Món Sam biển Hải Phòng
Trước kia, khi rời thành phố Cảng về du khách không quên mang theo chút quà của biển như tôm, cua, cá... chứ mấy ai biết đến sam bởi chúng là loại hải sản ít giá trị dinh dưỡng. Thảng hoặc có người hỏi mua sam nhưng chỉ để… chơi. Cũng chưa thấy có cuốn sách nào hướng dẫn cách chế biến sam thành món ăn.
Vậy mà gần đây, sam trở thành món đặc sản hấp dẫn đối với nhiều người, nhất là những người thích nhậu lai rai. Ấy là nhờ những người đất Cảng năng động, tài hoa, khéo chế biến sam thành các món ăn mang hương vị đặc trưng của miền biển.
Khi sam trở thành món đặc sản biển, nhiều nhà hàng, quán ăn chuyên dịch vụ về sam xuất hiện ở nhiều nơi trong thành phố. Nếu là người đất Cảng, hẳn không xa lạ địa chỉ "phố sam" Chu Văn An chuyên phục vụ các món ăn chế biến từ sam.
Chiều cuối tuần, các nhà hàng ở "phố sam" nhộn nhịp hơn những ngày thường. Khách hàng đến đây có dân chuyên nhậu mà các chủ nhà hàng đã quen mặt, một số gia đình có nhu cầu thưởng thức các món ăn mới lạ nhân ngày nghỉ cuối tuần, và cả những cựu học sinh của các trường THPT trong thành phố hẹn nhau họp lớp…
Sam là loài giáp xác, tính lạnh nên khi chế biến phải rất cẩn thận. Sam thường được giết mổ theo đôi, khi cắt tiết sam phải làm sao cắt thành tia mới không làm mất độ chát của thịt. Toàn bộ chân, vây, mai được vứt bỏ. Riêng phần gan, ruột sam được lọc bỏ, không để dính vào phần thịt. Người làm thịt sam chỉ sơ ý một chút là có thể gây hậu quả cho người sử dụng các món ăn từ sam như dị ứng hoặc đau bụng. Sau khi sam được giết mổ lấy thịt, các nhà hàng có thể chế biến được 14 món .
Phổ biến là các món súp, gỏi, trứng, nướng, xào sả ớt, chua ngọt, miến, cháo sam...Khách hàng có thể chọn món mình ưa thích hoặc đặt trọn tiệc sam, bắt đầu từ món khai vị là súp sam cho đến khi kết thúc tiệc bằng miến xào hoặc cháo sam.
Chế biến các món sam luôn đi kèm với các gia vị cay, chua, nóng như riềng, sả, ớt, dấm; rau gia vị đặc trưng như lá lốt, hành, răm, thì là. Trong số các món chế biến từ sam, hấp dẫn và được nhiều khách ưa chuộng nhất là món sam nướng, sam xào chua ngọt.
Để chế biến món nướng, cả con sam chỉ lấy được 4 miếng thịt phần cơ vì thớ thịt dai và nở xòe như hoa. Thịt sam được nướng trên than hoa đến khi vàng óng, dậy mùi thơm nhưng không cháy. Món xào chua ngọt lại có đặc trưng bởi vị chua, cay, mặn ngọt đậm đà...
..."Sự tích về loài sam là câu chuyện về một cặp vợ chồng nghèo yêu thương nhau hết mực. Một hôm người chồng ra khơi với bạn nghề. Không may có một trận bão rất lớn nổi lên giữa lúc họ đang thả lưới. Không một người nào thoát khỏi tai nạn. Người vợ lòng đau như cắt, bỏ nhà ra đi, hy vọng tìm thấy chồng. Bà cứ theo bờ biển đi, đi mãi. Trải qua hai ngày đến một hòn núi lớn. Bà trèo lên rồi vì mệt quá ngủ thiếp dưới một gốc cây. Thần cây cảm thương, trao cho bà một viên ngọc và bảo: 'Ngươi hãy ngậm viên ngọc này vào miệng thì sẽ bay qua được biển để gặp chồng. Nhưng phải nhớ là nhắm mắt ngậm miệng kẻo rơi ngọc mà nguy đó."
Ông cụ nói xong biến mất. Người vợ lấy ngọc ngậm vào miệng và nhắm mắt lại. Thốt nhiên trời bỗng nổi gió ù ù. Được một lúc sau trời yên gió lặng, bà mở mắt ra thì thấy mình đang đứng trên một bãi cát và phía xa là người chồng. Mừng vui khôn xiết, hai vợ chồng hàn huyên một hồi lâu rồi mới tính chuyện trở về làng cũ.
Người chồng ôm ngang lưng vợ để vợ đưa qua biển cả. Lòng người vợ sung sướng không thể nói hết nên đã quên mất lời của thần Cây dặn. Miệng mắc ngậm ngọc nhưng bà vẫn cố hỏi chuyện chồng. Đột nhiên viên ngọc văng ra giữa không trung. Bà chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi cả hai vợ chồng đều sa xuống biển. Rồi họ hóa thành những con sam. Ngày nay, những con sam thường đi cặp đôi ở dưới nước, lúc nào con sam đực cũng ôm lấy con sam cái như khi chồng ôm vợ để bay qua biển..."
Nhâm nhi thưởng thức món sam trong men cay nồng của rượu lại được nghe câu chuyện truyền thuyết về sam như vậy còn gì thú vị bằng!
(Sưu tầm)