát tiếp một giai điệu khác: “Hôm qua trời xuân bao tươi thắm - quy gót phiêu linh về quê nhà...”.
Khi ấy, tôi đâu biết những giai điệu mùa xuân đó đều là của những nhạc sỹ nổi
tiếng như Văn Cao, Hoàng Qúy. Và hơn nữa, các ông đều là người Hải Phòng.

Xuân về trên thành phố
cảng Hải Phòng
Năm năm sau, mùa xuân Canh Tý 1960, trước đấy vài tháng, các
anh chị tôi đều học đại học ở Hà Nội. Gần tết, tôi thấy mẹ cứ ra vào mong
ngóng. Thế rồi như luồng gió xuân, các anh chị tôi hiện ra trước cửa nhà, tươi
cười hớn hở. Tôi kịp thấy mẹ tôi quay đi lau nước mắt. Cả nhà lại chuyện trò
rôm rả như pháo rang. Đêm tân xuân như thường lệ, cả nhà quây quần nghe hát.
Nhưng lần này, không phải là những giai điệu của các nhạc sỹ, mà của chính anh
tôi sáng tác: “Khi mùa xuân về - lòng ai
đi xa mà không nhớ đến quê nhà - khi mùa xuân đến - lòng người mẹ hiền bồi hồi
chờ con về...”. Các anh chị tôi còn hợp ca một sáng tác nữa của anh tôi
mang tên “Mùa xuân đi khai hoang”: “Mùa
xuân đi khai hoang - lòng ta vui hân hoan - bầy chim như thúc dục ta cất bước
... có những chiều bên nương tay nhanh tay cấy cầy - Có những chiều mồ hôi ướt
đầm hai vai áo...”. Tôi nghe mà mê mẩn, cứ nép vào chị tôi mà sung sướng
như được đón nhận một món quà Tết không có gì thay thế được.
Năm năm sau nữa, mùa xuân Ất Tỵ 1965. Các anh chị tôi đã ra
trường, mỗi người công tác một nơi. Nhưng đến Tết thì lại cùng nhau trở về căn
nhà ấm cúng. Năm ấy, tôi đã là thanh niên. Sau nhiều năm toàn mặc đồ sửa lại từ
các anh, mẹ đã may cho tôi một bộ cánh mới và đan cho một chiếc áo len gai. Tôi
ra đường đón giao thừa cùng bạn bè rồi trở về xông nhà trong tiếng pháo đón năm
mới. Đó là năm sum họp cuối cùng của gia đình tôi, cũng như nhiều gia đình ở Việt
Nam. Chiến tranh lại ập vào Tổ quốc nhỏ bé và đau thương này. Tôi tham gia văn
nghệ nhà trường. Chúng tôi hát một hợp xướng mới của Hoàng Vân có tên “Thành phố
chúng ta - Nhà máy chúng ta”. Nghe và học hợp xướng, tôi mới thấy mùa xuân trên
cửa biển Hải Phòng là mùa xuân của một thành phố công nghiệp với những nhịp điệu
lao động độc đáo: “Trên sông Cấm khi
sương tan - đàn cò trắng bay sang sông - là khi chúng ta mừng vui đón xuân sang
- con chim én đưa tin vui - bay đi khắp quê hương ta - báo tin kế hoạch đã hoàn
thành...”. Sau này, nhà thơ Thanh Tùng mới giải thích cho tôi cái nhịp điệu
của hợp xướng chính là nhịp búa tàu. Khi ấy, nhà thơ làm công nhân ở xưởng tàu
3 - xưởng đóng tàu có nhiệm vụ bí mật đóng những con tàu cho đoàn tàu không số
âm thầm chở vũ khí từ Hải Phòng vào chi viện cho chiến trường miền Nam.
Những năm chiến tranh liên miên. Hải Phòng trở thành tâm điểm
đánh phá của máy bay Mỹ. Hải Phòng hầm hập một tinh thần chiến đấu như câu thơ
Đào Nguyễn (NSND Đào Trọng Khánh): “Hải
Phòng như một con tàu chở đầy thuốc nổ - Đi qua số phận mỗi con người”...
Gia đình tôi sơ tán sang khu hang đá Minh Tân - Thủy Nguyên. Tôi đi học đại học,
cũng sơ tán mãi Cẩm Khê - Phú Thọ. Có năm được về ăn Tết thì chỉ đi về tới Hà Nội,
ăn Tết cùng các anh các chị. Những năm ăn tết xa cửa biển Hải Phòng đã để lại
trong tôi một nỗi trống vắng khủng khiếp. Cái trống vắng gặm nhấm tuổi thanh xuân
đến ứa máu.
Mùa xuân năm Canh Tuất 1970, sau năm năm cách trở, gia đình
tôi mới lại có dịp sum vầy ăn Tết ở cửa biển Hải Phòng. Năm ấy, anh tôi lại
sáng tác bài hát mới: “Đào hé môi cười -
vẫy chào mùa xuân đến rồi - từ xa mấy cách chim trời - về với gió xuân biển
khơi - ơi cửa biển nhớ thương ơi - ơi thành phố mến yêu ơi - mùa xuân mang bao
ước mong - mùa xuân mang bao khát khao lòng ta...”. Cha mẹ tôi đã già hơn
nhiều. Các em tôi, cả những đứa sinh từ ngày giải phóng cũng đã lớn khôn lên
cùng thành phố qua bao thử thách khốc liệt của bon đạn chiến tranh. Lòng người
đã rắn lại qua thời gian. Nhưng mùa xuân, mùa xuân không cưỡng được thì vẫn
trào dâng dập dềnh trên cửa biển Hải Phòng, trên bến cảng quê hương tôi. Yêu
sao nhạc sỹ Hồ Bắc khi ông đã mang hết tâm hồn mình để lại cho đất Cảng “Trung
dũng, kiên cường” một giai điệu mùa xuân với nhịp điệu bến cảng Hải Phòng không
thể lẫn vào bất cứ một bến cảng nào khác trong nước và thế giới: “Khi xuân sang - trên bến cảng - đàn hải âu
tung cánh bay rợp trời - cảng của ta vui đón bao chuyến hàng - những chuyến
hàng bè bạn đi khắp nơi - những chuyến hàng Việt Nam gửi đi muôn nơi...”. Cả
một thời gian dài với nhiều mùa xuân chiến tranh đã được nhạc sỹ cô động vào đó
hoạt động sôi nổi của một bến cảng anh dũng và kiên cường: “Tuổi thanh xuân thiết tha trên bến cảng - ta đánh Mỹ nơi đây bao ngày
đêm - ta bám biển - ta bám bờ - cho những con tàu mau rời sang bến mới - cho những
chuyến hàng đi dựng xây đất nước...”. Hình ảnh của những người công nhân bến
cảng đã được tác giả tạc lên bằng âm thanh đầy ấn tượng:”Ơi cô gái - lái xe trên cảng - xe em bon nhanh và tóc em bay trên sóng
biển quê hương - anh công nhân bốc xếp - vai mang bao tấn thép như dũng sĩ biển
Đông vai sắt chân đồng...”. Nhờ những nỗ lực này, cửa biển Hải Phòng luôn
đón những mùa xuân mênh mạng niềm vui và tình yêu: “Cảng thân yêu ơi! Miền quê hương ta ơi! Tổ quốc đã trao cho cuộc đời
hôm nay - đầy sức sống tin yêu vì một ngày mai - mùa xuân - vang vang tiếng hát
- trên bến cảng quê ta trung dũng kiên cường - có những người công nhân bất khuất
anh hùng - biển ơi ta hát - hát lên - vì ngày mai”.
Tôi vào bộ đội, đi chiến trường bao năm. Những mùa xuân thống
nhất trở về. Giai điệu bài hát đã thấm vào tôi qua những thăng trầm cuộc đời,
khiến cho mùa xuân riêng tư của gia đình hòa quyện vào mùa xuân của thành phố Cảng
luôn thôi thúc trong tôi những cảm xúc dạt dào. Càng ngày, tôi càng thấm thía,
càng chia sẻ với thành phố quê hương mà nhà nhà thơ Đào Nguyễn từng viết: “Thành phố ăn nằm với biển - đẻ ra lớp lớp cần
lao”. Đúng vậy, Mùa xuân trên cửa biển Hải Phòng là mùa xuân của lớp lớp cần
lao, luôn mang hết sức lực của mình dâng hiến, xây dựng cho thành phố ngày càng
“đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Năm nào mùa Xuân, tôi cũng về Hải Phòng. Ngoài những
bận rộn gia đình, bạn bè, trước khi rời thành phố, tôi cũng muốn lướt qua con
đường cổng cảng một lần, như để gửi gắm vào đất một tin yêu, một trân trọng với
những con người cần lao mà nhờ họ, thành phố quê hương đã có một cái tên “thành
phố Cảng”, con người quê hương mới có tên là “dân đất Cảng” đầy tính cách chân
thành và thô tháp đáng mến phục.
Nguyễn Thụy Kha