Mỗi bài hát là những kỷ niệm với quê hương và con người đất Cảng
Mỗi bài hát là những kỷ niệm với quê hương và con người đất Cảng


Mỗi bài hát như gắn liền với một kỷ niệm, một sự kiện nào đó về con người về một miền đất quê hương.Tôi đã viết khá nhiều bài hát về Hải Phòng, từ những làng quê  ở ngoại thành như Tự hào quê hương chúng tôi (Kiến Thụy), Gặp em ngày hội (Thủy Nguyên), “Tiếng hát từ đảo quê tôi (Cát Bà) hay viết về người làm gạch, làm thủy tinh Viên gạch nhỏ mang tình em, Lời cát trắng, về chiến sĩ công an, người làm bưu điện.v.v… Nhưng tập trung và viết nhiều vẫn là về Biển và Thủy thủ viễn dương. Và có một lý do nào đó như tiền định, tôi đã dành nhiều tình cảm khi viết về Biển và thành phố Cảng Hải Phòng, có lẽ đó là nơi đầu tiên tôi nhìn thấy biển và những con tàu đi biển xa.Vì viết nhiều nên có người cho rằng tôi là người Hải Phòng hoặc tôi có một tình cảm sâu nặng với ai đó! 

                           
Sau những ngày Hòa bình 1954, Hải Phòng là một Cảng biển lớn trên miền Bắc nước ta, nhưng vẫn là một thành phố nhỏ, với những cây cầu, những ngõ, phố thân quen, với những cây cầu, những ngõ, phố thân quen, với hững địa danh Sông Cấm, Xi măng, Cầu Rào, Cầu Đất…Người lao động còn làm ăn vất vả, đời sống khó khăn. Đặc biệt khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, cùng với  Hà Nội, Quảng Ninh , Hải Phòng là trọng tâm đánh phá ác liệt của chúng.

Văn nghệ sĩ trong đó có các  nhạc sĩ chúng tôi đã lên đường vào  các tuyến lửa khu 4 cũ, có mặt ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Cảng Hải Phòng vẫn sống trong nhịp vào ra của những con tàu. Như một vườn hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thành phố biển xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong lao động và chiến đấu. Thế đứng, tầm nhìn, phẩm chất cao đẹp của quân và dân thành phố Cảng được ghi lại trong các ca khúc như Bến Cảng quê hương tôi (Hồ Bắc), Hải Phòng đất Cảng thân yêu (Tân Huyền), thành phố chúng ta, nhà máy chúng ta (Hoàng Vân), Thành phố Hoa phượng đỏ” ( Nhạc Lương Vĩnh, lời Hải Như) cùng nhiều bài hát khác còn mãi trong lòng người Hải Phòng, sống mãi cùng tháng năm.

Chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ đã tới đỉnh điểm của sự hủy diệt. Ngày 16-4-1972  đé quốc Mỹ dùng máy bay B52 ném bom xuống An Dương, Hải Phòng làm hàng nghìn  người chết và bị thương. Tin tức đó làm cho mỗi người chúng ta đau đớn và căm giận; nhưng cũng có một sức mạnh nào đó thúc giục chúng ta kiên cường đứng dậy, giữ vững biển trời quê hương.

Bài hát: “Thành phố của em” đã được bắt đầu từ những cung bậc hào sáng và chan chứa tình người với lời ca:

Thành phố này khi anh xa em

Lòng ước hẹn nhiều năm nhớ về cửa biển.

Thành phố này khi anh xa em

Vẫn đẹp như người yêu ước hẹn.

Hải Phòng ơi! Hải Phòng

Thành phố của chúng ta

Mãi sáng ngời trên biển cả bao la…

Bài hát hoàn thành ngày 20-4-1972. Tôi hát cho hai  người bạn là nhạc sĩ Chu Minh và Dương Phú nghe mà  không giới thiệu trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam. Xem như như một kỷ niệm, một tình cảm với Hải Phòng.

Sau năm 1975, tôi hát cho các bạn, các nhạc sĩ Hải Phòng nghe. Chính anh Nguyễn Kim – nhạc sĩ Hải Phòng quê gốc Hà Nội có công trong việc phổ biến rộng rãi bài hát này. Hơn 30 năm sau “Thành phố của em” vẫn được người Hải Phòng đón nhận như chính tình cảm của họ. Tôi đã vui sao khi mỗi lần về Hải Phòng, có người gặp tôi đã thay lời chào bằng câu hát trong bài hát Thành phố ấy bát ngát màu nắng, bát ngát tiếng cười và cảm ơn tôi đã vẽ bằng âm nhạc hình ảnh một Hải Phòng ung dung tự tại, lạc quan. Người khác lại hát Tôi vẫn mơ/ tôi vẫn mơ về thành phố ấy có đôi mắt em dịu hiền và hỏi vui: “Ông bí mật thế. Em có đôi mắt như thế ở đâu rồi”? Năm 1984, các đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Phòng mời đoàn nhạc sĩ đi thực tế sáng tác, đoàn gồm các anh Huy Du, Hoàng Vân, Tân Huyền, Trần Chung, Chu Minh, Hồ Bắc và tôi. Sau chuyến đi ấy, Huy Du viết Nhớ về cửa biển. Anh Hoàng Vân viết “ Nhật ký thủy thủ”. Còn tôi viết tiếp các bài Chiều xa thành phố Cảng và Tiếng hát từ đảo quê tôi.

Bài hát Chiều xa thành phố Cảng được bắt đầu từ câu chuyện của người vợ thủy thủ viễn dương. Chị kể: Mỗi lần đi xa của chồng chị  thường là  một vài tháng. Lúc ở những vùng biển Bắc Âu đầy tuyết trắng, lúc ở châu Phi nắng cháy xa xôi. Qua muôn trùng sóng, gió anh chị vẫn nhớ về một chiều chia xa trên bến cảng quê nhà, nhớ về những người thân.

Tôi viết trong những xúc cảm lãng mạn, nói về nỗi nhớ nhung của lứa đôi nhưng gắn liền với những hình ảnh thân thuộc của thành phố biển, nên bài hất như một lời tâm tình vượt lên những ủy mị. Lời ca có đoạn như sau:

“Chiều xa bến cảng, chiều xa thành phố.

Anh đi biển trời xanh những ước mơ

Nhớ thành phố biển rực hoa phượng vĩ

Lưng trời khói trắng thắm tình quê nhà…

Và cũng trong chuyến đi thực tế sáng tác năm 1984, lúc đó anh Đoàn Duy Thành là bí thư trong câu chuyện với chúng tôi, anh nói về  chủ trương của lãnh đạo, muốn xây dựng Hải Phòng trở thành một thành phố công nghiệp tiên tiến, hiện đại, xây dựng cảng lớn ở Chùa Vẽ, làm đường xuyên đảo từ Đình Vũ tới Cát Bà và chúng tôi được đi thực tế tới Cát Hải- Cát Bà. Được đi trong vịnh Lan Hạ những đêm trăng, những ngày nắng đẹp, thấy những cảnh đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, được gặp những người lao động, những người dân, và nhiều gia đình đã sống gắn bó với đảo qua nhiều thế hệ. Ý tưởng tôi nghe, thực tế tôi nhìn và cảm nhận ấy ngay sau đó được thể hiện trong bài hát Tiếng hát từ đảo quê tôi.

Bài hát được bắt đầu với hìnhảnh biển trời cao rộng và niềm tự hào về quê hương, với lời ca:

Tiếng hát ai, ngân nga trên sóng

Tiếng sóng xô mênh mang biển trời quê ta

Thuyền bồng bềnh trôi trong tiếng hát

Thuyền bồng bềnh trôi theo con sóng.

Gió đưa thuyền ta đi xa

Gió mang tình ta bao la.

Ới a ới a- thuyền ai lướt trôi

Có nghe tiếng hát từ đảo quê tôi…

Những bài hát của tôi là những kỷ niệm với quê hương và con người đất Cảng trong lao động dựng xây; là sự ghi nhớ về tầm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hải Phòng trong việc lôi cuốn các nhạc sĩ tạo ra sản phẩm âm nhạc về thành phố Cảng, hỗ trợ đắc lực cho việc tuyên truyền, cổ vũ tình yêu, trách nhiệm với Hải Phòng. Đó cũng là tình cảm thân thương của tôi dành cho bạn bè và khán thính giả đất Cảng- những người đã nhớ đến những bài hát của tôi và đón nhận nó cho dù năm tháng đã tôi qua../.

Văn Dung

(Hội Nhạc sĩ Việt Nam)

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố